.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật  | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

Trường sa và người lính Địa phương quân

Khoảng những năm 70, 71, 72 khi đang học ở Sài Gòn, thỉnh thoảng Thành hay về thăm quê vài ba ngày vào dịp cuối tuần cộng những ngày lễ của quốc gia như lễ Quốc khánh, lễ Hai Bà Trưng, khi tất cả các trường trên toàn miền Nam đóng cửa để nghỉ lễ. Nghỉ vài ngày dưới quê, cũng làm người học trò thành phố như có thêm “nhiệt” để trở về Sài Sòn mà cố gắng học hơn.

Quê Thành là một làng cạnh biển, nhưng chỉ chừng hai ba cây số đã có những cánh đồng trồng lúa rộng mênh mông. Lội bộ khoảng nửa giờ trên những con đường đất, qua những đồi cát trắng, những ngôi mộ, rừng chồi miền biển, dưới tầm nhìn sẽ là những ao sen, cây bình bát, những bụi cây và cánh đồng lúa lúc xanh lúc vàng tùy theo mùa. Nhưng vào thời này, Thành không còn làm theo như thời nhỏ dại nữa là sẽ cùng các bạn đi chăn bò không công cho người ta, bắt cá đồng nướng, bắt cá lia thia về đá vào những ngày cuối tuần trong những ngày hè, nghỉ học dài hạn. Bây giờ ở tuổi 16, 18 Thành chỉ còn về quê là để thăm cha mẹ, chị em, bà con làng xóm.

Bạn bè dưới quê bây giờ cũng vậy, đã thay đổi hết rồi. Thành nghe tin có thằng đi lính Biệt Động Quân, nhưng cũng có thằng vào rừng làm "cách mạng". Chưa biết ngày sau sẽ ra sao, nhưng đường ai người nấy cứ đi. Còn riêng Thành được học, cứ học. Cũng không ngờ được, chỉ khoảng chín mười năm trước đây, chín mười tuổi, cùng học cùng chơi, cùng bị thầy đánh đòn vì một tội chung nào đó, giờ hai thằng, bốn thằng đã đứng hai bên chiến tuyến, gặp mặt có thể nổ súng bắn nhau như thường.

Mỗi khi nghỉ học về nhà, thú vui nhất của Thành là trưa đi tắm biển, nhưng không như hồi nhỏ cùng lũ bạn bơi sát cạnh những chiếc xuồng đang neo, leo lên xuồng nhảy cắm đầu xuống nước, rồi bơi vòng lại leo lên, hay lấy những miếng ván nhỏ trên xuồng đem xuống để lượn với sóng biển, nằm trên những con sóng lớn từ xa đánh ụp đẩy vào bờ. Bây giờ lớn rồi, Thành ngại nơi ồn ào nên thường đi khỏi làng một chút, về phía núi, xa nơi làm biển. Xa những chiếc xuồng đang đậu trên bờ sau một ngày đi làm về. Xa những chú bác anh chị đang ngồi trên những chiếc xuồng để vá lại lồng lưới vừa rách, chuẩn bị lưới cho ngày hôm sau, ra khơi đánh cá. Nằm một mình trong dòng nước, ngâm mình trong làn nước biển, Thành như có ít giờ phút thoát khỏi sự ràng buột với đời sống, ít ra là thoát khỏi không khí ồn ào ở thành phố và những bài học ở trường. Xa xa trước mặt là dãy núi màu đen đậm, xen lẫn trong núi có những tảng đá thật lớn màu trắng. Sau lưng là làng chài lưới của Thành, những mái tranh mái ngói đỏ khít khao và những chiếc xuồng, chiếc neo trên nước, chiếc đậu trên bờ, với những cây cờ hiệu màu đen trắng, hình ảnh rất quen thuộc, rất quê hương, mà khi nhắm mắt lại vẫn như thấy rõ ràng trước mặt. Thành không vẫy vùng bơi lội như thuở nhỏ, anh chỉ trầm mình trong nước, vẫy tay nhẹ nhàng trên ngọn sóng nhỏ, bờ môi thắm mùi mặn của nước biển, và nhận biết đây là quê nhà.

Khi trời xế bóng, Thành đi dạo thăm nhà những người dì, người cậu đang làm biển. Hỏi thăm gia đình cậu dì lúc này làm ăn ra sao, biển cả thế nào. Cậu dì, người quê mùa, biển giả, hiền thục chân chất, có sao nói vậy. Xổng, xuồng đánh cá, ngày được ngày không. Bạn đi biển, người nghèo không có tiền cứ phải cầm lưới, cho con đi ở. Chủ xuồng, người làm lên, làm thêm xuồng mới, lại thêm muối cá đi bán ở Sài Gòn... “Thành, mày về chơi bao giờ mới đi?...Biển cả bây giờ làm ngày nào ăn ngày nấy thôi con à!... Trời mấy bữa nay thổi quá, xuồng nằm bờ hết!... Thằng Hải con thằng Tám vừa bị chết đuối tuần trước, mày có hay chưa?...”. Qua những lời cậu dì kể Thành cũng có được bảng tóm tắt tình hình ở làng.

Những năm này, ba má đã lớn tuổi, ông bà để quán lại cho người chị Hai của Thành, vừa làm thợ may, vừa buôn bán. Ba về trên thị xã ở với chị Ba đang làm cô giáo dạy tiểu học. Hằng ngày ông vô khu vườn của ông để trồng những cây táo, ổi bom, mãng cầu, mít, bắp, khoai… mãi chiều mới về nhà. Do giặc giả, ông bỏ khu vườn rộng ở dưới quê mà ông đã đổ ra biết bao nhiêu tiền bạc và công sức để săn sóc, trồng trọt, bây giờ trắng tay. Nay, mảnh vườn nhỏ nằm ranh thị xã, còn an ninh, ông lại lần nữa trút xuống những lao lực sau cùng, với hy vọng có được hoa trái sau này cho con cháu, cũng có thể là mảnh đất sẽ ôm thân xác ông, nếu một ngày nào đó cái chết đến bất chợt với ông nơi đây. Má ở với chị Hai, phụ giữ nhà khi chị đi chợ hoặc bán hàng. Thỉnh thoảng má mua cá biển, ngồi xe đò 15 cây số lên thăm chồng con, nấu cho chồng con một buổi cơm với cá biển tươi. Sau đó lại quẩy vài trái mít, chục bắp từ vườn ba về quê cho chị Hai.

Thời này dưới quê đã lộn xộn, nên chiều tối Thành hay chạy xe Honda về nhà chị Ba trên thị xã để ngủ, sáng mới chạy xuống làng lại. Bạn bè, thằng tình nguyện đi Việt Cộng, thằng bị bắt đi dân công, muốn trốn về mà trốn chưa được, nghe nói có thằng đã bị bắn chết... Nhiều chuyện quá, nên bà già và chị Hai không cho Thành ngủ lại đêm ở dưới làng. Lỡ có chuyện rồi sao. Làm sao mà đi học lại được. Chịu khó về trên chị Ba mày ngủ đi con, sáng mai rồi xuống. Má Thành hay kêu như vậy khi trời gần chiều.

Về nhà hai ba ngày vào những ngày lễ lộc thường Thành hay ở nhà với bà già. Phụ chút gì được cho má Thành phụ. Rảnh rang Thành sang thăm những nhà hàng xóm chung quanh. Ông bà Bổn, làm nghề đẻo đòn gánh ở căn nhà lợp lá dừa xéo xéo trước nhà Thành. Ngày nhỏ khi chơi trò bắt cứu, Thành hay chạy quanh nhà ông bà để đi trốn. Hai ông bà không có con, ở với nhau mấy chục năm trời. Bà trắng hồng còn ông thì đen đúa, cả hai đều còn khoẻ mạnh. Ông hút thuốc dấn, răng rụng gần hết, có hai cái răng cửa lớn màu vàng khói thuốc nhô ra ngoài. Ông để râu dài, lưa thưa, khi cười Thành thấy nét ông rất nhân hậu.

Nhà bà Ba ngay trước nhà Thành, bà ở với đứa con gái, thím Mười Quăn, và các cháu, chuyên nấu chè đi bán: Chè đậu xanh, chè bông cỏ hột lựu. Cứ buổi trưa sau giờ cơm, thím Mười và các cô con gái, mỗi người với một chiếc nón lá, một gánh chè, túa đi ra các con đường làng để bán, chỉ còn bà Ba ở nhà lo dọn dẹp. Cô Tám cạnh nhà mé bên phải, chuyên xẻ cá phơi khô và làm kẹo dừa, người làng hay kêu là cô tám Kẹo.

Nhà thím Bảy (cứ kêu vậy chớ không có bà con) phía trước, xéo nghiêng nhà Thành, có con đi biển kiếm cá, có con vào đồng làm ruộng kiếm lúa. Chú Bảy chết lúc Thành khoảng mười tuổi. Chú bị ho lao, mấy năm mới mất. Những ngày chú mang bịnh ho lao, thời tiết buổi sáng mùa đông ở làng hơi lạnh. Chú ra khỏi nhà hơi sớm, lấy rơm nhúm lửa đốt lên, một mình ngồi sưởi, cạnh mấy con bò. Thành và vài thằng bạn, vừa thức dậy, hể cứ thấy chú Bảy đốt rơm là đến gần, ngồi chồm hỗm, hai bàn tay úp lại kẹp giữa hai đầu gối chân, vừa ngồi hơ cho ấm vừa phụ chú lấy rơm bỏ vô lửa. Lửa cháy bằng rơm đỏ rực, nhưng cũng đầy khói. Buổi sáng yên gió, khói bay theo một đường thẳng lên cao. Mặt chú trắng bệt. Thân thể ốm nhom. Thỉnh thoảng chú khạt một cục đàm xanh rì ra trên trên đất. Biết chú bịnh ho lao nhưng không ai sợ để tránh xa, vì thấy chú cứ ở trong nhà với vợ con, chớ có đi ở riêng ở nhà thương đâu. Những ngày chú còn mạnh, cuối tuần, sáng sớm Thành hay nhảy lên xe bò với các con của chú để vô ruộng. Vô đến ruộng vườn chú, tụi Thành và mấy đứa con trai của chú mặc sức mà chơi những trò chơi đồng quê, đến trưa chú kêu cho ăn cơm. Dưới các ao, lúc này ốc ruộng nằm đầy nhưng không ai bắt ăn, cua đồng cũng không thiếu gì trong các đám ruộng. Nếu bắt ăn tụi Thành thường bắt cá lóc cá rô, để nướng với rơm. Còn chơi, trên cây đầy những con bọ rày, cứ bắt cột dây rồi cho bay vòng vòng dưới những cành cây. Tình cảm với chú đã có từ trước, nên hôm chú mất Thành cũng rất buồn. Dì Bảy ở vậy nuôi con từ đó đến nay.

Bác sáu Hợi, cạnh bên trái nhà Thành có chiếc xe đò chạy chở khách từ làng lên quận và ngược lại. Bác già rồi, xe để cho con trai chạy. Bác bị mỏi gối, dân tài xế mà, nên bác cũng hay kể những chuyện tình lăng nhăng hồi còn làm tài xế chạy xe, cho vài người đang ngồi trong quán nghe. Khi đến quán ba Thành uống nước giải khát, uống cà phê, bác hay gát luôn hai chân lên bàn. Bàn chân cạnh ly cà phê, bác giành luôn một bàn. Lâu dần cũng quen nên ít ai nói gì. Không bao giờ Thành nghe ba Thành phàn nàn về việc này. Với người làng thì không nói làm gì, ngay cả chiều chiều, khi có các anh chị đào kép cải lương vào quán ba uống nước, ở một bàn khác bác Sáu vẫn để chân trên bàn. Hồi đó, đào kép về làng Thành hát, thường họ cũng nể dân làng lắm, vì biết dân làng đúng là dân mê cải lương, và cũng là nơi đã sản sinh ra được Thanh Sang, đang hát trên những đại ban ở Sài Gòn như Dạ Lý Hương, với vai Kiêm Sư Mao Tạ Tốn, Thanh Sang nhận được cả Huy Chương Vàng.

Chị Hai của Thành kể, hồi nhỏ Thanh Sang lớn hơn chị vài tuổi, nghỉ học sớm, cùng đi kéo lưới dùn và chia cá với chị mỗi ngày. Lưới dùn ở quê Thành là tấm lưới rất lớn. Xuồng chạy bỏ ngoài xa, chỉ đem hai đầu vô bờ, cách khoảng 50 đến 100 mét. Mỗi đầu chắc cũng có khoảng 15 đến 17 trai gái trẻ và người lớn cùng kéo tấm lưới khổng lồ này vào bờ. Hồi đó cá gần bờ nhiều, người sắm lưới dùn có ăn, sau này cá ít, lưới dùn đã bị dẹp hết. Nhà Thanh Sang ở cạnh rạp hát, Thanh Sang có giọng ca hay, lại đẹp trai nên sau đó đã đi theo đoàn hát khi có một người nào trong đoàn cải lương rủ rê. Được tổ cải lương đải Thanh Sang lên như diều gặp gió. Mỗi lần đoàn hát có Thanh Sang về hát, bà con đi coi chật rạp, bầu gánh rất vui. Một lần đoàn Song Kiều có Thanh Sang làm kép chánh về, Thành được cùng ông bà già coi Thanh Sang hát trong dịp này. Lúc này Thanh Sang đã có vợ, cô cũng là đào chánh trong đoàn hát, rất đẹp. Nghe kể nghệ sĩ Thanh Sang rất bình dân, sau giờ hát, thường ra thăm các bạn cùng thời đi biển hồi nhỏ và nhậu cũng không thua gì các bạn dân biển.

Quán chị Hai của Thành bây giờ bán chủ yếu là cà phê, nước chanh, nước ngọt Xá xị, Limonat và bánh kẹo, như bánh tiêu, bánh hạnh nhơn, kẹo mè thửng…Còn ăn chính hình như chỉ có hai món là trứng gà ốp-la ăn với bánh mì và mì gói trụng nước sôi. Nhưng hai món ăn thường là bán cho lính. Những anh lính Địa Phương Quân, sau một đêm nằm kích giặc, sáng ra, trước khi di chuyển nơi khác hoặc về đồn hay tạt qua quán chị Hai uống ly cà phê, ăn một tô mì hay dĩa hột gà ốp-la với bánh mì. Các anh lính ít khi trả tiền mặt, chỉ ký sổ, tới đầu tháng lãnh lương thường các anh tự đến trả, nhưng có những trường hợp chị Hai phải đi đòi. Người thiếu cứ thiếu, người bán cứ bán và cứ trả cứ đòi mỗi đầu tháng. Cho đến ngày 30 tháng 4 nghe chị Hai nói nhiều người lính còn thiếu nợ chị, nhưng tan hàng hết rồi giờ biết các chú lính ở đâu mà đòi.

Ngồi tụm năm tụm ba quanh bàn uống cà phê, Thành nghe có anh tâm sự với chị Hai: “Đầu tháng, trước khi đi ra đảo em cố gắng thanh toán tiền thiếu với chị. Đổi ra thay thế ở đảo Trường Sa tới ba tháng lận. Chừng nào trở về còn đóng quân ở đây thì nhờ chị lại”. Chị Hai hay vã lã để làm vừa lòng khách, nhưng lòng mình lúc nào cũng lo: “Nếu không có tiền chú cứ đi đi, mai mốt về lại đất liền rồi trả cũng được. Ở đảo có gì đâu để tiêu xài, sau ba tháng về lại đất liền các chú dư tiền nhiều lắm, lúc đó trả chị cũng được”. Còn những anh lính đã đi Trường Sa về kể lại, ở ngoài đảo thiếu vợ, thiếu rau hay thiếu cái gì chớ trứng chim không thiếu. Chim biển đẻ trứng, lấy ăn không hết.

Thành với những anh lính Địa Phương Quân này, tình cảm không dồn dập nhưng cũng không thấy xa cách. Các anh là quân nhân, gió sương chết chóc đã thử đã qua. Quần áo các anh đồng một màu xanh rừng núi, lỉnh kỉnh đạn súng đầy người. Các anh có những phút giây vui đó, cười nói hớn hở đó, nhưng rồi có thể lại buồn ngay vì hay tin người bạn nào đó vừa chết trong một trận bị phục kích. Các anh tìm làm quen, yêu các cô gái địa phương vội vàng, vì sợ ngày mai phải đổi đi nơi khác, hay cũng không còn có dịp nữa nếu đêm nay phải nằm xuống cho quê hương! Còn Thành là học sinh, quần xanh áo trắng, trên mình với cuốn tập cây viết và những mối tình học sinh cỏn con, e ấp. Cuộc sống bình yên ở thành phố. Tự màu áo và sinh hoạt đã có sự cách biệt. Dù từ nhỏ, sống ở làng, Thành đã trải qua những lần đồn của các anh lính Địa Phương Quân bị địch tấn công. Tiếng súng đùng đùng. Khi vang vội chác chúa liên tục, khi lẻ tẻ. Tiếng đại bác được bắn từ quận, bay ngang nhà dân kêu réo réo, đến rớt ở cuối làng, nổ một tiếng ầm, thật lớn. Nằm dưới hầm, nhưng khi nghe vẫn giật mình. Hoả châu soi sáng trên những đồn đang bị đánh suốt đêm. Sáng ra mới biết, các anh ở đồn xóm dưới đã sống qua một đêm thử lửa với địch. Có khi trong đêm nghe tiếng súng vọng về từ xa xa, sáng ra mới hay tin đồn xóm trên lính đã bị giết hết. Thành đến xem thấy bao cát xanh quanh đồn bị rách tung toé vì đạn, vết máu còn để lại màu trên cát biển quanh đồn. Tuổi trẻ và chiến tranh cứ thay nhau đi vào cuộc đời và tiềm thức Thành. Như cuốn phim cứ quay và cứ để vào hộc tủ. Có dịp sẽ lấy ra xem. Thời nhỏ, Thành cũng đã có lần thấy xác chết của lính Địa Phương Quân, thấy bao lần xác chết của phe bên kia. Dù vài lần nhưng cũng đủ hình thành trong đầu Thành những dâu bể, tang thương của một đất nước trong chiến tranh. Tuổi thơ Thành, màu áo lính thấy rất thường, còn màu áo Việt Cộng, thì thỉnh thoảng, khi họ về làng sớm, qua ngang nhà dân vào những buổi chiều còn ánh mặt trời. Vùng sôi đậu. Khi thấy họ về, mọi nhà đều lo đóng cửa sớm chuẩn bị xuống hầm, vì sợ hai phe đụng lộn bất thình lình.

Và vì thế, để giữ Trường Sa các người lính Địa Phương Quân thời trước bảy mươi lăm cứ thay phiên nhau. Ba tháng ở đảo, rồi vào đất liền, đổi ca. Và chị Hai của Thành trong lòng cứ lo những món tiền thiếu chưa thanh toán trước khi các anh lính ra đảo. Nói nào ngay nhờ các anh lính, chị cũng buôn bán được và chuẩn bị được ít vốn liếng cho gia đình sau cuộc đổi đời bảy mươi lăm.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, khi là người lính trở về, Thành đã nhờ hai chị rất nhiều. Chị Hai lúc nào cũng cho tiền cậu em sài, còn chị Ba thì lo cơm nước. Thấy em thua thiệt, chị Hai chịu không được nên cho tiền để em sài và mua mua sắm đồ cần dùng. Còn đường sữa, nhu yếu phẩm thời Bao Cấp chị Ba lãnh về, đứa em cũng ké được đôi chút. Ba má đã lớn tuổi, cũng sống nhờ với gia đình hai chị. Chị Hai cứ tiếp tục may vá, bán quán với má. Chị Ba cứ dạy học, làm vườn thêm với ba, cuộc sống gia đình cứ thế mà trôi đi trong những ngày khổ này. Sau đó Thành, qua những ngày đầu vất vả, cũng tìm được việc làm để tự lo cho mình trong tình trạng đất nước chưa thấy có chút ánh sáng nào.

Còn một vài cô bạn gái dưới làng của Thành có chồng là lính Địa Phương Quân, sau ngày tan hàng đã theo về quê chồng. Thành nghĩ, chắc các cô cũng phải chịu một nắng hai sương bên nhà chồng, vì chồng là lính. Cũng có vài anh lính ở lại quê vợ, làm biển tạo dựng gia đình bằng những lần ra khơi đánh cá. 

Sau bảy mươi lăm vài năm, ngồi xem truyền hình trắng đen 9 inch trong nhà chị Hai, thấy Thanh Sang, vai Thi Sách, hát với Thanh Nga trong vỡ tuồng Tiếng Trống Mê Linh. Giọng Thanh Nga sang sảng khi nói với những người Tàu đang xâm lăng VN: "Hỡi lũ giặc xâm lăng….”. Lúc này Thanh Sang đã quá nổi tiếng rồi, trên đoàn Thanh Minh Thanh Nga, trong những vở tuồng như Bên Cầu Dệt Lụa, vai Trần Minh, vở Kiều Nguyệt Nga v.v… đã làm khán giả nức lòng khen ngợi. Sau đó Thanh Nga bị giết ở Sài Gòn sau một đêm hát mà ai cũng biết. Đám tang Thanh Nga, qua báo, qua truyền hình Thành thấy Thanh Sang đã khóc.

Ôi, không bao giờ hy vọng làng quê Thành sẽ có một Thanh Sang thứ hai nữa nếu ngày nào Thanh Sang hiện nay không còn nữa, nhưng Trường Sa hy vọng mãi mãi là của Việt Nam, sẽ không bị mất và các anh lính, thời nào cũng vậy, phải thay phiên nhau mà ra bảo vệ vì đó là của đất nước mình. Ngày trước ra đảo, rảnh rang đi hốt trứng chim mỗi ngày, bây giờ chắc không còn được như vậy, mà từng giờ từng phút phải coi chừng tàu lạ, bỗng dưng ở đâu từ xa lù lù kéo đến.

Vũ Nam (Germany)

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.