.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                    TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 Chân Y Nghiêm

Gieo đậu

Bây giờ là đầu tháng Tư, trời Dambri xanh trong, khí hậu ấm áp, thỉnh thỏang có trận mưa rào. Cỏ cây được tưới mát, mơn mởn màu xanh tươi, nảy nụ, đâm bông. Đám hoa dại màu vàng, màu trắng, màu tím thi nhau chúm chím khoe sắc. Hàng dậu ven đường. hoa Quỳ chen chúc nhau nở bông màu vàng đậm, tỏa hương thơm ngọt ngào quyến rũ.

Chân Nguyên Am ở đối diện Tu Viện Bát Nhã, mỗi sáng chúng tôi đều đựơc hưởng vẻ thảnh thơi của các sư cô Xóm Bếp Lửa Hồng đi thiền hành dưới sương mù. Các sư cô đi hàng đôi, bước chân nhẹ nhàng thanh thản, nét mặt ngây thơ, trong sáng, phảng phất nét đẹp thiền môn, khiến tôi có cảm tưởng niềm an lạc của Tăng Thân đã mang lại bình an cho khung trời Dambri và cả quê hương nữa

Sáng nay, tôi cùng Tâm Không lên đồi cuốc đất để trồng bắp và đậu phộng ( người Bắc gọi là Lạc). Tâm Không nói:

Sư phụ lớn tuổi rồi, về nghỉ, để còn có sức đi phát học bổng cho các học sinh nghèo và viết văn nữa chứ, để con làm được rồi.

Tôi im lặng, giơ cao tay, cuốc từng nhát cuốc, cỏ dại hất ra, đất vỡ tung. Cuốc một lúc đã thấm mệt, tôi lấy cào, cào những ngọn cỏ vừa xới khỏi mặt đất, vun thành từng đống vào ven dậu.

Chẳng bao lâu chúng tôi đã làm sạch sẽ và cuốc đất hết khu vườn nhỏ. Đất đựơc vun thành luống dài xinh xắn. Tâm Không khẻ từng hàng đều đặn, bỏ phân, còn tôi thì rắc hạt, gieo giống. Tôi cầm từng nắm, gieo từng hạt xuống, nhưng nó không đều, chỗ thì hai hạt chụm đầu vào nhau, chỗ thì ba hạt nằm ngổn ngang, chỗ thì một hạt nằm chơ vơ, đơn độc.

Tâm Không cười, bảo tôi:

Sư phụ gieo như vậy là sai rồi. Chúng sẽ mọc không đều, chỗ thì thưa, chỗ thì chen chúc nhau, sẽ ít trái . Sư phụ cầm từng hột ném như trẻ con ném bi, nó sẽ trúng đích. Tôi tưởng Tâm Không nói đùa, nhưng cũng làm thử. Mới đầu chưa quen, hột bắp rơi lung tung, sau vài lần, chú tâm theo dõi thì chúng được bắn trúng đích. Tôi thật vui ném tới tấp các hạt đậu vào luống đất. Tôi thấy mình thật trẻ con như hồi còn bé ở quê Ngọai, tôi thường chơi chuyền, ném đáo, ném bi, ô ăn quan với bọn trẻ hàng xóm, hay bị chúng ăn gian nên thua liên tục, tôi chẳng thèm chơi nữa. Bây giờ, Tâm Không chỉ tôi ném những hạt bắp vào lòng đất, chẳng có ai ăn gian, nên tôi ném trúng rất nhiều.

Sư phụ ơi. Sư phụ gieo bắp với đậu chung một luống thì nó mọc lộn giống, hạt đậu phộng sẽ ra hột bắp, hạt bắp sẽ nở ra hạt đậu phộng, như vậy bắp chẳng ra bắp, đậu chẳng ra đậu, sẽ uổng công thầy trò mình.

Tôi bật cười:

Không đâu con, sư phụ reo bắp cách xa đậu một gang tay. Cây bắp mọc lên, thân dài, còn cây đậu phụng thân ngắn, nằm phía dưới. Khi cây đậu phộng lớn lên, tiết ra chất

dầu để nuôi cây bắp. Hai cây nương nhau mà sống. Chúng sẽ ra quả theo giống của chúng, không thể nào ra quả khác được. nếu như ta để hai hột giống khít vào nhau thì có thể chúng sẽ có mùi tương tựa giống nhau, chứ bắp vẫn là bắp. đậu vẫn là đậu. Đây là lần đầu tiên sư phụ trồng đậu phộng, mục đích là để cho tốt đất, chứ không cần trái đậu cho lắm, vì chùa mình ít người, ăn sao cho hết.

Sư phụ ơi, luật nhân quả là gì ? Con thấy điều đó chỉ đúng với thực vật và sinh vật, hiện tựơng vật chất mà thôi. Còn với phần tâm linh con người, con thấy chưa được thỏa đáng cho lắm. Ví dụ, con thấy có nhiều nguời quyền cao chức trọng, nhiều ngươi giàu có, nhưng tâm địa độc ác, hành xử bạo ngược với những ai không thuận ý mình, mà họ vẫn sống thỏai mái, sung sướng. Ngay cả các vị tu hành mà con rất kính trọng, các vị ấy tu cao, uyên thâm đạo pháp, biêt giới luật mà sao các vị ấy vẫn hành xử như những kẻ xấu ở thế gian, chiếm đọat đất đai của chùa về cho người nhà mình, chiếm đọat tài sản người khác, đổi trắng thay đen, làm mất niềm tin của nhiều người. Các vị ấy ngày nào cũng tụng kinh, thuyết pháp, lại đựợc Bồ Tát che chở. Còn những người ăn ở hiền lành thì cứ bị người ta ăn hiếp, nghèo khổ vất vả quanh năm ?

Tâm Không ơi, con hỏi nhiều quá, sư phụ mệt cái đầu. Hiện tại những người đó đang được hưởng phước báo của nhân quá khứ. Nếu kiếp này họ không khéo tu, vun trồng phước đức tiếp tục, thì sau khi hưởng hết phước quá khư’, họ sẽ phải đền trả tội lỗi đã gây, có khi ngay ở trong kiếp này, như phá sản, con cái hư hỏng, vợ chồng hoang đàng, ly tán, chém. giết lẫn nhau, có khi bị tai nạn hay bệnh liệt giường, sống dở mà chết cũng không xong, chẳng khác nào trong địa ngục. Còn những người phát tâm tu hành mà sống sai trái, làm mất tín tâm của nhiều người, hủy báng chánh pháp, thì họ phải đền tội nặng gấp trăm lần người thế gian. Còn những người ăn ở hiền lành mà vẫn chịu khổ, thiếu may mắn là tại vì trong quá khứ họ đã không khéo tu theo chánh pháp, thiếu lòng độ lượng, hay ganh ghét, bỏn sẻn, không mở lòng thương và gíúp đỡ người cơ nhỡ.

Nếu hiện tại họ biết theo bạn hiền tu tập, biết giữ tâm đựơc chánh niệm, thì sẽ ngăn được những ý nghĩ xấu khởi lên. Hạt giống thiện sẽ được nuôi dưỡng bằng chánh pháp, phát khởi nghiệp lành, vun trồng phước báu, chắc chắn nghiệp xấu sẽ tiêu trừ, phước đức sẽ dần tăng trưởng, họ sẽ đạt được hạnh phúc như ý mong cầu

Chúng ta hàng ngày ăn của đàn na tín thí, phải cố gắng tu tập chuyên cần, luôn theo dõi hơi thở để kiểm sóat tâm mình đừng rơi vào tà niệm, kẻo uổng công cha mẹ sinh thành, dậy dỗ, uổng công Thầy Tổ đã hết lòng trao truyền cho mình tinh yếu Phật Pháp và tâm huyết của Thầy. Từ nay, con đừng để tâm đến những lỗi lầm của người, hãy quay về nhìn lại chính mình, sửa tâm cho thông suốt, nghe con.

Nắng ngả sang màu vàng úa. Cuối trời, vầng mây tím đang bay về hướng tây. Cơn gió mát ùa tới khiến tôi quên mệt,. Tiếng chuông chùa Bát Nhã vọng sang, báo hiệu giờ công phu chiều của Tăng Thân. Tôi thấy tâm hồn lâng lâng, êm ả. Ngẫu hứng tôi viết bài thơ:

 

GIEO ĐẬU

 

Thả hạt đậu hồng tươi

Dạo chơi trong lòng đất

Ngày hấng nắng mưa rơi

Đêm tắm trăng sương mát

 

Phân bón vun đong đầy

Nắng mưa gió và đất

Nuôi dưỡng mầm tuôn dậy

Lá xanh rờn hây hây

 

Hoa đậu vàng đâm bông

Hạt non trong lòng đất

Lớn dần theo năm tháng

No tròn trong hư không.

 

Hạt đậu nào ngon ngọt

Cho ta ăn hôm nay

Nhớ công ơn trời đất

Và biết bao bàn tay !

 

Chân Nguyên Am

Ngày 23-4-2009

 

CHÂN Y NGHIÊM

 

Tên thật là Phan Thị Thuần. Quê quán Đông Ngạc-Hà Nội.

 

- 1997 trở về trước Giáo viên Anh văn trường Hồng Bàng, quận V Sài Gòn.

 

- 1998 Xuất gia cầu đạo với Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai – Pháp quốc.

 

- Viết cho các báo: Giác Ngộ (Việt Nam), Phật Giáo Việt Nam (Việt Nam – Hoa Kỳ), Đất Lành (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc), Pháp Âm (Na Uy), Phù Sa (Pháp).

 

- Đã ra phát hành 3 CD nhạc:  

1/ Mẹ là Trăng Mười sáu - 2003.

2/ Bài hát Từ Trái Tim - 2007.

3/ Mừng Phật đản sinh - 2009.

 

Trong mục đích: Giúp học bổng cho các sinh viên – học sinh nghèo hiếu học có thêm phương tiện để vươn tới tương lai tươi sáng; Giúp các cháu mồ côi-khuyết tật và các cụ già neo đơn có thêm phần trợ cấp hàng năm để cuộc sống tốt đẹp hơn... Đã sáng lập Gia đình Thiện Nguyện Hiểu và Thương 1990, và Gia Đình Thiện Nguyện Hoa Tình Thương 2006.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI    |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.