.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Đường xưa lối cũ

  • PSN - 30.1.2010

Sau thời gian thăm nuôi, Trang kéo vào một xe cải tiến đầy tràn thực phẩm và quà mà gia đình mang đến cho anh. Với sự tiếp tay của anh em cùng buồng, Trang chất những gì trên xe cải tiến xuống thành một đống to nằm giữa hành lang trước buồng rồi bỏ mặc đó đi vào nằm thở dài. Không thấy có niềm vui trên nét mặt như những người khác sau chuyến thăm gặp gia đình, mặc dù đây là lần đầu tiên anh gặp gia đình từ khi trình diện đi "học tập cải tạo" đến nay gần năm năm.

 

Anh em trong buồng rất muốn hỏi thăm Trang về những tin tức bên ngoài mà thông thường những người vừa được thăm nuôi mang vào rất sung túc. Thế nhưng, với thái độ chán chường của Trang, anh em cảm thấy ngại ngùng nên đành tôn trọng sự im lặng của Trang. Nỗi buồn của Trang kéo dài khá lâu, gần cả tuần lễ.

 

Qua một vài chỗ thân thích với Trang, người ta được biết trong chuyến thăm nuôi đó, con gái của Trang đem đến cho Trang một tin buồn. Chị Trang đã mất tích gần một năm qua trong chuyến vượt biển cùng với đứa con trai duy nhất mà chị muốn tìm hướng tương lai cho nó ở Hoa Kỳ. Trong những kỳ thơ hàng tháng, gia đình không dám báo tin cho Trang vì sợ gây xúc động do chỗ thơ từ cho tù không thể giải thích được dài dòng. Hơn nữa, gia đình sợ rằng thơ qua kiểm duyệt thì trại sẽ biết và do đó không thuận lợi cho quá trình "học tập cải tạo" của anh. Bây giờ thì không còn giấu mãi được nữa nên nhơn chuyến gặp mặt này gia đình quyết định phải thông báo cho Trang chuyện quan hệ đó.

 

Nỗi buồn cứ ray rứt, những ngày lao động của Trang có cũng như không và sức khỏe của anh ngày một sa sút. Trang xin cán bộ quản giáo cho anh nghỉ lao động một ngày nhưng tâm tư Trang cũng không để cho anh được yên. Tình hình thể chất của Trang sa sút trầm trọng, cứ phải nghỉ lao động hoài. Sợ mất điểm thi đua, quản giáo đội đành bố trí anh vào loại lao động tại lán.

  

ß

 

Trang nằm dài, nghĩ vẫn nghĩ vơ, nghĩ về quãng đời ngang dọc một thời của anh. Ðang là giáo viên ở một trường tiểu học tỉnh lẻ, Trang nhận lịnh động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Ðức, sau khi tướng De Lattre đòi hỏi thanh niên Việt Nam phải đóng góp vào cuộc chiến tranh chống lại cộng sản, một cuộc chiến mà ông cho rằng chủ yếu là của người Việt Nam.

 

Ra trường với cấp bực thiếu úy trừ bị, nhiệm sở của Trang là một đại đội khinh binh đóng đồn ven biên thị xã Cà Mau. Quanh năm suốt tháng làm bạn với muỗi trên trời và đỉa dưới nước lợ, mãi mãi đương đầu với nguy cơ cộng sản, Trang thấy cuộc đời đi lần vào ngõ bí.

 

Tuổi đời còn trẻ, vừa bước qua ngưỡng cửa đôi mươi, Trang mơ tưởng đến những vùng trời xa lạ. Ðúng lúc đó thì bộ tổng tham mưu ban hành thông cáo tuyển dụng người tình nguyện vào quân chủng Không Quân đang hình thành. Thế là Trang có được dịp may để thỏa mãn ước mơ của tuổi thanh niên.

 

Sau một năm có hơn, xuôi ngược qua các trường của Không Quân Pháp ở Bắc Phi cũng như ở chính quốc, Trang trở về Việt Nam với cấp bực trung úy Không Quân trong bộ quân phục nhiều sức quyến rủ. Bị tiêm nhiễm tinh thần hãnh diện và tự hào về quân chủng của Không Quân Pháp và mang lấy một niềm tự tôn cố hữu của tuổi trẻ vừa xuất ngoại về, Trang tự cho mình thuộc giới ưu tú của quân đội Việt Nam.

 

Là "tinh cầu bay trong đêm trăng", như trong bài hát của Văn Cao, là người vốn cho rằng "không gian tuy rộng lớn nhưng nhỏ hẹp trong tay người phi công", lại cộng thêm cái tuổi trẻ vừa ở Tây về nữa nên thầy giáo Trang ngày xưa giờ đây đã biến đổi rất nhiều. Những chỗ mà song thân Trang đã từng quan tâm để chọn dâu hiền trước kia thì nay Trang cho là quá tầm thường.

 

Thế môn đăng hộ đối và chuyện loan phụng hòa minh ngày nay của một trung úy Không Quân Quốc Gia Việt Nam không còn có thể là của một thầy giáo "quèn" được nữa rồi. Trang đã vội quên đi quá khứ căn bản của gia đình, một quá khứ thường được dân gian nói lên qua câu ca dao: "Dưa leo chấm với cá kèo, Con nhà nghèo mới học Normale".

 

Ba má Trang đâm ra bối rối đành lơ là chuyện dựng vợ cho Trang, chờ thời gian quyết định. Trong khi đó Trang sực nhớ lại một mối quen biết mà anh đã xây dựng từ thuở theo học quân trường Thủ Ðức. Trong trường hợp này, Trang lại gặp nỗi đắn đo của song thân:

- Mày nghĩ lại đi, chớ ba mày với tao thấy ngại quá. Người ta là chỗ quyền quý. Phủ, huyện thời Tây đâu phải vừa con?! Mình gối rơm, yên phận gối rơm vậy...

- Ba má cứ mặc cảm hoài. Con bây giờ khác rồi, đâu còn là thầy giáo quèn nữa. Người ta quyền quý, bộ con không quyền quý sao? Cái bằng Không Quân Tây của con còn giá trị gấp mấy phủ huyện ngày xưa nữa đó. Bằng của Tây, con phải trầy vi tróc vảy mới có được chớ bộ dễ dàng gì sao?

- Ba má chỉ sợ người ta từ chối thì mình lại thêm xấu hổ tủi thân...

- Ba má cứ cậy người mai mối đi, phần còn lại để con lo.

 

Trang còn nhớ, như vừa mới hôm nào đây, những cuộc tiếp xúc của nhóm khoá sinh sĩ quan trừ bị với gia đình ông phủ Thọ ở gần chợ Thủ Ðức. Một nhân sĩ Tây học vừa mới về hưu sau khi mãn nhiệm ở văn phòng Quốc Trưởng Bảo Ðại. Thời đó, quần chúng chưa có cảm tình mấy với nhà binh, sau khi đã nếm nhiều cay đắng với quân đội viễn chinh Pháp qua những lần bố ráp.

 

Thế nhưng, gia đình ông phủ Thọ thì lại khác, nhất là hai ông bà có mỗi một cô con gái ở lứa tuổi cập kê nhưng lại là sản phẩm của Mụ Bà trong phút lo ra nên ít được những chàng trai để ý tới. Làm thân con gái mà không đẹp lại chẳng chút duyên ngầm thì quả thật đã sanh lầm thế kỹ!

 

Biết rõ phận mình nên cô Thọ Xuân rất thoải mái và tự do, lại được hai ông bà phủ chiều con để bù trừ vào chỗ thiệt thòi thiên bẩm của đứa con gái rượu trong gia đình. Từng là nhân viên chánh quyền cận kề với người lãnh đạo cao nhất nước ít ra ông phủ cũng phải biểu lộ lòng hiếu khách đối với những người trong tương lai sẽ điều hành lực lượng võ trang của đất nước. Hơn nữa, cả hai ông bà đều muốn có một cơ hội cho Thọ Xuân, trong tinh thần "trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân".

 

Sau khi du học trở về khoảng một tuần lễ, Trang đến thăm gia đình ông phủ để nhận định tận mắt những biến chuyển của gia đình này, nhất là của Thọ Xuân, mà trong suốt thời gian du học Trang vẫn duy trì liên lạc thơ từ, trong tinh thần bạn trai, bạn gái. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", ngày một ngày hai qua những lần lui tới, Trang cảm thấy dường như tình yêu độc đạo đã bén mảng đến với mình.

 

Trang vận dụng những bài tâm lý học ứng dụng của lớp sư phạm để phân tích, cân nhắc, đắn đo, suy đi tính lại nhưng vẫn thấy khó đi đến kết luận cho đến khi anh nhận diện được cảm tình mà ông bà phủ đã dành cho anh trong những kỳ lui tới mới đây, mặc dầu ngoại hình của anh, với chiều cao thước rưởi, không đáng được ông bà phủ chiếu cố. Dựa vào câu "vợ đẹp là vợ người ta" và cảnh "chuột sa chĩnh gạo", Trang càng vững tâm quyết định cho nên anh mới đốc thúc song thân anh trầu cau bước tới. Thế là từ đó cô Thọ Xuân đã trở thành bà trung úy Trang, đem lại cho gia đình ông phủ Thọ một niềm vui vô hạng vì đã giải quyết được một "quả bom nổ chậm" trong nhà.

 

Duyên nợ trong bối cảnh như vậy cũng chỉ là gió thoảng mây bay vì bên nào cũng dựa vào cái chẳng phải là tình yêu thực sự để cướp lấy mục đích yêu cầu hầu thỏa mãn tham vọng và ước muốn riêng tư. Rồi thì chuyện gia đình cũng chỉ là một loại bình phong, một thứ nhạc nền để cho Trang tung hoành thực hiện điều mà người quân nhân Không Quân tự cho là lối sống "hào hoa phong nhã" của mình.

 

Với sự ra đời của đứa con thứ nhì và bắt đầu chán chường với cảnh tình yêu gượng ép, Trang đi tìm một loại tình yêu chân thật. Nhưng, bà trung úy Trang đâu dễ dãi trong chuyện tình yêu chia đôi xẻ ba. Thế là có những trận bắt ghen đã một thời làm xôn xao dư luận binh chủng Không Quân và sản sinh ra những đề tài cho thiên hạ phiếm luận.

 

Tuy nhiên, không vì vậy mà bà trung úy Trang thành công trong việc bắt buộc người sĩ quan Không Quân kia phải chung thủy với riêng bà. Nếu người đi biển thường tự hào với câu "mỗi bến cảng, một nhân tình" thì Trang cũng có thể hãnh diện để nói rằng cứ mỗi sân bay anh ghé qua là có một người yêu. Nếp sống gia đình Trang cứ nhì nhằn lôi thôi mãi cho đến khi sự tan rã của miền Nam bỗng nhiên lại giải quyết những tình huống khó xử cho Trang.

 

Chuyện Trang đi tù cải tạo khiến cho những "bà vợ" của anh mất đi đối tượng tranh chấp. Như hai mươi hai cầu thủ đang hào hứng sôi nổi bỗng dưng quả bóng da lại bay bổng mất hút về một phương trời nào.

  

ß

  

Từ chuyến thăm nuôi đó trở đi và sau nhiều ngày trầm tư mặc tưởng, nằm dài và thở ra, Trang quyết định ăn uống theo chế độ trường chay, dĩ nhiên là sau khi giải quyết hết những thực phẩm mặn mà con gái anh mới vừa tiếp tế. Một quyết định tương đối cũng dễ thực hiện vì hàng ngày những bữa cơm do trại phát cũng thường được anh em tù cải tạo gọi là "cơm chay" vì phổ biến thì chỉ có cơm, chút rau luộc và nước muối, được gọi một cách tao nhã là "nước đại dương".

 

Dưới một hình thức nào đó, Trang muốn trừng phạt bản thân anh về những sai quấy và những thiếu sót xưa cũ đối với người bạn đời mà cha mẹ đã xe duyên kết nghĩa cho anh và nhất là do anh chủ động. Trang muốn gò bó thân xác anh vào những sự thiếu thốn vật chất như những nhà tu hành chân chính. Vừa được tiếp tế quá nhiều nên Trang quên rằng bao nhiêu năm qua trại tù đã đương nhiên làm khổ thân xác anh với những bữa ăn thiếu trước hụt sau. Do đó ý định trường chay của Trang ngẫu nhiên đã được trại dọn đường từ trước. Thế nhưng, trong bối cảnh được gia đình tiếp tế đầy đủ như hiện nay, ý định đó của anh cũng cho thấy anh có một ý muốn đích thực và sự tự trừng phạt của anh quả thật cũng có chút giá trị.

 

Ngày rằm tháng mười năm đó, mà người theo Phật giáo gọi là rằm lớn, Trang yêu cầu người tù phụ trách hớt tóc cắt cho anh một cái tóc ngắn tối đa, tượng trưng cho hành động xuống tóc của anh. Lẽ ra Trang định hớt trọc nhưng đó là điều cấm kỵ trong trại vì bị coi như là một hành động phản kháng. Sau khi "xuống tóc", Trang bắt đầu hành trình trường chay thật sự. Mặc dù đã được chế độ ăn uống của trại tù chuẩn bị tâm, sinh lý để sinh hoạt một cách khổ hạnh, nhưng dĩ vãng "hào hoa phong nhã" của một sĩ quan Không Quân lại có vợ giàu như Trang không nhanh chóng tạo điều kiện cho anh trường chay một cách dễ dàng mà không phải phấn đấu khá gay go.

 

Những đêm đầu của hành trình trường chay, Trang cứ mãi bị lương tâm lẫn dạ dày ray rứt làm anh cứ phải trăn trở thâu đêm suốt sáng. Cũng may mà những thức ăn mặn trong đống thực phẩm do gia đình tiếp tế Trang đã phân phối đi hết rồi, nếu chưa thì chắc là anh phải có một cuộc đấu tranh quyết liệt để chống lại cái ma lực của sự thèm thuồng.

 

Ác nghiệt thay, dù Trang nói gì thì nói, gia đình cũng không chấp nhận kế hoạch trường chay của anh vì sợ rằng nó sẽ tác hại đến sức khỏe của anh nên vẫn tiếp tục gởi vào thức ăn mặn để cho anh có đầy đủ chất dinh dưỡng trong sinh hoạt của trại tù. Cho nên, mức độ phấn đấu của Trang lại càng thêm phần gay go.

 

Công cuộc đấu tranh nội tâm của Trang đã cam go như thế nhưng đâu phải vỏn vẹn chỉ có như vậy vì còn những lời ra tiếng vào của bạn bè xung quanh nữa. Môi trường thu gọn trong tù là một xã hội vô cùng phức tạp cho nên có người đã cho rằng "ở đời đã khó, ở tù lại càng khó hơn"! Sinh sống trong tù lâu ngày dài tháng chẳng khác nào hiện hữu trong một tủ kiếng bày hàng trên đường phố thị tứ đông người qua lại và lúc nào cũng được rọi sáng, thậm chí như sống trần truồng giữa ban ngày ban mặt.

 

Trong cái xã hội bi đát lại cô đọng đó, lẽ ra chỉ có tình thương, ấy thế mà lại chứa đựng đầy đủ hết thất tình lục dục của một xã hội rộng lớn bên ngoài. Còn tệ hơn nữa là khác! Ở xã hội nhà tù, mọi người phải đồng dạng nhau về mọi mặt, như chừng khi bước qua ngưỡng cửa nhà giam cộng sản, con người của xã hội bên ngoài phải lột bỏ tất cả, từ vật chất đến tinh thần, những gì được coi như là cái bề ngoài giả dối của cá nhân. Người tù cải tạo chỉ còn là một con số của trại chớ không còn là một con người có sắc thái riêng tư nữa.

 

Vì vậy nên cứ mỗi một người tù có điều gì đó mà anh em cho là "không giống ai" thì khó yên thân được với dư luận, đầu tiên là trong đội trong buồng, rồi sau đó là trong trại. Thậm chí có những dư luận trong tù còn đi xa hơn nữa, về đến Sài Gòn rồi bay đi ngoại quốc, sang Mỹ, sang Pháp!

 

Trong bối cảnh như vậy, hiện tượng của Trang không thế nào trở thành một ngoại lệ được. Càng khó giữ được bầu không khí riêng tư khi mà Trang cố tình cho bè bạn quanh anh quan tâm đến hành động của anh như muốn biểu lộ tinh thần sám hối của anh. Chế độ trường chay của Trang không phải chỉ diễn ra một cách thầm lặng, tự nhiên theo cung cách của các nhà tu hành chân chính. Trái lại, nó mang nhiều sắc thái nặng phần trình diễn. Càng quan trọng hóa chế độ trường chay của mình bao nhiêu, Trang càng chồng chất lên tên tuổi của anh những dư luận châm chọc mỉa mai nhằm vào một hành động hiếm có như vậy trong trại tù cải tạo.

 

Ngày này sang ngày khác, cung cách chẳng giống ai của Trang đã làm cho anh bị cô lập trong môi trường nhỏ bé của trại tù để rồi lần hồi anh chỉ sống với riêng anh. Thế nhưng, hình như Trang không ý thức được điều nghịch lý đó, trái lại anh rất bằng lòng, nghĩ rằng anh được dư luận để yên.

 

Ðược gia đình tiếp tế đều đặn và dồi dào lại tránh được loại lao động nặng dưới nắng cháy da ngày hè hay trong cái rét ngọt mùa lạnh của những ngày có gió mùa đông bắc, nên càng ngày Trang càng béo tốt và trắng trẻo ra. Cái miệng hay nói và thích cường điệu của Trang lấy đó làm bằng chứng cụ thể cho kết quả tu tọa thiền của anh.

 

Trong bối cảnh thiếu ăn của một số anh em tù cải tạo, mà gia đình gặp khó khăn ở địa phương không tiếp tế được, tình cảnh sung túc của Trang đã biến anh trở thành một loại triệu phú trong tù, một người chột trong thế giới những kẻ mù. Càng lúc càng bị cô lập do thái độ chẳng giống ai của mình, Trang nhận thấy rằng anh không thể kéo dài nếp sống đó trong tù. Anh bắt đầu chuyển hướng, thêm bạn bớt thù để hy vọng hạ giảm những mũi tên châm chọc của dư luận không mấy cảm tình.

 

Trang mở một chiến dịch "đắc nhân tâm", lấy tiếp tế của gia đình để quy tụ "những người giống ta" với ý đồ để cho họ cùng với anh chia sẻ những mũi dùi dư luận. Trang khai thác nhân tố thiếu đói của một số anh em tù cải tạo. Nhu cầu của bao tử mà không khuynh hướng giải quyết đôi khi cũng khống chế cả lý trí, làm cho con người coi nhẹ phẩm giá của chính mình và chấp nhận bất cứ những gì mà lúc bình thường họ rất e ngại và đắn đo.

 

Ngày một ngày hai, nhóm sinh hoạt của Trang trở nên đông đảo hơn và ngày nghỉ lao động nào của trại cũng là ngày vui của nhóm. Thành viên của nhóm chỉ có một điểm chung với Trang là no bụng, dù là với thức ăn chay, còn phần tu tọa thiền thì cũng có nhưng ở một mức độ hạn chế và chỉ liên hệ đến một số ít người. Ðã có hình thức nhóm, nghĩa là có số đông, thì phải tôn ti trật tự nên các đoàn viên gọi Trang là "Thầy" cho tiện việc xưng hô. "Thầy Trang", cái tên nghe được đấy, Trang nghĩ bụng như vậy khi liên tưởng đến truyện Tây Du Ký.

 

Nhưng, theo đà thời gian và với những phức tạp nhiêu khê của đời sống trại tù, nhất là với cái cười miễn phí hy hữu lúc nào cũng có thể có của Trang, danh gọi "Thầy Trang" lại trở thành chính thức công khai. "Bất chiến tự nhiên thành", cái tên nghe cũng hay hay, vả lại nó cũng thỏa mãn tâm tính tự hào bất chấp cơ sở của Trang. Dư luận trong đội trong buồng càng ngày càng thêm đề tài đàm tiếu và sinh hoạt trong buồng càng lúc càng thêm vui nhộn xoay quanh những hành động và lời lẽ của nhóm "Thầy Trang".

 

Trong khi một số anh em tù cải tạo thiếu ăn hàng ngày thì nhóm "Thầy Trang" thỉnh thoảng tổ chức ăn uống vui vẻ ồn ào. Vào những dịp sinh hoạt cuối tuần, trong lúc "Thầy Trang" và một vài môn đệ của thầy đàm đạo về tọa thiền và giáo lý thì số đông còn lại của nhóm tổ chức ca nhạc, duy trì sự thường trực để phục vụ đàn anh cho đến mãi xế chiều.

 

Ðêm đêm khi bóng tối đã chụp xuống thì những ánh đèn dầu trong buồng nổi lên, từng nhóm sinh hoạt riêng tư, mỗi nhóm một sở thích trong đó nhóm "Thầy Trang" đông đảo hơn hết vì bánh kẹo dồi dào và trà thơm nổi tiếng. Mật ngọt thì đông ruồi, chẳng có gì mất mát khi tạm thời ghé qua nhóm "Thầy Trang" để có được viên kẹo, miếng bánh và chung trà móc câu hầu vỗ về bao tử trước khi đi ngủ. Ở những nhóm khác chỉ có trà rẻ tiền mua ở căn-tinh trại, pha loãng đến trắng cả nước, dù câu chuyện kể có phần hấp dẫn hơn.

 

Ðể lôi cuốn những người "giống mình", nhóm "Thầy Trang" mở rộng đề tài thảo luận hàng đêm, không cần phải thu hẹp vào việc tu tọa thiền. Rồi cũng tường thuật chuyện xưa cũ thời đệ nhứt, đệ nhị cộng hòa, dưới danh nghĩa "quay phim", cũng kể chuyện ăn chơi qua những kỳ công tác hay du học ở Pháp, ở Mỹ, cũng kể chuyện chưởng, chuyện Tàu, chuyện phim hay... thậm chí đến chuyện đời sống riêng tư của ông này bà nọ khi đề tài đã cạn.

 

Có khi nhóm "Thầy Trang" cũng tổ chức chương trình văn nghệ bỏ túi, hoặc văn nghệ tổng thể cho cả buồng, nhân một kỳ tiếp tế của thầy. Lần hồi cái dị biệt của "Thầy Trang" đã hội nhập vào cái chung của cả buồng nên mọi bề đều vui vẻ. "Thầy Trang" cảm thấy yên tâm và có cảm tưởng là mình được mọi người kính nể vì bất cứ ai muốn điều gì cũng nhắc đến "Thầy Trang" khiến thầy tự ví mình như ánh đèn pha của biển cả về đêm, như một cực nào đó của thỏi nam châm. Nụ cười dễ dãi thường nở trên đôi môi của "Thầy Trang", nhưng nét tự đắc hão huyền vẫn không chịu biến khỏi khuông mặt càng ngày càng tròn và trắng của thầy.

 

Chuyện dài về "Thầy Trang" tưởng như sẽ triền miên êm xuôi cùng với nếp sống đơn điệu và buồn chán của đời tù cải tạo. Bỗng dưng, vào một ngày mùa hạ ở trại Ba Sao, một trại nằm giữa lòng chảo của vùng núi đá vôi Hà Nam Ninh, trời nóng đổ lửa, chẳng có một cơn gió, dù là thoáng nhẹ, lại thêm nhiệt lượng của đá vôi nhả ra, "Thầy Trang" đang mình trần ngồi thiền trơ bụng phệ, mồ hôi ròng rã tuôn ra thách thức với cái "nóng nung người, nóng nóng ghê".

 

Anh em tù xung quanh nhăn nhó, trách móc thời tiết trong lúc "Thầy Trang" vẫn thản nhiên nhắm mắt dõi theo tư tưởng quán thiền của thầy, như chừng thầy đã thoát trần viễn du phiêu diêu nơi một cõi nào vô tận cách xa nghìn trùng thiên lý, chẳng cần phải trở về với cảnh đời ô trọc này nữa. Cung cách tu thiền của thầy thường là như vậy, cố tình chứng minh rằng mình phải khác hơn thiên hạ xung quanh.

 

Thế nhưng, kẻng xuất trại đi lao động vừa chấm dứt thì Bông, "anh văn hóa" của trại, bước vào sân buồng la to:

- Anh Nguyễn Chính Trang có thăm nuôi!

"Thầy Trang" vội vàng mở to đôi mắt và hỏi lại anh văn hóa:

- Ai đến vậy Bông?

- Ra gặp thì biết, hỏi gì cha nội. Làm sao tôi trả lời được, trực trại bảo gọi là gọi thôi, đâu có chi tiết gì.

 

"Thầy Trang" lau vội mồ hôi, lục tìm bộ quần áo đẹp nhất để mặc đi gặp gia đình. Những "đệ tử" của thầy lăng xăng phụ giúp, người tìm giỏ xách, kẻ lấy bao đựng để mang quà vào. Một số người khác cũng xúm lại nhờ thầy nhắn với gia đình ba điều bốn chuyện, một vài anh đưa thầy mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ để nhờ gia đình thầy khi về Sài Gòn đến gặp hộ, kẻ khác nhờ thầy chui giúp cái thơ khẩn cấp...

 

Lòng thiền của "Thầy Trang" bỗng nhiên đâm rối rắm vô cùng, thầy chẳng biết phản ứng ra sao với bao nhiêu là vấn đề đổ tới một lúc mà thầy không được chuẩn bị trước. Những nguyên lý về bình tĩnh và khoan thai của tu thiền trong phút chốc đã bay đi, trả thầy lại với cái thực tế con người thật của thầy. Bao nhiêu lời nói, bấy nhiêu câu dặn dò nhưng nào thầy có nghe được chút gì đâu. Thầy cứ mặc tình, không phản ứng mà cũng không trả lời cho đến khi anh văn hóa vào thúc hối thầy thì thầy đứng dậy bình thản ra đi, bỏ rơi lại những gì bạn bè gởi gấm và nhắn tin.

 

Nét bình tĩnh của "Thầy Trang" khi ngồi thiền đã bị đánh bật nhường chỗ cho sự lúng túng vụn về của một người tù cải tạo đang xúc động mạnh. Thầy xúc động là vì thầy biết rằng con gái thầy không ra thăm nữa như đã dặn dò, nhưng hôm nay sao lại có người đến?

- Anh Bông này, có đúng là tôi không đó?

- Giỡn mặt hoài cha. Trại này chỉ có mình anh là Nguyễn Chính Trang thôi thì làm sao lầm lẫn được chớ. Thôi ra gặp người nhà đi cha nội, cứ thắc mắc hoài.

 

Khu nhà thăm nuôi của trại Ba Sao nằm ngay lối vào, cách xa khu giam tù gần cả cây số. Ðây là bề mặt của trại đối với gia đình tù đến thăm gặp nên khu này được tô son trét phấn rất chu đáo. Khu này có vài dãy nhà chia thành nhiều buồng nhỏ trong đó có để một cái giường đôi, vạc cây, trải chiếu, một chiếc bàn con cùng mấy cái ghế ngồi. Toàn là sản phẩm của tù trong trại làm ra. Trại nào có xưởng mộc khéo tay thì có cả bộ salon gỗ nữa. Những buồng nhỏ này mang tên "buồng hạnh phúc" vì dành cho những gia đình được phép thăm gặp tù qua đêm.

 

Ngoài ra còn có phòng tiếp khách rộng lớn để tiếp chung, trước khi có quyết định cho gặp qua đêm. Chuyện tù cải tạo được gặp gia đình đến thăm nuôi không phải là chuyện đương nhiên vì tùy thuộc vào quá trình học tập của đương sự, nghĩa là phải "học tập tiến bộ", không bị kỷ luật trong thời gian qua, không bị cán bộ quản giáo có ý kiến.

 

Trên quãng đường ra khu thăm gặp gia đình, "Thầy Trang" cứ suy nghĩ miên man mà không sao tự mình tìm được giải đáp cho sự thắc mắc của chính mình. Không lẽ mẹ già thầy lại lụm cụm từ Sài Gòn ra Bắc để thăm thầy vì, qua những câu chuyện bạn bè được thăm nuôi vào kể lại, con đường từ Nam ra Bắc không phải dễ dàng gì mặc dầu đã có con tàu Thống Nhất, niềm tự hào của ngành đường sắt Việt Nam sau khi đất nước được thống nhứt.

 

Nhóm được thăm nuôi hôm đó có năm người nên phải kéo theo hai xe cải tiến để còn phải đưa quà trở vào. Những đội đang tập họp để đi lao động nhìn theo những người quần áo chỉnh tề hướng ra khu thăm nuôi mà cảm thấy lòng mình nao nao vì gián tiếp cũng tự cho mình được gắn liền với niềm vui của bạn bè và cũng có một chút nào đó thấy mình như gần gũi với miền Nam thân yêu.

 

Ðoàn người được thăm nuôi hăng hái bước đi trên con đường mòn gập ghềnh, cũng lên dốc xuống mương như bất cứ con đường đồi núi nào, nhưng nhịp đi mạnh mẽ hơn trên những hành trình đi lao động hàng ngày. Từ xa xa họ đã thấy trên thềm nhà khách những thân nhân đổ xô ra đứng nhìn về hướng của họ. Ai cũng muốn trông thấy trước tiên người thân kẻ thương của mình từ lâu xa vắng. Một vài đứa bé lách khỏi hàng người đó chạy ùa ra để ôm chầm lấy người cha mà chúng vừa nhận diện ra. Cha con ôm nhau, niềm vui dâng trào mà đôi mắt rướm lệ sung sướng sau bao nhiêu ngày và từ hàng ngàn cây số đường xa cách.

 

Ðã đến tận nhà khách khu thăm nuôi rồi mà "Thầy Trang" cũng không thấy được ai là người đến trại để thăm thầy, trong khi những người khác đã được thân nhân bao vây mừng rỡ. "Thầy Trang" đến gặp cán bộ phụ trách để hỏi xem thầy được ai thăm, nhưng khi vừa bước lên thềm nhà thì một tiếng thét đầy nổi vui mừng lớn lao làm cho mọi người đều nhìn về hướng có tiếng đàn bà kêu gọi "Thầy Trang":

- Anh yêu quý!!!

 

Với ý định dành cho Trang một sự bất ngờ, người phụ nữ son phấn và y phục khác lạ trong số những thân nhân đến thăm tù hôm đó đành bỏ đi dự tính ban đầu là lánh mặt đến phút cuối cùng, nhưng rồi cũng không cưỡng lại được, phải tuông chạy ra ôm lấy Trang và hôn lấy hôn để trên mắt, trên môi. Những nụ hôn kiểu Tây phương thường thấy trên màn ảnh. Người cán bộ dẫn dắt tù thăm nuôi nắm tay Trang lôi ra và nhắc lại quy định của trại là không được biểu lộ tình cảm sỗ sàng. Tiếng thét gọi của người phụ nữ đó bỗng dưng đã lôi Trang ngược về một quãng đời dỉ vãng ba mươi năm về trước.

  

ß

  

Trong thời kỳ theo học ngành điều hành hàng không tại căn cứ Không Quân Avord của Pháp, những ngày cuối tuần Trang thường lên Paris để vui chơi với Hương Thảo, một nữ sinh viên du học Việt Nam. Không đẹp nhưng có duyên và với kinh nghiệm đời sống sinh viên du học và với bản lãnh của một cô gái từng trải chuyện yêu đương, Hương Thảo đã làm cho Trang trở thành kẻ chiến bại trên tình trường giữa kinh đô ánh sáng.

 

Anh em đồng khóa chế diễu Trang trên căn bản đã đi Tây thì chơi với đầm chớ ai lại đi tìm gái Mít? Chưa nói đến "nghĩa vụ trả thù dân tộc" nữa. Nhưng Trang bất chấp vì anh chỉ cần một chút hương tình an ủi trong những ngày xa nhà, xa đất nước thế thôi. Hơn nữa, ngoại hình và cỡ người hạng bét trong tiêu chuẩn Không Quân của Trang làm cho anh có phần nào dị ứng với gái Tây. Như một chuyện qua đường. Thay vì phải mỏi tay khi nói chuyện tình cảm lẩm cẩm với những cô gái tóc vàng thì Trang thấy có nhiều hạnh phúc hơn khi giao du yêu đương bằng tiếng nói quê hương.

 

Con đường nào cũng tốt, miễn nó dẫn đến thành La Mã. Vả lại Trang có óc thực tiễn hơn bạn bè của anh với lập luận là: "Thà cho gái Việt Nam ăn hơn là cho đầm". Hơn nữa, cũng ít tốn kém, nếu không muốn nói là được lợi vì Hương Thảo thuộc thành phần dư ăn dư để.

 

Ngày một, ngày hai, mối tình Trang và Hương Thảo giữa thành phố Paris trở nên đậm đà, gần như hứa hẹn chuyện đời mai sau. Tình cảm đang độ trổ hoa thì ở quê nhà chính phủ Ngô Ðình Diệm quyết định chuyển hướng quân đội Việt Nam từ ảnh hưởng Pháp sang quy chế Mỹ. Cao điểm là chuyện quân đội Sài Gòn tổ chức lễ đốt phù hiệu cấp bực Pháp mà hình ảnh được đăng rõ nét trên tuần báo Paris Match.

 

Giận cá chém thớt, Avord làm khó khóa sinh, phát động một nỗi bất bình làm mất đi nét đẹp trong mối liên hệ giữa trường Tây và khóa sinh Việt Nam. Kẻ thua thiệt dĩ nhiên là khóa sinh cho nên khóa học phải chấm dứt đột ngột và khóa sinh phải gấp rút lên đường hồi hương.

 

Trong hoàn cảnh đó, Hương Thảo cố gắng khuyên bảo Trang đào ngũ ở lại đất Pháp để sống với Hương Thảo. Trang đứng trước một quyết định khá quan trọng và gay go, đầy dẫy kịch tính kiểu Corneille, một bên là cha mẹ già ở quê nhà, một bên là mối tình đang độ rực rỡ vàng son. Sau những đêm dài mất ngủ và nhiều lúc thở ra trằn trọc, Trang dứt khoát quyết định và đúng ngày giờ, Trang mang hành lý ra phi trường Orly mà không báo Hương Thảo.

 

Thủ tục giấy tờ xong xuôi, Trang bước ra cửa để lên xe ra phi cơ thì phía sau lưng Trang vang lên một tiếng thét giống như tiếng thét mà Trang vừa nghe ở nhà thăm nuôi. Hai tiếng thét cách nhau gần ba mươi năm trời và trong khoảng cách đó biết bao là tình tiết chuyện đời giữa hai người.

  

ß

  

- Anh không chịu nghe lời em nên ngày nay mới ra nông nỗi này! Giá mà hồi đó anh đào ngũ ở luôn với em bên Pháp thì bây giờ phải khỏe không? Anh tệ lắm, trốn em để về Việt Nam rồi sau đó im hơi bặt tiếng luôn. Anh sợ trách nhiệm hả? Ðàn ông các anh lúc nào cũng vậy, thích ăn quỵt, lúc nào cũng vô trách nhiệm, để cho bọn đàn bà tụi em lãnh đủ. Anh thấy đó, em đâu có cần gì sự giúp đỡ của anh đâu, em chỉ cần anh thôi, vậy mà anh cũng bỏ chạy. Anh không nuôi, không dưỡng thì mẹ con em vẫn sống đến ngày nay...

- Hả? Em nói sao? Em đã có con với anh à?! Ðừng có đùa dai!

- Ðùa với anh lúc này để làm gì chớ? Không tin à? Ðây ảnh của con đây, anh thử xem coi nó giống ai? Ðó tin chưa? Thằng Jean của chúng mình hiện nay là giáo sư sử địa của Collège André Malraux ở Melun. Nhưng anh đừng vội lo vì em về đây không phải để đòi anh bắt đền đâu. Lúc đó, anh bỏ về Việt Nam em buồn chán vô cùng, chẳng thiết học với hành gì nữa hết. Em ra đi làm để thay đổi nếp sống với hy vọng quên đi nỗi buồn vì thất tình và nhất là có phương tiện để nuôi cái bào thai trong lòng em. Ðó là kỷ niệm vô giá giữa hai đứa mình nên em cứ quyết định giữ, chớ muốn phá thì đâu có gì khó khăn, mặc dù lúc đó em giận anh vô cùng. Nhưng, giận mà cứ thương, đó là nhược điểm của bọn đàn bà con gái Việt Nam tụi em. Anh tưởng em không theo dõi được hành tung của anh ở quê nhà sao? Nhờ thường xuyên liên lạc với Tòng nên em biết rất đầy đủ về anh. Nào là anh cưới con ông phủ Thọ ở Thủ Ðức, nào là anh lả lướt vợ một vợ hai tùm lum bà lớn lái xe bắt ghen xôn xao cả Không Quân, nào là anh bị đi học tập cải tạo, ... đủ hết, cả tin vợ lớn anh vượt biển bị mất tích nữa. Mấy ông Không Quân nhà anh thiệt hết chỗ nói! Cứ tự cho mình "hào hoa phong nhã" mà làm khổ cho đàn bà!

- Thôi, chuyện cũ rồi, cho nó qua luôn đi. Bây giờ nói chuyện hiện tại coi bộ hay hơn. Mà làm sao em có phép đi thăm anh, lại với tư cách là vợ nữa?

- Lại muốn tránh né rồi! Phải có chuyện cũ mới ra chuyện ngày nay chớ. Chuyện đi thăm anh đâu có to tác gì mà không làm được. Còn nhiều chuyện động trời hơn nữa mà em còn làm được kìa. Cộng sản bây giờ, nhất là cộng sản miền Nam nữa, thì chẳng có gì khó khăn hết. Có "Bác" là đi đâu cũng trót lọt. Chẳng những thăm anh được mà em còn gặp cấp lãnh đạo ở Hà Nội để bàn về trường hợp của anh nữa kia. Có lẽ trong một thời gian ngắn nữa thôi anh sẽ được trả tự do. Nhưng lần này nhất định là anh phải của riêng em. Có đồng ý không "ông hào hoa phong nhã"?

- Tôi bây giờ thân cá chậu chim lồng, ai muốn làm sao thì làm.

- Dễ dàng quá ha, thấy mà tội nghiệp! Chớ chẳng phải như trước kia, cứ cho mình là cái "rốn của vũ trụ". Vậy cho biết thân! Bây giờ đã có thời gian để suy nghĩ mới chịu sáng mắt ra, nếu không thì mấy ông cứ coi trời bằng vung.

- Ðúng là yêu nhau lắm, cắn nhau đau! Thân phận tù tội này ai muốn dằn vật sao cũng đành chịu thôi.

- Nhưng, bộ em vượt mấy chục ngàn cây số về đây để đấu lý suông với anh à?

 

Hai giọng cười âu yếm thông cảm nhau như chừng xóa mờ những chuyện buồn lòng xưa cũ và không gian đen của căn buồng hạnh phúc nhà thăm nuôi chìm trong im lặng của vùng đồi núi. Còn lại chỉ là những tiếng thở của những con người bận rộn, khi cây đá đã yên giấc cô liêu. Tâm tình của mấy mươi năm qua giữa hai người tuần tự trải dài trong đêm đen của núi đồi Ba Sao.

 

Qua mười mấy năm đi tù, nhu cầu trăng gió mây mưa sục sôi thời tuổi trẻ của Trang đã bị dồn nén giờ mới có dịp để giải quyết. Thế nhưng, lời nguyền trường chay của Trang, sau khi được tin người vợ chính thức mất tích, dĩ nhiên cũng bao gồm những giới cấm của một kẻ tu hành thì phải tính sao đây? Trước sự dằn co của lương tâm, nỗi đắn đo của tâm tư, sức cám dỗ của thực tại và lời trách móc của người yêu xưa cũ, "Thầy Trang" phải đương đầu với một thử thách khá lớn lao.

 

Dư âm của câu chuyện vừa rồi của Hương Thảo càng làm cho Trang thấy khó chịu với lương tâm của một gả đàn ông đã trót lỗi lầm lẽ nào nay lại không chịu đền tội. Thế rồi Trang cũng dựa vào lý lẽ "thân phận tù tội" của mình để mặc tình cho thế sự.

 

Một tia chớp sáng xanh và một tiếng gầm vang dội. Thế là cơn mưa rào ngày hạ lại đổ ập xuống, xóa tan nỗi oi bức của những ngày qua, như chừng làm lu mờ những gì đang xảy ra trong "buồng hạnh phúc" của dãy nhà thăm nuôi. Sau cơn mưa, tiếng côn trùng trên đồi, tiếng ếch nhái ễnh ương dưới vùng lau sậy trổi lên hòa thành một điệu nhạc ái ân mừng cho một câu chuyện tình tái ngộ.

 

Sáng hôm sau, những đội lao động, trên đường đi ra hiện trường qua ngang khu nhà thăm nuôi thấy cửa "buồng hạnh phúc" vẫn còn đóng kín, lên tiếng gọi phá Trang ầm ĩ. Giờ vui qua mau, buổi sáng rồi cũng qua đi nhanh chóng và hai mươi bốn giờ thăm gặp mới đó mà đã sắp chấm dứt!

 

Hương Thảo chuẩn bị hành trang để trở ra Hà Nội lấy tàu Thống Nhất trở về Nam, với niềm hy vọng lớn lao là rồi đây, sau khi được trả tự do, Trang sẽ được nàng vận động bảo lãnh sang Pháp, cùng sống bên nhau quãng đời còn lại. Hương Thảo ngồi nói chuyện với Trang trong giây phút cuối cùng của thời gian thăm gặp để chờ đón xe của trại xin quá giang ra Phủ Lý.

 

Con đường từ Ba Sao ra Phủ Lý khoảng chừng mươi cây số nhưng phương tiện vận chuyển lại chẳng có gì. Những gia đình thăm nuôi tù thường mướn xe từ Hà Nội vào, nhưng bận trở ra là cả một vấn đề, nếu không muốn lội bộ. Ðang nói chuyện thì may quá, một chiếc xe con chở những gia đình thăm tù từ Hà Nội vừa đến trại.

 

Hương Thảo vội vàng đến gặp tài xế dàn xếp chuyến trở ra. Trang cũng đi theo để biết kết quả mong đợi. Ðoàn người từ Hà Nội đến đang chất hành lý xuống thì một thiếu nữ trẻ đẹp khoảng bốn mươi tuổi chạy đến ôm chầm lấy Trang:

- Anh!!!

Chỉ được một tiếng gọi rồi người thiếu nữ kia òa lên khóc, tiếng khóc của niềm vui sướng gặp lại sau một thời xa vắng. Trang chết điếng vì bối rối trong khi Hương Thảo sửng sờ nhìn hai người ôm nhau một cách tình tứ yêu đương, không thể nào là cung cách của hai anh em.

 

Dù quen thuộc với nếp sống tình cảm Tây phương nhưng Hương Thảo cũng thấy lòng mình có một chút gì bức rức khó chịu, không ngờ rằng mình vượt một đoạn đường dài đến đây để chứng kiến cảnh này! Cố trấn áp nỗi hờn ghen cố hữu của người phụ nữ Việt Nam, dù sao vẫn tồn tại trong tâm tư mình, Hương Thảo trở lại "buồng hạnh phúc" vẫn còn phản phất tình cảm của đêm mưa gió vừa qua để lấy vội hành trang ra về một cách thầm lặng, không nói đến Trang lấy một nửa lời. Cảm thấy cái lỗi lầm, tưởng đâu đã chuộc lại được trong đêm qua, bùng lên trở lại, Trang như đứng giữa hai lằn đạn ở chiến trường.

 

Ðã lỡ thì cho lỡ luôn, tâm tư rối loạn của Trang trong giây phút gay cấn đó thôi thúc anh:

- Thảo, em làm gì mà vội vàng vậy?

- Ai đó anh?

Người phụ nữ vừa đến ngạc nhiên, nới lỏng vòng tay ôm Trang, lên tiếng hỏi. Hương Thảo vẫn giữ im lặng, không đáp lời Trang và thúc bác tài xế cho xe chạy. Người cán bộ phụ trách thăm nuôi, đang đứng phía đầu hồi nhà tiếp đón, cười hềnh hệch, nói to:

- Cái anh Trang này tốt phúc nhỉ! Một bà vừa đi, đã có bà khác đến. Thôi, mời các gia đình vào trong này làm thủ tục cái đã.

 

Câu nói của người cán bộ làm nhói tim Thu, tên người yêu không biết thứ mấy của Trang vừa mới đến, nhưng lại giúp cho Trang đỡ phải trả lời câu hỏi trên kia của nàng. Trong giây phút ngắn ngủi mà nhiều suy nghĩ đó, Trang chẳng biết phải làm gì hơn là lẳng lặng nhìn theo chiếc xe mất hút ở khúc quanh dưới đồi và dìu Thu vào văn phòng của cán bộ phụ trách thăm nuôi.

 

Ở giai đoạn này chỉ có im lặng là giải pháp hay nhất đối với Trang. Nhưng, việc người cán bộ dẫn dắt tù được thăm nuôi gọi Trang chuẩn bị trở vào khu giam một lần nữa giúp cho Trang có được thời gian suy nghĩ để gỡ rối tơ lòng trước thắc mắc của Thu. Xế chiều hôm đó, Trang lại được trở ra khu thăm nuôi, cũng được xếp vào "buồng hạnh phúc" đêm qua.

 

Trại không cần biết đến vấn đề tình cảm nhì nhằng riêng tư của Trang làm gì hết mà chỉ căn cứ vào giấy tờ hành chính của địa phương để cho cặp "vợ chồng" Trang gặp nhau. Biết đâu điều đó nằm trong đường lối của cộng sản nhằm "đánh nếp sống tiểu tư sản" của tù cải tạo? Không biết trong âm thầm và riêng tư của "buồng hạnh phúc" khu thăm nuôi đêm đó Trang đã giải quyết khó khăn tình cảm cá nhân của anh ra sao, nhưng vùng trời Ba Sao lại được thêm một đêm dịu mát với cơn mưa rào ngày hạ.

 

Năm đó, sau những thỏa hiệp riêng tư giữa Hoa Thạnh Ðốn và Hà Nội, qua các chuyến đi của tướng hồi hưu John Vessey, đặc sứ của Tổng Thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, một số đông đảo tù cải tạo được trả tự do vào mùa thu. Trước đó một vài tháng, Trang đã được ra khỏi trại, mang tiếng là hưởng đặc ân của Ðảng và Nhà nước. Làm vậy, Hà Nội muốn biểu lộ thái độ cho thấy họ có quan tâm đến những vận động của Hương Thảo. Ngày Trang lên đường trở về quê, người cán bộ trực trại còn mỉa mai:

- Trại cho anh về nhưng chắc là địa phương cũng chẳng phải mất công quản lý. Ðể cho mấy bà xã của anh chăm sóc giữ gìn anh còn bảo đảm hơn nhiều.

 

Anh em tù tiễn Trang ra về bằng những câu nói vui :

- Thầy Trang về kỳ này còn tiếp tục trường chay không thầy?

- Thôi, ngã mặn đi thầy ơi, cuộc sống phức tạp quá rồi!

Chẳng biết phải đối đáp như thế nào, Trang đành nhoẻn miệng cười trừ, tránh né những điều thắc mắc chọc phá nghịch ngợm với một câu trả lời bâng quơ:

- Thời gian sẽ trả lời.

 

Về đến nơi, trong thời gian làm thủ tục hành chính để lấy giấy tờ hộ tịch, Trang không chung sống với Thu vì phải sống với mẹ già. Tuy nhiên không vì thế mà tình cảm giữa Trang và Thu không được đậm đà, trái lại càng nồng nàn hơn bao giờ hết.

 

Thu là quả phụ của một phi công cùng phi đoàn với Trang ngày trước. Sau khi chồng Thu bị mất tích trong một chuyến bay thả biệt kích trên vùng trời miền Bắc, nàng đã nhiều lần liên lạc với Trang, sĩ quan hành chánh của phi đoàn, để hoàn tất các thủ tục lãnh tiền tử tuất và trợ cấp quả phụ. Lửa gần rơm, cộng thêm bản tính lã lướt của Trang, hai người đã thầm lén yêu đương với nhiều cố gắng tránh né dư luận nghiệt ngã của đời.

 

Tháng tư năm 1975, Thu mất liên lạc với Trang sau những lần cùng với gia đình trầm luân tìm cách di tản không thành công rồi lại lăn lộn qua những vùng kinh tế mới. Mãi cho đến hồi gần đây, Thu mới tìm được những tin tức về Trang. Nhưng lần hội ngộ lại là lần mà Thu biết được Trang còn có một mối tình lơ lửng khác!

 

Nhưng, trong hiện tại Thu có được sự độc quyền. Thu yên tâm sống với nỗi tự hào của người phụ nữ đang cầm chắc trong tay người chồng chung. Dù là tình cũ nghĩa xưa nhưng giờ đây Hương Thảo đang ở một chân trời cách biệt. Cũng chỉ là cảm nghĩ tầm thường, thiếu những toan tính xa xôi. Cứ như vậy mà thời gian trôi qua đem lại cho Thu những an ủi với một suy nghĩ của người phụ nữ có được tấm chồng như một nơi nương tựa.

 

Nhưng, Thu đâu có ngờ rằng một ngày đẹp trời nào đó cánh chim kia lại vỗ cánh bay đi khi mà không gian của tình yêu và tự do kêu gọi và mời mọc. Nếu như Thu muốn độc quyền giữ người yêu của mình thì đó cũng là niềm ước mơ của Hương Thảo. Và Hương Thảo không phải là một người thiếu phương tiện và bản lĩnh để thỏa mãn hoài bão và tham vọng của nàng.

 

Ðược tin Trang ra khỏi trại cải tạo, Hương Thảo đã vận động để xin cho Trang xuất cảnh Việt Nam và nhập cảnh Pháp. Hương Thảo đã đạt được ước muốn một cách nhanh chóng, và một lần nữa Trang lại âm thầm chuẩn bị để đột ngột ra đi trước nỗi sửng sờ của Thu.

  

                                                     "Paris, ngày...

  

   "Thu mến yêu,

 

   "Anh dành cho em một sự ngạc nhiên to lớn, dĩ nhiên là với một nỗi ân hận vô cùng của lòng anh. Ðúng như em thấy, anh đang ở Pháp. Sở dĩ anh không cho em biết chuyện xuất cảnh của anh là bởi nhiều lý do phức tạp mà anh sẽ nói rõ hơn cùng em khi mình sum họp trên miền đất "tự do, bình đẳng và bác ái" này. Ðừng vội trách anh, em nhé! Thời gian sẽ chứng minh lòng anh đối với em… " 

 

Bức thơ gởi đi rồi, Trang cảm thấy yên tâm, ít ra là trong lúc này, để sắp xếp lại cuộc đời tỵ nạn của mình với Hương Thảo. Dù tâm tư đang vô cùng bối rối, Trang cũng cảm thấy đôi chút tự hào vì Hương Thảo đã bỏ qua tất cả để giữ lấy anh cho bằng được. Tuy là lưu vong tỵ nạn nhưng hơn tất cả bạn bè cùng cảnh ngộ, Trang thừa hưởng được đủ mọi tiện nghi sẵn có của Hương Thảo. Trang không phải lặn lội đi tìm kiếm công ăn việc làm, không phải chạy ngược chạy xuôi để làm thủ tục giấy tờ cư trú vì mọi việc đều do một tay Hương Thảo.

 

Trang được yêu cầu làm một người chồng đúng với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Trang được bạn bè xưa cũ tiếp xúc, đưa vào sinh hoạt cộng đồng hải ngoại với mục đích đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp ở quê nhà. Với sinh hoạt mới này, Trang thường phải vắng nhà, làm trổi dậy mối hoài nghi trong tâm tư Hương Thảo, một sự nghi ngờ về nếp sống tình cảm của Trang đã đậm dấu ấn chẳng mấy gì tốt đẹp. Sau một thời gian tìm hiểu và biết được đích thật hoạt động của Trang, Hương Thảo mới yên tâm để cho Trang được tự do ngang dọc, đi sớm về khuya.

 

Sinh hoạt đấu tranh của Trang lần hồi đi vào ngõ cụt, với những hoạt động đâu chẳng vào đâu, đậm nét là liên hoan và ăn uống, ngày một xa rời lý tưởng và mục tiêu. Trang gặp phải một hội đoàn quyền lợi chủ nghĩa, nặng tính chớp thời cơ, chỉ biết nhìn vào nhau mà không nhìn về phía trước, trực diện kẻ thù chung.

 

Hơn nữa, nếp sống nhàn tản vô trách nhiệm của đời tù cải tạo trong mười mấy năm có hơn đã tạo cho Trang một sự lười biếng tinh thần, không thích suy nghĩ mà cũng chẳng muốn hành động. Cộng sản không "tẩy não" được anh nhưng lối sống phó mặc tháng ngày chờ tiếp tế của gia đình, theo kiểu bé thơ chờ mẹ đi chợ về, đã đưa tinh thần anh vào cõi quán tính tai hại.

 

Trang mơ tưởng có được cơ hội quán thiền để nối tiếp lại công trình mà anh đã gầy dựng trong thời gian ở trại cải tạo. Nhưng dễ gì Hương Thảo để cho anh được bình thản với một sinh hoạt như vậy giữa kinh đô ánh sáng này và với lòng kiêu căn của một phụ nữ luống tuổi, yêu đời thích xuất hiện ngoài xã hội và muốn biểu lộ lòng tự hào đã chiếm ưu thế trong cuộc phấn đấu giành giựt lại người yêu. Ðể bù lại bao nhiêu năm cô đơn chiếc bóng và để cho những người chung quanh thấy rằng nàng cũng có tấm chồng.

 

Ðược nuông chiều, săn sóc, nuôi dưỡng và săn đón tận tình, Trang cảm thấy nỗi tự ái của gả đàn ông trong anh bị xúc phạm quá nhiều khi mà trong quá khứ anh luôn giữ một vai trò chủ động trong tình yêu. Trang muốn làm kẻ chinh phục hơn là người nô lệ trong tình cảm gái trai. Lần hồi Trang xa rời sinh hoạt hội đoàn và, lợi dụng lòng tin của Hương Thảo, anh dành thời gian của mình vào những cuộc rong chơi phố phường Paris, điều mà Trang không làm được mấy mươi năm về trước. Trang quyết tâm tận hưởng cuộc sống trong quãng đời còn lại.

 

Không chết qua một cuộc chiến dai dẳng ở Việt Nam và không tiêu ma trong trại tù cộng sản là cả một sự sàn lọc của Thượng Ðế. Tư tưởng Trang chuyển biến nhanh chóng khi anh đã buông xuôi, thậm chí anh lại sực nhớ đến vấn đề "trả thù dân tộc" mà xưa kia bạn bè đã chê trách cho rằng anh đã thiếu sót. Trang cứ lang thang, sáng đi tối về, thỉnh thoảng hư cấu một vài câu chuyện đấu tranh hội đoàn và cộng đồng hải ngoại để củng cố lòng tin tưởng của Hương Thảo.

 

Sống giữa cảnh xa hoa của kinh đô ánh sáng lại được chăm lo đầy đủ không phải bận tâm với khía cạnh vật chất của đời mình, Trang mang lấy tâm trạng của người du khách hay ít ra là của thời du học trước kia. Trang lang thang qua các hang cùng ngõ hẻm của Paris, có khi ra cả ngoại ô để tìm cho được con người mà Trang đã thoáng thấy ở trạm métro Opéra một ngày nào đó khi đoàn tàu ngầm chở Trang vừa chạy đi. Trang nghĩ rằng sau khi được thơ anh, Thu đã tìm cách sang Pháp để gặp lại anh vì anh cảm thấy sức mạnh của mối tình giữa hai người có thể thúc đẩy Thu đến một hành động như vậy. Hơn nữa đã khá lâu rồi Trang không được tin gì của Thu.

 

Với những sinh hoạt thất thường như vậy của Trang bị những lần điện thoại của hội đoàn tìm kiếm Trang mà không phù hợp với lịch trình của anh, Hương Thảo bắt đầu hoài nghi và thắc mắc. Tình cảm đã lợt lạt, nếp sống vợ chồng chỉ còn là hình thức lại mất thế chủ động và chạm tự ái, Trang tìm cách xa lánh Hương Thảo càng nhiều càng tốt để tránh né những lời mè nheo hạch hỏi lôi thôi. Lòng tự ái của người đàn ông tự do giao du tình cảm thời xa xưa đêm đêm dày vò hờn trách Trang khiến cho anh càng thêm bực bội với nếp sống hiện tại mà anh cho là tù túng kềm hãm. Trong dồn ép, Trang phản ứng tiêu cực, không còn nhớ đến tình cảnh thực tế của chính mình nữa.

 

Trước lối xử sự của Trang, Hương Thảo thấy bắt đầu ngao ngán cho thói đời, tự hỏi không biết trong kiếp trước mình có nợ nần gì với Trang hay không mà kiếp này phải trả đến như vậy? Thậm chí tất cả những gì chiều chuộng chăm sóc cho Trang giờ đây được Trang đáp trả lại một cách thờ ơ, nếu không muốn nói là phũ phàng.

 

Là một người con gái Việt Nam thuộc gia đình khá giả nề nếp của vùng Hậu Giang trù phú, được cho đi du học vào những năm năm mươi, Hương Thảo làm gì mà phải yêu thương mê mệt một người trai như Trang trong khi lối sống tự do trong du học của nàng có thể tạo điều kiện cho một đời tình cảm nhẹ nhàng thoải mái hơn.

 

Với lý luận của nếp sống thấm nhuần tư tưởng Descartes, Hương Thảo cũng không tài nào giải thích nổi thái độ của chính mình, một thái độ mà Jean - con ngoài hôn thú của Trang và nàng - cũng đã nhiều lần lên án gắt gao đến đổi tình cảm mẹ con có phần nào bị sứt mẻ.

 

Từ khi Hương Thảo đem Trang sang chung sống với nàng thì Jean đi mướn nhà ở riêng, viện cớ cần ở gần chỗ làm. Từ đó Hương Thảo đã đứng trước một nỗi mâu thuẫn khá gay gắt. Tình yêu chồng vợ có được rồi thì tình cảm mẹ con lại phôi pha! Nhưng nàng nghĩ rằng khi Jean đã trưởng thành rồi thì sớm muộn gì con nàng cũng ra khỏi vòng tay mẹ, nhất là đối với nếp sống của thanh thiếu niên Tây phương. Do đó, Hương Thảo hy vọng là tình yêu xưa cũ với Trang dù sao cũng là niềm an ủi trong những ngày xế chiều của cuộc đời.

 

Thế nhưng giờ đây cuộc đời chưa xế bóng hoàng hôn thì nắng ấm tình yêu giữa Trang và nàng đã bắt đầu lạnh nhạt! Ý thức được nỗi buồn của mẹ qua chỉ dấu là dáng vóc và thể xác của Hương Thảo ngày một tiều tụy, Jean về thăm mẹ thường hơn vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, Jean luôn luôn cố gắng tránh né để khỏi trực diện với người mà Jean phải coi là cha một cách miễn cưỡng.

 

Nhưng cũng không sao tránh né mãi được nên có một hôm Hương Thảo và Jean đang bàn về một thái độ cần phải dứt khoát với Trang, một cuộc bàn luận kéo dài trong đêm thì Trang lại về tới. Bầu không khí thật nặng nề, Trang linh cảm như vậy và anh mĩm cười giả lả cố gắng tạo ra một môi trường bình thường: 

- Với diễn tiến mới đây ở Cam Bốt, hội đoàn có quá nhiều vấn đề...

- Ông đừng lấp lửng vô ích, Hương Thảo chận lời Trang ngay.

- Vous hãy tỏ ra mình là đàn ông đi, Jean lên tiếng nhưng không quen dùng cách xưng hô thân mật với Trang. Vous đã lợi dụng và làm khổ mẹ tôi quá nhiều rồi.

- Jean, con phải bình tĩnh. Ðây là vấn đề giữa mẹ và ba con...

- Bình tĩnh gì nữa mẹ? Con đã để mẹ bình tĩnh với ông ấy quá lâu rồi đó. Chung cuộc người gánh chịu lại là mẹ thôi.

- Mẹ có than phiền gì đâu?

- Mẹ không than phiền, nhưng con không thể chấp nhận được nữa. Vous hãy nhìn quanh xem và hãy tự xét lương tâm đi. Biết bao nhiêu người khác sang đây định cư hay tỵ nạn, tình cảnh của họ ra sao? Còn vous thì đầy đủ cả, mẹ tôi chỉ cần vous ngồi yên để hầu hạ thôi. Vậy mà vous cũng chẳng chịu yên thân lại còn chứng nào tật nấy, trở lại con đường tình cảm lăng nhăng. Vous cứ tưởng mình còn trẻ, còn hấp dẫn, còn vận dụng được cái tài chiếm đoạt phái đẹp à? Ảo tưởng thôi! Mười mấy năm bị cộng sản nhốt vous vẫn chưa nhìn thấy gì hết. Giờ đây, sống trên vùng đất tự do này trong khi bè bạn vous và thậm chí cả cá nhân tôi, dù không nằm trong những người chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Sài Gòn, đang tranh đấu vì nhân dân khốn khổ ở quê nhà thì vous cứ lao mình chạy theo một bóng đàn bà. Vous đi tìm bà Thu làm gì vô ích. Bà ta hiện giờ đang ở một chiến tuyến đối nghịch với các hội đoàn tranh đấu rồi. Vous không thể nào vào tòa đại sứ cộng sản để tìm bà ta đâu. Mà chắc bà ta cũng không buồn tiếp vous. Với sự sụp đổ của Nam Việt Nam hồi 75 và với mấy ngàn ngày tù đày cải tạo mà vous cũng chưa tởn sao?

- Thôi Jean, mẹ xin con!

 

Trước phản ứng mạnh mẽ của Jean, một phản ứng làm cho anh phải sửng sờ, Trang lặng người cam chịu sự dày vò của tự ái cá nhân. Hơn thế nữa, tin tức về Thu mà Jean vừa mới tiết lộ đã tạo nên một sự chấn động vô cùng tàn bạo trong lòng anh. Một hy vọng, một ước mơ thầm kín của Trang chưa với tới được giờ đây bỗng dưng đã trở nên hão huyền và biến thành ác mộng!

 

Jean nói cho hả giận, đứng lên vội vả ra về, như một kẻ ném lựu đạn xong bỏ chạy không cần phải kiểm lại thành quả của hành động mình. Hương Thảo và Trang, chấp nhận chấn động từ sự bộc lộ của Jean, mỗi người theo phương thức riêng tư của mình. Bận rộn với những xáo trộn của tâm tư nên chẳng ai có phản ứng gì với sự ra về đột ngột của Jean.

 

Sự rút lui của Jean đã trả Hương Thảo và Trang trở lại với bối cảnh gượng ép và thẫn thờ của một cặp vợ chồng nhiều tuổi, nặng về hiện hữu bên nhau mà nhẹ về tình cảm yêu thương. Bên ngoài, đường phố Paris của một buổi tối chúa nhựt vẫn rộn rịp với kẻ qua người lại và những giòng xe xuôi ngược, tiếng bánh xe cọ mặt đường nhựa nghe như tiếng chảy của giòng sông. Nếp sống cứ trôi xuôi, nếu như giao thông đừng tắc nghẽn.

 

Sau lần trực diện đó giữa hai cha con, láng giềng khu phố lại thấy Hương Thảo trở về với nếp sống cô độc xa xưa, nhất là sau ngày cảnh sát thành phố đến điều tra về cái chết khó hiểu của một người Á Ðông ở trạm Métro Opéra. Một đóa hoa dẫu đẹp cách mấy, nhưng khi rơi rụng cũng đâu có chọn lựa được một vùng đất sạch!

  

 

Phan Quân 

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.