.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật  | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

Trên những triền đồi

Một năm đã qua, ngày hè lại đến. Xin mượn diễn đàn Website này để viết lên đôi lời cám ơn đến các Sư Cô của chùa Làng Mai, khi chúng tôi từ nơi xa xôi đến Làng, trong buổi chiều mặt trời sắp khuất, gió chiều bắt đầu thổi, dù ngày hè, và những lời trò chuyện của các cô đã làm lòng chúng tôi lắng đọng, yên tâm, thâm nhập tình yêu thương của con người, còn hơn cả một lần ngồi và tụng một thời kinh.

 

Đọc bài Chùa Làng Chùa Thị ở Việt Nam bỗng dưng tôi có ý định viết về vài ngôi chùa ở quê nhà và ở ngoại quốc mà tôi có dịp viếng thăm.

 

Mùa hè năm 2010, vợ chồng tôi và vợ chồng một anh bạn bất thình lình nảy ý đi nghỉ hè ở vùng Bordeaux. Định đi đến bãi biển miền nam nước Anh nhưng sợ lạnh, dù là đang mùa hè, vì xem thời tiết thấy nước Anh đang có mưa và khí hậu xuống thấp. Đi biển mà không tắm biển được cũng uổng một lần đi. Vì thế chúng tôi quyết định đi vùng miền nam nước Pháp, mé biển Đại Tây Dương, hy vọng được đắm mình trong sóng biển Đại Tây Dương thơ mộng, từ lâu đã nghe nhưng chưa bao giờ thấy tận mặt. Địa Trung Hải chúng tôi đã đi vài lần rồi. Monaco, Nice, Marseille.... chúng tôi cũng đã có dịp một lần đi qua. Biển Adria giữa Ý và Croatien cũng đã đến thăm. Thăm bạn ở đó, rồi thăm biển Adria luôn. Biển Hoà Lan, Đan Mạch thuộc biển Bắc cũng đã nhiều lần bơi lội trong dòng nước…lạnh, dù trời đang mùa nắng nóng.

 

Mấy năm trước tôi và gia đình cũng có đến nghỉ hè ở vùng Tây Bắc nước Pháp, nơi gần con đường hầm chạy dưới biển giữa Pháp và Anh. Nước biển ở đây không sạch, ít người tắm, dù không khí tốt, gió thật mát nên cũng đáng để một lần đến đây du lịch. Nơi đây còn đầy những lô-cốt to lớn của Đức thời Hitler, màu xanh đậm, nằm lù lù dọc ở bãi biển. Nhìn những lô-cốt, tôi nghĩ đến trận chiến thế giới lần thứ 2, đầy kinh hoàng, chết chóc, và cuộc đổ bộ ở Normandie của quân đội đồng minh mà tôi đã thấy được ít nhiều sự kiện lịch sử này qua cuốn phim Ngày Dài Nhất.

 

Trở lại vụ đi Bordeaux. Trước khi đi tôi vào Internet lấy nhiều tư liệu về thành phố, làng mạc, Hotel, Camping của thành phố Bordeaux và các vùng lân cận, nhất là vùng biển vịnh Arcachon. Tôi còn ra ADAC xin những bản đồ đường đi bằng đường làng, xa lộ v.v... Và một điều không thể quên được là mang theo địa chỉ một ngôi chùa ở Bordeaux và Làng Mai mà một anh bạn đã có dịp về đây nhiều lần đã cho chúng tôi, có cả số điện thoại.

 

Sau một đêm vừa ngủ trên xe, vừa ở khách sạn trong thành phố Bordeaux, sau gần một ngày đi dạo chơi trên bải biển ở Arcachon, chúng tôi đến Làng Mai khi trời gần chiều. Trời mùa hè, xe chạy trên những con đường làng ngoằn ngoèo qua những ngôi làng quê hẻo lánh, qua những triền đồi, cánh rừng, đồng cỏ và những cánh đồng hoa màu với những màu vàng còn tươi sắc điểm trên mặt cánh đồng. Trên đường đi lòng chúng tôi thấy vui. Chúng tôi mong mau tới Làng. Không phải vì mong tìm chỗ ngủ qua đêm mà vì lòng háo hức tìm đến một địa danh đã lâu rồi được nghe rất nhiều qua sách báo. Theo đường tôi đã để ý nơi nào có chỗ ăn, nhà hàng, nơi nào có Hotel, Camping, vì cũng có thễ chúng tôi sẽ trở lại nơi này để ngụ qua đêm, nếu chúng tôi chưa tìm được Làng mà màn đêm đã xuống, hoặc đến Làng mà Làng đã « cửa đóng then cài ».

 

Rồi Làng Mai cũng hiện ra trước mặt: Xóm Hạ. Một vùng rộng lớn. Chánh điện thờ Phật là một căn nhà dài, thấp, nhưng bên trong sáng choang. Từ ngoài nhìn vào thấy được tượng Phật. Vài căn nhà cách nhau hai ba mươi mét. Khu vườn để cắm trại ngoài trời, những bãi đậu xe, những vườn cây, bàu sen…Tất cả đã tạo nên một X óm Hạ yên tĩnh, hiền hoà trong ánh nắng chiều miền duyên hải Đại Tây Dương.

 

Chúng tôi đến Xóm Hạ gặp ngay những nữ tu hiền hoà. Đây là nơi ở của các nữ tu, một sư cô đã nói như vậy. Đúng là lời nói không mất tiền mua. Vị nữ tu đã thăm hỏi chúng tôi bằng những lời thật thân tình. Trong giọng nói, ánh mắt của cô đượm đầy tình bác ái. Sở dĩ như vậy là vì cô thấy chúng tôi lần đầu tiên đến đây. Đến vì đang đi nghỉ hè, sẵn dịp ghé cho biết Làng Mai, chớ không phải đến vì có ý định ghi danh cho một khoá học nào. Cô hỏi chúng tôi định ngủ qua đêm ở đâu. Chúng tôi cho biết nếu không ngụ được trong chùa chúng tôi sẽ chạy ngược đường lại ra những Hotel, Camping mà chúng tôi vừa chạy qua. Cô nói vậy thì tốn tiền lắm, vã lại trời cũng đã chiều rồi. Cô cho biết khoá tu học vừa chấm dứt, mọi người đã ra về, nhưng có ít người còn ở lại chơi và nghỉ bên Xóm Thượng, nếu muốn chúng tôi có thể qua đó để nghỉ đêm, cô sẽ điện thoại báo cho Thầy trụ trì bên Xóm Thượng. Chúng tôi chạy xe đi đến Xóm Thượng. Đúng như lời sư cô nói, chúng tôi gặp Thầy trụ trì và Thầy đã tiếp chúng tôi ân cần như bao thầy trụ trì trong các chùa Phật mà chúng tôi có dịp đến. Cùng các đạo hữu  ở đây chúng tôi đã có một buổi chiều và một đêm an lạc. Có một đạo hữu khuyên chúng tôi, lần sau nếu có đến Làng nên điện thoại trước, để tiện cho cả đôi bên. Một lời khuyên tôi nghĩ thật hữu ích. Ở Âu Châu này, thường cung cách đối xử nhau là phải như vậy, không phải như ở Việt Nam.

 

Tuổi trẻ tôi, do hoàn cảnh và nơi sinh ở vùng quê nên có những dịp gần gũi những ngôi chùa vào những ngày gió bấc, khi cùng với ông già lên núi chặt những cây mai rừng về chưng tết. Buổi trưa hè dù là những ngày đông, nắng vẫn vàng rực. Ngôi chùa thấp, nằm im ru giữa những cây mít già. Dòng suối trong trẻo xa xa đã nghe tiếng nước chảy. Một vị thầy, một hai chú tiểu. Cảnh thiền môn u mặc. Mọi tranh chấp đua chen trong đời sống chắc nếu di chuyển đến đây cũng tan mất. Mọi bực dọc từ trần thế, từ gia đình khi đến đây chắc cũng lắng dịu lại. Và chúng tôi đến Làng Mai vừa khi gặp một sư cô, qua vài phút đàm đạo tôi cũng có tâm trạng yên bình như những ngày nhỏ khi đến chùa.

 

Thời nhỏ cũng rất nhiều lần thấy chiếc áo màu nâu của các thầy. Khi các thầy từ trên núi xuống quán ba má tôi mua đường sữa, ba tôi lúc nào cũng ân cần trò chuyện  như trò chuyện với các bậc thầy tổ. Sau này, đất nước sôi động chiến tranh, nhà tôi dời đi về nơi an ninh, các thầy về lại thành phố lập chùa, tu hạnh. Có lẽ là nơi ồn ào khó đem đạo vào tâm, nên một vị thầy đã về lại trong khu vườn nhà tôi để nhờ ba tôi cất một ngôi chùa thật nhỏ, đủ để một vị thầy ở để tu. Đất nước thăng trầm trong chiến tranh, chúng tôi lớn lên, phải ra đi lính, đi làm, ba má tôi mất, thầy già yếu không còn được ai chăm sóc, thầy đã phải về ở bên các đồng đạo trong những ngôi chùa đông người trên thành phố. Ngôi chùa nhỏ cạnh nhà tôi cứ để không, chị tôi ra vào đốt nhang. Sau ngày chinh chiến tàn, tôi trở về căn nhà cũ, vẫn thấy ngôi chùa cạnh nhà còn nằm đó. Thời gian có làm hao mòn mái tôn của chùa, vách ván có cũ ra vì qua những ngày mưa ngày nắng, nhưng ngôi chùa vẫn còn có thể là nơi cư ngụ tu tập cho một  người tu. Nhưng bây giờ trong chùa đã trống trơn! Không ai tu. Y như cuộc chiến tàn những người lính trở về với đôi bàn tay trắng, không mang thương tích đã là may.

 

Những buổi trưa hè sau khi ăn cơm, tôi hay mang một ghế dài vào chùa để ngủ. Trong ngôi chùa nhỏ yên tỉnh, tôi ngủ được những giấc ngủ ngày thật bình yên, dù bên ngoài cuộc sống đang xáo trộn vì những vấn đề kinh tế, đổi tiền và cái đói trong thời đất nước vừa chấm dứt chiến tranh.

 

Đó là những ngôi chùa làng trên quê hương. Bây giờ xin viết đến vài ngôi chùa ở ngoại quốc mà người viết có dịp   ít nhiều gần gũi. Còn những chùa đã có duyên viếng thăm thì rất là nhiều, không thể nào viết ra hết được.

 

xxx

     

Tu viện Viên Đức. Khi nghe đến tên Tu viện trên nước Đức này tôi như nghe đến những điều gì thiêng liêng, thoát trần, mà nơi đó chỉ có các Cha, các thầy dòng, đêm ngày miệt mài với thánh lễ, dâng mình trước Thiên Chúa và học đạo. Đó là ở Âu Châu. Còn ở Á Châu. Những tu viện lớn ở Ấn Độ, hay ở Lhasa, thủ đô Tây Tạng, đã gắn liền với máu và nước mắt kể từ năm 1950 đến nay, khi hồng quân Trung Cộng xâm lăng xứ sở này.

 

Nhưng không. Tu viện Viên Đức là một tu viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, nằm tọa lạc trên một vùng bình nguyên hiền hòa của miền nam nước Đức, không xa nó lắm là biên giới Thụy Sĩ và Áo, xa hơn chút nữa là dãy Alpen, nổi tiếng với mây mù và tuyết trắng cả năm trên những đỉnh núi cao. Nhìn từ trên phi cơ xuống khi qua rặng Alpen như ngồi trên vùng bồng lai tiên cảnh. Đó là cách ví của một vị thầy, khi thầy có dịp ngồi phi cơ ngang qua đây. Cách khoảng 20 cây số là hồ Boden See, rộng lớn, chứa nước của dòng sông Rhein, xuất thân từ trên núi cao trong dãy Alpen, len lõi qua các vùng nước Áo, Thụy Sĩ , Đức, Pháp, Hoà Lan rồi cuối cùng ra ở biển ở địa phận xứ hoa quả, đê điều, tôm cá… Vùng đất một thời gian dài đã làm vui lòng người Việt tị nạn mỗi khi hè về.

 

Tu viện Viên Đức trước đây là một nơi dùng để triển lãm nông nghiệp, nằm cạnh một nông trại rộng lớn. Tiếng ọt ẹt, khua chiêng của bò sữa vẫn còn, chỉ thiếu tiếng ếch nhái, ễnh ương, nếu không cũng không khác cảnh đồng quê VN mấy. Nơi này trong thời gian tới có thể là nơi tổ chức những ngày tu học, những trại cho Gia Đình Phật Tử có thể chứa đến bảy tám trăm người.

 

Vùng này hơn 25 năm về trước tôi có đến đây trong những ngày hè, để đá banh, sinh hoạt với những tổ chức hội đoàn. Nơi đây có những bãi cỏ rộng. Nơi đây có thể trầm mình trong hồ Boden See trong những buổi trưa hè. Nước sạch và trong không thua gì như ở biển, cũng đông người không thua gì những vùng biển du lịch ở Ý. Nên khi trở lại đây, để tham dự Lễ An Vị Phật trong ngày tu viện tổ chức, tôi như người xa trở lại quê nhà sau một khoảng thời gian đi xa. Vẫn những đồi cỏ, vẫn những những căn nhà mái đỏ trên triền đồi, vẫn những con bò sữa đứng ăn rải rác trên cánh đồng. Vùng đất bao la này, không những rất thích hợp với chùa chiền, tu viện, mà còn rất thích hợp với những nhà dưỡng lão, cho khách du lịch, để có những ngày xóa bớt những phiền muộn, những ưu tư của trần gian.

 

Những đạo hữu ở vùng Boden See, những anh chị em ở đây đã bỏ công sức ra tìm, kết quả tu viện được thành hình. Ai cũng mừng, nhưng tôi nghĩ có lẽ các anh chị em người Việt tị nạn, các đạo hữu vùng Boden See là những người mừng nhất. Từ nay họ có nơi để cuối tuần đến sinh hoạt Phật sự, có nơi để hội họp tu tập Phật pháp, lễ lạc. Vùng này yên tĩnh, rất thích hợp cho việc tu trì của các sư, thầy. Trong ngày An Vị Phật, mùa hè, nên phía trước tu viện cánh đồng bắp đang xanh, đầy trái. Lối mòn với cỏ xanh quanh co, những con bướm vàng uốn lượn trên những loài hoa dại. Mùa đông chắc nơi đây là cánh đồng tuyết, và những con đường này sẽ đọng đầy tuyết sương. Quanh đây nếu có một đàn cò, có vài ao nước, chắc nó đã trở thành tiên cảnh. Tu viện dù không đứng ngay giữa phố thị, nhưng cũng không nằm ở vị trí cô quạnh một mình giữa đồng, nên các thầy có thể đi mua sắm những việc cho tu viện cũng không đến đổi phải vất vả lắm. Phật tử đến đây ngoài xe hơi có thể dùng xe lửa, rồi xe Bus.

 

xxx

 

Niệm Phật Đường (NPĐ) Tam Bảo nơi vùng tôi ở, được hình thành cách đây cũng đã mười năm. Tôi, với tư cách là một Phật tử, không quá xa, cũng không quá gần với NPĐ, về nhà ở cũng như về cộng việc phụ giúp NPĐ, giúp hai sư trụ trì. Tu thì ở đâu cũng vậy, cố gắng vượt lên trên nỗi buồn của nhân thế, hoặc vào những nơi buồn khổ của con người để xóa tan, an ủi những khổ đau bất hạnh mà con người nơi đó đang phải chịu đựng. Nhưng…, khi hai sư ở đây, có những ngày hè, có những ngày mưa, có những ngày tuyết, không biết hai sư thì sao, nhưng tôi cảm được sự cô đơn quạnh quẽ của hai vị sự bằng tình cảm đời thường của mình, một người không biết nhiều trong chốn thiền tự, không rành nhiều về tình cảm của người đã khoác áo nhà tu. Nên khi có thì giờ rảnh, trên đường đi mua đồ, đến bạn hữu, tôi hay „tạt“ qua để viếng thăm hai sư. Có ai ở chùa thì tôi đàm đạo, sau khi lễ Phật. Thiển nghĩ, dù sao trên đường đời mình có thể biết chút ít nhiều hơn người tu, nhưng về mặt đạo hẳn là mình phải thua xa, cần phải học hỏi nhiều từ  những người đã cởi bỏ đời thường để nhập vào chốn thiền môn, khi tuổi còn rất nhỏ, nên tôi rất thích đàm đạo với người tu hành.

 

Có những ngày thấy nắng hanh, điểm ánh sáng vàng trên những ngọn cây, tôi đến chùa đề nghị hai sư đi xe với tôi, tôi chở hai vị lên những triền đồi để hưởng gió, và để nhìn xuống thành phố mình cư ngụ. Tâm hồn và tầm nhìn mở ra với nhân thế, với cuộc đời, để ngắm những cánh hoa đồng, màu vàng màu tím, để nhặt vài cánh hoa thổi bay vào gió trong ánh nắng lung linh. Chiều về, tôi về với bổn phận người đời, hai vị sư về với kinh kệ, hương hoa trước Phật. Không chỉ riêng tôi, mà tôi biết có nhiều anh chị, các bác, các cháu thỉnh thoảng đến rủ sư đi nơi này, chở đi dạo ở những nơi khác. Tất cả đều muốn ít nhiều những ngày tu tập ở đây, các vị sư cũng có được ít nhiều niềm an lạc, vui vẻ.

 

Đã mười năm qua, hết xuân đến hè, vòng trái đất vẫn xoay, bốn mùa vẫn  chuyển đổi, nhưng thấy NPĐ vẫn không được có gì thêm hơn những ngày đầu; những lễ lớn, vẫn không đủ chỗ cho những Phật tử lễ lạy, nên gần đây ni sư đang cố vận động để tìm một cơ sở lớn, và…cũng còn đang tìm. Nơi thành phố này cũng không dễ gì tìm một chỗ hãng xưởng cũ thích hợp cho việc xây sửa lại một ngôi chùa, còn đi xa hơn, ra ngoài, thì ni sư trụ trì không muốn, vì sư không muốn xa các đạo hữu, đặc biệt là các bác lớn tuổi nơi đây. Nên việc tìm cứ tìm, và chờ cứ…chờ!

 

NPĐ nằm cạnh dòng suối. Mùa hè nước chảy mạnh. Mùa đông yên tỉnh. Cạnh chùa là đám rừng. Khung cảnh nơi đây khá yên tỉnh, rất thích hợp cho người tu, nhưng NPĐ nhỏ quá, so với số dân Việt Nam ở tại thành phố này.

 

Có những buổi chiều mùa hè, tôi đến chùa bất thình lình trong ngày cuối tuần, thấy ni sư rời khỏi NPĐ, ra ngồi đọc sách, dưới chân cầu trong ánh nắng chiều. Có lẽ người đi tu thấy bình thường, nhưng với tôi, người trần, thấy buồn buồn. Đời sống đang vang động ngoài phố kìa, chỉ cách một hai cây số, nhưng tôi biết đó không phải là nơi sinh hoạt cho những vị tu hành. Với tôi thì được, với những người Việt khác thì được, nhưng không phải với người đi tu. Tu cũng có cái khó và cái dễ của nó. Các thầy hay nói như thế, lặp lại hoài thành sáo ngữ, nhưng thật sự là như thế. Trong ý nghĩ của tôi người đi tu hẳn hơn xa người đời, nên trước mặt người tu, người đời nên cung kính, lễ phép. Ở đây tôi xin bỏ ra ngoài những người chỉ lợi dụng bộ áo tu, chớ những người này không phải đi tu, dù ở bất cứ đạo nào.

 

Viết về Tu viện Viên Đức, tôi lại lan man viết về NPĐ Tam Bảo. Nhưng đã mười năm qua, dù có những sinh hoạt gần gũi, đã bao đổi thay, nhưng tôi vẫn chưa viết được cho NPĐ lấy một hàng để gửi báo. Những ngày đạo hữu Trân còn ở đây, còn đi làm, đã cùng lo lắng với đồng hương để xây dựng NPĐ, nay đã là người tu đã gần sáu trong nhà chùa, hằng ngày tụng những thời kinh, ăn chay niệm Phật và thong dong đi thăm những miền những chùa nổi tiếng về lịch sử Phật giáo như ở Ấn độ v.v... Còn những đạo hữu khác, không ít thì nhiều, cũng góp công góp sức cho những ngày đầu, nay cũng vẫn còn có mối ưu tư cho một ngôi chùa mới nơi đây.

 

Dù muốn dù không cũng phải công nhận rằng mười năm qua NPĐ cũng là nơi giúp nhiều cho những bác lớn tuổi, neo đơn, những cháu bé tuổi còn dại nơi địa phương này. Người lớn tuổi đến NPĐ, điện thoại đến sư nói chuyện hỏi thăm để hỏi thăm sức khỏe của vị sư và cũng để tìm sự an lạc cho chính mình. Với những em bé hình ảnh Đức Phật, những ngày lễ Phật, hình ảnh người tu ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống trẻ thơ, một ảnh hưởng tốt về mặt tâm linh, ảnh hưởng trong vô thức. Bây giờ còn tiềm tàng, ngày sau sẽ phát triễn.

 

Tu viện Viên Đức đã thành hình, dù gì bà con Phật tử ở vùng ba biên giới Đức Áo Thụy Sĩ cũng đã có nơi để thỉnh thoảng hội tụ nhân ngày lễ Phật, Lễ Tết, Vu Lan, ngày rằm .v.v…, vì nơi đây lúc nào cũng có vị sư trụ trì. Còn NPĐ Tam Bảo, ngày nào còn, quý đồng hương cũng có thể đến viếng cảnh nơi đây, vì có những thành phố khá lớn nổi tiếng và đẹp như Stuttgart, Tübingen…, viếng NPĐ, lễ Phật, nghỉ lại qua đêm, đàm đạo với các vị trụ trì, chắc cũng không khác gì một ngày đi tu vậy.

 

Vũ Nam (Germany)

 

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.