.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007


Vài suy nghĩ nhân đọc bài
"Khung trời viễn mộng" của Bảo Quốc Kiếm

 
  • PSN | 29.10.2007 | Như Thuyết

Vừa qua tôi có đọc Tâm Thư của Hội Thân Hữu Già Lam (xin viết gọn là HTHGL) trình bày về đường hướng hoạt động của Hội để cho chư tôn đức tăng, ni và đồng hương Phật tử hiểu rõ.  Đối với tôi, Tâm Thư của HTHGL không những đã soi sáng và giải tỏa tất cả những ngộ nhận và xuyên tạc của một số người cố tình tạo dựng hầu gây hoang mang trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam, mà còn mở ra một hướng nhìn mới khoáng đạt, tích cực và thực tế cho việc góp phần xây dựng và phát triển nền Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay và mai sau.

Chính vì vậy, khi đọc bài Khung Trời Viễn Mộng của bà Bảo Quốc Kiếm tôi thấy bà mới chính là người ở trong cơn đại mộng của cuộc đời mà dệt thêm giấc mộng con của tiểu ngã đảo điên.  Những văn thi sĩ khi du hí trong khung trời viễn mộng không phải vì họ bị cái tiểu ngã nhỏ bé đảo điên như bà, mà vì họ nhập cuộc trong viễn trình bao la vô hạn của thế giới nghệ thuật siêu việt, ở đó mọi biên tế của ngã và ngã sở, của chủ và khách, của tâm và cảnh đều nhất như viên mãn.  Ngược lại, giấc mộng con tiểu ngã của bà là vì si mê điên đảo bởi tư dục, bởi vô minh, bởi thành kiến, bởi thù hận mà ra!  Tôi biết bà không bao giờ thấy được điều ấy, nhưng người đọc như tôi thì nhìn thấy rất rõ.  Bà không tin?  Vậy thì xin để cho tôi phân tích một vài điều trong bài Khung Trời Viễn Mộng rồi bà sẽ thấy, mà nếu bà vẫn không thấy nữa thì quả là cái vô minh, cái thành kiến và thù hận của bà đã hết thuốc chữa! 

Vì bị trói chặt trong giấc mộng con tiểu ngã vô minh, cho nên, dù bà đã có cơ hội đến chùa mà vẫn không thấy đó là thiện duyên của đời người để học hỏi và tu tập theo những lời dạy của đức Phật để hướng đời mình đến con đường giác ngộ và giải thoát. Ngược lại bà chỉ “quan tâm đến vấn đề tôn giáo, và đặc biệt, đối với Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất” trong tâm thức một người mang đầy tham sân si.   Như vậy, bà lấy cái gì để hiểu đạo Phật, để hiểu GHPGVNTN?  Có phải bà vẫn lấy cái tâm bị nhiễm hoặc bởi vô minh phiền não để hiểu đạo Phật hay GHPGVNTN?  Bà “quan tâm” đến đạo Phật, đến GHPGVNTN bằng cái tâm bị ô nhiễm bởi vô minh và phiền não, cho nên bà đã không thể nhìn thấy được ở đó con đường từ bi và trí tuệ, con đường giải thoát và giác ngộ, con đường chuyển hóa con người và xã hội bằng trí giác siêu việt chứ không bằng tham sân si!  Vì vậy, bà mới có tâm trạng:  “Nghe lòng bồn chồn, khó chịu.”   Một người đã từng có cơ duyên đến chùa, đến với Phật Pháp, nhưng không thấy đó là thắng duyên hy hữu của đời người để học và tu, nên mới có cái tình cảnh “bồn chồn, khó chịu” như vậy.  Đó không phải là trong cơn đại mộng mà dệt thêm cái tiểu mộng đảo điên hay sao? 

Vì bị trói chặt trong cái tiểu mộng của vô minh phiền não và không hề biết vận dụng cơ hôị đến chùa để học và tu theo Phật pháp, cho nên, bà đã không những hiểu sai giáo lý của đức Phật mà còn giải thích xuyên tạc và mạ lị giáo lý cao siêu ấy nữa.  Sau khi trích đoạn văn trong Tâm Thư của HTHGL:

Ngày nay, dù hoạt động trong lãnh vực tôn giáo, như việc hoằng pháp độ sinh, thì cũng không thể nào tách khỏi ra được mối tương quan tương duyên với nhiều lãnh vực khác như cơ cấu chính trị của xã hội… điều kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng của đầt nước sở tại…”

 Bà đã thảng thốt la lên:

Đọc qua hai đoản khúc trên đây, kẻ ngu như con bỗng nhiên thấy hoảng vía, kinh hồn!!! Thầy ơi, sao thầy lại cột chặt cái HOẰNG PHÁP ĐỘ SINH, với cái TƯƠNG QUAN đến CHÍNH TRỊ QUỐC PHÒNG???

Với tâm thức “hoảng vía, kinh hồn” như vậy bà làm sao còn sáng suốt để nhìn ra ý nghĩa thực sự của đoản văn của HTHGL?  Thứ nhất, đoạn văn ấy nói đến “điều kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng của đất nước sở tại..”  Tức là việc hoằng pháp còn phải tùy thuộc vào điệu kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng.  Nếu xã hội bất ổn hoặc tình trạng chiến tranh đang xảy ra thì công tác hoằng pháp cũng bị ảnh hưởng theo.  Thứ hai, mối “tương quan tương duyên” chính là ý nghĩa của giáo lý duyên khởi trong đạo Phật.  Duyên khởi tức là các pháp, các sự kiện khởi sinh do duyên, do điều kiện.  Theo giáo lý duyên khởi, trên thế gian này không một pháp nào, không một sự kiện nào không do duyên mà khởi sinh, từ một hạt bụi đến vũ trụ pháp giới.  Mối tương quan tương duyên của duyên khởi ấy chằng chịt khắp tất cả trong vũ trụ pháp giới, cho nên gọi là pháp giới trùng trùng duyên khởi.  Chẳng hạn, sự có mặt của bà trên cuộc đời này là do nhiều duyên hợp lại, như cha mẹ, trước cha mẹ là ông bà, liên hệ với ông bà cha mẹ là thân bằng quyến thuộc, liên hệ với ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc là xã hội, là quốc gia, là thế giới, là vũ trụ.  Thân bà được cấu tạo bởi sắc, thọ, tưởng, hành và thức.  Bà được nuôi lớn lên trong mối tương quan tương duyên của muôn ngàn cái duyên từ miếng cơm, manh áo, đến các phương tiện sinh sống, đến giáo dục, đến văn hóa, đạo đức, tôn giáo, v,v… Nếu bà có thể nối kết tất cả những cái duyên ấy lại với nhau bà sẽ thấy rằng bà chỉ là một điểm nhỏ trong màng lưới duyên khởi, tương quan tương duyên vô cùng tận, không phải chỉ giới hạn trong một gia đình, một làng xóm, mà lan rộng ra đến xã hội, đất nước và thế giới.  Vậy bà có thấy rằng việc hoằng pháp độ sinh mà có mối tương quan tương duyên với điều kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng là điều tất nhiên?  Nếu bà còn không thấy đươc điều đó thì bà hãy đến chùa đề cầu học giáo lý duyên khởi rồi mới phát ngôn.  Xin đừng phát ngôn những gì bà không thấu hiểu, mà trong trường hợp này chính là sự xuyên tạc tai hại đối với giáo lý duyên khởi của đạo Phật! 

Đó chính là ý nghĩa “tương quan tương duyên” mà Tâm Thư của HTHGL nói đến.   Bà đã không hiều gì về giáo lý duyên khởi của đức Phật mà còn dùng tâm thuật đảo điên, mê muội và ác độc để kết nối, vu khống, chụp mũ và buộc tội HTHGL trong nhiều sự kiện khác của toàn bài viết của bà, như các đoạn sau đây:

Nay thầy cho rằng “hoằng pháp độ sinh tương quan tương duyên với chính trị và quốc phòng”; vậy hóa ra thầy đang kết án cố Hòa thượng Ân sư của thầy và của chúng con??? Bên cạnh Hòa thượng lại có hai vị Thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu cũng đã bị kết án tử hình trước đây; vậy thì họ cũng “tương quan chính trị và quốc phòng”, như thầy định nghĩa?”

Viết đoạn văn trên bà thật đã để lộ ác tâm của một người cầm bút thiếu lương thiện.  Bà cố tình trích sai nguyên văn Tâm Thư của HTHGL.  Nguyên văn của HTHGL viết là:  “Ngày nay, dù hoạt động trong lãnh vực tôn giáo, như việc hoằng pháp độ sinh, thì cũng không thể tách khỏi ra được mối tương quan tương duyên với nhiều lãnh vực khác như cơ cấu chính trị xã hội… điều kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng của đất nước sở tại..”  Vậy mà bà cắt bỏ nhiều câu và cụm từ để còn lại “hoằng pháp độ sinh tương quan tương duyên với chính trị và quốc phòng.”  Nguyên văn Tâm Thư viết là “điều kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng.”  Tương quan tương duyên với các “điều kiện về an ninh”, chứ không phải là “tương quan tương duyên với chính trị và quốc phòng.”  Với người biết chữ, đọc qua hai câu trên sẽ thấy được cái khác biệt nhau của chúng như thế nào và cũng thấy được ác tâm của người cố tình sửa lại câu văn để chụp mũ HTHGL.  Còn nữa, trong đoạn văn trên bà gọi “Thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu”, nhưng ở một đoạn sau đó bà đã miệt thị Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát như là một người “thế trí biện thông”, “tăng hoàn tục”, “không tin vào giáo pháp giải thoát”, v.v…  Bà không thấy là chính bà đã thay đổi tâm lượng một cách điên đảo hay sao? 

Một đoạn khác bà viết:

Con hoảng vía, không phải lý luận của thầy mới lạ; mà là tư tưởng ấy đã được chế độ CSVN tuyên bố thẳng thừng với Hòa thượng Viện trưởng trước đây:  “LÀM TÔN GIÁO CŨNG LÀ LÀM CHÍNH TRỊ.”

Qua đoạn văn trên, bà đã phạm vào hai cái sai lầm lớn:  Một là cho rằng giáo lý tương quan tương duyên của đức Phật là giống như tư tưởng của chế độ CSVN.  Hai là bà bán đứng lương tri của người cầm bút bằng ác tâm để nối kết ý nghĩa tương quan tương duyên trong giáo lý đạo Phật với cái mà bà gọi là “làm chính trị.”  “Làm chính trị” là nhập cuộc vào trong lãnh vực chính trị bằng cả thân khẩu và ý.   Còn mối tương quan tương duyên trong giáo lý duyên khởi của đạo Phật là mối liên hệ tất yếu của tất cả các pháp một cách tự nhiên trong màng lưới trùng trùng duyên khởi khắp vũ trụ pháp giới dù con người hay chúng sinh có biết hay không.   Vì làm một việc với manh tâm và ác tâm cho nên bà mới cảm thấy “cái gáy con lạnh lùng, run rẫy.” 

Bà viết:

Do những nhận định này, trong quá khứ một số vị xuất gia đã vùi dập GHPGVNTN!!! Mớ lý luận “tương duyên” này đã làm chết bao nhiêu tăng, ni, phật tử và đồng bào Việt nam hả thầy?

Ai là người mà bà gọi là “một số vị xuất gia”?  Như thế nào gọi là “vùi dập GHPGVNTN?”  Bà viết như vậy chứng tỏ một tư cách hồ đồ, thiếu nghiêm túc và ác tâm của người cầm bút!  Nếu bà là người biết tôn trọng những vị xuất gia, bà phải nêu rõ danh tánh của những vị nào mà bà cho là “đã vùi dập GHPGVNTN.”  Bởi vì bà viết như vậy tức là chụp mũ một cách hàm hồ và đầy ác ý đối tập thể những vị xuất gia.  Viết như vậy, người đọc sẽ nghĩ rằng những vị xuất gia nói chung là làm bậy, chứ không phải chỉ có vị xuất gia A, B hay C là sai.  Bà nói “vùi dập GHPGVNTN”, vùi dập như thế nào và đâu là chứng cớ của sự vùi dập?  Viết mông lung, hàm hồ như vậy, bà đã đánh mất cái tôn nghiêm, tính xác thực của người cầm bút rồi! Bà nói “Mớ lý luận ‘tương duyên’ này đã làm chết bao nhiêu tăng, ni, phật tử và đồng bào Việt nam.”  Bà thật là đại ngôn!  Bà nói như vậy có khác gì kết án giáo lý “tương duyên” của đạo Phật là “đã làm chết bao nhiêu tăng, ni, phật tử và đồng bào Việt Nam!”  Tính tương quan tương duyên trong giáo lý duyên khởi của đạo Phật là đạo lý khai thị cho chúng sinh giác ngộ được bản chất không thật, không có tự tánh của các pháp, để chúng sinh xả bỏ sự cố chấp mà giải thoát mọi sự triền phược của vô minh, phiền não và khổ đau.  Bây giờ, sau hơn hai mươi lăm thế kỷ, một người Việt Nam như bà lần đầu tiên tuyên bố rằng giáo lý “tương duyên” ấy của đạo Phật đã tàn hại tăng, ni, Phật tử và đồng bào Việt Nam!  Bà có còn chút lý trí, chút lương tâm, chút tín tâm nào đối với đạo Phật, mà dám đại ngôn như vậy? 

Bà còn viết:

Phật giáo hiện nay không thể nào “gánh vác trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ” được, bởi vì trong chế độ Cộng sản, Phật giáo là thuốc phiện, là tương quan với chính trị và quốc phòng.”

Đọc qua đoạn văn trên tôi thật tội nghiệp cho nhận thức của bà!  Vì sao?  Thứ nhất, không phải bằng lời phán quyết của bà mà Phật giáo đã và đang không gánh vác trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ.  Phật giáo từ ba mươi mấy năm qua, dù sống dưới sự độc tài hà khắc của Cộng sản vẫn không ngừng nỗ lực làm công tác giáo dục.  Như lớp cao cấp Phật học tại Quảng Hương Già Lam vào năm 1980-1984 và hiện nay khắp nước đều có trường Phật học của hai GHPGVNTN và GHPGVN từ cấp sơ đẳng đến cao cấp là bằng chứng cụ thể.  Chỉ là bà tự bịt mắt che tai mà không biết đấy thôi.  Thứ hai, nếu như bà nói, Phật giáo vì chế độ Cộng sản mà không gánh vác trách nhiệm giáo dục đối với thế hệ trẻ thì đó quả là một sai lầm và mất mát rất lớn của Phật Giáo Việt Nam.  Vì sao?  Vì Phật giáo phải đợi đến khi nào mới có thể gánh vác trách nhiệm giáo dục, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm?  Đợi cho đến khi nào chế độ Cộng sản diệt vong tận gốc rồi, một chế độ tự do dân chủ khác lên nắm quyền, Phật giáo mới có thể ra gánh vác trách nhiệm giáo dục?  Thưa bà, đó chính là cái mà đảng độc tài cộng sản hiện nay muốn Phật giáo và các tôn giáo khác làm vậy! Vì cộng sản sợ nhất là cái chất xám, cái trí thức của con người.  Giáo dục chính là dưỡng chất cho chất xám, cho tri thức.  Chắc bà cũng hiểu được điều này chứ?  Phật giáo mà làm theo lời cố vấn đó của bà thì chỉ có đi từ chỗ đang suy yếu đến chỗ diệt vong!   Bà có bao giờ tìm hiểu xem các tôn giáo khác, các tổ chức tư nhân khác đã và đang làm gì đối với công tác giáo dục tại Việt Nam?  Họ thực hiện công tác giáo dục này từ mấy năm về trước rồi đấy bà! 

Bà lại viết:

Thầy cũng biết rõ rằng, trong chế độ Cộng sản hiện nay, tất cả mọi sinh hoạt đều nằm trong tay đảng Cộng sản.  Nhưng hắn lại chỉ “duy vật”, và coi “tôn giáo là thuốc phiện, là phản động…”  

Thật tội nghiệp cho mớ kiến thức hũ lậu, quê mùa và lạc hậu của bà!  Bà nói là “hiện nay” mà rồi đưa ra những nhận thức về Cộng sản của 20 năm về trước!   “Duy vật”. Đúng.  Cộng sản là duy vật, nhưng không phải “duy vật” theo lối “duy vật biện chứng, duy vật sử quan” của mấy ông Các Mác, Lê Nin hồi xa xưa đâu bà, mà là “duy vật” theo lối “kinh tế thị trường”, theo lối “tư bản đỏ”, theo chủ nghĩa “đô la” đó bà!   Cộng sản bây giờ không xem tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân đâu, mà chính tôn giáo là thuốc phiện của đảng viên cao cấp muốn cầu tài, cầu lộc, cầu danh đó!  Bà có biết không?  Nếu muốn biết thì cứ hỏi những người dân Việt Nam ở trong nước họ kể cho mà nghe.   Cộng sản bây giờ thực chất không còn gì là cộng sản nữa hết.  Cộng sản chỉ là cái hư danh, cái vỏ mỏng, cái lớp sơn bề ngoài để che đậy sự biến chất, sự đổi thay tận xương tủy của tất cả đảng viên từ cao cấp đến hạ cấp.  Bây giờ, bộ chính trị và trung ương đảng cộng sản đúng ra chỉ là một tập đoàn độc tài toàn trị mà thôi.   Bà hô hào chống đối cộng sản theo cách nhìn, theo quan điểm lạc hậu, thiếu thực tế đó, thì chỉ là những trò múa rối không gây được tác động gì, bởi lẽ bà đâu có đánh trúng vào tâm điểm, vào đích điểm của tập đoàn độc tài đó, bà chỉ đánh vào mấy cái bóng mờ ảo của họ mà thôi!   Chống cộng như vậy thành ra càng chống thì cộng sản càng phè phỡn nhởn nhơ từ trong nước ra đến thế giới!   Chính phủ Hoa Kỳ và các nước tư do phương Tây đã ý thức điều đó cho nên họ đã không ở bên ngoài la ó chống cộng mà đi vào bên trong nội bộ, trong gan ruột của chế độ cộng sản để chống, để thay đổi, mà một trong những cách thay đổi chế độ cộng sản chính là con đường giáo dục.  Bà có theo dõi cuộc họp báo và mấy câu trả lời của ông đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam ở khu Little Saigon cách nay vài tuần?  Nếu không, tôi nghĩ bà cần tìm lại báo chí đề cập đến sự kiện trên để đọc mà mở mắt ra! 

Bà cũng viết:

Nhưng, khổ một nỗi, cái quyền giáo dục nó nằm trong tay đảng Cộng sản, thì cái chức năng phải là “chức năng phục vụ đảng Cộng sản”; và cái nội hàm, phải là “nội hàm Mác-Lê-Hồ.”

Như vậy, tôi hỏi bà những vị đã và đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Vũ Bình, Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, v.v… Họ được giáo dục ở đâu mà khí tiết oai hùng, mà tâm lượng khoáng đạt, mà trí tuệ minh mẫn đến thế?  Cái nội hàm Mác-Lê-Hồ mà họ được nhồi sọ lúc còn học trong các trường dưới chế độ Cộng sản biến đi đâu?  Cái chức năng phục vụ đảng Cộng sản của một người ở trong môi trường giáo dục của chế độ Cộng sản của họ để đâu?  Bởi thế, lý luận như bà là loại lý luận theo cái tiểu ngã hẹp hòi điên đảo mộng tưởng, thiếu thực tế, thiếu năng lực sáng tạo, thiếu tự tin!  Bà hãy nghiên cứu phương cách giáo dục hiện nay của một số trường của các tôn giáo, các tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam do Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát điều hành từ vài năm nay thì bà sẽ thấy cái mớ lý luận tháp ngà ấy của bà phải vứt đi! 

Bà cũng biết nghĩ rằng:

Nếu môi trường chưa có, thì con người phải tìm, phải tạo ra nó.”

Vậy mà, sau đó bà lại tự mâu thuẫn, khi viết:

Chỉ với hai chữ “thống trị”, và “cực đoan”, thì môi trường thực hiện “lý tưởng giáo dục khác nó” đã hoàn toàn không thể.”

Chỉ có những người lòng dạ yếu hèn, sợ hãi đối với bạo quyền, trí tuệ thấp kém biết mình thua kẻ khác, tâm lượng chỉ biết quyền lợi cá nhân thì mới bó tay ngồi nhìn thế cuộc, không dám làm điều gì có lợi cho đạo, cho dân!  Đã vậy thì nên im lặng mà sống cho hết kiếp người, đứng dở giọng chỉ trích, chê bai, miệt thị người khác để che dấu bản chất ương hèn của mình! 

Bà viết:

Nhưng đã mộng thì không thật, mà không thật thì trái nghịch với đạo NHƯ THẬT; không đúng với đạo như thật, thì làm gì có chuyện từ bi cứu khổ?  Như thế, con người chỉ nghe theo huyễn danh, chỉ nhìn huyễn tướng, chạy theo huyễn mộng, và hậu quả chỉ là một bi kịch đáng thương!!!

Bà có biết rằng chỉ với một đoạn văn trên đây thôi bà đã phỉ báng giáo lý của đức Phật, của đạo Phật đã được truyền tụng suốt trên hai mươi lăm thế kỷ nay? 

Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa, đức Phật đã dạy:

Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điển

Ứng tác như thị quán.”

Tất cả các pháp hữu vi đều giả dối như chiêm bao, như bọt nước, như cái bóng, như ráng nắng trên đường, như điện chớp.  Phải nên quán sát các pháp như vậy.

Trong Kinh Lăng Già, đức Phật có dạy:

Thế gian ly sanh diệt

Do như hư không hoa

Trí bắt đắc hữu vô

Nhi hưng đại bi tâm.”

Thế gian không sanh diệt vì vốn giống như hoa giữa hư không.  Thực chứng trí tuệ siêu việt có không nên khởi phát tâm đại từ bi để cứu khổ chúng sinh.

Trong Kinh Viên Giác, đức Phật đã dạy:

Các vị bồ tát, và người sau này, tu tập mà thành đạt viên giác như vậy, thì đối với chính viên giác ấy đã không tu tập và không thành đạt, chiếu sáng một cách tròn đầy mà trong lặng, không có những khái niệm đối lập lẫn nhau. Chính trong cái trạng thái chiếu sáng này mà thấy hằng sa thế giới y như hoa đốm nổi lên hay mất đi với bao nhiêu là hình thái, thấy các pháp không dính líu không tách rời, không trói buộc không cởi mở, thấy chúng sinh vốn là Phật đà, sinh tử với niết bàn đều như giấc mộng. Vì đều như giấc mộng nên đối với sinh tử và niết bàn thì thấy không nổi không tan, không đến không đi; đối với chân lý sở chứng thì thấy không được không mất, không lấy không bỏ; đối với tuệ giác năng chứng thì thấy không làm không ngưng, không buông không dứt; đối với sự chứng ngộ thì thấy không năng chứng không sở chứng, cứu cánh không có sự chứng ngộ và người chứng ngộ. Thấy như vậy là vì toàn bộ các pháp đều bình đẳng và không phá hoại nhau.” (Kinh Viên Giác, Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch, www.quangduc.com )

Với cái tâm vọng động, vô minh và điên đảo như vậy, cho nên bà đã:  “Nghe lòng bồn chồn, khó chịu.”  Tôi nghĩ bà nên biết quý giá cơ duyên đối với Phật pháp trong đời này mà cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành những lời đức Phật dạy.  Đó chính là con đường chân chính để “sống trọn vẹn một kiếp người” như bà đã mong mỏi trong câu cuối của bài viết. 

Hiều và thực hành đúng theo Chánh pháp của đức Phật bà sẽ nhìn thấy cuộc đời và thế giới an lạc hơn, bà sẽ làm mọi công việc cho cá nhân, gia đình và xã hội với một tâm trí sáng suốt và bao dung hơn, bà sẽ không đánh mất thiện căn nơi chính bà.  Đó chính là con đường chân chính để “sống trọn vẹn một kiếp người.”

Cầu nguyện cho bà thành tựu nguyện ước ấy.

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.