.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Ông giáo già

  • PSN - 16.3.2010

Từ ngày ra trại, sau khi đã "học tập cải tạo" ở cõi đời vô duyên, hôm nay mới thấy ba tôi có một lần vui tươi ra mặt. Ba đi tới cái gọi là "tiệm hớt tóc" của Chú Tám ở gốc me gần nhà để sửa sang sắc đẹp, với một thái độ chăm chú đặc biệt. Ba vui là cả nhà cũng vui lây, vì thái độ trầm lắng của ba, từ khi dứt nghiệp hành hạ của cộng sản, ai ai trong gia đình cũng tôn trọng, không muốn quấy rầy, tâm tư của ba. Vì ba đã bị người ta làm phiền khá nhiều rồi.

 

Ngày hôm đó, ba biểu tôi cùng với ba đi thăm một người quen ở xa, bên ngoài thành phố. Sáng sớm tinh mơ, sau khi lót dạ bằng hai củ khoai, hai cha con, hai chiếc xe đạp, còng lưng ngược gió mà giong ruổi trên đường thiên lý, đổ về hướng đông của thành phố. Đến thị xã Thủ Đức xong, rẻ phải đạp quanh co trên con hương lộ về miệt Tăng Nhơn Phú, rồi đi xa hơn nữa đến tận Gò Công Trao Trảo.

 

Đến nơi, thăm dò, hỏi han một lúc thì cụ già, cũng ngoài tám mươi, mở một nụ cười, khoe cái miệng móm xọm, chẳng còn cái răng nào, vui vẻ cho biết:

 

- Ừa, ông giáo Trung hả, nhà ở đằng kia kìa.

 

Theo hướng ngón tay chỉ đường của ông lão, là một căn nhà lá nhỏ ọp ẹp, gọi là cái chòi thì cũng không sai.

 

Ba tôi hụt hẫng và buồn lòng thấy rõ. Bao nhiêu bóng hình kỷ niệm đã tan biến trong tâm tư ba tôi. Thì ra, ông giáo kính yêu và thần tượng của ba, dẫu không phải "học tập cải tạo", cũng đã qua một cuộc đổi đời bi thảm và đau thương.

 

*  *  *

 

Mấy mươi năm về trước, ông giáo Trung làm hiệu trưởng một trường tiểu học nhà nước. Ngày xin cho ba vào học, bà nội có dẫn ba theo - một chuyện làm không cần thiết - nhưng vì lý do đặc biệt nên bà nội phải làm như thế. Mấy tháng trước ngày nhập học của trường nhà nước, nội cho ba tôi vào một lớp vỡ lòng trường tư thục của thầy giáo Hòa trong xóm. Ý nội muốn cho ba làm quen với lớp học.

 

Khổ nỗi, trường đó ba biết đã lâu vì những khi đi chợ, thỉnh thoảng nội có dẫn ba đi theo. Chính cái trường đó đã làm cho ba khiếp sợ thế giới học đường. Trường Thầy Hòa là một căn phố nhỏ nằm phía bên kia đường dẫn đến chợ. Thầy là một con người thâm thấp, bụng phệ, đầu sói, còn ít tóc, lúc nào cũng chải keo "brillantine". Suốt buổi học, tay thầy phe phẩy cây roi mây dài cỡ hai mét, thỉnh thoảng đập trên bàn, trên bảng đen kêu đôm đốp. Như vậy, thầy ra oai với lũ học trò.

 

Thấy vậy và nghe vậy nên ba sợ run mỗi khi cùng bà nội đi ngang, dẫu rằng ba đã kéo nội qua lề đường bên kia. Không nói ra, nhưng trong tâm tư trẻ con của ba đã nhứt quyết sẽ không bao giờ đi học. Ấy vậy mà ác nghiệt chưa, ghét của nào trời trao của nấy, nội cho ba vào trường Thầy Hòa học để làm quen. Vậy là ba không khi nào đi học suôn sẻ. Hôm thì phải có anh Tư Thành, người anh họ, đi theo ngồi cùng trong lớp học. Hôm thì phải có bà ngoại của ba, dưới tỉnh lên chơi, đi theo. Không khi nào ba dám đi học một mình.

 

Có một hôm ông nội vuốt ve ba, cho trái quít lột sẵn, với lời lẽ nựng nịu yêu thương: "Đi học giỏi ba cưng, nha con!" Vốn sợ ông nội, vì ít khi ông nội nói gì, ba vui vẻ ra đi, dĩ nhiên là được đưa đi, mà không ở lại ngồi cùng. Nhưng, rốt cuộc, cũng phải đưa trở về vì ba đâu chịu ở lại học một mình. Như vậy là bị một trận đòn nên thân, trái quít lột rồi lăn lông lốc dưới đất.

 

Vì tình hình học vỡ lòng của ba như vậy cho nên mới có chuyện khi xin vô học trường nhà nước, bà nội phải đưa ba theo. Làm thủ tục xong, nội đưa khai sanh cho ông hiệu trưởng trước mặt ba, và nói lớn cho ba nghe:

 

- Má đưa khai sanh con cho ông đốc rồi đó nha. Con mà không chịu học thì không còn con của ba má nữa.

 

Không biết vì bầu không khí trường nhà nước thích hợp hay là vì lời lẽ đe dọa kia mà sau đó ba tôi học hành êm xuôi tốt đẹp. Nếu không chắc là ba tôi nay đã thành cu li ban bù hay nông dân tay lấm chưn bùn.

 

Năm lên ba lớp nhứt, Thầy Trung vừa đốc học kiêm luôn lớp nhứt của ba tôi. Thầy là một nhà giáo tận tâm, hết mực yêu thương học trò, coi như con cháu trong nhà. Lớp của Thầy năm nào sĩ số đậu bằng Tiểu Học cũng cao hơn lớp khác và trúng tuyển vào trường trung học Pétrus Ký cũng khá đông. Vì đức độ và tình cảm đối với học trò của Thầy như vậy mà phần đông cha mẹ học trò đều quý trọng Thầy. Ông và bà nội tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

 

*  *  *

 

Hồi nào Thầy Trung ở trong một căn nhà đạm bạc, dẫu không hoa dạng và hào nháng nhưng cũng còn gọi là. Ngày nay, Thầy ở trong một cái chòi lá quá đổi thương tâm. Trước cảnh tình khổ hạnh của Thầy, ba tôi mất đi cái vẻ hăng hái vui tươi của ngày hôm trước. Nét mặt ba sầm xuống, lằm lũi, nặng nề đẩy xe đạp bước đi, thỉnh thoảng lắc đầu.

 

Bỗng nhiên, ba ngừng lại, hất mặt về phía đầu đường trên ngọn đồi con, nói với tôi:

 

- Thầy kia rồi! Không ai khác.

 

Nhìn về hướng ba chỉ, tôi thấy một lão già nhỏ người, râu bạc phơ, tay run run chống cây gậy nhỏ đi quanh căn chòi. Đầu ông đội cái nón nỉ đen, hơi tơi tả. Chưn đi không được vững lắm, đằng xa coi như đi cà nhắc.

 

- Đúng là Thầy rồi!

 

Nói xong, ba tôi bước mau đi tới.

 

Chừng hai cha con tôi tới gần, ông già ngừng lại, đưa bàn tay trái lên che ngang chưn mày, nhìn kỷ coi ai đến. Ông nhìn đăm đăm ba tôi, nhưng cũng không rõ là ai.

 

- Thưa Thầy, con là Quân, học trò cũ của Thầy đây, Thầy còn nhớ con không?

 

Với giọng run run, vẫn còn sang sảng của nhà giáo, ông lẩm bẩm:

 

- Quân à! Quân nào cà?

 

Ba tôi bỏ xe đạp xuống, nắm tay ông:

 

- Thầy cho phép con nắm tay Thầy để lấy lại chút hương tình ngày cũ. Con ở Sài Gòn tìm lên thăm Thầy vì biết được Thầy còn mạnh và về ở đây.

 

Ông lão ngạc nhiên nhìn ba tôi trân trân, rồi chẫm rãi hỏi lại:

 

- Em làm qua cảm kích quá... nhưng em học với qua hồi nào?

 

- Con học với Thầy hồi lớp nhứt, trường Cầu Kho năm 1940. Thầy không nhớ con là phải, lâu quá rồi, mà Thầy thì bao nhiêu là học trò. Nhưng con không làm sao quên Thầy được. Ngoài tình thầy trò, còn tình nghĩa bạn bè của Thầy với ba má con nữa.

 

Ông giáo cúi mặt nhìn xuống đất, lập đi lập lại cái tên của ba tôi, như bươi móc trong trí óc hình ảnh của cậu học trò tên Quân. Trong khi đó, ba tôi cứ nhìn Thầy đăm đăm, miệng mĩm cười đầy ao ước, muốn cho Thầy nhanh chóng nhớ ra mình. Ông giáo già bỗng tươi mặt, ngẩn đầu lên, mắt ngời sáng, chầm chậm nói:

 

- Phải Phan Minh Quân, con của thầy Bảy Đẩu, nhà ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm không?

 

- Đúng là con đó Thầy.

 

Ông giáo già mừng rỡ ôm chầm lấy ba tôi, đầu bạc trắng của ông cùng với cái nón nỉ rách bươm nằm gọn trong vai ba tôi. Cặp mắt già của ông sáng óng ánh, vì nước mắt của niềm vui đã quanh tròng.

 

- Thôi thì mời chú em bước vào nhà, chuyện trò đôi chút.

 

Căn nhà không rộng lắm, cũng đủ che nắng, chắn mưa, nền đất, vách phên, nóc lợp lá dừa nước. Một chiếc ghế bố nhà binh làm giường, ba cục gạch làm bếp và dầu hèn cũng thể, còn được cái bàn nhỏ làm bàn viết. Gì thì gì, ông cũng còn giữ lại một ít sách. Ông giáo già ngồi trên ghế bố, nhường hai cái ghế đẩu bằng nhựa xanh đỏ trong nhà cho ba tôi và tôi.

 

Ông giáo già nhìn ba tôi im lặng hồi lâu, rồi bằng một giọng buồn buồn, cảm động, lên tiếng:

 

- Em Quân nè, qua nhớ ra rồi. Ba má em thật là những người hiền đức, lúc nào cũng muốn con thương bạn, kính thầy. Từ bấy đến nay cũng gần nửa thế kỷ. Vậy mà em vẫn tốt bụng, tưởng nhớ tới thầy học cũ. Trước đây cũng có nhiều học trò cũ ghé thăm, sĩ quan có, linh mục có, những người có chức tước... Từ hồi ba mươi tháng tư đến giờ ít ai đến thăm nữa rồi. Sợ rằng em là người cuối cùng.

 

- Sao Thầy nghĩ vậy? Con thấy thầy còn khỏe mà.

 

Qua chuyện kể, chúng tôi được biết rằng sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm, ông còn được lưu lại dạy vài ba năm, nhưng không còn là hiệu trưởng nữa. Vì hiệu trưởng phải là đảng viên. Sau đó, ban "giám hiệu bố trí" cho ông dạy thế đủ thứ lớp, rồi chưn chạy việc phòng giám hiệu. Buồn tình đời, cũng gần tới tuổi về hưu và mượn lý do sức khỏe, ông xin nghỉ việc.

 

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, nghỉ làm được vài ba năm sau thì vợ ông vì đau bịnh đã mất và đứa con trai duy nhứt cũng bị tai nạn xe cộ chết đi, để lại cho ông hai đứa cháu nội, chỉ làm ruộng rẫy nuôi thân. Giờ đây, ông sống với lương hưu chết đói, suốt ngày chẳng làm gì hết. Thời gian cứ vô tận.

 

Ông chỉ sống với kỷ niệm một thời qua, đọc lại sách cũ, nghiền ngẫm sách xưa. Những sách còn lại đây là tất cả một dĩ vãng của ông. Trên đời này, ông giáo già chẳng còn chi. Không phải đi học tập cải tạo, nhưng con người ông chẳng còn lại gì. Một cái xác không quá khứ, một con người mà tương lai đã vào ngõ cụt.

 

Bỗng nhiên, ông giáo già đứng phắt dậy:

 

- À, nhớ rồi, qua có một chút ngạc nhiên dành cho em.

 

Ông đi lại kéo ngăn bàn viết ra, lục lọi những bó giấy, bó nào cũng có ghi ngày tháng năm cẩn thận. Ông lấy ra một bó, mở banh ra rồi lật kiếm, lôi ra một tờ giấy đã bị thời gian nhuốm vàng. Đó là bài làm của ba tôi hồi ngày 18 tháng 4 năm 1940. Ba tôi nhận biết ngay nét chữ viết to tướng của mình, mĩm cười.

 

Thình lình, ba tôi rưng rưng nước mắt làm tôi hết hồn. Thì ra, một vài chữ viết là của bà nội, sửa lại bài của ba vì ngày đó ba bịnh nên không hoàn tất được. Thấy chữ, nhớ người, ba tôi nhớ tới mẹ già đã trút hơi thở cuối cùng, vì mòn mỏi trông chờ con đi tù cải tạo.

 

Ông giáo nói tiếp:

 

- Những mảnh giấy đó là kỷ niệm quý báu của qua. Thỉnh thoảng, qua đem ra đọc lại, khi bài nầy, lúc bài khác, cũng vui vui, nó làm cho qua nhớ lại quảng đời nhà giáo. Có cái làm cho qua nhớ cả khuôn mặt các em, tánh tình các em. Có em ngoan hiền, có em quá quắc, có em làm qua hãnh diện, có em làm qua khổ tâm. Giờ đây, qua như đã ở cõi trên rồi, qua thấy yêu thương tất cả, như nhau.

 

Ba tôi vui miệng hỏi Thầy:

 

- Còn con, Thầy nhớ ra làm sao?

 

- Em hả...? Em thì đứng đắn hơn, nhưng có khi cũng quá lắm! Tuổi trẻ mà.

 

Hai thầy trò trao đổi nhau nhiều câu chuyện đời, chuyện xã hội, chuyện đất nước. Gần nửa thế kỷ làm nghề gõ đầu trẻ, đến ngày gần mãn cuộc đời mà ông giáo già phải sanh sống như vầy! Một túp lều nhỏ, một cái ghế bố làm giường, nấu cơm với ông táo làm bằng ba cục đất... Phần thưởng giành cho một người công chức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là như vậy sao? Vậy mà ông giáo già vẫn hồn nhiên và vui vẻ nói chuyện với người học trò cũ của mình. Người học trò cũ, với sự nghiệp nửa đường gãy gánh, trôi theo vận mạng đất nước, cũng không giúp đỡ gì được cho thầy cũ của mình!

 

Để đánh tan bầu không khí ảm đạm của cảnh thầy trò hội ngộ buồn hiu, ba tôi mời ông giáo già đến quán dùng cơm trưa. Ông giáo hết lời cám ơn, có vẻ ngại ngùng. Ba tôi nắm lấy tay Thầy khẩn khoản. Ông giáo thiệt thà nói trắng ra:

 

- Qua nói thiệt, qua chí tình cảm ơn em, nhưng tay chưn qua như vầy làm sao ăn được trước mắt mọi người?

 

- Không sao đâu Thầy, con sẽ giúp đỡ Thầy mà.

 

- Thôi cũng được. Hôm nay, thiệt là một ngày đặc biệt của đời qua. Qua sẽ nhớ hoài, không quên.

 

Ba tôi đưa cánh tay cho ông giáo già để dìu đi. Chúng tôi đổ xuống dốc theo con đường mòn. Quán ăn thị xã nhỏ nên cũng không đông khách. Chỉ vài ba bàn của khách đi buôn lỡ đường. Ông giáo có vẻ vui mừng và xúc động làm cho hai tay ông run rẫy nhiều hơn.

 

Nhưng ông giáo cười nói huyên thiên, vui tươi, nhắc chuyện xưa tích củ, chuyện trường học, chuyện đời nhà giáo, chuyện tình cảm người đời. Ông không nói gì về cung cách đối xử của những người gọi là "cách mạng" đối với ông. Có thể ông coi đó như là những chuyện làm phù hợp với bản chất của con người, xã hội ra sao, con người là vậy, có nói cũng bằng thừa.

 

Còn ba tôi thì không màng chuyện ăn uống mà cứ lo gắp miếng nầy miếng nọ đưa cho Thầy của mình và cứ nhìn Thầy một cách trìu mến, thân thương. Gần hết bữa ăn, ba tôi nâng ly lên chúc Thầy:

 

- Con mừng cuộc hội ngộ bữa nay? Con chúc Thầy mạnh khỏe hoài.

 

- Thiệt tình, qua không biết nói sao? Mừng em, mừng gia đình và các con em. Qua cũng không quên được ba má em dẫu nay đã xa xôi!

 

Giây phút sum họp vui vầy rồi cũng qua đi. Trời đã xế trưa, nắng bắt đầu gay gắt. Hai cha con tôi đưa ông giáo già đến tận nhà. Giờ phút chia tay không muốn dứt, ba tôi đứng tần ngần, chưa chịu dứt khoát ra về. Ba tôi tiên đoán rằng đây là lần cuối đời hai thầy trò gặp nhau. Vì sau đó, gia đình tôi đi định cư bên Pháp, còn ông giáo già chắc cũng sẽ định cư nơi cõi vĩnh hằng, có nhạc thiều thiên sứ vang vang.

 

Trên con đường liên tỉnh phản chiếu nhựa đường hừng hực nóng, hai chiếc xe đạp từ từ quay lại Sài Gòn. Ba tôi trầm ngâm suy tưởng, không nói một tiếng nào. Có lẽ trong đầu óc ba tôi cứ vương vấn hình ảnh của ông giáo học già nua, hòa lẫn với hình bóng của ông bà nội tôi, giờ đây viễn du nơi chốn nào, ngàn trùng xa cách.

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.