.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Chuyện kể đêm khuya

Thân gái dặm trường

  • PSN - 6.3.2010

Sáng chủ nhựt 20 tháng tư năm 1963, mười giờ hai mươi tám phút. Chợ Trương Minh Giảng đang nhóm đông nghẹt. Bỗng nhiên ầm một tiếng. Khói bay mù mịt.

- Lựu đạn! Lựu đạn!

Thiên hạ đua nhau chạy tán loạn. Tiếng còi hụ, tiếng la, tiếng khóc, tiếng kêu than in ỏi một góc trời. Cảnh sát, cứu thương, nhà báo quýnh quáng, chàng ràng, lộn xộn, lăng xăng.

 

Trong khi người ta náo loạn như vậy thì có một bé gái chừng mười tuổi sợ điếng người, đứng núp trong một góc tường, giữa hai quán hàng. Em quýnh quýu chưa biết phải làm gì và làm sao thì một bàn tay chộp lấy em, vừa lôi đi vừa nói:

- Em nhỏ, chạy khỏi chỗ nầy mau lên!

Một người Pháp. Ông bồng cô bé lên và đem đi.

 

Cô bé tên Tuyết, học chương trình Tây, trường các bà Soeurs Saint Paul (Trường Bà Trắng). Ông là nhà báo viết cho tờ "Le Monde" của Pháp. Ông đưa cô bé về nhà. Tuyết sợ bị mẹ rầy la, vì đã cãi lời dặn, dám đi với người lạ, mà người ngoại quốc nữa, nên không thể để cho nhà báo đưa đến tận nhà, biểu ông đứng xa xa, dưới gốc cây điệp. Như vậy là hai người chia tay nhau.

 

Tuyết là con gái duy nhứt của một cặp vợ chồng son trẻ ở Hà Nội. Mẹ Tuyết tên Giáng-Kiều, sanh cô xong hai ông bà đưa nhau vô chiến khu. Trẻ con, với tiếng khóc không kềm hãm được, gây nhiều khó khăn cho kháng chiến quân, cần phải giữ bí mật. Cha cô bé đành để cho vợ đem con gái về thành sanh sống. Cuộc chia ly tưởng đâu tạm thời, sẽ sum họp khi kháng chiến thành công. Nào ngờ đâu... Về sau, có tin là người chồng, hai mươi lăm cái xuân xanh, "đã thành liệt sĩ, trên chiến trường Điện Biên Phủ!"

 

Hiệp Định Genève được ký kết, phong trào di cư người Bắc vô Nam ồ ạt, lôi cả hai mẹ con đi về vùng đất mới, hoàn toàn xa lạ. Trước khi chia tay, người chồng có dặn vợ phải thực tế và thực tiễn, tùy cơ ứng biến, miễn sao cho con thành người tự do hữu ích, đừng khư khư giữ truyền thống mà phải gò bó với chuyện tình nghĩa trăm năm.

 

Sau nầy, vì nhu cầu cuộc sống, nhứt là vì tương lai của cháu Tuyết, bà phải đi bước nữa với một ông danh giá và quyền thế, một viên chức của chánh phủ Bảo Đại. Kết quả của cuộc hôn nhơn thứ hai nầy là một cậu con trai, rủi thay không qua được bốn tuổi, vì chứng ung thư cuống họng. Hai vợ chồng vì đó chia tay.

 

Định mệnh quá nghiệt ngã với Giáng-Kiều, đời bà chưa được bao nhiêu năm tuổi mà đã chịu ba cái tang. Cha bà bị cộng sản xử tử bỏ xác trên đồi hoang, chính tay bà phải đem về chôn cất. Chồng bà sống chết không rõ mà chỉ được miếng giấy nhỏ, tuồng chữ lạ hoắc, ghi gọn vài hàng thay cho khai tử. Cái chết gần nhứt là của đứa con trai coi như là thừa kế của gia đình.

 

Bây giờ, điều quan trọng nhứt còn lại của đời bà là tự do, một phẩm chất vì đó cha bà bị người ta giết, vì đó chồng bà đã hy sinh. Cho nên giờ đây bà phải tiếp tục tranh đấu cho tự do, vì có tự do là có phẩm cách và không phẩm chất đó thì cuộc đời vứt đi, chẳng còn lý do gì để sống.

 

Bà đưa cháu Tuyết vô nội trú để bà rảnh tay rảnh chưn đi đây đi đó hoạt động cho lý tưởng của bà. Tới một lúc, cuộc khủng hoảng Phật giáo đã đưa chánh phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào một thế bí, có nguy cơ đi đến đường cùng. Hệ quả gián tiếp có thể là Mỹ sẽ nhảy vô cuộc chiến và cộng sản sẽ có lý do "chống Mỹ cứu nước". Nên chi, phong trào của bà phải tích cực hoạt động.

 

Cứ thắc mắc cũng như bị ám ảnh luôn bởi vụ nổ lựu đạn ở chợ Trương Minh Giảng và về ông nhà báo kỳ lạ kia, Tuyết tự hỏi không biết ông ta là người như thế nào? Tuyết chưa kịp cám ơn ông, vì quá vội vàng, vì sợ mẹ rầy la. Tuyết bèn nảy sanh ra ý kiến viết thơ cho ông ấy, để biểu lộ rằng cô chưa vội quên ân nhơn.

 

"Thưa ông nhà báo,

 

"Cháu viết thơ cho ông vì sợ ông quên mất cháu. Ông còn nhớ đứa nhỏ mà ông đưa về nhà, sau vụ lựu đạn nổ ở chợ không? Mẹ nói là nhờ Trời Phật và Ông Bà che chở. Cháu thì cháu cho rằng nhờ ông, nhưng cháu chẳng nói gì, chẳng nói với ai cả, thậm chí với Julie, người bạn thân thiết nhứt của cháu. Đó là điều bí mật của riêng cháu. Bí mật thật là trọng đại và nhứt định không khi nào cháu tiết lộ cho ai hết, vì là bí mật thiệt tình.

 

"Từ khi xảy ra vụ lựu đạn, cháu không có ra khỏi nhà. Mẹ không có ngày giờ rảnh rỗi. Mẹ nói trong thời buổi chiến tranh, không phải muốn làm gì thì làm. Hai chiếc áo mặc ngày chủ nhựt cũng buồn hiu vì cháu không đi ra ngoài thì chúng cũng không được ra. Hai chiếc áo toàn màu trắng, quy định của nhà trường là như vậy.

 

"Cháu gọi một cái là Mây vì cháu thích chơi đùa với mây, khi có một mình hay không muốn đọc sách hoặc chơi đùa với bạn bè. Vậy là cháu nằm ngữa mặt lên trời, nhìn mây chuyển động trên không và bịa ra nhiều chuyện. Phải kể thật nhanh vì mây có thể kéo dài ra, thay đổi hình dáng nhanh chóng và trở thành những nhơn vật khác.

 

"Cái kia tên Gió vì gió thổi mây bay. Cháu rất thích hai tên gọi nầy vì cháu bị giam hãm, còn hai cái áo đó không bị như vậy. Rồi thì mây thường là màu trắng, còn gió thì không có màu. Gió như hơi từ trong lỗ mũi khi mình thở, mình cảm biết mà không nhìn thấy. Gió là hơi thở của Trời.

 

"Cháu phải ngừng bút vì Bề Trên đã chấm bài xong và sẽ đi qua các bàn để xem tụi cháu làm gì. Bề Trên là tên gọi mà cháu sử dụng để gọi những dì phước mượn kỷ luật để làm phiền cháu. Cháu không dám hỏi danh tánh của ông vì người ta đã dạy cháu là không nên làm như vậy với người lớn. Ông có phật ý không, nếu cháu đặt một cái tên gọi cho ông?

 

"Tuyết

 

"Ghi chú: Cháu quên cho ông biết là cháu không bao giờ quên ông.

 

Thơ viết xong, nhưng gởi đi là cả một vấn đề. Không có bao thơ, chẳng có cò. Đưa ai bỏ thơ đây? Nội trú trường dì phước, kỷ luật rất khắt khe, đâu phải muốn làm gì cũng được. Nên chi, Tuyết cứ viết hai ba lá, nhưng rồi xếp vào tập nhựt ký để đó. Cung cách riêng của cô bé để khỏi quên ông nhà báo.

 

*  *  *

 

Ngày lên, đêm xuống. Mặt trời mọc rồi lặn. Trăng sáng, nguyệt tàn. Cây phượng trổ bông, hoa phượng rụng. Dòng thời gian, cái trước, cái sau, thay phiên nhau trôi qua. Cô bé Tuyết mười tuổi ngây thơ ngày nào, nay đã mười tám xuân xanh. Bằng tú tài Tây trong tay, cô chưa thấy mình trưởng thành như mẹ cô nghĩ.

 

Một hôm, hai mẹ con ngồi uống trà bàn chuyện tương lai. Một người hoạt động đấu tranh như bà chẳng lẽ đợi con gái lớn khôn rồi lo việc dựng vợ gả chồng. Vã lại, đó đâu phải là quan niệm sống của Tuyết. Thảo luận gay go một hồi khá lâu, Tuyết mới thấy rõ chân tướng của một người mẹ, tưởng đâu cứng rắn, thiệt ra cũng rất dịu hiền, yêu con như thường tình. Đôi co mãi vì lý nầy, lẽ nọ, con không đành để mẹ ở nhà một mình, mẹ không muốn tương lai của con mờ mịt, cuối cùng chiều ý mẹ, Tuyết thuận lòng tiếp tục học nữa mà phải đi đến một phương trời xa xăm hải ngoại, như ý muốn của người mẹ. Chớ ở quê nhà, khói lửa, bom đạn ì ầm, học hành gì được. Tuyết lên đường du học ở Bĩ, vì thời ấy chánh phủ của các tướng lãnh đã cấm sanh viên đi Tây.

 

*  *  *

 

Phần kết

 

"Cháu Tuyết,

 

"Tôi muốn trở lại trường thăm cháu lần nữa, nhưng rất tiếc tôi lại gặp sự từ chối quá quyết liệt. Có lẽ mẹ cháu biết được kỳ tôi đến thăm lần trước nên bà đã yêu cầu trường không cho tôi thăm nữa. Bà muốn bảo vệ cháu và cháu có thể hiểu điều đó.

 

"Có lần cháu hỏi tôi tình hình đất nước của cháu đã tồi tệ phải không? Tôi đã trả lời rằng đúng vậy. Nếu ngày nay, cháu hỏi như vậy nữa thì tôi chẳng biết phải trả lời sao. Tôi đang ở Sài Gòn vì Tổng Thống Diệm và em của ổng vừa bị ám sát. Quân nhơn đã nắm quyền. Tình hình sẽ diễn biến ra sao? Tôi chẳng biết được tương lai sẽ ngã theo màu sắc nào.

 

"Mảnh giấy nầy, tôi cứ bỏ vô thùng thơ nhà cháu. Tôi còn nhớ nhà cháu nhờ cây điệp, cây thứ tư từ đầu đường đếm vào, nếu đi từ chợ tới. Mánh lới nhà báo, cháu thấy chưa!

 

"Viết cho cháu nhưng không chắc gì cháu đọc được. Nếu đọc được, cháu nên hiểu rằng tôi rất sung sướng được biết cháu. Giọng cười và những câu hỏi cháu nêu ra, với đôi chưn mày nhíu lại, sẽ đeo đuổi tôi khá lâu.

 

"Hy vọng sao cuộc sống còn cho tôi có cơ hội gặp lại cháu nữa. Nhứt là hy vọng rằng cháu sẽ tươi tắn mãi như khi tôi gặp cháu, một sự tươi tắn làm cho cặp mắt cháu ngời sáng, dẫu với cái nhìn thật nghiêm trang, vào một ngày chủ nhựt tháng tư năm 1963.

 

"Thương mến,

"E.L."

 

Tôi để lá thơ lại trên bàn, gục đầu một hồi lâu, rồi cầm thơ lên, đọc lại. Một lần, hai lần, và một lần nữa, rồi một lần khác, đến khi lời lẽ trong thơ in sâu vào óc tôi, từng chữ một, từng dấu phẩy nhỏ.

 

Tôi ở trong phòng trọ đại học có một mình. Không, không phải một mình. Với ông nhà báo. Và một tia nắng êm dịu xuyên qua cửa sổ đã chiếu phơn phớt lên vai tôi.

 

Bruxelles đã vào hạ. Kế tiếp là mùa thu với cảnh sắc lộng lẫy, mùa đông cho vũ trụ nghĩ ngơi và mùa xuân để nhựa sống vươn lên. Rồi hè sẽ trở lại với những ánh nắng nung nóng. Bốn mùa rõ rệt, mỗi mùa một hơi thở đặc biệt và một thích thú riêng tư.

 

Nước tôi chỉ có hai mùa, và...

 

Nước tôi? Tôi nói gì vậy? Còn đâu nữa mà nước tôi! Mất rồi! Tan biến rồi! Rã rời rồi! Và cây điệp thứ tư đã chết. Chết.

 

Ông nhà báo có biết không?

 

Đêm xuống rồi.

 

Tôi cảm thấy đơn độc.

 

Tôi phải viết thơ cho ông ấy, phải nói với ông ấy. Tôi phải nói cho ông ấy rõ Lịch Sử đã giết chết cây điệp thứ tư như thế nào. Tôi vẫn còn quá đau khổ.

 

Tôi cầm cây bút bi lên. Không, tôi thích ngòi viết hơn vì nó lướt chạy trên giấy, nó cào xé, nó vuốt ve mơn trớn. Nó nổi giận. Nó tuyệt vọng. Nó hy vọng. Những con chữ có nhiệm vụ giải bày những cảm nghĩ của mình.

 

Tôi viết để tự nhũ với lòng mình.

 

"Thưa Ông Nhà Báo,

 

"Không biết ông còn nhớ tôi không?

"Tại Sài Gòn, một sáng chủ nhựt, một trái lựu đạn đã nổ tung trong chợ. Một người đã bồng cô gái nhỏ trong tay và chạy đi. Vài tháng sau, ông ấy đến thăm cô bé trong một ký túc xá. Từ đó đến nay hai người không gặp nhau nữa.

 

"Người đó là ông, và cô bé là tôi.

"Bây giờ thì chắc là ông đã nhớ ra rồi chớ?

"Tôi không bao giờ biết tên ông. Ông gọi tôi là Neige.

"Hồi đó, tôi lên mười. Ngày nay, tôi đã hai mươi hai.

 

"Vậy là mười hai năm đã trôi qua. Tôi chẳng biết ông còn sống hay không. Nếu còn thì ông phải biết. Bằng không thì dẫu ông ở đâu, tôi xin báo cho ông là Sài Gòn không còn nữa. Xe tăng đã vào thành phố. Đó là ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.

 

"Có những ngày tháng gợi nhớ như hồi chuông báo tử. Với tôi ngày ấy là của hàng triệu con người, hàng triệu niềm hy vọng. Mà cũng là hàng triệu giấc chiêm bao.

 

"Sài Gòn bị bắt chẹt, một cách vũ phu. Thành phố bị tước đoạt tên gọi vì từ nay nó mang tên Thành Phố Hồ Chí Minh, theo kiểu Stalingrad và Leningrad bên Nga. Hà Nội đã quyết định như vậy, ngay sau một chiến thắng cướp được sau một cuộc chiến tranh kéo dài trên hai mươi năm. Qua đó, Hà Nội muốn cho thành phố anh em thua cuộc phải vào khuôn phép, phải tôn ti trật tự, phải tiêu tan. Nhưng, có thể nào bắt mây ngừng bay không? Bắt gió ngừng thổi không? Bắt những con tim đừng hy vọng không? Làm sao giết chết được linh hồn của một thành phố?

 

"Có những trận đánh khủng khiếp. Là ký giả chiến trường, ông có nhìn thấy "từ bên trong" chưa?

"Khe Sanh và đồi 881, Dak To và đồi 871. Thảm trạng Điện Biên Phủ cũng bàng bạc trên cảnh trí rậm rạp sum suê đó. Tướng Giáp ước mơ lập lại nơi đó chiến công hồi 1954. Hai trận đánh này sát phạt rất nặng và kết thúc qua những trận giáp lá cà. Hai ngọn đồi nói trên đã đi vào truyền thuyết. Thiên hạ đồn rằng B52 vẫn còn ầm ì bay ở đó, pháo Trung Cộng vẫn còn nhả đạn ở đó, và ở đó linh hồn hàng triệu người đã nằm xuống vì một lý tưởng mà họ đã tôn thờ hay bị gán ép, dẫu cho ở phía bên nầy hay bên kia chiến tuyến, một chiến tuyến sát hại quá mức đến đổi không ai nhìn thấy.

 

"Ông có ở Huế khi Bắc Việt tổng tiến công hồi Tết 1968 không? Sáng sớm ngày đầu năm âm lịch đó, nhơn dân bị đánh thức vì những tiếng nổ. Pháo! Họ reo mừng ngay, cho rằng pháo xua đuổi hồn ma bóng quế, chào đón xuân về và báo tin tổ tiên trở lại gia đình thăm con cháu. Nhơn dân đón Tết, ngày lễ thiêng liêng của đất nước, vì ngày lễ đó đánh dấu một sự yên lặng của tâm thần, mà cũng là một lúc tạm ngưng của những tấm lòng. Nhưng người ta đã lầm lẫn một cách tai hại, vì đó là những tiếng súng. Miền Bắc vừa mở cuộc tiến công trên toàn lãnh thổ miền Nam, vi phạm lần đầu tiên lịnh ngừng bắn lúc nào cũng được những người anh em thù nghịch tôn trọng. Vùng đất của Vua Chúa và của Tu Sĩ là nạn nhơn đau thương nhứt của cái mưu mẹo khủng khiếp kia. Những trận đánh kéo dài hàng tháng và kết thúc bằng chém giết nhau. Chín ngàn người chết. Sông Hương nhuộm đỏ. Hoàng thành chỉ còn lại là những đống gạch vụn đổ nát, bốc khói.

 

"Khe Sanh, Dak To và Huế vẫn đứng vững, nhưng với một giá quá đắt! Ông có chứng kiến được để tường thuật không? Ông có hiểu được gì không? Ông có than van không?

 

"Ông có ở đó khi Sài Gòn mất không? Đúng là trời long đất lở!

"Trên nóc tòa Đại Sứ Huê Kỳ, lúc bấy giờ đã biến thành chiến lũy, trực thăng Skyhawks vần vũ bay tới lui để di tản những hành khách cuối cùng ra những chiếc tàu ngược xuôi ngoài khơi. Trước hàng rào sắt, một đám đông khổng lồ. Thiên hạ tập trung ở đó từ ngày nầy qua ngày khác, đêm nầy qua đêm nọ, đứng trên cây hay bám vào trụ đèn, càng lúc càng đông, la ó gào thét, người thì đưa thẻ xuất cảnh, kẻ thì trưng giấy thông hành, hay bất cứ thứ gì có thể chứng minh được chút liên hệ nào đó với những người sắp bỏ rơi mình, để hy vọng được đi. Bên trong hàng rào, những người lính GI, lo sợ và bấn loạn, được che chắn bằng nón sắt và áo giáp, lấy bán súng tiểu liên đẩy lui những người định tháo chạy, bắn chỉ thiên để cảnh cáo và chỉa cả súng vào đám đông. Chẳng ăn thua gì. Người ta vẫn bám chặt. Người ta khóc than. Người ta trao con qua song sắt với yêu cầu:"Take him, please, take him!" (Đem nó đi, làm ơn đem nó đi). Vô lý, các người làm gì vậy? Tại sao lại rời bỏ máu thịt của mình? Mấy người muốn cho chúng nó thoát nạn gì? Tuyệt vọng rồi hóa điên, người ta bắn lên trực thăng làm cho chong chóng quay tít lên, bên hông bị lủng phải chao đảo, ném tung những người xấu số ra khoảng không. Thiên hạ vỗ tay! Khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh, đưa ông đại sứ đi, tay ôm vào ngực chiếc cờ sao sọc, như ôm một di vật của mảnh đất ôn dịch này, cùng với những thành viên cuối cùng trong bộ tham mưu của ông, thì ông cũng đem đi cả những ước vọng, những giấc mơ và những ảo ảnh của những ai đã tin tưởng vào Việt Nam Cộng Hòa.

 

"Những người thua cuộc cũng chọn lựa số phận của mình. Một số người ra đầu hàng, số khác liều chết theo kiểu Samurai của Nhựt. Trước trụ sở Quốc Hội, một vị trung tá lấy súng sáu bắn vào ngực, một vị thiếu tá bắn vào đầu. Cách đó vài bước, các chiến sĩ dù tự mình gỡ chốt lựu đạn nổ chết chớ chẳng liệng đi đâu hết. Những sĩ quan ra lịnh cho binh sĩ đầu hàng, rồi tự vận. Trong một căn nhà, gia đình trộn thuốc độc vào cơm cho bữa ăn cuối cùng. Vài ngày sau, năm tướng lãnh dùng súng kết liễu đời mình...

 

"Tôi đã nói với ông là xe tăng đã vào thành phố.

"Bộ đội ngồi trên tháp tăng hoặc chạy lúp xúp hai bên hông hô lớn trong loa, hay qua hai bàn tay che lại thay loa, những lời lẽ hòa hợp, hòa giải, hòa bình và khoan hồng nhơn đạo, để trấn an. Chẳng nhằm nhò gì. Vì sợ sệt, thành phố đã xóa bỏ mọi dấu tích của nền cộng hòa đang giãy chết đã được viết trên tường. Người ta nổi lửa lên, liệng lộn xộn vào đó nào cờ, nào huy chương, nào huy hiệu và sẵn tay liệng luôn những bức thơ tình của người yêu gởi từ chiến tuyến bên nầy, những hình ảnh người cha, người chồng, người con chết trong bộ quân phục không còn hợp thời, hy sinh cho một Tổ Quốc chẳng phải của phe đang thắng. Một vụ hỏa thiêu để cho những người còn lại được sống sót. Những người đã khuất ắt cũng hiểu. Chiến xa chạy vô Dinh Độc Lập. Qua Minh Lớn - vì béo tốt lớn con, đương kim Đại Tướng tên Dương Văn Minh - phe thua cuộc lên tiếng: "Để tránh đổ máu vô ích, chánh phủ tôi xin đầu hàng toàn vẹn và không điều kiện." Chìa khóa thành phố được trao cho những người chủ mới. Sao vàng phất phới tung bay theo gió, trên màu xanh da trời trong vắt. Vĩ Tuyến Mười Bảy đã nối liền Lịch Sử. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã ra đời.

 

"Tôi đã kể lại cho ông ngày tàn của Sài Gòn như thể là tôi có mặt nơi đó. Không phải vậy. Bốn năm trước đó, một chiếc máy bay đã chở tôi tới miền "Mai Sau" thường được người lớn nói với tôi, hồi tôi còn bé, một nơi mà người ta hiểu được nhiều chuyện. Nhưng bây giờ tôi chỉ cần mở một nút vặn là một màn hình hiện ra hồ lốn và hàng loạt những điều tôi đã kể ra và còn nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như hình ảnh của những chiếc tàu mong manh vượt biển, chở đầy những người xấu số và đầy hy vọng.

 

"Vì sao nên nổi? Tại sao họ phải bỏ đất nước ra đi, trong khi, nhờ ơn Trời Phật, chiến tranh đã chấm dứt? Hòa bình đã trở lại? Đất nước đã thống nhứt? Già trẻ, giàu nghèo, có học và thiếu trình độ, điên dại hay tỉnh táo, các người chạy đi đâu? Tới miền đất hứa nào? Đất nước của các người không hứa hẹn gì sao?

 

"Làm mồi cho cá mập, hay nạn nhơn của bọn dã man đang hoành hành trên Biển Đông, nhiều người đã chết và còn chết nhiều nữa, bó thân trong nước biển. Trầm lặng, biển chẳng có gì ngạc nhiên, chẳng có gì thắc mắc trước cái điên rồ của thiên hạ. Biển chỉ biết ôm ấp những con người đó trong điệu ru, trong những lời lẽ ngọt dịu cuối cùng. Nhưng biển biết rằng đối với nhiều người, con đường "tự định lấy phận mình", con đường "tự quyết" và cung cách để đạt được các chuyện ấy thường là con đường biển. Trong lịch sử và mãi mãi về sau, biển là đường hướng đi tới tự do, dù đôi khi biển chỉ đem tới hy vọng.

 

"Thiên hạ gọi họ là "thuyền nhơn". Một thuyền nhơn vừa đưa tới tôi một bức thơ của mẹ tôi.

"Từ đất nước xa xôi, mẹ tôi viết rằng: "Con đừng trở về! Con đừng trở về!" Từ chơn trời khói lửa đã tàn, nhưng than hồng vẫn còn âm ỉ, mẹ tôi gởi trả lại tôi những gì thuộc về tôi. Trong cái bao thơ tan tành vì vượt qua ngàn trùng hải lý, bên cạnh những giòng chữ viết vội, mẹ tôi có kèm một tấm hình, hình của ba tôi (tôi nhớ đã có nói với ông trong phòng tiếp khách của ký túc xá), và một lá thơ, thơ mà ông đã gởi cho tôi, cách nay mười hai năm. Tôi không hay biết gì về cái thơ đó. Mẹ tôi không đưa cho tôi bao giờ, cũng không nói gì đến. Nên tôi mới vừa đọc lần đầu tiên.

"Biết nói sao với ông đây?

 

"Được thơ sau bao nhiêu năm, và trong tình cảnh như vầy là một hạnh phúc mà cũng là một nỗi đớn đau. Tôi đọc mà để thơ cách xa mắt vì sợ muối mặn của buồn đau làm hoen ố, trong khi muối mặn của nước biển đã không xóa nhòa nét chữ, để cho thời gian quý báu mà tôi vừa nắm lại được, qua bao sóng gió, khỏi tan biến đi. Những hàng chữ viết xiêng xiêng của ông, mà tôi tưởng tượng như được sóng biển đưa đi, được mặt trời soi dọi, bị cái lạnh giày vò. Những giòng chữ đó được người đem đi ấp ủ trên lồng ngực, với lòng giận dữ, với nỗi sợ sệt, lòng lúc nào cũng dè chừng mọi nguy hiểm, tâm tư trông chờ chút hy vọng, rồi cuối cùng, một sáng một chiều, nhảy lên reo mừng, sau khi miệt mài dò xét biển cả, để rồi bỗng nhiên thấy xuất hiện từ xa một đóm mờ mờ, là điều cuối cùng của mong chờ, là sự giải thoát, là lúc cứu rỗi! Rồi người đó nhảy lên reo hò: "Tàu, bà con ơi! Tàu, bà con ơi!", rồi quỳ gối xuống, hai tay dang ra, đôi mắt nhắm lại, ngữa mặt lên trời, căn ngực hít đầy cơn gió mới và thì thầm tạ ơn.

 

"Tôi đọc bức thơ của ông và từng chữ trong thơ là một niềm an ủi mà cũng là một mũi gai nhọn.

"Ông có phải kèn cựa với mấy người khó tánh đó lâu không? Ban đầu có phải ông hỏi: "Tôi xin gặp cô Tuyết" không? Ông có lớn tiếng đòi: "Cho tôi gặp Mẹ Bề Trên, bà ấy biết tôi!"? Chắc ông buồn, thật là buồn vì phải ra về mà không gặp được tôi. Trong lúc đó tôi chỉ cách ông chừng vài ba thước, chừng vài ba bực thang, khoảng một hơi thở.

 

"Thơ của ông nghe như một tờ di chúc, vì từ khi ông viết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, như tôi vừa nói. Một vũ trụ tan rã. Thì cũng thuận lý, là chung cuộc sự mạo hiểm của lý trí, sự lang thang đi vào ảo tưởng của những con người mưu cầu vừa độc lập cho Việt Nam và vừa tự do cho dân tộc, chỉ đưa đến hoang tàn đổ vỡ.

 

"Ông nhắc đến cái nhìn nghiêm nghị của tôi. Tôi thì tôi lại nhớ đến nụ cười dịu hiền của ông, gần như là buồn buồn. Có phải ông dự đoán được chuyện sẽ xảy ra không? Tới mức độ nào? Và ông sẽ kể lại tới mức nào? Ông có phải nằm xuống, máy ảnh cầm tay, như những người lính chiến khác, súng vẫn trên tay hay không?

Ông còn sống không?

 

"Từ ngày đến Bĩ, và trái với lời hứa năm tôi mười tuổi, tôi không cố gắng tìm ông, nhưng tôi mở nhựt ký ra mỗi ngày. Đó là cách tôi gặp lại ông. Tôi không làm gì hơn nữa. Tôi đã xếp ông vào vùng kỷ niệm.

 

"Ông ngạc nhiên à? Ông chỉ cần biết rằng vì vậy mà có lời căn dặn của mẹ tôi không để cho tôi gặp ông. Ông chưa hiểu mẹ tôi. Rồi ông sẽ biết, mẹ tôi là một con người đã cho rằng người ta ở đời có Nghĩa Vụ và những cái khác. Nghĩa vụ là phải được Tự Do. Mẹ tôi đã bảo trong thơ là "Con đừng trở về! Con đừng trở về!"

 

"Đã lâu tôi không hiểu rõ mẹ tôi. Bà có cuộc đời của bà, tôi đời tôi. Tôi thấy mẹ tôi là một người phụ nữ đầy nghị lực, vững vàng, cứng rắn. Hình ảnh đó của bà làm tôi phải lánh xa. Qua một buổi uống trà, tôi đã thấy mặt thật của bà khi bà để cho tôi thấy khía cạnh rất phụ nữ của bà. Khi ấy tôi được mười tám tuổi và tôi đã hiểu. Tôi đã hiểu là mẹ tôi muốn giữa bà và tôi có một khoảng cách, mà bà cần có để theo đuổi con đường của bà, do chiến tranh tạo ra. Trung thành với đường lối đó, mẹ tôi đã giấu lá thơ của ông. Bà đã muốn để cho tôi chọn con đường của tôi.

 

"Ngày nay, bà đưa lại tôi bức thơ. Tại sao vậy?

"Tôi tưởng tượng ra một thành phố hấp hối, một người đàn bà ngồi cạnh mâm trà tuyệt đẹp bằng sơn mài đen, cầm trên tay một cái tách trà ngọc bích màu xám, tỏa hương thơm mùi hoa sen. Không biết mẹ tôi còn nhớ như tôi không? Chiều xuống cũng như trước kia. Bà nói với con gái: "Con nên đi, rồi con sẽ trở về". Bốn năm đã trôi qua. Ngày nay, cũng mùi hoa sen đó, nhưng trà đã chát đắng rồi. Bà nhắm mắt lại, thấy những xích sắt cuộn ra, tràn tới, nuốt từng thước một cái mà bà đã dày công tranh đấu, sự tự do của bà. Bà đứng lên, bước tới bàn viết, mở ngăn kéo, lấy ra một tấm hình và một lá thơ. Hình đó đã chụp cách nay hai mươi hai năm và bức thơ kia đã được viết mười hai năm qua. Bà đưa tay vuốt nhẹ lên cái miệng cười trên tấm ảnh và đọc lại bức thơ. Bà không bao giờ cho con bà thấy bức thơ đó. Thời gian đã không cho phép. Nhưng thời thế đã đổi thay. Bây giờ, con gái của bà cần phải biết, nhứt là trong lúc nầy. Một tiếng gầm xa xa, rồi đến gần. Xe tăng đã tới ngưỡng cửa thành phố. Bên cửa sổ, cây điệp cũng rung rinh. Bà lấy một tờ giấy rồi viết: "Con đừng trở về." Gạch dưới hai lần, viết thêm: "Mẹ thương con." Lại thêm: "Mẹ tin tưởng ở con." Rồi bà xếp tờ giấy lại bọc tấm hình và bức thơ, cho vào bao thơ, giữ mãi bên mình ngày đêm. Bà trở lại ngồi bên cạnh mâm trà sơn mài đen tuyệt đẹp.

 

"Ngày nay, những gì còn lại không có lý do tồn tại nữa. Hình của ba tôi và thơ của ông đã vượt không gian và thời gian để đến đây với tôi. Cái gọi là "Mai Sau" đã trở thành "Quá Muộn", ngày ba mươi tháng tư đã lôi cuốn đi tất cả, chẳng còn gì để hiểu nữa, chẳng làm gì được hết, là cây điệp thứ tư đã chết rồi.

 

"Định mạng đã an bày. Từ nay, tôi được tự do, cái tự do của những người nhứt định là không bị ràng buộc, của những chiếc lá lìa cành giữa mùa xuân, đúng vậy, của những con tàu không bến, đồng ý. Nhưng cũng là tự do!

 

"Tôi vạch cho tôi một con đường mới, và khi mà những Trang Sử ít khi lật ngược lại, tôi dựng lấy lịch sử của riêng tôi. Bây giờ, tôi có thì giờ, biết bao nhiêu là thì giờ.

 

"Một ngày kia, tôi lại ngồi uống trà với mẹ tôi.

"Một ngày kia, tôi sẽ biết sự thực về ba tôi.

"Và biết đâu một ngày kia, ông lại mời tôi uống ly bạc hà với nước đá bào.

"Cây điệp thứ tư sẽ không khi nào chết thực sự

"Tôi tin tưởng như vậy.

 

Tuyết."

 

Tôi xếp thơ lại, lấy quyển nhựt ký trong hộc ra. Đúng ra là quyển nhựt ký thứ năm, bắt đầu ghi cách nay mười năm, trên tập giấy học trò, và từ bấy đến nay đã trở thành người bạn đường trung thành và hữu ích của tôi. Tay tôi mơn trớn những trang giấy kẻ ô vuông, đầy nét chữ li ti, và tìm trang mà cách đây không lâu, tôi đã ghi: "Thành công kỳ thi đặc biệt. Học gạo cho những kỳ thi khác. Kết thúc luận án để trình bày kỳ thi tốt nghiệp. Trong ba tháng nữa, sẽ trở về nhà!" Tôi muốn xếp lá thơ đó bên cạnh những giòng chữ này.

 

Mười một giờ đêm sắp điểm. Tôi không thấy buồn ngủ. Ở Bruxelles không có giới nghiêm. Tôi khoác áo ngoài lên vai, leo xuống hai từng lầu để đến từng trệt, bước ra đường. Sải chưn tôi hơi dài, như thông lệ. Năm phút sau, ngồi trên băng đá công viên của tu viện Cambre. Tôi có thói quen đến đây để mơ tưởng viễn vông.

 

Đêm hè dịu dàng. Ngoại trừ một vài tiếng xì xèo của bánh xe cán lên nhựa đường và một vài cửa sổ còn sáng ánh đèn, Bruxelles đã thiếp ngủ.

 

Bên kia trái đất, bình minh đã ló dạng. Rồi đây, trời sẽ nhuộm xanh, màu xanh mà tôi hằng ưa chuộng, màu xanh sẽ vĩnh viễn bao phủ lấy những mái nhà của Sài Gòn.

 

 

*  *  * 

 

Trên đây là tóm lược quyển sách tựa đề "Le Journaliste Français" (Ông nhà báo người Pháp) của Tuyết-Nga Nguyễn, một cây viết người Bĩ, gốc Việt, do nxb. Luc Pire/Le Grand Miroir (Belgique) phát hành. Quyển sách dày 255 trang, xuất bản ngày 15 tháng 2 năm 2007, thuộc loại được ghi là tiểu thuyết. Quyển sách đã được giải thưởng "Prix des Soroptimist" 2008 và "Prix des Lycéens de Littérature" 2009. Giải thưởng "Prix des Soroptimist" dành cho những cây viết Pháp ngữ của những người gốc từ các nước nói và viết tiếng Pháp, còn "Prix des Lycéens de Littérature" của Bĩ, do học sinh trung học cấp 2, năm cuối cùng điểm sách và quyết định.

 

Có thể nói đây là một loại tự truyện tiểu thuyết hóa, lồng vào biến cố chung của đất nước Việt Nam. Những biến cố mà tác giả đã biết gián tiếp qua nghe, xem và đọc, ngoại trừ lần nổ lựu đạn ngoài chợ Trương Minh Giảng. Nên chi, mình không biết được là nó thật đến mấy mươi phần trăm. Tuy nhiên, cốt chuyện có phần thương tâm của một cô bé Hà Nội, thuộc một gia đình bị xé đôi vì tình cảnh phía ta, phe tề, vì đất nước chia đôi, rồi chung cuộc, vì miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm.

 

Câu chuyện được Tuyết-Nga - một cây viết cũng bị phân hai, vừa là đầm, vừa là Việt - viết ra với một bút pháp đặc biệt. Một bối cảnh nửa hư, nửa thực, trong đó những nhơn vật đuợc cô bé thường đặt cho một bí danh riêng tư. Một cốt chuyện, qua đó nhiều câu hỏi nổi cộm lên, một cách ồn ào hay thâm trầm, như tiếng bom đạn nổ ầm hay như những đau khổ mà người ta phải âm thầm chịu đựng. Một câu chuyện vừa dịu dàng vừa cay đắng, được kể lại dưới ngòi bút thắm thiết và lạ lùng của Tuyết-Nga, một "cô bé thích cười, thích ăn kem sầu riêng và háo dùng ẩn dụ".

 

"Cô bé" rất hiếu kỳ, có vẻ như trưởng thành trước tuổi tác, cái gì cũng thắc mắc, cũng hỏi tại sao. Nhưng vì cô còn bé nên người lớn đều trả lời cho được việc là "Mai Sau con sẽ hiểu". Nhưng cái "Mai Sau" đó biết đến bao giờ? Phải chờ thôi, vì nó đã được viết sẵn trên Trời và Trời Đất thì lúc nào chẳng có. Nhưng rồi cái "Mai Sau" đó bị ngày 30 tháng 4 năm 1975 đưa vào quên lãng của lịch sử. Từ đó về sau, "cô bé" quyết định viết lấy lịch sử của chính mình.

 

*  *  *

 

Hơn hai năm sau, ngày 15.10.2009, Tuyết-Nga Nguyễn cho ra mắt quyển truyện thứ nhì, coi như là hồi kế tiếp của "Le Journaliste Français". Quyển sách đó mang tên "Soleil Fané" (Nắng Úa), nxb. Luc Pire/Le Grand Miroir (Belgique), 219 trang.

 

Qua quyển tiểu thuyết nầy, Giáng-Kiều, bà mẹ của Tuyết, vượt biên được và đoàn tụ với Tuyết. Trường hợp vượt biên của Giáng-Kiều có vẻ đặc biệt và hơi tiểu thuyết hóa. Sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm, bà bị bắt đi học tập cải tạo, có lẽ với tư cách người của đảng phái.

 

Trong trại cải tạo có một cán bộ, trước kia ở Hà Nội có biết và si mê bà qua sắc đẹp và tài nghệ đánh dương cầm. Người cán bộ đó kêu bà lên lán riêng của ông "làm việc" và ngày một ngày hai, nhắc lại chuyện cũ tích xưa, đề nghị tạo điều kiện cho bà "trốn trại" để vượt biên.

 

Chuyện vượt ngục và vượt biên của Giáng-Kiều mang màu sắc phim gián điệp trinh thám. Và, độc đáo hơn hết là lại có sự nhúng tay của "Ông nhà báo người Tây", đã từng giải thoát cô bé Tuyết trong vụ ném lựu đạn chợ Trương Minh Giảng.

 

Tuy nhiên, với quyển "Nắng Úa", Tuyết–Nga Nguyễn cũng nói lên được tâm trạng của một người con gái mất nước, thất lạc gia đình, thì mọi dự án đều rỗng không, còn lại gì đâu? Từ cách mạng đẫm máu và tình yêu đất nước cao cả thiêng liêng, "Nắng Úa" nói lên được nỗi khổ của những ảo ảnh mất đi và niềm đau của chiến tranh, rốt cuộc lại cái gọi là không tưởng "xã hội chủ nghĩa" kia để làm gì?

 

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.