.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                    TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 Chân Y Nghiêm

Mây về đỉnh núi

Thưa mẹ, chiều nay con đến trường dự buổi văn nghệ Tất Niên, con về hơi khuya, mẹ dùng cơm rồi đi nghỉ sớm, đừng đợi con. Con có chìa khóa mở cửa rồi.

Thanh Thủy ôm hôn nhẹ trán mẹ rồi nhẹ nhàng bước ra khỏi cửa.

Bà Vân thấy con gái hôm nay hơi lạ, Thủy vui vẻ, tươi trẻ hẳn lên trong bộ jupe màu trắng, phía trước ngực cài bông hoa hồng nhạt. Bà cũng cảm thấy vui lây với con gái. Chắc hẳn Thủy đã có bạn trai vừa ý nên mới vui như vậy. Chả bù, những ngày trước đây, Thủy sống thầm lặng như chiếc bóng. Sau giờ dậy học, Thủy thường ở trong nhà đọc sách, nấu ăn, chăm sóc mấy chậu hoa lan, nàng ít tiếp xúc, ít đi phố mua sắm. Thỉnh thoảng đi siêu thị thì hai mẹ con cùng đi. Đôi lúc có bạn cùng sở làm đến thăm. Thủy tiếp đãi ân cần nhưng ít khi đi chơi với họ. Chỉ có Linh Lan là bạn thân. Lan thường đến chơi với Thủy, hai đứa cùng đọc sách và tập đàn. Đôi khi hai đứa cùng đi chùa, đi xem phim, đi mua sắm nhưng chưa bao giờ chúng đi về khuya cả. Bà Vân rất thương con, Thủy ra trường đã lâu, tuổi đã ngoài hăm sáu rồi mà vẫn chưa có bạn trai, bà cũng mong Thủy gặp được người chồng tốt để yên bề gia thất, bà sẽ được bồng ẵm cháu ngoại cho vui cửa nhà. Song cảm giác của bà thật mâu thuẫn. Trong niềm xót thương Thủy, lại xen lẫn nỗi mừng vui vì chưa có hình bóng kẻ thứ ba chen vào tình cảm của mẹ con bà. Hàng ngày, bà vẫn có tình yêu trọn vẹn của Thủy dành cho bà, quan tâm đến bà. Ngược lại, Thủy vẫn sống hạnh phúc trong sự yêu thương, chăm sóc của bà. Bà có đủ can đảm sống tới hôm nay là vì Thủy - Bà không muốn mất đứa con gái yêu dấu, nó là tình yêu thương duy nhất của bà.

 

Bèo dạt hoa trôi

Cuộc đời bà đã gặp nhiều bất hạnh ngay từ lúc còn nhỏ. Vân mồ côi mẹ khi mới năm tuổi. Vân sống với người cha hiền lành, nhu nhược và người dì ghẻ độc ác. Vân không có tuổi thơ. Suốt ngày dì bắt Vân rửa bát, thái rau cho heo ăn, làm những công việc lặt vặt khác trong nhà. Đến khi dì có em bé thì Vân phải bồng bế, giặt tã lót của nó. Lắm hôm Vân còn bị dì tát xưng mặt vì để em bé khóc lâu. Vân không được đi học. Em lớn lên trong cảnh tối tăm, không biết làm gì khác ngoài công việc lau dọn cửa nhà.

Khi Vân mười lăm tuổi, em khá xinh đẹp. Thế là người dì ghẻ độc ác, tham tiền đem bán em cho bà giáo Hiệp để làm con ở, hầu hạ ông giáo bị bệnh tê bại hai bàn chân. Hàng ngày công việc của Vân là lo ba bữa ăn cho ông chủ, giặt dũ, hầu hạ ông chủ khi tiểu, đại tiện, dọn phòng ông chủ sạch sẽ, đẩy xe lăn cho ông dạo chơi ngoài vườn và tối tối ngồi đấm bóp, cho đến khi ông chủ đi ngủ thì Vân mới được nghỉ ngơi.

Vân phải ngủ ngay cái đi văng nhỏ trong phòng ông chủ để ông chủ dậy đi tiểu thì Vân đỡ ông ngồi dậy rồi dìu ông đi. Một đêm khuya nọ, đang trong cơn mơ ú ớ, Vân thấy một khối nặng đè trên người em. Em cố vùng dậy thoát ra mà không được. Mở mắt , Vân thấy ông chủ đang hổn hển dày vò thân xác em như một con thú đói.

Trong cơn sợ hãi tột cùng, Vân không dám chống cự. Em sợ bà chủ biết được sẽ đánh em chết và đuổi em về với dì ghẻ. Phải trở về với con người ác độc đó, thà em để bị thân xác dầy vò, hoặc chết đi còn hơn. Hai hàng nước mắt dàn dụa, Vân nằm như con cá chết để mặc ông chủ thực hiện dục vọng của mình.

Bà chủ nằm phòng sát bên, bà bắt đầu để ý đến sắc diện của chồng và đứa tớ gái. Nét mặt hưng phấn của ông để lộ sinh lực được phục hồi. Nét mặn mà, đằm thắm của Vân cho bà thấy có sự đổi khác nơi con bé quê mùa đó. Nhất là thời gian gần đây, nó lại hay nôn oẹ và thèm ăn chua. Một tối khuya bà rình, khi nghe tiếng động trong phòng ông, bà mở cửa bước vào. Bà bắt gặp ngay cảnh tuợng hai người đang ân ái. Bà nắm tóc lôi Vân ra, tát nó túi bụi - dí tay lên trán nó, miệng rít lên:

- Ngày mai mày phải cút xéo khỏi đây. Bà cấm mày không đựợc tiết lộ chuyện này cho một người thứ ba thì mày được bà nuôi cho mẹ tròn con vuông. Nếu mày bép xép cái miệng, bà sẽ để cho mày chết đói.

Sáng hôm sau, bà giáo Hiệp gọi chú Tân, và Vân lên nhà trên. Sau khi cho phép hai người ngồi trên cái ghế cạnh đó, bà ngọt ngào nói với Tân:

- Con cũng lớn tuổi rồi, cần có một gia đình, sinh con cái để tiếp nối phụng thờ ông bà và cha mẹ cháu. Đã hơn mười năm qua, cậu mợ thay anh chị, nuôi cháu nên người. Năm nay, mợ thấy cháu được tuổi hôn thê, cậu mợ thay cha mẹ cháu, cưới vợ cho cháu yên bề gia thất. Bố mẹ cháu ở miền tiên cảnh hẳn cũng hài lòng khi thấy cháu có mái gia đình riêng.

Từ bấy lâu nay, mợ thấy cháu để ý đến con Vân. Nó cũng là đứa gái xinh đẹp, ngoan nết. Hôm nay, ngày lành tháng tốt, mợ gả con Vân cho con nên vợ nên chồng. Lấy được vợ đẹp thì con phải biết gìn giữ, chăm sóc nó.

Sau khi thành thân, mợ sẽ cho các con một số vốn rồi về quê trông nom đồng ruộng cho mợ, ở dưới đó có sẵn căn nhà, vườn cây ăn trái và ruộng lúa, mợ cho các con mượn, bao giờ có của ăn của để thì trả lại cho mợ.

Ngay trưa hôm đó, đám cưới thật đơn giản được tổ chức trong nhà họ Vũ dưới sự tác thành của bà Giáo Hiệp. Sau khi hôn lễ, Tân dẫn vợ về quê bà giáo Hiệp theo lời chỉ dạy của bà.

Vân bàng hoàng đi như trong cơn mơ. Em riu ríu vâng theo lời bà chủ, như một kẻ vô hồn. Cho đến lúc về tới quê, Tân dìu em vào nằm trên cái trõng tre trong căn nhà ven sông, gió mát từ dòng nước thủy triều lùa vào da thịt, nắng chiều vàng nhạt tỏa chiếu trên khuôn mặt trắng xanh, cho em một cảm giác dễ chịu khiến em bừng tỉnh ra khỏi cơn mê. Bây giờ em mới thật sự nhận ra người chồng của em - Tân người cao, mặt vuông vắn, nước da ngăm đen, mớ tóc hơi quăn rối lòa xòa trên vầng trán cao, ánh mắt sâu thẳm, có giọng nói thật hiền.

Sau khi đắp mền cho Vân, Tân soạn đồ, lấy ấm nấu nước sôi, pha sữa, nấu mì cho hai người ăn.

Buổi đầu tiên của vợ chồng trẻ thật đơn giản mà thơ mộng. Họ nằm tâm sự với nhau, kể cho nhau bao nỗi niềm thống khổ từ tấm bé. Gió mát ngoài sông lùa vào làm da thịt và tâm hồn họ mát dịu. Ánh trăng răm vằng vặc soi vào chiếc lều tranh, trông Vân đẹp như Hằng Nga, khuôn mặt ngây thơ của em toát lên vẻ trong sáng, thánh thiện khiến Tân ngại ngùng không dám động tới em. Chàng chỉ ôm chặt lấy em để hưởng hạnh phúc ngọt ngào ấy. Tân sợ nếu chàng tận hưởng thể xác Vân, rồi nàng có con giữa cảnh nghèo nheo nhóc này thì chỉ làm khổ nàng, mà hạnh phúc mau tan vỡ. Chàng miên man trong niềm vui, hơi ấm của người vợ bé bỏng, Tân ngủ thiếp đi dưới ánh trăng vàng rực sáng.

Hàng ngày Tân ra đồng reo mạ, trồng khoai, bắt tôm cá về cho Vân nấu bữa cơm ngon. Vân ngoài giờ nấu cơm nước, ra vườn cuốc đất trồng rau. Chẳng bao lâu hai vợ chồng trẻ có căn nhà xinh xắn, chung quanh rau trái đầy vườn. Buổi tối, Tân dậy nàng học. Vân sáng dạ, chẳng bao lâu nàng đã đọc thông viết thạo. Tân rất thương yêu ngươi vợ hiền bé bỏng. Chàng chăm sóc và chiều chuộng nàng, trân quí cái hạnh phúc mà họ đang có.

Còn Vân, cô bé 15 tuổi, dịu dàng ngây thơ, lần đầu tiên trong đời, cô được sống những ngày thật sung sướng, êm đềm trong tình thương yêu của Tân, người thanh niên mà bà Giáo Hiệp bảo là chồng nàng. Vân chưa hiểu rõ thế nào là chồng vợ. Từ tấm bé lớn lên, nàng không đuợc học hành, không được tiếp xúc với ai. Nàng chỉ là cô bé ngây thơ, bất hạnh, sống những ngày thiếu ăn, thiếu mặc, làm việc suốt ngày dưới sự giám sát của dì ghẻ. Đến khi được bán vào nhà bà bà giáo Hiệp, bà đưa Vân ngay vào phòng ông và dạy rằng, nàng chỉ ở trong phòng để hầu hạ ông, không được buớc chân ra nhà ngoài. Đối với em, được sống đầy đủ cái ăn cái mặc, được bưng cơm, nước, lau phòng, dìu ông đi nhà vệ sinh, tắm rửa kỳ cọ, đấm bóp và phục vụ ông những công việc lặt vặt khác, là may mắn lắm rồi. Em không dám có một ước mơ nào khác nữa. Cho đến một đêm khủng khiếp, em đau đớn mà không dám kêu la, không dám than khóc. Em phải chấp nhận nó như chấp nhận số phận khốn nạn của kẻ mồ côi mà suốt tuổi thơ em đã phải chịu đựng người đàn bà độc ác. Sự việc xảy ra đêm hôm đó và những đêm tiếp theo, em coi đó chỉ là phận sự của em phải phục vụ ông chủ, chứ em chưa có ý niệm gì về tình dục, về cái thai đang hành hạ trong bụng em. Cho đến một ngày Vân đau quá, bụng cứ lớn lên, nàng khóc, thành khẩn kể hết mọi chuyện cho Tân nghe, cầu xin Tân giúp nàng. Tân ngồi yên nghe nàng kể hết câu chuyện rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Chàng cứ đi, đi mãi như người mộng du, không biết là mình đang đi đâu cho đến lúc vấp phải tảng đá Tân mới sực tỉnh, thấy mình đang đứng ngã ba, bên bờ sông Hậu.

Tân ngồi tựa đầu vào bụi tre bên bờ sông, để mặc cho dòng nước mắt chảy và cơn giận đang bừng bừng đốt cháy tâm can chàng.

Tân giận cậu cả Hiệp, người mà Tân vẫn kính trọng biết ơn, coi như người cha thứ hai, đã giúp đỡ dậy dỗ khi Tân mới lên mười tuổi. Tân giận mợ Hiệp, người đàn bà đã cưu mang, nuôi nấng Tân từ khi cha mẹ Tân bị tử nạn trong một trận pháo kích. Bao nhiêu ân nghĩa của hai người dành cho Tân giờ đây bị cơn giận như lửa cháy thiêu đốt hết, trong tâm trí chàng chỉ bừng bừng cơn giận dữ, trào tuôn hai hàng nước mắt. Tân vò đầu, rưng rức khóc như trẻ con, như cái ngày chứng kiến cái chết đau thương của cha mẹ ...

Cơn giận đã theo dòng nước mắt làm dịu trái tim khổ đau thổn thức của Tân, khiến Tân bình tĩnh nhìn lại gốc rễ của những sự kiện xấu xa xảy đến cho Vân và cả cho chàng.

Tại sao cậu Tư Hiệp là người có học, có đạo dức, tốt bụng mà lại cưỡng bức một đứa tớ gái chỉ đáng tuổi con mình? Cậu đã bị dục vọng, vô minh che mất danh dự và lương tri con người, đã gây ra lỗi lầm làm cho gia đình xấu hổ vì cậu. Tân thấy thất vọng và thương xót cậu nhiều hơn là oán giận. Còn mợ Hiệp, tại sao mợ lừa dối, xí gạt Tân? Nhìn thật sâu, Tân thấy mợ ấy thật đáng tội nghiệp. Mợ là người vợ hiền, đảm đang, rất mực thương chồng. Từ ngày cậu Hiệp bị tai nạn, mợ phải cáng đáng hết mọi việc trong gia đình, phần phải lo kiếm tiền thuốc thang, chăm sóc cậu, phần phải nuôi bốn đứa con nhỏ ăn học, mợ vất vả, đầu tắt mặt tối suốt ngày, đâu còn thì giờ để trông nom phục dịch cho cậu. Mợ cũng đã mượn mấy bà đứng tuổi, cậu bị bịnh, khó tánh hay bẳn gắt nên họ đều xin nghỉ. Khi mợ bỏ tiền mua Vân về hầu hạ cậu, thấy cậu vui vẻ, mợ đã mừng. Nào ngờ !

Mợ cũng đau khổ lắm, sợ chuyện đổ bể ra thì tai tiếng, các con biết được sẽ tủi hổ, khinh thường bố, hạnh phúc gia đình sẽ xào xáo, nên mợ đành xí gạt Tân.

Còn Tân, chàng cũng yêu thương Vân lắm. Thấy mợ hứa gả Vân cho mình, Tân chấp nhận ngay. Chàng muốn có một cuộc sống tự lập, không muốn bám vào gia đinh cậu mợ mãi. Sau khi đám cưới xong, chàng sẽ chăm sóc Vân như em gái, như người bạn tình bé bỏng, đợi khi chàng gây dựng được nếp sống vững vàng, Vân trưởng thành, lúc đó hai người chính thức sống đời vợ chồng cũng chưa muộn.

Nhưng bây giờ mọi việc hỏng hết rồi ! Thật là bi đát, là một bi kịch ! Tân não nề thất vọng thốt lên:

Rồi từ đáy lòng, Tân thấy ứa lên niềm xót thương cho thân phận con người. Kiếp người thật mong manh như chiếc lá trên cành. Nó không thể tự bảo vệ được sự sống cho chính bản thân. Chỉ một cơn gió mạnh, một trận mưa bão tả tơi thì muôn ngàn chiếc lá vàng, lá xanh đều rơi rụng. Thân phận con người cũng mong manh như vậy, chỉ một cơn gió độc, một tai nạn, một cơn bệnh ngặt nghèo... cũng cướp đi mạng sống của ta, không phân biệt già hay trẻ. Còn về cuộc sống ư? Ai cũng mong cho mình một cuộc đời hạnh phúc, bình an. Nhưng thử hỏi đã mấy ai đạt đượt điều mơ ước đó trọn vẹn?

Hàng ngày người ta phải lao tâm tổn sức kiếm tiền cho cuộc sống đầy đủ. Nhưng lòng tham muốn của con người thì không đáy nên có người đã dùng mọi thủ đoạn để làm giàu bất chính, gây tổn thất khổ đau cho người khác. Bên cạnh đó, những dục vọng, đố kỵ, căm thù, tham đắm luôn xô đẩy con người đến bờ vực thẳm tội lỗi và khổ đau. Cậu Hiệp, mợ Hiệp, bé Vân và cả chính ta cũng chỉ là nạn nhân của tấm màn vô minh đang che khuất lương tri con người. Ta không nên giận dữ những người đã từng ban ơn cho ta, ta phải xót thương họ, giúp đỡ họ gỡ rối những lỗi lầm đã qua, giúp ta tỉnh giác để giải thoát cho ta khỏi sự ràng buộc vào những phiền muộn của kiếp người. Ta phải cứu giúp Vân, cô bé côi cút đáng thương ấy.

Tân thoát nhiên bừng tỉnh cơn mê. Chàng đi nhanh về nhà với Vân. Hơn bao giờ hết, lúc này chàng phải mở lòng ra chăm sóc giúp đỡ và yêu thương nàng.

Từ đằng xa, Tân nhìn thấy Vân đang thất thểu bước như bóng ma, hai vai rung rung vi mệt và khóc. Tân chạy về phía Vân, ôm lấy đôi bờ vai thon gầy, vỗ về nàng, giọng dịu dàng như như người anh trai:

- Nín đi em. Đừng sợ hãi, có anh luôn ở bên em, chăm sóc và bảo vệ mẹ con em.

Tân dìu nàng về nhà. Nắng chiều vàng úa trải dài lên hai người, in hai chiếc bóng xiên đổ trên đường quê.

 

Trên đỉnh sương mù

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Bé Thanh Thủy đã năm tuổi. Bé rất ngoan, xinh đẹp và thông minh. Bé được sống trong sự chăm sóc chu đáo của mẹ, sự dậy dỗ và yêu chiều của ba. Cả ba người họ đã tạo dựng được một mái ấm gia đinh đầy đủ về vật chất và hạnh phúc về tinh thần. Ba thì hàng ngày đến nhà máy xay lúa để trông nom thợ thuyền, còn má thì ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước chờ ba về cùng ăn. Cả ba mẹ đều nói những lời nhẹ nhàng với nhau, Thủy chưa bao giờ thấy hai người cãi cọ hoặc giận hờn nhau. Nhưng sao Thủy thấy trong đôi mắt mẹ luôn ẩn chứa nỗi buồn, đôi lúc mẹ khóc. Còn ba thì sau bữa ăn tối, ba dậy Thủy học, xong rồi đọc sách, trước khi đi ngủ, ba thường hay đến bàn thờ Phật ngồi thiền. Sau đó ba về phòng riêng ngủ. Chưa bao giờ Thủy thấy ba bước chân vào phòng mẹ. Hai mẹ con Thủy ngủ với nhau đã năm năm rồi.

Ngày chủ nhật, Ba thường chở mẹ con Thủy đến chùa lạy Phật, sau đó ba bảo mẹ chở Thủy về trước, còn ba ở lại chùa mãi sáng thứ hai mới về. Cuộc sống cứ đều đặn như vậy, trôi nhanh một cách êm đềm. Cho đến một ngày, Ba ra đi không trở về nữa.

Mẹ chở Thủy đến chùa tìm ba, thì sư cụ chỉ im lặng, lắc đầu. Vân đi tìm khắp nơi, nhưng không ai thấy Tân cả.

Bé Thủy tìm thấy dưới gối trong phòng ba lá thư ngắn ngủi.:

Em và con thương.

Từ nay công việc nhà anh giao hết cho em quản lý. Em giữ gìn sức khỏe, chăm sóc dạy dỗ con. Anh đã đi theo con dường anh chọn từ lâu rồi. Hạnh phúc bé nhỏ chúng ta đang có chỉ là tạm bợ, ích kỷ và nhỏ hẹp. Anh đã tìm cho anh một cuộc sống giải thoát, một con đường hạnh phúc thênh thang cho anh cho em, cho con và cho rất nhiều người.

Mong em có có đủ nghị lực để tự lo cho mình và cho con.

Đọc thư, Vân không còn khóc nữa, nàng đã hiểu từ bấy lâu nay Tân lo cho mẹ con nàng chu đáo và chuẩn bị cho hai người cuộc sống vững vàng rồi Tân mới ra đi theo con đường mà Tân đã chọn. Vân còn nhớ, thỉnh thoảng Tân chỉ cho nàng và bé Thủy đỉnh núi đầy sương mù trước mặt, nói:

Chỉ có nơi yên tĩnh trên kia, người ta mới thật sự cởi trói cho mình thoát khỏi những sợi dây ràng buộc, ra ngoài cõi sinh tử luân hồi.

Bây giờ thì Tân đã có một cuộc sống tâm linh, thánh thiện theo nguyện ước của chàng. Tâm hồn chàng sáng như trăng rằm, thanh thoát như vầng mây trắng trên bầu trời xanh biếc.

Mây đã trở về đỉnh núi để hội tụ với khí thiêng của đất trời. Vân không thể níu kéo được.

Vắng Tân, nàng thấy bơ vơ, trống vắng. Nhưng nàng cũng phải chấp nhận hoàn cảnh thực tại để lo cho bé Thanh Thủy. Nó chính là ý nghĩa cuộc sống, là hạnh phúc, là chỗ bám víu duy nhất của nàng trong những lúc cô đơn và tuổi già mai hậu.

Vân thấy mình không nên tiếp tục ở đây, không muốn sống trên mảnh đất của ông bà giáo Hiệp, người đã gây cho nàng nỗi tủi nhục. Nàng quyết định bán nhà máy xay lúa, rời bỏ căn nhà đầy kỷ niệm thương yêu. Nàng phải cố quên Tân, người chồng hờ đã dang tay cứu vớt mẹ con nàng. Bây giờ đã đến lúc nàng phải tự đứng lên, phải đi bằng đôi chân của mình, phải vượt thắng định mệnh bằng đôi bàn tay lao động, bằng ý chí kiên nhẫn, nghị lực vững chãi của mình.

Mẹ con Thu Vân đã rời bỏ Thị xã Châu Đốc để trở về Saigon đi tìm mảnh đất sống.

 

Duyên nghiệp trớ trêu

Hai mươi năm sau, Bà Thu Vân đã trở thành bà chủ vựa gạo có uy tín ở Chợ Lớn. Bà cũng là người bảo trợ cho Viện Cô Nhi Phật Giáo, là phật tử thuần thành giúp đỡ xây dựng Trường lớp cho các Tăng Ni tu học, giúp học bổng cho các sinh viên, học sinh, Tăng Ni sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thanh Thủy đã trở thành một cô giáo xinh đẹp của khoa ngoại ngữ trường Đại Học Sư Phạm Anh Văn Sài Gòn. Có rất nhiều chàng trai theo đuổi Thủy, nhưng nàng vẫn dửng dưng.

Rồi một đêm dạ hội Tất Niên do nhà trường tỗ chức, cô đã được mời lên hát. Tiếng hát của Thủy nghe thanh thoát, truyền cảm sâu lắng vào lòng người. Tiếng vỗ tay vang dậy, tiếng bìs, bis yêu cầu Thủy hát thêm một lần nữa, nhưng nàng chỉ cúi đầu cảm ơn rồi đi xuống trong vòng vây của nhiều người tặng hoa cho Thủy.

- Thủy hát hay lắm. Xin tặng em bó hoa và chúc em sang năm mới nhiều sức khoẻ, may mắn.

Người thanh niên đứng trước mặt Thủy là Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Huy mới du học ở bên Anh về, hiện là Khoa Trưỏng khoa Anh Văn của Trường. Huy tươi cười, dáng trang trọng lịch sự trong bộ đồ complet đắt tiền.

Thủy đưa hai tay nhận bó hoa, nhìn Huy bằng ánh mắt thầm cám ơn. Huy cũng đang trìu mến nhìn Thủy. Bốn ánh mắt gặp nhau, tuy chẳng nói ra lời, nhưng họ đã thầm giao cảm với nhau từ khi họ gặp nhau lần đầu tại phòng giáo viên trường đại học. Họ luôn để ý đến nhau, luôn nghĩ đến nhau, nhưng cả hai đều chưa có cơ hội thuận tiện để gặp gỡ trao đổi tâm tư. Tối nay chính là cơ hội tốt, nếu Huy không bộc lộ tình yêu thì e rằng nàng sẽ vuột khỏi vòng tay yêu thương của anh.

- Trăng đêm nay sáng quá, Thuỷ có thể đi dạo với anh được không?

Thủy nhẹ gật đầu.

Hai người sánh bước bên nhau, im lặng. Cả hai đều nghe thấy tiếng tim đập rộn ràng, bóng hai người quyện lấy nhau in trên lối cỏ. Sương khuya rơi trên áo, gió về khuya thấm lạnh cả hai. Huy nhè nhẹ nắm bàn tay ấm của thủy, dịu dàng nói:

- Ngồi nghỉ trên ghế đá này đi em.

Huy cởi áo vét choàng lên bờ vai thon nhỏ của Thủy. Chàng ngồi sát bên Thủy, bàn tay nắm chặt tay nàng.

Chàng bắt đầu kể chuyện hồi còn là sinh viên:

- Ba anh muốn anh trở thành thầy giáo, anh chiều ý ba nên đã theo học ngành sư phạm, rồi tốt nghiệp thủ khoa, anh được du học bên Anh Quốc ba năm. Suốt thời gian sinh viên cho đến khi du học, anh miệt mài học tập nên chưa có bạn gái. Mà cũng chẳng có ai làm trái tim anh rung cảm. Nhưng khi về nhận chức vụ Giáo Sư Khối Anh văn nơi trường cũ, bắt gặp ánh mắt Thủy anh đã thấy trái tim mình xốn xang. Anh như thấy đã từng gặp Thủy từ kiếp xa xưa nào, từng yêu thương và kết nghĩa vợ chồng với nhau, sống hạnh phúc bên nhau. Thế nên, anh luôn nhớ thương và theo dõi từng bước chân của Thủy. Vì môi trường sư phạm, anh không dám mạnh dạn tỏ tình cảm thân mật với Thủy trước đồng nghiệp và học sinh. Tối nay là cơ hội rất tốt để anh mạnh dạn ngỏ lời yêu em và xin cầu hôn với em.

Thủy bàng hoàng như trong cơn mơ. Từ khi gặp Huy, Thủy cũng có cảm giác giống Huy, nhưng không dám biểu lộ tình cảm. Thủy vẫn mong đợi có một ngày Huy sẽ nói với Thủy hai tiếng thương yêu này. Bây giờ phút mong đợi ấy chính là đây.

Thủy xúc động, nhìn thật sâu vào đôi mắt Huy, nhẹ gật rồi ngả đầu lên vai Huy để hưởng niềm hạnh phúc đang trào dâng trong trái tim hai người. Họ đang thật sự có nhau

Ánh trăng khuya lơ lửng trên cành cây Ngọc Lan, những cánh hoa màu trắng tinh khôi tỏa hương thơm ngát, như chúc phúc cho đôi nam nữ yêu nhau bằng mối tình trinh nguyên, chân thật.

Huy lái xe đưa Thủy trở về nhà. Đêm đã khuya nhưng bà Thu Vân vẫn thức đợi con. Thấy đèn còn sáng, Huy yêu cầu Thủy cho Huy được đưa nàng vào tận nhà để chào mẹ, và xin mẹ cho Huy được đến thăm nàng thường xuyên, đưa đón nàng đi dạy học.

- Con chào mẹ.

- Cháu chào bác ạ.

Cả hai người cúi đầu chào bà Thu Vân.

Bà hài lòng nhìn cậu thanh niên đi với con bà. Dáng dấp cậu thanh nhã, lịch sự. Khuôn mặt đẹp trai, vầng trán cao khôi ngô, nụ cười thật tươi khi cậu ngẩng lên nhìn bà. Huy đã chinh phục được mẹ Thủy ngay phút giây đầu tiên ấy.

Thế là từ hôm ấy, nhà bà Thu Vân lại có thêm bóng người con trai học thức thường lui tới đưa đón Thủy, đôi khi ở lại dùng bữa tối với gia đình. Gia đình bà vui hẳn lên, vẻ lặng lẽ của Thủy đã biến mất, nàng vui vẻ, hát ca và hay cười nói với người làm, hay chuyện trò, giúp đỡ bà mỗi buổi tối tính toán sổ sách thu mua.

Vài tháng sau, Huy thưa với bà Thu Vân xin đính hôn với Thủy. Huy sẽ mời mẹ đến chính thức thưa chuyện cưới hỏi Thủy. Bà Thu Vân đồng ý, hẹn ngày lành tháng tốt, mẹ Huy sẽ mang cơi trầu sang thăm nhà gái và định ngày làm đám hỏi và đám cưới.

Vào một buổi sáng mùa thu, trời đẹp, Huy chở mẹ mang lễ vật đến bà Thu Vân để hỏi vợ cho con. Bà giáo Hiệp thật vui vì thấy con trai mình đã chọn được người vợ ngoan hiền, có học thức, gia đình lại giàu có như Thủy.

Bước chân vào ngôi biệt thự sang trọng, bà đã thấy những cô thiếu nữ mặc trang phục đẹp đón khách từ cổng vào. Bước vào trong nhà, bà thấy cách trang trí thật là lịch sự, trang nhã. Bà Thu Vân bước ra đón khách, trông bà đơn giản trong bộ áo dài gấm màu tím, lụa Hà Đông.

Cả hai cúi đầu chào nhau, họ ngờ ngợ là đã quen nhau ở đâu, nhưng họ không thể nhớ ra được.

Thu Thủy bước ra trong bộ áo dài màu hồng, nàng đẹp hiền dịu như thánh nữ. Nàng rót nước mời hai bà mẹ và người chị gái của Huy. Còn Huy thì tươi cười với mọi người. Chàng đang sống tràn đầy hạnh phúc trong hiện tại. Và tương lai, mái nhà có hai người yêu nhau, sống như đôi bạn tri kỷ, chăm sóc cho nhau đến răng long đầu bạc. Những đứa con ngoan xinh xắn sẽ là những tiếp nối của mối tình bất diệt này.

Sau khi thăm hỏi nhau theo phép lịch sự. Bà Vân được biết ba Huy bị bệnh không thể đến được, còn ba Thủy thì đã lên núi tu thiền. Bà Vân không thách cưới, chỉ yêu cầu đám cưới được tổ chức tại chùa theo nghi lễ Phật Giáo dưới sự chứng kiến của hai họ nhà trai và nhà gái. Sau đó, tiệc cưới sẽ đuợc tổ chức thật trọng thể, vào đầu tháng mười hai tại một nhà hàng lớn nhất Sài Gòn.

Cả hai gia đinh đều rất vui. Thủy và Huy rất bận rộn chuẩn bị đám cưới như đi tìm nhà hàng, đặt bàn ăn cho thích hợp, chọn mẫu thiệp cưới thật đẹp và trang nhã theo ý của Vân, chọn áo cưới và nhẫn cưới cho nhau. Đeo thử chiếc nhẫn vào ngón tay xinh xắn của Thủy, Huy tha thiết nói:

- Dù cho trái đất này có xụp đổ thì tình yêu của anh dành cho em vẫn nguyên vẹn. Còn em, em có yêu anh như anh đã yêu em không?

- Đến giờ phút này mà anh còn hỏi em câu đó, chứng tỏ rằng anh chưa thật tin vào sự chung thủy của em.

Rồi nàng cắn vào má Huy thật đau, thì thầm nói:

- Dù cho mặt trăng có rơi rụng, thì tình yêu em dành cho anh vẫn sáng rỡ như trăng rằm.

 

Thủy rất nhớ Ba, cầu mong cho ba về dự đám cưới của nàng. Bà Thu Vân rất mong Thầy Tân trở về để làm lễ đám cưới cho Thủy. Bà lên núi tìm Thầy, được biết Thầy đã xuống núi từ hai năm nay rồi, hiện bây giờ Thầy đang trụ trì chùa Hải Pháp, ngoại ô thành phố Sài Gòn.

Sau hơn ngày tìm kiếm, bà đã tìm ra chùa Hải Pháp. Đó là ngôi trường Phật học dậy Tăng Ni giáo pháp Thiền Tông. Bà được gặp Thầy trụ trì Chân Trí. Người đứng trước bà không còn là Tân hai mươi năm về trước nữa mà là một vị thầy đạo hạnh uy nghi, khuôn mặt nhân hậu, đôi mắt sáng rỡ, từ bi nhìn bà:

Thí chủ từ đâu đến, bà tìm tôi có việc gì cần giúp đỡ không?

Thu Vân quì xụp lạy dưới chân Thầy, nước mắt tuôn rơi, nghẹn ngào:

- Con là Thu Vân, người đã được Thầy cứu giúp hai mươi năm về trước, Thầy không nhớ ra con sao?

- Thế à, trông bà bây giớ khác trước nhiều quá.

Thế cháu Thu Thủy đâu? Bây giờ chắc hẳn cháu lớn lắm rồi, có gặp chắc tôi cũng chẳng nhận ra đâu.

- Vâng, bạch Thầy, cháu Thủy bây giờ đã tốt nghiệp đại học và làm cô giáo dậy Anh Văn rồi. Chỉ còn hai tuần nữa là đám cưới của cháu được cử hành. Con kính thỉnh thầy về làm chủ lễ, tác thành cho hai cháu.

- Thế chú rể con cái nhà ai, bà có quen biết không?

- Bạch Thầy, hai cháu dạy cùng trường rồi yêu thương nhau. Chú rể cũng được lắm. Gia đình bên chú rể đã đến nhà con xin làm đám hỏi. Mẹ chú rể trông người cũng hiền lành, phúc hậu, còn ba thì nghe nói bị đau nặng nên không đến được.

Thôi được, bà để lại địa chỉ, tới ngày đó tôi sẽ đến.

- Bạch Thầy, con muốn cử hành hôn lễ cho hai cháu tại chùa và xin cung thỉnh Thầy đứng ra làm chủ lễ.

- Thôi cũng được, vậy bà hãy đến chùa Pháp Không ở gần đó, đưa thư này của tôi cho Thầy trụ trì, xin Thầy cho phép được làm lễ cưới tại đó. Bây giờ, tôi phải lên lớp dậy Tăng Ni rồi. Bà về, nhớ tổ chức lễ cưới tại chùa cho chu đáo.

Thu Vân chắp tay lạy Thầy rồi ra về. Lòng bà sao bây giờ nhẹ thênh thang như mây trời. Từ ngày Tân lên núi tu, bà chẳng thiết tha gì nữa, chỉ muốn theo chàng vào chốn cửa không để giải thoát kiếp người đau khổ. Nhưng bên cạnh bà còn bé Thu Thủy, còn người cha và hai em nhỏ ở quê nhà rất nghèo khổ. Sau khi bán Vân cho bà giáo Hiệp, được số tiền lớn, di ghẻ đã bỏ cha Vân và hai đứa con nhỏ theo người đàn ông khác.

Vân không thể trốn tránh trách nhiệm với con, với cha và hai đứa bé đáng thương ấy. Vân phải cố sống, cố làm việc để cứu giúp bốn sinh mạng này. Sau hai mươi năm trời vất vả làm việc, vật lộn với cuộc sống, bây giờ bà đã tạo được sự nghiệp giàu có. Bà đã xây được căn nhà dưới quê cho ba và hai em ở. Bà cấp dưỡng hàng tháng, nuôi hai em ăn học, và mua cho ba hai công đất để ba có công ăn việc làm.

Bây giờ thì hai em đã lớn, bà tìm công ăn việc làm cho một đứa ở dưới quê để chăm sóc ba, còn một đứa thì bà cho giúp việc kế toán sổ sách cho bà. Cuộc sống của chúng ổn định cả.

Gặp lại Tân, dĩ vãng đau thương xưa lại bừng sống dậy, ơn nghĩa Tân dành cho mẹ con bà to như trời biển. Nếu ngày đó, Tân bỏ rơi mẹ con bà thì không biết thân phận bà còn khốn khổ đến chừng nào.

Hai hàng nước mắt tuôn rơi. Bà trở về với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Tuổi bà năm nay tuy đã ngoài bốn chục, nhưng hãy còn xuân sắc lắm.

Có rất nhiều người đàn ông chưa vợ, hoặc goá vợ, hay ly thân muốn kết hôn với bà nhưng bà đều từ chối. Kể từ cái đêm bị ông Giáo Hiệp cưỡng bức, bà bị nỗi sợ hãi ám ảnh hoài. Có những đêm bà nằm mơ ú ớ, giật mình tỉnh dậy, sợ hãi như mới vừa bị ai động chạm vào người. Thu Thủy rất thương mẹ, hỏi nguyên do tại sao mẹ lại sợ như thế, bà chỉ im lặng.

Suốt năm năm trời sống bên nhau, mang danh nghĩa vợ chồng nhưng Tân rất tôn trọng bà, chưa một lần tỏ ra sàm sỡ. Bà rất mang ơn chàng, tôn kính chàng như vị thánh sống đã đến để cứu giúp mẹ con bà.

Thấm thoát ngày tổ chức đám cưới đã đến, họ đàng trai mang đồ sính lễ đến nhà gái để rước dâu. Chiếc xe sang trọng của cô dâu chú rể được kết hoa trắng tươi. Tiếp đó là mười chiếc xe hơi bóng loáng chở đồ sính lễ và họ hàng nhà trai đến xin rước cô dâu. Sau khi lễ bàn thờ gia tiên, xe cô dâu và hai họ thẳng tiến đến chùa Pháp Không để làm lể theo nghi thức Phật giáo chúc phúc cho đôi trẻ sống hạnh phúc bên nhau.

Chiếc xe hoa vào sân chùa. Cả hai bước song đôi tiến về phía Tam Bảo. Cô dâu đẹp hiền dịu trong bộ áo dài gấm màu huyết dụ cổ truyền. Cổ đeo chiếc kiềng vàng chạm rồng, đầu đội nón xếp hoàng hậu. Chú rể mặc áo dài gấm màu lam, đầu đội nón xếp, Đám cưới theo phong cách cổ truyền coi thật đẹp mắt

Cả hai từ từ tiến vào Tam Bảo. Theo sau cô dâu chú rể là bà Thu Vân và bà giáo Hiệp cùng với anh chị em Huy và họ hàng hai bên.

Vị Thượng Tọa chủ lễ hôm nay là Thượng Tọa Chân Trí tức là cậu Tân ngày xưa. Sau khi mời hai họ ngồi dự lễ theo thứ tự nam nữ hai bên, bấy giờ Thầy Chân Trí mới quan sát kỹ thân nhân cô dâu chú rể.

Thượng Tọa lặng người đi khi nhận ra mẹ chú rể là mợ giáo Hiệp, như vậy cậu Huy là con ông giáo Hiệp.

Mà Thu Thủy cũng là con ông giáo Hiệp. Như vậy đám cưới này không thể tiến hành. Thầy giả bộ ho rồi kêu đau bụng, đau quá không thể làm lễ cưới cho hai cháu được.

Rồi Thầy mời hai bà mẹ cô dâu chú rể vào trai đường, kể hết sự thực cho hai người nghe, bảo rằng đám cưới này phải hủy bỏ, không thể tiến hành được. nếu cố trái ý, sẽ phạm vào luân thường đạo lý, không thể dung thứ được.

Cả hai bà mẹ đều bủn rủn tay chân, quì dưới chân Thượng Tọa xin sám hối. Riêng bà giáo Hiệp thì khóc nức nở vì hối hận việc làm sai lầm của bà đối với Tân. Bà rất ăn năn sám hối. Bây giờ bà gặp quả báo để con trai bà đau khổ.

Thầy cho mời cô dâu chú rể vào trai đường, ngồi cạnh hai bà mẹ. Thầy ôn tồn giải thích cho đôi trẻ nghe rằng đám cưới này không thể thực hiện được vì họ là anh em ruột cùng cha khác mẹ. Bây giờ có cả hai bà mẹ ngồi đây, các cháu có thể hỏi lại hai bà để xác minh điều thầy nói là đúng. Duyên nghiệp éo le của hai cháu thật xót thương, oan trái. Theo Thầy nghĩ, hai cháu cũng đừng nên đau buồn thái quá, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Hai cháu thương yêu nhau, thề nguyền sẽ sống trọn đời trọn kiếp bên nhau, thì bây giờ hai cháu đang sống bên nhau rồi đó. Chỉ có khác là tình vợ chồng đổi ra tình huynh đệ, chăm sóc, giúp đỡ, khuyến khích nhau cùng tiến trên con đường sự nghiệp giáo dục, dạy đỗ cho bao thanh thiếu niên kiến thức và đạo đức con người. Mà thầy nghĩ, tình huynh đệ bền vững và đẹp hơn tình chồng vợ nhiều lắm. Các cháu có thấy được bao nhiêu cặp vợ chồng sống hạnh phúc trọn vẹn bên nhau suốt đời? Con số đó thật ít ỏi.

Lúc đang yêu nhau thì người ta yêu như điên dại, cuồng si. Nhưng sau một thời gian chung sống, họ mới biết là mình sai.

Rồi người ta sinh ra ngoại tình, bỏ bê con cái dẫn đến ly hôn. Các cháu ơi, hạnh phúc lứa đôi chỉ có được khi cả hai người đều có trách nhiệm, có lòng bao dung, tha thứ cho nhau, chấp nhận cả tính xấu của nhau. Còn không, chỉ là những đổ vỡ, tác hại cho mấy đứa trẻ đáng thương.

Các cháu không nên đau khổ, phải biết chấp nhận hoàn cảnh bất hạnh này rồi tìm cách chuyển hoá nó. Có nhiều thứ tình yêu cao đẹp, làm cho người ta hoan hỷ, có niềm hạnh phúc to lớn gấp bội tình yêu trai gái các cháu ạ. Thôi bây giờ, mọi chuyện đã an bài rồi. Các cháu phải tỏ ra dũng cảm để chấp nhận. Đám cưới tối nay tại nhà hàng sẽ đổi thành Buổi lễ mừng ngày đoàn tụ của hai gia đình, của tình ruột thịt anh em. Thầy chắc rằng mọi người sẽ hoan hỷ. Rồi sau đó hai cháu sống chung bình thường trong một gia đình, có cha mẹ anh em. Như vậy, vẫn vui vẻ phải không hai cháu.

Trước sự kiện bất ngờ đó, cả Huy và Thủy đều rất đau khổ, nhưng họ là người thông minh, có ý chí và nghị lực cao, biết rằng không thể nào thay đổi được hoàn cảnh trớ trêu này nên đành phải cúi đầu chấp nhận.

Huy và Thủy chắp tay, cúí đầu thưa:

- Lời thầy dậy chúng con xin vâng và ghi nhớ.

Tối hôm đó, tại nhà hàng, khách mời đến rất đông. Mọi người ngạc nhiên thấy cô dâu chú rể không mặc trang phục lễ cưới mà ăn mặc bình thường như buổi lễ tiếp tân. Người xướng ngôn viên của nhà hàng lên giới thiệư.

- Kính thưa quí vị quan khách, chúng tôi đại diện cho nhà hàng xin kính chúc chú quí vị buổi tối vui vẻ và hài lòng với bữa tiệc đãi hôm nay của gia đình cậu Vũ Thanh Huy và cô em gái Thu Thủy. Chắc hẳn quí vị cũng ngạc nhiên như chúng tôi tại sao tiệc cưới lại đổi thành tiệc đoàn viên... Thì đây là câu trả lời của cậu Vũ Thanh Huy.

- Kính thưa Mẹ và Dì Thu Vân, kính thưa các bác, chú, cô dì, quí vị giáo sư và các bạn đồng nghiệp.

Thật là vinh dự cho gia đình chúng tôi hôm nay được đón tiếp quí vị trong buổi tiệc thân mật này để mừng cho anh em chúng tôi sau hai mươi lăm năm xa cách đã nhận được ra nhau.

Hơn một năm về trước, tôi đã gặp Thu Thủy nơi ngôi trường đại học sư phạm. Chúng tôi thật là yêu thương nhau. Chúng tôi muốn sống hạnh phúc trọn đời bên nhau nên mới tổ chức tiệc cưới này, kính mới tất cả quí vị đến chung vui với hai gia đình chúng tôi. Nhưng nhờ phúc đức Tổ Tiên, chúng tôi đã được một ân sư chỉ cho chúng tôi biết rằng hai anh em chúng tôi là ruột thịt. Vậy thì bữa tiệc ngày hôm nay chính danh của nó là bữa tiệc đoàn viên của gia đình chúng tôi, của anh em chúng tôi.

Chúng tôi vẫn mãi sống hạnh phúc bên nhau, chúng tôi không còn sợ mất nhau, bởi vì chúng tôi là ruột thịt. Mà trên đời này còn có tình yêu thương nào sâu đậm và bền chắc hơn tình ruột thịt nữa phải không, thưa quí vị. Vậy kính mời quí vị hãy nâng ly để mừng ngày đoàn tụ của anh em chúng tôi.

Tiếng vỗ tay nổ ran phòng tiệc, tiếng cụng ly ròn tan như thủy tinh vỡ hòa với tiếng dzô dzô ầm ĩ của đám bạn trẻ. Bên cạnh những âm thanh ầm ĩ giả tạo đó, người ta cũng nhìn thấy có nhiều bà, cô đã lấy khăn tay chậm nước mắt.

 

Sau bữa tiệc, Huy đã xin phép bố mẹ đến nhà dì Thu Vân ở.

Bà Thu Vân không cảm thấy buồn mà trong lòng thật hớn hở. Nỗi cô đơn không còn ám ảnh bà nữa. Từ nay, Thủy sẽ ở bên cạnh bà, là nguồn yêu thương duy nhất của bà. Bây giờ Huy sẽ là chỗ nương dựa cho bà và Thu Thủy. Bà chắp tay hướng về cuối trời. Hình bóng thầy Chân Trí như vầng hào quang phủ tâm trí bà. Lòng bà nhẹ thênh thang như vầng mây trắng đang bay bay về đỉnh núi.

 

CHÂN Y NGHIÊM

 

Tên thật là Phan Thị Thuần. Quê quán Đông Ngạc-Hà Nội.

 

- 1997 trở về trước Giáo viên Anh văn trường Hồng Bàng, quận V Sài Gòn.

 

- 1998 Xuất gia cầu đạo với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai – Pháp quốc.

 

- Viết cho các báo: Giác Ngộ (Việt Nam), Phật Giáo Việt Nam (Việt Nam – Hoa Kỳ), Đất Lành (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc), Pháp Âm (Na Uy), Phù Sa (Pháp).

 

- Đã ra phát hành 3 CD nhạc:  

1/ Mẹ là Trăng Mười sáu - 2003.

2/ Bài hát Từ Trái Tim - 2007.

3/ Mừng Phật đản sinh - 2009.

 

Trong mục đích: Giúp học bổng cho các sinh viên – học sinh nghèo hiếu học có thêm phương tiện để vươn tới tương lai tươi sáng; Giúp các cháu mồ côi-khuyết tật và các cụ già neo đơn có thêm phần trợ cấp hàng năm để cuộc sống tốt đẹp hơn... Đã sáng lập Gia đình Thiện Nguyện Hiểu và Thương 1990, và Gia Đình Thiện Nguyện Hoa Tình Thương 2006.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |    GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.