Giọt nước cành dương
Nước Việt
Nam
nhỏ bé đã chịu bao cảnh thống khổ của nạn ngọai xâm như nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn đã viết:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Ba nươi năm nội chiến từng ngày…
Trước cảnh mất nước, nạn cai trị bạo ngược, âm mưu chia rẽ, tiêu
diệt tôn giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam của người Pháp đã khiến
toàn dân vùng lên chiến đấu, hy sinh hàng triệu chiến sĩ, tử vong
hàng triệu đồng bào vô tội. Máu chảy thành sông, xác phơi đầy đồng.
Các bà mẹ mất con, thiếu phụ mất chồng, trẻ thơ mất cha. Tang tóc
đau thương đã ròng rã xảy ra trong hai cuộc chiến chống ngoại xâm
gần một thế kỷ vừa qua. Ngoài ra còn bao cái chết đau thương khác
của hàng chục vạn thuyền nhân trên biển cả, trước sóng gió hãi hùng,
nạn hải tặc cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em. Những
cái chết bị bức tử trong chiến dịch cải cách ruộng đất, trong tù
đày… Nỗi đau thương cao ngất trời, không sao tả hết được!
Mùa Xuân năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn quốc tế
Làng Mai được Thủ tướng chính phủ mời về thăm quê nhà, niềm vui lớn
của Thầy là thấy đồng bào được sống trong cảnh thái hòa, nhưng nghĩ
đến bao nhiêu chiến sĩ đã ngã gục cho quê hương này, và bao nhiêu
cái chết thảm thương khác khiến trái tim Thày trào dâng niềm thương
xót. Làng Mai quyết định gửi thầy Pháp Ấn về tiền trạm để chuẩn bị
cho Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân quốc tế Làng Mai trở về Việt Nam
lập 3 đại trai đàn cầu siêu, giải oan cho các anh linh, tử sĩ. Sau
gần một năm làm việc, đề nghị của Đạo Tràng Mai Thôn mới được chấp
thuận.
Với sự kết hợp nhiệt tình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Trị
Sự thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Huế cùng
quí Tôn Đức Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Diệu Đế, đã hết lòng
cộng tác với Tăng thân Làng Mai để thiết lập hai Đại trai đàn thật
hoành tráng, thành công viên mãn với số lượng đồng bào Phật tử đến
dự rất đông. Riêng Tổ đình Vĩnh Nghiêm có gần vạn người đến dự đại
lễ trai đàn vào đêm cuối.
Đại Trai Đàn Bình Đẳng tổ chức tại Chùa Non
Ngày đâu tiên chúng tôi đến chùa Non để tham dự buổi Pháp thọai của
Thiền sư Nhất Hạnh dành cho tăng ni Phật học viện Sóc Sơn. Trước
khung cảnh non cao thanh vắng, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, phương
tiện giao thông eo hẹp, chúng tôi thất vọng, nghĩ rằng Đại trai đàn
bình đẳng tổ chức có thể sẽ ít người đến tham dự. Thật đáng tiếc cho
các anh linh và đồng bào miền Bắc!
Thế nhưng, đến khuya hôm đó, một phép lạ đã xảy ra, sườn núi gần nhà
tổ bị sạt lở và đến rạng sáng, một trận mưa đã quét sạch những cấu
uế, tưới mát cho cỏ cây xanh tốt. Chỉ có một đêm thôi mà đàn tràng
đã được thiết lập hoành tráng, trang nghiêm. Cả rừng người đã choán
ngợp khắp nơi, từ chánh điện cho đến các khuôn viên rộng rãi, tràn
ra cả sườn núi.
Nhìn xuống, tôi thấy hàng đoàn khách thập phương đang leo dốc núi,
miệng luôn niệm Phật A Di Đà. Có cả các cụ già lưng còng chống gậy,
có những bà mẹ trẻ bồng con, có hàng đoàn thanh niên vừa đi vừa nói
cười rộn rã, có cả những anh thương binh đang cố gắng leo lên núi để
kịp dự khai mạc Trai đàn, cầu nguyện cho anh em đồng đội.
Đại trai đàn được khai mạc trang trọng với sự có mặt của Thượng tọa
Thích Thanh Nhiễu, TT. Thích Thanh Nhã, TT. Thích Bảo Nghiêm, TT.
Trụ trì chùa Non. TT. Thích Thanh Nhã được cử làm chủ lễ cùng với
chư Tôn Đức Ban Kinh Sư tỉnh Nam Định, và chư Thượng tọa Phó Viện
trưởng cùng tăng ni sinh Phật học viện Sóc Sơn, Tăng thân Làng Mai,
tu viện Bát Nhã, chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Nghiêm và rất nhiều chư vị
Tôn Đức, Tăng, Ni từ các tỉnh đến tham dự.
Sau phần làm lễ thỉnh vong của Ban Kinh Sư, toàn thể tăng ni và đồng
bào Phật tử đi thành đám rước hàng ba, trở xuống lễ đài dưới chân
núi để rước chư vị hương linh lên Đại trai đàn.
Dẫn đầu đoàn rước là ban nhạc tây hùng hậu mặc sắc phục màu trắng.
Các thầy chùa Từ Hiếu và Rừng Phương Bối - Tu Viện Bàt Nhã rước bài
vị, lọng vàng và các cây tích trượng, phía sau là vị pháp sư mặc
pháp phục ngài Địa Tạng, kế đến là ban nhạc dân tộc sắc phục màu đỏ,
đầu quấn khăn nhiều màu sắc, đi trước ban nhạc là hai cô thiếu nữ
mặc trang phục quan họ Bắc Ninh, rực rỡ trong chiếc khăn vành màu
đỏ, vừa đi vừa đánh nhịp và múa theo điệu nhạc, trông rất vui mắt.
Theo sau đám rước là chư vị Tôn Đức giáo phẩm, chư vị Tăng, Ni, tất
cả đều đắp y vàng, cùng đồng bào Phật tử. Đám rước kéo từ trên đỉnh
dốc đến lễ đài dài khoảng hơn cây số.
Con đường xuống núi rất dốc, nhưng tất cả đều bước tỉnh giác trong
tiếng niệm Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm. Đội kèn tây phía truớc thì hòa
tấu bài Phật Giáo Việt
Nam,
A Di Đà Phật và những bản nhạc Phật Giáo truyền thống, còn ban nhạc
dân tộc thì đàn những bản dân ca thêm sự phụ họa những động tác múa
mềm mại, uyển chuyển của hai cô vũ công ăn mặc theo điệu quan họ.
Tất cả những âm thanh rộn ràng của kèn tây, nhạc ta hòa trong tiếng
niệm Phật thành một bản hòa tấu sinh động, khiến buổi rước vong cầu
siêu mang sắc thái một ngày lễ hội lớn.
Sau khi chư vị vong linh được ruớc về Đàn Tràng, Thượng tọa Trưởng
Ban Kinh Sư đã tiến hành lễ tắm vong với những lời chú nguyện và bắt
ấn rất đẹp. Các Thầy trong Ban Kinh Sư tán tụng những bài khấn vong
bằng giọng trầm ấm, thiết tha khiến nhiều người rơi nước mắt. Từ cõi
lòng tôi trào dâng tình thương vô hạn. Chúng tôi đang đứng trong Đại
trai đàn lộng lẫy với đồng bào từ khắp miền đất nước về đây... Chúng
tôi đang theo dõi hơi thở chánh niệm để thấy rằng chúng tôi đang thở
cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu chúng tôi đã quá
vãng...
Trong giờ phút này, có thể là quí vị hương linh đang hiện diện, đông
gấp trăm lần chúng tôi. Chúng tôi không thể nhìn thấy quí vị, nhưng
quí vị có thể nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi có thể thở và đi dễ
dàng, nhưng quí vị thì không thể thở và đi trong chánh niệm. Thế
nên, chúng tôi cho quí vị muợn đôi chân của chúng tôi để đi, mượn
buồng phổi của chúng tôi để thở. Xin mời quí vị hãy đi thiền hành,
thở trong chánh niệm, lắng tai nghe những lời kinh, những bản nhạc
kinh từ quí vị Tăng, Ni, để thấy tâm thức mình được buông xả những
nỗi tủi hờn, oan khuất mà từ bao nhiêu năm nay quí vị phải gánh chịu
vì bị mọi người lãng quên và không được chính thức công nhận.
Thiền sư Nhất Hạnh đã có mặt trong ba ngày Trai đàn. Thiền Sư đã qui
y Tam Bảo, trao truyền Qui - Giới cho các vong linh. Trong ba buổi
pháp thọai, Thày đã trao truyền bằng tất cả tình thương của Ngài.
Ngài dạy người còn sống cũng như kẻ quá cố phương pháp sống trong
chánh niệm, hàn gắn lại những đổ vỡ trong tình cha con, bạn bè, dòng
họ, và ngoài xã hội trong đề tài: Làm thế nào để tiếp xúc được
với người thương đã khuất và hiện tiền
Những lời nói dịu dàng ấm áp của Người với các vong linh:
Tôi đang thở cho quí vị, hơi thở nhẹ và khỏe quá, quí vị có biết
không! Tôi đang đi cho quí vị, buớc chân thanh thản đang tiếp xúc
với mặt đất, đôi mắt đang tiếp xúc được với thiên nhiên màu nhiệm,
quí vị có thấy hạnh phúc không !
Quí vị hãy về thực tập như vậy cho người thương. Muốn cho hương linh
mau được giải thoảt thì trong ba ngày Trai Đàn, quí vị phải tư duy
cho thật từ bi, nói năng cho hòa ái và hành động cho thật từ bi, tôi
chắc chắn rằng vong linh người
quá cố sẽ cảm nhận thấy những điều quí vị đang làm cho cho họ.
Quí vị hãy sống trong chánh niệm giữ gìn thân, khẩu, ý cho tinh
khiết thì vong linh sẽ được trợ duyên, mau được siêu thăng.
Liên tiếp ba buổi pháp thọai, Thầy đã trao tuyền cho đồng bào và các
hương linh những giọt nước cành dương, tưới tẩm lên những tâm hồn
khổ đau những chất liệu thương yêu, đạo đức đưa tới bờ an lạc.
Lời cuối Thầy dặn dò: Chúng ta đến với nhau bằng tình huynh đệ,
nghĩa đồng bào, dâng lên Trai đàn sự thực tập chánh niệm bằng trái
tim tinh khiết là chúng ta đã dựng được bảo tháp chin tầng dâng lên
Tam Bảo, cầu nguyện cho hương linh được siêu thăng, cho thân tâm
chúng ta an lạc, gia đình hạnh phúc, đất nước thịnh vượng, thái
bình.
Trong thời gian Trai đàn, chúng tôi được chứng kiến những tình huống
rất cảm động.
Tôi phỏng vấn cụ bà 95 tuổi, cụ cho biết cụ có hai người con trai,
một người hy sinh tại chiến trường Bình Định, còn người nữa thì chết
vì tai nạn lao động. Cụ ráng leo lên núi để xin Đức Phật sống cứu
vớt vong linh hai người con trai của cụ. Nhìn thấy trời mưa gió mà
chỗ ngủ thì không có, tôi nói với cô con gái nên đưa cụ về, mình cô
ở lại cầu nguyện cũng được. Qua ngày hôm sau, tôi lại thấy cụ cùng
đám đông con cháu khác. Cụ nói: Phật về cứu độ chúng sinh, tôi không
lên gặp Phật thì uổng kiếp người.
Tôi gặp một anh cựu quân nhân đi với cha già, anh nói anh đã ghi tên
cầu siêu cho ông bà nội bị chết bỏ đói trong chiến dịch cải cách
ruộng đất, còn hai người em trai thì hy sinh ở Saigon trong chiến
dịch tấn công Tết Mậu Thân. Gia đình muốn cầu siêu từ lâu nhưng đến
chùa thì tốn kém quá.
Chúng tôi thấy một người phụ nữ cứ ngồi khóc mà không ăn cơm, chị
cho chúng tôi biết, lúc còn sống cha mẹ chị vì già yếu quá, mà cơm
thì chỉ có bắp với khoai mì, nên không ăn được Hôm nay được bữa cơm
chay nhà chùa cho ăn ngon quá, chị nghĩ cha mẹ được bữa cơm ăn ngon
lành, chị cảm động quá nên khóc.
Còn một chị nữa cho biết: Con gái chị bị chết đuối, không tìm thấy
xác, đêm qua về báo mộng cho chị: Mẹ phải lên ngay chùa Non đễ cứu
con.
Có một toán thanh niên ở mãi tận Thanh Hóa, rất nghèo, dành dụm đưọc
mỗi người 30.000đ, đi xe đạp lên chùa Non để xin cầu nguyện cho bạn
và cha mẹ.
Còn nhiều chuyện rất cảm động chung quanh trai đàn, nhưng bài viết
có hạn, không thể chia sẻ với các bạn thêm được.
Đại lễ Trái Đàn Bình Đẳng được kết thúc bằng sự đảnh lễ của Tăng
thân Làng Mai. Thầy Pháp Ân, Trưởng Ban Tổ chức đại
diện Tăng Thân, dâng lên chư Tôn Đức giáo phẩm Giáo Hội, Ban Trị Sự
Thành hội Phật giáo Hà Nội, thầy Trụ trì và chư Tôn Đức chùa Non đã
hết sức hỗ trợ để Đại Lễ Trai Đàn Chùa Non được thành công viên mãn,
lòng tôn kính và biết ơn chân thành của toàn thể Tăng thân Quốc tế
Làng Mai.
Tiếp theo, Thượng tọa Thanh Nhã đã trân trọng, tán thán sự tích cực
của Tăng thân Làng Mai và nhất là Sư Ông, mặc dù tuổi đã 82, sức
khỏe yếu mà vẫn có mặt từ lúc 5 giờ sáng để hướng dẫn thiền tọa và
thiền hành dưới trời mưa và có mặt đầy đủ trong các buổi truyền
giới, ban pháp thọai, đi tiễn vong vào đêm khuya sương gió.
Phần đáp từ kết thúc của thầy Quảng Hà rất cảm động, Thầy nói rằng
chùa Non phòng ốc ít, phương tiện sinh họat còn thiếu vì mới xây
dựng lại, nhà vệ sinh quá ít so với số luợng đồng bào trên một vạn
người. Thế nhưng mọi việc đã trôi qua một cách tốt đẹp, đó là nhờ sự
đóng góp tích cực, có ý thức của mọi người.
Nhưng sở dĩ Trai đàn được tổ chức nhanh chóng vào giờ chót là nhờ có
sự ủng hộ rất nhiệt tình của Thành Hội Phật Giáo Hà Nội và những vị
đóng góp đáng kể trong đại trai đàn này là Sư cô Hạnh Châu, Sư thầy
Đàm Nguyện, Sư cô Tịnh Quán và nhất là
quí thầy và sư cô trẻ tu viện Rừng Phương Bối - Bát Nhã - Bảo Lộc,
chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Nghiêm - Huế đã năng nổ hoàn thành trách
nhiệm trọn vẹn mà vẫn giữ được sự tươi mát uy nghi.
Người viết bài này được tá túc tại chùa Bồ Đề trong suốt thời gian
Sư Ông hành đạo tại Hà Nội, tôi rất cảm động và vô cùng biết ơn quí
sư cô chùa Bồ Đề, và Thầy Đàm Lan đã hết lòng lo từng bữa ăn cho các
sư cô, các cư sĩ thuộc Tăng thân Làng Mai những bữa ăn ngon đầy đủ
chất dinh dưỡng.
Hình ảnh Thầy Đàm Lan từ hòa có mặt mỗi bữa ăn để coi thức ăn có đầy
đủ không, luôn hỏi thăm chúng tôi ăn có được không, chăm sóc các sư
cô rất chu đáo.
Đại Trai Đàn chùa Non - Sóc Sơn - Hà Nội được thành công viên mãn là
nhờ sự đóng góp tâm sức của rất nhiều ngừơi, từ những vị công quả
cho đến các bác lái xe, các chú công an giữ an ninh trật tự, và rất
nhiều đồng bào từ các miền quê hương về tham dự…
Thầy Nhất Hạnh nói rằng : Bảo Tháp chin tầng được xây dựng
trong Đại Trai Đàn Bình Đẳng chùa Non rất bền chắc, không phải do sự
tài giỏi của con người mà có thể làm được, mà chính bằng sự kết hợp
của những trái tim tinh khiết, tình huynh đệ và nghĩa đồng bào.
22.04.2007 |