PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 Đời Sống Quanh Ta


Cô dâu và lao động Việt ở Đài Loan

 

  • Nguyễn Giang, BBC Tiếng Việt

Từ khi nền kinh tế Đài Loan phát triển, nhu cầu lao động nhập cư ngày càng tăng. Người Việt Nam đến Đài Loan chủ yếu với tư cách là lao động nhập cư và phụ nữ lấy chồng qua môi giới hôn nhân. Có nhiều ví dụ về cuộc sống gia đình hạnh phúc của các cô dâu Việt ở Đài Loan. Nhưng truyền thông và dư luận chú ý nhiều hơn đến các trường hợp kém may mắn.


Cô dâu Việt tại Đài Loan

Cô Nguyễn Trúc Linh và con trai ở Đài Loan

Linh mục Nguyễn Văn Hùng nhận điện thoại của một người Việt gặp nạn

Thứ trưởng Lao động Tô Lệ Quỳnh nói rằng muốn chống lại tệ buôn người thì nạn nhân cần kêu gọi sự giúp đỡ

Luật sư Joseph Lin nói sẵn sàng giúp đỡ các cơ quan của Việt Nam

Cô Nguyễn Trúc Linh năm nay 26 tuổi, nói với BBC rằng cuộc hôn nhân của có vấn đề tình cảm, mà chủ yếu theo cô là vì khác biệt văn hóa và ngôn ngữ:

-Tôi sang Đài Loan lấy chồng được chừng bốn năm thì có vấn đề tình cảm. Giữa người Hoa và người Việt Nam cuộc sống rất khác nhau và trong gia đình không giống như người Việt mình sống với nhau.

Như hàng nghìn cô gái trẻ khác, ý định ban đầu của cô khi sang Đài Loan là để có cuộc sống hạnh phúc, có con, có gia đình.


Bỏ nhà ra đi khi vừa có mang đứa con thứ nhì, cô Linh cho biết hơn một năm nay, cô không được gặp cậu con trai lớn “vì bị chị chồng ẵm đi”.

Đứa con thứ nhì sinh ra tại Trung tâm Trợ giúp Cô dâu và Lao động Việt Nam ở Đào Viên, cách Đài Bắc chừng một giờ xe ôtô.

Nay cô Linh đi làm trong công xưởng và tự lo việc nuôi con và đang chờ quyết định của tòa để được đón cả đứa con đầu về nuôi.

Đến Trung tâm có thể gặp ngay những công nhân Việt, cả nam và nữ, có bằng chứng trên thân thể và hình ảnh chụp qua máy điện thoại di động về chuyện bạo hành xảy ra đối với họ.

Ánh mắt họ toát lên sự sợ hãi, lo lắng và buồn khổ.

Trung tâm giúp những lao động Việt gặp vấn đề với chủ như đòi lại tiền lương của họ, chống án khi họ bị trục xuất về nước.



Buôn bán lao động
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Trung tâm, nói với BBC rằng câu chuyện về người lao động Việt ở Đài Loan đã kéo dài từ nhiều năm nay.

Nguyên nhân chính là chế độ môi giới, tuyển chọn lao động để đưa từ Việt Nam qua.

Các công ty môi giới đều hoạt động cả ở hai đầu: Đài Loan và Việt Nam.

Theo cha Hùng, phía Đài Loan quan niệm rằng:

-Môi giới chỉ là một phương thức cạnh tranh làm kinh tế. Đăng ký với chính phủ là được quyền làm môi giới. Và từ đó trở đi, không có luật riêng nào kiểm soát hoạt động này.

Vì thế, cha Hùng tin rằng “có những nhóm tội phạm bỏ tiền vào nghề này và tệ tham nhũng trong một quan chức nhà nước Đài Loan cũng tiếp tay cho tệ nạn”.

Công ty môi giới toàn quyền giữ giấy tờ, giam giữ người công nhân Việt Nam và có thể tự đuổi công nhân về nước.

Về phía Việt Nam, theo linh mục Nguyễn Văn Hùng, đưa người lao động sang Đài Loan là một hình thức “buôn người”.

Ông nói "Một người chưa đi đã nợ sáu đến bảy ngàn đôla Đài Loan cho môi giới nên có người sang đấy mới nói biết thế thì họ đã không đi."

Trước khi rời Việt Nam, người lao động đã phải nộp hoặc ký nợ một khoản tiền lớn. Khoản nợ đè nặng lên tâm lý và nhân cách của họ bị què quặt.

Khi bị đối xử tệ, họ chỉ biết chịu đựng trong âm thầm, vì sợ bị mất việc, bị đuổi về thì không bao giờ trả được nợ. Chỉ khi không chịu được nữa rồi mới chạy ra ngoài, tìm sự cứu giúp.



Vấn đề xã hội
Đài Loan mới là một nền dân chủ trẻ và xã hội dân sự còn chập chững. Ý thức về quyền của những công nhân nước ngoài chưa cao.

Cô Lê Thị Mỹ Nga, một Việt Kiều từ Hoa Kỳ, đã có một thời gian tìm hiểu công việc của các tổ chức thiện nguyện Đài Loan. Cô nói với BBC:

-Họ không ngờ là lại có quá nhiều công nhân Việt như thế và lại có nhiều vấn đề như thế. Họ có giúp nhưng không hiểu sâu về bối cảnh văn hóa và cũng không có ai biết tiếng Việt nên sự giúp đỡ không hiệu quả.

Vấn đề chính là ở chỗ người Đài Loan nhìn các vụ việc liên quan đến công nhân nước ngoài là một đề tài kinh tế.

Dù kinh tế và thương mại phát triển nhưng Đài Loan tương đối bị cô lập chính trị nên thông tin về thế giới ít.

Tôi đem đề tài này ra hỏi bà Tô Lệ Quỳnh, Thứ trưởng Bộ Lao động và được bà trả lời:

-Chúng tôi đối xử các công nhân nước ngoài bình đẳng như công nhân Đài Loan. Dù cho tới nay họ chưa có quyền tham gia nghiệp đoàn nhưng họ vẫn được luật lao động bảo vệ.

Người Đài Loan thực sự ngạc nhiên khi thấy các vấn đề như lao động từ Thái Lan, Việt Nam, Philippines lại thành một câu chuyện lớn.

Anh Ngô Vĩnh Nghị từ hội Tiwa, chuyên giúp công nhân nước ngoài tại Đài Bắc cho BBC biết ý thức của xã hội và dư luận Đài Loan chỉ dần thay đổi sau một số vụ việc.

Đó là vụ nổi loạn của công nhân Thái xây đường xe lửa gần Cao Hùng và cái chết của một nhà văn Đài Loan.

Nhà văn này bị tàn tật phải ngồi xe lăn và có một cô giúp việc người Philippines.

Vì làm việc cực nhọc, cô bị tâm thần và một hôm đã cõng ông chủ nhảy lầu vì nghĩ là có động đất. Cô bị thương nặng nhưng nhà văn nọ thì chết, gây ra một luồng dư luận mạnh trong xã hội.

Nay thì các tổ chức phi chính phủ và thiện nguyện bắt đầu đưa vấn đề này lên quốc hội. Một luật mới có thể sẽ được thông qua nay mai.

Riêng với các cô dâu Việt Nam, chính phủ Đài Loan đang có các chương trình trợ giúp tuy còn ít.

Vì nhiều cô dâu Việt sẽ thành công dân Đài Loan, con họ sinh ra thì là người Đài Loan ngay lập tức nên chính quyền thấy cần giúp đỡ những gia đình này.

Họ bắt đầu có đầu tư cho việc giáo dục các bà mẹ Việt Nam.

Các hội NGO cũng nhận được tiền từ chính quyền để dạy tiếng cho các cô dâu. Tuy thế, nhóm các cô dâu bị buôn bán sang đây thì vẫn chưa được nhìn nhận và mỗi khi có sự việc đau lòng xảy ra, chỗ đến của họ hoặc là đồn cảnh sát, toà án hoặc các trung tâm trợ giúp bên cạnh nhà thờ hay chùa chiền.



Bài học cho Việt Nam
Theo cha Hùng, đây đưa lao động sang Đài Loan của Việt Nam là cách làm ăn ngắn hạn, khác với các nước Philippines, Thái Lan.

Chính phủ các nước đó đầu tư vào việc huấn luyện cho các công nhân trước khi đi.

Đại diện chính phủ Thái Lan, Philippines còn sẵn sàng làm việc với các tổ chức thiện nguyện, phi chính phủ, giới luật sư Đài Loan để nhờ giúp cho công nhân nước họ.

Bà Thứ trưởng Tô Lệ Quỳnh cũng nói chính quyền Đài Loan sẵn sàng giúp đỡ các công nhân Việt Nam nếu họ là nạn nhân của tệ buôn người. Với điều kiện là họ phải sẵn sàng nói to lên các vấn đề của mình.

Nhưng theo linh mục Nguyễn Văn Hùng, chừng nào hệ thống môi giới còn tồn tại mà không bị luật pháp giới hạn quyền hành thì tệ nạn này vẫn còn.

Luật sư Joseph Lin, chủ tịch hội Legail Aid ở Đài Bắc thì nói với BBC ông sẵn sàng trợ giúp về pháp lý cho các cơ quan của Việt Nam một khi họ muốn giúp công dân người Việt gặp vấn đề.

Trợ giúp pháp lý của Legal Aid là miễn phí.
 

 


ĐỜI SỐNG QUANH TA

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.