.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Trước đèn đọc sách:
Huỳnh Bá Xuân,
23 năm trời quên lãng

  • PSN - 18.4.2010


"Oublié 23 ans dans les goulags Việt Minh 1953-1976", của Huỳnh Bá Xuân, nxb L'Harmattan, 2003, 266 trang, 25 trang phụ đính và hình ảnh.

Lời dẫn: Công dân Tây từ lúc chào đời, vì gia đình Việt Nam mà gốc Tây. Sĩ quan Tây, được đào tạo từ các quân trường Tây. Chỉ huy trưởng đơn vị của Tây tại miền Bắc Việt Nam. Tù binh Việt Minh hai mươi ba năm. Mãn tù, xin hồi tịch, Tây không cho. Phải nhờ bà Thống Tướng De Lattre de Tassigny can thiệp mới được đi Tây. Qua Tây rồi phải trần ai khoai củ mới được hồi tịch và được trở lại với bộ quân phục Tây!

 

* * *

Hưng Yên (Bắc Việt Nam), sáng sớm một ngày mùa xuân (10.4.53), hai trung đội của Tiểu Đoàn 10 Việt Nam bị một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 42 Việt Minh phục kích trên tỉnh lộ 39. Sau 20 phút chiến đấu, máy vô tuyến bị trúng đạn hư hỏng, người lính mang máy bị hy sanh. Như vậy là mọi liên lạc để xin yểm trợ pháo binh và không quân đều gián đoạn. Quân bộ chiến đành phải tự lực và tự túc, nên không chịu nổi với nhơn số áp đảo. Trận đánh đi tới chỗ xáp lá cà và quần thảo nhau. Đại Úy Huỳnh Bá Xuân, Tiểu Khu Trưởng Hưng Yên, kiêm Chỉ Huy Trưởng Tiểu Đoàn 10 VN, bị Việt Cộng bắt đem đi cùng với một số binh sĩ.

 

Tổng kết lại, khoảng ba mươi chiến sĩ bị cầm tù, trong đó có hai sĩ quan (ĐU Xuân, 24 tuổi và Thiếu Úy Cữu, 20 tuổi) cùng với ba hạ sĩ quan. Phía bạn một trung đội bị hy sanh, bỏ xác tại chiến trường, phe địch chừng ba mươi bộ đội bị thương và khoảng năm mươi xác chết bỏ lại trên trận địa. Quân cộng sản rút lui chớp nhoáng về một làng "giải phóng" gần đó, tước bỏ nhanh chóng quân phục và trang thiết bị của tù binh.

 

Đêm xuống lần, người ta bắt đầu đưa đoàn tù binh vừa bắt được đến nơi giam giữ an toàn hơn thuộc vùng giải phóng. Đoàn tù binh và bộ đội cảnh vệ đi hàng một kéo dài cả ba mươi thước trên bờ con. Riêng hai sĩ quan bị trói liền nhau và quấn cổ bằng cái gút thòng lọng, do một bộ đội cầm giữ một đầu dây. Suốt một đêm di chuyển, để trốn máy bay quan sát, đoàn tù binh đi được trên bảy mươi cây số.

 

Trời hừng sáng, họ được đưa vô nhà dân, dưới tàn cây sum suê, ăn ngủ để lấy sức cho đêm kế tiếp. Khi trời nhá nhem tối, đoàn người đó lại lên đường. Đến một hang động trong vùng núi, họ ngừng lại chốt kiểm soát của công an. Sau đó, tù binh được chia ra làm hai toán, đi hai ngả khác nhau. Do đó, ĐU Xuân và Thiếu Úy Cữu cũng chia tay nhau.

 

Theo lời tiết lộ của vệ binh áp tải thì Đại Úy Xuân sẽ được đưa về Trại Phủ Nho Quan, Liên Khu IV. Đoàn người tới trại đầu tiên thì đã năm giờ sáng, tiếng kẻng đã vang dội và sanh hoạt trại giam cũng bắt đầu rộn rả.

 

Một thời gian sau, ĐU Xuân lại bị đưa đi Trại Thái Nguyên, sau một chuyến đi bộ qua hàng mấy trăm cây số đường rừng. Danh chánh ngôn thuận gọi là "Trại Tù Hàng Binh Liên Khu Việt Bắc". Ở đó có tù binh Việt Nam và có cả liên quân Pháp đào ngũ và lính Lê Dương đủ sắc tộc. Tình trạng lẫn lộn này rất có lợi cho trại tù vì thuộc những loại tù khác biệt nên họ cạnh tranh nhau tố giác đủ mọi chuyện.

 

Đã là tù cộng sản thì không phân biệt tù binh hay tù chánh trị gì hết, cũng lao động như nhau, cũng đốn tre đẵn củi trong rừng, cũng học tập chánh sách đường lối đảng, cũng kiểm điểm và phê bình. Suốt ngày của người tù là lao động cật lực, ăn uống chẳng có bao nhiêu, ăn đó rồi đói đó. Ngày lao động vừa xong là họp nhau kiểm điểm phê bình, nghe đọc báo, đến mỏi mệt mới được ngủ nghê. Chỉ có ngủ, người tù mới sống được cuộc đời của chính mình.

 

Trong năm sáu tháng ở yên tại Thái Nguyên, nghiền ngẫm nghiên cứu tình hình trong trại và tình hình chung bên ngoài, qua những lần đọc báo tập thể, ĐU Xuân quyết định phải đào thoát tập thể. Theo ông, vượt ngục cá nhơn lẻ tẻ sẽ không có hiệu quả.

 

Lợi dụng một cuộc họp học tập cuối tuần vào lúc chiều tối, toán đào thoát gồm có mười ba người lẻn đi. Họ thoát được ra ngoài, cách trại hai cây số. Nhưng, tới lúc cần quyết định thì gặp phải sự do dự của một toán trưởng khác, tên Thiệu. Thiệu không muốn giải thoát những tù nhơn còn lại như đã hoạch định, mà rút đi êm. Theo kế hoạch chung ban đầu thì sẽ nổi lửa đốt trại, giải thoát trọn đám tù.

 

Cuộc cãi vã nhau làm cho ĐU Xuân nổi nóng đánh Thiệu chảy máu rồi hai người chia ra hai cánh rút đi, ai theo đường nấy, ba người theo Thiệu, tám người theo Xuân. Bốn giờ sau, bộ đội tóm được cánh của Thiệu cách trại mười cây số. Trong lúc đó cánh của Xuân lẩn trốn trong bụi rậm, vượt qua được Thái Nguyên.

 

Họ tạm dừng chưn vào khoảng nửa đêm. Bỗng dưng một loạt AK nổi lên cộng với những hồi chuông báo động. Ánh đuốc nổi lên sáng rực phía Bắc Thái Nguyên. Như vậy là trại đã báo động nên dân quân đổ xua đi tìm. Kế hoạch trốn trại kể như đã thất bại!

 

Ngay hôm sau, trại tổ chức một phiên học tập toàn thể, có sự hiện diện của chánh ủy, của trại trưởng và của nhiều cán bộ của Liên Khu Việt Bắc. Sau khi ngợi ca chánh sách khoan hồng nhơn đạo của đảng và của Hồ chủ tịch, rồi trúc hết tội lỗi lên đầu những người trốn trại, chủ chốt là ĐU Xuân, chánh ủy lớn lối lên mặt:

 

"Theo lời tự thú của mươi hai người trốn trại bị bắt lại, hiện có mặt ở đây, thì tên tội phạm chiến tranh Huỳnh Bá Xuân đã chủ mưu nhằm giết chết bộ đội truy nã theo họ. Tên Xuân có cơ hoàn thành được tội ác thâm độc đó nếu như tên Thiệu không dứt khoát bác bỏ và can ngăn đồng bọn. Thay vì ăn năn hối cãi tội ác đã qua, hắn ngoan cố nuôi tư tưởng phản động với ý đồ kiên trì hoài trở lại hàng ngũ Quân Đội Pháp. Âm mưu tổ chức một cuộc vượt ngục tập thể trong đêm 5 rạng 6 tháng 11 năm 1953, tên Xuân đã bị bắt trở lại cách trại mười lăm cây số."

 

"Xét vì quá khứ phản động của tên Xuân,

"Xét vì tên Xuân thuộc thành phần gia đình địa chủ,

"Xét vì tội ác trầm trọng có dự mưu của tên Xuân,

"Xét vì tên Xuân ngoan cố và từ chối con đường cải tạo của Đảng,

"Ban Chỉ Huy Trại, coi đó là thành phần ngoan cố không thể phục hồi được, nên quyết định chuyển tên Huỳnh Bá Xuân đến một trại Công An để chờ ngày truy tố ra Tòa Án Nhơn Dân." (T.86)

 

Quay sang cử tọa, chánh ủy nói tiếp:

 

"Những ai tán thành quyết định này, đưa tay lên!" (T.86)

 

Dĩ nhiên là mọi cánh tay đồng loạt đưa lên và sau đó là hội trường vỗ tay vang dậy. Trong khi đó bộ đội cảnh vệ tròng dây thòng lọng vào cổ ĐU Xuân và hộ tống đi. Họ giải giao ĐU Xuân đến một trại công an Liên Khu Việt Bắc, chuyên nhốt những thành phần thù nghịch với chế độ như địa chủ, cường hào, phản động cùng những tên Việt gian và phá hoại. Trại nằm dưới lòng chảo, xung quanh có hàng rào dày đặc bằng tre. Bốn góc có bốn chòi canh cao nghệu, có bộ đội trang bị đầy đủ canh gác ngày đêm.

 

ĐU Xuân bị cùm chưn, nhốt trong phòng biệt giam tối đen. Ngày đêm tiểu tiện tại chỗ trong một trong một ống tre dài sáu mươi phân, mười hai phân đường kính, và một thùng cây chứa mạt cưa. Hầm biệt giam hai thước chiều dài, thước hai chiều ngang và thước sáu chiều cao. Trần hầm làm bằng những thân cây tròn xếp khít lại và đấp đất lên. Không có một lỗ hở nào hết, ngoài cửa ra vào. Mỗi ngày ba lần cảnh vệ mở cửa cho tù làm vệ sinh và đưa cơm nước.

 

Những hầm ngục tối đó gồm có những bức tường dầy bốn tấc làm bằng đất sét nhão nện chặt trong khuông ván như bê-tông. Với tay không tù không thể nào phá được. Nằm trong đó như nằm trong hòm chôn sống. Nhưng được bù trừ lại là khỏi chịu đựng những phiên học tập tẩy não, khỏi phải phê bình và tự phê. Nhưng trái lại, chẳng còn biết ngày đêm gì, chẳng có ý niệm gì về thời gian và không gian. Tha hồ ngủ nghỉ, tha hồ mộng mị chiêm bao. Sống trong cõi chết và chết giữa cuộc sống.

 

Trong cái không khí nặng nề trầm lắng đó, bỗng một ngày, cả trại xôn xao lên. Dư âm vang dội đến ngục tối, nhưng cũng phải mấy ngày sau tin tức mới đến tai ĐU Xuân. Loa phóng thanh đã phát đi toàn trại. Một cái tin bất ngờ cho một con người bị nhốt kín, mù tịt với những diễn biến bên ngoài. Hiệp Định Genève (20.7.1954) đã được ký kết! Chiến tranh tạm chấm dứt, sẽ có trao đổi tù binh! Một tin mừng tưởng như không bao giờ có thật.

 

Quả nhiên đó là việc thật vì từ lâu trên loa của trại đã ngày đêm ra rả về chiến thắng Điện Biên Phủ, một thành tích quân sự, rồi bây giờ Hiệp Định Genève nữa, lại một thành công ngoại giao của Bác và của "Đảng Ta" nữa. Như vậy rồi một hôm, bộ đội đến mở cửa xà lim vào một giờ khác thường, lôi ĐU Xuân ra đưa tới gặp thủ trưởng của Trại.

 

Lạ kỳ thay, hôm nay lão Trại Trưởng tươi cười niềm nở tiếp đón tên tù gớm ghiết:

"Chào anh, anh có khoẻ không?"

ĐU Xuân chưa hết ngạc nhiên, không kịp phản ứng thì ông Trại Trưởng nói tiếp:

"Trong niềm vui chung của nhơn dân, trước thất bại của thực dân Pháp về mặt quân sự ở Điện Biên Phủ và về mặt ngoại giao ở Giơ-Ne-Vơ, Đảng ta, dưới tài lãnh đạo kiệt xuất của Hồ Chủ Tịch lúc nào cũng khoan hồng, quyết định chấm dứt hình phạt của anh. Trại sẽ mở xích cho anh, và trong khi chờ đợi lịnh trên liên quan đến việc trao đổi tù binh, một trong những điều khoản của Hiệp Định Giơ-Ne-Vơ, anh được phép rời ngục tối để trở về sanh hoạt chung với tập thể." (T.115)

 

Sau sáu tháng trời nằm trong xà lim âm u, nay trở lại sanh hoạt bình thường cùng bạn tù, ĐU Xuân có một cảm giác khác thường. Đêm đầu, ĐU Xuân không sao ngủ được, cứ mãi suy nghĩ về phận mình, cảm thấy có những bước đi lần tới tự do đích thực. Nhưng biết đến bao giờ đây?

 

Một bầu không khí cởi mở vui tươi đầy tin tưởng xâm chiếm trại tù, thêm vào đó là sinh hoạt ăn uống cũng có phần được cải thiện. Ai cũng trông ngóng là sẽ có một biến cố vui nào đó vì trại đã phân phát quần áo cho tù, mỗi người hai bộ bà ba màu nâu, như nông dân miền Bắc. Nhưng hai tháng qua đi mà vẫn chưa thấy gì.

 

Nhưng rồi chuyện gì phải đến đã đến, trong nỗi niềm "hồ hởi và phấn khởi" của mọi người. Chạng vạng tối, một cán bộ đến gọi tên phân chia ra nhiều nhóm, rồi sau đó mỗi nhóm đi về một hướng, có vệ binh súng dài AK hộ tống đưa đi. Đi đâu đây?

 

Trong chương trình trao đổi tù binh, những tù hàng binh chỉ là những món hàng làm giá trong đường lối chánh sách của cộng sản Hà Nội mà thôi. Họ được phân chia ra làm ba hạng, loại ác ôn côn đồ cao giá nhứt, kế đó là hạng trung bình và sau chót là thứ sứt cán gảy gọng. ĐU Xuân dĩ nhiên thuộc loại một, loại con tin mồ côi, cần được đem giấu kín, Tây không nhìn mà Việt Nam cũng lơ luôn.

 

ĐU Xuân được đem đi giấu biệt ở một trại nhỏ mới cất, nơi đó ông gặp lại Thiệu, người bất đồng ý kiến với ông trong lần trốn trại. Tất cả có mười người tù. Họ rất đỗi ngạc nhiên về cái trại không tên nầy và về con số tù nhơn quá ít. Những cảnh vệ canh gác đều là người sắc tộc thiểu số, rất ít biết tiếng Việt.

 

ĐU Xuân ở trại nầy từ tháng Chín 1954 đến tháng Mười Hai 1960. Thời gian bị giam giữ ở đây tương đối ít cực về thể xác, chỉ làm công việc đan lát quanh quẩn trong lán trại, nhưng rất khổ nhọc về tinh thần. Qua các cuộc thảo luận về trao đổi tù, người ta ít quan tâm đến dân Việt Nam phục vụ các tổ chức Pháp. Còn các Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát CIC (Commission Internationale de Contrôle), ngoài chuyện đa số có khuynh hướng thân cộng ra, cũng tỏ ra bất lực và vô ích.

 

Tỷ lệ tử vong ở trại bí mật này lên khá cao, nhứt là cái chết của Thiệu, sau bốn mươi ngày tuyệt thực mà trại chẳng có phản ứng gì hết. Lễ Giáng Sanh năm 1959, trại đưa ra một con chó để tù liên hoan - một hành động có một không hai trong đời tù cộng sản. Sau hai ngày liên hoan độc đáo đó, lại có lịnh chuyển trại. Đi đâu nữa đây? Thì ra cộng sản đưa họ về Trại Tuyên Quang, ở Việt Bắc, cách Hà Nội một trăm sáu mươi lăm cây số.

 

Đến tháng Tư năm 1970, chỉ còn lại có mười người tù còn sống sót ở trại Tuyên Quang, nơi mà mười năm qua đã giết chết năm mươi tù nhơn. Cũng như những lần chuyển trại khác, người ta đã ra lịnh một cách bất ngờ, nhưng lần này có cho biết nơi đến, Trại Hà Giang, xa hơn nữa về miệt biên giới Trung Quốc.

 

Thì ra, Bắc Việt di chuyển tù xa Hà Nội để tránh những đợt ném bom của máy bay Mỹ. Bất ngờ thay, ngày Hai Mươi Bảy tháng Giêng năm 1973 có tin Lê Đức Thọ đã ký Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cùng với nhơn dân miền Bắc, những người tù lâu đời như ĐU Xuân cũng chớm thấy một chút hy vọng. Nhưng không biết lần này có khá hơn Hiệp Định Genève hồi 1954 không?

 

Những người tù Trại Hà Giang nức nở hân hoan, không biết vì mức ẩm thực cải thiện hay vì Lê Đức Thọ đã gạt được Kissinger. Khi hay tin Hiệp Định Paris đã được ký kết, trại ngả một con trâu để ăn nhậu, chia phần cho hai mươi người tù cái đầu làm chất béo, cùng năm kí đường mật và năm kí nếp để nấu chè. Dĩ nhiên là cũng kèm theo ba ngày học tập chánh trị, moi móc cái hay cái đẹp của "phe ta" trong thành tích "đánh cho Mỹ cút, cho ngụy nhào".

 

Rồi một hôm đoàn tù lão thành của chiến cuộc Đông Dương được đưa từ Trại Hà Giang ở thượng du Bắc Việt ngược về châu thổ Sông Hồng. Phen này họ chuyển trại bằng xe tải chớ không còn đi chưn nữa, một tiến bộ đáng kể và đáng mừng cho thân tù tội. Họ được đưa về Trại Hà Tây, phía Tây-Nam Hà Nội.

 

ĐU Xuân cùng ba người nữa được đưa về Trại Hà Tây. Ở đây cả bốn người được tiếp rước không có vẻ gì tù hết. Họ được cho ở chung trong một căn nhà không có hàng rào mà cũng chẳng có khóa cửa gì hết. Họ được ông trại trưởng Hà Tây cho biết từ nay họ được hưởng quy chế "phó thường dân". Họ làm việc cho xưởng mộc nhà nước, hưởng quy chế gần như bộ đội.

 

Ngày 30.6.1973, ông Trại Trưởng Hà Tây cấp cho bốn người giấy ra trại của Công An. Như vậy họ được trả quyền công dân, nhưng chỉ là công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ được phép đi quanh quẩn vùng Bắc vỹ tuyến mà thôi. Trại Hà Tây tổ chức cho họ một chuyến "tham quan" thủ đô.

 

Lợi dụng thời gian được "tự do trong tất yếu", ĐU Xuân lấy tinh thần người Việt tự do, phóng khoáng, cởi mở, vị tha, hữu nghị và bình đẳng để tìm hiểu và chinh phục người dân thường trong khu vực và không bị giáo điều đầu độc. Ông thấy không phải người miền Bắc nào cũng quá khích và sắc máu cả đâu.

 

Chí đến tháng Năm năm 1975, một tin động trời như sét đánh làm cho bốn người tù đều ngỡ ngàng, không tin là có thật. Miền Nam, thành trì cuối cùng của một đất nước tự do, đã hoàn toàn sụp đổ! Như vậy là nước Việt Nam đã lần hồi mất về tay cộng sản, mất một nửa hồi 1954 rồi mất cả hai mươi mốt năm sau, hồi 1975!

 

Năm đó ngày lễ Lao Động miền Bắc thật rình rang vì kiêm thêm lễ mừng chiến thắng và thống nhứt đất nuớc. Riêng bốn người tù thì cả một vũ trụ đã sụp đổ. Giấc mơ thời niên thiếu của họ đã bay xa và viễn tượng một cuộc chiến thắng của tự do dân chủ đã biến thành mây khói.

 

"Nhưng giờ đây, trước thực tế phũ phàng, tất cả đều vô nghĩa, bước chưn đi đã hụt hẫng. ĐU Xuân một mình lang thang cúi đầu lê bước như con thú bị thương, lần mò trong đêm đen đi ra bờ đê tìm nơi thanh vắng. Một mình ngồi dưới hàng dương liễu rủ, Xuân bật lên khóc như một đứa trẻ mồ côi lạc loài, để mặc cho tâm tình vừa đau khổ lẫn xót thương, may ra làm lắng đọng được nỗi lòng đang rối loạn." (T.191)

 

Tin chiến thắng của Hà Nội ở miền Nam, trái lại tạo ra nhiều vấn đề cho miền Bắc. Những đợt hân hoan làm cho dân chúng miền Bắc thắc mắc thêm về những mất mát mà các gia đình phải gánh chịu trong trận chiến huynh đệ tương tàn vừa qua. Trước kia, để giữ vững tinh thần chiến đấu, mọi hy sanh đều được giấu nhẹm. Nay chiến tranh hết rồi, nhà nước phải nói sự thật.

 

Với đà bộ đội đi phép, mô tả lại cảnh sung túc của miền Nam, những thảm cảnh của chiến tranh, những của cải mà dân chúng miền Nam bỏ đi chạy lấy người, vạch rõ ra lối tuyên truyền láo khoét của Hà Nội. Từ đó dân chúng thắc mắc tự hỏi đâu là hạnh phúc của "Thiên đường đỏ" và đâu là thế ưu việt của chế độ cộng sản mà nhà nước đã từng rêu rao?

 

Một ngày đẹp trời tháng Năm 1976, phái đoàn Bộ Nội An, đứng đầu là Chánh Văn Phòng ông Bộ Trưởng, đến thăm Trại Hà Tây. Phái đoàn cảm thấy hài lòng với thành tích của xưởng mộc mà ông Trại Trưởng hãnh diện nêu ra. Chớp lấy cơ hội, ĐU Xuân xin gặp riêng ông CVP để xin được đi phép về miền Nam thăm mẹ già, chỉ có ông là con trai duy nhứt.

 

Mười ba ngày sau ĐU Xuân được toại nguyện. Hai ngày kế tiếp ông chuẩn bị cho chuyến trở lại mái ấm sau hai mươi mấy năm xa cách. Từ giả bạn tù, tạm biệt gia đình cụ Hương ở Thiên Đồng, mà ĐU Xuân coi như gia đình đỡ đầu cho ông trong những ngày ở Trại Hà Tây.

 

Xe lửa xuyên Việt, với vận tốc ba mươi cây số một giờ, chỉ chạy tới Vinh, từ đó hành khách phải sang qua xe đò về tới xa cảng Hàng Xanh (Thị Nghè). Về đến nhà, một cháu bé ra mở cửa ngỡ ngàng trước sự có mặt của một "ông bộ đội". Phải kêu bà ngoại ra để nhận diện đứa con đi tù đã 8476 ngày. Thôi thì đâu còn niềm vui hội ngộ nào hơn được!

 

Việc làm ngay lúc đầu tiên là ĐU Xuân nhờ người cậu, kỷ sư hàng không, làm việc cho một hãng Pháp, nộp hồ sơ xin phục hồi quốc tịch và nghĩa vụ quân sự Pháp. ĐU Xuân có quốc tịch Pháp từ lúc mới sanh và tốt nghiệp quân trường Pháp từ năm 1950. Nhưng hai năm sau ngày nộp hồ sơ cho Tổng Lãnh Sự Pháp ở Sài Gòn, ông chẳng thấy có hồi âm nào. Lẽ nào Pháp lại quên mất người công dân trung thành, hết nghĩa, hết tình với Mẫu Quốc?

 

Giải pháp cuối cùng còn lại cho ĐU Xuân là vượt biên, sang tận Pháp coi cớ sự ra làm sao. Qua nhiều trung gian, ĐU Xuân bắt được đầu mối liên lạc với đường dây tổ chức vượt biên. Qua nhiều liên lạc và ký tín ám hiệu, ngày khởi hành bằng xe đò đi xuống Rạch Giá, chiếc xe đò vừa nổ máy thì đã có hai công an xuất hiện, chận các cửa xe. Như vậy là hỏng hết rồi!

 

Người ta đưa khoảng mười lăm người về đồn công an gần bến xe. Trong lúc công an đang điều tra lý lịch người khách đầu tiên thì đằng nầy ĐU Xuân giả bộ đau bụng chạy ra ngoài, rồi thừa dịp công an thiếu cảnh giác, ông chạy lủi luôn ra đường vọt đi mất. May hồn cho ông, công an mà tóm được chắc là tiêu luôn.

 

Không thấy ĐU Xuân ghi lại khoảng thời gian từ khi ông hết phép của Trại Hà Tây cho ông đi Sài Gòn thăm mẹ già đến khi ông lên đường đi Pháp. Nên nhớ là lúc bấy giờ chuyện "kiểm tra hộ khẩu" rất khó khăn. ĐU Xuân tránh né được thật tài tình. Có thể ông không muốn tiết lộ điều cơ mật của riêng ông, dẫu nay đã qua rồi.

 

Buồn tình, ĐU Xuân chạy lên Biên Hòa ẩn náo và kiếm sống bằng nghề dạy Pháp và Anh văn. Ở đó, ông kết duyên cùng với một cô giáo, hiệu trưởng trường mẫu giáo, nhỏ hơn ông hai mươi ba tuổi. Hai vợ chồng có được đứa con gái tên Quỳnh Như.

 

Quỳnh Như được tám tháng tuổi, hai vợ chồng lại thử thời vận đi chui một lần nữa. Trên bãi biển lân cận Vũng Tàu, một đêm đen, hai ông bà phải bồng con chạy thục mạng để tránh né làn đạn cộng sản. Một phen nữa, con đường vượt biển coi bộ không có duyên với con người đã quá nhiều đau khổ.

 

Rốt lại, ĐU Xuân đành vận dụng giải pháp cầu cạnh lòng nhơn ái của chỗ quen biết. Nhơn chuyến đi Pháp của người cậu, ông gởi thơ cho bà Thống Chế De Lattre yêu cầu bà can thiệp để ông được ra khỏi Việt Nam. Trước kia hồi 1951, ĐU Xuân đã làm sĩ quan tùy viên cho Tướng De Lattre.

 

Ngày 12 tháng 7 năm 1984, ngày đáng ghi nhớ của ĐU Xuân vì hôm đó ông lên phi cơ để bay về mẫu quốc mà ông đã xa lìa ba mươi lăm năm. Thoát khỏi địa ngục cộng sản Việt Nam rồi, giờ đây ĐU Huỳnh Bá Xuân còn phải chiến đấu với rừng già rậm rịt và rối tung về thủ tục hành chánh, giấy tờ và thái độ quan liêu của công chức Tây chớ đâu phải dễ dàng gì.

 

"Là một người Việt Nam mang Pháp tịch từ lúc chào đời, khi đặt chưn xuống đất Pháp, ĐU Xuân nghĩ rằng "Nuớc Mẹ" của ông sẽ lắng tai nghe, với nhiều tự hào, những nỗi gian truân, những thành tích, những tai họa và những nỗi khổ đau mà ông đã dũng cảm gánh chịu trong hai mươi mấy năm qua. Chắc là "Mẫu Quốc" sẽ quan tâm đến thân phận của ông với một sự thông cảm nhơn từ và với một tình mẫu tử ưu ái để bù trừ lại một quãng đời dở dang và một sự nghiệp tan tành của ông. Về phần mình, ĐU Xuân, đứa con thất lạc từ xa trở về, sẽ chấm dứt được những nỗi nhục nhã, lấy lại phẩm cách nhơn tính và danh dự sĩ quan của mình."

 

"Đã nhiều lần, từ lúc thoát được cảnh lao tù cộng sản, ĐU Xuân tưởng tượng rằng khi trở về Pháp, ông sẽ được tiếp đón với tất cả mọi biểu hiện vinh dự huy hoàng dành cho một đấng anh hùng. Than ôi tất cả chỉ là ý nghĩ thật thà và ngây ngô! ĐU Xuân cứ khù khờ nghĩ tới chuyện đời theo quan niệm đạo đức mà người ta đã đào tạo ông ở các quân trường Coëtquidan (Ecole Saint Cyr Coëtquidan, trường đào tạo sĩ quan bộ binh) và Saumur (Ecole de cavalerie, trường thiết giáp) của Pháp ngày xa xưa."

 

"Đầu óc của ĐU Xuân đã trễ mất mấy mươi năm, ông vẫn còn nhớ lại những hình ảnh lộng lẫy của lễ tang Trung Úy Bernard De Lattre (con của vị danh tướng De Lattre) hy sanh trên chiến trường Đông Dương. Hồi đó, người ta đã thấy trong ánh mắt người Pháp những xúc động của quê hương, biểu lộ tinh thần yêu nước của người Pháp."

 

"Nhưng, từ bấy đến nay, biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu! Thời thế đã đổi thay mà ĐU Xuân không để ý. Bị giam hãm trong ngục tù cộng sản và xa rời với xã hội bên ngoài trên hai chục năm, ông đâu có biết gì về những biến cố Algérie, về những rạn nứt trong Quân Đội, về Phong Trào Vùng Lên tháng Năm 1968, về những biến thiên trong tập quán và trong những dòng thác chánh trị. Ông đâu có biết chuyện nhiều chiến sĩ Đông Dương khi hồi hương bị xỉ vả lăng nhục, Chánh Phủ và Nhà Nước không muốn nhắc tới họ nữa mà cũng chẳng muốn nói gì đến chiến cuộc Đông Dương, coi đó như là một căn bịnh nhục nhã."

 

"ĐU Xuân đã trở về Pháp không đúng lúc. Sống sót qua cuộc chiến Đông Dương, để xuất đầu lộ diện như một kẻ chết đi sống lại phiền phức, cùng với những người thuyền nhơn bàng hoàng chạy trốn cộng sản, là sai quấy rồi. Người ta coi ông như những người lưu vong Đông Nam Á, nạn nhơn của chế độ cộng sản Việt Nam. Người ta đối xử với ông cũng cùng một cung cách, chẳng khác chút nào hết."

 

"Bị chạm tự ái khi Nhà Nước Pháp từ chối và coi ông như một người vô tổ quốc tầm thường, ĐU Xuân thề quyết phấn đấu đến hơi thở cuối cùng trong cuộc chiến sau chót này vì danh dự, không phải của riêng ông, mà còn của mọi người lính trong cuộc chiến Đông Dương."

 

"Trong thâm tâm, ông nghĩ rằng những bạn bè ông và những kẻ thù cộng sản hôm qua sẽ coi chuyện nước Pháp không tôn trọng những gì mình đã cam kết với những ai chiến đấu dưới ngọn cờ tam tài là một nỗi nhục. Nhơn dân Pháp hào hiệp và cả đất nước nầy không thể chấp nhận một Tổ Quốc lại bất nghĩa với những người con trung thành của mình."

 

"Dẫu sao đi nữa, ĐU Xuân không muốn nhìn thấy một hình ảnh xấu xa của nước Pháp, mà ba thế hệ trong gia đình ông đã hết dạ yêu thương và tận tâm phục vụ, đến độ phải hy sanh cuộc sống. Cũng nên nhớ rằng cha ông đã bị Việt Minh giết hại hồi 1946 vì tội thân Tây, ngay trong những ngày đầu tiên khi quân của Tướng Leclerc tái chiếm Nam Kỳ."

 

"Trong lúc tức giận và đau khổ, ĐU Xuân vẫn còn sáng suốt để không lẫn lộn nước Pháp với những hạng quan liêu bàn giấy theo lịnh của chánh đảng. Không yêu nước Pháp có nghĩa là phủ nhận những lý lẽ vì đó mình chiến đấu cũng như chịu đau khổ và gián tiếp cho rằng những người cộng sản đã hành hạ, đã cầm tù mình và những tên chánh ủy Việt Minh là có lý sao?" (T.253-254)

 

Không bao giờ, tức giận thì tức giận chớ ĐU Xuân không khi nào đi đến tình cảnh đó. Trong tư thế là một sĩ quan, ông cũng không muốn đưa vấn đề ra pháp luật, mà ông chỉ muốn đối thoại trong nội bộ nhà binh mà thôi. Nhưng tiếc thay, thiện chí của ông đã đụng phải bức tường của tình người thiếu thông cảm và thờ ơ của nền hành chánh.

 

Trước tiên ĐU Xuân muốn giải quyết vấn đề một cách êm thắm, nên khởi sự viết thơ cho BCAAM (Bureau Central des Archives Administratives Militaires) ở Pau để xin bản tướng mạo quân vụ. Đáp lại, người ta cho ông biết rằng không có dấu tích gì của ông trong văn khố hết. Nghĩa là không có ĐU Xuân trong quân đội Pháp!

 

Không còn nỗi buồn nào hơn. Ông tìm ra bức thơ của Jean-François Poncet, Bộ Trưởng Ngoại Giao gởi cho Bà De Lattre, liên quan đến chuyện cựu sĩ quan tùy viên của Tướng De Lattre đến Pháp, cùng với cái thẻ trường Saint-Cyr. Ngoài ra, ĐU Xuân cũng gởi thơ biểu bà vợ bên nhà gởi chui qua cho ông tất cả những tài liệu nhà binh cũ của ông, đã được bà mẹ chôn giấu.

 

Ngoài ra ĐU Xuân báo động những người bạn đồng khoá về thái độ kỳ quái của BCAAM. Họ tập họp lại thành một ủy ban hỗ trợ ĐU Xuân, gồm cấp tướng và cả cấp đại tá. Họ gởi thỉnh nguyện thơ lên Tổng Thống, lên Thủ Tướng, lên Bộ Trưởng Quốc Phòng, Bộ Trưởng Tư Pháp, lên Chủ Tịch Quốc Hội và lên cả Hội Đồng Lập Hiến. Nhưng tiếc thay ngần ấy vận động mà cũng chỉ có kết quả mong manh.

 

Giấy tờ quân sự có tánh cách cá nhơn (sự vụ lịnh, giấy phép, bằng tưởng lục,...) từ bên nhà vừa tới. ĐU Xuân gởi cho Bộ Quốc Phòng, bấy giờ bộ nầy mới chịu nhìn nhận tình trạng quân vụ của ông. Xong một bước, bây giờ còn trở ngại khác là quốc tịch Pháp của ông.

 

Theo hiệp ước ký kết giữa Pháp và Quốc Gia Nam Việt Nam hồi 1955 thì người dân Nam Kỳ nào muốn giữ quốc tịch Pháp thì phải có đơn xin, bằng không thì sẽ tự động mất quốc tịch. Lúc bấy giờ ĐU Xuân còn ở tù cộng sản thì làm sao mà xin?

 

Bây giờ chỉ còn có nước đưa vấn đề ra tòa mà thôi. Đụng đến tư pháp là phải có tiền mướn luật sư và phải chờ đợi lâu dài. Mà một người năm mươi tuổi đầu, còn ở trong trung tâm tạm cư, không gia đình, không nhà cửa, không công ăn việc làm thì lấy đâu ra tiền?

 

Ngày 20 tháng 12 năm 1984, ĐU Xuân yêu cầu Bộ Quốc Phòng cho ông một việc làm tạm để chờ giải quyết xong vụ quốc tịch của ông. Ông được tuyển làm nhơn viên dân chánh ở Quân Khu III (Bretagne). Môi trường làm việc làm cho ông quên lần hồi nỗi bực mình.

 

ĐU Xuân có cái may gặp được luật sư Jean Bouëssel du Bourg, vừa ba mươi tuổi đời, hăng hái đứng ra binh vực cho ông. Luật sư trẻ tuổi nầy, ra đời sau chiến tranh Đông Dương của Pháp, phải tham khảo khá nhiều tài liệu luật pháp và sử sách về miền đất thuộc địa đó, về Nam Kỳ, về Hiệp Định Genève,...

 

Ngày 3 tháng 12 năm 1985, đông đảo bạn bè cùng những người ủng hộ ĐU Xuân, hàng trăm người, tề tựu tại phiên xử của Tòa Đại Hình thành phố Rennes để biểu lộ ý chí binh vực cho ông. Luật sư đã trổ tài hùng biện, với nhiều chứng cớ binh vực cho ông. Luật sư viện lẽ là sau Hiệp Định Genève, Pháp không đòi hỏi Việt Minh trao trả ĐU Xuân, nên làm sao đương sự xin giữ quốc tịch Pháp. Phiên tòa dời lại ngày 13 tháng 1 năm 1986.

 

Trong phiên tái nhóm ngày 13 tháng 1 năm 1986, luật sư mở đầu bằng một câu đầy xúc động:

 

"Tôi rất xấu hỗ cho nước Pháp phải ra trước Tòa để binh vực một hồ sơ như thế này."

 

Rồi sau đó ông dẫn chứng lịch sử và tình cảnh thương tâm của ĐU Xuân làm cho phía chánh phủ phải bối rối, công nhận rằng trong vụ án nầy luật pháp và công bằng không ăn khớp nhau. Chánh án đành tìm cách dung hòa và dời quyết định tới ngày 31 tháng 1.

Ngày đó, sau khi tòa tuyên án, ĐU Xuân thở phào, nhẹ nhỏm vì đã ra khỏi đường hầm đen tối. Giả từ niềm xấu hỗ và nỗi nhục nhã, ông đã lấy lại được danh dự và phẩm cách. Đã hồi tịch được rồi, bây giờ còn phải phục hồi quân đội và đoàn tụ với gia đình.

 

"Ở tù là một hiện tượng quái gở, nó ghi dấu ấn suốt cuộc đời mình, như một cái dấu đóng lên da thịt một kẻ nô lệ. Làm gì thì làm, mình không khi nào thoát khỏi những hồi ức cứ bám theo mình, cứ đè nặng, cứ hành hạ, cứ chèn ép, cứ làm mình lo sợ và cứ ám ảnh mình ngày đêm. Đừng tưởng mình đã ở tù hai mươi ba năm, không đâu, mình đã ở tù suốt đời, bị giam hãm hết cuộc sống!" (T.263)

 

Sau khi đã có án lịnh trả quốc tịch Pháp lại cho Huỳnh Bá Xuân, Bộ Quốc Phòng quyết định cho ông trở lại hàng ngũ quân đội với cấp bực Trung Tá. Nhơn dịp Lễ Đình Chiến 11.11.2004, ông được tưởng thưởng Légion d'Honneur (Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh) kèm Croix de Guerre TOE (Chiến Công Bội Tinh Chiến Trường Hải Ngoại).

 

Cuối cùng, một bài báo Pháp tường thuật như sau:

 

"Trung Tá Huỳnh đoàn tụ với gia đình.

 

"Nhựt Bổn đã bỏ quên những người lính của mình trong cuộc Thế Chiến trên các hải đảo Thái Bình Dương. Từ 1953, nước Pháp đã bỏ quên ĐU Bá Xuân Huỳnh, cựu sĩ quan tùy viên Thống Chế De Lattre De Tassigny, trong ngục tù cộng sản... Phải khó nhọc lắm, người sĩ quan nầy mới trở về Pháp hồi 1984. Chẳng phải dễ dàng gì mà người ta đã nhìn nhận quốc tịch Pháp của ông. Đâu phải dễ dàng mà ông lãnh được lương hưu trí. Và cuối cùng, cũng phải khó khăn lắm, ông Bá Xuân Huỳnh, hiện nay là Trung Tá hồi hưu, mới đem được bà vợ vừa cưới mấy năm nay, và đứa con gái qua Pháp. Hôm qua, từ thành phố Hồ Chí Minh đến, Quỳnh Như, 4 tuổi, cùng bà mẹ đã đặt chưn xuống sân bay Roissy Charles de Gaulle." (Phụ đính)

 

* * *

 

Quãng đời vừa qua của Trung Tá Huỳnh Bá Xuân đúng là tiền hung hậu kiết. Được tái ngũ sau khi hồi tịch, năm mươi bảy năm cuộc đời (sanh ngày 23.12.1929 tại Bạc Liêu) ngụp lặn trong đau khổ, tủi nhục triền miên, mãi rồi mới được thuở an nhàn thư thái. Gia đình đoàn tụ, con cái hết dạ yêu thương quý mến và đỗ đạt thành tài. Nay tám mươi mốt tuổi đời, mong sao ông mãi mãi hưởng trọn chữ nhàn, cõi lòng thơ thới và có đủ trăm mùa xuân, như tên cha mẹ đặt cho ông!

 

Phan Quân


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.