.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Chân Y Nghiêm

Mây về cố quận


Cổ Phật khất thực - chùa Hoằng Pháp - Sài Gòn 2005

Sáng nay, bầu trời trong xanh, từng vầng mây trắng như tuyết đang bay bay trên khung trời chùa Hoằng Pháp, tỏa xuống khuôn viên chùa và vùng phụ cận không khí êm dịu, mát mẻ trong ánh nắng vàng non.

Trong khuôn viên chùa, hàng ngàn Tăng Ni đủ các môn phái đang tề tựu thành những hàng dài, đứng theo thứ lớp hạ lạp. Dẫn hàng đầu là Tăng Thân Làng Mai, pháp phục mầu nâu, nhưng các sư cô thì chít thêm khăn nâu theo truyền thống già lam ngoài Bắc. Phái Nam Tông pháp phục màu hỏa hoàng, Phái khất sĩ pháp phục màu vàng tươi rực rỡ và phía sau cùng, phái Tịnh Độ, các Thầy thì mặc áo mầu nâu, các sư cô thì mặc áo màu lam, chít khăn lam. Tất cả các vị dù áo màu nâu, màu vàng hay màu lam thì tay phải đều ôm bình bát, cánh tay trái quàng chiếc nón lá mới tinh, bàn tay đỡ bình bát giống nhau, tạo nên một quang cảnh mang sắc thái văn hóa dân tộc, một bức tranh hoành tráng nên thơ, chưa bao giờ từng xảy ra trên đất nước Việt Nam.

Bức tranh tuyệt mỹ này đã gợi lại trong lòng người Phật tử hình ảnh Tăng Đoàn của Bụt -gần ba ngàn năm về trước - hơn ngàn vị sư quấn y vàng rực rỡ, tay ôm bình bát, dáng thanh thản, bước từng bước chân an lạc tiến vào thành Xá Vệ, thăm lại quê nhà và hoàng thân quốc thích.

Sau bốn ngày hướng dẫn khóa tu đặc biệt dành riêng cho người xuất gia, hôm nay, một buổi sáng cuối đông, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh - sau bốn mươi năm xa quê hương,- đã làm sống lại Tăng đoàn Bụt uy nghi, an lạc gồm đủ các tông phái trong buổi cổ Phật khất thực tại chùa Hoằng Pháp với hàng ngàn Tăng Ni.

Đoàn khất thực chia làm hai hàng, đứng phía tay phải là Ni chúng, dẫn đầu là sư cô Trung Chính - Trụ trì chùa Lộc Uyển - Đứng phía tay trái là sư ông Nhất Hạnh với chiếc nón lá quàng bên tay trái, tay phải ôm bình bát từ từ tiến ra khỏi mái Tam Quan chùa Hoằng Pháp. Hai bên đường, Phật tử mặc áo màu khói hương và dân chúng hiếu kỳ đứng đông nghẹt, tất cả đều chắp tay niệm Phật, cung kính dâng phẩm vật cúng dường Tăng Ni. Có những thanh niên, thiếu nữ đứng lặng yên ngắm một hiện tượng quá uy nghi, hùng tráng mà tĩnh lặng của Tăng Đoàn. Có những bà mẹ rưng rưng nước mắt vì xúc động. Trong đời bà, bà chưa từng bao giờ được nhìn một khung cảnh các vị sư đông đảo như vậy, bước chân thanh thản với nụ cười an lạc trên môi. Nét thong dong tự tại ấy như làn gió mát rượi làm dịu tâm hồn khô héo của bà, đã khiến trái tim bà thổn thức vì cảm động. Các em bé thì ngây người ra đứng nhìn, giơ hai bàn tay nhỏ bé tiếp nhận quà của các sư cô san sẻ cho. Các cụ già cũng được quí Thầy cô chia bớt lộc cho, tạo nên không khí vui vẻ, chan hòa.

Buổi khất thực theo truyền thống cổ Phật đã diễn hành trong yên lặng gần hai tiếng đồng hồ trên con đường trước cổng chùa Hoằng Pháp, đã gây một xúc động sâu sắc trong lòng một ngàn Tăng Ni và những người tham dự hôm đó. Tất cả mọi người đều thấy tinh thần lục hòa, một sức mạnh tâm linh trong Tăng Thân tu học chánh niệm. Tất cả đều ước mong có một sự đổi mới trong nếp sống tu học của Tăng Đoàn, thiết lập lại uy nghi và phong cách tu học của người xuất gia để lấy lại niềm tin của quần chúng và hàng Phật tử, tạo nên chỗ nương tựa vững chãi cho những những người khổ đau, cần sư giúp đỡ về tinh thần.

Khóa Tu sáu ngày dành cho người xuất gia tại chùa Hoằng Pháp do Thiền Sư Nhất Hạnh và Tăng Thân làng Mai hướng dẫn đã là một tặng phẩm vô cùng quí giá dành cho Tăng Ni chúng con. Sáu ngày tinh cần tu học trong phương pháp thiền quán của Làng Mai đã cho chúng con một sự an lạc, tươi mát, đã giải phóng chúng con thoát ra khỏi những phiền muộn, trăn trở, tính toán đời thường. Những lời pháp nhũ của Sư Ông đã giúp chúng con tìm lại chính mình trong phương pháp thiền quán chánh niệm, luôn theo dõi hơi thở để ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, ý thức được từng ý nghĩ, lời nói và hành động của mình.

Những bài pháp thoại của Sư Ông như những cơn mưa pháp thấm nhuận đất tâm của chúng con dường như bấy lâu nay đã khô cằn, bây giờ nảy mầm đơm bông những hạt giống bồ đề tươi tốt. Trước kia, đôi lúc chúng con đã tự đặt câu hỏi : Mình là ai ? đi tu để làm gì, phụng sự cho ai ? Câu trả lời dường như bị bế tắc bởi trước mặt chúng con chưa có một con đường rõ ràng, chưa có pháp môn tu có thể giúp chúng con chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau cho chính bản thân, chưa có môi trường tu học theo đúng tinh thần lục hòa, trong đó mọi người thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sách tấn nhau cùng tu học.

Bây giờ, sau khi nghe Sư Ông chỉ dậy, chúng con đã tìm ra câu trả lời:

- Chúng con là những người khát khao một cuộc sống tự do, quyết noi theo gương đức Thế Tôn, rời bỏ gia đình thân yêu nhỏ bé để đi tìm cuộc sống vị tha, giải thoát chúng con ra khỏi những ràng buộc đời thường, sống và thực hành theo Tứ Vô Lượng Tâm, mở rộng trái tim, thương yêu và giúp đỡ những người bất hạnh, khổ đau kể cả những người đã đối xử không tốt với chúng con.

Sư Ông thương kính, chúng con xin nguyện với Đức Bụt và Sư Ông, chúng con sẽ cố gắng hành trì tu học miên mật để đạt được trí tuệ sáng suốt, vô ngại, đạt đươc tình thương vô lượng, được sự lắng nghe sâu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm để chúng con có thể là hành giả xứng đáng, tiếp tục duy trì chánh pháp của đức Thế Tôn, soi sáng cho mọi người vơi được nỗi khổ niềm đau, tìm lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có an lạc thì xã hội mới thái binh, quê hương mới văn minh, thịnh vượng. Có làm được như vậy thì cuộc đời xuất gia của chúng con mới thật có ý nghĩa, mới xứng đáng là con của đức Thế Tôn, của chư Tổ, của quí Thầy.

Hôm nay là ngày cuối khóa tu, con viết những dòng này để tán thán công đức vô lượng của quí Sư và Phật tử chùa Hoằng Pháp đã dốc toàn tâm toàn lực tổ chức khóa tu sáu ngày được thành tựu viên mãn. Nhờ nhân duyên đại phước này mà hơn một ngàn Tăng Ni chúng con được hội tụ về đây sống những ngày thật hạnh phúc trong tinh thần tu tập chánh niệm do Sư ông Nhất Hạnh và Tăng Thân Làng Mai hướng dẫn, được tham dự một buổi lễ xuất gia của hai mươi giới tử do Thiền Sư Nhất Hạnh thế phát. Không thể diễn tả bằng lời được sự thanh tịnh, trang nghiêm tuyệt hảo của lễ xuất gia này. Mỗi lời thệ nguyện do Sư Ông đọc cho giới tử đọc theo, mỗi cử chỉ thương yêu của Sư Ông lúc xuống tóc cho các giới tử là những giọt nước cam lộ tẩy sạch trần uế nơi trái tim con dù con chỉ là người ngồi tham dự !

Chỉ còn mấy giờ nữa là đến giây phút kết thúc khóa tu.. Trong giảng đường tiếng hát ca của các thiền sinh trong buổi thiền trà cuối cùng này thật là vui pha lẫn nỗi buồn chia tay. Mọi người nhìn nhau quyến luyến, chụp hình kỷ niệm, trao cho nhau nụ cười hẹn ngày tái ngộ. Tiếng hát vang lên từ giảng đường:

Đã về, đã tới / Bây giờ, ở đây / Vững chãi, thảnh thơi / Quay về nương tựa / Nay tôi đã về / Nay tôi đã tới / An trú bây giờ / An trú ở đây / Vững chãi như núi xanh / Thảnh thơi dường mây trắng / Cửa vô sinh mở rồi / Trạm nhiên và bất động.

Từng giọt nắng chiều rơi rơi theo tiếng chuông đại hồng quyện theo những tia nắng nhạt làm ấm trái tim tôi. Từ phía trời xanh, từng cụm mây trắng như tuyết đang tản mạn bay bay...

Mây ơi, mây đang bay trên vòm trời cố quận, đang theo dấu chân Sư Ông đi khắp nẻo đường quê hương đất nước để ban những pháp âm nhiệm màu cho mọi người tỉnh thức, tìm lại chính bản tâm để nhận ra rằng tất cả những người được sinh ra trên giải đất hình chữ S này đều có chung một cội nguồn, một ông tổ Hùng Vương và bà mẹ Âu Cơ. Dù rằng người đó bây giờ đang ở chân trời góc bể xa tít nào trên trái đất này, thì người đó vẫn là con dấu yêu của mẹ. Mẹ đang mong đợi các con trở về đoàn tụ bên nhau, đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau xây dựng lại giang sơn gấm vóc, nối lại tình thâm dòng máu Việt để cho quê hương được sống trong cảnh thật sự thịnh vượng, thái hòa.

Saigon, 02-05
(Gđ. cây Ngô Đồng).

CHÂN Y NGHIÊM

 

Tên thật là Phan Thị Thuần. Quê quán Đông Ngạc-Hà Nội.

 

- 1997 trở về trước Giáo viên Anh văn trường Hồng Bàng, quận V Sài Gòn.

 

- 1998 Xuất gia cầu đạo với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai – Pháp quốc.

 

- Viết cho các báo: Giác Ngộ (Việt Nam), Phật Giáo Việt Nam (Việt Nam – Hoa Kỳ), Đất Lành (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc), Pháp Âm (Na Uy), Phù Sa (Pháp).

 

- Đã ra phát hành 3 CD nhạc:  

1/ Mẹ là Trăng Mười sáu - 2003.

2/ Bài hát Từ Trái Tim - 2007.

3/ Mừng Phật đản sinh - 2009.

 

Trong mục đích: Giúp học bổng cho các sinh viên – học sinh nghèo hiếu học có thêm phương tiện để vươn tới tương lai tươi sáng; Giúp các cháu mồ côi-khuyết tật  và các cụ già neo đơn có thêm phần trợ cấp hàng năm để cuộc  sống tốt đẹp hơn... Đã sáng lập Gia đình Thiện Nguyện Hiểu và Thương 1990, và Gia Đình Thiện Nguyện Hoa Tình Thương 2006.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.