.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                    TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 Chân Y Nghiêm

Công chúa vườn nai

(Truyện cổ tích)

Ngày xưa, có một Bộ lạc sinh sống trên vùng thảo nguyên thuộc chư hầu nước Ấn Độ, được cai trị bởi một Tộc trưởng người da trắng. Viên Tộc trưởng là người đam mê tửu sắc, có người chánh thê hiền hậu. Bà này đang mang thai, sắp đến ngày sinh cho Tộc trưởng một người con để nối dõi Bộ lạc. Tất cả mọi người đều mong mỏi bà sẽ sinh con trai.

Tộc trưởng có nhiều thê thiếp, nhưng có nàng A Sủng là ông cưng chiều, đam mê nhất. A Sủng đẹp sắc xảo, khôn lanh và hiểm ác. Nàng hay ganh tỵ với người vợ chánh, luôn tìm cách dèm pha, mưu hại.

 

Tâm người hiểm độc

Nàng biết Hồng Liên, người vợ cả sắp sinh, bí mật nhờ mẹ tìm cho con chó mang thai sắp đẻ. Đến ngày Hồng Liên trở bụng, nàng âm mưu với bà Mụ đánh tráo hài nhi. Sau cơn đau thập tử nhất sinh, hai đứa hài nhi, một trai một gái chào đời trong cơn mê thiếp của mẹ. Ngay lập tức mẹ con nàng A Sủng vào thăm, mang theo hai con chó còn đỏ hỏn, hai hài nhi được quấn gọn bí mật mang ra ngoài, hai con chó mới sanh được quấn tã lót đặt nằm bên cạnh Hồng Liên. Khi Hồng Liên tỉnh dậy, nàng quờ tay tìm con, tay nàng đụng vào hai con vật mềm nhũn tanh tưởi, nàng nhìn kỹ, đó là hai con chó sơ sinh. Nàng hét lên kinh hãi, ngất đi. Tin dữ được loan truyền đến viên Tộc Trưởng, ông ta giận dữ, xấu hổ, không suy nghĩ thiệt hơn, ông truyền tống bà vợ cả vào ngục tối và cấm không ai được loan tin xấu ra ngoài.

Hai đứa hài nhi được giao cho viên hầu cận thân tín của A Sủng. Hắn được lệnh phải mang hai đứa bé này vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Viên hầu cận này dù rất trung thành với A Sủng, nhưng hắn không nỡ giết hai đứa hài nhi vô tội. Hắn nghĩ lại thân phận hắn là đứa trẻ mồ côi từ lúc lọt lòng mẹ, nếu không được sư phụ cứu vớt, nuôi nấng cho ăn học thì bây giờ hắn đã chết hoặc cầu bơ cầu bất ngoài xó chợ.

Hắn nghĩ đến sư phụ hắn đang tu ở trên núi. Chỉ có sư phụ mới cứu được hai đứa này thôi. Hắn bồng hai đứa trẻ trèo nhanh lên núi Cấm, kể hết sự tình về thân phận hai đứa bé, nhờ sư phụ mang chúng qua biên giới, nuôi dưỡng chúng nên người.

Sư phụ hắn, đạo sĩ Viên minh, trước đây là một viên tướng văn võ kiêm toàn, đã giúp cho Tộc trưởng khôi phục lại bờ cõi khi bị nước Kim chiếm đóng. Sau khi thắng trận, Tộc Trưởng mở tiệc khao quân thì sư phụ hắn trốn lên núi ẩn tu, vì biết rằng nếu ở lại nhận chút vinh hoa phú quí thì sẽ bị Tộc trưởng hãm hại. Tộc trưởng là người nhỏ nhen, hay nghi ngờ và đố kỵ, ông ta đã từng giết những người trung thành, tận tụy với ông.

Đạo sĩ thu xếp hành lý, quấn hai đứa bé vào tay nải, vội vã lên đường vượt đỉnh núi Cấm lần qua nước Kim.

 

Trên đỉnh sương mù

Những ngọn núi cao vút, trùng trùng điệp điệp nối đuôi nhau trong màn sương dày đặc. Đạo sĩ ôm hai đứa bé vào lòng sưởi ấm cho chúng. Tội nghiệp hai sinh vật, mới chào đời, chưa kịp mở mắt khóc tiếng oa oa đã bị liệng ra khỏi vòng tay mẹ. Đi đã được nửa ngày đường, vượt qua ba dãy núi, vừa bước chân qua biên giới, đạo sĩ trông thấy bầy nai con đang bu quanh nai mẹ bú. Đạo sĩ đi nhè nhẹ đến con nai mẹ, vuốt ve, dịu dàng nói:

- Xin con hãy cứu hai đứa trẻ này, cho chúng bú sữa của con, từ lúc chúng sinh tới giờ, chưa được giọt sữa của mẹ.

Đạo sĩ mở cái tay nải, bồng từng đứa một cho miệng chúng sát vào núm vú nai mẹ. Mầu nhiệm thay bản năng sinh tồn, đứa bé da tím ngắt, bật tiếng khóc oa oa rồi đôi môi xinh xắn mút nấm vú nai mẹ liên tục như vú mẹ chúng. Sau khi cho hai đứa hài nhi bú đã no, đạo sĩ tìm một cái hang đá, lấy cỏ khô bện thành cái nôi xinh xắn để hai đứa bé nằm ngủ.

Thầy đi tìm củi khô đốt lửa sưởi ấm cho hài nhi, rồi Thầy đi tìm cây rừng và cỏ tranh dựng cái am nhỏ làm chỗ tá túc cho ba thầy trò. Hàng ngày Thầy bế hai đứa trẻ đến xin sữa con nai mẹ.

Bầy nai con thấy hai đứa bé mũm mỉm dễ thương thì thích lắm. Chúng thay nhau liếm mặt, liếm chân tay hai đứa trẻ. Nai mẹ cũng cưng hai đứa bé như con mình, nó liếm hai đứa như liếm nai con sau khi chúng bú.

 

Am Mây ngủ

Thầy Viên Minh vừa lên núi kiếm củi, rau, củ ăn qua ngày, vừa làm rãy trồng lúa, khoai, vườn rau, vừa trông nom hai đứa bé. Ban ngày Thầy rất bận rộn, nhưng Thầy thấy tâm hồn thanh thản. Thầy làm việc thong thả trong tỉnh thức. Thầy đã xa lánh cõi phàm, ẩn tu trên núi hơn năm năm rồi. Mọi hơn thua trần thế khi còn là Thống Soái trong bộ tộc Indo đã bị Thầy chôn vùi sâu vào tâm thức. Thầy đã lấy kinh kệ làm bạn hiền, lấy thiền quán làm pháp vị, lấy thơ văn làm tri kỷ, tiêu dao ngày tháng trên núi trong trạng thái tĩnh lặng. Bây giờ có hai đứa bé, Thầy phải chăm lo, nuôi dưỡng chúng như bà mẹ hiền, phải dạy dỗ văn hóa, đạo đức và võ thuật cho chúng như người Thầy chăm lo cho đệ tử. Sự có mặt của hai đứa trẻ tuy làm Thầy bận rộn, nhưng tiếng cười nói, đùa vui, ngoan ngoãn, lễ độ của chúng đã giúp Thầy quên đi nỗi cô đơn.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, hai đứa bé lớn nhanh như thổi.

Tuấn Anh bây giờ đã là chàng trai 18 tuổi tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Mái tóc quăn tự nhiên bồng bềnh trên vầng trán cao rộng của anh đã thể hiện rõ nét tài hoa, thông minh, tháo vát. Đôi mắt to đen láy dưới hàng mi cong luôn toát ra cái nhìn triu mến, độ lượng, trung thực nhưng không kém vẻ cương quyết và tinh nghịch. Tuấn Anh càng thương Thầy và em gái hơn khi được Thầy cho biết về lai lịch của anh em chàng. Thầy dặn phải dấu Anh Thơ, sợ cô tủi thân, sầu khổ, làm mất đi hạnh phúc và hồn nhiên mà cô đang có.

Anh Thơ được nuôi lớn lên từ Am Mây ngủ, được Thầy dậy dỗ thật kỹ về uy nghi, công dung ngôn hạnh, sớm tối theo Thầy và anh lên Phật đường ngồi thiền, tụng kinh, được Thầy dậy chữ nghĩa thánh hiền và võ công cùng với Tuấn Anh. Cô bé Anh Thơ ngay từ nhỏ đã thể hiện rõ nét thông minh, khéo léo, dịu dàng và mẫn cảm. Nét đẹp ngây thơ, thánh thiện toát ra từ nụ cười đôn hậu, đôi mắt xanh thẳm tràn đầy tình thương, ban trải cho những ai đang cô đơn, cần sự vỗ về, an ủi. Ngoài giờ học chữ, tập võ, giúp đỡ Thầy công việc nội trợ, buổi trưa, cô hay ra chơi với bầy nai. Sự có mặt của Anh Thơ như vầng mây trắng, như giọt sương mai, như tia nắng mới, như ánh trăng rằm giúp cho bầy nai vui chơi chạy nhảy. Cô dạy chúng múa, điệu múa cô học đuợc của người dân tộc khi mặt trời lên từ phương Đông, treo lơ lửng trên ngọn cây, tỏa ánh nắng hồng mơn mởn phủ lên khắp núi đồi, cây cỏ. Cô dạy chúng vỗ chân trước như hai bàn tay vẫy gọi mặt trời đang từ từ lặn khuất về phía Tây, sau dẫy núi phủ đầy mây vàng và tím. Anh Thơ là nàng công chúa của bầy Nai, đẹp lộng lẫy, hồn nhiên như bình minh tỏa rạng trên đồi cỏ xanh non, mơ mộng, hiền hoà như ánh trăng non lơ lửng lưng trời, dịu dàng, quyến rũ như nắng hoàng hôn lung linh trên ngàn cây nội cỏ.

Một buổi sớm mai, hoàng tử nước Kim cùng đoàn tùy tùng vào rừng săn bắn, chàng đã ngây ngất trước vẻ đẹp của Anh Thơ đang hát múa với bầy nai con. Chàng ra lệnh không cho ai được sát hại con nai nào. Chàng từ từ tiến tới chỗ Anh Thơ và bầy nai, ngã nón chào, cung cách lịch sự và tôn trọng, ngỏ ý được tham gia cuộc chơi. Anh Thơ cười vui vẻ nhận lời. Hoàng tử đã nhập cuộc chơi một cách nhanh chóng. Thế là từ đó, hàng tuần, cứ vào sáng chủ nhật, hoàng tử nước Kim và đoàn tùy tùng lại lên núi Mơ chơi với Anh Thơ và bầy nai con. Hoàng tử đã yêu Anh Thơ sâu đậm. Hình ảnh Anh Thơ luôn quấn quít trong trí nhớ của chàng, làm trái tim chàng rạo rực, Chàng không thể thiếu nàng.

Trái tim Anh Thơ cũng đập rộn ràng mỗi khi nghe thấy tiếng vó ngựa của hoàng tử từ đằng xa. Khi trở về Am Mây, nàng đã thẫn thờ luôn tưởng nhớ tới chàng. Hình ảnh hoàng tử giăng mắc khắp không gian, nụ cười và ánh mắt trìu mến của chàng đã cuốn hút Anh Thơ vào nỗi nhớ mênh mông, nét mặt nàng luôn phảng phất vẻ nôn nóng, chờ mong.

Sư phụ thấy Anh Thơ thay đổi, thiếu nụ cười hồn nhiên, vẻ mặt thoáng buồn thì gạn hỏi: Con có tâm sự gì mà nét mặt con không còn vui như trước nữa, con luôn tỏ ra nôn nóng, mong đợi một người. Con đã gặp gỡ ai, kể cho Thầy nghe đi, Thầy có thể giúp con được không ?

Anh Thơ kể hết chuyện chàng trai tuấn tú đã xuất hiện vào những buổi sáng chủ nhật, chơi với cô và bầy nai trong rừng. Anh ta rất ngọt ngào, lịch sự, luôn tỏ vẻ trìu mến, vỗ về cô, đã mang lại cho cô một thứ tình cảm nồng nàn như mật ngọt, đẹp như trái hồng vào mùa thu và xanh thơm như mùi cốm mới, nó quyến rũ cô luôn nhớ tới anh ta.

Thầy dịu dàng ôm Anh Thơ vào lòng, vuốt nhẹ mái tóc nâu óng ả, truyền cho cô tình thương của một người Thầy và người mẹ. Thầy thoáng thấy nỗi buồn, Thầy biết rằng Thầy sắp phải xa đứa con gái thân yêu suốt mười tám năm nay thầy đã dậy dỗ, nuôi dưỡng nó tận tình

Một buổi sáng, một đoàn tùy tùng xa giá của hoàng cung tiến về phía Am Mây. Hoàng hậu đã vì thương con, thái tử độc nhất của bà, đến chốn núi rừng gặp vị cao tăng để hỏi cưới cô đệ tử của ngài là cô bé Anh Thơ.

Vì là chốn thảo am thanh bạch trên núi cao nên Thầy Viên Minh đề nghị tổ chức đón dâu đơn giản.

 

Tấm lòng của Biển

Triều đình đã tổ chức đám cưới cho hoàng tử và Anh Thơ trọng thể. Các nông dân và thương nhân được miễn thuế một tháng, các quan chức và phu dịch được nghỉ, người nghèo được phát gạo, người bệnh được cho thuốc trong ngày lễ thành hôn của hoàng tử. Anh Thơ đẹp tuyệt trần trong bộ áo cô dâu trắng tinh nạm đá quí đủ màu sắc lóng lánh. Đám cưới được tổ chức trong cung đình, có đủ mặt quần thần bá quan văn võ. Nhà vua sắc phong Anh Thơ làm công chúa, còn hoàng hậu đích thân đeo vòng ngọc quí vào cổ con dâu làm quà sính lễ.

Mặc dù Anh Thơ xuất thân từ chốn sơn lâm nhưng cô đã được nghĩa phụ dậy dỗ văn hoá, phong cách của con nhà quí tộc, thế nên cô đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống vương giả. Cô luôn quan tâm săn sóc hoàng hậu và thái tử cũng như vua cha. Cô dịu dàng nhã nhặn với những người hầu cận nên mọi người đều quí mến cô.

Cô đề nghị thái tử cùng cô thường đến thăm những trẻ em nghèo, cho chúng bánh kẹo, quần áo, cấp sách vở và gạo, khuyến khích chúng đi học.

Một năm sau, vua cha băng hà, Thái Tử Minh Đức lên kế vị ngai vàng, đổi quốc hiệu là Sùng Đức. Anh Thơ được sắc phong hoàng hậu. Hoàng hậu Anh Thơ là người thông minh, giỏi giang, nhân hậu. Nàng khuyên vua nên giảm tô, thuế cho những nông dân nghèo, lấy bớt đất của cường hào ác bá có ruộng bỏ hoang chia cho hộ dân không có đất, khuyến khích trồng lúa, khoai và cây trái, không để ruộng hoang.

Trẻ nhỏ bị bắt buộc đến trường, tối thiểu phải học hết bộ Tam Tự Kinh.và sách Giáo Khoa Thư. Những trẻ nào đi học, được cấp học bổng hàng tháng. Còn những trẻ lười biếng trốn học, mất nết thì phải vào nông trại làm việc lao động như nhổ cỏ, cuốc đất, quét sân…

Chúng được dậy nghề, văn hóa đạo đức. Những tấm gương trẻ em hiếu thảo, hiếu học được nêu cao và ban thưởng xứng đáng. Thế nên các gia đình đều cho con đi học. Phong trào khuyến học lên cao, nền giáo dục văn hóa, đạo đức được coi là nòng cốt cho thế hệ thanh thiếu nhi. Hàng năm nhà vua đều mở khoa thi tuyển chọn người tài đức ra giúp dân, giúp nước.

Hoàng hậu Anh Thơ thấm nhuần giáo pháp từ bi, thế nên ngoài việc giúp vua việc triều chính, chăm sóc trẻ em và các người già bệnh tật, nàng không quên xây dựng đạo pháp bằng cách tu bổ chùa cho được tôn nghiêm, giúp Giáo Đoàn xây những Phật học viện cho các Tăng Ni tu học Nàng còn góp ý với Giáo Đoàn thành lập qui chế xây dựng một Tăng Đoàn có đầy đủ uy nghi giới hạnh. Những Tăng Ni được đào tạo kiến thức Phật pháp và tu dưỡng đạo hạnh, sống tập trung thành một chúng Tăng, có nội qui chặt chẽ. Những ai không theo qui luật thiền môn, không giữ gìn giới hạnh thì cho hoàn tục. Hoà thượng Viên Minh được Vua mời làm Quốc Sư, dậy Phật Pháp cho toàn thể các quan văn võ và mở Pháp Hội cho toàn thề Tăng Ni, dân chúng đến nghe. Các Pháp Sư được khuyến khích giảng Phật Pháp, dạy đạo lý cho dân chúng vào những chiều rằm và mồng một tại các chùa lớn. Phật giáo triều đại Sùng Đức hưng thịnh, mọi người được sống trong cảnh an lạc, thái bình.

Năm hai mươi tuổi, Tuấn Anh đi dự khóa thi do triều đình tổ chức. Anh đậu trạng nguyên, được nhà vua gả quận chúa và phong làm phò mã. Phò mã Tuấn Anh được bổ nhiệm làm quan Tổng Đốc trấn thủ tỉnh Giang Châu. Ông cho quân thăm dò, được biết tình hình bộ lạc Indo hiện giờ rất rối ren, dân chúng điêu linh khốn khổ. Bà A Sủng và viên Thống Soái lật đổ Tộc trưởng, lấy cớ ông quá già nua bệnh hoạn, đưa người con trai của bà với viên thống soái lên nắm quyền Tộc trưởng.

Sau đó, cựu Tộc trưởng bị tống giam cùng với bà vợ cả đã ở trong tù từ hai chục năm qua. Tất cả quyền hành cai trị đều do viên thống soái nắm giữ.

Dân chúng phẫn nộ nổi dậy khắp nơi vì chánh sách bóc lột, tham ô, hà hiếp dân lành của bọn tộc trưởng ác đức.

Tuấn Anh đau lòng phần nghĩ đến cha mẹ đang bị đầy đọa nơi ngục thất, phần căm ghét bọn gian trá quỉ quyệt bất nhân bóc lột dân lành. Ông tâu xin nhà vua cho phép ông được đem binh mã về chinh phạt bộ lạc Indo để giải phóng đất nước thoát khỏi cảnh đọa đầy của bọn gian thần độc ác và cứu cha mẹ. Vua Sùng Đức đồng ý, cấp thêm cho hai vạn quân tinh nhuệ, năm ngàn con ngựa và lương thực đủ ăn trong hai tháng.

Tuấn Anh tiến quân qua bộ lạc Indo, ông ra quân luật gắt gao, cấm các binh sĩ không được lấy bất cứ cái gì của dân chúng khi chưa có sự đồng ý của họ, cấm không được trêu trọc đàn bà con gái, giúp đỡ người già và trẻ em, giữ thái độ hoà nhã với dân chúng, sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần. Đến những vùng dân nghèo, ông ra lệnh lấy quân lương ra chia bớt cho họ. Đoàn quân của Tuấn Anh được dân chúng tiếp đón vui vẻ, cung cấp cho ông những tin tức quân sự quan trọng

Nhờ tinh thần hăng say và kỷ luật binh ngũ cao, chẳng bao lâu, đoàn quân của Tuấn Anh đã tiến thẳng vào thành An Dương, thủ phủ của Tộc trưởng đương thời, giết chết Thống soái Cát Lự, bắt được mẹ con nàng A Sủng. Tuấn Anh vào nhà giam giải thoát cho mẹ và cha. Sau hai mươi năm bị giam cầm, mẹ chàng bị A sủng hại cho câm, bà như người mất trí.

Tuấn Anh chỉnh đốn lại bộ tộc, triều cống vua Sùng Đức nước Kim, xin được làm chư hầu. Vua Kim phong Vương cho Tuấn Anh và đổi thành một nước nhỏ, lấy quốc hiệu là Hưng Phúc

 

Mây về cố quận

Hoàng hậu Anh Thơ về quê nhà thăm mẹ và cha, đi cùng với nàng có sư phụ Viên Minh. Đại Sư kể hết sự tình của hai mươi năm về trước cho Tộc trưởng Indo nghe. Sau khi biết rõ hai người con yêu quí của mình đã được thành danh nhờ đại sư Viên Minh, ông quì xuống, nước mắt tuôn lã chã, lạy tạ ơn sư cụ.

Về phần nàng A Sủng, sau khi bị băt, quá xấu hổ, nàng đã đâm đầu xuống giếng tự vận.

Hoàng hậu Anh Thơ xin Tuấn Anh ân xá cho người con trai của A Sủng cho họ về quê làm ruộng. Trước tấm lòng độ lượng khoan hồng của hoàng hậu Anh Thơ và Tuấn Anh, tất cả đều ăn năn sám hối, cam kết về quê sống cuộc đời nông dân lương thiện.

Hai nước Kim và Indo sống hoà thuận, tương trợ giúp đỡ nhau như anh em. Trẻ em đều được cắp sách đi học, người già được nuôi dưỡng chu đáo trong các Viện dưỡng lão do hoàng hậu Anh Thơ bảo trợ. Người dân ai cũng có công ăn việc làm, cuộc sống an vui thanh bình, không có trộm cắp và tệ nạn xã hội.

Danh tiếng thơm của nàng Công Chúa Vườn Nai còn được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

 

CHÂN Y NGHIÊM

 

Tên thật là Phan Thị Thuần. Quê quán Đông Ngạc-Hà Nội.

 

- 1997 trở về trước Giáo viên Anh văn trường Hồng Bàng, quận V Sài Gòn.

 

- 1998 Xuất gia cầu đạo với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai – Pháp quốc.

 

- Viết cho các báo: Giác Ngộ (Việt Nam), Phật Giáo Việt Nam (Việt Nam – Hoa Kỳ), Đất Lành (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc), Pháp Âm (Na Uy), Phù Sa (Pháp).

 

- Đã ra phát hành 3 CD nhạc:  

1/ Mẹ là Trăng Mười sáu - 2003.

2/ Bài hát Từ Trái Tim - 2007.

3/ Mừng Phật đản sinh - 2009.

 

Trong mục đích: Giúp học bổng cho các sinh viên – học sinh nghèo hiếu học có thêm phương tiện để vươn tới tương lai tươi sáng; Giúp các cháu mồ côi-khuyết tật và các cụ già neo đơn có thêm phần trợ cấp hàng năm để cuộc sống tốt đẹp hơn... Đã sáng lập Gia đình Thiện Nguyện Hiểu và Thương 1990, và Gia Đình Thiện Nguyện Hoa Tình Thương 2006.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |    GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.