.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Góp chuyện vào lịch sử:

Ngày đó dưới mắt tôi

  • PSN - 1.3.2010

Là một sĩ quan Không Quân cấp đại úy, tôi cảm thấy yên phận mình với nhiệm vụ sĩ quan trực tác chiến tại Bộ Chỉ Huy Không Chiến (BCHKC), một bộ phận trung gian giữa người ra lệnh và những thành phần bay bổng chiến đấu ngoài trận địa. Thời điểm lúc bấy giờ thuộc về những năm của thập niên 60, trong một bối cảnh chánh trị, quân sự và xã hội vô cùng phức tạp.

 

Một sĩ quan như tôi, không dính líu gì với chánh trị - quân kỷ quy định rằng quân nhơn không được tham gia chánh trị, hơn nữa cũng chẳng phải là sở thích cá nhân, mặc dầu có khá nhiều quân nhơn vào Đảng Cần Lao Nhơn Vị của nhà nước để dễ thăng quan tiến chức - lên được đến cấp bực đại úy là quá lắm rồi, đối với nhơn viên phi hành không phải là hoa tiêu. Thôi thì cứ làm tròn bổn phận của một quân nhơn và chờ ngày về hưu.

 

Lúc đó, khủng hoảng chánh trị xuất phát từ lễ Phật Đản ở Huế, một khủng hoảng chánh trị to lớn đối với chánh phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Biến cố tôn giáo chánh trị này gây xúc động sâu đậm, không những trong nước mà cả trên trường quốc tế, cũng còn tác động mạnh đến chiến cuộc Việt Nam và ghi đậm dấu ấn vào lịch sử đất nước và lịch sử tôn giáo nước nhà.

 

Số là, trước đó hai ngày, nhơn dịp Tòa Thánh Vatican tấn phong Giám Mục Phê-Rô Mác-Ti-Nô Ngô Đình Thục - anh của Tổng Thống Diệm - giáo dân Huế đã treo nhiều cờ Vatican trên quốc kỳ Việt Nam. Sài Gòn sợ hiện tượng đó gây tiền lệ nên có phản ứng, ra lịnh chỉ treo quốc kỳ Việt Nam nơi công cộng trong mọi lễ lạc.

 

Ngày 8 tháng 5 năm 1963, nhơn dịp lễ Đức Phật đản sanh, Phật tử Huế cũng treo cờ Phật giáo cùng với quốc kỳ. Dự kiến trường hợp phức tạp, Sài Gòn đã ra lịnh tạm đình hoãn thi hành chỉ thị nói trên. Rủi thay, lịnh Sài Gòn không kịp tới tay nhà chức trách địa phương nên mới có chuyện.

 

Cái rủi nầy tưởng nên xét lại, vì thời buổi điện tín và điện báo nhanh chóng sao lại có chuyện trễ nải như vậy? Phải chăng chánh quyền địa phương có âm mưu ý đồ không lành mạnh? Nên chi, thiên hạ cho rằng chánh phủ cấm treo cờ Phật giáo.

 

Trong buổi lễ, Thượng Tọa Thích Trí Quang, vị tu sĩ được Phật tử Huế sùng bái, đọc diễn văn chỉ trích chánh sách kỳ thị tôn giáo của chánh phủ. Rồi ông đưa Phật tử đến đài phát thanh địa phương đòi hỏi phải phát âm cuộn băng ghi bài nói chuyện của ông. Nhà cầm quyền Huế ra lịnh giải tán và trong lúc lộn xộn đã có súng nổ làm cho bảy người chết và nhiều người bị thương. Như vậy, biến cố Phật giáo đã bùng nổ.

 

Cuộc khủng hoảng tôn giáo kéo dài, càng ngày càng thêm những tình tiết khác nâng nó lên cao, cộng thêm cung cách xử sự vụn về của chánh quyền làm cho biến cố thêm nguy kịch. Từ địa phương Huế biến cố lây lan ra cả nước, kéo theo nhiều đoàn thể chánh trị, biến dạng thành khủng hoảng chánh trị. Từ đó, quân đội cũng bị tác động của ảnh hưởng dây chuyền. Và trong tác động liên hoàn đó, biến cố đã vô tình lôi bản thân tôi vào vòng chiến.

 

Ngày thứ sáu 1 tháng 11 năm 1963 tôi giữ phiên trực buổi sáng. Thông thường một ngày trực hành quân của sĩ quan chúng tôi được chia ra làm ba ca, sáng, chiều và đêm. Hai phiên sáng (từ bảy giờ đến mười ba giờ) và chiều (từ mười ba đến mười chín), mỗi phiên sáu tiếng còn ca đêm thì từ muời chín giờ đến bảy giờ sáng hôm sau.

 

Ngày đó, người bạn làm ca chiều bận việc gia đình, yêu cầu tôi, nếu được, xin đảm trách ca chiều thay anh. Thời gian đó, gia đình tôi đưa các con đi Vũng Tàu nghỉ mát, tôi ở nhà một mình nên không thấy gì trở ngại để giúp anh bạn giải quyết khó khăn. Chỉ cần một ổ bánh mì thịt là xong bữa ăn trưa.

 

Phiên trực ban sáng của tôi trôi chảy êm xuôi, đúng như kế hoạch tác chiến đã lên từ chiều hôm trước. Ca trực buổi chiều cũng khởi sự một cách im ắng như mọi buổi chiều hành quân của miền nhiệt đới, nghĩa là uể oải, trầm trầm, vì cơn nóng của nắng xiên khoai. Trong khi bên trong BCHKC, cái mát lạnh của bầu không khí được điều hòa và tiếng máy xử lý nhiệt độ chạy đều đều, dễ làm cho người ta có khuynh hướng buồn ngủ. Những sĩ quan Mỹ đối tác cũng im lặng làm việc hay đọc sách, sẵn sàng ứng chiến. Tiếng điện thoại cũng thưa đi, không phá vỡ bầu không khí yên bình của phòng hành quân.

 

Khoảng gần hai giờ trưa, một cú điện thoại đến ban tác chiến của chúng tôi. Đầu giây bên kia không phải những liên hệ chiến thuật quen thuộc từ Tổng Tham Mưu (TTM) hay Quân Đoàn như thông lệ. Lần này, lạ lùng thay cho tôi, cú điện thoại ấy xuất phát từ Đại Tá (ĐT) Đỗ Khắc Mai, Tham Mưu Trưởng Không Quân. Kỳ cục vậy, Tham Mưu Trưởng mà gọi sĩ quan trực hành quân của BCHKC vào giờ này? Tôi chưa hết ngạc nhiên thì ông nói ngay:

- Ai đó? Tôi Đại Tá Mai đây, từ Bộ TTM. Anh cho một phi tuần khu trục, trang bị nhẹ của Biên Hòa cất cánh ngay và bao vùng thủ đô.

 

Tưởng cần mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về ĐT Mai. Ông đã được hầu hết những quân nhơn KQ biết rằng ông là người thuộc Đảng Cần Lao Nhân Vị của hệ thống Dinh Độc Lập. Nhờ vậy ông đã có quyền, có thế và chiếm địa vị vai vế trong KQ. Trước khi làm Tham Mưu Trưởng KQ, ông đã là Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Huấn Luyện KQ Nha Trang. Cho nên khi ông ra lịnh cho cất cánh phi tuần khu trục thì tôi hoang mang, không biết ông ra lịnh như vậy với mục đích gì?

 

Một lịnh rất bất thường vì không đúng hệ thống chiến thuật thường lệ của chúng tôi. Gấp gì thì gấp, tôi phải báo cáo ngay cho cấp chỉ huy trực tiếp là Đại Úy Vũ Văn Ước, Trưởng Phòng Hành Quân của chúng tôi. Chắc là Đại Úy Ước cũng phải liên lạc với Thiếu Tá (TT) Trần Văn Minh, Chỉ Huy Trưởng BCHKC, nên năm phút sau, hai ông cùng tới chỗ tôi. Trong khi chờ đợi, tôi đã gọi Phi Đoàn Khu Trục 514 (Biên Hòa) cho chuẩn bị phi tuần và chờ lịnh cất cánh.

 

Sau khi kiểm điểm lại với ĐT Mai, TT Minh chấp thuận để tôi cho phi tuần ứng chiến cất cánh. Chưa đầy năm phút sau, phi tuần đã báo cáo qua tần số cho biết là đã "TOT" (Time over target), có mặt trên vùng mục tiêu. Tưởng nên nói rõ là trong không phận Sài Gòn-Chợ Lớn, từ khi Dinh Độc Lập bị hai phi công Quốc và Cử ném bom, đã quy định một "vùng đỏ", đường kính bao trùm thủ đô, cấm ngặt mọi loại máy bay xâm nhập.

 

Nghe tiếng khu trục cơ bay lảng vảng trong vùng cấm, pháo binh phòng không Dinh Độc Lập (lúc này đã được dời về Dinh Gia Long) gọi qua đường dây trực tiếp để hỏi tôi có biết phi tuần đó không. Dĩ nhiên là tôi phải biết, nhưng tôi tảng lờ và trả lời là để xem lại và sẽ ra lịnh cho máy bay ra khỏi vùng cấm. Đâu cần phải xem lại và cũng không có lịnh lạc gì cho phi cơ. Mà lại còn thêm phi tuần nữa lên để chuẩn bị thay phiên phi tuần đã lên trước đó.

 

Dinh Độc Lập thấy bối rối, cứ gọi tôi mãi hỏi sao chưa thấy máy bay ra khỏi vùng đỏ mà lại có thêm phi tuần khác? Trong lúc đó, hệ thống điện thoại hành quân của tôi cứ reo như dế gáy đêm khuya. Bấn tới tấp, tôi gở dây máy điện thoại liên hợp E8, trực tiếp với Dinh Độc Lập, vì xét rằng đường liên lạc nầy không còn cần thiết nữa. Cuộc đảo chánh đã thực sự tiến hành.

 

Sau đó diễn biến cứ dồn dập, tiến tới rất nhanh, liên lạc vô tuyến giữa phi cơ với nhau và giữa phi cơ với chúng tôi ở dưới dất cứ vang vang, rối rắm. Có tiếng phi tuần trưởng báo động các khu trục đoàn viên coi chừng pháo phòng không từ Tiểu Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống bắn lên. Rồi thì khu trục được lịnh ném bom xuống Thành Cộng Hòa, cứ điểm của Tiểu Đoàn Phòng Vệ. Khu trục báo cáo đã ném bom sập cổng Thành Cộng Hòa.

 

Phi cơ quan sát cho biết tình hình quân bộ chiến đang tiến thối lưỡng nan ở Dinh Gia Long. Cuộc đảo chánh do đó còn giằn co, chưa ngã ngũ ra sao hết thì ca trực của tôi đã chấm dứt. Đương nhiên là tôi chưa ra về vội, muốn ở lại để theo dõi tình hình, trực tiếp và cụ thể hơn. Về nhà, trên truyền thanh thì chỉ nghe nhạc quân hành và một ít tin tức lẻ tẻ, chẳng đâu ra đâu hết.

 

Đêm đó về nhà tôi không làm sao nhắm mắt được, cứ suy nghĩ viễn vong. Nếu đảo chánh không thành công thì đương nhiên tôi sẽ gặp khó dễ với An Ninh Quân Đội. Hữu ý hay vô tình không cần biết, tôi đã trực tiếp nhúng tay vào hoạt động lật đổ chế độ. Lại là một hành động liên can đầy tánh quyết định.

 

Sáng hôm sau, mặc dầu không phải phiên trực, tôi vẫn vô BCHKC từ sáng sớm. Tin tức hành quân đảo chánh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, tôi đâm ra hoang mang vì nghĩ rằng những đơn vị quân đội trung thành với chế độ chắc đang kéo về thủ đô để phò chúa cứu nguy. Báo cáo của phi cơ quan sát bao vùng quanh Biệt Khu Thủ Đô cho biết là tình hình vẫn yên tịnh, nghĩa là không thấy có động binh từ hai Quân Khu III và IV, những vùng quân sự giáp ranh với thủ đô. Điều đó giải tỏa cho tôi một mối lo.

 

Tới gần trưa, một tin đáng mừng cho mọi người, loan báo rằng hai anh em Diệm Nhu đã đầu hàng Cách Mạng. Tôi thở phào khoan khoái, không phải vì Cách Mạng đã đi được một bước tới thành công, mà vì tôi sẽ khỏi phải bị lôi thôi với An Ninh Quân Đội. Tôi xách xe về nhà làm một giấc lấy sức để cho phiên trực tới.

 

Trong phiên trực kế tiếp, tôi đang điều hành công tác thường lệ, dự trù trường hợp Việt Cộng gia tăng hoạt động, thừa cơ chánh trường Sài Gòn đang rối ren. Nhưng chưa thấy gia tăng về mặt đó, có lẽ cộng sản đang chờ lịnh của "Cục R". Phòng hành quân đang êm đềm thì Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ, Chỉ Huy Trưởng Liên Phi Đoàn Vận Tải, lưng đeo súng lục, dẫn theo sáu bảy quân nhơn KQ, tay súng M16, đẩy mạnh cửa bước vào.

 

Ông cho biết là chỉ đến xem anh em làm việc ra sao. Sau đó, tôi được biết là toán người nầy đã qua Bộ Tư Lịnh KQ bắt Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền (cũng trong Đảng Cần Lao Nhơn Vị), Tư Lịnh KQ đem biệt giam, rồi đi tới những cơ quan có liên quan tới hành quân để xem xét tình hình. Theo chỗ tôi được biết thì vụ bắt giam ông Hiền suýt có đổ máu vì phản ứng ban đầu của ông nầy là kéo hộc tủ lấy súng lục ra nhưng đã bị lâu la của ông Kỳ chặn tay ngay.

 

Vài ngày sau, đảo chánh kể như đã thành công, đương nhiên có nhiều vụ thăng cấp, để gọi là tưởng thưởng sốt dẻo. Đại Tá Mai được bổ nhiệm chức vụ Tư Lịnh KQ. Trong đà đó, tôi được thăng lên thiếu tá, một vụ lên lon làm cho tôi cảm thấy ê chề. Ngày gắn cấp bực mới, Đại Tá Mai nói với tôi:

- Anh thấy mình có xứng đáng không? Thôi thì nên cố gắng cho đúng danh nghĩa!

 

Tôi vướng vào cuộc "Cách Mạng" đó một cách bất ngờ, gần như đương nhiên theo bổn phận. Tôi không có phần dự mưu, tôi không đòi hỏi phải trả công. Như trên trời rơi xuống. Giá mà KQ không cho tôi thăng cấp, tôi cũng không có gì phiền hà.

 

Một tuần lễ sau, Trung Tá Kỳ được thăng Đại Tá, đảm nhiệm chức Tư Lịnh KQ và Hội Đồng Quân Nhơn Cách Mạng đưa Đại Tá Mai đi làm Tùy Viên Quân Lực ở Tây Đức. Một con người vì miếng đỉnh chung mà tráo trở thì có ai dám tin cậy nữa. Thà rằng đưa đi xa, coi như một cách tưởng thưởng.

 

Riêng tôi, bốn mươi bảy năm sau, cứ suy ngẫm không thôi về nhơn tình thế thái của trò đời mà ngao ngán!

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.