.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Chuyến tàu thiên sứ

  • PSN - 10.1.2010

Thuở xa xưa ấy, tại một miền vô định trong vùng thung lũng với núi đồi bao quanh, có một cậu bé chẳng khác gì những cô cậu khác. Cậu bé kháu khĩnh, rất được cha cùng mẹ yêu thương. Hai vợ chồng đã luống tuổi mà chỉ có một mụn con duy nhứt. Muốn kiếm thêm một cháu gái cho đủ đôi mà không tìm đâu được, dẫu cho có phải bị phê bình vỡ kế hoạch, mất điểm thi đua.

 

Bốn năm năm qua, cậu bé rất vui vẻ, hồn nhiên, thỏa mãn với mọi thứ mà cậu có được. Cậu chơi đùa thoải mái, chạy thật nhanh và bắt đầu choảng nhau với một vài đứa trẻ láng giềng, dẫu rằng chẳng có mấy đứa, vì xóm của cậu chẳng có bao nhiêu nhà. Vùng ba má nó ở gần như là hoang dã.

 

Cây cối không có mấy, chỉ có một con đường độc đạo bằng đất thiên nhiên, không đổ đá, trán nhựa thì còn lâu. Mưa xuống bùn lầy lên nhão nhoét, nắng chói chang bụi đỏ mù trời. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe bò, xe trâu lách cách chạy qua, và thị xã gần nhứt ít lắm cũng xa hằng mấy mươi cây số ngàn.

 

Đền bù lại, nơi chốn ấy còn thấy được chút hình ảnh của xã hội văn minh, cũng chứng kiến được chút thành quả của khoa học tiên tiến nhờ đường tàu hỏa chạy xuyên qua. Từ bên kia núi đồi, con tàu vụt nhanh ra, quanh qua xê xế đôi chút rồi chạy băng qua cánh đồng phẳng lì trước mặt để rồi lao mất hút vào cụm cây cối trong khu rừng xa xa.

 

Tàu thường chạy qua vào lúc chạng vạng hay là lúc đã tối sẫm gì đó. Tùy theo mùa hè hay mùa lạnh, trời nắng hay trời mưa, người ta còn thấy những tia nắng chiều phản chiếu lên những toa xe lửa hay những cửa sổ toa xe sáng choang với ánh đèn lỗ chỗ đêm đen và tiếng gầm gừ của tàu xé tan bức màn tĩnh lặng của đồng quê.

 

Cậu bé còn nhớ rằng, dưới bóng hoàng hôn đang ập tới, hoặc trong đêm tối dày đặc, nó thường canh chừng con rắn bằng sắt gầm gừ từ xa, chạy ào qua như một mũi tên, với một tiếng động đinh tai nhức óc, rồi chạy băng qua đồng bằng để biến mất trong rừng cây. Con rắn to lớn không mấy chút đã biến thành một chấm đen ở chưn trời, nhả lên một đám khói trải dài trên lưng tàu.

 

Mỗi khi nghe tàu sắp tới, nó vọt ra khỏi nhà, cố đuổi theo tàu, hai chưn nhỏ bé lăng xăng hấp tấp, nhưng làm sao mà chạy kịp con tàu. Ấy thế mà nó cứ cắm đầu cắm cổ chạy, như muốn nói lên với con tàu lời chào mừng thân thiện. Trên một đoạn đường, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Hôm nào không chạy được cùng con tàu thì từ trong cửa sổ, bé nhìn đăm đăm để ghi cho được vào tâm trí hình ảnh của con tàu rần rộ kia và bóng dáng các ông các bà nam thanh nữ tú từ xa xôi đến để rồi đi về cõi xa xăm, chạy ngang qua rất là mau.

 

Mùa hè ở đây nóng kinh khủng và mùa mưa thì cứ rỉ rả lê thê, người ta thường bảo nhau nóng cháy da và mưa thúi đất. Những khi mưa dầm mưa dề, nó mang đôi giày ủng, lượm được ở đâu không biết mà rộng rinh, vậy mà cũng chạy được không té. Thân mình thì che lấy bằng tấm nylon, buộc thắc ở cổ. Lúc nắng tháng bảy tháng tám còn thiêu đốt dữ dằn trước khi biến mất đàng sau chưn trời, thì nó chạy chưn không, mình trần trùi trụi. Thế là cậu bé đâm đầu mà chạy đua với con tàu, không phải để ăn thua gì với nó, nhưng chỉ muốn biểu lộ chút thân tình.

 

Đó là một cậu bé vui tính, hay cười nhưng nghiêm nghị. Không bao giờ nó khóc la hay buồn nản khi con tàu chạy vụt qua. Nó không vẫy khăn tay như thường tình, có lẽ vì nó không có khăn mù-soa, mà cũng không buồn vẫy tay, có lẽ nó cho đó là những cử chỉ ước lệ của phường trưởng giả thành thị. Thực tiễn hơn, nó chỉ biết câm nín và đứng yên lại để luyến lưu dõi theo đôi mắt nhìn con tàu qua đi rồi xa lần để biến dạng ở phía chưn trời.

 

Cứ mỗi chạng vạng tối là cậu bé kia có hẹn với đoàn tàu từ đồi núi đổ xuống đồng bằng để chạy vào rừng cây. Đó là đoàn tàu quan trọng chở khách du lịch hạng sang, với những toa giường ngủ và toa nhà hàng. Không phải là những con tàu chỡ hàng hóa mà người dân thường có thể la cà. Không đâu, đó là con tàu quý phái, bóng lộn, có những chữ ghi kỳ quái với những huy hiệu bí hiểm dưới cữa sổ.

 

Nhiều lần nhìn qua cửa sổ các toa tàu, cậu bé trông thấy những nhơn vật có vẻ trịnh trọng, ăn mặc toàn màu trắng, đầu đội mũ cũng trắng tuốt. Ba nó cho biết họ là mấy ông hỏa đầu quân, nấu bếp trên tàu. Kỳ nhỉ, nó nghỉ bụng, người gì mặc đồ trắng tinh lại đội mũ trắng nữa mà đi làm bếp?

 

Ba của cậu bé cũng chưa già mấy. Hàng ngày, ông canh tác thửa vườn cằn cổi, đất lộn đá, không cần biết ranh giới, vì chẳng có ai cạnh tranh, và nhiệm vụ chánh của ông là trông chừng đường sắt. Mỗi tuần, ông thả bộ hàng mấy chục cây số đi về để kiểm tra đường rầy, xem xét những cây xà ngang và coi chừng những đống đá nâng đỡ các đầu xà.

 

Mẹ cậu bé rất sùng đạo. Bà cũng đi bộ khá nhiều, nhưng những cuốc đi của bà chỉ diễn ra vài ba tuần một lần, độc nhứt vào sáng chủ nhựt để đi lễ nhà thờ ở khá xa nhà. Người ta chẳng thấy bà đi chợ bao giờ vì rau cải thì đã có thửa đất do chồng bà canh tác cung cấp. Thịt cá thì cũng do người đàn ông đó đem về cho bà từ những chuyến viễn hành thăm lom đường sắt. Thành thử ra những bữa ăn của gia đình này chủ yếu là thịt cá phơi khô, chỉ có rau cỏ là tươi.

 

Trong tình hình như vậy, đương nhiên là cậu bé chẳng bao giờ đi trường học vì có đâu để đi. Những khi rảnh rỗi, ba nó chỉ cho nó biết mặt chữ và hình dáng những con số. Ngoài ra, nó có nhiệm vụ chăn sóc một vài con trừu mà nó phải đưa đi gặm cỏ dọc theo đường sắt.

 

Ba mẹ cậu bé rất đỗi thương yêu nó nên ít khi rầy la, nói chi đánh đập. Năm khi mười họa, ba nó cũng nổi sùng cho nó bớp tai, nhưng cũng nhè nhẹ, mỗi lúc nó làm mặt giận mày hờn nhõng nhẽo hoặc trái ý cha mẹ. Một đôi khi người ta cũng bắt gặp nó nói dối. Nhưng cũng thông thường thôi chẳng đáng gì.

 

Nói cho cùng thì nó cũng là một cậu bé dễ thương và ba mẹ nó nghĩ rằng biết đâu ngày nào đó nó sẽ vào thị xã, làm được những chuyện gì đó không tên, hái ra bạc lại có tên tuổi trên báo chí. Nhưng đó chỉ là viễn tượng của cha mẹ nó. Riêng nó, đâu có nhìn xa như vậy.

 

Đời sống hiện nay của nó đã có một cái gì thỏa mãn trọn vẹn rồi. Còn hơn một thú vui, một kỳ quan, một niềm tin, một nỗi hy vọng, gần như một mối tình. Đó là nỗi mong chờ đoàn xe lửa của nó sẽ qua đây đêm nay, cũng như mọi đêm. Đối với nó, xe lửa đó như một tia chớp trong cái hỗn độn, trong cái ánh sáng của đời nó, tóm lại là một hình ảnh ngời chói của cuộc đời.

 

*  *  *

 

Một ngày kia, vào đầu xuân, buồn thay cậu bé ngã bịnh. Đã lâu nó không còn vui vẻ hồn nhiên, vui đùa ít hơn, mặt mày tái xanh. Xe lửa tới, nó cũng ra xem, nhưng không còn chạy theo nữa. Nó ăn ít đi và lần hồi hình như nó không rời chỗ nằm của nó. Những người chung quanh nó cảm thấy buồn phiền với nỗi buồn của nó.

 

Cuối cùng ba nó quyết định đưa nó đi thầy thuốc. Nhưng chuyện đó đâu phải dễ, mà chuyện rước thầy về nhà cũng khá nhiêu khê. Lôi thôi, rắc rối nhưng còn dễ hơn đưa nó đi. Ăn ở nơi miền đèo heo hút gió được cái an nhàn thanh tịnh, nhưng trái lại cũng có điều bất tiện.

 

Suy đi, tính lại, ba nó lội bộ đến một nông trại gần nhà, thỉnh thoảng có một chiếc xe tải chạy ngang. Bác tài xế xe tải có biết một ông thầy thuốc chịu khó di chuyển vì lòng từ mẫu lương y. Rồi một ngày nọ lão thầy lang cũng đến được, đủng đa đủng đỉnh trên lưng lừa của nông trại cho mượn.

 

Thầy thuốc chẩn mạch xong, thốt ra nhiều từ thông thái lạ tai mà ba mẹ nó và nó chưa nghe thấy bao giờ, làm cho ba mẹ nó cũng như nó sợ hãi lo âu. Mẹ nó òa lên khóc, ba nó cứng rắn hơn, vuốt ve mẹ nó nhưng với nét mặt u buồn. Nói chung là ai ai trong nhà cũng thoáng thấy rằng Tử Thần đang lảng vảng đâu đây.

 

Thầy thuốc đi rồi, ba mẹ cậu bé đâm ra dịu hiền hết mực với nó, một thái độ chưa hề có đối với nó. Hai ông bà bước tránh xa nơi nó nằm để khóc lén, nhưng trước mặt nó, họ vẫn tươi cười và chẳng bao giờ rầy la nó nữa.

 

Con người chúng ta ai mà chẳng như vậy? Mình phải bị một điều gì đó đe dọa, hăm he thì những người xung quanh mới thấy thương mình. Tất cả mọi săn sóc ân cần đó làm cho cậu bé, có nguy cơ đi xa về thế giới bên kia, cảm thấy một niềm vui sướng chi lạ. Nhưng có một điều làm cho nó nhiều đau khổ nhứt là con tàu kia, con tàu qua ngang hằng đêm đó, nó sẽ không được nhìn thấy nữa!

 

Bà mẹ, từ trước đến giờ cho chuyện nó đón mừng đoàn tàu chạy qua mỗi tối là trò chơi trẻ con, giờ đây bà mới hiểu ra rằng đó là sự đam mê của tuổi thơ, một đam mê có cơ dẫn đến mục tiêu cao hơn, phải thực hiện bằng mọi cách và mọi giá. Nên chi, bà đặt chiếc giường của nó sát cửa sổ để cho nó có thể trông thấy được đoàn tàu chạy qua mỗi tối.

 

Vậy là, hằng đêm, khi còi tàu báo hiệu từ bên kia núi đồi, cậu bé chỏi cùi chõ nhỏm dậy để nhìn cái lộng lẫy huy hoàng của thế giới chưa hề biết đến, chạy vụt qua. Nhưng cái nhỏm lên của nó ngày một yếu đi nên nó chẳng còn nhìn thấy được mấy.

 

Sáng hôm đó, cuối xuống nhìn con như mọi bữa, bà nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh chảy dài trên má. Đưa bàn tay gân guốc vuốt lấy mái tóc dịu mềm của bé thơ, cố cầm nước mắt của chính mình, bà khẽ hỏi con: "Con đau làm sao? Con đau chỗ nào?" Nó yếu ớt lắc đầu, nước mắt long lanh, như những đứa bé trai buồn lòng và hơi mắc cỡ. Và với một giọng bé nhỏ ngập ngừng, qua tiếng khóc thật ấm ức, nó cho mẹ nó biết rằng nó hằng mơ ước được bước lên xe lửa một ngày nào đó. Và ngày hôm nay đây nó biết rằng không khi nào bước lên xe lửa được vì xe lửa chỉ chạy vụt ngang quá mau và không khi nào ngừng lại. Nghe con nói bà mẹ vội vàng bỏ đi vì bà không chịu nỗi nữa khi nghe ước vọng không thành của con.

 

Kể từ hôm đó, cứ mỗi khi nhìn con, dường như bà nhìn thấy trong đôi mắt của trẻ một lời nguyện cầu não lòng và thầm lặng. Vậy rồi, ngày này qua ngày nọ, cậu bé không nói gì đến đoàn xe lửa nữa. Nhưng khi tiếng gầm gừ của đoàn xe xuất hiện từ phía núi đồi và khi cậu bé có gắng chồm lên là bà nghĩ rằng cuộc đời quá bất công và thật là dễ sợ.

 

Cũng như cậu bé, bà bắt đầu nghĩ tới chiếc xe lửa kia có giá trị đến bực nào trên cõi đời này và tất cả những gì mà con bà, bà và tất cả những nguời khác có quyền mong đợi và hy vọng. Rồi một đêm, khi cậu bé đã ngủ say, bà cho ông chồng biết mối quan hệ to tát giữa cậu bé và đoàn xe lửa mỗi tối chạy nhanh qua với tiếng động ồn ào và với nhiều ánh sáng xuyên qua cửa sổ các toa.

 

Hè qua, thu lại. Cậu bé vẫn cầm cự với vị Thần có lưỡi hái. Mặt trời chiếu sáng trong bầu trời càng lúc càng xanh, rồi nắng hanh vàng... Ba mẹ của bé lại thêm hy vọng. Lão thầy thuốc trở lại thăm con bịnh hai lần nữa. Thầy là một con người trung hậu, to cao mạnh dạng, đáng mặt bực ông của cậu bé. Thầy thấy có cảm tình với cậu bé trai vững chắc, can đảm, có thể sống tới trăm tuổi, đã phấn đấu khá nhiều với cơn bịnh, đến đổi ông thầy thuốc già của đồng ruộng, đã từng trải nhiều, cũng thấy cảm phục sức kháng cự của cậu bé có nét mặt khôi ngô.

 

Buổi tối lần thứ ba, sau khi khám bịnh, thầy ngoái cổ nhìn lại con bịnh nay đã trở thành người bạn thân thiết. Thầy tự nhũ rằng với nhiều tiền bạc hơn, con bịnh sẽ thoát khỏi. Người ta sẽ đưa nó đi bằng xe ngựa đến nông trại, rồi từ đó xe hơi sẽ đưa đi ra thị xã. Rồi thì bằng xe lửa, xe hơi, máy bay, người ta sẽ đưa nó vượt trùng dương hải lý tìm những bậc danh sư đã từng khoe thuốc này thuốc nọ chữa trị bá bịnh. May ra người ta làm được cho nó sống lại một đoạn đường đời nữa trước khi chết vĩnh viễn.

 

Vị thầy thuốc đang nghĩ mông lung rằng mình đã có phần lỗi lầm chữa chưa tới mức vì lý do này hay lý do khác, làm cho bậc cha mẹ của bé phải mất sáu tháng dài để khóc hết nước mắt. Thầy cảm thấy ân hận, bỗng nhiên ông thấy một tia mừng vui nổi lên trên gương mặt xanh xao của cậu bé đang ngóc đầu lên nhìn. Ông chưa hết ngạc nhiên thì bà mẹ cho biết:"Xe lửa tới!" Tàu hỏa chạy qua ngang làm rung rinh cả căn nhà. Tất cả qua đi, trả lại tĩnh mịch cho miền hoang dã và cậu bé chán nản để rơi cái đầu nặng chĩu vì bịnh hoạn lên chiếc gối vàng ệch.

 

Như vậy, sau ba má của cậu bé, đến lượt ông thầy thuốc cũng biết được điều bí mật của nó, một đứa bé không phải vì thiếu can đảm mà vì quá mong muốn được bước lên chiếc xe lửa. Và ông thầy thuốc đã nghĩ rằng cậu bé kia không được máy bay bốc đi chữa bịnh là điều bất công, tự nhũ rằng bằng mọi cách ông sẽ đưa nó lên tàu hỏa một lần, dù chỉ một lần duy nhứt, vì đó là điều nó ao ước nhứt trên đời.

 

Đêm đó, ông thầy thuốc về nhà hơi trễ vì ông phải ở nán lại bàn tính chuyện với ba mẹ cậu bé. Họ bàn tính đưa nó lên thị xã để đến nhà ga. Chuyến đi có thể làm nó chết, nhưng nó cũng nhìn được tận mắt chiếc xe lửa trước khi nhắm mắt. Họ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ này, nhưng cũng nán lại đôi ba ngày vì trước cái đau khổ và cái chết, trong thâm tâm con người còn hy vọng may ra còn có điều huyền diệu nào đó. Mọi việc xong xuôi, chỉ đợi thi hành, thì có một chuyện xảy ra làm xáo trộn hết.

 

Bà mẹ không rời giường con nửa bước vì nó lần hồi suy sụp trầm trọng, chỉ có lúc chạng vạng là hồi tỉnh dậy. Chỉ có chiều tối là nó tỉnh táo và có thể trao đổi được một vài câu. Trong khi mê sản, nó nói những gì không ai nghe được. Qua câu chuyện, đoàn tàu lại đến và bà mẹ thấy tiếc là phải ngưng chuyện đưa nó ra thị xã để coi xe lửa.

 

Đêm nọ, nó kêu mẹ nó lại hỏi rằng tại sao xe lửa không bao giờ ngừng lại trước ngôi nhà bé nhỏ của gia đình? Bà mẹ tìm cách trả lời để cho nó hiểu rằng xe lửa chỉ ngừng lại ở các nhà ga, còn căn nhà nhỏ này thì ăn nhầm gì mà nó phải ngừng.

 

Cậu bé như hiểu ra. Nó lặng thinh trong giây lát và lần đầu tiên từ sáu bảy tháng nay, nó không khóc mà hỏi rằng liệu nó có sắp chết không? Bà mẹ nghẹn ngào không nói năng gì. Bà cảm thấy lạnh cả người, chẳng biết phải nói sao. Sau khi lấy lại bình tỉnh và vựa vào niềm tin ở Chúa trên cao, bà nói với con. Xung quanh Chúa Hài Đồng có rất nhiều thiên sứ ăn mặc trắng toát là những cậu bé trai ngoan ngoãn không khi nào biết mình được chọn lựa và cũng chẳng biết lúc nào. Và bà cho nó biết nó thuộc loại những đứa bé như vậy.

 

Từ đó về sau, cậu bé không còn đề cập đến đoàn xe lửa mà cái chết cũng không. Và trong cơn mê sảng nó tưởng tượng ra một câu chuyện, lúc nào cũng một chuyện duy nhứt, là xe lửa ngừng lại trước nhà nó để nó leo lên mà bay lên trời, có Chúa Dê-Xu chờ nó trên đó. Rồi nó la bài hải:"Xe lửa! Xe lửa!" Mẹ nó phải chạy vội đến để trấn an nó.

 

Mỗi khi xe lửa đến thật, trong buổi chiều tối, trên nét mặt bịnh hoạn của nó thoán hiện một niềm vui sướng và chút hy vọng là rồi đây con rắng sắt thép kia cũng sẽ ngừng lại. Và lúc đoàn tàu dửng dưng và lạnh lùng qua ngang rồi biến mất với tiếng động thì trên nét mặt gầy gò của bé người ta thấy xuất hiện một niềm đau khổ nào đó, mông lung và không tên. Như chừng tất cả nghị lực trong người nó đã tan biến và nó bắt đầu khóc thầm mà chỉ dấu bên ngoài là  hai giọt nước mắt long lanh từ từ lăn trên đôi gò má hốc hác.

 

Ngày qua, đêm lại, hai vợ chồng già kia không chịu đựng nỗi cảnh khổ đau của con trai mình. Chắc cậu  bé còn đau khỗ gấp bội vì giờ đây nó phải bỏ đi nỗi thắc mắc trong lòng để nói thẳng với cha với mẹ. Và khi nó nói với cha: "Ba ơi, con muốn leo lên xe lửa!", thì ba mẹ nó tự vấn lương tâm, lòng hỏi lòng là hai người đã phạm lỗi lầm sai quấy gì, ở kiếp trước cũng như khi đang sống trên cõi đời này để cho đứa con ngây thơ duy nhứt của họ phải đền tội quá nặng như vậy?

 

Hai ông bà đâu có quen lớn gì với những bực quyền thế, nhưng chỉ có thầy thuốc là mối thân tình mới đây. Thầy thuốc đã thương tình cậu bé thì tức nhiên ông cũng thương tình hai ông bà. Nghĩ như vậy, hai ông bà ngồi xuống cặm cụi hí hoáy viết một lá thơ cho thầy thuốc.

 

Trong thơ, hai ông bà cho thầy thuốc hay rằng tình hình sức khỏe của cậu bé rất tệ, nó chỉ nói về chiếc xe lửa thôi và điều nó hết sức mong mỏi là xe lửa kia ngừng ngay trước nhà để nó leo lên mà đi về cõi trên. Đây là một lá thơ vô cùng giản dị, chất phác, rất dễ thương, viết trên giấy học trò, có kẻ ô vuông, với nhiều lỗi chánh tả và dĩ nhiên có một vài đốm mực.

 

Thầy thuốc nhận được lá thơ trong lúc đang khám cho một vị trạng sư trong thị xã, ốm đau vì cuộc sống quá bừa bải, trác táng. Đọc thơ, thầy thuốc tưởng nhớ tới cậu bé đang hấp hối nên nỗi buồn đã hiện lên nét mặt. Được hỏi bức thơ có gì làm buồn lòng, thầy thuốc không nói chẳng rằng, đưa luôn lá thơ cho luật sư xem.

 

Quan trạng sư rất gay gắt với những người yếu thế, yếu mềm với những kẻ mạnh và quyền uy, trên đời này chỉ có tiền là quan trọng hơn hết đối với ông. Vừa trao thơ, thầy thuốc vừa nói: "Tôi nghĩ ông đâu có quan tâm vụ này." Trạng sư không nói gì, trao trả lá thơ lại rồi bước ra khỏi phòng mạch.

 

Ba tiếng đồng hồ sau ông trở lại và hỏi mượn bức thơ. Thầy thuốc hơi ngập ngừng, rồi như có một động lực nào đó thức đẩy lương tâm, ông trao cho luật sư bức thơ mà chẳng muốn biết ông trạng sư mượn để làm gì. Thế rồi lá thơ mộc mạc của hai vợ chồng già ít học, nguệch ngoạc, rằn ri, vì thương con, cũng chạy được từ dưới đất đen lên tới văn phòng ông bộ trưởng giao thông vận tải.

 

Trong khi lá thơ xoàng xĩnh chạy qua những ngõ ngách nào không ai biết thì trên hiện trường thực tế, con tàu cứ chạy mỗi ngày, qua vùng đất đó hằng đêm. Con tàu cũng rít còi trước khi tới thung lũng, rầm rập chạy ngang đồng bằng để rồi lao hút vào rừng rậm đầu kia. Mỗi chuyến tàu qua, cậu bé như hồi tĩnh, mĩm cười để trấn an ba mẹ nó. Ba nó ẵm nó ra khỏi giường và vác nó lên vai như muốn ôm trọn tình thương vào lòng. Kề miệng vào sát tai nó, ông thủ thỉ như ru nó ngày còn bé.

 

Cậu bé không nói gì, nhưng ba mẹ nó biết rằng nó chưa muốn chết, nếu chưa bước được lên tàu hỏa. Ba nó vuốt nhẹ mặt và bàn tay nó rồi khẻ nói: "Mai mình sẻ đi ra thị xã, rồi con sẽ leo lên xe lửa." Cậu bé thì thầm đáp lại: "Con cám ơn ba! Con cám ơn ba!"

 

*  *  *

 

Cái ngày mai mà ba nó hứa hẹn đó đã đến, đã qua gần hết, mặt trời đã xế bóng và chiều hôm đang xuống lần trên cánh đồng nằm giữa núi đồi và rừng cây. Ba mẹ cậu bé bồn chồn không sao tả được vì rồi đây xe lửa lại vụt qua, với những tiếng động long trời chuyển đất. Cậu bé nằm yên trên vai ba nó, toàn thân đã giảm hơi nóng, bắt đầu lạnh lần lần. Nó không phản ứng gì với những dấu hiệu của đoàn tàu sắp đến như trước nay. Dường như nó chẳng nghe thấy gì. Nó không trả lời cho ba nó. Bà mẹ không khóc nữa vì đôi mắt sâu lõm và mỏi mệt trên gương mặt gân guốc đã cạn nước mắt.

 

Thời gian trôi qua nặng nề, ai cũng im lặng và bất động, lắng nghe hơi thở của bé càng lúc càng dồn dập trong đêm đen. Bỗng nhiên, ở phía núi đồi và thung lũng tiếng còi xe lửa hét lên như xé toạt màn đêm. Hôm nay, tàu súp-lê hai tiếng dài. Bà mẹ bịt tai lại, không muốn nghe. Ba cậu bé để nhẹ nó xuống giường, vuốt cặp mắt thơ ngây của bé rồi hai tay che mặt mình lại để khóc thương cho đứa con duy nhứt trong gia đình chết đi mà không toại nguyện.

 

Một ánh sao băng lạc loài xẹt ngang vùng trời của căn nhà lẻ loi trên cánh đồng có con đường sắt băng qua. Một ước mơ nhỏ nhen dưới "đất đen" làm sao một guồng máy to lớn "trên cao" thỏa mãn được!

 

Phan Quân

(Mượn ý từ "L'enfant qui attendait un train"

của Jean d'Ormesson)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.