.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Trước đèn đọc sách:
Số phận nghiệt ngã

  • PSN - 12.4.2010

Tin vui vừa đến, buồn phiền lại nổi lên. Sau khi đọc danh sách thấy có tên mình trúng tuyển kỳ thì tú tài, Tuấn về nhà báo tin mừng cho cha trong lúc ông đang trăn trở với cơn bịnh. Trái với thói thường của ông, ba Tuấn không có được một phản ứng vui tươi với tin đỗ đạt của con mà cứ dửng dưng như không, vì cơn đau đang hành hạ không cho phép. Và ông cũng chẳng nói chẳng rằng khi Tuấn loan báo ý định ghi danh y khoa, vì quá kiệt sức.

 

Mấy ngày sau, người cha chết đi, gia đình mất một chỗ dựa. Tuấn thay đổi dự tính trước kia, nhập ngũ tòng quân thay vì tiếp tục học bảy năm để làm bác sĩ. Dẫu rằng mẹ Tuấn khuyên con cứ đi theo con đường đã toan tính, bà sẽ chịu khó, chịu cực nuôi con ăn học. Nhưng không, Tuấn không đành để mẹ gánh vác một mình. Anh xung vào Không Quân, học lái trực thăng tản thương. "Con nhập ngũ không phải để chết như một anh hùng, mà để giúp đỡ người khác, những nạn nhơn đau khổ của chiến tranh" (T.15).

 

Tốt nghiệp hoa tiêu trực thăng ở Mỹ về, Tuấn đính hôn với Huyền-Lệ, con gái của Đại Tá Khải, mà Tuấn đã gặp trong buổi liên hoan mãn khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Một sắc đẹp tuyệt vời, "một kiệt tác của thiên nhiên", theo nhãn quan của Tuấn.

 

Tình yêu trong thời giao ước của đôi trẻ đang đẹp thì tình hình đất nước ngày một sa sút đi. Nhứt là sau khi đã ký kết Hiệp Định Paris năm 1973, để "chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình" ở Việt Nam. Phía cộng sản đã phản bội chữ ký của chính mình, mở cuộc tấn công vĩ đại, mà cao điểm là ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.

 

"Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhứt, với sự hy sinh của trên hai triệu người Việt Nam ở hai phía. Thống nhứt rồi, những gia đình từ lâu xa cách nay được đoàn tụ, nhưng nghịch lý thay, những thống khổ và đau đớn của một dân tộc, xâu xé nhau vì chia rẻ từ lâu, cũng nổi cộm lên."(T.38)

 

Đất nước rã bèn, quan to quan nhỏ mạnh ai nấy chạy. Trực thăng của Tuấn đang thi hành phi vụ tản thương thì bị một toán quân nhơn bộ binh, đứng đầu là ông tướng hai sau - Thiếu Tướng Quang, Chỉ Huy Trưởng Sư Đoàn 4 Dù - ví súng cướp lấy và bắt buộc chở đồng bọn và gia đình di tản ra tuần dương của Mỹ, lảng vảng ngoài khơi Việt Nam. Như vậy là, dẫu muốn hay không Tuấn cũng phải rời bỏ xứ sở ra đi, đương nhiên giả biệt luôn Huyền-Lệ.

 

Tuấn và Huyền-Lệ không được bên nhau trong giờ phút nguy kịch thì ý trung nhơn của Tuấn lại cũng phải đương đầu với những khó khăn của riêng mình. Cha cô, một sĩ quan nhiều lý tưởng, đã quyết định tự xử, không muốn đầu hàng cộng sản mà cô chẳng hay biết gì. Thêm vào đó, Huyền-Lệ còn gặp khó khăn với Cô Bảy, bà quản gia của gia đình, một bà quản gia, trong quá khứ, hết lòng tận tụy với gia đình và rất đỗi mến thương Huyền-Lệ, nay đã hoàn toàn thay đổi, sau khi cộng sản đã thắng thế.

 

Trước kia, lúc ba của Huyền-Lệ làm tiểu khu trưởng Bến Tre, qua một trận đánh, chồng của Cô Bảy bị tử thương cùng với một đứa con, một lứa tuổi với Huyền-Lệ. Thiếu tá Khải lúc bấy giờ thấy thương tình, thu dụng Cô Bảy làm quản gia, chăm sóc gia đình và Huyền-Lệ, nhỏ tuổi mà mồ côi mẹ. Trong mười ba năm qua, biết bao nhiêu tình cảm thân thương giữa Cô Bảy và  Huyền-Lệ. Vậy mà, sau ngày ba mươi tháng tư mọi chuyện đều thay đổi. Tội cha làm, nay con gánh chịu, Cô Bảy ra lịnh đem nhốt Huyền-Lệ vào khám Chí Hòa.

 

Qua một phiên xử của tòa án nhơn dân, mà thành phần chủ tọa có Cô Bảy, Huyền-Lệ cùng những tội nhơn khác bị khép vào tội phản cách mạng, thù nghịch với chế độ mới lên cầm quyền. Tất cả đều bị đưa đi lao động khổ sai ở khu kinh tế mới.

 

Trong khi đó, tuần dương hạm Huê Kỳ chở những người di tản Việt Nam, trong đó có Tuấn, cập bến Thái Lan. Tuấn được đưa đến trại tỵ nạn Sikiew. Đang phân vân chưa biết chọn nơi tạm dung thì Tuấn nghe theo lời rủ rê và hứa hẹn của Tristan Le Garrec - một bác sĩ người Pháp có nhiệm vụ đưa một người Pháp khác bị bịnh cũng phải di tản – đi Tây. Qua Pháp rồi, Le Garrec đỡ đầu Tuấn đi học y khoa và thành tài bác sĩ.

 

Như vậy là chàng và nàng hai ngả, trái ngược nhau một trăm tám mươi độ. Không phải "chàng thì đi cõi xưa mưa gió, thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn", mà từ đây cuộc đời Huyền-Lệ đi vào cõi mịt mù tệ hại. Thì ra Cô Bảy quyết tìm cho kỳ được nguồn gốc đã giết hại chồng Cô, nên tuơng kế tựu kế, trường kỳ mai phục để trả thù. Đánh vào người cha không được thì bắt con phải gánh chịu, dẫu rằng mười mấy năm qua, Cô Bảy đã nưng niu nuôi nấng Huyền-Lệ như con của chính mình.

 

Với cuộc sống cam khổ ở khu kinh tế mới, Huyền-Lệ hứng chịu vô vàn đau khổ, đối với một người con gái độc nhứt trong nhà, kể cả chuyện đánh thuốc mê để hãm hiếp. Năm năm sau, Cô Bảy sáng mắt ra với thực tế của cái gọi là "Giải Phóng Miền Nam" do Hà Nội chủ trương và thi hành, bắt đầu phản tỉnh và bị lương tâm giày vò không ít, đặc biệt liên quan đến trường hợp Huyền-Lệ. Cô Bảy vận động để giải thoát Huyền-Lệ khỏi cuộc sống đau thương và nhục nhã ở khu kinh tế mới, và lo liệu cho Huyền-Lệ vượt biên.

 

Một ngày nọ, năm năm sau ngày cộng sản "giải phóng" Sài Gòn, một người Pháp cùng đi với một thông dịch viên của Lãnh Sự Quán Pháp đến địa chỉ của Đại Tá Khải trước kia - nhưng nay đã vào tay quản chế của Cô Bảy – tìm gặp Huyền-Lệ. Nhưng tiếc thay, Huyền-Lệ vừa mới ra đi tìm đường vượt biển để may ra sống được một cuộc đời không còn là địa ngục trần gian.

 

Người Pháp đó là Tristan Le Garrec, đỡ đầu cho Tuấn ở Paris, trở sang Việt Nam để gặp Huyền-Lệ đưa sang đoàn tụ với Tuấn. Được biết Huyền-Lệ vừa ra đi, Le Garrec cấp tốc đuổi theo đến đảo Tân Long (Mỹ Tho), nhưng trễ mất rồi, tàu đưa Huyền-Lệ vượt biển vừa nhổ neo! Từ giờ phút này, Huyền-Lệ trải qua kiếp sống linh đinh sóng nước của quãng đời thuyền nhơn, với không biết bao nhiêu là hiểm nguy và bất ngờ cay đắng.

 

Hết bị công an tuần dương rượt đuổi, đến nạn đói khát, say sóng, bị nắng thiêu đốt, chịu cảnh gió biển lạnh lùng, bịnh hoạn rình rập, vệ sinh thô sơ, cá mập rồi cướp biển, đủ hết. Kể cả chuyện hãm hiếp của cướp biển khi thuyền nhơn chẳng còn gì để lấy. Mà trong nạn đó, thân gái như Huyền-Lệ làm sao tránh khỏi. Ê chề cho thân gái dặm trường, hết cán bộ cộng sản rồi đến cướp biển hiếp dâm, cũng là phường vô lại thôi!

 

"Trong đêm trăng lưỡi liềm mong manh yếu ớt, chiếc tàu vượt biển hết xăng dầu nổi trôi theo sóng biển và con nước. Trong cái tĩnh mịch của đêm đen, những người phụ nữ bị hãm hiếp và những bà vừa mới mất chồng dưới biển, cố kềm hãm tiếng khóc và tiếng than vãn, chỉ còn tiếng rầm rì cùng với tiếng sóng vỗ mạn tàu rì rào."

 

"Huyền-Lệ thổn thức khóc tức tưởi. Cơn ác mộng bị cán bộ cộng sản hãm hiếp ở khu kinh tế mới Tân Hiệp hồi năm năm về trước lại hiện ra và làm dấy lên nỗi khổ đau của người con gái nhà lành. Nàng đâm ra hối tiếc là đã chọn cuộc đào thoát điên rồ này, với quá nhiều sợ hãi lại dẫy đầy tuyệt vọng. Thà rằng thiếu tự do còn hơn chịu đựng khổ đau triền miên này." (T.137)

 

Sau mấy ngày đêm kinh hoàng trên biển cả, chiếc tàu vượt biển của Huyền-Lệ may mắn thay được chiếc tàu "Île de Lumière" (Hải Đảo Ánh Sáng) của đoàn Bác Sĩ Không Biên Giới Pháp cứu vớt, đưa tới đảo Paulo Bidong. Khi khám sức khoẻ, nhơn viên y tế cho Huyền-Lệ biết là nàng đã mang thai. Một kết quả không mong muốn mà cứ đến với nàng! Định mạng hết sức trớ trêu.

 

Lỡ dịp gặp được Huyền-Lệ ở đảo Tân Long, Le Garrec vẫn cương quyết tìm cho bằng được. Ông xung phong làm bác sĩ tình nguyện cho trại tỵ nạn Sikiew để có đủ điều kiện và thời gian để tìm kiếm. Sau sáu tháng dày công điều tra, tay trắng Le Garrec vẫn hoàn trắng tay, chẳng tìm thấy gì. Như chuyện mò kim đáy biển!

 

Vẫn kiên trì, Le Garrec sang qua đảo Paulo Bidong tìm tiếp. Nhưng khi tìm được dấu vết của Huyền-Lệ thì nàng đã lên phi cơ bay đi đến nơi tạm cư. Sau sáu tháng, bụng mang dạ chửa nặng nhọc, đau khổ và tủi hổ, cuối cùng Huyền-Lệ cũng được cho đi định cư ở Pháp. Le Garrec điện thoại ngay cho Tuấn để chận đón Huyền-Lệ. Nhưng ở hai trung tâm tiếp đón người tỵ nạn của Paris, là Sarcelles và Créteil, đều không có ai mới đến tên đó cả.

 

Chuyến bay Thái Lan-Paris, trên đó có Huyền-Lệ, đã đáp Roissy như dự trù, nhưng vì nàng đẻ non nên người ta cho xe hồng thập tự chở thẳng đến nhà thương cứu cấp. Nên chi, khi đến tìm ở Sarcelles và Créteil, Tuấn không thấy tên của Huyền-Lệ. Đứa con đầu lòng, một đứa con không mong muốn được nàng đặt cho một cái tên xứng hợp với hoàn cảnh: "OAN".

 

Trước khi đi chui, Huyền-Lệ nhớ rằng có một gia đình quen lớn với ba nàng, đã đi định cư ở Pháp sau vụ Mậu Thân. Nàng đã học thuộc lòng địa chỉ và số điện thoại. Gia đình ông bà Chinh đã nhờ ba nàng can thiệp mới đi Pháp được. Do đó, khi hay tin, ông bà Chinh đã tìm đến trại tiếp đón người tỵ nạn để rước nàng về nhà. Kể như qua được giai đoạn khó khăn trong thời kỳ chưn ướt chưn ráo nơi xứ lạ quê người.

 

Vậy mà không, lúc đầu hai ông bà còn tử tế với Huyền-Lệ, lần hồi về sau, công chuyện làm ăn sa sút, gia đình bớt người làm, bắt Huyền-Lệ thay thế, như người giúp việc không công. Thậm chí ông còn đi đến mức định bắt ép Huyền-Lệ giải quyết cho ông vấn đề sinh lý miễn phí. Chán ngấy cái cảnh cưỡng bức làm tình, Huyền-Lệ trốn nhà bỏ đi. Bỏ luôn đứa con oan, đã được Bạch Yến, con gái ông bà Chinh coi như là con của  mình.

 

Đi đâu bây giờ với vốn liếng Pháp ngữ bằng ấy? Và tiền túi cũng chẳng được bao nhiêu. Huyền-Lệ bước vào một thánh đường gần đó nghỉ chưn. Tối đến, khi hết giờ, một bà phước đến biểu nàng đi ra cho bà đóng cửa nhà thờ. Khi biết được cảnh ngộ thương tâm của Huyền-Lệ, bà chấp nhận cho nàng tạm thời trú ngụ, nhưng cũng không được lâu vì phải có cha bề trên quyết định. 

 

Cám cảnh thương tình, Cha Xứ Benoît chấp thuận cho Huyền-Lệ ở nhờ một cách dễ dàng. Một ngày cuối xuân, dạo chơi bên bờ sông Marne, nàng vấp té xuống sông, nước đang chảy xiết, tưởng chừng như chết chìm đến nơi. Nhưng không, định mạng chưa cho chết, vì đã có Linh Mục Benoît ra tay vớt nàng lên. Qua nghĩa cử nhơn ái đó, một mối tình giữa con người với nhau chớ không phải giữa con người với người con của Chúa, đã bén duyên từ lâu, bộc lộ ra rõ ràng, thực tế một cách cụ thể.

 

"Trên giòng sông Marne, nổi lên hình bóng của cặp trai gái quấn quít bên nhau, chỉ có lá vàng, thỉnh thoảng rơi rụng theo cơn gió, quấy rầy mà thôi." (T. 198)

 

Trong buổi lễ Giáng Sanh năm đó, một cơn ngất xỉu của Huyền-Lệ làm đổ bể ra chuyện nàng cấn thai. Rối ren trăm bề, Cha Xứ Benoît quyết định đem Huyền-Lệ gởi cho Paul, phó Linh mục trước kia và là chỗ thân tình với Cha Xứ Benoît, nay ở tận Avignon. "Lên xe tiễn em đi", Cha cho một số tiền, nhưng Huyền-Lệ không nhận, cuối cùng nàng chỉ nhận một tràng chuỗi hột như một phước lành.

 

Nhưng chuyện kín của Cha Xứ đâu dễ gì ém nhẹm. Dư luận xì xầm, con chiên mai mỉa, thậm chí còn nguyền rủa. Sự trừng phạt không phải từ Thiên Chúa trên cao, mà từ trần ai hạ giới! Miệng đời thị phi, giáo dân xa lánh, ngày một ngày hai Cha Benoît thấy quá nhiều xấu hổ. Quá nhục nhã và quá nhiều tuyệt vọng, Cha mượn sợi dây oan nghiệt kết liễu cuộc đời!

 

Định mạng quả thật quá nghiệt ngã cho Huyền-Lệ, hết có con vì bị thằng cướp biển hãm hiếp, rồi lại có con với một cha xứ mà lễ giáo ky tô không chấp nhận, coi như điều cấm kỵ! Sau khi Cha Xứ Benoît tự định đoạt cuộc đời mình, dẫu chưa hay tin gì về cái chết của Benoît, Huyền-Lệ rời Avignon, cấp tốc trở về giáo xứ, vì nàng linh cảm có chuyện chẳng lành khi đọc thơ của Cha có câu: "... Ở đây, anh không chịu nỗi nữa rồi. Chỉ có nơi sắp đến mới thoải mái thôi. Mọi biện minh đều vô ích và một vài lý lẽ chẳng ai tin nữa, vì dưới cõi đời này lúc nào phần thua thiệt cũng ở bên kẻ đuối lý." (T.222)

 

Trong cơn xúc động, Huyền-Lệ gặp khó khăn nên phải đẻ non. Trớ trêu thay, trường hợp sanh đẻ của Huyền-Lệ lại rơi ngay phiên trực ở nhà thương của bác sĩ Anne Sophie, người yêu của Tuấn. Sau tám năm trời xa cách, tám năm nhiều thử thách, đau khổ, tủi nhục, liều mạng và tai họa cho Huyền-Lệ, cặp ý trung nhơn ngày trước lại gặp nhau trong một hoàn cảnh đầy dẫy nghi vấn và phiền trách gay go.

 

Đứa con gái đẻ non tên An Phận, ra đời thiếu vắng người cha lại bị tàn tật, là gạch nối giữa Huyền-Lệ và Tuấn, không phải dưới danh nghĩa tình yêu xưa cũ mà một tình bạn thân thiết. Vì cô bé An Phận mà Tuấn, với sự tiếp tay của Huyền-Lệ, lập nên hội từ thiện "Coeur d'Artichaut" để nuôi dưỡng trẻ thơ khuyết tật. 

 

Tình bạn được một thời đẹp đẻ thì Huyền-Lệ ngã bịnh, một căn bịnh càng ngày càng trầm trọng và nan y. Nàng bị nhiễm HIV do truyền máu khi sinh sản. Người con gái, với đoạn đời đầy đau khổ, giờ đây lại bị cơn bịnh khó trị dày vò đớn đau. Nàng thiết tha yêu cầu Tuấn, người tình đầu tiên và người bạn thân thiết, mà cũng là một bác sĩ, nên kết liễu đời nàng để nàng khỏi bị cơn đau hành hạ thân xác. Nàng chết đi đúng lúc đứa con gái An Phận, mắc bịnh tự kỷ bẩm sinh, kêu lên hai tiếng "Má ơi!"

 

*  *  *

 

Rốt lại, quyển tiểu thuyết "Saïgon-Paris, Destins déprogrammés" (Sài Gòn-Ba Lê, định mạng trớ trêu), của LÊ THÀNH THỌ, nxb. L'Harmattan, 301 trang, ra mắt tháng 12 năm 2009, chủ yếu quy tụ lại thành câu chuyện về những bước thăng trầm của Huyền-Lệ (Larme mystique, chú thích của tác giả T.280), một cô gái, con độc nhứt của một ông Đại Tá, phải chịu long đong, nổi trôi theo vận nước một cách đau thương, đáng tội nghiệp.

 

Sau nạn nước năm bảy mươi lăm, Tuấn và Huyền-Lệ đều bỏ xứ ra đi, mỗi người theo một cung cách riêng tư. Tuấn thì nhẹ nhàng và may mắn hơn, trong khi Huyền-Lệ thì thân gái lại phải bôn ba gian khổ! Cuối cùng, tám năm sau, cô gặp lại ý trung nhơn trên đất Pháp, trong cảnh ngỡ ngàng vì thân xác và tâm hồn đã bằm dập, ê chề, không còn xứng đáng với người yêu xưa cũ. Ví như trường hợp cũa Thúy Kiều tái hợp cùng Kim Trọng, sau "mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình". Vậy mà, trớ trêu thay, định mạng cũng cho hai người gặp nhau để rồi sau đó lại âm dương cách trở!

 

Tác giả là một nhà khoa bảng - giảng viên đại học Khoa Học Orsay – nên văn của ông có khuynh hướng bác học, thường cho nhơn vật Le Garrec dùng quá nhiều quán ngữ La Tinh. Hơn nữa, trong sách có nhiều bài hát xen vào và ở mỗi cuối chương ông đều có những đoạn văn bàn chuyện xa xa, gần gần, bên Tây bên Tàu để minh họa thêm cốt chuyện, cho nên ý chánh thêm phần trì trệ. Tình hình như vậy cho thấy rằng tác giả có một vốn trí thức uyên thâm, vượt xa lối thuật chuyện thường tình của tiểu thuyết.

Phan Quân


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.