.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                    TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 Chân Y Nghiêm

Viên ngọc như ý

Mặt trời ửng đỏ lấp ló sau rặng tre, ánh nắng màu nõn chuối đang uốn éo trên thửa mạ non tỏa mùi hương thơm dịu thanh khiết. Tân đang bước vội vã, xuyên qua con đường nhỏ trên bờ ruộng, không để ý đến ánh bình minh rực rỡ đang trải theo từng bước chân. Đầu óc Tân đang bận nghĩ đến người cha trên giường bệnh, Ông Phú Lộc sai cậu đi mời thầy Phước tới gấp. Thầy đồ Phước là bậc danh nho, đã từ quan về ở ẩn, vui thú điền viên. Ông Phú Lộc là bạn thân, đã phó việc dạy dỗ hai con trai cho thầy. Tân và Tuấn là anh em sinh đôi, mặt mũi giống nhau như khuôn đúc. Để phân biệt, thầy đồ đã khắc trên cánh tay mặt của Tân một dấu son đỏ. Cả hai anh em đều thông minh, nhưng Tuấn ham chơi nên hay bị phạt quì, có bữa bị thày nọc ra sân đánh.
 

Tình người anh cả.

Tân rất thương em, thường che chở cho em. Tuấn thấy vậy càng bắt nạt anh và tỏ ra tham lam ích kỷ. Mỗi ngày Thầy bắt mỗi đứa xách đầy lu nước. Lừa lúc Tân ngủ, Tuấn đã múc hết nước của anh đổ sang lu mình. Tân biết vậy cũng làm thinh, lẳng lặng đi xách nước khác, không dám hé môi, sợ em bị đòn. Bất chợt thầy đồ nhìn thấy hành vi xấu của Tuấn, bắt hắn xách đầy hai lu rồi sau đó quì cho đến khi cây nhang tàn.

Ông Phúc Lộc rất nhân hậu. Vợ chết sau khi hai đứa con chào đời. Ông ở vậy, mướn hai người vú nuôi hai con. Người vú nuôi Tân hiền lành, thật thà. Người vú nuôi Tuấn khôn ngoan, xảo quyệt. Khi hai anh em lên sáu tuổi, ông mời thầy giáo về nhà dậy học. Khi chúng lên mười tuổi, ông gửi chúng sang thầy đồ Phước, xin được dậy dỗ đạo thánh hiền. Ngoài giờ học chữ, thầy còn dạy hai anh em võ công cùng với Thúy Lan, cô con gái duy nhất của Thầy. Cô bé xinh đẹp và thông minh chẳng thua gì Tân. Cô tập những đường võ rất đẹp.

Ông Phúc Lộc đau nặng cả tháng nay nên Tân phải xin phép thầy về nhà chăm sóc cha. Sáng nay ông bảo Tân sang mời thầy Phước và kêu Tuấn về.

Từng sợi nắng như tơ tằm đang lung linh trên ngọn khế trước cổng nhà thầy. Từng chùm hoa khế màu tím trổ bông bên cạnh những trái khế vàng nặng trĩu. Thúy Lan đang uyển chuyển theo nhịp của bài khí công, chợt dừng lại, hỏi:

- Anh đi đâu sớm thế, Bác đã đỡ chưa?

- Chưa, thầy anh có vẻ đau nặng. Thầy bảo anh mời thầy em sang và gọi Tuấn về.

- Thật hả? Vậy để em vào mời thầy em dậy. Tối qua thầy đọc sách khuya nên sáng nay dậy hơi trễ.

Thầy đồ Phước vội vàng khoác chiếc áo the thâm cùng Tân và Tuấn trở về nhà theo lối mòn bờ ruộng.

Ông Phúc Lộc nở nụ cười trên đôi môi khô héo khi thấy thầy đồ và Tuấn bước vào. Thầy đồ ngồi trên ghế trước mặt ông, hai con ngồi bên cạnh. Ông nói giọng yếu ớt:

- Tôi biết tôi sắp lìa đời. Tôi xin Thầy thương hai cháu, dạy dỗ chúng nên người. Tôi có chút đỉnh của cải để lại cho hai đứa, xin thầy chứng kiến và phân xử cho. Tôi chia làm hai phần:

*Phần một là căn nhà ngói ba gian với đầy đủ tiện nghi, kho thóc đầy ăn cả hai năm, năm con trâu, năm con bò, mười con heo và một trăm con gà cùng năm mẫu lúa sắp đến mùa gặt.

*Phần hai là một căn nhà gỗ ba gian để thờ tổ tiên và một đồi thông hai mẫu trong đó có mộ phần của ông bà nội ngoại, họ hàng xa gần... Không có động sản và gia súc gì khác.

Tôi cho hai con có quyền chọn lựa, có sự chứng kiến của Thầy và xin Thầy ghi vào chúc thư rồi đem lên quan huyện xác nhận.

Ông đưa hai bàn tay gầy về phía ông đồ Phước, yếu ớt nói:

- Đây là món quà tôi kính dâng thầy để xin cầu hôn con gái thầy cho một trong hai con trai tôi trước khi tôi nhắm mắt, xin thầy nhận lời cho...

Thầy đồ Phước đưa hai tay cầm lấy món quà, lặng lẽ gật đầu.

Tân ngồi im, cúi đầu, hai hàng nước mắt dàn dụa. Tuấn đứng lên quì dưới chân cha:

- Thưa cha, anh Tân là con cả, con xin nhường cho anh căn nhà ba gian và đồi thông có mộ phần để tiện bề hương hỏa. Còn con, con xin nhận phần gia sản có căn nhà ngói ba gian, năm mẫu ruộng và tất cả gia súc cha vừa nói.

Ông Phúc Lộc ngước mắt nhìn Tân, thều thào:

- Ý con thế nào, con có đồng ý cho em con nhận phần tài sản ấy không?

Tân quì xuống bên chân cha, ôm chặt lấy bàn tay gầy của cha, gật đầu.

Mắt ông Phúc Lộc chợt sáng lên, hai giọt nước mắt lăn trên má, ông nhìn Tân như thầm cảm ơn người con trai trưởng. Chúc thư được ghi chép đầy đủ, ông Phúc Lộc và hai người con ký vào.

Đêm hôm ấy, ông phúc Lộc từ trần.
 

Trao khăn gửi phận

Thầy đồ gọi hai anh em đến nhà, kêu con gái ra, nói rõ cho con ý cầu hôn của ông Phúc Lộc trước khi ông nhắm mắt và thầy đã nhận lời. Thầy cho Lan chọn lựa bằng cách trao cái khăn của cô cho ai thì thầy sẽ làm đám cưới cấp tốc trước khi làm đám tang ông Phúc Lộc.

Đã từ lâu. Cả hai anh em đều thương thầm trộm nhớ Thúy Lan, nhưng thấy thầy đồ nghiêm khắc nên không ai dám ngỏ lời.

Còn Thúy Lan, cô cũng thương Tân. Cô nguyện trọn đời chung thủy với chàng. Đám cưới của Lan và Tân cử hành thật đơn giản trong vài người họ hàng ruột thịt. Sau đó đám tang ông Phúc Lộc được cử hành trọng thể trong suốt ba ngày. Đến phúng điếu, có đủ các quan trong tỉnh. Cả làng đều đưa đám tang ông Phúc Lộc vì nhớ ơn tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ người nghèo của ông.

Đám tang đã được hòan tất, ai về nhà nấy. Tân dọn dẹp lại căn nhà thờ gỗ ba gian, sửa sang bàn thờ trang nghiêm, suốt ngày hương khói nghi ngút. Còn Lan thì lo kế sinh nhai.
  

Dệt cửi nuôi chồng ăn học

Trước kia, căn nhà thờ lạnh lẽo, ít người lui tới, chỉ có ông Minh - người tớ già, giữ nhà thờ. Ông Phúc Lộc thỉnh thoảng sang lễ, thường cho ông quà bánh và tiền. Mỗi lần có quà, ông không quên cho con Vện, còn tiền thì ông bỏ vào cái ống tre, cẩn thận ngó trước ngó sau rồi giấu vào khe gỗ trên xà nhà.

Bây giờ, có thêm vợ chồng cậu Tân, ông thấy đỡ cô đơn. Mỗi sáng - chiều, cậu đều kính cẩn quì lạy trước bàn thờ ông Phúc Lộc. Còn mợ Tân thì dệt cửi. Khung cửi được đặt bên gian trái, tiếng cót két đều đều nghe cũng vui. Một tháng hai lần, vào bốn giờ khuya, mợ Tân lên chợ Huyện bán vải. Đến trưa, mợ mang về nhiều thức ăn. Mợ nấu cơm khéo và ngon. Khi ăn, mợ thường gắp thức ăn cho chồng, cả cho ông nữa, khiến ông cũng thấy hả dạ. Mỗi ngày, ông xách nước đổ vào lu, tưới vườn rau, chăm sóc đàn gà con và chó Vện. Còn cậu Tân thì suốt ngày cắm cúi học trong phòng, bữa ăn mới thấy mặt. Thỉnh thoảng thấy cậu ra cắt tỉa vài cụm hoa và đi dạo trong vườn.

Một ngày nọ, cậu Tuấn sang chơi. Bảnh bao trong chiếc áo the thâm mới, đầu chải bóng, cậu nghiêng mình chào chị dâu với nụ cười đa tình, rồi cậu đi thẳng vào phòng anh trò chuyện.

Hôm sau, mợ Tân đi mua sắm thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho cậu cả đi thi. Mợ bỏ vào trong túi cậu một trăm quan tiền do hơn năm mợ thức khuya dậy sớm dành dụm được.

Tân và Tuấn lên đường về Kinh Đô dự thi do nhà vua mở khoa thi tuyển Trạng Nguyên và Phò Mã.

Đi được nửa ngày, hai người định tìm gốc cây ngả cơm ăn thì có bà già thân hình tiều tụy, áo quần xốc xếch đến xin, Tuấn vung tay quát:

- Lão bà bẩn thỉu này cút đi, ta không có dư đâu mà cho bà.

Nói rồi, hắn thản nhiên trải tấm vải dưới gốc cây, giở thức ăn ngon lành, không mời anh được một miếng.

Bà già đến gần Tân năn nỉ:

- Xin cậu cho lão bà một miếng cơm. Ta đói quá !

Vừa nói dứt lời, bà té phịch xuống đất. Tân xẻ phần ăn của mình, cho bà một nửa. Bà ăn xong đứng lên phủi đít đi, được một quãng bà lăn ra đất kêu đau. Tuấn đi tới, bà níu chân cậu lại, năn nỉ:

- Cậu ơi, xin cậu làm phước cõng lão về phía kia là nhà của lão. Lão đau bụng quá, không thể đi nổi. Ối giời ơi, lão chết mất.

Tuấn đá mạnh vào đít bà lão văng sang một bên đường, lạnh lùng bước đi, miệng còn lẩm bẩm:

- Lão bà dơ bẩn, làm rộn chân ta.

Tân đi tới, thấy bà lão lăn lộn khóc lóc, cúi xuống hỏi thăm. Bà lão rống lên:

- Ối giời ơi, lão đau bụng quá, đau chết mất, nhờ cái cậu kia cõng lão về nhà, đã không cõng, còn đá lão như trời giáng. Ối giời ơi, đau quá.

Tân nhìn bà già mà chợt nhớ đến mẹ. Mẹ cậu chết khi hai anh em mới sinh. Nếu mẹ còn sống chắc mẹ cũng già như bà này... Chàng cúi xuống nói với bà lão:

- Bà ôm lấy cổ cháu, cháu cõng bà về nhà.

Mừng quá, bà ôm chặt cổ Tân như sợ cậu chạy mất, Tân kêu:

- Bà ôm lỏng tay thôi kẻo cháu nghẹt thở. Bà quặp lưng cháu vừa thôi để cháu còn bước. Rồi Tân lầm lũi đi, chẳng bao lâu tới căn nhà dưới chân đèo. Bà tụt xuống cảm ơn, vào trong nhà lấy cho Tân quyển sách.

Tân tiếp tục đi con đường mà Tuấn đi qua. Tân thấy vườn nho rộng lớn. Những trái nho bằng vàng óng ánh dưới nắng mặt trời bên cạnh những trái nho tím, xanh chín mọng. Khát nước, Tân muốn ăn vài trái, nhưng chẳng dám hái, sợ mắc tội ăn cắp.

Nhưng quá khát và mệt, cậu bứt một chùm nho, bỏ vào miệng, định bụng ăn xong sẽ cột tiền vào gốc cây nho để trả cho chủ. Bỗng một người đàn ông xuất hiện, hắn phang cái cây sắt lên người cậu, nhưng cậu né sang một bên, giơ tay nói:

- Anh khoan đừng nóng vội. Tôi không cố ý ăn trộm nho. Khát nước quá, nên tôi ăn ít nho cho đỡ mệt. Tôi sẽ buộc tiền vào gốc cây trả cho chủ. May quá, gặp anh, tôi xin gởi lại tiền. Thò vào túi móc ra một quan, cậu trao cho người giữ vườn. Người này nét mặt dịu xuống:

-  Ồ, tôi xin lỗi, tí nữa đánh lầm. Hồi nãy, có người trông rất giống anh. Hắn hái nho vàng của trại tôi, tôi nói, còn đánh tôi nữa. Tôi chạy về lấy cây sắt này đập cho hắn chết, té lại lầm anh.

- Cậu ấy là em tôi. Tôi xin gửi lại anh tiền nho của nó.

Người giữ vườn xua tay:

-  Thôi, tôi không nhận đâu. Anh là người thật thà, tử tế. Tôi tặng anh thanh sắt này, vừa là cây viết, có nét tuyệt đẹp, vừa là cây kiếm báu hộ mạng những lúc anh gặp kẻ cường bạo hiếp đáp.

Người giữ vườn trao cho anh thanh sắt nhỏ rồi biến vào rừng nho.Thanh sắt trở nên nhỏ bé và xinh đẹp như cây viết. Tân bỏ vào túi, lại tiếp tục lên đường.

Chiều dần tối, Tân ghé vào quán bên đường. Trong quán có một bà già và cô con gái xinh đẹp. Cậu xin nghỉ lại một đêm. Cô thiếu nữ mừng rỡ, dọn giường tươm tất, xếp hành lý ngăn nắp trên bàn, đon đả:

- Chàng đi xa chắc mệt lắm, để thiếp cởi giầy, lấy khăn lau mặt cho chàng.

Rồi nàng quì xuống, cởi đôi giày ra khỏi chân chàng, bàn tay búp măng từ từ vuốt bắp chân rồi luồn lên phía đùi như con rắn bò trên da thịt. Tân hoảng hốt kéo tay nàng ra, lẳng lặng mắc mùng, nằm quay mặt vào tường, mặc cho nàng lay gọi.

Trời hửng sáng, Tân rời quán ra đi, để lại hai quan tiền, trả cho bà chủ quán. Đến Kinh Đô, Tân giở quyển sách bà lão tặng ra xem. Đó là quyển sách quí gồm nhiều bài thi mẫu. Chàng nghiền ngẫm học. Chàng lấy cây viết người giữ vườn cho, viết thử. Nét bút mềm mại tuyệt đẹp. Qua mấy kỳ thi, Tân đều đậu thủ khoa nhờ quyển sách và cây viết quí.
 

Lòng người hiểm ác

Tuấn, sau khi đá bà già, tới vườn nho, thấy nho vàng, nẩy lòng tham, hái đầy túi, (Đó là vườn nho của nhà vua. Kẻ nào hái trộm sẽ bị đánh đòn và phạt tù nữa). Hắn ta đi tới túp lều bên đường, gạt bà già và cô con gái, không cầm lòng được trước sắc đẹp, đã tán tỉnh và chung chăn gối với nàng. Sau khi đã thỏa thuê, hắn bỏ đi, quịt luôn tiền trọ quán.

Thí sinh vào Kinh Đô đều bị khám xét kỹ. Quân lính bắt được trong túi hắn những trái nho vàng. Hắn bị đánh và bị giam.

Tân đậu Trạng Nguyên được phong tước, ban thưởng. Sau đó, nhà Vua giữ Tân lại bàn việc quân cơ chống ngoại xâm đang lấn chiếm biên giới, Tân thống lãnh một vạn quân tinh nhuệ đi đánh giặc. Nhờ cây kiếm thần, sau một trận đánh quyết liệt, Tân bắt được tướng giặc, chiến thắng trở về.

Vua mừng rỡ, mở tiệc khoản đãi ăn mừng, cho Tân về vinh qui bái tổ, ban thưởng nhiều lụa quí, gấm vóc, tiền vàng và phong cho chàng làm Tổng trấn vùng quê ở nhà.

Tân nghĩ đến người em đang bị giam giữ, quì lạy xin Vua tha tội cho em. Vua nể công trạng của Tân, ra lệnh tha cho Tuấn.

Hai anh em trở về làng, quân lính cờ xí hộ tống rợp đuờng đi. Trên chặng đường dốc núi phải nghỉ lại đêm, Tuấn ôm bụng kêu la lăn lộn. Tân rất thương em. Tuấn bảo:

- Nếu anh muốn cứu em khỏi chết thì anh phải lên đỉnh núi lấy cây nấm quí cho em ăn sống thì bịnh mới hết.

Không đành lòng nhìn em lăn lộn kêu đau. Tân cầm đèn đi lên núi một mình. Tuấn nhỏm dậy, chạy vọt ra ngã tắt lên đỉnh núi ngắm hướng Tân đang leo, xô tảng đá nhào xuống.

Tuấn hí hởn, lấy mũ áo của anh, mặc vào, ngay đêm đó, truyền quân lính lên đường vinh qui bái tổ.

Thúy Lan nghe tin Tân về, hân hoan ra đón. Tuấn vào nhà, chưa bỏ kịp áo mũ, ôm chầm lấy Lan hôn tới tấp. Chàng kể cho nàng nghe bao chuyện vui ở Kinh Đô, bao nhiêu gian nan trên đường đi, và cái chết của người em trai dọc đường. Bấy giờ, hắn bảo vợ dọn sang cơ ngơi em Tuấn ở để trông nom tài sản cho tiện.

Thúy Lan ngoan ngoãn theo chồng. Đêm hợp cẩn, đó là đêm đầu tiên sau bao tháng chờ đợi tang cha chồng mãn, Lan ngất ngây trong vòng tay chồng. Bất chợt nàng nhìn cánh tay chồng bị băng, lo lắng hỏi:

- Tay anh sao vậy ?

Tuấn thản nhiên đáp:

Anh bị thanh kiếm đâm nên phải băng lại.

Lan đâu có biết Tuấn đã nói dối, sợ nàng phát giác ra tay hắn không có vết son mà thầy đồ đã khắc cho Tân hồi còn nhỏ.

Tân bị hòn đá hất chàng xuống thung lũng. Đó là một thung lũng toàn cỏ may nên xác chàng không tan ra từng mảnh mà chỉ bị ngất lịm đi. Lúc chàng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong nhà người tiều phu. Ông đang đắp thứ lá cây giã nhuyễn lên vết thuơng. Thấy Tân mở mắt, ông mừng rỡ, rồi đổ từng muỗng cháo cho Tân ăn. Ông cho cậu uống thuốc, săn sóc tận tình. Bệnh giảm, hàng ngày Tân đi sâu vào thung lũng phụ rãy với ông, nơi đó có những căn nhà đồng bào nghèo khó. Trẻ con lớn năm, sáu tuổi còn cởi truông tồng ngồng, không được dạy dỗ học hành gì cả. Ở với người tiều phu hơn tháng, Tân từ giã ông về quê.

Tân đến nhà, con Vện chạy ra mừng rỡ. Lão nô bộc ôm Tân khóc nức nở rồi kể hết câu chuyện cho Tân nghe. Vợ cậu bị người em chiếm mất. Tân lặng lẽ ra ban thờ cha thắp ba cây hương, rồi vào phòng, trằn trọc suốt đêm không ngủ được.

Tất cả tình yêu, công danh sự nghiệp đã bị người em tham lam độc ác cướp mất. Nếu chàng làm đơn thưa, dành nó lại thì em chàng chắc chắn sẽ bị tử hình. Hình ảnh người cha thân yêu trước khi nhắm mắt và cuốn gia phả tổ tiên dòng họ in rõ trong trí, như nhắc nhở chàng: Tình yêu, công danh, sự nghiệp, chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ dù đẹp rồi cũng tàn. Chỉ có tình thương yêu, lòng bao dung mới thật sự quí giá. Nếu thiếu tỉnh thức, lòng oán hận sẽ đưa chàng bước sang một giấc mơ kinh hãi khác, làm tan vỡ tình anh em ruột thịt.

Tân tự nhủ thầm:

- Tất cả những gì ta có được như danh vọng, tình yêu, em ta muốn ta nhường cho nó. Nó hưởng cũng như ta hưởng.

Chàng thanh thản bước đến bàn thờ. Quyển gia phả cũ kỹ sờn rách đầy bụi bặm nằm trơ trọi dưới bức chân dung của ông nội. Chàng cẩn trọng lật từng trang, đọc kỹ. Bỗng chàng nhíu mày khi dòng chữ mờ nhạt hiện ra trước mắt: ‘’

- ‘’Hạnh phúc thay cho con cháu nào trong dòng họ Lâm biết mở lòng ra trong tình yêu thương nhân ái dưới gốc cây Xoan Tây’’

Chàng lẩm bẩm: -  dưới gốc cây Xoan Tây ! nó có gì kỳ diệu mà lúc còn sống cha ta vẫn ngồi hàng giờ ở đó?

Chàng rón rén ra vườn, đến gốc cây Xoan, dưới ánh trăng vằng vặc, chàng lật tảng đá lên, lấy xẻng đào, đào mãi, chàng bới lên một cái ấm sứt vòi. Trên miệng ấm toàn vôi cứng ngắc. Chàng hí hoáy cậy, miếng vôi bung ra, một viên ngọc bằng đốt ngón tay óng ánh tỏa muôn màu sắc. Chàng mân mê viên ngọc rồi nhét nó vào trong túi áo, lấp tảng đá vào chỗ cũ, lặng lẽ về phòng, cài cửa cẩn thận, lấy viên ngọc ra ngắm nghía vẻ đẹp kỳ diệu của nó, Tân nảy ra một ý nghĩ ước ao:

-  Ước gì ta có bữa cơm nóng. Cả ngày nay ta đói.

Ý tưởng vừa dứt, mâm cơm hiện ra với đầy đủ thức ăn nóng hổi.

Tân bàng hoàng sung sướng, định gọi người lão bộc dậy cùng ăn, nhưng lại thôi, đậy mâm cơm phần ông.

Sáng sớm, trời còn mờ sương, Tân ra thăm mộ cha. Nhìn cỏ xanh um tùm đầy mộ, chàng thầm ước:

‘’Phải chi ta có cái cuốc, ta sẽ làm sạch cỏ trên mộ cha’’

Lập tức cỏ trên mộ sạch trơn, hai khóm hoa nguyệt quế tự mọc, thơm ngát...

Chàng mừng rỡ quì xuống lạy cha, ràn rụa nước mắt.

Đứng trên đồi thông, nhìn xuống làng lân cận, chàng nghĩ đến những trẻ em nghèo thất học, lòng tràn ngập một niềm xót thương, chàng ao ước:

‘’Ước chi ta có thật nhiều gạo, sách vở và ngôi trường, ta sẽ cho những người nghèo, dạy các trẻ em học để chúng khỏi dốt nát, sống một đời tăm tối như cha mẹ chúng’’

Ý nghĩ vừa dứt thì một căn nhà năm gian hiện ra, nào bàn ghế, bảng đen, đầy đủ lớp học. Còn gian bên, gạo chứa đầy kho, gian bên nữa, tập vở đầy nhà.

Tân mừng rỡ, nhờ mõ làng kêu gọi những gia đình nghèo đến chàng cấp phát gạo. Trẻ em và người lớn đi học được cấp cho mười cân gạo hàng tháng. Tin đồn đến tai quan Tổng Trấn, Tuấn cho lính vây bắt Tân, vu tội triệu tập dân làng và trẻ em có mưu đồ phản loạn. Những binh lính đụng tới người Tân, tay chân đều co quắp, sợ hãi bỏ chạy hết. Tin đồn đến nhà Vua, Vua cho giải Tân đến. Chàng thuật hết đầu đuôi cớ sự. Vua nổi giận, truyền bắt và lên án tử hình Tuấn. Tân xin Vua tha cho em thêm một lần nữa, nhưng Vua không chấp thuận, truyền treo xác Tuấn ra chợ để làm gương cho mọi người.

Nhà Vua phong tước và trọng thưởng cho Tân, ngỏ ý gả công chúa cho chàng. Đám cưới được cử hành trọng thể. Cả nước mở tiệc ăn mừng. Lễ cưới được cử hành trang nghiêm nơi Bảo Đìện. Sau phần nghi lễ trao nhẫn cưới, lạy tổ tiên, Hoà Thượng cầm tay phò mã Trạng Nguyên Lâm Phước Tân và Công chúa, ôn tồn nói:

- Tình yêu thương như đóa Hoa Sen ngát thơm phát sinh từ tấm lòng nhân ái. Nó chính là Viên Ngọc Như Ý giúp các con hạnh phúc trọn đời.

xxxxxxxxxxxxx

Lời Tác giả

Tôi định kết thúc câu chuyện ở đây, nhưng có một nhà văn hỏi :

- Sao cô lại bất công với Thúy Lan vậy? Cô ấy là một cô gái ngoan ngoãn, thông minh, là người vợ hiền, có công nuôi chồng ăn học. Chỉ vì bị Tuấn lừa gạt nên cô ta mới thất tiết với chồng chứ đâu có phải tự ý cô muốn đâu? Cô ấy không đáng bị Tân ruồng bỏ.

Tôi phân vân không biết sắp xếp nhân vật như thế nào cho hợp lý hợp tình. Vì đây là truyện cổ tích, nhân vật hoàn toàn hư cấu, người viết chỉ muốn nêu lên những tình huống éo le để mua vui giây lát cho người đọc, và cũng muốn đưa lên một vài đạo lý nhân quả, một vài mẫu người có trái tim lớn, quên đi hạnh phúc riêng tư, luôn sống vì mọi người, làm đẹp cho trái đất này.

Vậy thì chúng ta phải sắp xếp thế nào để có công bằng với Lan?

- Tân từ chối kết hôn với công chúa để về với Lan ư ? Không ổn đâu - Vì Tân là người trọng đạo lý anh em, Tân đã có ý nghĩ nhường Thúy Lan cho Tuấn rồi cơ mà. Hơn nữa, chắc hẳn là Lan cũng không chịu, vì nàng là người tự trọng, tấm thân nàng bây giờ không còn trong trắng, xứng với tình yêu của Tân nữa. Như vậy để nàng đi tu ư? -  Tôi không muốn nhân vật tôi đưa ra, đi tu vì thất tình! Cửa chùa không phải là nơi chứa những nhà tu chán đời, trốn tránh khổ đau. Đạo Phật không phải là đạo yếm thế để con người trốn tránh cuộc đời trong câu kinh tiếng kệ. Giáo lý Đức Phật là giáo lý tích cực, dạy con người phải đi bằng chính đôi chân của mình, phải đối diện với khổ đau, nhận diện ra nó để chữa trị vết thương cho chính mình và cho những người khác. Vậy thì Thúy Lan của chúng ta cũng phải là một người can đảm, chấp nhận nỗi đau cho số kiếp nàng, phải chiến đấu với số mệnh, vượt lên số mệnh oan trái bằng trái tim rộng lớn, bằng hành độc tích cực, để chuyển hóa hoàn cảnh đau thương bằng chính đôi bàn tay dịu dàng, trái tim nhân ái và khối óc thông minh của nàng.

xxxxxxxxxxxx

Thuý Lan

Thúy Lan bàng hoàng khi nghe tin Tân đã trở về, đang có âm mưu phản loạn, bị nhà vua bắt giữ. Nàng vừa nghe lỏm được những người giúp việc nhà thì thầm với nhau. Như vậy, người đàn ông mà nàng đang chung sống là Tuấn chứ không phải là Tân. Tuấn đã giấu kín nàng mọi việc, không cho nàng tiếp xúc với ai, ngoài cô tớ gái thân tín luôn ở bên cạnh để chăm sóc hầu hạ nàng. Thời gian sau này, Tuấn canh giữ nàng nghiêm ngặt, không cho nàng đi ra khỏi căn phòng. Bây giờ thì nàng đã hiểu tất cả. Thúy Lan ghê tởm và căm hận Tuấn đã lừa dối nàng. Nàng phải trốn thoát ra khỏi căn nhà tù ngục đầy mưu toan tội ác này, phải cố gặp mặt nhà vua để minh oan cho Tân.

Nhưng nàng hoàn toàn bất lực vì cửa phòng và cửa sổ đã bị Tuấn khóa chặt. Mọi tin tức liên lạc bên ngoài nàng không được hay biết, vì đã có lệnh của Tuấn, nếu ai nói chuyện thị phi với Lan sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Sáng nay, đứa tớ gái hốt hoảng nói với Lan:

Cậu Tân đã được minh oan, nhà vua phục hồi chức vị cho cậu Tân. Còn cậu Tuấn thì bị nhà vua kết án tử hình, sẽ bị treo cổ ở cổng chợ Tỉnh hai ngày để làm gương cho mọi người.

Trái tim Lan như tắc nghẹn. Nàng nhận được cái tin thật kinh hoàng, sau hai tháng bị giam giữ trong phòng. Một nỗi mừng vui xen lẫn nỗi khổ đau đang vò xé tâm can nàng. Lan mừng cho Tân đã được minh oan, phục hồi địa vị của mình. Lan khổ đau vì Tuấn bị treo cổ ngoài chợ Tỉnh. Tuấn đã trả giá cho những tội ác vì lòng tham lam, ích kỷ.

Dù sao thì nàng cũng đã chung sống với Tuấn gần hai tháng rồi. Hai tháng nàng sống trong hạnh phúc với tỉnh yêu ảo tưởng chồng nàng là Tân. Bây giờ thì nàng đang mang giọt máu của Tuấn trong người, đứa con bất đắc dĩ sẽ ra đời, trong tai tiếng tủi nhục của cha nó, một người cha tham lam ích kỷ, gây ra nhiều tội ác với anh ruột của mình.

Mặc cho niềm oán hận và nỗi đau khổ vò xé, Lan vẫn cố gượng giữ thái độ bình tĩnh. Nàng làm lễ cầu siêu và chôn cất Tuấn chu đáo. Tân cũng đến phụ giúp nàng trong việc tang chế cho em.

Nàng chôn chặt mối tình yêu Tân trong lòng, đối xử với Tân với tư cách một người em dâu, khiến Tân yên tâm, tin là Thúy Lan đã thật sự quên chàng. Chàng đã nhận lời cầu hôn công chúa.

Ông đồ Phước đau lòng nhìn con gái gặp cảnh éo le. Ông chỉ còn biết an ủi và khuyên Lan hãy ráng sống mà nuôi con, hãy coi cuộc tình duyên thiếu may mắn này chỉ là duyên nợ. Lan có duyên với Tân mà không có nợ, còn với Tuấn, hai người có nợ từ kiếp xa xưa, nên kiếp này phải ràng buộc mà trã nợ cho nhau.

Lan cũng tin là như vậy nên nàng không oán hận Tuấn nữa, chỉ thấy xót thương một con người vì vô minh, để cho lòng tham lam ích kỷ che mờ lương tri, đã tạo thêm nghiệp ác. Lan hồi hướng công đức và sám hối những lỗi lầm của Tuấn bằng cách lấy thóc gạo trong kho phân phát cho người nghèo, giúp đỡ con nhà nghèo được đi học, giúp người bệnh có thuốc, giúp người thất nghiệp bằng cách cho họ mượn đất để trồng trọt, chăn nuôi.

Lan cũng không quên thỉnh kinh tặng cho các chùa nghèo để người dân có kinh đọc tụng. Lan tham gia các công tác từ thiện xã, các hội đoàn đi cứu giúp đồng bào bị bão lụt...

Tân đề nghị với Thúy Lan cộng tác với Ban Xã Hội Tỉnh, trông nom trại mồ côi và điều hành trường học Tình Thương cho con nhà nghèo khó.

Lan vui vẻ nhận lời. Lan đã say mê làm việc suốt ngày, không quản mệt nhọc, gian khó.

Nàng đã tìm được niềm tin và tình yêu thật sự từ những tấm lòng chân thật của các cháu mồ côi. Chúng đã coi Lan như mẹ ruột, là chỗ dựa tinh thần, che chở cho chúng. Thúy Lan đã cho chúng một mái ấm gia đình rộng lớn, một tình yêu thương độ lượng bằng sự chăm sóc chu đáo của nàng. Nàng cũng cảm thấy hạnh phúc của mình to lớn gấp bội khi xưa.

Úí da, con đạp mẹ mạnh quá, nàng xoa tay nhè nhẹ vào bụng, vỗ về thai nhi. Nằm ngoan nào, chỉ còn hơn tháng nữa là con chào đời, con sẽ có nhiều anh chị em, có ông ngoại, bác Tân và mọi người đều thương yêu, mong đợi con đó.

Ngoài sân, nắng mùa Xuân đang nhảy múa trên cỏ non, trên từng cụm hoa đủ màu sắc, cơn gió thoáng nhẹ đưa hương thơm hoa ngọc Lan khiến nàng cảm thấy tâm hồn thanh thoát. Tình thương yêu của các trẻ mồ côi, các học sinh ngoan ngoãn, của cha, của mọi người thân thương như vị mật ngọt đang nở trên khuôn mặt tươi sáng của nàng.

Tháng giêng, 1992

CHÂN Y NGHIÊM

 

Tên thật là Phan Thị Thuần. Quê quán Đông Ngạc-Hà Nội.

 

- 1997 trở về trước Giáo viên Anh văn trường Hồng Bàng, quận V Sài Gòn.

 

- 1998 Xuất gia cầu đạo với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai – Pháp quốc.

 

- Viết cho các báo: Giác Ngộ (Việt Nam), Phật Giáo Việt Nam (Việt Nam – Hoa Kỳ), Đất Lành (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc), Pháp Âm (Na Uy), Phù Sa (Pháp).

 

- Đã ra phát hành 3 CD nhạc:  

1/ Mẹ là Trăng Mười sáu - 2003.

2/ Bài hát Từ Trái Tim - 2007.

3/ Mừng Phật đản sinh - 2009.

 

Trong mục đích: Giúp học bổng cho các sinh viên – học sinh nghèo hiếu học có thêm phương tiện để vươn tới tương lai tươi sáng; Giúp các cháu mồ côi-khuyết tật và các cụ già neo đơn có thêm phần trợ cấp hàng năm để cuộc sống tốt đẹp hơn... Đã sáng lập Gia đình Thiện Nguyện Hiểu và Thương 1990, và Gia Đình Thiện Nguyện Hoa Tình Thương 2006.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |    GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.