Trước đèn đọc sách:
Điệu "RU"
của Kim Thúy

RU, Kim Thúy, Nxb Liana Levi, 2010. |
Lời dẫn: Từ lớp người Việt Nam di tản đầu tiên hồi 1975
đến nay đã ba mươi lăm năm, trải qua một thế hệ. Nên chi việc vận
dụng tiếng Việt, nhứt là chữ viết, đã lần hồi phai lạt. Thật là đáng
tiếc, nếu ta cảm nhận trong tinh thần "Tiếng Việt còn, người
Việt còn", nhưng làm sao bây giờ, vì nhu cầu cuộc sống đã bắt
buộc người ta phải sống thực tế và thực tiễn. Cho nên đã thấy xuất
hiện nhiều cây viết ngoại gốc Việt giải bày cảm nghĩ của mình bằng
ngôn ngữ chốn tạm dung. Có một vài tác giả đã tạo được tiếng vang
trên làng văn trận bút quốc tế.
Ở đây chúng tôi xin chốt lại trường hợp của Kim Thúy, người Gia Nả
Đại gốc Việt vừa cho ra mắt quyển sách tiếng Pháp tựa đề "RU" được
giới phê bình văn học không hết lời ca ngợi. Sanh ra ở Việt Nam,
vượt biển và đến Québec (Canada) năm lên mười. Xuất thân từ một gia
đình quyền quý trước kia, phải đi tỵ nạn lưu vong, Kim Thúy làm đủ
mọi ngành nghề - may thuê, ngồi caisse, dịch giả, nấu bếp và trạng
sư - để kiếm sống và đã ghi những thăng trầm của đời mình, và của
gia đình trong quyển sách mà Phù Sa đã đọc qua và tường trình lại
dưới đây.
* * *
Quyển
sách dày 143 trang, mà Kim Thúy đề tặng "Những người của quê
hương", giống như cái "bình bông Việt Nam bằng tre sơn bóng đã
bể nát qua một chuyến đi xa lơ xa lắc". Kim Thúy đã lắp ráp những
mảnh vụn tản mát đó lại, một cách rời rạc chẳng cần thứ tự thời gian
và đã ấp ủ trong thâm tâm trên ba chục năm qua.
Ngày nay, những kỷ niệm thân thương mà quái quỷ đó đã chín muồi, tự
nó đã bộc bạch ra. Kỹ thuật trình bày quyển sách khá độc đáo, một ý
nhỏ ở đoạn trước triển khai thành đoạn kế tiếp. Một mảnh chuyện gần
như một chương sách, nhiều nhứt ba trang (110-112) và ít nhứt chỉ có
ba hàng (143), nên rất phù hợp với lối kể chuyện tản mạn, chuyện nầy
nhảy qua chuyện nọ của Kim Thúy.
Câu chuyện về một tuổi thơ tan tác ở quê nhà vì nạn cộng sản, về một
thời niên thiếu được tạo dựng lại trên miền đất tỵ nạn lưu vong. Kim
Thúy kể lại những chuyện đau thương qua những nét chấm phá, không bi
thương hóa, không kể khổ, chẳng oán trách mà cũng không giận hờn.
Tất cả được thể hiện với lễ độ, vốn là cốt cách của đức tánh Việt
Nam. Có ai đó đã nói: "Người Việt Nam, gì cũng cười" nên câu chuyện
của Kim Thúy cứ mang những nụ cười hiển hiện, che đậy những số phận
hẫm hiu.
Quyển sách mang tựa ngắn gọn là "RU", được chính tác giả giải thích
rằng bên tiếng Pháp được hiểu như "con suối nhỏ" và nghĩa bóng là
"đổ nước mắt, đổ máu, tuôn tiền ra". Còn bên tiếng Việt thì chỉ ra
"tiếng hát nho nhỏ để đưa em".
Kim Thúy cởi mở kể lại câu chuyện thầm kín của một cô gái, của một
gia đình, của hàng xóm láng giềng bất chợt. Cả một ký ức sống động
đầy nuớc mắt mặn đắng và máu đỏ ngầu, đầy những thất vọng chán
chường và những bất ngờ khó tả. Một hồi ức chứa đựng những cuộc đời
đôi khi rối rắm, bị tước đoạt và bị hạ nhục. Nhưng đó là những cuộc
đời can đảm, thật sự hiền lành và lúc nào cũng đầy đủ can đảm để
đứng vững.
Qua những dòng chữ của Kim Thúy, hình ảnh, hương sắc, cảm nghĩ, ý
tưởng đều pha trộn, hòa lẫn nhau. Chán chường và hy vọng, những vết
thương và những nụ hôn, miền tạm dung và đất nước xứ sở, dĩ vãng và
hiện tại, cái cũ và cái mới, Sài Gòn và Montréal đều hòa quyện nhau.
Thậm chí Kim Thúy còn coi như "chiến tranh và hòa bình thân thích"
nhau.
Giọng văn của Kim Thúy không thấy giận hờn mà cũng không có vẻ lên
lớp. Cũng chẳng thấy căm thù, thường là luận điệu của những kẻ lép
vế. Trái lại, Kim Thúy có khả năng thích nghi kỳ lạ, một cái khiếu
đón nhận cái hay cái lạ và dễ chấp nhận điều tốt đẹp. Có thể Kim
Thúy đã hấp thụ đức tánh đó của người cha vì ông "Biết tận hưởng
hiện tại coi như mình lúc nào cũng nhứt hạng, có một không hai,
chẳng cần so sánh, cân nhắc gì hết".
Quyển sách là một thứ tự truyện của một cô gái Việt Nam, chào đời
khi khói lửa tràn về thủ đô, rồi qua một cuộc thử thách ê chề khi
cộng sản tiến chiếm thành phố. Thân phận liễu yếu chịu trận những
vày vò của một chế độ tàn bạo, không xót thương, rồi cũng phải bỏ
tất cả ra đi tìm chút tự do nhơn ái. Qua lối tự sự tâm tình đó dĩ
nhiên có gắn liền với những suy nghĩ thâm thúy về chế độ và con
người, về chiến tranh và hòa bình.
"Tôi chào đời giữa cuộc tổng công kích ngày Tết, những ngày đầu của
năm Mậu Thân, có những tràng pháo dài thòn, treo trước cửa nhà nổ
tung, kết âm cùng những tiếng cắc-bùm của súng tiểu liên.
Tôi sanh ra tại Sài Gòn, có pháo nổ tung ra ngàn mảnh, rơi rụng đỏ
đất như những cánh hoa anh đào, hoặc giống như máu của hai triệu
quân lính rải rác trên những phố thị hay thôn làng của một đất nước
Việt Nam bị chia đôi.
Tôi sanh ra dưới bầu trời tràn ngập pháo bông, đầy dẫy những vòng
hoa ngời sáng, có tên lửa và hỏa tiễn bay dọc ngang. Tôi ra đời là
để thay thế những cuộc sống đã mất đi. Đời tôi có bổn phận phải nối
nghiệp cuộc sống của mẹ tôi."
(Trang 11)
Ông cố ngoại Kim Thúy là người Tàu chánh cống, gốc Tứ Xuyên, lang
thang di cư vô Việt Nam năm mười tám tuổi, cưới vợ Việt và có tám
người con. Phân nửa chọn quốc tịch Việt Nam, làm chánh khách và khoa
học gia, số còn lại cứ tiếp tục là người Hoa, ăn nên làm ra nhờ làm
chành gạo. Như vậy là gia đình phân đôi, giống như đất nước Việt
Nam.
Cậu Hai Kim Thúy – theo mô tả của Kim Thúy thì Cậu Hai là hình dáng
của Lý Quý Chung, bộ trưởng thông tin nội các Vũ Văn Mẫu - người anh
cả trong gia đình, làm dân biểu thuộc nhóm thứ ba, trung lập, đứng
giữa hai lằn đạn. Cậu Hai rất lả lướt, chịu chơi, giao du rộng rãi,
nhứt là với phái đẹp. Mẹ Kim Thúy không tán thành lối sống của Cậu
Hai, dẫu cho phải để Kim Thúy sinh hoạt cùng với Sao Mai, cô con gái
của Cậu Hai.
"Cậu Chung, người anh cả của mẹ tôi, là gạch nối giữa hai nhóm văn
hóa, hai phe chánh trị. [...] Cậu Hai là con trai trưởng trong gia
đình, là dân biểu và trưởng khối đối lập. Cậu nằm trong chánh đảng
của những người trí thức trẻ thuộc phe thứ ba, tự cho là đứng giữa
hai lằn đạn."
(T. 55)
Nhờ Cậu Hai, và vì sinh hoạt cùng với Sao Mai, chị em cô cậu, nên
Kim Thúy tiếp xúc với xã hội văn minh, học đánh quần vợt ở Cercle
Sportif Sài Gòn, một câu lạc bộ dành cho giới thượng lưu của thủ đô
Nam Việt Nam. Hai vợ chồng Cậu Hai rất chịu mở tiếp tân tại nhà và
đi vắng nhà luôn. Hai ông bà xài phí rất vung tay để cho con cháu
làm quen với nhạc của Doors, Sylvie Vartan, Michel Sardou, Beatles,
Cat Stevens... Trái ngược với gia đình Kim Thúy, không biết vì khiếp
sợ hay muốn lấy điểm với nhà cầm quyền cộng sản mà Cậu Hai đi tố với
nhà chức trách sở tại chuyện con mình vượt biên.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân cộng sản kéo vô Sài Gòn, chiếm cứ căn
nhà của gia đình Kim Thúy, xây bức tường gạch ngăn đôi cho hai hộ.
Một cho gia đình Kim Thúy và một cho đồn công an phường. Một năm
sau, cộng sản chiếm luôn cả ngôi nhà, tống cổ gia đình Kim Thúy ra
ngoài, sau khi đưa đến một đoàn kiểm kê tài sản xét nhà và niêm
phong.
"Họ niêm phong tủ đựng nịt vú của bà tôi và các dì tôi, mà không ghi
nội dung của cái tủ. Bấy giờ tôi nghĩ là tên kiểm kê kia bối rối,
thắc mắc không lẽ những cô gái ngực tròn ngồi ở phòng khách kia mặc
hết những thứ đồ ren nhập từ Paris kia à? Tôi cũng nghĩ là ông ta để
trống, không liệt kê nội dung cái tủ là vì quá xúc động nên run tay
không viết được. Nhưng tôi đã lầm, vì ông ta không biết công dụng
của mấy cái xu-chiên kia. Theo ông ta thì nó giống cái vợt cà-phê
của bà mẹ ở quê nhà. [...] Tôi nghe ông ta bàn luận với mấy tên kiểm
kê khác ở dưới chưn cầu thang. Ông ta không hiểu tại sao gia đình
tôi có quá nhiều vợt cà-phê như vậy? Mà tại sao vợt đôi? Phải chăng
vì uống cà-phê phải có bạn cùng uống?"
(T.38-39)
Thời buổi hòa bình xuất phát từ họng trọng pháo dĩ nhiên sản sanh ra
vô số chuyện về người tốt việc tốt, anh hùng, vĩ nhơn. Những năm đầu
chiến thắng, sách sử nhà trường không đủ trang để chứa chuyện anh
hùng nên phải mượn những trang của sách toán. Học trò không còn học
đếm, học làm toán với những đồ vật, hoa quả nữa, mà với xác quân thù
hay số máy bay bị bắn rớt.
Lớp học trẻ con biến thành một trò chơi đếm lính miền Nam bị giết,
bị bắt, bị cầm tù, một nơi vinh danh bộ đội và ca ngợi những chiến
công hoành tráng và rực rỡ đầy màu sắc. Nhưng màu sắc chỉ được mô tả
bằng chữ viết vì sách học không có tô màu và hình vẽ chỉ in toàn mực
đen. Có lẽ người ta muốn cho học trò quên đi khía cạnh u buồn của
cuộc sống "nay đã có độc lập, thống nhứt và tự do".
Bầu không khí cuộc sống quá ngột ngạt, người ta không chịu nổi lối
cầm quyền của cộng sản. Cột đèn mà có chưn thì nó cũng đi vì không
chấp nhận sống với chế độ. Một gia đình bị dồn ép đến mức cùng, như
gia đình Kim Thúy, cũng không làm gì khác hơn được, đành phải vượt
biển thôi.
"Chỉ có lúc ấy tôi mới thấy được tình yêu của bà mẹ ngồi đối diện
tôi dưới khoang tàu, tay ẵm đứa bé đầu đầy ghẻ lở hôi hám. Tôi nhìn
thấy hình ảnh đó suốt ngày đêm. Cái đèn bóng le heo treo trên cây
đinh sét rọi sáng lờ mờ, lúc nào cũng như lúc nào. Dưới khoang tàu
ngày cũng như đêm, chẳng có gì khác. Ánh sáng đơn điệu của cái đèn
không cho chúng tôi thấy cái bao la của trời biển. Những người ngồi
trên sàn tàu cho biết chẳng thấy lằn ranh của trời biển đâu hết, mọi
nơi đều xanh biếc. Như vậy thì đâu rõ là mình đi lên trời hay chui
xuống biển. Thiên đàng và địa ngục lẫn lộn trong khoang tàu. Thiên
đàng hứa hẹn khúc quanh mới cho cuộc sống chúng tôi, một tương lai
mới, một câu chuyện mới. Còn địa ngục là nỗi khiếp sợ của chúng tôi,
sợ bọn cướp biển, sợ đói, sợ khát, sợ trúng độc vì ăn bánh thấm dầu
máy, sợ không đứng lên được, sợ phải đi đái trong cái bô đỏ rồi
chuyền tay đi, sợ bị cái đầu ghẻ của thằng bé kia lây lan, sợ không
tới được đất liền, sợ không thấy mặt cha mẹ mình ngồi đâu đó trong
bóng tối, giữa đám đông vài trăm người."
(T. 13-14)
Nhờ "Anh Phi", con của bà hàng xóm lượm giùm hai ký lô ruởi vàng mà
ba Kim Thúy liệng trong đống gạch vụn nhà bên cạnh, nên gia đình mới
có phương tiện mướn tàu vượt biên. Một hành động hào hiệp phi thường
của "Anh Phi" trong thời buổi đó. Chuẩn bị cho chuyến đi, ngoài việc
giấu hột xoàn trong chiếc vòng tay rẻ tiền bằng nhựa, ba Kim Thúy đã
thủ sẵn mấy viên Cyanure để đời đời ru ngủ toàn thể gia đình, như
Công Chúa Ngủ Trong Rừng Mơ. Nhưng may quá, những viên thuốc ngủ đến
vĩnh hằng đó vẫn còn nguyên. Vì may mắn thay, chung cuộc chiếc tàu
vượt biển đó đã tới được đất liền.
"Chúng tôi chẳng biết được đâu là đâu. Chúng tôi đã tới được mảnh
đất liền đầu tiên. Trong lúc tàu chúng tôi tiến vô bờ, có một người
Á Đông, mặc quần cụt màu xanh da trời chạy đến. Ông ta luôn miệng
biểu chúng tôi nhảy xuống nước và phá hủy chiếc tàu đi. Không biết
có phải người Việt không? Chẳng lẽ tàu lại trở về Việt Nam sau bốn
ngày linh đinh trên biển? Tôi nghĩ không ai thắc mắc vấn đề đó vì
tất cả đều nhảy ùm xuống nước như quân lính đổ bộ. Người kia biến đi
biệt trong lúc hỗn loạn. Không biết sao tôi cứ nhớ rõ hình ảnh của
người đó chạy dưới nước, hai tay đưa lên trời, đấm trong khoảng
không, la ó gì đó thật khẩn cấp mà gió đã thổi bạt đi, tôi chẳng
nghe thấy gì. [...]
"Ai ở trên sàn tàu đều trông thấy. Nhưng chẳng ai dám quả quyết. Có
lẽ đó là hồn mấy người chết đã trông thấy những chiếc tàu đã bị nhà
cầm quyền địa phương đuổi ra khơi. Có thể đó là một hồn ma cảm thấy
có bổn phận cứu rỗi để được lên cõi trên."
(T. 104)
Như vậy là gia đình Kim Thúy sống sót qua chuyến vượt biển, tỵ nạn
sơ khởi trên một hòn đảo Mã Lai, có khả năng chứa hai trăm mà phải
nhận tới hai ngàn người. Đúng như Việt Nam ta thường nói "ăn nhiều,
ở có bao nhiêu". Thôi thì đủ trăm đắng ngàn cay của cuộc sống trên
đảo tỵ nạn giao thời. Sanh hoạt ở trại tạm cư trên đảo tệ lậu và
nhàm chán đến đổi trẻ con thừa mứa thời gian để dòm ngó ruồi nhặn và
dòi tửa ở các hố tiêu công cộng cho qua ngày.
Gian khổ mãi rồi cũng có ngày thấy được ngọn lửa le lói cuối đường
hầm, là ngày mà phái đoàn Gia Nả Đại khám sức khỏe. Mặc dầu trên đảo
có học tiếng Anh, nhưng làm gì có dịp để nói, để nghe mà biết có
tiến triển hay không.
"Ông thầy thuốc tại nhiệm không có hỏi lấy tôi tiếng nào. Ông chỉ
kéo thun lưng quần ra để xác nhận trai hay gái, thay gì hỏi: "Boy or
girl?" Hai tiếng nầy thì tôi có biết. Tôi nghĩ là bản mặt của thằng
con trai hay đứa con gái cỡ mười tuổi đều giống nhau vì quá ốm."
[...]
"Khi đến phi trường Mirabel (Montréal) nhìn qua cửa sổ máy bay thấy
những bãi tuyết trắng xóa, tôi có cảm tưởng như bị lột trần, nếu
không muốn nói là ở truồng. Mặc dầu có cái áo lạnh ngắn tay mua ở
trại tỵ nạn Mã Lai trước khi đi Gia Nả Đại, mặc dầu có cái áo
Chandail len màu nâu đan bằng tay của Việt Nam, tôi vẫn thấy như
trần truồng. Trong máy bay cũng có nhiều người làm như tôi, đổ xô
lại cửa sổ, miệng há hốc, váng dẻ sửng sờ. Sau một thời gian dài
sống trong bóng tối, một cảnh trí trắng ngần và tinh khiết như vậy
sao khỏi làm cho chúng tôi choáng người, lóa mắt và ngất ngây.
"Tôi ngây ngất với những tiếng nói lạ tai đón tiếp chúng tôi cũng
như dáng vóc của tượng thủy tinh trên bàn đầy thức ăn đủ màu sắc.
Tôi chẳng biết món ăn nào là món ăn nào, nhưng tôi biết rằng đây là
một nơi đầy thú vui, một xứ sở thơ mộng. Tôi không nói
được mà cũng chẳng nghe được gì hết, dẫu không phải câm mà cũng
chẳng phải điếc. Tôi mất phương hướng hoàn toàn, không còn cái gì để
có thể mơ tưởng, để có thể dự phóng trong tương lai, để có thể sống
với hiện tại và trong hiện tại." (T. 8)
Trong thời kỳ sinh sống ở cõi tạm dung, Kim Thúy học hành nên người
và làm đủ ngành nghề, trong khi ba mẹ Kim Thúy cam tâm sống một cuộc
đời đảo lộn. Thầy thợ trước kia, bây giờ xuống làm lao công quét
dọn, miễn có phương tiện cho con cái đi lên. Kim Thúy tiến lên trong
đời sống theo hướng nhìn của cha mẹ về tương lai của các con, một
hướng nhìn về "giấc mơ Bắc Mỹ". Không phải như hướng nhìn của
những bậc cha mẹ khác, bị mất hút qua nhiều năm học tập cải tạo
trong các trại, không phải là trại chiến tranh trong tình hình giặc
giã, mà trại của hòa bình sau khi đã chấm dứt chiến tranh.
Tại Cantons-de-l'Est, một thị xã phía Đông Montréal, gia đình Kim
Thúy được dân cư nơi tạm trú tiếp đón niềm nở và thân tình nên Kim
Thúy coi họ như những "thiên sứ" đã để lại cho Kim Thúy nhiều kỷ
niệm thân thương. "Tôi thường cảm nghĩ rằng chúng tôi không đủ
chỗ để chứa những gì thiên hạ tặng."
Kim Thúy có cơ hội trở lại Hà Nội để làm việc, có dịp để so sánh cái
quê hương ngày lên mười, khi Kim Thúy rời đất nước để ra đi tìm một
vùng trời tự do, phóng khoáng và đầy tình người, với một nước Việt
Nam gọi là đã độc lập, thống nhứt theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Kim
Thúy tự hỏi không biết những tên bộ đội chiếm nhà Kim Thúy hơn ba
mươi năm về trước nay đã ra sao? Bao nhiêu vật đổi sao dời từ lúc họ
xây bức tường gạch ngăn đôi căn nhà và đương nhiên cũng chia cắt gia
đình Kim Thúy với quân cộng sản.
Kim Thúy trở lại Việt Nam làm việc với những người đã chủ trương
xây tường ngăn cách để làm hại hàng trăm ngàn cuộc đời, có lẽ hàng
triệu. Y như rằng đã có nhiều đổi thay từ khi chiến xa cộng quân
tông cửa ngỏ Dinh Độc Lập đến nay. Vậy mà sẽ chẳng bao giờ có tường
gạch ngăn đôi nhà Kim Thúy nữa.
"Ngày tôi đáo nhận nhiệm sở ở Hà Nội, tôi đi ngang qua căn nhà nhỏ
tí tẹo, cửa cái trổ ra đường. Bên trong, một người đàn ông và một
chị đàn bà xây tường để chia đôi căn nhà. Bức tường nhỏ lên cao lần,
tới khi đụng trần nhà. Người thơ ký của tôi kể rằng hai anh em nhà
đó không muốn sống chung. Bà mẹ chịu thua không khuyên can gì được,
vì ba mươi năm về trước chính bà cũng đã làm vậy để chia rẻ kẻ thắng
với người bại. Bà chết đi trong nhiệm kỳ ba năm của tôi ở Hà Nội.
Chia gia tài cho con, bà cho thằng anh cái quạt máy không nút vặn và
cô em, cái nút vặn mà không có quạt máy!"
(T. 43)
Ba mươi năm sau, khi Kim Thúy đi Hà Nội làm việc, Sao Mai vẫn ở lại
Việt Nam - trót làm con của một nhơn vật tiếng tăm khi cộng sản tiến
chiếm Sài Gòn – đã trở thành một nữ doanh nhơn của thành phố. Sao
Mai làm bánh bỏ mối cho những người có máu mặt các cấp bộ Đảng, mở
quán bán cà-phê bằng bánh mì cũ nướng cháy, xay nát...
Ba mươi năm qua, Sao Mai đã bừng dậy như phượng hoàng sống lại từ
tro cốt của nó, như Việt Nam từ bức màn tre, như cha mẹ của Kim Thúy
từ những công ăn việc làm hẩm hiu để con cái chiếm được "giấc mơ
Bắc Mỹ". Những bực tiền bối đã phá bỏ được lớp vỏ bên ngoài để
vươn cánh bay caơ, đến tận những vùng trời xanh thẳm cho hậu duệ.
* * *
Kim Thúy đã tới được đỉnh cao văn học qua tác phẩm nầy, với những ý
tưởng nối tiếp những người đi trước đã dấn thân vì Kim Thúy. Kim
Thúy đã bước theo dấu vết của tiền bối như trong một giấc mơ gợi ý,
trong đó hương thơm của hoa mẫu đơn hàm tiếu không phải chỉ là một
mùi thơm, mà là một sự nẩy nở bung khơi, màu đỏ sậm của lá phong vào
thu không còn là một màu đơn thuần nữa mà là một nét yêu kiều, một
xứ sở không chỉ là một nơi chốn nào đó không thôi mà là một bài hát
ru hời.
"Và một bàn tay đưa ra không còn là một cử chỉ suông, mà là một giây
phút thương yêu, kéo dài đến giấc ngủ, đến lúc thức giấc, đến mỗi
ngày"
(143)
Ôi chiến tranh và hòa bình! Hai tình cảnh, hai lối sống tương phản
nhau một cách ngược đời.
"Những ngày thơ ấu, tôi cứ tưởng chiến tranh và hòa bình là hai chữ
phản nghĩa nhau. Vậy mà, tôi đã sống yên ấm trong lúc Việt Nam tràn
ngập khói lửa, và tôi chỉ nếm mùi binh đao khi những người lính đã
xếp cất súng ống. Tôi ngỡ chiến tranh và hòa bình là hai người bạn
thân thiết nhau và chúng đang trêu ngươi chúng tôi. Hai thứ đó coi
chúng tôi là kẻ thù tùy theo sở thích riêng tư, chẳng cần đếm xỉa gì
ý nghĩa mà thiên hạ gán cho nó. [...] Mẹ tôi hay đọc cho tôi nghe
câu châm ngôn được ghi trên bản đen năm lên tám ở Sài Gòn: "Đời là
chiến trận, nếu buồn là thua".
(22)
Kim Thúy cho rằng "RU" là quyển đầu của bộ ba trong dự tính.
"RU là câu chuyện về nguồn gốc của tôi, một tác phẩm xoay quanh cung
cách làm sao để 'sống sót'. Quyển hai sẽ bàn đến cách 'sống' và
quyển thứ ba nói về 'tình yêu'. Mình không thể nào yêu đương trong
khi mình kiếm cách tồn tại, và cũng không yêu đương được trong lúc
tìm con đường sinh sống."
* * *
Với mỗi một tác phẩm đầu tay mà Kim Thúy đã thành công rực rỡ nhờ có
lối kể chuyện hiếm có và khác thường. Những câu chuyện ngộ nghĩnh,
độc đáo, ý nhị, những tình huống éo le hay quái gở, được kể lại nửa
bi thảm nửa khôi hài, vừa tầm thường vừa cao thượng. Kim Thúy viết
như bà mẹ kể chuyện để ru con ngủ bên giường, đưa hồi ký vào một ngỏ
lúc bông đùa, khi cần phải suy ngẫm.
Kim Thúy đã khéo chọn lựa những tình tiết để kể ra, đã lướt qua kỷ
niệm đau thương của mình cũng như của gia đình mình bằng những bước
đi văn vẻ, nhẹ nhàng, êm ru. Văn của Kim Thúy ghi lại cùng trong một
lúc chiến tranh và hòa bình, thiên đàng và địa ngục, niềm vui sướng
và lệ rơi lã chã. Với Kim Thúy, "Không có văn chương, làm sao
mình nghe được tuyết tan, nghe được mầm non vươn lên và nghe được
mây trời bước đi lang thang?" Đọc Kim Thúy, người đọc tưởng như
mình là cánh bướm bay nhởn nhơ, lúc hút mật hoa này, lúc chỗ kia.
Thực trạng của người Việt tỵ nạn lưu vong không đơn giản như sự hiện
diện của năm ba quán ăn Việt Nam trong thành phố, như vài ba bộ phim
nổi tiếng của Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Nhìn quanh nhìn quẩn chẳng
thấy đâu là bản sắc của mình. Việt Nam chăng, chẳng phải, mà Pháp,
Mỹ, Đức, Úc,... chăng cũng đâu được! Nghĩ cho cùng thì họ chẳng có
bản sắc nào hết, họ hoàn toàn thiếu gốc rễ ngọn nguồn, không còn ở
Việt Nam xưa cũ mà cũng chẳng phải xuất phát từ đất nước tạm dung.
Vậy là phải đi tìm, một hành trình săn lùng rất gian khổ và cam go.
Chắc phải đến mấy thế hệ nữa, khi tất cả đều quên đi, lấy bản sắc
của đất nước tạm dung, của môi trường hội nhập làm cái của chính
mình. Vậy thôi!
Phan Quân |