.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 

Giấc mộng Sài Gòn của Saint-Exupéry

  • PSN - 20.2.2010

Như phần đông anh em trong ngành bay bổng, người phi công kiêm văn sĩ Saint-Exupéry cũng đánh bạc và cũng tiêu xài vung mạng. Cờ bạc là bác thằng bần vì lạc lối vào con đường đó của tứ đổ tường thì thua nhiều hơn ăn. Nên chi, dẫu cho tác phẩm "Vol de nuit" của ông đã nhận giải Fémina, Saint-Ex vẫn nợ như Chúa Chổm.

 

Bên lề chuyện bay bổng, Saint-Ex còn kiêm thêm nghề phóng viên cho hai tờ báo "Paris-Soir" và "L'Intransigeant". Như vậy mà số thâu của đương sự cũng không bù được phần chi nên cứ cạn tiền cháy túi, ngân sách gia đình bị hụt hoài. Cho nên, gặp dịp may, Saint-Ex liều mạng thử thời vận qua chuyến bay phá kỷ lục trên tuyến Paris-Sài Gòn.

 

Trước đó, vào ngày 13 tháng 11 năm 1930, đại úy Marcel Goulette và trung úy Marcel Lalouette đã lập thành tích với chuyến bay giữa Sài Gòn và Paris, dài 5.200 cây số, mất 5 ngày 4 giờ. Trước Saint-Ex, còn có phi công nổi tiếng André Japy đã bay đoạn đường đó trong 3 ngày 15 giờ.

 

Vậy mà, Saint-Ex tin tưởng rằng với chiếc máy bay loại Caudron Simoun, ông có thể phá những kỷ lục đó. Nếu thắng cuộc, ông sẽ lãnh thưởng 150.000 Francs, số tiền được coi là kết xù lúc bấy giờ. Ngoài ra, tờ "L'Intransigeant" còn chịu ứng trước cho ông một số tiền dành cho chuyến bay thách thức đó, với điều kiện là khi trở về phải viết bài tường thuật chuyến viễn du độc đáo, đặc biệt cho tờ báo.

 

Để cho tinh thần yên ổn và muốn biết trước kết quả nên Saint-Ex đi xem thầy bói. Sau khi gieo quẻ, chia bài và tập trung tư tưởng quan sát qua trái bóng tròn bằng thủy tinh, bà thầy bói thở ra nhè nhẹ và khẽ lắc đầu. Thiên cơ bất khả lậu, người phàm mắt thịt như bà sức mấy mà dám quả quyết trăm phần trăm, nên bà phán một câu theo kiểu năm ăn, năm thua:"Nếu phước đức nhà ông to lớn thì đại sự có thể thành công".

 

Có thể phước thì Saint-Ex có, còn đức thì không biết sao, cho nên ông đã thua canh bạc đáng đồng tiền bát gạo đó. Trên chuyến bay bận đi, chiếc phi cơ Caudron-Simoun đẹp đẻ màu đỏ của ông đã phải hạ cánh bắt buộc trong vùng sa mạc Libye ngày 29.12.1935 vào lúc 02g45 sáng. May mắn thay, ông và viên cơ khí phi hành, André Prévot, được sống sót, nhưng tình cảnh vô cùng bi đát, vì rơi giữa biển cát minh mông, không một điểm chuẩn.

 

 

* * *

 

Trên hành trình Paris-Sài Gòn, ở chặng đường từ Benghazi (Libye) đến Le Caire (Ai Cập), máy bay của Saint-Ex gặp điều kiện thời tiếc bất lợi nên ông cứ cho phi cơ xuống thấp mãi để trông thấy đất. Khi xuống đến 300 thước thì ầm một cái phi cơ đã đâm xuống đất với tốc độ 270 cây số/giờ!

 

"Như là một cơn động đất phá nát phòng lái của chúng tôi, bật tung cửa kiếng, ném mấy miếng tôle văng xa hàng trăm thước và cơn chấn động đó xé nát tâm can của hai đứa tôi."

 

Nhưng may mắn thay, Saint-Ex và người thợ máy tên Prévot không hề hấn gì hết. Prévot chỉ bị sơ sát chút đỉnh ở đầu gối.

 

"Chúng tôi còn sống, thiệt không sao hiểu nổi. Tôi ngồi dậy, đèn bấm cầm tay, nhìn thấy dấu máy bay cày sướt mặt đất. Từ chỗ máy bay ngừng, ngược trở lại hai trăm năm chục thước, chúng tôi thấy mấy cây sắt cong queo và mấy tấm tôle bắn cát tung toé. Khi mặt trời lên, mới thấy là chúng tôi đáp lướt lên phía dốc thoải của một vùng cao nguyên sa mạc. Nơi máy bay chạm đất là một lỗ cát bị khoét, trông giống như lỗ của lưởi cày. Máy bay không bị lật nhào nên cứ trườn đi trên bụng với cái đuôi nổi giận, quậy như đuôi loài bò sát. Với tốc độ hai trăm bảy mươi cây số, phi cơ bò lướt trên cát. Chúng tôi sống sót có lẽ nhờ mấy cục đá tròn màu đen kia lăn trên cát, đưa máy bay đi như trên một cái mâm có bánh xe.

 

"Prévot tháo dây bình điện ra để tránh cho máy bay khỏi bị cháy vì chạm điện. Tôi dựa lưng trên động cơ và ngẫm nghĩ. Trong bốn giờ mười lăm phút bay trên cao, có lẽ tôi gặp cơn gió mạnh năm mươi cây số giờ, nên đã bị xốc giữ. Nhưng, nếu từ lúc dự báo đến giờ, gió có thay đổi thì tôi chẳng biết gió thổi hướng nào. Cho nên tôi cứ phỏng định máy bay ở trong một hình vuông bốn trăm cây số đường cạnh.

 

"Prévot đến ngồi cạnh tôi, rồi có ý kiến:

- Mình còn sống nghĩ cũng lạ...

Tôi chẳng buồn trả lời mà cũng không thấy vui chút nào hết. Trong đầu tôi nảy sanh ra một ý kiến và cảm thấy hơi thắc mắc."

 

Thông thường, Saint-Ex rất thích sa mạc vì hợp với bản chất ưa thầm lặng của ông. Ông rất mến chuộng cái bao la của sa mạc vì giống như cảnh bao la của trời xanh mây trắng mà ông thường chứng kiến những khi bay bổng trên tầng cao. Cát vàng trải dài đến tận chân trời xa tít, với những gợn cát nhấp nhô theo đà cơn gió, chẳng khác gì sóng biển. Thế nhưng, buồn thay, sa mạc mà chiếc Simoun của ông vừa nằm xuống chẳng có chút gì giống sa mạc Sahara. Saint-Ex giờ đây là tù nhân của một cảnh tượng vô cùng khắt nghiệt.

 

Trời vẫn còn tối đen. Saint-Ex bảo Prévot đốt đèn lên làm chuẩn để ông đi vòng quanh kiếm nước. Tìm một chút hy vọng sống sót giữa biển cát nầy. Nhưng chẳng thấy một cọng cỏ nào hết, đúng là vùng đất chết khát. Saint-Ex bắt đầu thấy lo âu. Bình chứa xăng, chứa dầu và cả chứa nước nữa đều bể. Còn được nửa lít cà-phê dưới đáy bình thủy đã bể phân nửa, một phần tư lít rượu chát dưới đáy một cái bình khác. Hai người đem lọc hai thứ nước đó rồi pha trộn nhau. Còn mấy trái nho và một trái cam. Nhưng năm sáu giờ lội bộ dưới ánh nắng và trên cát nóng thì bấy nhiêu đó thấm tháp gì.

 

Lo toan hay toan tính gì thì cũng đợi ngày lên rồi sẽ hay. Bây giờ thì hai người đánh một giấc để lấy lại sức. Đã từng trải qua một vài biến cố nhỏ trong sa mạc, Saint-Ex cũng có kinh nghiệm với vùng biển cát rồi. Saint-Ex cảm thấy thích sa mạc vì đã từng sống qua đêm trên sa mạc, đã từng nằm ngủ dưới cánh máy bay để chờ cứu nguy. Nhưng chuyện ngày trước không thể nào so sánh với trường hợp hiện tại.

 

Trước khi nhắm mắt ngủ, Saint-Ex kiểm điểm lại tình hình. Hai người hoàn toàn chẳng biết được vị trí của mình đâu là đâu, còn không đầy một lít nước, nếu đã bị gió đẩy lệch quá xa tuyến bay thì người ta sẽ tìm ra được hai người trong vòng tám ngày, còn lạc quá xa thì trong sáu tháng nữa,...!

 

Dẫu sau cũng không nên đầu hàng định mệnh. Đừng để mất hy vọng, dù rất mong manh, là máy bay sẽ tìm thấy mình. Mà cũng đừng ngồi yên để chờ sung rụng, đừng để mất dịp may tìm ra được một ốc đảo giữa sa mạc. Sáng ngày, ta sẽ đi tìm sự sống, ta sẽ viết lời nhắn cứu nguy với chữ to trên cát, cho máy bay đi tìm kiếm dễ thấy,...

 

Giấc ngủ qua đêm làm cho con người thấy khoan khoái dễ chịu. Trong mơ màng, người ta có đủ hết, thấy mình không cô đơn, như nghe được đủ thứ tiếng nói, đủ thứ kỷ niệm, nhiều loại tâm tình, cảm thấy không bị khát,... Thực tế đã lùi xa trong cơn mộng mơ... Nên chi khi thức dậy thì mọi chuyện đã khác!

 

Sáng ra, hai người đổ xuống dốc ngọn đồi cát lổm chổm đá đen bóng lưởng, trông như vảy cá bằng kim loại và những đống đá bao quanh hai người ngời sáng dưới ánh nắng. Như là một môi trường khoáng chất làm cho họ cảm thấy như một cảnh trí bằng sắt thép bao quanh.

 

Vượt hết mỏm đá nầy là tới mỏm đá kia, rồi mỏm đá khác lại xuất hiện, đen thui và ngời chiếu. Họ vừa đi tới vừa làm dấu để còn trở lại. Họ đi về hướng mặt trời, về hướng Đông vì đoán rằng, theo khí tượng và theo thời gian bay có thể đã vượt sông Nil.

 

Ba ngày sau, khi hai người nhứt quyết rời bỏ xác máy bay, họ quyết định tìm tới điểm phi cơ chạm đất. Họ không đi về hướng Bắc có cơ gặp được bờ biển, họ cũng không hiểu tại sao họ chọn hướng Đông. Có thể vì theo bản năng của ký ức, khi họ nhớ rằng Guillaumet, bạn đồng nghiệp của họ, đã được cứu nguy trong một tai nạn trước kia nhờ đi về hướng Đông. Trong bối rối họ đã nghe theo bản năng và cho đó là hướng tới cuộc sống đối với họ.

 

Sau năm tiếng đồng hồ di hành, cảnh trí thay đổi. Dường như có một con sông cát chảy theo thung lũng, họ bước theo thung lũng đó. Họ sải bước, muốn đi càng xa càng tốt để quày trở lại trước khi đêm xuống, nếu không tìm thấy gì. Bỗng hai người giựt mình vì họ quên đánh dấu bước đi. Không thấy dấu thì kể như tiêu tùng. Họ quày trở lại, may quá, chưa mất dấu.

 

Tìm được điểm mốc rồi, hai người tiếp tục đi. Trời nóng lên, như vậy là ảo ảnh bắt đầu xuất hiện. Từ xa, họ thấy như có những hồ nước to lớn nhưng khi đến gần thì tất cả biến đâu mất. Họ định vượt qua thung lũng cát, trèo lên đỉnh cao để quan sát chưn trời. Họ đi như vậy đã được sáu tiếng đồng hồ, cũng phải trên ba mươi cây số.

 

Họ dừng chưn ngồi nghỉ trên đỉnh cao nhìn xuống thung lũng cát phản chiếu ánh nắng chói chang cả mắt. Nhìn quanh nhìn quẩn đâu đâu cũng trống trơn. Đằng chưn trời, ánh sáng hòa quyện nhau hình thành nhiều ảo ảnh quái gở.

 

Như vậy là có đi tới nữa cũng vô ích, chẳng đi đến đâu hết. Phải trở lại xác máy bay thôi. Chỉ còn hy vọng tín hiệu trắng đỏ kia làm cho những máy bay đi tìm nhận ra được. Dẫu không tin tưởng mấy ở những cuộc tìm kiếm giữa đồng cát này, như tìm cây kim trong đống rơm, nhưng đó cũng là cơ may duy nhứt để được cứu vớt.

 

Mà nhứt là ở đó còn mấy giọt nước nhứt định họ phải uống chớ đâu lẽ bỏ qua. Họ phải trở lại đó để sống sót chớ. Họ đang lúng túng trong một cái vòng lẩn quẩn, bị cái thèm khát chất uống nó cầm chưn. Nửa muốn trở lại, nửa muốn tiếp tục đi, may ra tìm được lối sống! Biết đâu bên kia miền ảo tưởng có thành phố, có con kinh nước ngọt, có đồng cỏ êm mát...

 

Rốt cuộc hai người trở về xác máy bay nằm ngủ, sau khi đi được trên sáu mươi cây số và đã nốc cạn hết chất uống. Hai người chẳng tìm thấy được gì ở hướng Đông mà cũng chẳng có ai tìm kiếm họ ở miệt đó. Họ sẽ cầm cự được bao lâu nữa? Họ đã khát quá rồi... Hai người gom góp chất đốt từ cánh máy bay gảy nát làm thành một đám bổi lớn, đợi đêm xuống hẳn sẽ đốt, hy vọng thiên hạ sẽ thấy... Nhưng loài người đâu hết rồi?

 

Ngọn lửa bốc lên cao, hai người nhìn ngọn lửa ngời sáng một cách âm thầm với nhiều thành khẩn, hy vọng nó sẽ là một thông điệp hữu hiệu. Ngọn lửa đó là một dấu hiệu vừa thống thiết vừa chứa đựng tình yêu thương. Qua ngọn lửa, hai người cầu xin được nước uống, được liên lạc với ai đó. Chỉ mong có một ngọn lửa khác nổi lên đáp lại, vì chỉ có con người mới nổi lửa.

 

Qua ngọn lửa hai người nhìn thấy ánh mắt của những người thân thương, những cặp mắt hạch hỏi, mong chờ, trách móc. Nhưng họ không làm gì hơn, họ đã cố gắng hết sức mình, họ đói khát, họ đã lội bộ sáu mươi cây số, không uống nước, và cũng chẳng còn gì để uống nữa.

 

Rồi ánh lửa cũng tàn lần mà chẳng được đáp ứng. Chỉ còn lại đám than hồng sưởi ấm hai người giữa cái lạnh của biển cát đêm khuya. Đã tàn tạ rồi ánh lửa thông điệp của hai người mà chẳng kêu gọi được một lời đáp ứng. Một ánh lửa vô duyên, không ích lợi gì. Chỉ là một nguyện cầu không được chấp nhận. Vậy thôi!

 

Sáng ra, hai người lấy khăn lau mù sương đóng trên những gì còn lại của đôi cánh, vắt lấy chút ít nước để thấm giọng. Thật là buồn nôn vì nước có pha lẫn mùi sơn và dầu nhớt. Không thấy dấu hiệu gì có ai đi tìm. Hay có tìm mà tìm ở một nơi nào khác. Prévot có vẽ tuyệt vọng.

 

Phải mất ít lắm mười lăm ngày mới may ra tìm được trên sa mạc một chiếc máy bay mà không có một chi tiết nào về chiếc máy bay đó. Saint-Ex quyết định sẽ đi khám phá một mình, để Prévot ở lại bên xác phi cơ và nổi lửa lên nếu có ai đến.

 

Saint-Ex lên đường đi, nhưng không biết có đủ sức trở lại hay không. Ông nhớ lại là ở Sahara có 40% độ ẩm, còn ở đây chỉ có 18%. Đời sống tàn lụi như hơi nước. Dân du cư, du khách, lính thuộc địa cho biết rằng con người cầm cự được mười chín tiếng không cần uống. Sau hai mươi giờ, mắt sẽ hoa lên và sẽ bắt đầu tiêu tùng.

 

Có ngọn gió Đông-Bắc, cơn gió quái quỷ đã đánh lừa máy bay, đã làm cho máy bay phải bị rơi xuống đây. Bây giờ thì có thể chính nó cũng kéo dài cơn khát của hai người. Nhưng được bao lâu, cho đến lúc Prévot nhóm lên đóm lửa báo hiệu là có người đến?

 

Như vậy là Saint-Ex cứ đi, nhưng dường như ông đang đi trên đại dương sóng gió với một chiếc xuồng tam bản. Ông sực nhớ lại những cái bẫy đã đặt đêm qua, ông thăm dò xem có bắt được gì không? Chẳng phải ông có ý định uống huyết mấy con thú bẫy được, nhưng túng quá thì phải tính.

 

Saint-Ex tự hỏi không biết những con thú trên sa mạc sinh sống bằng gì? Những con chồn biển cát. Ông đi theo dấu chưn của chồn trên cát, và nghiên cứu cách ăn uống của nó. Mãi mê tìm hiểu, Saint-Ex cũng được một lúc quên khát và thoáng quên đi cảnh ngộ của mình.

 

Rồi thì ông lại tiếp tục hành trình và với cơn mệt, trong người ông bắt đầu thay đổi. Ông bắt đầu có những cơn ảo tưởng. Đá cuội trên cát vàng biến thành người, thành những thân cây màu đen,... Quanh ông cả một rừng cây mà khi chạm vào thì chỉ là đá đen.

 

Từ hôm qua, Saint-Ex đã đi được gần tám mươi cây số. Không biết mặt trời hay cơn khát làm cho ông choáng váng. Rồi thì dưới mắt ông có đủ cả, nhưng thật ra thì chẳng có gì. Toàn là ảo ảnh!

 

Đích thực chẳng có gì hết, còn cây thập tự giá trên đỉnh đồi cách xa hai mươi cây số có thực không? Saint-Ex nghiên cứu bản đồ luôn, nhưng vô ích, vì ông đâu có rõ vị trí của ông. Bản đồ là bản đồ, chỉ để mà chơi thôi chớ đâu giải quyết được nhu cầu hiện tại của hai người đang chết đuối trên biển cát.

 

Những hứa hẹn của hướng Tây cũng không thấy gì, hướng Bắc may ra thấy biển. Thấy thành phố, thấy... cũng chỉ là ảo ảnh. Saint-Ex hy vọng, Saint-Ex vui sướng, Saint-Ex nghĩ tới chuyện Prévot nói về khẩu súng lục, tất cả đều buồn cười, lại muốn chết trong khi đang cố công đi tìm sự sống. Saint-Ex muốn say sưa với ảo ảnh, với mộng mơ.

 

Hoàng hôn làm cho Saint-Ex tỉnh ra, đột nhiên dừng bước, đâm ra sợ hải vì đi đã quá xa. Chiều hôm xuống rồi thì ảo ảnh cũng tiêu tan. Chưn trời không còn vẻ nguy nga lộng lẫy, thành quách cũng tiêu tan. Chỉ còn lại chưn trời của biển cát.

 

Saint-Ex đi đã khá xa mà trời đã vào đêm, phải chờ ngày mai thôi. Mà mai sáng dấu vết đều mất hết là không còn biết đâu là đâu nữa. Thà rằng cứ đi thẳng, quày trở lại làm gì. Biết đâu đằng kia là biển cả. Nhưng chắc gì, Prévot vẫn chờ đợi bên cạnh xác phi cơ. Không chừng Prévot đã bắt gặp người? Phải quày gót trở lại thôi.

 

Con người ơi, hãy cứu vớt con người! Hãy cứu lấy nhơn loại. Saint-Ex la khan cả tiếng mà chẳng thấy con người đâu cả. Chẳng lẽ trái đất này hết người? Saint-Ex quày trở lại xác phi cơ thôi. Địa cầu nầy của con người mà, vậy con người đâu?

 

Sau hai tiếng đồng hồ lặn lội, Saint-Ex bắt gặp ngọn lửa mà Prévot nổi lên để hướng dẫn Saint-Ex trở về. Saint-Ex như nhìn thấy Prévot đứng nói chuyện với hai người Á-Rạp. Saint-Ex la to reo mừng. Prévot tiến tới một mình, ôm chầm lấy Saint-Ex. Saint-Ex reo hò:

 

- Xong rồi!

- Cái gì xong?

- Có hai người Á-Rạp đến cứu hai đứa mình.

- Ai đâu, Á-Rạp nào đâu?

 

Thì ra cũng chỉ là ảo ảnh. Phen này chính Saint-Ex lại muốn bậc khóc. Hai người sống ngất nga ngất ngưỡng như vậy đã được mười chín tiếng đồng hồ, không nước uống. Có chăng chỉ vài giọt sương mai. May mắn thay, gió Đông-Bắc mát lạnh đã giảm độ bốc hơi của hai người. Đằng xa, có một vài cụm mây trên cao. Giá mà mây chuyển tới chỗ hai người và trời đổ cơn mưa. Nhưng làm gì có mưa giữa sa mạc!

 

Hai người cắt vải dù ra căng để hứng sương mai vào bình chứa xăng. Trong khi lục lạo tìm tòi, Prévot thấy được một trái cam huyền diệu còn sót lại. Hai người chia nhau, nhưng chẳng thắm vào đâu hết khi nhu cầu phải là hai mươi lít nước.

 

Nằm dài bên cạnh đống lửa, Saint-Ex nhìn ngắm trái cam cứu độ, rồi tự nhũ:"Con người không hiểu được giá trị của trái cam nầy... Chúng tôi hẳn là đang mắc nạn, nhưng không vì vậy mà thấy buồn. Nửa trái cam mà tôi đang cầm trong tay là một niềm vui trọng đại trong đời tôi."

 

Saint-Ex nằm ngữa nhìn trời, miệng ngậm nửa trái cam, theo dõi những ánh sao băng. Ông suy nghĩ miên man, nghĩ đến ly rượu và điếu thuốc cuối cùng của người tử tội. Có thể người tử tội chấp nhận cảnh khốn khổ của mình nhưng cũng cảm thấy một nỗi vui sướng to lớn, mĩm cười, rồi uống cạn ly rượu và coi giây phút cuối cùng đó như là cuộc sống con người.

 

Hai người đã hứng được một lượng nước khá nhiều, có lẽ cũng hai lít. Như vậy là thoát cơn khát. Họ múc ra một ít nước có màu vàng vàng xanh xanh, và dẫu khát họ uống vẫn không vô! Hớp vào đã muốn ói ra. Rồi hai người đua nhau ói tới mật xanh.

 

Có lẽ tại vải dù hay tại thùng chứa có hơi xăng. Ngày đã lên, phải ra đi thôi, phải đi đến chỗ phi cơ chạm đất. Hai người giờ chỉ còn theo gương của Guillaumet trong tai nạn của hắn ở núi Andes, bất chấp quy luật của cứu nguy thoát hiểm đã từng dặn dò là khi bị tai nạn thì nên ở cạnh xác máy bay. Đến hôm nay rồi thì còn ai đi tìm ở đây nữa.

 

Suốt ngày hôm đó, hai người lằm lũi đi, chán ngấy với những hình bóng của ảo ảnh. Họ đi theo hướng của la bàn. Thỉnh thoảng họ nằm dài xuống cát nghỉ mệt. Họ liệng lần hồi những vật dụng không còn cần thiết. Những kỷ niệm chỉ trở lại khi màn đêm đem lại chút mát dịu. Họ không còn biết mình là cát hay cát là mình?

 

Khi mặt trời lặn, họ dừng chưn lại tạm nghỉ. Họ căn vải dù ra hứng sương để lấy nước uống. Phía Bắc trời quang mây tạnh. Gió thấy hơi khác lạ và đổi chiều. Gió nóng của sa mạc. Có đi nữa cũng không đạt được mười cây số. Đã ba ngày qua, họ đi được trên một trăm tám mươi cây số, không một giọt nước.

 

Bỗng dưng, Prévot nói là có thấy một hồ nước. Ảo ảnh chăng hay là một phát hiện của một đầu óc nổi điên. Prévot cứ quả quyết và đòi đi tới hồ nước. Saint-Ex để cho Prévot đi và biết chắc là Prévot sẽ không trở lại. Hai người sẽ mạnh ai nấy chết, giờ phút nầy đâu có gì quan trọng nữa. Mệt mỏi quá rồi, con người đâm ra dửng dưng.

 

Saint-Ex thấy hối hận đã có ý nghĩ như vậy và để cho cảm nghĩ tồi tệ đó lướt qua, Saint-Ex nghĩ là nên viết một chúc thơ. Ông nằm dài xuống cát viết say sưa. Một bức thơ tuyệt đẹp, thật đứng đắn. Ông đưa ra nhiều lời khuyên lơn. Ông đọc đi đọc lại thấy ưng ý cảm thấy tự đắc. Tự nhũ lòng "người nào đọc chắc sẽ khen thơ tuyệt quá, tiếc thay người viết không còn nữa".

 

Saint-Ex muốn biết bây giờ mình đang ở đâu. Ông thử làm ra nước miếng, đã bao lâu rồi ông không có khạc nhổ. Ông không còn nước miếng. Nếu giữ miệng khép kín, đôi môi sẽ dính lại. Tuy vậy, ông còn có thể nuốt nước bọt được. Cặp mắt chưa loé sáng, chừng nào nó loé sáng thì chỉ còn vài giờ nữa ông sẽ đi đời nhà ma.

 

Trời đêm lại sụp xuống. Trăng đêm nay lớn hơn hôm qua. Chưa thấy Prévot trở lại. Saint-Ex nằm dài, suy nghĩ lan man. Ông nghĩ tới Prévot, giờ phút này vẫn chưa trở lại. Nó đi đâu? Chưa hề nghe thấy Prévot có một lời than vãn. Cũng tốt, tình cảnh nầy mà nghe than thở thì chết được. Prévot đúng là một con người.

 

Prévot đây rồi, cách Saint-Ex chừng năm trăm thước. Prévot đang quơ qua quơ lại cái đèn bấm. Chắc Prévot đã lạc lối. Saint-Ex không có đèn bấm để đáp lại. Saint-Ex đứng lên la lối, nhưng chắc là Prévot không nghe thấy gì.

 

Một ngọn đèn nữa xuất hiện, cách đèn Prévot chừng hai trăm thước. Rồi thêm ngọn đèn thứ ba. Tưởng có người đi tìm, Saint-Ex la lên, nhưng chẳng thấy trả lời. Chẳng lẻ ảo ảnh hay Saint-Ex điên mất rồi? Saint-Ex chạy nhanh để bắt kịp ba ngọn đèn, vừa chạy vừa la. Nhưng có ma nào đâu, Saint-Ex gặp Prévot. Thì ra chỉ là ảo ảnh.

 

Saint-Ex hỏi Prévot cái hồ ở đâu. Prévot cho biết là đã đuổi theo cái hồ gần nửa tiếng đồng hồ, càng đi tới, nó càng lùi xa. Cũng như ba ngọn đèn của Saint-Ex. Tất cả đều do ảo tưởng mà ra. Tình cảnh của cả hai đều bi đát.

 

Đêm xuống, trời càng lạnh. Vì không có hơi nước nên đất tỏa nhiệt rất nhanh. Hai người thấy lạnh run, khó chịu vì máu huyết thiếu chất nước, không lưu thông điều hòa. Thành ra lạnh thấu xương, không phải chỉ có cái lạnh của đêm mà còn có nổi lạnh trong người. Hai hàm răng đánh bò cạp và toàn thân co dật. Tay chưn run lập cập. Đói khát tạo ra những hiện tượng kỳ quái.

 

Gió càng lúc càng mạnh. Giữa sa mạc làm gì có chỗ trú ẩn, bằng phẳng trơn tru như đá cẩm thạch. Ban ngày không có bóng mát, ban đêm chẳng có chỗ nào núp gió. Đứng, ngồi, nằm gì cũng bị gió quật. Phải quỳ xuống chịu trận.

 

Hai người kiệt sức, không phải vì lạnh, chẳng phải vì thứ gì hết, mà là tàn tạ đến nơi rồi. Thân thể người nào cũng mất hết chất nước do đi quá nhiều, do mệt lã... Họ lấy cồn và ête trong bịch thuốc men cứu thương nhấm nháp cho thấm giọng. Uống vào như dao cứa cổ, như bị nghẹt họng.

 

Saint-Ex thử đào cát nằm xuống rồi lấy cát đắp lên. Chỉ còn chừa cái mặt. Prévot không chịu làm vậy mà cứ đi lòng vòng. Prévot lượm vài ba cành cây nổi lửa nhưng chẳng được bao lâu. Saint-Ex thấy đỡ lạnh, nếu cứ nằm yên.

 

Họ đã đi ba ngày qua và bây giờ ngày đã bắt đầu ló dạng, lại phải đi tiếp. Cứ đi năm trăm thước là thấy mệt. Nhưng cũng phải tiếp tục đi. Họ cứ đi cho đến khi phát hiện ra dấu vết của con người và lạc đà trên cát. Rồi bỗng nhiên nghe được tiếng gà gáy. Saint-Ex nhớ lại rằng, trong câu chuyện thoát hiểm ở Nam Mỹ, Guillaumet cũng có nghe gà gáy. Chẳng lẽ lỗ tai cũng có ảo tưởng? Không, vì Prévot cũng nghe gà gáy.

 

Cả hai người cùng đưa tay hướng về người Á-Rạp du cư kia, người Bédouin giữa sa mạc. Cả hai cùng la lên, nhưng họ không còn đủ hơi để la lên cho người Bédouin nghe thấy. Người Bédouin vẫn không nghe, không thấy gì, cứ đi thẳng. Hai người cũng không đủ sức để chạy theo.

 

Một người Á-Rạp nữa hiện ra, nhưng cũng không thấy họ. Rồi bỗng nhiên người Bédouin quay lại, nhìn thấy hai người chết đuối trên biển cát. Vậy là xong xuôi, là thoát, hai người đã được cứu vớt, hết khát, hết chết và hết cả ảo ảnh.

 

Nội cái nhìn của người Bédouin cũng thay đổi cả một vũ trụ đối với Saint-Ex và Prévot. Với cử chỉ nhỏ nhặt, với cái nhìn của người Bédouin, cuộc sống đã trở lại với hai người và người Bédouin kia kể như là Thượng Đế với họ. Thật là huyền diệu, người Bédouin tiến tới chỗ hai người trông giống như một vị thần đi trên biển cả...

 

Người Á-Rạp nhìn hai người, đặt bàn tay ấm êm và cứu rỗi lên vai hai người hụt hơi trên sa mạc, làm cho họ thấy nhẹ nhàng thoải mái. Không còn dị biệt, không còn khác biệt ngôn ngữ, không còn phân chia kỳ thị gì nữa. Chỉ có người du cư nghèo kia đặt lên vai hai người bàn tay thiên sứ. Người Bédouin đưa cho hai người một bình nước bằng da thú, như bầu sữa mẹ lúc đầu đời, tái sinh.

 

Hai người uống thỏa thích như bò con uống nước. Người Bédouin lo ngại ngăn chận không cho hai người uống quá nhiều. Bây giờ chỉ biết có nước và nước chẳng cần mùi vị, màu sắc gì hết. Chỉ cần biết hạ giảm cơn khát. Nước không phải nhu cầu cho cuộc sống mà là lẽ sống của hai người. Sau đó, người Á-Rạp du cư đưa Saint-Ex và Prévot đến Le Caire để trở lại cuộc sống với loài người.

 

"Còn về phần ông, người Bédouin của Libye, vị ân nhân của chúng tôi. Là trường hợp cá thể ông sẽ không còn trong tâm trí chúng tôi. Dung nhan cá biệt của ông không còn trong thâm tâm của chúng tôi nữa. Ông là Con Người viết hoa và ông hiển hiện trong thâm tâm của chúng tôi với dung nhan của tất cả những con người cùng một lúc, của cả nhơn loại. Ông chẳng bao giờ biết mặt chúng tôi vậy mà ông đã yêu thương chúng tôi. Ông là người anh em thân thương và quý mến. Đối với chúng tôi, ông sẽ bàng bạc trong nhơn loại.

 

"Với chúng tôi, ông là người cao thượng và khoan dung, là vị chúa tể có quyền dẹp tan cơn khát. Qua ông, tất cả bằng hữu của chúng tôi, tất cả kẻ thù của chúng tôi đều nghĩ tới chúng tôi và chúng tôi chẳng còn kẻ thù nào hết."

 

Như đã hứa khi nhận tiền ứng trước, trong hai tháng Giêng và Hai năm 1936, Saint-Ex đã viết bài tường thuật dài sáu kỳ, kể lại chuyện hạ cánh bắt buộc xuống sa mạc Libye, dưới tựa đề:"Le vol brisé. Prison de sable" (Chuyến bay dang dở. Bị nhốt trên đồng cát). Loạt bài tường thuật được Saint-Ex đưa vào tác phẩm "Terre des hommes" (Mảnh đất của con người).

 

Thời thực dân Tây, mẫu quốc Phú Lang Sa đã tôn Sài Gòn lên bực "Hòn Ngọc Viễn Đông", phần nào thu hút tánh hiếu kỳ của thiên hạ. Nên chi, người ta muốn tìm cách rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Giấc mộng Sài Gòn của Saint-Ex chưa đạt tới đã tan tành mây khói trên sa mạc Libye. "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi", nhưng đến được Sài Gòn vào thời của Saint-Ex cũng lắm gian truân, chẳng phải dễ gì.

 

Phan Quân

 

Tài liệu tham khảo:

1.- 29 décembre 1935: "Frère des hommes", Le Figaro (Hors Série), Irina de Chikoff, juillet 2006.

2.- "Terre des hommes", Saint-Exupéry, nxb. France Loisirs, 2000.

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.