.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                    TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 Chân Y Nghiêm

Dòng sông quê ngoại

Hoàng hôn trên sông thật đẹp. Mặt trời như một khối lửa đỏ nằm dưới lòng sông, tỏa những tia nắng màu hỏa hoàng lấp lánh trên mặt nước. Sóng gợn nhấp nhô theo từng cơn gió, mang hơi mát lùa vào da thịt khiến Linh cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Anh ngồi dưới gốc cây dừa, đưa mắt nhìn về cuối trời, vài dợn mây tím lảng bảng trong sắc mây vàng, bao phủ dãy núi nhấp nhô, mờ ảo trong khói lam chiều. Anh nhắm mắt lại, theo dõi hơi thở, để tâm hồn thật tĩnh lặng. Tiếng chim gọi đàn về tổ, tiếng gió thì thào trên ngọn cây hòa với tiếng sóng vỗ về bờ sông, tạo nên âm thanh quen thuộc của thời thơ ấu. Những hình ảnh dĩ vãng đã vùi sâu kín nay lại hiện về.

Linh không có cha, anh cũng không nhớ rõ khuôn mặt mẹ. Linh và em gái, hai anh em sinh đôi, được bà ngoại nuôi từ lúc mới chập chững biết đi.

 

Nạn nhân Chiến tranh

Bà ngoại chỉ có mình Liên là con, dù nghèo bà vẫn ráng nuôi cho Liên ăn học. Bà không muốn con gái mù chữ, dốt nát như bà. Dốt nát thì khổ lắm, dễ bị người ta bắt nạt và xí gạt. Chồng bà vì không biết chữ nên đã bị ông Chánh Tổng ép ký tên vào tờ giấy nhận tội, những sự việc mà ông không hay biết. Sau đó ông bị bắt, bị tra tấn tàn nhẫn. Còn bà thì bị đưa về nhà ông Chánh, ông dụ bà nếu nhận lời làm hầu thiếp thì chồng bà sẽ được tha, nếu không thì ông sẽ bị đày ra Côn Đảo vì tội chống Pháp.

Bà rất đau lòng, vì thương chồng, nên bà đành cắn răng cam chịu. Khi chồng bà được thả về, ông quá uất hận nên đã tham gia kháng chiến chống Pháp, còn bà thì dẫn Liên bỏ trốn vào Nam, xuống miền Đồng Tháp, tá túc nơi nhà người chị họ. Bà đã đi làm thuê, gánh mướn, buôn thúng bán bưng để nuôi con gái ăn học.

Liên thông minh, học giỏi và hát hay, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhìn con gái lớn nhanh, xinh xắn, giỏi dang, bà rất vui và thương yêu con hết mực. Liên là đứa con có hiếu, ngoài giờ đi học, nàng thường phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp cửa nhà, vớt bèo, nấu cám cho heo ăn. Hai mẹ con sống thương yêu hạnh phúc.

Bỗng dưng đất bằng nổi sóng, quân giải phóng có mặt khắp nơi các vùng quê hẻo lánh, chiến tranh liên tục xảy ra, cảnh bắn giết, chết chóc thê thảm trên quê hương, gây tang tóc, thống khổ cho đồng bào. Đoàn quân đánh thuê da trắng, da đen xuất hiện trên khắp miền đồng bằng Nam Bộ, đi xục xạo tìm, bắt bớ trai tráng, thiếu nữ trong Làng mà họ nghi là Việt Cộng. Liên bị bắt mang về đồn, trước sắc đẹp của nàng, tên sĩ quan viễn chinh đã không kiềm chế được sự thèm khát, cưỡng bức nàng rồi ép nàng làm vợ. Liên đành chấp thuận để mẹ già được yên ổn và lấy tin tức cho tổ chức Cách Mạng. Sau hai năm chung sống, nàng có được hai đứa con sinh đôi: Linh và Lan.

Viên sĩ quan về nước, Liên gửi hai đứa trẻ cho mẹ già nuôi rồi rút vào bưng hoạt động. Nàng đi từ đó, biệt tăm tin tức.

Bà ngoại tuổi già, còng lưng nuôi hai đứa cháu nhỏ. Sáng sớm, bà phải ra bờ sông vớt bèo cho heo ăn, chiều chiều bà phải đi mò cua bắt ốc, đem ra chợ bán, đổi lấy gạo nuôi hai cháu. Khi Linh được mưới tuổi, cùng em Lan theo bà ra sông hốt bèo, mò cua bắt ốc

Bà rất thương hai cháu, mỗi lần đi chợ, bà không quên mua cho hai cháu vài tấm bánh. Linh thích nhất là chiếc bánh đa có mè đen, ăn vừa bùi, mằn mặn, lại có thêm miếng cùi dừa trắng nữa, nhai thật kỹ, nó tiết ra trong miệng vị ngọt và béo.

Linh cũng thích kẹo kéo, dẻo dai, kéo dài như chiếc đũa, ăn vào, thấy vị ngọt lịm trong cổ họng. Linh có tính tham ăn, thường dành với em, bà hay cốc nhẹ trên đầu “Cha bố mày. Cái thằng da trắng mắt xanh, cái giống tham ăn, mày ăn một nửa thôi, còn để dành cho em chứ.

Linh giận bỏ ra vườn, Lan lẽo đẽo theo sau, năn nỉ:

“Anh ăn nốt phần của Lan đi, anh đừng bỏ em một mình, con Bé nó hay bắt nạt em lắm.

Linh đắc ý cười, cầm miếng bánh bỏ vào miệng, vừa nhai vừa nói:

“Đứa nào dám bắt nạt em, anh sẽ bẻ cổ nó gãy chết tươi.

Có lần Linh bẻ trộm xoài nhà hàng xóm, bị người ta rượt chạy. Linh vấp vào tảng đá, nứt đầu, phải nằm nhà thương. Bà phải vay công mượn nợ để chạy chữa cho Linh. Nhìn bà vất vả vì mình, Linh ăn năn hối hận. Nó rất nhớ em, hỏi bà:

- Bà ơi, mai bà dẫn bé Lan vào chơi với con đi. Con nhớ nó lắm.

- Bà gửi nó về Saigon nhờ dì Út chăm sóc dùm. Bao giờ con khoẻ, bà sẽ đón nó về.

Khi Linh rời nhà thương thì bà ngã bịnh. Bà kiệt sức, lao phổi. Bác sĩ nói bệnh bà đến thời kỳ thứ ba rồi, khó chữa lắm. Bà nhờ hàng xóm đánh điện tín gọi dì Út về. Dì Út về với bé Lan, bệnh tình bà rất nặng. Lan ngồi suốt ngày bên cạnh bà, bóp chân tay, Linh thì quạt cho bà, còn dì Út thì lo thuốc thang, lau chùi tắm rửa cho bà. Tất cả chăm sóc bà tận tụy, không muốn cho bà đi.

Nhưng, hai ngày sau bà vẫn ra đi, bỏ lại cho dì Út hai đứa trẻ mồ côi. Sau khi chôn cất bà, dì Út mang hai anh em Linh về Saigon. Nhà dì chật hẹp, chỉ có hai căn phòng, phía trước là phòng khách, phía sau là phòng ngủ. Lan ngủ chung với dì, còn Linh thì nằm tạm ngoài phòng khách.

 

Thân phận mồ côi

Một tuần sau dì Út dẫn Linh đến chơi nhà nguời bạn dạy cùng trường với dì. Dì bảo: Linh ở lại đây, cô chú Tuấn sẽ nhận Linh làm con nuôi, thay bà ngoại và dì nuôi Linh ăn học. Linh rất buồn, nhưng không dám cãi lời, nó hiểu thân phận nó từ đây phải biết cúi đầu chấp nhận.

Mẹ nuôi của Linh là cô giáo, bà nói năng dịu dàng, luôn quan tâm đến Linh. Bà dẫn Linh đi may sắm quần áo mới, mời thầy giáo về dạy nó học anh văn và học đàn. Chiều chủ nhật cô dẫn Linh đi chơi Đầm Sen hoặc Sở Thú và những thắng cảnh đẹp ở Sài gòn. Rồi cả hai ông bà chở Linh đi làm thủ tục nhận con nuôi. Vài tháng sau, ba nuôi chở nó đến cơ quan xuất cảnh làm giấy tờ đi Mỹ.

Trước khi đi phỏng vấn, ba dặn nó phải trả lời những điều mà trước kia nó chưa từng biết. Tuy nhiên, nó biết thân phận mình, nên phải vâng lời nguời đã cưu mang nó. Nó từ giã quê hương vào buổi sáng sớm, không được gặp mặt dì và Lan lần cuối.

Đến nước Mỹ, sau hơn tháng làm thủ tục giấy tờ, nó được hội Từ Thiện Tin Lành cho nhập học nội trú. Trường cách xa nhà ba mẹ nó khoảng 100km. Mỗi cuối tuần, ba đều đón nó về thăm nhà. Bữa cơm gia đình thật ấm cúng. Nó thích món canh chua và tôm rang tiêu. Mẹ biết Linh thích hai món này, nên mỗi khi Linh về, bà đều làm cho nó ăn. Nhưng đã hơn một tháng nay, Linh không thấy ba đón, cũng chẳng có tin tức gì từ nhà. Nó gọi điện thoại liên tục, nhưng không có người nhấc máy. Bà Hiệu Trưởng có trực tiếp liên hệ thì được biết cả nhà đã dọn đi nơi khác, không để lại địa chỉ.

Đầu óc nó nặng trĩu nỗi buồn, nó chẳng còn thiết ăn uống và học hành. Những câu hỏi, suy nghĩ miên man về bố mẹ nuôi, về dì Út, em Lan làm tâm hồn nó mệt mỏi. Nó hay tìm chỗ vắng ngồi một mình.

Tư Què đến ngồi bên cạnh nó từ lâu, nắm tay nó, yên lặng như chia sẻ nỗi khổ đau của nó. Nỗi tủi thân và niềm xúc cảm dâng cao, nó bật khóc rưng rức.

Anh làm sao vậy, kể cho em nghe đi, may ra em có thể giúp anh vơi nỗi buồn.

Linh cảm thấy tâm hồn dịu lại. Nó kể cho Tư nghe về nỗi sợ hãi bơ vơ của nó. Nó không có người thân ngoài bố mẹ nuôi, nay hai người cũng bỏ rơi nó.

- Còn có em bên cạnh anh, em thương anh như anh ruột của em mà. Em có ba mẹ nuôi. Hàng tuần, ba em vẫn đón em về thăm mẹ. Mẹ em hiền lắm, thứ bảy này, em sẽ xin ba đón anh về thăm mẹ, chắc mẹ sẽ thương anh lắm. Nhưng mà bây giờ anh phải chịu khó ăn ngủ, lấy lại sức. Lúc này trông anh gầy rạc, bơ phờ.

Rồi Tư kéo Linh đứng dậy, đi vào phòng ăn. Nó bới cơm, ép cho Linh ăn. Nhìn mọi người ăn ngon lành, Linh cũng ráng ăn. Nét mặt vui vẻ của Tư giúp nó quên đi nỗi tủi buồn.

Tư thấy quí mến và gần gũi với Linh hơn. Hai đứa trẻ thường tâm sự với nhau bao nỗi buồn vui. Sau khi nghe Linh kể về kỷ niệm nơi quê nhà của anh em nó, Tư ngậm ngùi nói với Linh:

- Anh còn được may mắn hơn em nhiều vì có bà. Còn cuộc đời em rách nát tả tơi lắm. Em không có bố, chỉ có một người mẹ gầy yếu bệnh hoạn. Em theo mẹ đi ăn xin từ lúc còn nằm ngửa trên tay. Theo đoàn người di tản, mẹ con em về Sài gòn ở dưới gầm cầu Công Lý. Khi em lên năm, mẹ bắt em đi xin ăn một mình. Đi xin một mình thì dễ hơn, được nhiều người cho hơn, vì người ta thấy em tóc xoăn, đen đủi, xấu xí nên dễ thương hại. Mẹ em là người đàn bà lười biếng, không biết lo xa. Có được bao nhiêu tiền, bà đem đi chơi số đề, đánh bài hoặc ăn tiêu phung phí, bà không biết để dành dụm làm vốn, kiếm cái nghề đàng hoàng sinh sống như mẹ con cái Lành. Mẹ nó đã để dành được một số vốn rồi hai mẹ con đi bán vé số, chẳng bao lâu nhà có đủ bát ăn, cái Lành còn được đi học lớp Tình Thương do nhà chùa tổ chức nữa.

Mẹ hay lê la đến các xóm ăn chơi, bài bạc, lại có chút nhan sắc, nên có một tay trùm anh chị vùng đó thương, nhận làm vợ chồng. Hắn sống bằng nghề bóc lột miếng cơm của người khác.

Những gia đình từ vùng Kinh Tế Mới vì đói khổ quá nên tìm về Saigon, không nơi ở, đến sống dưới gầm cầu hay xó chợ. Hắn bắt mỗi ngày phải nộp thuế cho hắn. Nếu ai không chịu, hắn dùng bạo lực đuổi họ đi khỏi.

Từ lúc mẹ em kết duyên với hắn, đời em đã khốn nạn, nay còn tồi tệ hơn. Hắn bắt em đi xin ăn suốt ngày, mỗi ngày phải đưa cho hắn đủ số tiền qui định. Bữa nào em bịnh, không xin đủ, hắn đánh đập em, rồi bắt nhịn đói. Mẹ em xót ruột can ngăn, hắn đánh luôn cả mẹ. Có lần em trốn, bị hắn bắt được, đánh cho em một trận nên thân, bẻ què chân em rồi khóa lại bằng dây xích, mỗi ngày chỉ cho em một bát cơm và một chút muối, cấm mẹ em không được lai vãng tới. Mẹ thấy em đi tiểu và tiêu tại chỗ dơ dáy, nên lừa lúc hắn đi nhậu, đến thay quần áo và chùi cho em, còn mua cho em tô hủ tiếu. Hắn về, thấy em đang ăn. Hắn giật cái tô ném vào mặt em, may mà em tránh được. Hắn túm lấy mẹ, đánh túi bụi. Em vùng chạy ra ngoài, vừa lúc đó thì Công An khu vực đi tới, mời hắn về Phường, nhốt một đêm rồi bắt làm giấy cam kết từ nay không được đánh vợ con. Nếu hắn còn vi phạm, sẽ bị bắt đi học cải tạo.

Từ ngày em có cái chân què thì xin được nhiều hơn, hắn cũng bớt hành hạ mẹ con em. Rồi bỗng dưng hắn tử tế với mẹ con em kỳ lạ. Hắn không bắt em đi ăn xin nữa, may quần áo mới cho mẹ và em, dẫn cả nhà đi ăn tiệm, đi xem phim, đi chơi xem các thắng cảnh... Hắn nói bây giờ hắn bắt đầu tu rồi, hắn muốn cho em được học hành tử tế, không muốn em mù chữ như hắn, dễ bị người ta bắt nạt và khinh dể. Rồi một hôm hắn chở em đến nhà người lạ. Hắn nói đây là anh của hắn, em ở đây, làm con nuôi ông bà này, em sẽ được chăm sóc và được đi học.

Bước vào căn nhà sang trọng, em gặp người đàn ông khoảng 50 tuổi, da đen bóng, có ria mép, mắt luôn nhin lấm lét như sợ có người rình mò. Chủ nhà dắt hắn vào phòng trong, nói nhỏ:

- Thằng nhóc này vừa đen đủi, vừa tàn tật, xấu xi. Tao trả cho mày một ngàn (1.000usd), mày chịu chưa ?

Tiếng hắn năn nỉ:

Xin đại ca cho đàn em thêm chút nữa, coi nó xấu vậy, nhưng nó lại là nồi cơm chính của gia đình em, nay bán nó cho đại ca giá rẻ vầy tụi em không đủ vốn làm ăn.

- Chú mày tham lam quá. Ta trả cho như vậy là hời lắm rồi. Đi về liệu tìm cái nghề lương thiện mà sống. Cớm mà biết chú mày mua bán, nghiện xì ke, thêm một cái tội hành hạ, bẻ chân con nít, bắt nó đi ăn xin để lấy tiền hút sách, thì đi cải tạo mút mùa, mất cả chì lẫn chài đấy chú em !

Hắn lủi thủi ra về, quên cả chào hay dặn dò em lần cuối.

Người đàn ông bước ra, vỗ vai em, nói:

- Từ nay con ở đây với bố, bố mẹ sẽ nuôi con ăn học đàng hoàng, để bố dẫn con vào gặp mẹ.

Em riu ríu bước theo người đàn ông xa lạ, đi qua hai căn phòng, em thấy người đàn bà gầy yếu có nước da xanh xao, hai chân bị tê liệt ngồi trên chiếc xe lăn. Ông ta dẫn em đến gần bà, bảo em:

- Con khoanh tay chào mẹ đi.

Em lúng túng khoanh hai tay cúi đầu chào, miệng lí nhí không thành tiếng. Bà ta có đôi mắt hiền nhưng buồn bã. Bà ta kéo tay em lại gần bà, dịu dàng nói:

- Từ nay con là con của bố mẹ. Bố mẹ sẽ chăm sóc con và nuôi con ăn học. Con phải biết vâng lời, không được cãi và làm trái ý bố. Bố tốt nhưng cũng nóng tính và nghiêm khắc. Bố giận, đánh phạt con, mẹ cũng đành chịu.

Em hiểu đó là lời đe dọa mở đầu. Biết thân phận mình, em hết sức vâng lời, ngoan ngoãn. Đúng như lời mẹ nuôi nói, em được nuôi nấng đàng hoàng, được ăn uống ngon lành, được may quần áo đẹp và được thầy giáo dậy anh văn đến tận nhà dậy học. Em không được bước chân ra khỏi cửa. Thỉnh thoảng ông Hoàng, tên bố nuôi, chở em đến cơ quan làm giấy nhận em làm con nuôi, ông bảo em nói rằng em không biết mặt mẹ, em đã sống với bố mẹ nuôi từ nhỏ. Sau đó, ông chở em đến cơ quan làm thủ tục đi Mỹ.

Ông Hoàng kín đáo và nghiêm khắc, em sợ không dám hỏi ông tại sao lại phải khai như vậy. Còn mẹ nuôi em thường im lặng. Bà ở trong căn phòng suốt ngày với em. Mọi chuyện đi chợ, nấu ăn do chị Lan thu vén. Thỉnh thoảng ông Hoàng mới về dùng cơm với mẹ và em

Một buổi tối, ông Hoàng ngồi ăn cơm chung, vui vẻ báo tin:

- Mẹ con bà chuẩn bị quần áo, thứ năm này cả nhà đi Mỹ.

Em vui và ngạc nhiên nhưng không dám hỏi, chỉ biết riu ríu vâng lời. Ông dẫn em đi mua sắm thêm một ít quần áo mới và đồ lạnh. Em muốn xin ông Hoàng cho em được gặp mẹ để từ giã, nhưng nhìn nét mặt nghiêm khắc của ông, em không dám mở lời. Nét mặt lấm lét của em đã khiến ông Hoàng cẩn thận hơn. Ông khóa cửa hai lần và dặn chị Lan khi ông đi vắng, không đuợc mở cửa, dù đó là người quen.

Tới nước Mỹ, mọi người được đưa vào khu cư xá tập trung để làm thủ tục giấy tờ, rồi sau đó ba em có người bà con bảo lãnh đưa về ở khu vực Cali, đông đúc người Việt. Do yêu cầu của Hội Từ Thiện Tin Lành, em được vào học nội trú miễn phí tại ngôi trường dành cho trẻ mồ côi.

Gặp anh, em mừng lắm. Trong thời gian học tại đây, em thường bị mọi người bắt nạt vì thân phận xấu xí, què quặt của em. Chỉ có anh là người bênh vực, giúp đỡ em mà thôi. Tuần tới, ba đón em về, em sẽ xin ba cho anh cùng về thăm mẹ.

 

Tai bay vạ gió

Một tháng hai lần, ông Hoàng đều đến đón Tư về nhà chơi với mẹ nuôi nó. Lần này, ông đón thêm Linh về. Bà Hoàng rất vui vì thấy Linh mặt mũi sáng sủa, nhanh nhẹn. Bà quí mến chăm sóc Linh như con ruột. Còn ông Hoàng thì tỏ ra chăm sóc Linh đặc biệt, vì ông thấy có thể nhờ cậy Linh được trong việc làm ăn của ông.

Thấm thoắt đến mùa hè, ông cho hai đứa trẻ đi du lịch Hồng Kông và Việt Nam. Hai đứa đều rất thích.

Đến Hồng Kông, chúng nó được ở khách sạn sang trọng, ông dẫn chúng đi thăm thắng cảnh, đi ăn ở nhà hàng nổi tiếng.

Ông Hoàng giao thiệp rộng, có nhiều bạn bè giầu có, địa vị cao trong xã hội. Linh thầm nể phục ông và mừng cho Tư có được người cha nuôi tốt bụng. Bạn bè tặng ông nhiều quà, ông để vào trong vali của Linh nhiều gói rất đẹp, bảo nó mang về tặng cho bạn cũ và thầy cô giáo.

Sau một tuần ở Hồng Kông, ông cho hai đứa về Việt Nam, thăm gia đình. Phút chót vì bận công việc, ông để hai đứa đi trước, dặn dò sẽ có người chị họ ra đón chúng tại phi trường. Chị sẽ mặc áo màu đỏ, tóc dài, chúng sẽ theo chị về nhà, ông sẽ đến sau.

Sau một năm xa quê hương, hôm nay hai đứa đuợc trở lại quê nhà trong bộ quân áo sang trọng, mặt mũi trắng trẻo, đẹp đẽ hơn xưa. Linh miên man nghĩ đến những đứa bạn ở nhà quê, chắc tụi nó sẽ không nhận ra Linh, sẽ nhìn Linh khâm phục, không còn dám khinh thường cái thằng Mỹ lai, bắt nạt Linh như hồi trước. Linh thấy trong lòng trào dâng một niềm thương, Linh không còn giận hờn, muốn đánh nhau với các bạn như ngày xưa nữa. Linh mang về cho các bạn nhiều đồ chơi mà hồi xưa tụi nó chưa bao giờ từng thấy. Chắc tụi nó sẽ vui lắm.

Linh đang suy nghĩ miên man thì tiếng cô tiếp viên báo máy bay đang đáp xuống Phi Trường Tân Sơn Nhất. Trái tim Linh đập rộn rã. Linh phải xách thêm cho Tư vì chân Tư què, không mang nhiều hành lý được.

Bước chân vào phi trường, Linh gặp lại những hình ảnh quen thuộc, đầu tiên là các nhân viên hải quan, rồi đến các anh công an. Linh vẫn có cảm tình với các anh công an, vì có lần Linh chứng kiến một anh công an đường phố, chạy đuổi theo tên cướp giật giây chuyền của một phụ nữ đi đường. Từ đó, Linh mơ ước sau này lớn lên, Linh sẽ theo ngành công an để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Qua cổng xét hành lý, chú sĩ quan Hải Quân hỏi:

- Jean Hoàng huy Linh, những va li này của cháu ?

- Dạ, thưa chú đúng ạ.

Anh nhìn nó, khẽ hỏi:

- Cháu đi với ai ?

Linh chỉ sang Tư, lễ pháp thưa

Cháu đi với em cháu.

Nhin hành lý bị lục tung, để lộ những gói quà ông Hoàng gói rất đẹp bỏ vào vali, nó lễ phép thưa:

Thưa vali của cháu, những gói quà này chú Hoàng nhờ cháu mang về biếu thầy cô giáo cũ.

Thế chú cháu đâu ?

- Chú cháu đi chuyến máy bay sau, dặn cháu đến phi trường sẽ có cô cháu mặc áo dài đỏ ra đón hai anh em cháu.

Hai chú Hải Quan nhìn Linh đăm chiêu, họ không thể tin đựơc một đứa bé trông ngây thơ, khôi ngô như vậy lại có thể mang những mặt hàng phạm pháp nghiêm trọng.

Hai đứa bị Công An Hải Quan đưa vào phòng kín điều tra. Chúng nó phải trả lời những câu hỏi chưa từng bao giờ nghĩ đến. Linh bị kết tội mang thuốc phiện, thứ hàng quốc cấm độc hại. Sau hơn tháng điều tra, không tìm ra tung tích ông Hòang, họ trả hai đứa trẻ về cho nước Mỹ quản lý, vì lý do chúng quá nhỏ, luật pháp không thể kết án tuổi dưới vị thành niên.

Về Mỹ, Linh bị đưa vào Trung Tâm Cải Huấn thiếu nhi phạm pháp, còn Tư thì được đưa về trường Từ Thiện nội trú.

Linh sống buồn thảm trong trại cải huấn. Cuối tuần, nhìn các trẻ khác được cha mẹ hoặc bạn bè tới thăm nuôi có nhiều quà bánh, nó thấy tủi thân. Hơn ba năm rồi, không được ai thăm nom, cũng không có tin tức gì của người thân, nó trở nên bất cần. Nó nhìn mọi người bằng con mắt thù ghét, ghê tởm. Con người là một giống tàn ác nhất trên trái đất này. Họ đã nhân danh chủ nghĩa để tàn hại chém giết nhau, gây ra chiến tranh thảm khốc trên quê hương nó, gây ra bao thảm cảnh đau thương cùng cực, hậu quả đến giờ này vẫn còn đầy rẫy, tạo ra bao nhiêu đứa trẻ con lai côi cút. Sự có mặt của chúng nó đã một thời là vết nhơ cho xã hội, là nỗi tủi nhục cho tổ tiên, dòng giống. Chúng nó bị gạt sang bên lề cuộc sống, đi lượm từng miếng cơm rơi, bị hất hủi, khinh bỉ.

Rồi sau đó, lại chính chúng nó, được người có tiền bạc, thế lực đi tìm các nơi hang cùng ngõ hẻm, gầm cầu, góc chợ mua về, cho ăn mặc lành lặn, được nhận làm con một cách cưng chiều.

Người ta đã lợi dụng cái thân phận bất hạnh, khốn cùng của chúng với mục đích ăn theo sang được nước Mỹ, một đất nước mà mọi người ước mơ như Thiên Đàng. Đến được nước Chúa rồi, người ta quên mất lời cam kết với chánh quyền Việt Mỹ là phải yêu thương, xử sự công bằng với chúng. Cái bộ mặt đạo đức rơi mất, để lộ chân tướng con người bất nhân đểu giả, lừa gạt cả đứa con nít.

Nó oán hận ba nó, người đàn ông đầy tham dục, đã tạo ra nó một cách vô trách nhiệm. Nó oán hận cả mẹ nó, tại sao lúc đó mẹ không hủy hoại nó ngay khi còn trong bụng, sinh ra nó làm chi để rồi bỏ rơi nó. Nó oán hận dì Út, đã quá tin bạn, họ lợi dụng thân phận bất hạnh mỹ lai của nó, để được sang Mỹ. Khi đạt mục đích rồi thì vứt bỏ nó như cái dẻ chùi chân. Nó oán hận ông Hoàng, con người khôn khéo, đạo đức giả, lợi dụng sự ngây thơ của nó làm việc độc ác, trút lên đầu nó nỗi oan ức tủi nhục. Nó muốn gào thét, đạp đổ cả cuộc đời. Nó trở nên lì lợm, phá phách khiến ban quản trại phát mệt vì nó.

Nó tự tử, nhưng người ta đã cứu nó kịp thời. Lúc được cứu sống, nó nghĩ đến Lan và bà, nó ôm mặt khóc rưng rức.

 

Giọt nước cành dương

Lan được dì Út mang lên Saigon nuôi cho ăn học. Dì Út là cô giáo dạy văn, dáng thanh tú, đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn. Dì ít nói, ít giao thiệp bạn bè. Ngoài giờ dạy học dì thường ở nhà chăm sóc Lan, trồng cây cảnh, chấm bài hoặc tụng kinh. Bên cạnh bàn thờ Phật, Lan thấy hình ông ngoại, bà ngoại và một sĩ quan còn trẻ, mặt khôi ngô tuấn tú. Sau giờ tụng kinh, Lan thấy dì đứng đăm đăm nhìn tấm hình chú sĩ quan đó, có hôm dì khóc. Lan rất thương dì, nó đến ôm lấy dì rồi kéo tay dì, nhõng nhẽo:

- Dì dẫn con ra vươn chơi đi, ngoài vườn có nắng và hoa đẹp lắm.

Dì Út rất thương bé Lan, nó xinh xắn, thông minh, ngoan hiền. Liên, mẹ của Lan và Linh, là bạn thân với dì hồi còn đi học. Mẹ Út chết vì đạp phải mìn khi nàng mới có 5 tuổi. Ba nàng lấy vợ kế để trông nom nàng, bà vợ kế này cũng có con riêng, hai mẹ con bà thường bênh nhau, ăn hiếp Út.

Những lúc buồn tủi, Út thường sang nhà Liên chơi. Mẹ Liên hiền, vui vẻ. Bà thương Út như con gái, có món gì ngon bà cũng dể dành cho Út. Mỗi lần đi chợ, bà đều mua quà cho Liên và Út. Từ ngày Liên bỏ đi, Út thường chăm sóc bà hơn. Những tháng nghỉ hè, Út hay về quê sống với bà. Út chăm lo vườn cây, đàn gà, cho heo ăn, tắm rửa, dạy dỗ hai đứa trẻ như con ruột của nàng.

Bây giờ Út thay bà ngoại nuôi và dạy dỗ Lan. Dì rất ân hận khi Lan hỏi về anh Linh của nó. Dạo đó, dì đã quá tin người bạn gái, hứa sẽ lo giấy tờ cho Linh đi Mỹ, sẽ cho Linh về thăm dì và em nó thường xuyên. Nhưng sau đó, cô ta nghe chồng, đã tìm cách nói quanh nói quẩn rằng không nên để Linh gặp trực tiếp dì, biết đường sẽ trốn mất, sẽ bị bọn buôn người bắt cóc. Họ có cho xem những tấm hình Linh được ngồi học bên cạnh Thầy giáo, khi Linh đi chơi với bố mẹ nuôi trong bộ quần áo đẹp, khi đi ăn nhà hàng, đi chơi picnic ngoài trời. Mới có 5 tháng sống với bố mẹ nuôi mà Linh mập hẳn ra. Điều đó làm dì yên tâm.

Nhưng từ dạo đó đến nay, dì không có tin tức gì về Linh, mặc dù hai dì cháu đã sống trên đất Mỹ gần năm năm rồi. Dì hay dẫn Lan đi tham dự những Trung Tâm tu học cộng đồng của người Việt, hy vọng những nơi đó, dì sẽ tìm ra được tin tức của Linh.

Lan được tham dự những khóa tu thiền, được nghe Sư Ông giảng về hạnh phúc bình an trong cuộc sống, về lý tưởng người xuất gia là tu tập chánh niệm, để đạt được sự vững chãi, thảnh thơi rồi giúp cho nhiều người chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau của họ. Mỗi vị xuất gia là một vị bồ tát giúp đời.

Người xuất gia có tự do, không bị ràng buộc bởi vợ chồng, con cái. Trái tim người xuất gia rộng lớn, có thể ôm ấp được nỗi khổ đau của nhiều người, giúp được nhiều cho các trẻ mồ côi, cụ già cô đơn, người tàn tật và bao nhiêu những người bất hạnh khác.

Lan ngồi nghe mà nước mắt tuôn trào. Em nghĩ đến thân phận anh em nó và bao nhiêu trẻ mồ côi khác trong thời chiến tranh. Em băn khoăn không biết giờ nay Linh phiêu bạt nơi nào, có được đi học không hay là đang sống lê lết với mấy trẻ bụi đời bất hạnh. Trái tim bé nhỏ trào dâng tình thương yêu, Lan muốn làm người xuất gia, mang hạnh nguyện Bồ Tát cứu giúp những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh như anh em nó. Em muốn đi theo Sư Ông, tổ chức những khóa tu ở khắp các nước trên thế giới, giúp mọi người và cũng là tìm anh Linh.

Lan xin phép dì cho nó được xuất gia, dì chấp thuận. Lan viết thư trình Sư Ông, nói rõ tâm nguyện của nó. Lan được Sư Ông và Tăng Thân chấp nhận cho tập sự xuất gia.

Bây giờ thì Lan đã đạt ý nguyện. Trong buổi xuất gia trang trọng ở Trung Tâm tu Thiền Phật Giáo, Lan được Sư Ông thế phát cùng với 10 vị khác, pháp danh của Lan là Hiền Nghiêm. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng Hiền Nghiêm siêng năng tu tập, chỉ trong vòng có hai năm thôi mà cô đã học thuộc lòng các kinh điển, thời khóa. Cô thỉnh chuông và tụng kinh rất hay. Cô giữ gìn giới luật uy nghi nghiêm túc, nét mặt hiền hậu, hồn nhiên khiến ai cũng yêu quí cô.

Sư Ông và Tăng Thân hay cho cô tham dự các khóa tu trên khắp nước Mỹ.

Trong chuyến Sư Ông thuyết giảng tại Trung Tâm Cải Huấn Thiếu Nhi Phạm Pháp, Hiền Nghiêm đã tìm thấy Linh.

Hai anh em đã ôm nhau khóc. Linh kể cho Hiền Nghiêm nghe nỗi oan ức tầy trời của nó, nỗi căm giận con người, nhưng mỗi khi nghĩ đến Lan, Linh thấy dịu lại, Linh cố gắng sống đàng hoàng để mong được ân xá sớm trở về tìm em.

Hiền Nghiêm ngồi lắng nghe anh kể. Em thấy xót xa thương anh vô cùng, cô xiết chặt tay anh, dịu dàng nói:

Em và dì Út đi khắp nơi, đăng báo tìm anh, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Dì đã dẫn em đi dự các trung Tâm tu Học người Việt để tìm anh. Nhờ vậy mà em được gặp Sư Ông và Tăng Thân, được nghe chánh pháp, em mới hiểu ra rằng: Chính trong nỗi khổ đau, con người mới tìm ra được hạnh phúc chân thật, mới mở rộng trái tim để cảm thông nỗi bất hạnh của tha nhân mà phát tâm giúp đỡ.

Những lời pháp thoại của Sư Ông như dòng sữa ngọt, như giọt nước cành dương đã làm ấm lại trái tim em, cho em niềm tin vào cuộc sống. Em phát nguyện xuất gia để sống cuộc đời có ích lợi cho nhiều người, để bù đắp lại những nỗi cơ cực cho những trẻ em bất hạnh như anh em mình phải gánh chịu trong thời chiến tranh, hậu quả đến hôm nay vẫn còn đầy rẫy.

Em rất vui mừng gặp lại anh, em mong anh quên hết những hờn giận, coi đó như tội lỗi từ quá khứ xa xưa mà đến nay mình phải trả. Anh nhớ quán chiếu những lời Sư Ông dạy trong buổi pháp thoại sáng nay và đọc kỹ quyển sách này rồi thực tập theo, anh sẽ tìm lại sự bình an, niềm tin và tình thương yêu nơi mọi người. Anh cố gắng sống hòa hợp, giúp đỡ mọi người, chấp hành nội qui Trung Tâm nghiêm túc, em sẽ xin Sư Ông bảo lãnh cho anh về sớm. Bây giờ đã đến lúc mình phải chia tay, anh nhớ giữ gìn thân tâm, anh nhé.

Linh ôm chặt em gái trong lòng, nước mắt anh ràn rụa, giọt nước mắt của tình thương yêu mà đã lâu lắm rồi, hôm nay Linh mới có được.

Linh đã đọc đi đọc lại quyển sách Trái Tim Mặt Trời mà Lan cho. Từng dòng chữ như những giọt sương mai làm tâm hồn anh mát dịu. Luồng ánh sáng tâm linh đã soi chiếu vào trí óc đầy hờn tủi, căm ghét của anh. Hình ảnh từ bi của Sư Ông và Tăng Đoàn đã giúp cho anh lấy lại niềm tin. Tình yêu thương của Lan là nhựa sống giúp anh vơi bớt niềm đau về sự giả trá của con người. Dòng sinh khí bắt đâu tuôn chảy trong anh, anh tự hứa từ hôm nay sẽ làm lại cuộc đời mới.

Linh sống vui vẻ với mọi người, thực hành đúng thời khóa của trường, chăm chỉ học hành và làm việc. Anh thực tập giữ chánh niệm trong sinh hoạt, giữ gìn lời ăn tiếng nói, cử chỉ bông đùa. Anh thường đi thiền hành ngoài vườn khi có giờ nghỉ. Bước chân tĩnh lặng đã giúp cho tâm anh tìm lại bình an, tiếp xúc được với từng bông hoa nhỏ trên cỏ xanh non, tiếng chim hót líu lo trên cành, vầng mây trắng lang thang trên bầu trời xanh biếc. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng thức dậy anh cố gắng thực tập ngồi im lặng theo dõi hơi thở. Thời gian đầu, những hình ảnh dĩ vãng buồn cứ hiện về tâm trí anh, khiến anh thấy bất an, bấn loạn. Anh nhớ lại lời dậy của Sư Ông:

“Khi con thấy tâm hành khổ đau hiện lên, con đừng bạo động xua đuổi nó, con hãy dịu dàng mỉm cười, vỗ về nó:

“Ta biết em đang khổ đau, em đang tủi hờn, rồi con vẫn tiếp tục theo dõi hơi thở.

Thở vào tôi biết em đang buồn, thở ra tôi biết em đang khổ... cứ như vậy con tiếp tục thở, những tâm hành buồn sẽ tự nó biến mất để thay thế vào những tâm hành khác, buồn hoặc vui. Với những tâm hành khác con vẫn tiếp tục theo dõi hơi thở như vậy, từ từ rồi con sẽ chỉ còn thấy hơi thở vào ra với tâm an lạc.

Muốn đạt đến tâm an lạc con cần phải thực tập thiền tọa sáng sớm và tối thật đều. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày con vẫn luôn theo dõi hơi thở, ngay cả trong lúc quét nhà, rửa chén, chùi cầu tiêu...

Khi con theo dõi hơi thở, con ý thức được việc con đang làm, điều con đang nói, ý nghĩ tốt hay xấu đang hiện lên trong trí con, con sẽ làm cẩn thận hơn, con sẽ nói những lời áí ngữ hơn và con ngưng ngay được những ý nghĩ không tốt đang nhen nhúm trong đầu. Theo dõi hơi thở chánh niệm là chiếc áo giáp bảo vệ sự bình an cho thân và tâm con, là vòng tay mẹ hiền ấp ủ con tránh khỏi cơn tủi hờn, giận dữ thiêu đốt trái tim con, giúp con tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm.

Mỗi buổi sáng, nhìn về phương Đông, con thấy mặt trời đỏ au đang tỏa chiếu muôn ngàn tia nắng ấm trên cỏ cây, mang sự sống cho muôn loài. Nhìn ra bốn bên, con thấy đồng cỏ xanh tươi với những bông hoa vàng đỏ tím đang cười khoe sắc thắm. Nhìn vào trong trường, con thấy các bạn đang cùng con chung sống như một đại gia đình, các thầy cô giáo hết lòng chăm sóc từng bữa cơm cũng như sự học hành cho các con. Nhìn thật sâu, con thấy mình vẫn còn nhiều may mắn hơn các trẻ em khác ở các nước Á, Phi đang bị chiến tranh, thiên tai, nghèo đói đe dọa sự sống hàng ngày.

Tuổi các con như những cây măng đang vươn sức sống giữa bầu trời xanh, đang trổ những thân cây to khỏe, những tàn lá xanh tươi làm bóng mát cho mọi người. Các con phải cám ơn sự khổ đau, nhờ nó mà các con biết thao thức về cuộc đời, biết cảm thông với những nỗi đau của người khác. Các con hãy vượt lên để sống một cuộc đời có ý nghĩa, giúp cho mọi người tỉnh thức, đừng gây ra những lầm lỗi để làm khổ lẫn nhau. Ngay từ bây giờ, các con hãy cố gắng thực tập sống có chánh niệm bằng cách theo dõi hơi thở, dừng lại mọi ý nghĩ bất thiện để tránh gây thêm sự phiền muộn cho thân và tâm.”

Những lời dịu dàng đầy tình thương của Sư Ông như một đòn bẩy bật tung Linh ra khỏi cơn mê. Anh kiên nhẫn thực tập theo lời chỉ dậy, từ từ anh tìm lại sự quân bình cho tâm. Anh nhìn cuộc đời bằng con mắt hy vọng và niềm tin trong tương lai. Anh trở thành một học sinh tích cực, đóng góp được những công sức đáng kể cho các em thiếu niên còn bướng bỉnh.

Theo lời thỉnh cầu của sư cô Hiền Nghiêm, Sư Ông gửi một văn bản đến Trung Tâm Cải Huấn Thiếu Nhi phạm pháp Hoa Kỳ để bảo lãnh xin cho Linh về.

Ban Giám Hiệu xét hạnh kiểm của Linh, thấy có tiến bộ rõ rệt nên đồng ý cho em xuất trại.

Sau năm năm mất tự do, hôm nay Linh như con chim xổ lồng, trở lại núi đồi xanh tươi với đại gia đình tâm linh, có em gái anh trong đó. Anh được các Thầy, các Sư chú đón nhận bằng tấm lòng thương yêu chân thật.

Những bài pháp thoại của Sư Ông đã giúp cho anh hiểu ra rằng chỉ có sự hiểu biết mới có được tình thương yêu trong sáng, không vướng mắc, mới mở rộng trái tim để tha thứ và chấp nhận mọi người. Anh hết lòng thực tập phương pháp thiền an trú trong hiện tại. Anh đã tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm trong từng mỗi bước chân thiền hành, với thiên nhiên, cây cỏ. Anh đã có cái nhìn thoáng rộng hơn, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều thiền sinh về Làng thực tập pháp môn Thiền Chánh Niệm. Qua họ, anh thấy hạnh phúc không thể chỉ xây dựng đơn thuần được bằng yếu tố vật chất, mà còn bằng sự biết dừng lại để tiếp xúc với giây phút hiện tại, mở rộng lòng ra để hiểu những khó khăn của người thân, để quan tâm, giúp đỡ họ một cách chân thành. Hạnh phúc chân thật không thể tồn tại lâu dài nếu ta sống bằng tâm vị kỷ, cố chấp. Bởi vị kỷ, cố chấp là nguyên nhân chính của vô minh. Do vô minh, ta đã gây ra bao lầm lỗi, làm khổ đau cho mọi người.

Linh được biết anh chị Tú Anh, cả hai đều là bác sĩ, đã từ chối cuộc sống tiện nghi ở Thành Phố, dấn thân trong đoàn Thiện Nguyện Không Biên Giới, đi tới các nước Á Phi kém mở mang, đang bị khủng hoảng về chiến tranh và kinh tế, để giúp những gia đình và trẻ em bất hạnh, đói cơm, đói học hành và cả tình thương. Nhũng người tham gia trong phái đoàn này chỉ nhận thù lao hàng tháng đủ chi phí cá nhân, họ tới tận nơi những vùng đang có thiên tai hoặc chiến tranh để cứu giúp cấp thời các nạn nhân đang bị kẹt trong tình trạng cực kỳ khốn khó. Anh cho biết nhiều thành viên đã chán nản bởi vì những nạn nhân này họ không ý thức được lòng tốt của phái đoàn, thiếu lòng biết ơn, còn mang tâm nghi kỵ là đoàn người này đến để truyền giáo, hoặc dò thám tin tức. Họ luôn sống trong sợ hãi, ích kỷ và căm thù. Đã có vài Thiện Nguyện viên bị họ hãm hại. Bác si Tú Anh nói rằng nếu không được trang bị bằng giáo lý Hiểu biết và Thương yêu thì khó lòng theo đuổi con đường này lắm. Vì vậy hai vợ chồng bác sĩ và một số thành viên Thiện Nguyện cứ vài tháng lại về Làng dự khóa Tu để có thêm năng lượng. Linh cảm thấy kính phục những con người có trái tim lớn và dũng cảm, quên đi hạnh phúc nhỏ bé của bản thân để phụng sự cái hạnh phúc lớn cho nhiều người.

Tăng Thân Làng Mai đã giúp cho hàng triệu người chuyển hóa được khổ đau, có được cuộc sống hạnh phúc cho gia đình và mọi người chung quanh. Còn phái đoàn Thiện Nguyện đang dấn thân hàn gắn những đổ vỡ, đau khổ cho nhiều người đang bị kẹt trong tình trạng tuyệt vọng, Linh thấy trái tim anh bừng lên một ý chí, một tình thương cao rộng. Anh muốn sống cuộc đời vị tha, có ích cho nhiều người.

Anh mang những ý nghĩ này chia sẻ với em gái, Hiền Nghiêm khuyên anh nên xuất gia. Là tu sĩ, anh có thể giúp cho nhiều người hơn về vấn đề tinh thần, chuyển hoá khổ đau, sống và hành trì theo năm giới. Thế giới nhờ vậy mà bớt đi lòng căm thù, bạo động tàn sát lẫn nhau.

 

Dòng sông quê ngoại

Sau ba năm tu học tinh cần, sư chú Pháp Tánh đã theo Sư Ông và Tăng Thân đi tổ chức khóa tu nhiều nước trên thế giới. Tăng Đoàn đã giúp cho hàng triệu người biết nhận diện sự sống sâu sắc đang có mặt bên cạnh những người thân yêu, biết dừng lại tham đắm, quay trở về với bản tâm trong sáng, hạnh phúc chân thật trong nếp sống hành trì năm giới. Sư chú thấy mình như lột xác từ khi được Sư Ông xuống tóc trong buổi lễ Xuất Gia. Sư chú tìm lại mái ấm gia đình mà suốt quãng đời thơ ấu chú không có được. Sư Ông vừa là người cha tinh thần khả kính vừa là người mẹ hiền chăm sóc đàn con với tấm lòng từ bi vô lượng của Người. Sư chú học được từ Người tình thương yêu cao cả, tấm lòng bao dung và đức tu miên mật. Sư chú cũng học được từ Tăng Thân tinh thần sống lục hòa, khéo léo trong lúc nói năng cũng như khi hành xử.

Chỉ còn hai ngày nữa là sư chú sẽ được dự giới đàn Tỳ Kheo, đúng vào ngày bà Ngoại trút hơi thở cuối cùng trong nỗi đau tột cùng của anh em chú.

Mười năm mất bà, mười năm xa khung trời quê ngoại, cuộc sống trôi nhanh như dòng sông. Nhìn thủy triều dâng, cuồn cuộn trôi cuốn theo vài đám lục bình, Linh thấy dòng sông phút này không phải là dòng sông phút trước, và chính thân tâm anh cũng thay đổi không ngừng. Sự sinh diệt đang diễn tiến trong anh từng sát na, thay đổi con người anh từ ấu thơ trở thành trai tráng, tâm tư anh từ thô lậu trở thành bồ đề kiên cố.

Mặt trời mới đỏ rực rỡ bây giờ đã đổi sang màu tím nhạt, trên cao, vầng trăng non lơ lửng treo trên đỉnh đồi. Nhìn ánh trăng vàng đang nhảy nhót trên từng đợt sóng, sư chú thấy hình ảnh tuổi thơ với em Lan và bà đang vớt bèo trên sông quê nhà bừng sống dậy. Cậu bé mười tuổi ngây thơ và em Lan bé bỏng năm xưa hôm nay còn đây, nhưng bà và dòng sông thì ngàn trùng ly biệt. Nỗi thương cảm dâng trào, sư chú thấy cay cay nơi mắt, nhưng hơi thở chánh niệm đã mang sư chú về thực tại. Chú nhìn sâu vào vầng trăng đang tỏa ngời trên khắp cỏ cây, long lanh trên mặt nước, chú thấy mặt trăng, con sông, bà và anh em chú là một dòng sinh mệnh liên tục. Dòng sông quê ngoại đang ở đây, bà vẫn đang còn đó, đám lục bình vẫn đang ẩn hiện nhấp nhô theo từng đợt sóng, bà cũng đang ẩn hiện trong từng đợt sóng tử sinh. Bà đang hiện hữu trong từng tế bào của sư chú và sư cô Hiền Nghiêm, đang thở từng hơi thở chánh niệm, đã cùng bước thiền hành vững chãi, cùng ngồi thiền tọa, tụng kinh trong Phật đường vào những buổi công phu với chú và Hiền Nghiêm. Bà đang cùng tu, cùng sống những giây phút nhiệm màu với hai cháu, đang hưởng hạnh phúc an lạc trong khung cảnh thiền môn. Trên trán bà không còn in hằn những vết nhăn đau thương quá khứ. Bà đang là bé Lan, là sư cô Hiền Nghiêm. Bà trẻ mãi không già.

Tiếng chuông nhà thờ rền vang, cắt đứt dòng suy tư của chú, nhắc sư chú tới giờ về. Chú phủi áo đứng lên, nhìn dòng sông lần cuối, thầm nói:

« Bà ơi, ngày giỗ bà sáng mai, bà về dự lễ thọ Tỳ Kheo với cháu, bà mãi mãi ở trong các cháu. Như dòng sông không ngừng chảy ra biển, bà vẫn còn đó, bà trẻ mãi không già.

 

Tháng 5-2000.
Chùa Từ Nghiêm, (New Hamlet)

CHÂN Y NGHIÊM

 

Tên thật là Phan Thị Thuần. Quê quán Đông Ngạc-Hà Nội.

 

- 1997 trở về trước Giáo viên Anh văn trường Hồng Bàng, quận V Sài Gòn.

 

- 1998 Xuất gia cầu đạo với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai – Pháp quốc.

 

- Viết cho các báo: Giác Ngộ (Việt Nam), Phật Giáo Việt Nam (Việt Nam – Hoa Kỳ), Đất Lành (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc), Pháp Âm (Na Uy), Phù Sa (Pháp).

 

- Đã ra phát hành 3 CD nhạc:  

1/ Mẹ là Trăng Mười sáu - 2003.

2/ Bài hát Từ Trái Tim - 2007.

3/ Mừng Phật đản sinh - 2009.

 

Trong mục đích: Giúp học bổng cho các sinh viên – học sinh nghèo hiếu học có thêm phương tiện để vươn tới tương lai tươi sáng; Giúp các cháu mồ côi-khuyết tật và các cụ già neo đơn có thêm phần trợ cấp hàng năm để cuộc sống tốt đẹp hơn... Đã sáng lập Gia đình Thiện Nguyện Hiểu và Thương 1990, và Gia Đình Thiện Nguyện Hoa Tình Thương 2006.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |    GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.