.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Ước

Đám rước

  •  5.1.2010 | cùng tác giả
    Nguyên tác:
    Kalil Gibran
    Dịch thuật:
    Nguyễn Ước dịch

Hiền giả ơi,

dân tộc của người sinh ra

như những kẻ nô lệ, bị bạo quyền xé nát linh hồn.

Nơi nào các đầu lĩnh ấy đi, họ đi,

và tai ương thay cho kẻ chẳng chịu đi như thế!

                                                              K. Gibran

 

I. Lời người dịch:

Năm 1919, Kahlil Gibran làm bằng hữu kinh ngạc khi ông cho ra mắt cuốn Ðám rước (The Procession). Ðây là một thi phẩm đuợc ông viết bằng tiếng A rập và giấu rất kỹ. Khi in thành sách, nó tuyệt đẹp với loại giấy đặc biệt, kèm theo nhiều bức tranh do tự tay Gibran vẽ, với lối đóng sách trang trọng và tác giả chịu mọi phí tổn ấn loát. Tất cả cho thấy mức độ quan tâm, sự đánh giá và lòng chăm sóc trìu mến của Gibran dành cho Ðám rước, tác phẩm được xem là tiền thân của tuyệt tác Ngôn sứ (The Prophet) bằng tiếng Anh, xuất bản bốn năm sau đó.

Ðộng cơ của Gibran khi viết Ðám rước có lẽ là để khám phá nền tảng những nỗ lực không ngừng của mình trong quá trình phân tích xã hội loài người cùng pháp luật, phép tắc và phong tục của nó, v.v. Về mặt xã hội, Gibran nhận thức lối sống giả dối tổng quát đã khiến cho con người rời xa chân lý, làm hãnh tiến một số người đồng thời sỉ nhục rất nhiều người khác. Ông cảnh cáo rằng không một ai có thể trải nghiệm sự toàn mãn của cuộc sống và vui hưởng sự hào phóng của thiên nhiên trong khi đồng loại của y đang đi theo lòng tham nhằm sở đắc cứu cánh trần tục.

Minh họa cho lời giảng ấy, Gibran đưa ra hai nhân vật mang tính ẩn dụ. Nassib ‘Arida, thi sĩ thiên tài của A rập, trong Lời giới thiệu đã giải thích khung cảnh và diễn tiến của cuộc đàm đạo song phương ấy:

“Một lão trượng hiền giả thông thái chuyện nhân gian và chin muồi kinh nghiệm trần thế, rời thành thị đi lang thang trong cánh đồng. Mỏi chân, ông ngồi xuống nghỉ, cạnh bìa rừng. Bỗng xuất hiện một thanh niên khỏa thân, da sạm nắng, tay cầm cây sáo, hồn nhiên buông thả thân mình xuống bên cạnh hiền giả. Cả hai bắt đầu cuộc đàm đạo mà không cần giữ khuôn phép khách sáo.”

Lão trượng hiền giả bình phẩm rằng chốn thành thị của xã hội loài người là nơi chỉ tạo ra cái ác và khốn khổ, trong khi Thanh niên quả quyết rằng chỉ có cách duy nhất là đi theo cuộc sống gần gũi Thiên nhiên, tâm hồn ta mới có thể tìm thấy khoái lạc cùng sự toại nguyện đích thực, và làm chan chứa mọi buồng tim bằng niềm hân hoan mộc mạc trong trạng thái sung mãn nhất được Thượng đế ban cho loài người.

Qua cuộc đàm đạo ấy giữa Hiền giả lão trượng và Thanh niên, bộc lộ những tiếp cận của Gibran vào sự sống, cái chết và tôn giáo. Không đề nghị mọi người rời thành thị lên sống chốn non cao, ông nỗ lực tạo sự chú tâm vào những công thức giản dị để mỗi người có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông thúc giục người đời tự tháo gỡ gông xiềng của xã hội đang khua lách cách, để bản thân mỗi người có được, tới một mức độ lớn lao nhất có thể, sự tự do của thiên nhiên và tĩnh lặng của cuộc sống thôn dã. Cánh đồng Gibran mô tả, tượng trưng cho cuộc sống phong phú và khang kiện, tràn đầy trong tâm hồn của kẻ sống gần gũi với đất.

Tiếng A rập là một ngôn ngữ mạnh mẽ, phong phú từ vựng gồm các từ ngữ hàm súc và mang nhiều sắc thái tinh tế. Với cung giọng thanh nhã, ấm áp và đầy màu sắc, thi ca trữ tình của A rập được viết theo các giai điệu uyển chuyển. Khi đọc lên, âm thanh của nó làm người nghe xúc động ngẩn ngơ, trào nước mắt hay ngất ngây xuất thần, từ chiếc đầu rồi toàn thân đong đưa theo nhịp điệu của lời kể, như kẻ đánh đàn không thể ngồi yên lúc tay gảy nhịp theo đàn.

Tuy thế, Ðám rước khi được dịch sang tiếng Anh, và rồi sang tiếng Việt, không tránh khỏi một số bất cập vì đặc điểm của mỗi ngôn ngữ, nhất là tính cách bóng bảy của tiếng A rập. Vì khúc kết bi quan của Gibran nên có thể chọn nhan đề Ðám rước (The Procession) hoặc Ðám ma (The Cortège) cho thi phẩm này. Thế nhưng hai dịch giả của hai văn bản mà chúng tôi hiện có là Anthony Rizeallah Ferris và George Kheirallah đều lấy nhan đề Ðám rước. Và bản tiếng Việt này được thực hiện trên một tổng hợp của hai bản dịch ấy, nhưng thay vì viết theo văn vần của nguyên tác A rập như G. Kheirallah, chúng tôi thể theo lối thơ câu dài ngắn khác nhau của bản tiếng Anh của A.R. Ferris, để thuận tiện cho những khai triển hoặc quãng diễn hầu có thể chuyên chở tối đa tư tưởng của Gibran.

Tuy bản thân Kahlil Gibran là bậc thầy trong việc sử dụng bút sắt và bút lông, nhưng ông cảm thấy hai trung gian ấy không thỏa đáng cho những chiêm nghiệm của mình trong Ðám rước. Có lẽ vì thế, cuối mỗi đoạn, ông lại tìm cách diễn tả bằng một điệp khúc, như một trung gian khác, phi chiều kích và vượt thời gian. Ðó là tiếng than của cây sáo, hoặc cái là cốt tủy tinh thần.

Khi đọc tiểu sử của Kahlil Gibran, ta thấy lòng hoài nhớ quê nhà Wadi-Quashida cùng niềm khao khát được an nghỉ tại Mar-Shida, nổi bật trên bối cảnh triết lý của đứa con thiên nhiên đang nổi loạn, như một đoạn trong bản dịch Ðám rước của G. Kheirallah:

      Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

      Hãy quên mọi phương thuốc và tật bệnh

      Loài người như những câu thơ được viết

      Trên bề mặt con suối nhỏ và thiện hảo ở đó.

      Người hãy cầu nguyện và kể cho tôi nghe

      Khi bon chen qua đám đông cuộc đời

      Giữa những ồn ào cãi cọ và phản đối

      và xung đột bất tận

      Như chuột chũi đang đào ngạch trong bóng tối

      Và như đang nắm bắt tơ nhện

      Luôn luôn bị ngăn trở trong hoài bảo

      Cho tới khi kết hiệp sống động với cái chết?

 

Và một Gibran nhân tính, chán chường và tan nát, nhuốm mùi từ bỏ, như báo trước chung cuộc của ông:

 

      Liệu trong tay tôi có những ngày lên dây đàn

      Mà chỉ ở trong rừng chúng mới thật căng

      Nhưng hoàn cảnh dồn ép chúng ta

      Trên con đường nhỏ hẹp, chặt đẽo bởi thành thị

      Vì Ðịnh mệnh có những lối đi không thể biến cải

      Khi sự yếu đuối làm hao mòn ý chí

      Chúng ta bênh vực mình bằng lời bào chữa cho bản ngã

      Và tiếp tục giết chết Ðịnh mệnh của mình.

           

II. Toàn văn Ðám rước

 

Thế giới ảo giác

Lão trượng hiền giả:

Thế giới này chỉ là nhà máy ép rượu vang,

chủ nhân và chủ tiệc là Người cha Thời gian,

chỉ biết làm vui lòng kẻ miệt mài

trong các giấc mộng chỏi nhau,

như bài thơ không liền vận.

 

Người đời say sưa ăn nhậu

và như bầy chiến mã chạy đua theo dục vọng rồ dại.

Tuy một số người thường kêu gào khi cầu nguyện,

nhưng những kẻ khác thì điên cuồng sở đắc.

Cũng có vài người thưởng thức cuộc sống,

không bị ưu phiền vì các tặng phẩm của đời,

không để dòng đời chảy lệch vào ly rượu

trong đó trôi nổi bồng bềnh óc tưởng tượng.

Thế thì ta nên tìm cho mình một linh hồn tiết độ

giữa tình trạng chè chén truy hoan

và hãy hỏi mình làm sao tìm thấy mặt trăng

trong vòm trời mây sủng nước mưa.

 

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng chẳng có hoang mang

do ảo giác hay rượu đem tới.

Mây sủng nước mưa cung cấp vốn liếng

và thuốc tiên thượng hạng

cho những dòng suối nhỏ.

Người đời ngày càng nghiện ngập nó

như được nuôi bằng sữa mẹ

và khi đặt xuống nghỉ an cũng là lúc thôi bú.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Vì bài ca là bóng mát dịu êm

Những tiếng than của cây sáo ở lại

Khi mọi ảo ảnh nhạt nhòa tan biến.

 

 

Thân phận con người

Lão trượng hiền giả:

Quả thật, việc thiện do con người làm

nhưng khi con người ra đi,

cái ác không tàn theo y.

Chúng ta như bánh xe đang quay,

bị kiểm soát bởi bàn tay thời gian,

nơi chúng ta nương náu.

Ðừng nói, “Người này nổi tiếng, uyên bác,

hoặc tôn sư tri thức do thiên thần gởi tới,”

vì nơi thành thị,

người xuất sắc nhất là kẻ thuộc về bầy đàn,

được dẫn đường bởi kẻ chăn bầy lớn giọng.

Người không theo mệnh lệnh

sẽ sớm đứng trước kẻ giết mình.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng xinh đẹp,

không có kẻ chăn bầy,

không có cừu đề làm trầy da,

không có tim để làm rướm máu.

Mùa đông ra đi mang theo y trang,

và mùa xuân ắt đến

nhưng chỉ theo mệnh lệnh cao cả của Thượng đế.

Hiền giả ơi,

dân tộc của người sinh ra

như những kẻ nô lệ, bị bạo quyền xé nát linh hồn.

Nơi nào các đầu lĩnh ấy đi, họ đi,

và tai ương thay cho kẻ chẳng chịu đi như thế!

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Bài ca của cây sáo tuyệt trần hơn

Toàn bộ vinh quang của vua chúa mọi thời đại.

 

 

Cuộc đời và khổ não

Lão trượng hiền giả:

Sống giữa đám đông chỉ như ngủ một giấc dài

ngần ngật thuốc ngủ, trộn lẫn những giấc mộng

điên rồ và những bóng ma sợ hãi.

Khổ não vây kín bí mật của tâm hồn,

và niềm vui chỉ tìm thấy nơi khổ não,

còn hạnh phúc được dùng để che đậy

bí nhiệm sâu xa của cuộc đời.

Nếu tôi buông bỏ khổ não để có sự tĩnh lặng

của cánh đồng, số phận tôi sẽ chỉ là trống rỗng.

 

Thanh niên:

Niềm vui của người này là nỗi khổ của người kia.

Trong cánh đồng xinh đẹp

không có khổ não hay buồn thảm

do những hành động khinh miệt gây ra.

Ngọn gió tinh nghịch mang niềm vui tới

cho các tâm hồn buồn thảm.

Hiền giả ơi,

khổ não của tâm hồn người chỉ là cơn mộng tưởng

qua nhanh như con nước chảy siết.

Trong cánh đồng, khổ não của người sẽ biến mất

như lá mùa thu trôi lẹ làng trên mặt suối.

Tâm hồn người sẽ tĩnh lặng như mặt hồ

dưới ánh sáng cao cả của Thượng đế.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Chỉ giai điệu của trời mới còn mãi mãi

Mọi sự thế gian là những phù vân.

 

 

Về tri thức và của cải

Lão trượng hiền giả:

Vài kẻ bằng lòng với cuộc đời, sống bất cần.

Dòng sông của cánh đồng

chỉ là cái vận chuyển sự trống rỗng;

dòng sông đời người

chảy lệch vào chiếc ly tri thức,

đưa cho kẻ mê mải uống sự dư dật của cuộc đời

và không để ý tới những cảnh giác của nó.

Y hân hoan khi trong ly có hạnh phúc,

y cằn nhằn khi cầu nguyện với Thượng đế

và y xin có của cải mình không xứng hưởng.

Và khi đạt được sự giàu có xiềng xích đó,

những giấc mơ sợ hãi biến y thành tên nô lệ vĩnh viễn.

Thế giới này chỉ là tiệm rượu,

chủ nhân là Thời gian,

người nghiện rượu đòi hỏi nhiều

nhưng được đưa cho ít.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng xinh đẹp không có rượu

vì cơn say tuyệt trần của linh hồn là phần thưởng

cho những ai tìm kiếm nó trên lồng ngực

của mẹ Thiên nhiên.

Ðám mây che mờ mặt trăng kia sẽ tan ngay

vì nhiệt tình của ta khi cần ngắm ánh trăng.

Người thành thị lạm dụng rượu Thời gian

vì họ tưởng nó như một đền thờ.

Họ uống thoải mái,

uống vô tư

và họ chạy trốn

chạy gấp tới tuổi già

với khổ não không ý thức

nhưng rất sâu xa.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Bài ca của Thượng đế luôn luôn ở lại

Và mọi sự khác sẽ phải mất đi.

 

 

Về Tôn giáo

Lão trượng hiền giả:

Ðối với con người, tôn giáo giống như cánh đồng,

được gieo trồng với hi vọng

được canh tác bởi lòng ngoan đạo,

hoặc bị chăm sóc bởi trí óc mông muội sợ lửa hỏa ngục,

hoặc bị cày cấy bởi

những kẻ mạnh nhờ của cải bạc vàng trống rỗng,

những kẻ xem tôn giáo như một loại đổi chác

để được đáp đền lợi nhuận.

Trái tim họ đã chết tuy đang đập,

và sản phẩm thu hoạch của họ

chỉ toàn cỏ dại mọc hoang trong thung lũng.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng xinh đẹp

không có tôn giáo và lòng ngoan đạo,

không có dị giáo, không có màu sắc, không có tín điều.

Vì khi chim họa mi hót,

tất cả đều đẹp đẽ, hân hoan và tôn giáo.

Và tinh thần nguôi ngoai

và đền đáp là an tĩnh.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Lời cầu nguyện là âm nhạc của tôi.

Tình yêu là dây đàn của tôi

Tiếng than của cây sáo chắc chắn sẽ nói lên

Cơn khốn khổ của người thành thị bị vây khốn.

 

 

Về công lý

Lão trượng hiền giả:

Có cái gì trong công lý và phép tắc trần gian

làm chúng ta cười và khóc?

Xà lim chật hẹp cùng án tử hình đang đợi

người tội phạm cô thế và nghèo;

còn vinh quang đang đợi người giàu

che giấu tội ác của họ

đằng sau vàng bạc và vinh quang thừa kế.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng của mẹ Thiên nhiên

tất cả đều là công lý.

Thiên nhiên chẳng lơ là hay thiên vị ai.

Cỏ cây mọc theo cách chẳng giống nhau

nhưng tất cả đều đong đưa theo gió nhẹ.

Trong cánh đồng, công lý như tuyết

phủ lấp tất cả.

Và khi mặt trời xuất hiện, tất cả đều lộ diện

trong sức mạnh, sắc đẹp và hương thơm riêng rẽ

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Vì bài ca của Thượng đế là tất cả

Chân lý của cây sáo luôn luôn ở lại

Tội ác và loài người tất phải qua đi.

 

Về ý chí

Lão trượng hiền giả:

Người thành thị mắc lưới các bạo chúa,

những kẻ càng về già càng nổi cơn điên ác liệt.

Hang sư tử có mùi dù nó ở hay không,

chồn cáo cũng chẳng dám tới gần.

Dù bay vút trời cao, chim sáo vẫn loài nhút nhát;

đại bàng ngay cả khi chết vẫn giống kiêu hãnh.

Sức mạnh tinh thần tự nó là quyền năng lớn lao nhất,

và phải nghiền nát kịp thời những gì chống lại nó.

Ðừng kết án, hãy thương xót người không có đức tin

cùng sự yếu đuối, mông muội và hư vô của họ.

 

Thanh niên:

Cánh đồng không thấy người yếu đuối

cũng không thấy kẻ mạnh,

đối với Thiên nhiên,

tất cả là một và tất cả đều mạnh.

Khi sư tử hống, cánh đồng không nói,

“Nó là dã thú ghê gớm... chúng ta hãy bỏ chạy!”

Chiếc bóng con người đi qua rất nhanh

trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi và khổ não

thế gian này.

Và sẽ an nghỉ trong khung trời bao la của ý nghĩ,

nơi là cánh đồng của trời.

Và như lá mùa thu rơi vào lòng đất,

tất cả sẽ phải xuất hiện lần nữa

trong thời xuân xanh vĩ đại

của tuổi trẻ đầy màu sắc.

Trong cuộc sống khang kiện,

lá cây ấy lớn lên nhanh

sau khi những đối tượng vật chất của con người

tan biến thành hơi và rơi vào quên lãng.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Cây sáo tuyệt trần sẽ được yêu mến dài lâu

Nhờ sức mạnh của linh hồn do bài ca mang tới

Còn con người và lòng tham đều sớm bị diệt vong.

 

 

Về luật lệ phép tắc

Lão trượng hiền giả:

Con người tự làm mình yếu đuối

vì nó tái chế luật lệ của Thượng đế

thành một thứ giam nhốt sự sống.

Con người tự xiềng xích nó bằng những gông cùm

thô lậu của phép tắc xã hội mà nó mong muốn.

Và con người nhất quyết không chịu thấy ra

thảm kịch lớn lao do nó tự đặt lên mình

và các con các cháu của nó.

Con người không thể thoát ra nhà tù bất hòa

do nó dựng lên trên thế giới này

Và khốn khổ là phần số tự nguyện của nó.

 

Thanh niên:

Ðối với Thiên nhiên,

tất cả đều đang sống và đang tự do.

Vinh quang trần thế của con người

chỉ là giấc mộng hư không, biến mất

theo bọt nước trong lòng suối nhiều đá.

Khi cây hạnh nhân rải nụ hoa lên các cây nhỏ

đang mọc bên dưới, nó không nói,

“Ta giàu có biết mấy! Các ngươi nghèo nàn biết mấy!”

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Giai điệu của Thượng đế không bao giờ tắt lịm

Còn mọi sự trần gian chỉ là phù phiếm.

 

Về sự tử tế

Lão trượng hiền giả:

Sự tử tế của người đời chỉ là cái vỏ trống rỗng,

không chứa đựng châu ngọc hoặc hạt trai quí báu.

Con người sống bằng hai trái tim;

trái này đằm thắm thẳm sâu,

và trái kia bằng thép.

Và tử thế thường chỉ là chiếc khiên,

còn quảng đại cũng thường là thanh gươm.

 

Thanh niên:

Cánh đồng chỉ có một trái tim vĩ đại.

Cây liễu sống cạnh cây sồi,

nó không sợ hãi kích thước của cây sồi.

Y phục của chim công trông rất lộng lẫy

nhưng nó chẳng biết thân mình đẹp hay xấu.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Vì âm nhạc là giai điệu dịu dàng

Mạnh hơn kẻ mạnh lẫn người yếu.

 

Về khôn ngoan giả

Lão trượng hiền giả:

Người thành thị giả vờ khôn ngoan

và am hiểu sâu rộng

nhưng tưởng tượng ấy hoàn toàn không đúng

vì họ chỉ là chuyên gia bắt chước.

Nhờ thế, họ có đủ kiêu hãnh để tính toán

lỗ lời trong các cuộc đổi chác.

Kẻ khờ khạo tưởng tượng nó là vua

và không sức mạnh nào có khả năng biến đổi

các ý nghĩ vĩ đại và các giấc mơ của nó.

Kẻ điên rồ kiêu hãnh tưởng lầm

chiếc gương nó soi là bầu trời

và cái bóng của nó là mặt trăng chiếu sáng

lập loè trên các tầng trời.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng,

không có khôn ngoan và tuấn tú,

vì thiên nhiên không cần sự đẹp đẽ

cũng chẳng cần sự ngọt ngào.

Dòng nước đang chảy là rượu tiên ngọt ngào.

Khi dâng tràn và đứng yên,

nước chỉ phản chiếu sự thật của cái bên cạnh nó

và cái tôi của nó.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Tiếng than của cây sáo thiêng liêng hơn

Chiếc ly vàng đựng đầy rượu vang đỏ.

 

Về tình yêu I

Lão trượng hiền giả:

Loại tình yêu vì nó chúng ta phấn đấu và chết,

giống như cây không sinh quả.

Chỉ có tình yêu lành mạnh,

giống với khổ não lớn lao của linh hồn,

mới làm sinh động và nâng tâm hồn lên cõi am hiểu.

Khi tình yêu bị lạm dụng,

nó cung cấp dưỡng chất nuôi sự khốn khổ,

nó là điềm báo sự nguy hiểm

và là đám mây đen của sự độc ác.

Nếu loài người sắp dẫn đưa cuộc diễu hành xe ngựa của tình yêu

vào chiếc giường làm bằng động cơ vô đạo,

lúc ấy tình yêu sẽ không chịu cư ngụ ở đó.

Tình yêu là con chim xinh đẹp,

cầu cho được bắt nhưng không chịu bị thương.

 

Thanh niên:

Cánh đồng không chống việc sở đắc tình yêu,

vì tình yêu và cái đẹp cư ngụ mãi mãi,

trong an bình và hào phóng của cánh đồng.

Lúc mới tìm thấy, tình yêu là nhức nhối

trong thịt trong xương,

và chỉ khi nào tuổi trẻ vượt qua cơn đau ấy,

nó mới mang lại sự am hiểu phong phú

và đầy khổ não.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Vì khúc ca là cánh tay của tình yêu

Từ bên trên giáng lâm trong cái đẹp.

 

Về tình yêu II

Lão trượng hiền giả:

Người trẻ tuổi, kẻ được tình yêu cao cả viếng thăm,

qua chân lý của ánh sáng bởi trời,

và kẻ nào bảo vệ tình yêu ấy quyết liệt

như người đang đói khát,

kẻ đó là đứa con đích thực của Thượng đế.

Tuy người đời nói,

“Y là đứa mất trí!

Y không lợi lộc gì từ tình yêu,

kẻ y yêu đẹp đẽ gì đâu

và cơn đau phiền muộn ích gì cho y!”

Ðáng thương cho những người ngu dốt đó!

Tinh thần của họ đã chết trước khi

họ được sinh ra trên giường hộ sản!

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng không cư trú lính canh

hay kẻ trách móc nào

và Thiên nhiên không giữ lại bí mật nào.

Linh dương vui nhảy tung tăng khi chiều hôm,

và đại bàng không chíp mỏ cười cũng chẳng cau mày,

thế nhưng trong cánh đồng,

tất cả đều được nghe, được biết và được thấy.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Vì âm nhạc là niềm vui cao cả nhất của tâm hồn

Là nỗi hân hoan từ trời, là chiếc hôn từ Thượng đế.

 

Về tình yêu III

Lão trượng hiền giả:

Chúng ta đã quên sự vĩ đại của kẻ xâm lăng

nhưng nhớ mãi cơn thịnh nộ và điên khùng của hắn.

Từ trái tim của Alexander,

lòng thèm khát càng lúc càng mạnh;

qua linh hồn của Kais,

sự ngu dốt bị đánh bại.

Chiến thắng của Alexander chỉ là thất bại.

Chính sự hành hạ Kais chịu là khải hoàn và vinh quang.

Tình yêu phải được bộc lộ qua tinh thần

chứ không qua thể xác,

như nho được ép thành rượu

để làm hưng phấn không để làm mê muội.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng, bay lơ lửng

hồi ức của những người yêu nhau,

còn hành động của bạo quyền chẳng ai thèm để ý

vì các tội ác ấy được ghi chép trong sách sử ký.

Ðối với tình yêu, mọi sự hiện hữu

đều là một điện thờ bất diệt.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Hãy quên đi sự bạo tàn của kẻ mạnh

Mọi sự tùy thuộc một mình Thiên nhiên

Hoa huệ được tạo hình như chiếc ly để đựng sương,

không đựng máu hoặc liều thuốc độc tinh khôi.

 

 

Về hạnh phúc và khát vọng

Lão trượng hiền giả:

Hạnh phúc trên thế gian mà con người khao khát

với mọi phí tổn bằng vàng hay thời gian,

chỉ là hình bóng qua rất nhanh.

Khi hình bóng ấy thành hiện thực,

con người sớm chán chê nó.

Dòng sông chảy tựa con tuấn mã đang đua

như gió cuốn trong đồng bằng, biến đất thành bụi.

Con người ra sức cung cấp cho thể xác

những cái cấm kỵ, nhưng có chúng rồi,

khát vọng sẽ lắng xuống.

Khi thấy có người bỏ qua một bên những cái cấm kỵ

mang lại cho bản ngã tội ác khôn dò,

hãy nhìn y với con mắt yêu thương vì y

là kẻ bảo tồn Thượng đế trong lòng mình.

 

Thanh niên:

Trống rỗng và khô cằn hi vọng lẫn sự chăm sóc

là cánh đồng xinh đẹp; nó không để ý tới khát vọng

và chẳng mảy may thèm muốn

vì Thượng đế Toàn năng cung cấp cho nó tất cả.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Hát là tình yêu, hy vọng và khát vọng

Tiếng than của cây sáo là ánh sáng và lửa.

 

 

Về bất tử

Lão trượng hiền giả:

Cứu cánh của tinh thần trong tâm hồn thì bị che giấu,

không thể phán xét qua vẻ xuất hiện bên ngoài.

Người đời thường nói,

“Khi linh hồn đạt tới toàn hảo,

nó được phóng thích khỏi cuộc đời,

vì nếu linh hồn là quả, khi chín sẽ rụng

bởi sức mạnh ngọn gió của Thượng đế.”

Và người đời nói,

“Khi thể xác an nghỉ trong cái chết,

linh hồn rời khỏi nó như chiếc bóng trên mặt hồ

biến mất khi sức nóng làm khô cạn chiếc giường của nó.”

Nhưng tinh thần không sinh ra để bị diệt vong,

nó luôn luôn phát triển mạnh mẽ và thăng hoa.

Ngay cả khi gió bấc thổi đất cát phủ lên đóa hoa,

gió nồm sẽ tới phục hồi vẻ đẹp của nó,

 

Thanh niên:

Cánh đồng không phân biệt thể xác với linh hồn.

Biển cả và sương mù, hơi đất và sương mai,

tất cả đều là một, dù mây che hay quang đãng

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Vì bài ca là toàn bộ thể xác và linh hồn

Từ đáy dư dật của cái bát bằng vàng.

 

 

Về linh hồn và sung mãn

Lão trượng hiền giả:

Thể xác là cung lòng để linh hồn tĩnh lặng

nghỉ ngơi nơi đó cho tới khi ánh sáng ra đời.

Linh hồn là phôi thai trong thể xác con người,

và ngày chết là ngày thức giấc

vì nó là kỷ nguyên vĩ đại của lâm bồn

và giờ dư dật của cuộc sáng thế.

Nhưng sự cằn cỗi độc dữ đi kèm với con người,

xâm nhập vào mảnh đất tâm trí sung mãn của linh hồn.

Biết bao đóa hoa khi chào đời

không sỡ hữu hương thơm!

Biết bao đám mây tụ tập trên bầu trời khô hạn,

không rơi xuống giọt mưa nào!

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng phì nhiêu không có linh hồn cằn cỗi

và kẻ xâm lăng không thể xâm nhập

cuộc an tĩnh của chúng ta.

Hạt mầm tới ngày chín chứa trong lòng nó

bí mật của cây dừa từ lúc lúc bắt đầu

toàn bộ cuộc sáng thế.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Vì âm nhạc là trái tim lớn lên với tình yêu

Và giống như dòng suối, nó tuôn trào

 

 

Về cái chết

Lão trượng hiền giả:

Cái chết là một kết thúc

đối với đứa con của thế gian

nhưng là một bắt đầu đối với linh hồn,

một khải hoàn của sự sống.

Kẻ nào bằng con mắt bên trong

ôm ấp tình yêu chân lý,

sẽ luôn luôn trong trạng thái ngất ngây,

như suối nước đang róc rách chảy.

Còn kẻ nào ngủ suốt ngày ánh sáng,

sẽ phải tàn lụi trong bóng tối bất tận

được nó thương yêu.

Kẻ nào bám víu quả đất

và khi thức giấc, vuốt ve âu yếm Thiên nhiên,

sẽ gần gũi Thượng đế;

lúc đó, đứa con này của Thượng đế

sẽ băng qua thung lũng của sự chết

như băng qua lòng suối hẹp.

 

Thanh niên:

Trong cánh đồng tốt lành không có sự chết,

cũng không có huyệt mộ để chôn cất

cũng không có lời nguyện để cầu kinh.

Khi tháng Sáu ra đi, lòng hân hoan tiếp tục sống

vì cái chết chỉ lấy đi cái chạm tới sự toàn thiện

chứ không phải cái nhận biết sự toàn thiện.

Kẻ chỉ sống một mùa xuân hay hơn nữa,

sẽ sở hữu cuộc sống tinh thần

của kẻ đã sống hai chục mùa xuân.

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Qua linh hồn tôi hãy để âm nhạc rung lên

Mang lại hòa bình, xoá bỏ xung đột.

 

 

Tóm kết

của Lão trượng hiền giả

 

Cánh đồng rất nhiều

nhưng ít người ở đó.

Con người là tinh thần của đấng tạo hóa trên trái đất,

và toàn bộ cánh đồng được làm ra cho con người,

nhưng con người,

bằng những chọn lựa của nó,

đã lánh xa Tình yêu và Cái đẹp cận kề của Thượng đế,

vốn là cánh đồng xinh đẹp.

 

 

Tóm kết

của Thanh niên

 

Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

Hãy quên những điều chúng ta vừa nói về tất cả.

Lời nói là bụi làm lốm đốm thinh không

Và tự nó thất lạc trong bầu trời mênh mông.

 

Hiền giả ơi,

cái người đã và đang làm có tốt không?

Tại sao người không chấp nhận cánh đồng

làm nơi cư trú tuyệt vời?

Tại sao người không buông bỏ dinh thự thành thị huyên náo,

để leo lên gò đống,

đi theo con suối,

thở hương thơm

và say sưa trò chuyện với mặt trời?

Tại sao người không uống rượu ban mai

từ chiếc ly minh triết vĩ đại của nó,

và thăm dò những chùm nho thanh tao

đang ở trên cành

như những chiếc đèn treo bằng vàng?

Tại sao người không lấy

bầu trời vô tận kia làm mền,

các đoá hoa kia làm giường,

để từ đó nhìn đất của Thượng đế?

Tại sao người không từ bỏ tương lai

và quên lãng quá khứ?

Có phải người không khát khao sống

như người sinh ra để sống?

 

Người hãy xua đuổi sự khốn khổ,

người hãy bỏ lại mọi sự vật chất,

vì xã hội chẳng qua chỉ là rộn ràng,

phiền muộn và tranh chấp.

Nó chỉ là lưới nhện, là đường hầm

của loài chuột chũi.

Thiên nhiên sẽ nghênh đón người

như người của nó,

và tất cả những gì thiện chí hiện hữu

là để cho người.

Ðứa con của cánh đồng

là đứa con của Thượng đế.

 

 

Ðầu hàng

của Lão trượng hiền giả

 

Cư ngụ trong cánh đồng là

niềm hy vọng,

nỗi khát khao

và lòng mong ước của tôi,

và tôi thường cầu xin để có

một cuộc sống đẹp đẽ

và an tĩnh như thế.

Nhưng ý muốn tàn nhẫn của số phận

đã đặt tôi vào lòng thành thị.

Và con người

phải sở hữu số phận đã cưỡng bách

các ý nghĩ, hành động và lời nói của nó,

và cái không thoả đáng ấy

định hướng

bước chân của nó tới nơi bất như ý.

 

Nguồn:

-          The Treasury of Kahlil Gibran, The Arabic Writings by The Author of The Prophet, The Procession, tt 303-318, Anthony Rizcallah Ferris dịch, Martin L. Wolf biên tập., Nxb Citadel Press, New York, 1951.

-          The Procession, Kahlil Gibran, George Kheirallah biên d ịch, Nxb The Philosophical Library, Inc. (The Wisdom Library), New York 1958.

 

NGUYỄN ƯỚC

Sinh năm 1947 tại Hàm Hoà, Quảng Ninh, Quảng Bình. Năm 1954, theo gia đình di cư vào Bồ Ðiền, Phong Ðiền, Thừa Thiên. Tốt nghiệp Ðại học Sư Phạm Huế, ban Việt Hán. Trước năm 1975, dạy Văn và Sử tại Huế, Ðà Nẵng rồi Tuy Hòa, đồng thời làm chuyên viên công tác phát triển xã hội. Có bài đăng trên các báo Giáo Giới, Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Ý Thức, Xây Dựng, Sóng Thần, Ðại Dân Tộc, v.v... Năm 1989, vượt biển sang đảo Galang, Indonesia. Từ năm 1991, định cư tại Toronto, Canada; tác viên cộng đồng; cộng tác với các tạp chí như Hợp Lưu, Thơ, Diễn đàn talawas, Ði Tới, Làng Văn, Thời Báo, Thư Quán Bản Thảo, Người Việt Hải Ngoại, Ð àn Chim Việtv.v. Ðịa chỉ hiện nay: 532 Dufferin St. Toronto, ON. Canada. M6K 2A7.

Tác phẩm đã in Trước 1975:
- Tội Của Họ (kịch)
- Bài Ca Người Nô Lệ Mới (thơ)

Tại hải ngoại: (những cuốn có dấu * đã tái bản và phát hành trong nước do các NXB Văn Học, Văn Hoá Thông Tin, Hội Nhà Văn, Tôn Giáo, v.v.):
- Giáo Lý Mới Thời Ðại Mới: Ðức Tin Công giáo (Sách Giáo lý của HÐGM Hà lan), dịch*
- Chân Dung Một Giáo Hoàng, tuyển dịch
- Ðức Giê-su: Cuộc Ðời Và Thời Ðại, dịch *
- Krishnamurti: Cuộc Ðời Và Lời Giảng, biên dịch *
Tập I: Ðời Không Tâm Ðiểm *
Tập II: Dòng Sông Thanh Tẩy *
Tập III: Krishnamurti Tinh Yếu *
- Chuyện Kinh Thánh của Pearl Buck, dịch *
- Về Từ Cõi Chết của Elie Wiesel, dịch *
Tập I: Ðêm *
Tập II: Rạng Sáng *
Tập III:Tai Nạn *
- Chuyện Người Hành Hương, dịch và chú giải *
- Máu Hồng Y của Brian Moore, dịch *
- Hiến Chương Nhân Bản 2000, dịch và chú giải
- Một Hồ Sơ Chủ Nghĩa Hậu Hiện Ðại, biên khảo *
- Trăng Huyết, trường thiên tiểu thuyết (chung với A. Grey)
- Truyện Tì bà Của Nguyễn Bính, sưu khảo và chú thích
- Cẩm Nang Sống Thiền, biên dịch
- Một Thời Ðể Nhớ –
Tuyển tập thơ chung 10 tác giả

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     ÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.