Tốt số
Ngày
ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, anh đốc phủ
Phước, vì nán lại chờ giải pháp "hòa hợp hòa giải" của "Minh Bự", mà
dư luận đồn rần, để may ra ăn có được phần nào, nên bí lối di tản,
đành cáo bịnh vô nhà thương Đồn Đất nằm "tỵ nạn". Bịnh viện nầy của
Tây còn được chánh phủ Sài Gòn để yên vì nể tình Pháp.
Trên nguyên tắc, nhà thương nầy chỉ nhận bịnh nhơn người Pháp và
người ngoại quốc, nhưng vì lẽ bánh ít trao đi, bánh chì trao lại,
nên họ nhận cả những người Việt Nam có tiền và có vai vế. Thấy nhà
thương có hơi hám Tây, may ra được nhà cầm quyền vừa mới thắng cuộc
không làm khó dễ bịnh nhơn, nên anh đốc phủ nhào vô thử thời vận.
Y như rằng, cả tuần lễ sau khi xe tăng cộng sản phá cổng Dinh Độc
Lập, không ai nói năng gì đến những bịnh nhơn của nhà thương Tây
nầy. Những người bịnh "tỵ nạn" mừng thầm, nghĩ rằng sẽ được yên thân
nằm dưỡng bịnh. Nào ngờ, một hôm có người ăn mặc áo quần màu cứt
ngựa như bộ đội, chẳng biết "quân hàm" cỡ mấy, chỉ thấy có đám lao
nhao mang súng ngắn, súng dài theo sau hộ tống. Chắc đương sự cũng
cỡ sộp bên phe chiến thắng, mà theo cung cách hoa hoè hoa sói, thiên
hạ gọi là "cách mạng".
Ông ta đến gặp bác sĩ người Pháp trưởng bịnh viện đàm đạo một đỗi
lâu, rồi cho mời tất cả người Việt "bịnh nhơn còn đi đứng được" tập
trung lại phòng hội để nghe nói chuyện, danh từ mới nói là "để làm
việc". Thì ra lão ta biết được mánh khoé của các con bịnh "chánh
trị" nên khuyên những y đương thành thật và tự giác quyết định lấy
phận mình. Thời gian "khoan hồng nhơn đạo" là một tuần lễ.
Một tuần qua đi thấm thoát, người ta ra về cũng bộn, anh đốc phủ cứ
nằm ì lại vì trong lục phủ ngũ tạng của con người có tuổi chung chút
không bịnh này thì cũng bịnh nọ. Bác sĩ Tây không nói cũng chẳng
rằng, vì vấn đề chỉ liên hệ đến người Việt mà thôi. Tây thì chỉ biết
đếm ngày và thuốc men chữa trị để tính tiền.
Tuần lễ "rộng lượng" của chánh quyền ngoài rừng mới vô đã chấm dứt,
trội một đôi ngày, thì người Việt, đồng giám đốc bịnh viện tự xưng,
cho mời anh đốc phủ lên hỏi chuyện. Anh đốc phủ nêu ra đủ thứ bịnh
tình, thao thao bất tuyệt về bịnh lý của mình, chất chứa đã lâu
trong người anh. Như vậy là người "đồng giám đốc" gật gù không nói
lấy nửa lời, cứ cho về phòng nằm nghỉ.
Suy đi tính lại thấy coi bộ có mòi không xong, anh đốc phủ cho vợ
con biết và lên kế hoạch hành động. Một đêm giông gió bão bùng, một
người bịnh len lén rời nhà thương ra đi, sau khi đã đút lót anh
gác-dan ở cổng khá tiền. Đêm đó, gia đình anh đốc phủ đi thẳng xuống
Rạch Giá, ngồi tàu máy vượt biển đi luôn.
* * *
Qua định cư ở Pháp, gia đình một trai hai gái của anh chị đốc phủ
được phước lớn – đúng như tên gọi do cha mẹ đặt – còn nguyên vẹn đầy
đủ. Trẻ đi học, người lớn tìm được công ăn việc làm tương xứng với
nghiệp cũ khi ở Sài Gòn. Bà vợ, trước kia là mạng phụ phu nhơn, ăn
không ngồi nhà, chỉ tay năm ngón. Nay tỵ nạn lưu vong, làm sao được
như trước, bà phải bươn chải đi tìm việc. Làm gì bây giờ, tiếng Tây,
bà năm ba chữ quọt quẹt "oui, non", vì hồi ở trung học bà theo
chương trình Việt, chẳng học Tây lại chọn Anh văn làm sinh ngữ một.
Bà ghi tên học Pháp ngữ do ANPE (Agence National Pour l'Emploi, cơ
quan quốc gia về việc làm) tổ chức, vừa học vừa lãnh phụ cấp. Rồi
trình độ kha khá, bà sang học nghề ở CIMADE (Comitée Inter
Mouvements Auprès des Évacués, ủy ban liên hiệp giúp đở người di
tản). Bà lựa ngành tương đối dễ nhứt và mau kiếm tiền, nghề
"Caissière-Vendeuse Libre Service" (thu ngân và bán hàng tự chọn).
Còn anh đốc phủ, lanh trí hơn, khai với OFPRA (Office Français de
Protection des Réfugiés et Apatrides, Văn Phòng của Pháp để bảo vệ
người tỵ nạn và vô tổ quốc) và ANPE là khi ở quê nhà anh làm tới
chức thứ trưởng nội vụ. Nghe vậy thì biết vậy, Tây cần gì khảo sát
tướng mạo công vụ thời Việt Nam Cộng Hòa, mà có muốn cũng không thể
được, vì sức mấy mà hỏi mấy ông cộng sản mới lên ngôi. Thiệt ra quá
khứ công vụ của anh đốc phủ cũng không đến đổi nào.
Tốt nghiệp Trường Quốc Gia Hành Chánh, anh cũng là bực công thần nhà
nước. Ra trường, nhiệm sở đầu tiên của anh là quận trưởng châu thành
Bến Tre, một địa điểm nổi tiếng là cơ sở vùng lên của Việt Cộng,
thành đồng vách sắt của quê hương đồng khởi. Dựa hơi tên gọi, thường
là rất kêu, rất tâm lý chiến, của mấy tên chánh ủy cộng sản, anh đốc
phủ lập nên thành tích để thăng quan tiến chức bên quốc gia, một trò
chơi khá mâu thuẫn! Nhờ vậy một năm sau anh được đổi về Bộ Nội Vụ để
làm công cán ủy viên cho ông Bộ Trưởng, không ai khác hơn là thầy cũ
của anh ở Trường Quốc Gia Hành Chánh. Vì vậy cho nên, khi tỵ nạn lưu
vong, anh tiếm xưng là thứ trưởng nội vụ cũng không thổi phồng quá
đáng.
Vì những lẽ đó, anh được chọn vô làm thơ ký ngân hàng BNP. Ban đầu
anh làm công việc cạo giấy và gôm chữ viết, giữ sổ sách nhựt tu
trương mục khách hàng. Tháng nầy qua năm nọ, thấy anh làm việc có
quy củ, ngăn nắp, cẩn thận và tích cực, trưởng sở cho anh thăng bực,
cũng đáng đồng tiền bát gạo. Như vậy là hai vợ chồng hai đầu lương,
mua nhà trả góp, cho con cái ăn học đàng hoàng. Ngày một, ngày hai,
gia đình tỵ nạn cũng có được một đời sống nhàn hạ, an cư thoải mái
nơi miền đất tạm dung.
Từ đó, có những mối giao du rộng rãi, quen biết người này, liên hệ
kẻ kia. Không những trong cộng đồng Việt Nam mà thôi, còn nới rộng
ra những gia đình người bản xứ. Một cặp vợ chồng cao niên người
Pháp, ông bà "bá tước" De Bussy, không con không cái, chẳng bà con
họ hàng, cô đơn chiếc bóng, nhân chỗ thân tình – vì trước kia ông là
trưởng sở trực tiếp của anh đốc phủ ở ngân hàng – ngỏ ý với anh chị
đốc phủ muốn xin Anh-Thảo, con gái út của hai ông bà làm nghĩa nữ.
Ban đầu, hai anh chị đốc phủ còn đắn đo, xin khất lại để thăm dò ý
kiến con. Sau khi bàn đi tính lại, anh chị đốc phủ không thấy gì trở
ngại, còn có lợi nữa là khác.
Được thêm một nguồn yêu thương nữa, Anh-Thảo hưởng thêm tình nghĩa
ấm áp mặn nồng của hai vợ chồng ông bà quý tộc họ "Đờ" giàu sang phú
quý. Vốn là con gái út trong nhà, Anh-Thảo đã được hai anh chị đốc
phủ cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa, giờ lại có thêm dưỡng
phụ và dưỡng mẫu nữa thì tình cảm đó lại gần như nhơn đôi.
Vài năm sau, bà De Bussy mắc bịnh ung thư chết đi, để lại một mình
ông trên đường đời hiu quạnh. Mất đi một chỗ dựa phụ nữ, đời ông De
Bussy thấy mất quân bình rõ rệt. Ông trở nên mè nheo và đòi hỏi đủ
thứ, mà đối tượng không ai khác hơn là cô nghĩa nữ. Là một cô gái
quen được hầu hạ, giờ phải hầu hạ một người khác, Anh-Thảo thấy rất
là phiền. Cô nại cớ phải học thi đại học để lần hồi lánh xa ông De
Bussy. Anh chị đốc phủ thấy ngại ngùng, khó coi vì trót đã hứa cho
Anh-Thảo phục vụ nghĩa phụ, vậy mà trong những ngày ông bá tước chịu
cảnh thân cô thế cô lại dứt đi thì sao coi cho được.
Hai anh chị đốc phủ nằm đêm than vắn thở dài, gác tay lên trán suy
nghĩ mông lung. Bỗng một đêm chị nảy sanh ra ý kiến thấy hay hay.
Chị đánh thức anh dậy để bàn bạc. Số là, ngày trước trong buổi cơ
hàn, hai anh chị chưa có con, xin người bà con một cháu gái,
Anh-Trinh, để nuôi lấy hên. Từ khi có hai con, một trai một gái
Anh-Minh và Anh-Thảo, anh chị đốc phủ đã hơi lơ là Anh-Trinh. Nên
chi, khi mới sang định cư trên đất Pháp, anh chị đốc phủ đã nhanh
chóng kiếm chồng cho cô con gái nuôi, hầu được nhẹ gánh đời tạm cư.
Thấy con trai của thầy Năm Tú, quen biết xưa kia bên Việt Nam, liếc
mắt đưa tình với Anh-Trinh là chị đốc phủ chớp thời cơ, gợi ý thầy
Năm Tú gả ngay để bớt miệng ăn trong nhà. Con trai thầy Năm Tú chỉ
làm tài xế nhà binh thôi, nhưng cũng có đồng ra đồng vào với người
ta, cần gì bằng cấp nầy, đíp-lôm nọ. Bên Tây nầy, nhứt nghệ tinh,
nhứt thân vinh mà. Chị đốc phủ định đem Anh-Trinh thế Anh-Thảo hầu
hạ ông De Bussy, giải tỏa cô con gái rượu của anh chị khỏi cực hình
đó.
Khi chưa có Anh-Minh và Anh-Thảo, anh chị đốc phủ rất tưng tiu
Anh-Trinh, muốn gì cũng được, đòi gì cũng có, dẫu rằng khi đó anh
chị đốc phủ chưa có chức tước gì, chỉ là hạng thơ ký tầm thường.
Chưa có con thì con nuôi cũng quý, có con rồi thì ý nghĩ phân biệt
con mình và con xin lại bắt đầu. Thành thử ra, Anh-Trinh sau nầy
được coi như là cục thịt thừa, chẳng lẽ đem vứt đi.
Từ ngày cha mẹ biểu thay thế Anh-Thảo để săn sóc ông De Bussy,
Anh-Trinh cũng miễn cưỡng làm nhiệm vụ để vừa lòng người trên trước.
Anh-Trinh cũng thừa biết rằng gia đình De Bussy đã chọn Anh-Thảo làm
nghĩa nữ. Ngày nầy qua ngày nọ, theo bản tánh tự nhiên của mình,
Anh-Trinh đã săn sóc ông De Bussy hết tình và rất chu đáo. Rất nhạy
cảm với hai cung cách xử sự, ông De Bussy thấy rằng Anh-Trinh săn
sóc có tình hơn Anh-Thảo trước kia, thường chỉ làm qua loa lấy lệ.
Từ đó tình cảm mà ông De Bussy dành cho Anh-Trinh diễn biến đến độ
như cha con. Ngoài ra, gặp lúc Anh-Trinh đang mất việc, không có chỗ
làm, nàng dành nhiều thì giờ hơn cho ông De Bussy, ngày một nhiều
tuổi, lại bịnh hoạn nữa thành ra nhu cầu được giúp đỡ của ông nhiều
hơn.
Mới đây, ông vừa bị một cơn tai biến mạch máu não, phải nằm nhà
thương cả tháng trời. Rồi sau đó phải mất hơn một tháng dưỡng bịnh
và tập luyện để phục hồi chức năng cơ thể tại Trung Tâm Chỉnh Hình.
Hậu quả của biến cố đó làm cho ông mất đi khả năng tự lực. Chuyện cá
nhơn riêng tư, dẫu nhỏ nhặt, cũng phải có người phụ giúp.
Thấy tình cảnh của ông, Anh-Trinh tiếp tục nghỉ việc và khai báo với
ANPE để được hưởng phụ cấp nuôi dưỡng người già bịnh hoạn. Xuất thân
từ giai cấp bình dân, bản tánh của Anh-Trinh cho phép cô làm những
công việc tầm thường của ông De Bussy rất tự nhiên. Cô tắm rửa cho
ông, hầu cơm, bưng nước cho ông, làm mọi chuyện lặt vặt cho ông rất
thoải mái, không chút ngại ngùng đắn đo e thẹn.
Thấy Anh-Trinh phải đi về rất bất tiện, ông đề nghị hai vợ chồng cứ
lấy một căn phòng trong nhà của ông mà sinh sống cho tiện, khỏi phải
mất công và tốn thì giờ đi lại. Hai vợ chồng Anh-Trinh không có con
nên cũng thuận lợi và khỏi mất tiền thuê mướn chỗ ở. Và như vậy việc
trông nom ông già bịnh hoạn cũng tiện, vì có mặt gần như suốt ngày
đêm.
Cho đến một ngày, ông De Bussy lại bị tai biến lần thứ hai, lần nầy
trầm trọng hơn lần trước. Hai vợ chồng Anh-Trinh gọi cứu cấp vào lúc
nửa đêm về sáng, mưa gió bão bùng. Xe cứu thương tới chậm quá, vì
đường xá bị cây ngã ngăn trở, vợ chồng Anh-Trinh đành lấy xe nhà đưa
ông De Bussy đến nhà thuơng. Nhưng đã muộn mất rồi, ông De Bussy đã
xuôi tay nhắm mắt!
* * *
Gia đình De Bussy không có thân nhơn nào hết. Nhà nước đến lục lọi
tìm kiếm giấy tờ và làm thủ tục niêm phong tài sản, chờ biện pháp
hành chánh quyết định. Trong khi chờ đợi, phòng hành chánh tỉnh hạt
chỉ thị vợ chồng Anh-Trinh tiếp tục cai quản biệt thự.
Thời gian sau, văn phòng chưởng khế thị xã phát hiện được chúc thơ
của ông De Bussy để lại, giao trọn tài sản, động và bất động, cho
Anh-Trinh. Nhưng nhà nước cũng còn thận trọng, chờ cho hết thời gian
luật định mới thi hành điều khoản của chúc thơ.
Như bất ngờ trúng số đặc biệt "super cagnotte", hai vợ chồng
Anh-Trinh đem một phần tài sản hiến dưng cho hội từ thiện địa
phưong. Phần còn lại, hai vợ chồng lấy ra làm vốn kinh doanh. Có
phước, có phần, nhưng phải biết cách thụ hưởng cái phước do ông bà
cha mẹ để lại, mới mong hưởng được lâu dài.
Phan Quân
|