.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cát bụi phận này

  • 25.12.2009

Cát bụi bạt ngàn trên sa mạc, trên đồng khô cỏ cháy, trên đường phố hoang vu chói chang ánh nắng... Ngày tạo thiên, lập địa, ngày núi non sừng sửng nổi lên, đại dương và biển cả xuất hiện, đâu đâu cũng cát bụi và cát bụi. Cát bụi cứ nằm yên, cát bụi cùng cát bụi, mãi mãi bên nhau, không đời nào xa cách. Cho đến một ngày, phong ba bão táp, cuồng phong lên cơn thịnh nộ, hồng trần điên đảo, bụi trần bốc lên bay bổng, tung tăng đi chín phương Trời mười phương Phật, tứ phương, tám hướng xa xôi. Như vậy là cát bụi chu du thiên hạ, ta bà trời đất, năm non bảy núi, ngũ châu tứ hải, tha phương lăn lóc, ngàn trùng hải lý, chọn lựa đất lành đáp xuống, tạo ra thân thế, dựng nên tiền đồ sự nghiệp.

Có cát bụi và cát bụi, cát bụi rơi vào thân phận sang hèn, vinh nhục khác nhau, tùy định mạng và số kiếp. Cát bụi phận này rơi vào số kiếp thơ sinh nghèo, con cái của một gia đình làm ăn đủ sống, lương đầu tháng, nợ cuối tháng. Sống không thừa thảy, cơm đủ ăn, áo quần đủ mặc. Trầy trật với cuộc đời, đèn sách lần mò cũng được bằng nọ với bằng kia. Không phương tiện để tiếp tục cuộc đời khoa bảng thì "dưa leo chấm với cá kèo, học trò nghèo phải học Normal".

Đỗ đạt, đăng khoa, làm nghề "gõ đầu trẻ", học trò dăm ba đứa, nhi nhô nhi nhăn, nói nói cười cười, nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba là bọn chúng. Thôi, không bằng cấp cao sang, đành sống làng chàng với lũ không ma cũng chẳng quỷ. Cứ ậm à ậm ự qua ngày đoạn tháng, lãnh lương ba cọc, ba đồng, sáng xách đít đi, chiều xách đít về, mà vui thú cùng vợ con.

Người muốn vậy nhưng thời thế chẳng muốn, giặc giã tràn đồng, quân lính Tây làm không xuể, nổi máu cà nanh đố kỵ, lấy cớ giặc Mít thì quân bản xứ phải lo lấy. Ai đâu làm tôi làm mọi đi đánh giặc mướn cho tụi bây. Chẳng bằng thực dân dẹp loạn không nổi, phải lấy thêm lính bản địa làm bia thịt cho đỡ tức.

Xuất phát từ bài diễn văn của danh tướng De Lattre đọc tại trường Tây nổi tiếng đất Sài Gòn - trường Chasseloup Laubat - ngày 11 tháng Bảy năm 1951, qua đó vị tướng lừng danh của quân đội Tây, viện dẫn lòng dòng lịch sử, văn học và triết học Tây phương và cả lịch sử Việt Nam cùng với luận cứ của giới trí thức yếm thế địa phương để kết luận rằng:

"Vì những người chiến sĩ của nước Pháp, vì tương lai của Việt Nam, vì lý tưởng của thanh niên, vì chính những người thanh niên của đất nuớc này đang chiến đấu ngoài kia, trước những toan tính nhỏ nhen và trước cái đớn hèn khả kính ấy, tôi xin thưa cùng những con người như vậy, và các bạn hãy góp lời cùng tôi, để nói với họ rằng: "Thưa không, giặc tới rồi, hãy tỏ ra mình là con người!"

 

"Phải xứng danh với con người, nghĩa là, nếu chọn cộng sản, hãy gia nhập Việt Minh. Ngoài đó có những người chiến đấu tài ba để bảo vệ một sự nghiệp sai quấy. Nhưng nếu là người yêu nước thì hãy chiến đấu cho quê hương mình, vì cuộc chiến này là của các bạn. [...] Cuộc chiến này, dẫu muốn hay không thì cũng là cuộc chiến của Việt Nam, vì đất nước Việt Nam. Và nước Pháp chỉ chiến đấu cho bạn nếu như các bạn cùng chiến đấu với nuớc Pháp."

Quan Tây đã muốn vậy, mà còn mại hơi chín hấu làm gì, cứ ra lịnh thì các quan thuộc địa thi hành răm rắp. Thế nhưng, người ta muốn làm một đòn chiến tranh tâm lý coi cho nó đẹp, quấy động tinh thần để tránh tiếng Tây bắt lính. Năm ngày sau bài diễn văn đó, chánh phủ Bảo Đại truyền lịnh tổng động viên. Trong cao trào quân dịch, cát bụi phận này chạy trời sao khỏi nắng! Vậy là khăn gói quả mướp lên đường nhập ngũ tùng chinh. Tiếng gọi thời thượng kêu là động viên đi lính.

Chín tháng quân trường, năm rưởi trời đóng đồn giữ giặc, trấn ải miền đất mũi, muỗi bay như rải trấu, trâu bò cũng phải nằm mùng, đỉa lội như bánh canh, nước mặn chiếu sáng lân tinh dưới bước chưn bốt-đờ-xô. Hết hồi lận đận, quan trên chạy giấy cho về bộ tổng tham mưu, đánh giặc giấy tờ, ngày hai buổi đi về xe gíp, xe con, sáng mặt quan một quan hai. Nhưng nhìn xa, trông rộng, tương lai mịt mùng, hơn nữa mộng hải hồ thời trai trẻ chưa dứt điểm, cứ có cơ hội tung cánh chim bằng là cất cánh bay xa.

Chẳng phải bay quanh bay quẩn đầu non, cuối bãi, Lạng Sơn, Cà Mau, mà bay tít mù vạn dậm đường xa, vùng trời Tây, miền đất Ma-Rốc. Thôi thì phỉ chí tang bồng, trọn nợ cung tên, cát bụi phận này rộng bước đường mây một cõi đi về. Học nghề bay bổng, chuyên môn tạch-tạch-xè, ấy vậy mà cũng phải cả năm dài.

Ngày cuối khóa, từ miền chiến tuyến quê nhà, một tin chẳng lành bay sang cho hay là cứ điểm Điện Biên không còn nữa! Một con "xe" trên bàn cờ đã vào tay đối thủ, một con cờ mất đi, chưa hẳn bàn cờ thua cuộc. Nhưng đó cũng là một yếu tố tâm lý để đi đến chỗ tinh thần ba quân ngao ngán. Chiến trường chao đảo, chính trường cũng lao xao. Lại là chính trường mẫu quốc cơ. Trong nôn nóng và với sức ép của tình hình, người ta đặt vội một chữ ký, cắt đôi một đất nước có "chủ quyền bị kiểm soát", chia hai một dân tộc anh em mà thù nghịch.

Ngày trở về, đất nước rần rộ đổi thay, người Bắc vô Nam, trong làn sóng di cư và người Nam đi Bắc, dưới danh nghĩa tập kết. Cũng là một dân tộc hai chiều di chuyển khác nhau, dưới tên gọi chẳng giống nhau. Ngoài Bắc vô Nam thì dời nhà, dọn cửa, để tiếp tục ăn nên làm ra, mà trong Nam ra Bắc là tập họp lại để đánh phá tiếp theo. Thành thử ra trong tên gọi, qua cung cách xưng hô, người ta đã có ẩn ý.

Trong cái đổi thay lớn, do Nhà Nước Đại Pháp bấm nút từ Genève, dân bản địa làm một cuộc lật đổ ngai vàng, bằng cái gọi là "trưng cầu dân ý", đưa ngài thủ tướng lên thay thế quân vương quốc trưởng. Lẽ đương nhiên chánh phủ đương quyền đứng ra tổ chức hỏi ý dân một cách "chặt chẽ" thì kết quả như thế nào ai cũng biết. Ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn mà bị thần dân bỏ rơi, hình ảnh long nhan bị cho vào xọt rác, để suy tôn một vị thủ tướng, chưn ướt chưn ráo, từ nước ngoài cường quốc anh em đưa về, dân chúng còn lâu mới biết đến, lên ngôi thống soái, trị vì thiên hạ.

Một chánh quyền non trẻ, quản trị một đất nước thu hẹp còn phân nửa mà lắm chuyện nhiêu khê, phải vo tròn sao cho kịp trong hai năm để tranh cử lại ngoài kia. Trong khi ngoài nớ tuyên bố độc lập từ lâu thì trong ni còn phải lòng vòng kiểu chế độ này, chánh thể nọ. Trong khi người ta sắp xếp đội ngũ để xâm nhập lãnh thổ, để xé rào biên cương, chọc thủng giới tuyến, tìm cách khuynh đảo, thì mình con ắc-ê xếp hàng cơ bản thao diễn. Trong khi mình cạy cục dựng lên cộng hòa thì người ta đã tự cho là dân chủ từ khuya.

Cứ cà nhằn cà nhì, đâu chẳng ra đâu mà cứ lo suy tôn lên, suy tôn xuống, Tây làm không xong bỏ cuộc rút về, Mỹ lăm le tưởng bở nhảy vào, phen này ô-kê nơm-bờ-oan. Binh hùng tướng mạnh đổ bộ lên Đà Nẵng như chừng tiến vào trận chiến kinh thiên động địa. Rồi thì tổ chức chánh trị, quân đội theo lối Hiệp Chúng Quốc, đánh giặc kiểu nhà giàu, đem trực thăng chở quân bỏ chỗ này, đặt chỗ kia.

Quân tưởng mạnh mà sao đánh không thắng, phải chăng vì chánh trị chẳng được lòng dân, lại gây thêm hận thù tôn giáo. Có khó gì đâu, con tướng ta đặt nó lên, nay không bằng lòng thì ta hất nó xuống đưa con tướng khác lên thay. Tưởng đâu dễ ợt, nào ngờ mấy ông Tướng Thầy Ba lên ngôi chánh trị, không tạo được uy tín, vì tướng nào cũng như tướng nào, tài sức ngang nhau, biết nhau quá rõ. Mày làm được tại sao tao lại không? Như vậy là thay bậc đổi ngôi như cơm bữa, đảo chánh tới, đảo chánh lui, rồi chỉnh lý, biểu dương lực lượng. Thôi thì loạn xà ngầu, chánh trường nát như tương Tàu lôi theo chiến trường rối nùi như nồi canh hẹ.

Đánh chẳng đặng thì đàm, đánh đánh, đàm đàm, lộn xộn, lăng xăng. Giặc của mình mà mình chẳng đóng vai chánh trong cuộc nói chuyện hòa bình, lại bị người khác giành quyền nói hộ. Vậy là họ nói vì lợi ích riêng tư của phe họ. Đã vậy mà họ còn đi đêm, thậm thà thậm thụt chuyện riêng tư, bất kể quyền lợi của phe ta. Họ quyết định với nhau trên đầu trên cổ phe ta, rồi bắt ép phe ta phải chấp nhận. Chơi vậy thì chơi với ai, đồng minh là như vậy à? Mồ tổ cha thân phận nhược tiểu!

Cứ như vậy mà người ta tuyên bố "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình". Chấm dứt đâu chẳng thấy, hòa bình lập lại thì còn lâu. Chỉ chấm dứt cho nước đàn anh đem quân vào đánh phá mà không nên thân nên phải rút quân chạy dài, bỏ của chạy lấy người, để cho quân bản xứ gánh chịu hậu quả. Làm vậy sao đáng mặt anh hùng hảo hớn?

Mất thể diện thì cho mất luôn, miễn được yên thân đẹp phận cho riêng mình. Bọn giặc ác ôn côn đồ, được nước làm tới, đem quân tấn kích trong cái gọi là chiến dịch "Mùa Xuân Thắng Đại", năm mũi giáp công, vi phạm trắng trợn Hiệp Định mà họ đã đưa tay mặt, đặt tay trái để ký mà những nước thân thế có chữ ký trên Hiệp Định cũng làm ngơ! Vậy là quân giặc phương Bắc ào ào tiến quân, thành quách phía Nam sập đổ như những con cờ đô-mi-nô.

Đất nước thênh thang, ngoài tầm tay với, không sao giữ được thì co cụm lại, ngày một ngày hai thu hẹp như mảnh "da sầu muộn". Một bước thụt lùi, hai bước tiến tới đâu không thấy, chỉ thấy co rút lại hết chỗ dung thân đành di tản chạy lưu vong, chạy nhanh lên, những ai còn chạy kịp. Không thoát được đành làm thân người ở lại, trăm dâu đổ đầu tằm, chịu mang tai mang tiếng là "ngụy quân và ngụy quyền". Rồi khăn gói lên đường đi học tập cải tạo mút mùa lệ thủy trong các trường đại học triền miên.

Những ai không chịu đựng nổi thì bôn ba hải ngoại, đi chui vượt biển vượt biên, vì cột đèn mà có chưn nó cũng đi, không ăn ở được với lũ ma quỷ lên làm người. Khỉ đột về thành thì làm sao mà chung sống. Thà đi mà chết còn sung sướng hơn ở lại mà làm những cái xác không hồn. Đi thì cứ đi không cần biết nơi đến vì có khi cũng chẳng đến được mà phải vùi thây trong lòng đại dương hay lấy thân cá mập làm mồ làm mã.

Làm thân di tản buồn, người tỵ nạn lưu vong, HO vất vả hay ODP lang thang, ngày một ngày hai ăn nên làm ra bằng năm bằng mười thời trước. Quên thuở cơ hàn, huênh hoang tự cao tự đại, áo gấm về làng, tiền Việt kiều ta xài cho phỉ chí. Đi xa về quê, coi trời bằng vung, nói năng chẳng cần sự thật, chuyện thật của mình ai biết được mà lo.

Ôi, tất cả chỉ là cát bụi biến thân, chu du thiên hạ, ngàn trùng hải lý, đi đây đi đó, tám hướng, tứ phương, vinh có, nhục chẳng phải không. Cát bụi phận này, cát bụi thành xác thân tôi, từ bé chút trở thành lớn đại. Cát bụi tuyệt vời, từ khởi thủy tí ti đã trổi dậy lớn bự để rong chơi, trong ánh sáng thái dương, trong  bầu trời vũ trụ. Mấy mươi năm thân phận người đời, một sớm một chiều tóc trắng như nhuộm tuyết, cát bụi trở về cùng cát bụi. Một đời người hay một kiếp cát bụi, đâu lại vào đó, sắc sắc, không không.


Phan Quân


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.