.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Người nổi danh

  • 29.12.2009

Trên cõi đời này, con người có nhiều cách để nổi danh, trong rạng rỡ cũng như khi bệ rạc. Thế nhưng hắn ta quả là một con người độc đáo, đã nổi tiếng trong huy hoàng cũng như vào thuở sa cơ thất thế.

Nổi danh là một điều hay, nhưng có tiếng trong sự ngưỡng mộ của thế nhơn hay không mới là một chuyện khó. Dân gian thường nói:"Cọp chết để da, người ta chết để tiếng", thế nhưng không nên lưu lại thứ tiếng tăm của một loại da cọp trang trí phòng khách để thiên hạ dẫm chưn lên, dù cho thiên hạ kia có thuộc hạng trưởng giã sang trọng.

Là thanh niên tối thiểu cũng đầy tuổi hai mươi vào năm 1951, những người trai trẻ Việt Nam đều nhận lịnh động viên đi làm nghĩa vụ quân sự đầu tiên của Quốc Gia Việt Nam thời Quốc Trưởng Bảo Ðại. Quân trường sĩ quan trừ bị - cũng đầu tiên - dành cho những người ở phía Nam nước Việt nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, thuộc quận Thủ Ðức, cách Sài Gòn khoảng hai mươi lăm cây số về hướng Ðông.

Nhịp độ chiến tranh đang dồn dập, quốc phòng đang nôn nóng, nên đám thanh niên quân dịch bước chân đến đỉnh đồi là chạm trán ngay với đám bụi mù trời do đoàn xe ủi đất dấy lên. Người ta đang gấp rút xây cất. Vừa tạo dựng quân trường, vừa tiếp nhận khóa sinh. Khẩn cấp đến như vậy để chạy đua với tình hình chiến cuộc đang tăng tốc !

Nghiệp nhà binh thời đó chưa được đời thường mến mộ nên giới thanh niên rất ngao ngán với ngành nghề "kaki". Xuất phát từ nhiều lý do. Trước tiên vì chỗ đứng của tinh thần yêu nước, bên này hay bên kia chiến tuyến? Kế đó là tác động của hội chứng bố ráp đáng ghét và bị nguyền rủa của quân đội viễn chinh Pháp với những chuyện giam giữ người oan tình, hãm hiếp thôn nữ ngây thơ.

Những ngày đêm đầu tiên vào quân trường, khung cảnh trại lá, nhà tranh trầm lắng ê chề, ngày hùng hục cơ bản thao diễn, vai súng trường, chân giày đinh cứ "ắc ê". Đêm về đây đó đầy tiếng thở dài, ghế bố ko kẹt theo đà trăn trở của những "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao". Vậy mà trong nỗi chán chường đó, vào một đêm sáng trăng sao im ắng, có tiếng đàn ghi-ta của ai lại nổi lên làm cho nhiều tâm hồn trai trẻ đâm rạo rực. Tiếng đàn đêm trăng kia như đưa hồn ai vào những dĩ vãng chưa xa xôi mà ray rứt, chưa phai mờ lại xuất hiện đâu đây. Thân xác rã rời mà giấc ngủ cứ lảng đi như chừng mãi mê chạy theo tiếng đàn của người nghệ sĩ cô đơn, lạc loài.

Giữa thao trường hoang vắng, vằng vặc ánh trăng suông, hắn ta đang ngồi trên mỏm đá ôm đàn mà tâm sự. Với đàn, với bạn bè khó ngủ, với huấn luyện viên, với cá nhân anh hay với thân phận của người trai thời binh lửa huynh đệ? Từ đó trở đi, cán bộ giảng huấn và khóa sinh để ý đến hắn ta và ngày ra trường, theo truyền thống binh nghiệp, với tư cách thủ khoa, hắn ta đại diện khóa sinh giương cung bắn đi bốn phương trời những mũi tên nhắn gởi rằng rồi đây những người trai đất Việt sẽ có nhiệm vụ ở thiên địa tứ phương, trong tinh thần "Tang bồng hồ thĩ nam nhi chí". Như vậy là lần đầu tiên hắn ta được nổi danh.

Tốt nghiệp sĩ quan trừ bị, mỗi vai một gạch nhắc nhở trách nhiệm người trai binh lửa, những ông thiếu úy mới ra ràng tung cánh đi khắp các chiến trường đất nước, mỗi người một chân mây, dõi theo những hướng tên cỏ bồng mà người sinh viên sĩ quan trừ bị thủ khoa gởi đi ngày đó. Mải lo tránh đỡ làn tên mũi đạn, ngày đêm lặn lội dưới chiến hào, trên đầm ruộng lầy lội, ngoài hoả tuyến nóng bỏng và mịt mù khói lửa, chẳng bao nhiêu người còn có thì giờ theo dõi những thăng trầm kế tiếp của con người nổi danh đó.

Lâu lâu, mỗi lần họp khóa, mà thời thế và tình hình chiến cuộc cho phép tham dự để hỏi thăm nhau, thì biết được rằng thế nổi danh đời lính cũng không thu hút được hắn ta nên anh đã giã từ vũ khí, xếp chiến bào lại về với áo mão cân đai đời quan chức nhà nước. Nhiệm sở của hắn ta là tòa nhà trang nghiêm đồ sộ trên đường Công Lý, mang kiến trúc tiêu biểu của thời thuộc địa với một trong những tranh chạm nổi mặt tiền có hình bà đầm, mắt bịt kín, tay cầm cân. Cái danh tánh của con đường không biết có phản ảnh đúng nội dung mà nhiệm sở kia đảm trách hay không?

Ðến thời ông tướng một sao cùng khóa quân trường đồi Tăng Nhơn Phú quản nhiệm ngành cảnh sát quốc gia hắn ta được mời về làm việc dưới trướng. Hắn ta lại có một cơ hội khác để nổi danh - trong nghi vấn - trên mọi phương tiện truyền thông quốc nội lẫn quốc ngoại khi một nhà báo Pháp bị những "người bạn dân" bắn chết ngay trong vòng thành bộ tư lịnh cảnh sát quốc gia, nơi làm việc của hắn ta.

Thế sự đảo điên, thời cuộc thăng trầm làm cho lịch sử phải sang trang và miền Nam Việt Nam đi vào quỹ đạo của cái gọi là "dân chủ cộng hòa" và "xã hội chủ nghĩa". Một số đông đảo quân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa không di tản được bị bắt buộc khăn gói lên đường "học tập cải tạo". Hành trình lao lý sàn lọc, thảy ném và pha trộn những người mang dạng "ngụy quân, ngụy quyền" xuôi ngược Nam Bắc, ngang dọc từ thượng du xuống đồng bằng Bắc Việt.

Trong quá trình lăn lóc đó, chúng tôi gặp lại hắn ta ở trại tù nằm trên đỉnh đồi Ba Sao, xung quanh là núi đá vôi tai mèo lởm chởm và rừng già cây cối lưa thưa. Thuộc thành phần "ngụy quyền", anh bị đưa ra đây ngay từ buổi đầu của thuở lưu đày biệt xứ. Do đó anh là loại "ma cũ" so với chúng tôi, những người tù gốc "ngụy quân" phải trải qua những bàn tay nhào nặn của bộ đội ở những trại miền núi, rồi của công an ở một trại đồng bằng khác trước khi đến đây.

Thế nhưng, không giống như trong nếp sống tù hình sự trong xã hội "xã hội chủ nghĩa", "ma cũ" tù cải tạo không xử sự theo kiểu "đầu gấu" hay "đại bàng" đối với "ma mới". Sự giao dịch giữa chúng tôi vẫn bình thường, trong tình bằng hữu, anh em. Nhưng, ngay trong những ngày đầu, thế nổi tiếng của hắn ta đã xuất hiện với bí danh "Cậu Ba" mà anh em tù cải tạo lẫn cán bộ trại dùng để gọi anh. Cung cách xưng hô miền Nam thường dành từ "Cậu" cho những người trai con nhà giàu sang quyền quý hoặc những bậc vương tôn công tử ăn xài sang trọng.

Bẵng đi một thời gian khá lâu không gặp - phải trên ba mươi năm - nhứt là sau những năm bị "cải tạo" giày vò làm trầy vi tróc vảy, chúng tôi thấy anh thay đổi quá nhiều. Con người tài ba son trẻ dáng dấp hào hoa của thuở quân trường ngày nào đã tan biến theo thời gian. Giờ đây, chỉ còn lại một con người ốm tong teo, lỏng khỏng trong bộ bà ba bạc màu của nhà tù, mái tóc nhiều muối hơn tiêu.

Qua một vài lần trao đổi, tâm sự thì được biết rằng vào những ngày Sài Gòn "sập tiệm", anh phục vụ dưới trướng của tướng cảnh sát Nguyễn Khắc Bình, vì nể tình bạn đồng khóa quân trường. Thế nhưng, vào những giờ phút nguy kịch trong "tháng tư hắc ám năm 75", cấp chỉ huy của anh cũng "nể tình" bỏ quên anh trên chiến trường đang dở dang! Nghĩa tình bằng hữu và chiến hữu có đẹp hay không là vào những giây phút đó, vậy mà người ta đành để cho cơ hội qua đi, lại không chứng minh được chút gì chân thiện mỹ ở con người của mình. Tiếc lắm thay!

Thế mới biết lửa thử vàng, gian nan thử bạn. Tuy vậy, anh vẫn chấp nhận số phận mình với một thái độ đầy tính triết học, như lật qua một trang sách không hấp dẫn. Với những gì còn lại sau khi đã mất trắng trong cơn phong ba màu máu đỏ ập xuống Sài Gòn, anh đã có cách để tạo lấy một cuộc sống thoải mái cho mình trong kiếp tù đày cộng sản, thậm chí lại còn nổi tiếng.

Ðược như vậy là nhờ "hậu phương" của anh khá sung túc, do chỗ trước kia, trong buổi hưng thời, anh đã khéo khôn sắp đặt "trận liệt gia đình" và "đầu tư đúng phương pháp thời thượng" của những nhân vật quyền chức, của các cấp lãnh đạo vốn đã nằm lòng câu "cẩn tắc vô ưu". Ngày đất nước rã rời, tay mang bị, tay xách chiếu, anh đi vào cõi lao tù cải tạo không bận bịu thê nhi, vì toàn bộ gia đình anh đang ở một chân mây góc trời nào đó, ngoài vòng cương tỏa của cộng sản.

Từ chốn xa xôi kia, vợ và các con anh lấy tiền ngoại đổi tiền nội, nhờ người nuôi dưỡng anh thoải mái. Mỗi chuyến tiếp tế cho anh vào trại là cả một biến cố! Tiếng gọi:"Cậu Ba có thăm nuôi!" là tín hiệu đem lại niềm vui cho khá nhiều người, kể cả nhiều cán bộ trong trại, thậm chí cả trại trưởng.

Số lượng quà của riêng "Cậu Ba" vào trại tối thiểu cũng chất đầy một "xe cải tiến", người kéo, kẻ đẩy hụt cả hơi. Toàn là những mặt hàng chất lượng, đa số có ngoại hình gợi tính hiếu kỳ, vì là hàng ngoại quốc. Một loại hàng vô cùng xa lạ với những cán bộ cộng sản, lại là loại cán bộ quanh năm suốt tháng giữ tù ở những vùng "chó ăn đá, gà ăn muối", khỉ vượn nhảy múa hát ca. Ngay anh em tù cải tạo cũng thấy ngỡ ngàng trước một vài mặt hàng, sau bao nhiêu năm ở núi, nằm rừng, xa lìa xã hội văn minh.

Mỗi khi xe quà của "Cậu" phải qua kiểm soát của cán bộ trực trại, trước khi vào khu giam, thì thời gian khám xét gần như vô tận. Không phải vì khám kỹ, mà vì muốn xem tận tường để đánh giá thấu đáo kỹ thuật cầu kỳ của "xã hội tiêu dùng" tư bản chủ nghĩa và, quan trọng hơn hết, là đánh dấu mục tiêu, để nhớ những gì mà cán bộ có thể hỏi xin trong tương lai.

Một phiên khám xét quà của "Cậu Ba" cũng gần giống như một chầu hát Sơn Ðông mãi võ ở chợ nhỏ nhà quê. Cán bộ khám xét và "Cậu" là trung tâm của một hình tròn gồm những cán bộ bàng quan. Sản phẩm đế quốc tư bản quả thật là rắc rối! Những thức ăn chẳng đáng gì mà bao bì và ngoại hình cũng làm cho cán bộ cộng sản phải ngẩn ngơ!

Khám xét chi li, tỉ mĩ như vậy nhưng chung cuộc thì hàng nào cũng vào được - kể cả tiền mặt là thứ nghiêm cấm trong trại tù - vì một khi người ta có nhiều phương tiện và lắm của thì rộng tay vung. Ðồng tiền đi trước, đồng tiền khôn và đã là "tù Cậu" thì sá gì một đôi chút của cải lót tay, mở cửa rào, miễn sao có được nếp sống thoải mái. Người cán bộ khám quà trong khi làm phận sự kỹ lưỡng từng ly từng tí một đâu phải vì quyền lợi của trại hay của đảng và nhà nước mà vì quyền lợi riêng tư. Họ đã nhân cơ hội nhận diện đối tượng và đối chiếu với nhu cầu bản thân hay của gia đình. Khi cần họ biết cánh cửa nào để gõ, thế thôi.

Vì vậy nên "Cậu Ba" được rất đông đảo cán bộ trong trại quan tâm chú ý. Ban đầu là cán bộ trực trại, người ăn ngủ ở cổng khu giam để khống chế mọi sinh hoạt của tù. Kế đó là cán bộ quản giáo của đội mà "Cậu" là thành viên. Cán bộ quản giáo là người "sâu sát" với tù nhiều nhứt và vì vậy cán bộ này được tù săn sóc chu đáo. Lợi dụng tư thế đó, lắm khi cán bộ này đòi hỏi nhiều hơn bất cứ cán bộ nào trong trại. Khổ nỗi, "Cậu Ba" lại là đội trưởng nữa nên mối bang giao giữa "Cậu" và quản giáo hết sức khăn khít.

Vào những tháng năm buổi đầu thời "học tập cải tạo", cán bộ quản giáo là một nhân vật khá quan trọng trong hệ thống chỉ huy các trại lao động cải tạo. Mối tương quan giữa ông ta và tù cải tạo hay thậm chí với tổ trưởng hay đội trưởng cũng chẳng khác nào giữa thầy và trò, dĩ nhiên phải trừ đi phần tình cảm. Từ cán bộ quản giáo đến tù chỉ có lệnh lạc, phê bình hoặc hạch hỏi, điều tra.

Ở thời điểm sau ba lịnh tập trung cải tạo - mỗi lịnh ba năm - quan hệ giữa quản giáo và tù cải tạo được cải thiện rất đáng kể do nhiều tác động. Chính trị quốc tế có, chính trị quốc nội cũng có nhưng quan trọng hơn hết phải kể kinh tế "vĩ mô cấp quốc gia" cũng như kinh tế "vi mô cò con", trong phạm vi cá nhân cũng như gia đình cán bộ cai tù. Nhờ mối quan hệ cải tiến như vậy nên chức vụ cán bộ quản giáo là một nhiệm sở béo bở vô cùng mà lại quản giáo đội văn nghệ của "Cậu Ba" nữa thì quả thật là hết ý!

Thế nhưng, cán bộ quản giáo làm sao có thể thụ hưởng một thân một mình đặc quyền, đặc lợi do "Cậu Ba" ban phát nếu không "biết điều" với lãnh đạo của ông ta. Thế là quà biếu của "Cậu Ba" lại leo thang "từng bước một vững chắc" đến cán bộ giáo dục, cán bộ an ninh và thậm chí đến cả cán bộ trại trưởng. Ðó là chưa kể những cán bộ thuộc hệ thống chân rết khác như cán bộ thăm nuôi, cán bộ tài vụ, cán bộ quày hàng,... trong đó có một vài "cán bộ cái", mắt liếc lả lơi, miệng cười duyên dáng mỗi khi muốn xin xỏ chút gì của "Cậu", vì họ biết được nhược điểm của "Cậu" là hết sức "ga-lăng", nịnh đầm, ngọt với đàn bà, dẫu là "lính gái" cộng sản.

Với phương tiện chẳng là bao đối với "Cậu", dư thừa rải khắp đó đây như vậy nên đến nơi nào trong trại "Cậu Ba" cũng gặp mọi sự dễ dàng. Cho nên dù trong thân phận tù đày "Cậu" sinh hoạt rất ư là thoải mái, một nếp sống "tự do trong tất yếu", như một con chim được yêu chuộng, nưng niu ở trong lồng. Tự do nhảy nhót, tự do hót ca trong khoảng không gian nhứt định, dù có khát khao chân mây đầu núi ngoài kia.

Tập họp một số bạn tù thiếu thốn nhưng chịu kết hợp vì một mẫu số chung nào đó, "Cậu Ba" hình thành một nhóm sinh hoạt khoảng một tá thành viên để hàng ngày ăn uống với nhau, kẻ ra công, người góp của. Những dịp liên hoan khi được thăm nuôi tiếp tế, nhân ngày Tết hoặc nhân ngày lễ gì đó của một vài nhân vật trong nhóm, sĩ số thực khách phình to và rất là vui nhộn, như một bữa tiệc linh đình ở nhà lão bá hộ tại một xã ấp nghèo xơ xác!

Nhóm của "Cậu" có một người đứng bếp rất mát tay nên công tác biên chế tù - để tránh việc móc ngoặt làm chuyện không hay - cũng phải nể "Cậu" mà cho người đầu bếp kia ở lại, nếu không cùng đội thì ít ra cũng cùng buồng. Cho tiện lợi trong sinh hoạt của nhóm hay đúng hơn là cho "Cậu". "Cậu" đã muốn thì cán bộ phụ trách cũng chẳng thấy gì trở ngại, nhưng lý do của thái độ dễ dải đó dĩ nhiên nằm trong quy luật xã giao bóng tối.

Lấy miếng ăn thay thế cho tự do bị cắt mất, "Cậu" dựng lên một hệ thống chăn nuôi thỏ và gà thiến để cung cấp cho bếp ăn của nhóm. Chăn nuôi trong tù dĩ nhiên là điều cấm kỵ, nhưng với "Cậu Ba" thì kể như trại không hay biết, không thấy và không nghe. Số lượng gia súc và gia cầm của "Cậu" có lẽ không gia đình cán bộ nào trong trại đạt đến được. Vậy mà mỗi lần quày hàng trại giết lợn, ngã bò là "Cậu" nhứt định phải chiếm ưu tiên hàng đầu để mua những phần thịt có chất lượng. Thậm chí có cán bộ mua phần thịt ngon để bán lại cho "Cậu" hòng kiếm mấy đồng chênh lệch gọi là "kiếm chút tiền lẻ cho các cháu".

Vận dụng nguyên tắc "đừng để phương tiện làm chủ con người", "Cậu Ba" tung loại phương tiện thứ yếu để làm đẹp lòng những cán bộ công an, vốn coi trọng vật chất hơn tinh thần, một thứ vật chất mà đảng và nhà nước không sao cung cấp nổi. Ông bà ta thường nói:Ăn trái nhớ kẻ trồng cây", nhưng đối với những con người cộng sản, lại là cộng sản cai tù nữa thì chút lịch sự tối thiểu cũng đi vắng.

Nhờ vả "Cậu" như vậy, thế nhưng khi cần châm biếm mỉa mai hay căm thù lặt vặt họ vẫn không quên. Một cán bộ gái thuộc diện "nái xề" lại thích õng a õng ẹo phường chèo với "Cậu", cứ liếc mắt đưa tình mỗi khi muốn "nhờ anh tí này, nhờ anh tí nọ", vậy mà thỉnh thoảng lại có những câu nói chanh chua như:"Ðầu anh bao nhiêu tóc bạc là tội tình bấy nhiêu!"

Có lần nhà nước đổi tiền, anh em nhờ "Cậu" giúp trao tiền cũ cho bà cán bộ kia đổi hộ tiền mới vì trên nguyên tắc tù không được giữ tiền mặt - bà chấp nhận. Tiền mang ảnh "Bác" thế mà mụ cứ cho vào bên trong "xú-chiên, xì líp" - trong lăng Ba Ðình chắc Bác cũng phải trở mình thở vắn than dài - để đem đi đổi mà không sợ bị phát hiện. Sau đó, mụ cứ phớt tỉnh Ăng-Lê, làm ngơ chẳng nói chẳng rằng, như chừng hai bên chẳng có chuyện gì với nhau, tiền cũ đâu không thấy mà tiền mới cũng biền biệt muôn phương. "Cậu Ba" đâm ra khó ăn khó nói với anh em. Trên bình diện nào cũng vậy, người ngay tình mà đàn đúm với cộng sản thì chỉ có từ thua đến lỗ!

Ngày 2 tháng 9 năm 1987, trại tù Ba Sao có một đợt tha khá rầm rộ. Trong những ngày rộn rả tin đồn, người ta nghĩ rằng kỳ này chắc là "Cậu" được tha. Thế nhưng khi công bố danh sách thì không thấy tên "Cậu" đâu hết. Không biết có phải lãnh đạo trại tận dụng quyền tạm giữ tù để khai thác thêm "Cậu" hay không mà mãi đến đợt sau, vào đầu năm 1988, cách đợt trước sáu tháng, "Cậu" mới được ra về trước khi trại bị giải thể.

* * *

Trở về với đời sống thường, với ngần ấy phương tiện trong tay, "Cậu" lại sinh sống như vương tôn công tử thời xã hội chủ nghĩa. Không chút mặc cảm "ngụy quân, ngụy quyền", chẳng phải áy náy lo ngại địa phương cho mình thế nọ thế kia. "Cậu" bắt đầu cải lão hoàn đồng, tóc bạc thành tóc đen, Honda đỏ "Cậu" nhông nhông khắp phố phường, anh trước em sau. "Cậu" cứ sống cho ra sống đúng theo nhân sinh quan xưa cũ của "Cậu", ai không chấp nhận mặc ai. Thiên hạ nôn nao nộp hồ sơ định cư và đoàn tụ, kẻ đi Pháp, người sang Mỹ, đi Úc, đi Canada... đôn đáo, chạy ngược, chạy xuôi.

Ấy thế mà "Cậu Ba" cứ bình tâm sống nếp sống của con người Việt Nam gốc cộng hòa, chẳng giống chút nào với bối cảnh xung quanh. Hoàn toàn là "người ngoại lai" giữa môi trường xã hội chủ nghĩa của Sài Gòn. Phòng ngủ máy điều hòa không khí, tiêu dao sơn thủy, mở quán cà-phê ngay sân trước biệt thự, khách đến thì đông mà kế toán đúc kết chỉ toàn số âm, khó ai hiểu được ẩn ý của cậu. Vợ con thì nửa ở Pháp, nửa ở Mỹ trong khi "Cậu" cứ ở Việt Nam. Một con người vô vàn ẩn số!

Nhân Tết Nguyên Ðán năm Ngọ, lão thầy tử vi nghiệp dư trong xóm bấm cho "Cậu" một quẻ làm duyên. Thầy phán rằng tuy năm này là năm tuổi nhưng lá số của "Cậu" ứng chiếu cho thấy với mạng Thái Dương cư Ngọ, thân phận "Cậu" không thể chỉ có như vầy. Số "Cậu" trước sau gì cũng phải lừng danh muôn thuở. Thời gian qua sở dĩ như thế chỉ vì số cậu đi vào ngộ Triệt, như mặt trời phải lúc mây che. Nay đã hanh thông sáng sủa, trời mây quang đảng, tiền hung hậu kiết, cờ đã gặp gió, rồng mây vào hội tung bay. "Cậu" đối chiếu lại quá trình đã qua của cuộc đời, gẫm thấy có lý và mấy ngày liền, chòm xóm láng giềng thấy "Cậu" cứ đăm chiêu, không còn rần rộ yêu đời như những năm tháng đã qua.

Cho đến một đêm nọ cả xóm bàng hoàng với biến động ở quán cà-phê "Chiêu Anh". Công an kéo đến bao vây, lục xét quán nhưng không thấy bắt được ai cả. Hôm nay quán nghỉ bán với lý do niêm yết là "Có chuyện gia đình". Công an lại thêm một phen bối rối vì số tài sản "Cậu" bỏ lại. Dư luận ngơ ngác, không sao tìm được câu giải đáp. Chắc phải chờ đến lúc "Cậu" lại nổi danh lần nữa.

Phan Quân


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.