.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Về chiến trường xưa

  • PSN - 16.1.2010

Sau khi "làm việc" với cán bộ của bộ nội vụ xong, Tân trở về khu giam tù lòng nửa hy vọng, nửa thắc mắc. Hy vọng vì, qua nội dung đối thoại với gã cán bộ, anh thấy rằng cánh cửa trại tù sắp hé mở, trả anh về với gia đình. Tuy nhiên Tân lại thắc mắc với câu hỏi cuối cùng của gã cán bộ: "Với cấp bực đại tá quân đội Sài Gòn lại được tha trước anh em cấp nhỏ anh có suy nghĩ như thế nào"?

 

Tại sao lại có câu hỏi như vậy, trong khi vấn đề đó chỉ thuộc phạm vi nội bộ của anh em tù cải tạo mà thôi. Mặc dù đã quanh co trả lời cho hợp ý của gã cán bộ, kẻo lỡ mất dịp may, nhưng thắc mắc đó của gã cũng làm cho Tân cảm thấy không yên lòng trước những hoài nghi của bạn bè, không phải chỉ những người cấp bực thấp hơn mà cả những người đồng cấp bực nữa.

 

Suốt thời gian đi tù, cứ mỗi lần có người được trại công bố "học tập tốt" để trả tự do là mỗi lần dư luận trong tổ đội, trong buồng giam và trong trại tù có đề tài để bàn ra tán vào. Thời gian tù đày đã quá dài và quá đủ để cho người ta nhận thức được thành ngữ "học tập tốt" của cộng sản có ý nghĩa như thế nào, một ý niệm mà máy vi tính dù tinh vi đến mấy cũng không sao phân tích nổi. Rồi đây dư luận sẽ chín nghi mười ngờ rằng anh có gốc bự ở Trung Ương Ðảng, rằng anh hợp tác với cộng sản theo cung cách nào đó, rằng anh nhận biệt vụ của Hà Nội,...

 

Trong xã hội thu hẹp nhưng thừa mứa hoài nghi của nhà tù, một dữ kiện dù nhỏ nhặt cũng phát sinh ra nhiều suy diễn và sự kiện nào có vẻ nghiêng về phía trại, phía cộng sản đều bị tập thể tù cải tạo coi là thù địch và nghiêm khắc lên án. Một đối tượng đã mang nhãn hiệu là người của trại rồi thì sẽ bị tập thể khai trừ, không trực tiếp công khai thì cũng gián tiếp và thầm kín. Từ đó về sau nếp sống của đối tượng sẽ không giống ai hết và tâm tư sẽ cảm thấy như gánh lấy một hình phạt gắt gao.

 

Phải là người "mặt chay, mày đá" loại thượng thặng mới có thể bất chấp dư luận trong trường hợp như vậy. Không những khó khăn trong trại mà khi ra tù rồi, dư âm của chuyện trong tù còn có cơ tác hại đến thời kỳ định cư ở nước ngoài sau này. Người bị giam cầm nhưng tin tức trong tù lại được loan đi rất xa, không những về đến Sài Gòn mà còn sang tận ngoại quốc.

 

Căn cứ vào thực tế đó, Tân bắt đầu thấy khổ tâm khi nghĩ đến dư luận trong bạn bè vào những ngày sắp đến. Vốn là con người mực thước, lúc nào cũng tuân hành kỷ luật và quy định của trại một cách tuyệt đối, nghiêm chỉnh từng ly từng tí một đến độ anh bị cho là một quái tượng, một kẻ "khiếp sợ cán bộ".

 

Với tinh thần đó, trước kia trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà chắc hẳn quân bạ của Tân nhất định phải hoàn toàn trong trắng, và thuộc cấp của anh phải khốn khổ với anh. Về đến buồng giam, Tân nằm buồn rã rượi không nói với ai lấy nửa lời mà cũng không buồn ăn uống gì chiều hôm đó. Ðến giờ điểm buồng, Tân cáo bệnh với buồng trưởng để khỏi phải ra xếp hàng vào buồng trước khi cán bộ trực trại khóa cửa qua đêm.

 

* * *

 

Ba tháng sau, nhân một buổi báo cáo nhân số thường lệ trước khi ra hiện trường lao động, thời điểm xuất trại được đình lại, báo hiệu chuyện bất thường. Tập thể tù cải tạo lại có cơ hội suy diễn. Kỷ luật người nào chăng? Chuyển trại chăng? Hay là tuyên bố đợt tha mới? Xôn xao chưa lắng dịu thì cán bộ trại trưởng xuất hiện cùng với cán bộ giáo dục và cán bộ an ninh. Ðám đông tù được lịnh ổn định để lắng tai nghe trại trưởng nói chuyện.

 

Cũng những luận điệu quen thuộc tràn đầy lỗ tai tù hơn mười mấy năm qua, từ trại này đến trại khác. Cũng những lời lẽ phê bình nước đôi kiểu "tốt mà chưa tốt, có người, có lúc, có nơi còn có hiện tượng tiêu cực, như thế này, thế nọ, thế kia..." Chung cuộc là để tuyên bố tha một người tù cải tạo "học tập tốt". Chỉ một người duy nhất, mà khá long trọng như vậy là vì đã hơn một năm rồi trại không có đợt tha tù cải tạo nào.

 

Bài nói chuyện của lão trại trưởng, tuy được phát ra với một niềm hãnh diện lộ liễu qua nét mặt dương dương tự đắc của một người tự cho mình có hành động ban ân và làm được chuyện vĩ đại, nhưng lại được tù cải tạo tiếp nhận một cách lạnh lùng. Sau hơn một thập niên tù đày, tù cải tạo đã đạt đến một kỹ thuật "tiếp thu" những lời lẽ "lên lớp" của cán bộ cộng sản mà trơ như đá, vững như đồng, một loại nước đổ đầu vịt. Trong những giây phút như vậy, họ để tư tưởng bay về một cõi mộng mơ nào đó, như là một phiên ngồi thiền, cho đến khi nào nghe những tiếng vỗ tay cò mồi là họ lại trở về với thực tại.

 

Những gì người cán bộ cộng sản thuyết giảng trước đông đảo phạm nhân đều là những câu nói để mà nói chớ nghe thì chắc chẳng ai nghe, đừng nói làm gì chuyện tin tưởng. Cho nên trình độ "cải tạo tốt" của Tân đem lại cho các đội lao động xuất trại ngày đó một đề tài bàn tán khá sôi nổi mà cũng làm cho lòng anh thêm nặng trĩu nỗi lo âu.

 

Các đội lao động đi hết rồi, Tân hối hả làm thủ tục ra trại, một thủ tục đặc biệt đối với anh vì phải rời trại ngay hôm đó, chớ không như những đợt tha trước kia. Tuy rằng như vậy anh đở phải nghe những lời đàm tiếu của bạn bè trong thời gian chờ đợi nhưng anh lại ấp ôm thêm nhiều mặc cảm. Thực ra Tân cũng chưa hiểu được tại sao trại lại "chiếu cố" anh đến như vậy vì, trong chừng mực mà anh biết được, anh không phải là người như bạn bè đang tưởng tượng.

 

Trước kẻng tan tầm lao động buổi sáng hôm đó, qua sự thúc hối của cán bộ trực trại, Tân từ giả anh bạn tù trực sinh và các bạn bè đau ốm đang nghỉ lao động có mặt tại buồng và nhắn gởi những lời cáo biệt đến bạn bè cùng đội rồi xách ba-lô ra đi. Anh được đi cùng với lão cán bộ trại trưởng trên chiếc "xe con" đưa lão ta lên Hà Nội công tác gì đó.

 

Ðã trăn trở vì những ẩn ức của chuyện ra về quái lạ của mình, Tân còn phải nghe thêm những "lời bạt" của phần lên lớp buổi sáng về "chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước đối với những người không chạy đi", xuyên suốt quảng đường mấy mươi cây số nghìn từ Nam Hà đến tận Hà Nội! Trong khi đó, anh còn phải đắn đo thêm về việc anh đi Hà Nội cùng xe con với trại trưởng nữa.

 

Ðược ra về với gia đình, điều mà người tù nào lại không thèm khát và mong muốn, nhưng lòng Tân buồn rười rượi vì không thực sự nhận thức mức độ "tiến bộ" của cá nhân và nhất là khi nhớ lại những cái bắt tay, những lời đưa tiễn thờ ơ đến lạnh lùng của bạn tù. Đó là chưa nói đến những lời lẽ nước đôi đầy tính châm biếm.

 

Tân không có được niềm tự hào của một học sinh thành đạt do những nỗ lực riêng tư. Thậm chí anh cảm thấy còn tồi tệ hơn khi thủ đắc một điều gì nhờ gởi gấm, chạy chọt. Suốt mấy ngày đêm trên chuyến tàu Thống Nhất để xuôi Nam, Tân gần như quẫn trí vì mãi suy nghĩ về trường hợp của chính mình và vì hình dung đến tình nghĩa sau này giữa bạn bè và anh.

 

Là con người vốn hay trăn trở ưu tư, anh đâm ra bức rức vô cùng và thấy hối tiếc vì mình đã được tự do không đúng lúc. Tự do ban phát trong một bối cảnh nào đó làm cho người thụ hưởng còn khổ tâm hơn thuở tù đày. Ðây cũng là một trong những cung cách thâm độc thuộc chương trình lao động cải tạo của cộng sản.

 

* * *

 

Sau những ngày rộn rã trong niềm vui sum họp, Tân chưa khuây khoả được nỗi buồn đeo đẳng từ trại Nam Hà thì một thông tin khác làm cho anh thêm sầu héo tâm can. Nhân một ngày vui miệng với ý định kể thành tích của đứa con gái yêu quý thì vô tình vợ anh lại khơi động thêm vết thương đang lở loét trong tâm tư anh.

 

- Ông biết không, ông về sớm được là nhờ con Thu Thảo đó.

- Nhờ Thu Thảo? Nó làm sao mà gỡ cho tôi được?

- Chẳng là trong lúc ông còn trong trại, gia đình không tiện báo cho ông vì sợ ông lo nghĩ có ảnh hưởng xấu đến việc học tập. Thu Thảo nó đã lập gia đình hồi năm ngoái...

- Nó lấy chồng thì có gì mà phải giấu tôi, nó đi theo người ta à?

- ... đâu có, cưới hỏi đàng hoàng chớ. Chồng nó cũng là người danh giá và nhờ vậy mới bảo lãnh được ông...

 

Tuần tự theo giòng kể chuyện của bà vợ, Tân cảm thấy người anh càng lúc càng nóng lên vì tức giận. Thì ra, Thu Thảo, sang Pháp du học dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, đã tiêm nhiễm chủ nghĩa cộng sản, một loại á phiện tinh thần mà Hà Nội đã mưu mẹo mớm cho sinh viên học sinh du học. Từ lâu, con gái của anh đã đứng vào hàng ngũ "Việt kiều yêu nước", bất chấp và mâu thuẫn với thành phần xã hội của gia đình ở quê nhà.

 

Sau khi Sài Gòn sụp đổ và thấy rõ rằng hành động của mình sẽ không có tác động tai hại nào đối với sự nghiệp của cha mình, cô leo thang một bước nữa là gia nhập đảng cộng sản Pháp, dưới sự dẫn dắt và bảo trợ của Jean-François, người bạn cùng khoa, nay là chồng cô.

 

Jean-François, một đảng viên cộng sản Pháp rất năng nổ, là người tín cẩn của "đồng chí" tổng bí thư Georges Marchais và đang là giới chức hàng đầu trong toà thị chính một khu quản hạt thuộc vùng ngoại ô xa của Paris. Dựa vào uy tín và ảnh hưởng của chồng, Thu Thảo đã mấy lần đi về giữa Paris và Hà Nội để can thiệp cho Tân nhưng không lần nào ghé qua trại tù thăm cha.

 

Tiếp nhận những tin tức đó, tâm tư Tân đã chết đi một nửa. Bỗng dưng anh thấy mình là một chấm đen vô duyên trong bối cảnh màu hồng của niềm vui gia đình. Gắn bó với quân lực Việt Nam Cộng Hoà trên tuyến chống cộng hai mươi năm có dư giờ đây lại vô tình đứng vào phe đối nghịch anh cảm thấy trơ trọi bơ vơ!

 

Những người ở thế đứng mới hôm nay vô cùng xa lạ với anh còn bạn bè ở chiến tuyến cũ thì nhất định là phải nhìn anh với một nhãn quan hoài nghi, nếu chưa phải là thù nghịch. Buồn, Tân mang một nổi buồn trọng đại, ngày này sang ngày khác anh cứ lầm lì chẳng nói năng gì với ai, ngay cả với vợ anh, người mà anh cho là có phần nào hảnh diện về Thu Thảo. Do đó không một lời khuyên bảo hay an ủi nào của gia đình có ảnh hưởng đến anh, không trấn an được anh lại càng làm cho anh thấy mình đã đi ra ngoài quỹ đạo gia đình.

 

Theo đà năm tháng, anh thấy mình vô cùng cô đơn giữa giòng sinh sống của thành phố, đôi khi anh lại thấy nhớ nhung và hối tiếc nếp sống tù đày nhưng ngập tràn tình nghĩa bằng hữu, chiến hữu và bạn tù. Không phải tự do nào cũng làm cho con người thoải mái và không phải tự do nào cũng đáng trân trọng.

 

Ðược tha về nhưng "Giấy Ra Trại" lại ghi chú rằng anh là thành phần phải được địa phương theo dõi. Do đó, ngoài việc mỗi tuần anh phải trình diện trụ sở công an phường trong vòng ba tháng và sau đó mỗi tháng một lần, gã công an khu vực quấy rầy anh không ít. Thừa nước đục thả câu, gã công an khu vực tìm cơ hội đến nhà "thăm" anh một đôi lần trong tuần với lý do kiểm soát nhưng thực ra là để kiếm chác.

 

Người dân trong chế độ công an trị dù chẳng ưa thích gì những người trên lý thuyết là "bạn dân" đó nhưng cũng phải cố gắng làm đẹp lòng gã công an khu phố vì đó là tai mắt của chế độ, lúc nào cũng rình rập dân chúng thuộc "địa bàn hoạt động" của gã. Và, hơn ai hết, những gia đình gốc "ngụy quân, ngụy quyền" được gã "chiếu cố" thật đặc biệt.

 

Gia đình Tân không thoát khỏi quy luật thực tế đó, nhất là anh vừa mới ra trại trong vòng quản chế địa phương chờ ngày được trả quyền công dân. Theo phép lịch sự của người Việt Nam, khách đến nhà không trà thì nước nhưng công an cộng sản đến nhà cựu tù cải tạo vừa ra trại nhất định phải được tiếp rước chu đáo hơn. Cho mọi việc đều tốt đẹp nên nước thì nước ngọt hoặc bia và kèm theo là thuốc lá ngoại hay ít nhất thuốc nội nhưng phải "có cán và đeo nhẫn", hút tại chỗ và đôi khi còn mang về! Ngoài ra, thỉnh thoảng một hai đêm trong tuần Tân được gã công an đến mời đi làm nhiệm vụ với tổ dân phòng, canh gác và tuần tiểu đường phố.

 

Anh nhớ lại những ngày đêm trong tù, ngoài chuyện lao động do trại chỉ định, anh được yên thân ngủ thẳng giấc trong đêm, có đâu mãi mãi hồi hộp như bây giờ. Mỗi tiếng chuông gọi cửa là mỗi lần anh phải nhổm dậy xem ai đến. Mỗi tiếng chó sủa trong đêm là mỗi lần tim anh phập phồng lo sợ. Vốn đã yếu tim nên những biến động nho nhỏ ấy làm cho anh mang thêm chứng bệnh tim có nguy cơ ngày thêm trầm trọng. Ðể giảm thiểu khuynh hướng tai hại đó, anh quyết định cắt điện đuờng dây chuông gọi cửa và cho con chó nhà anh uống thuốc an thần mỗi tối để nó ngủ qua đêm.

 

Mất ngủ thường xuyên, bực bội suốt ngày, Tân gần như loạn trí nên có những phản ứng và hành động khác thường. Gia đình bắt đầu lo ngại, mua cho anh một chiếc xe đạp và khuyên anh nên dạo chơi phố phường, tiếp xúc bạn bè và đến thăm thân thuộc để tìm khuây khoả cho tâm tư. Anh cũng thử đi đây đi đó thay đổi cái nhìn, thay đổi suy nghĩ.

 

Thế nhưng, dường như sinh hoạt đó lại tạo cơ hội cho gia đình thấy rằng mức độ quẫn trí của anh đã không giảm mà còn làm cho anh trở lại với thói quen không đẹp của thời tù tội. Ngày nào đi rong chơi về, đàng sau bọt-ba-ga của xe anh cũng có một cuộn bao ny-lon. Thì ra, trong hành trình đạp xe ngang dọc thành phố, thỉnh thoảng anh dừng xe lại để lượm những bao ny-lon rơi rớt trên đường, một thói quen của tù cải tạo trong trại giam để gom góp chất đốt nấu nướng thức ăn.

 

Thói quen của nếp sống trong tù hằn sâu trong tư tưởng Tân làm anh nhận thấy gia đình ăn tiêu quá mức so với tình hình thu nhập. Không chấp nhận cung cách sinh hoạt của gia đình, anh tự nấu nướng lấy như những ngày đi tù cải tạo. Gia đình giải thích và khuyên lơn mấy anh cũng không nghe. Tinh thần kỷ luật nghiệt ngã và thái quá trong thời tù đày cải tạo đã biến đổi tâm tính anh theo một chiều hướng xấu so với xã hội bên ngoài và với sinh hoạt của gia đình. Thấy rằng anh đã mang nặng dấu ấn của "học tập cải tạo", gia đình buồn rầu vô hạn nhưng cũng đành bó tay để cho anh tùy ý hành động.

 

Một thời gian sau, qua tiếp xúc với bạn bè cũ có lúc ở cùng trại, những mối liên hệ đồng cảnh ngộ trong quá khứ tù đày cũng như trong hiện tại lần hồi hé mở cho anh một lối thoát. Những câu chuyện trao đổi nhau ở "xóm chợ trời tin tức" trước sở ngoại vụ thành phố, từng bước một cho anh hiểu ra rằng xin đi đoàn tụ gia đình ở nước ngoài là một điều khả dĩ đối với những người của chế độ cũ, chớ không phải là trốn chạy như những "bài học" đã dồn vào đầu óc anh.

 

Cùng với đông đảo bạn bè, Tân mạnh dạn nộp đơn xin đi đoàn tụ và định cư. Trái với ý muốn của vợ anh, đã được Thu Thảo hướng dẫn, anh xin đi Hoa Kỳ đoàn tụ với người con trai của anh. Qua tin tức thu lượm được, nhưng cũng trùng hợp với ý định của anh, Tân đã quyết định chọn lấy hướng đi đó dù rằng vợ anh có cho biết là người con trai không có nhiều phương tiện để lo cho gia đình bằng cô con gái vốn đã ổn định cuộc sống ở Pháp từ lâu.

 

Hồ sơ được chấp nhận và chuyển đi nhanh chóng vì với hai nguồn "kiều hối" vợ anh đã thức thời dọn đường sẵn cho hồ sơ. Khoảng mười tháng sau, hai ông bà được mời đến gặp phái đoàn phỏng vấn của Mỹ. Ðến hẹn, lòng hân hoan thơ thới, hai ông bà dẫn nhau đến sở ngoại vụ thật sớm, ông thì âu phục chỉnh tề, cà-vạt áo vết cẩn thận, bà thì đã đi làm tóc ngày hôm trước và áo dài tha thướt, đẹp dáng mệnh phụ phu nhân.

 

Sau mấy tiếng đồng hồ ngồi đợi và được gọi tên mời vào, lòng anh rộn rã vui mừng ra mặt và phát ra thành tiếng, khi nhìn thấy phái đoàn Hoa Kỳ anh vội vàng chào hỏi ngay bằng tiếng Mỹ. Một trong những nhân viên của phái đoàn phỏng vấn là ông cố vấn cũ của anh trước năm 75, nay đã chuyển ngành. Nhưng, viên chức Việt Nam của sở ngoại vụ đã lên tiếng chỉnh ngay làm cho anh phải chui trở vào cái vỏ ốc nhút nhát cố hữu :

- Ðừng quên rằng anh vẫn còn là người Việt Nam đấy nhé!

 

Thế nhưng, người Mỹ kia cũng không vồn vã gì lắm đối với anh và chỉ chào hỏi đáp lễ chiếu lệ. Từ đó, xuyên suốt qua buổi phỏng vấn, những trao đổi và đối đáp giữa vợ chồng anh và phái đoàn đều phải qua sự thông dịch của viên chức kia. Thất vọng đầu tiên lót đường cho nỗi bất hạnh khác nặng nề hơn vì vợ chồng anh bị Mỹ từ chối nhập cảnh với lý do là anh đã được con gái ở Pháp bảo lãnh ra trại.

 

Mỹ không viện dẫn thêm những yếu tố khác dù họ không xa lạ gì khuynh hướng chính trị của Thu Thảo. Ra khỏi sở ngoại vụ, bộ y phục tươm tất buổi sáng giờ đây lại nặng nghìn cân, mồ hôi Tân nhễ nhại dưới ánh nắng Sài Gòn trong khi tâm tư anh rối bời. Ðối với anh, thành ngữ "Mỹ bốc" đã là một ảo ảnh đang lần hồi tan biến!

 

* * *

 

Sau hơn một năm định cư ở Pháp và qua hoạt động trong một hội đoàn tranh đấu hải ngoại, Tân lần hồi cảm thấy mình hội nhập trở lại với môi truờng chiến đấu xưa cũ. Mặc cảm về tư thế đối kháng lại bạn bè và chiến hữu ngày xưa cũng lần hồi tan biến trong tâm tư anh.

 

Không thấu hiểu được nguyên do sản sinh ra thái độ vui tươi, hăng hái và yêu đời của Tân, vợ và con gái anh cảm thấy khích lệ vô cùng. Những người phụ nữ đó nghĩ rằng chồng và cha họ đã hoà mình được với nếp sống mới nên rất yên tâm. Từ đó, họ thấy không còn nhu cầu theo dõi anh nữa để nếu cần thì giải cứu cho anh như từ trước đến nay. Về phần mình, Tân cũng giấu kín sinh hoạt của anh, không những đối với Thu Thảo mà cả đối với chị Tân vì, theo anh thì đó là một điều bí mật không phải của riêng anh mà còn của tổ chức nữa.

 

Nhờ ở chút tài sản riêng tư đã được chuyển ra ngoại quốc trước kia và qua cung cấp của hai người con, hai vợ chồng Tân không cần phải xuôi ngược đi tìm công ăn việc làm như những người định cư khác dù hai ông bà chưa đến tuổi về hưu. Nhờ vậy và nhất là nhờ vợ con anh nới lỏng mức độ quan tâm, anh có được cơ hội dành hết thời gian, công sức và trí tuệ cho công cuộc đấu tranh vì dân tộc và đất nước.

 

Một hành động được Tân coi như là một ngọn đèn dầu, trước khi tắt hẳn còn loé lên một lần cuối trước khi đi vào cõi mịt mù. Không phải đương đầu với nỗi ám ảnh xuất phát từ gã công an khu phố và hết mặc cảm dị ứng truớc bộ đồng phục màu vàng da bò khó thương, Tân cảm thấy thơ thới nhẹ nhàng nên rất hăng say và tích cực hoạt động.

 

Mùa hè năm đó, Tân đi Mỹ để thăm Thanh, người con trai đã vượt biển định cư tại đây từ lúc anh còn trong thời "học tập cải tạo". Vợ Tân cũng muốn cùng đi với anh nhưng không được vì phải ở lại Pháp để săn sóc Thu Thảo chuẩn bị sanh lần đầu tiên, một lần sanh mà bác sĩ dự kiến sẽ có khó khăn.

 

Theo dự định thì anh chỉ ở bên đó trong dịp hè nhưng mãi đến gần Tết âm lịch cũng không thấy anh trở về Pháp mà cũng chẳng thấy có tin tức gì hết. Nóng lòng chờ đợi, gia đình phải điện thoại hỏi Thanh. Bấy giờ mới vỡ lẽ ra là Tân có sang Mỹ nhưng chỉ ở chơi với Thanh có hai tuần lễ rồi cho Thanh biết là phải sang Cali để thăm gặp bạn bè. Tân cũng không cho Thanh biết là đến nhà ai và bao giờ sẽ kết thúc thời gian ở Mỹ. Cho nên Thanh cứ yên chí là Tân đã về Pháp trong lúc gia đình bên Pháp lại nghĩ rằng Tân đang ở Hoa Kỳ.

 

Như vậy là anh bặt tin cũng khá lâu truớc khi gia đình bắt đầu tìm cách xác định vị trí của anh. Thế là chín nghi, mười ngờ, hết giả thuyết này đến nghi vấn nọ. Gia đình cho rằng Tân lại bị chứng rối trí, lạc mất lối về. Ðiện thoại và điện tín đi khắp nơi, thậm chí nhắn tin trên các báo Việt Nam hải ngoại để cố tìm ra vết chân anh nhưng tất cả đều hoài công. Gia đình buồn rầu vô hạn, gần như chịu một cái tang. Thời gian rồi cũng qua mau, nỗi tuyệt vọng trăm đắng nghìn cay rồi cũng từng bước một rơi vào quên lãng, khi mà trong cuộc sống bận rộn và bon chen giữa cõi trần ai không để cho con người cứ ngày đêm tiếc thương dỉ vãng mà xao lãng hiện tại.

 

* * *

 

Tân đã âm thầm biệt tích trong lúc tưởng đâu cuộc đời anh đã tai qua nạn khỏi, tận hưởng được niềm vui hạnh phúc của thuở cuối đời. Nếp sống thoải mái của con người trong bối cảnh công bằng bác ái của chế độ tự do biết tôn trọng nhân quyền đã đánh thức lương tâm anh và thôi thúc anh đi theo một hành trình mới.

 

Từ lúc mới lớn vào đời, hoàn cảnh đã gò bó anh vào một bối cảnh chỉ biết có chấp nhận và phục tùng, không dám mạnh dạn sửa đổi để hoàn chỉnh mà chỉ muốn yên thân đến trở thành đồng lõa dẫn đến thất bại chung của dân tộc. Sau hơn mười mấy năm gọi là "học tập cải tạo" kia, cộng sản muốn gột rửa tư tưởng anh nhưng lại vô tình hé mở cánh cửa cho anh nhìn thấy một vùng trời khác, lẽ ra anh phải thấy từ những ngày xa xưa.

 

Hối tiếc về một thời kỳ bị đánh mất, anh muốn có cơ hội đền tội một cách tích cực. Một bộ óc đã tiếp thu nhiều dữ kiện từ những ý thức hệ đối địch nhau, biết tự do suy nghĩ và biết phân biệt, gạn lọc những tri thức, đương nhiên phải đưa anh đến chỗ có hành động thuận lý với chính mình.

 

Thời thế đã trả người chiến sĩ giác ngộ kia về lại chiến trường xưa, cho anh sống lại một thời ngang dọc, không chút mặc cảm. Một ngày nào đó, cảnh thiên đường mà anh đã một lần lỡ tay góp phần đánh mất, sẽ được tạo dựng trở lại với bàn tay đầy ý thức của anh. Bấy giờ niềm vui của gia đình sẽ đồng điệu hoà nhịp cùng với niềm vui đích thực, lồng vào nỗi hân hoan rộng lớn của quê hương và dân tộc.

 

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.