.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Trước đèn đọc sách:
Những người Việt bơ vơ

  • PSN - 24.4.2010

Núp sau tấm bình phong "khai hóa", chủ nghĩa thực dân đã một thời tự tung tự tác trên vùng đất thuộc địa, trước thái độ im hơi lặng tiếng của dư luận. Từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XX, phần lớn những nước Tây Âu đều là đế quốc nên chẳng nước nào lên tiếng phản đối. Nhưng sau Đệ Nhị Thế Chiến, trật tự và hệ thống cường quốc đã đổi thay, lần hồi đường lối phi thuộc địa hoá đã bắt đầu rõ nét, và người ta bắt đầu lên tiếng.

Nên chi, những hành động xấu xa, bỉ ổi của thực dân có phần bị dư luận lên án, nhưng cũng còn có phần được lờ đi, cho tiện việc. Phần bị bỏ quên, liên hệ đến người Việt chúng ta, từ năm 1939, mãi đến năm 2009, mới được Pierre Daum – ký giả nhựt báo "Monde" và "Libération" - phanh phui ra ánh sáng, qua tài liệu nghiên cứu và sưu tầm của ông, "Immigrés de Force – Les Travailleurs Indochinois en France (1939-1952)" - nxb Solin, Actes Sud, 2009 – 273 trang.

Khi Pháp tuyên chiến với Đức (3.9.1939), người ta bắt đầu có ý nghĩ đưa người lao động thuộc địa sang làm việc, góp phần vào nỗ lực chiến tranh, thay thế trai tráng của Tây đi lính. Khởi thủy, Pháp dự định thiết lập trong thời chiến, một sở Main-d'Oeuvre Indigène (MOI, Tay nghề thuộc địa), đặc biệt chú ý tới tiềm năng lao động của Bắc Phi, Madagascar. Vì Đông Dương xa quá và không nói tiếng Tây một cách phổ biến nên Pháp chưa nghĩ tới. Ngày 29.8.1939, trước khi chiến tranh với Đức bùng nổ, mới có nghị định trưng thu người và tài sản của Đông Dương.

Tháng 9 năm 1939, Toàn Quyền Đông Dương, Georges Catroux, tư giấy về địa phương để bắt người. Gia đình nào có hai trai tuổi mười tám, phải nộp một người cho "Mẫu Quốc". Nếu từ chối, gia trưởng phải đi tù. Theo thông cáo thì chánh quốc cần 50.000 công nhơn Đông Dương, phân chia ra như sau: Bắc Kỳ 25.000, Trung Kỳ 17.000, Nam Kỳ 5.000 và Cam Bốt 2.500. Con số phải trưng dụng không khi nào đầy đủ, vì lý do nầy hay nguyên cớ nọ.

Thật ra việc trưng dụng không gặp khó khăn vì người dân thuộc địa lúc đó rất sợ nhà cầm quyền, vì công chức nhà nước rất tích cực lập thành tích để lấy điểm và vì lẽ có nhiều thanh niên thích đi Tây chơi cho biết. Mức độ trưng dụng cưỡng bách và tình nguyện sai biệt tùy theo trình độ học vấn. Nông dân mù chữ bị trưng thâu đến 96%, còn thành phần có trình độ thì phần đông là tự nguyện ra đi với tư cách thông ngôn hay trưởng toán.

Những người được chọn, phải qua cuộc khám sức khỏe rồi tập trung lại những nơi gần điểm lên tàu như Hải Phòng, Đà Nẳng và Sài Gòn. Trong thời gian chờ đợi đi Tây họ không được tiếp xúc với gia đình. Ngày 12.10.1939, tàu "Yang Tse", từ Nhựt Bổn ghé qua Hải Phòng, chở 1.396 lao động Đông Dương đi Pháp (cảng Marseille), ở khoang hạng tư. Chiếc tàu nầy phải được chỉnh trang lại, sửa đổi khoang chứa hàng để chuyên chở đủ số người đông đảo một cách bất ngờ đó. Nên chi tiện nghi và điều kiện an toàn không được bảo đảm.

Từ tháng 10 năm 1939 đến tháng 5 năm 1940, đã có 15 tàu bị trưng thu để chở 19.362 lao động Đông Dương đi Marseille. Thời gian di chuyển mất trung bình khoảng từ một tháng đến bốn mươi ngày. Người lao động Đông Dương bị coi như thú vật trong khi đi tàu, ăn uống cực khổ, chỗ nằm tù túng, không được lên từng trên để hít thở không khí,... Trên tổng số 19.362 lính thợ được đưa lên tàu, 86 người không đến được cảng Marseille vì bị chết, mất tích, đào ngũ và nằm nhà thương dọc đường.

Đến Marseille, tất cả lính thợ đều được tập trung lại nhà tù Baumettes, vừa mới cất xong, chưa hoạt động như nhà lao. Trung tâm này nằm dưới quyền chỉ huy của ông Tướng Petit, cựu sĩ quan thuộc địa, nói sành tiếng Việt, đã từng dẹp loạn bên Việt Nam hồi 1930. Ông muốn lính thợ gọi ông bằng "Cụ Lớn" chớ không được gọi bằng cấp bực "mon général".

Tại Baumettes, lực lượng lính thợ được phân chia thành đội ngũ, theo thứ tự đến Pháp. Từ chuyến tàu đầu tiên cập bến Marseille ngày 21.11.1939 đến chuyến sau cùng ngày 6.6.1940, người ta phân chia ra làm 73 đại đội. Một đại đội gồm có 250 lính thợ. Mỗi đại đội có một hoặc hai thông ngôn, chia ra làm 10 nhóm gồm có 24 lính thợ, đứng đầu là một thầy cai. Toàn bộ 73 đại đội chia ra làm 5 toán:
- Toán 1 đóng ở Agde, sau dời về Lodève (Hérault).
- Toán 2 đóng ở Bergerac (Dordogne).
- Toán 3 đóng ở Sorgues (Vaucluse).
- Toán 4 đóng ở Toulouse (Haute-Garonne).
- Toán 5 đóng ở Marseille (Bouche-du-Rhône).

Phân chia như vậy chỉ là trên lý thuyết, chủ yếu những lính thợ được sử dụng trực tiếp trong những xưởng làm thuốc súng. Công việc làm không có gì nặng nhọc nhưng mùi thuốc súng làm cho con người ăn uống không được và có ảnh hưởng đến đường hô hấp. Do đó lính thợ bị bịnh khá nhiều. Cũng may là Tây đầu hàng Đức nhanh chóng nên chuyện làm thuốc súng không kéo dài.

Chuyện Tây đầu hàng Đức làm cho lính thợ ngỡ ngàng không ít. Ở quê nhà, nhìn thấy Tây thực dân sợ khiếp vía, họ tưởng đâu Tây là vô địch, tại sao lại thua trận quá dễ dàng và nhanh chóng như vậy? Cảnh chạy tán loạn của người Tây khi Đức kéo tới, không tác động gì tới lính thợ, lại làm cho họ dửng dưng, vì cuộc chiến đâu phải của họ, nếu không muốn nói mừng thầm là khác, vì hết giặc giả thì họ được trả về quê quán.

Theo nguyên tắc thì hết giặc lính thợ sẽ được trả về nước, như đã viết trong hợp đồng. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1941, Pháp hồi cư 4.400 lính thợ Việt Nam, ai đi trước thì về trước. Nhưng sau đó, tình hình giữa Luân Đôn và Vichy (Chánh phủ Pétain) căng thẳng nên Anh bế tỏa đường hàng hải với Viễn Đông. Do đó, từ mùa đông 1941 đến mùa hè 1945, không có một chiếc tàu nào liên lạc được giữa Pháp với Đông Dương hết. Vì vậy cho nên cả thảy 14.200 lính thợ Việt Nam bị kẹt lại chánh quốc suốt thời kỳ Tây bị Đức chiếm đóng.

Với đà tiến của quân Đức, các trại lính thợ Việt Nam di tản lần xuống phía Nam nước Pháp. Họ bị tập trung lại trong những trại, có lính canh gác cẩn thận, phần đông là lính đã ở thuộc địa trước kia, chớ không được tự do. Họ được nhà nước sử dụng vào nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp, và cấm ngặt tự do làm thuê.

Đời sống lính thợ trong trại chẳng khác nào đời tù, bị Tây canh gác hành hạ, đánh đập, chửi rủa, bỏ đói,... chẳng chút xót thương. Trời lạnh mà ăn mặc chẳng có gì, hai ba năm mới phát quần áo thay thế, có người còn mang guốc. Ban ngày xuất trại đi lao động, tối đến sau 10 giờ là giới nghiêm, về trể hơn là bị nhốt.

Họ phải ngủ hai người một giường, trên những cái nệm độn rơm. Nhà thì nhà cây hay gạch, không có sưởi, nước nóng cũng không. Thức ăn thì ngày nào cũng như ngày nấy, chỉ có cơm và "canh không người lái", nghĩa là chẳng có rau cải gì hết.

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, cơ cực đã vậy lính thợ bị kẹt lại Pháp còn gặp nạn quan trên ăn cắp thực phẩm đem bán. Số là thời kỳ Đức chiếm đóng, nước Pháp có khó khăn trong vấn đề tiếp tế, nên mới có nạn chợ đen nhu yếu phẩm. Trong tệ nạn nầy cũng có sự tiếp tay của những lính thợ có chức có quyền người Việt, vì sợ quan trên cũng có mà vì muốn ăn chia cũng có. Thậm chí thuốc men cũng bị ăn cắp!

Theo giấy tờ thì con số 20.000 người Việt Nam được đưa qua Tây để làm việc cho những cơ sở thuộc Bộ Quốc Phòng. Họ chỉ bị trưng dụng trong thời gian chiến cuộc mà thôi. Vậy mà, sau khi chiến tranh Pháp-Đức kết thúc, Tây không trả lính thợ về Việt Nam được vì đường biển đi Viễn Đông bị bế tắc. Do đó, 14.200 người Việt Nam bị kẹt lại Pháp, nên chánh phủ Vichy quyết định kiếm việc cho họ làm, chớ chẳng lẽ để họ ăn không ngồi rồi.

Những lính thợ được đưa vào những công việc ngành nông (hái nho, hái trái cây, nhổ rau, trồng lúa...), ngành công nghiệp (xưởng dệt, đốn cây, cung cấp than chạy xe hơi,...), nghề rừng, v.v. Ngoài ra, họ cũng được sắp xếp để làm việc cho nhà nước Tây, cho quân đội Đức, cho cơ xưởng và xây cất. Nặng nhọc nhứt là công việc làm muối. Ban đầu Sở MOI của chánh phủ Vichy lo sắp xếp công ăn việc làm cho lính thợ Việt Nam. Lần hồi, có nhiều vụ bê bối trong nội bộ MOI, lính thợ đào ngũ trốn đi, tự kiếm cách sống.

Lãnh vực mà lính thợ thành công nhứt là việc trồng lúa trên cánh đồng Camargue. Lúa Camargue bắt nguồn từ giữa thế kỷ thứ XIX. Nhưng giống lúa đó năng xuất không cao, chất lượng không tốt, hơn nữa thuộc địa Đông Dương và Madagascar của Tây thời đó thiếu gì gạo ngon. Đến khi đường biển qua Viễn Đông bị cấm, người ta phải nghĩ đến vấn đề lương thực cho 23.000 người Đông Dương (9.000 lính khố đỏ và 14.000 lính thợ). Vì vậy, mới có ý kiến triển khai lúa Camargue.

Mùa lúa đầu tiên là vào tháng 9 năm 1942. Đó là một thành công đáng kể. Năm 1942 gặt được 800 tấn, năm 1943 được 1.050 tấn, năm 1944 được 750 tấn và năm 1945 được 1.250 tấn. Đó là chưa kể số lúa nông dân giấu riêng để bán ra chợ đen. Công việc trồng lúa ở Camargue từ 400 mẫu hồi 1944 nay đã lên đỉnh cao 32.000 mẫu hồi năm 1950.

Ngày nay ở Arles và trong vùng châu thổ sông Rhônes, lúa được coi như là yếu tố chủ yếu trong nét đặc thù của Camargue, cũng như bò mộng, ngựa kim và chim hồng hạc. Nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến những người Việt Nam lính thợ, đã từng có công làm giàu cho địa phương với giống lúa đó.

Trên cả vùng Camargue, có một chỗ duy nhứt là vùng khỉ ho cò gáy miệt Sambuc, còn nhắc nhở tới vai trò then chốt của người Việt Nam trong vụ lúa Camargue. Đó là viện bảo tàng Lúa Gạo của tư nhơn, do ông Robert Bon thành lập năm 2000, trong một nhà kho lớn trên thôn trang của cha ông. Trên một bức ảnh có hình những người đang cấy lúa, người ta thấy ghi rằng: "Những nông dân Việt Nam đã vui sướng lập lại những cử chỉ truyền thống và mang lại kinh nghiệm thành công do ông cha để lại cho ruộng lúa Camargue."

Những người lính thợ Việt Nam bị nhốt trong các trại nên phần lớn không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với quân Đức chiếm đóng. Một vài nhóm bị Đức bắt làm tù binh cho biết rằng Đức đối xử ít tàn nhẫn hơn Tây, vì Tây quen coi người Việt là dân "bản xứ", thuộc địa.

Lính thợ Việt Nam cũng có góp phần vào công chuyện kháng chiến chống Đức của nhơn dân Pháp. Tuy nhiên, không như lính khố đỏ, họ không mấy tích cực vì chưa có thói quen về binh nghiệp. Hơn nữa, ý nghĩa "giải phóng" của lính thợ nhằm vào những tên Tây cán bộ các trại trước kia có đầu óc thực dân đã ăn hiếp họ, đã ăn chận lương thực thực phẩm, thuốc men trong thời kỳ vừa qua. Đối tượng của họ không phải là Đức mà là Tây ác độc với họ.

Lính thợ Việt Nam thừa cơ hội nầy để vươn mình lên, coi ngang hàng với Tây, có người cưới vợ đầm, ai có đủ sức thì trốn bỏ tập thể lính thợ để ra ngoài sống tự do. Hết giặc rồi, đường biển đi Viễn Đông không còn bị cấm vận nữa, lẽ ra Pháp phải trả lính thợ về nguyên quán. Vậy mà không, những con người bị Tây cưỡng bách lưu đày đi làm công, vẫn còn phải chờ, có người phải bảy tám năm sau.

Lúc bấy giờ là vào khoảng mùa thu năm 1945, Pháp có ý đồ tái chiếm Việt Nam với cuộc đổ bộ của quân đoàn Tướng Leclerc. Chiến sự Việt-Pháp bùng nổ nên Tây không muốn đưa lính thợ về, vì như vậy sẽ gián tiếp tăng quân cho Việt Minh, và còn phải dành chỗ trên tàu để chở quân đội viễn chinh. Với lý do nhơn đạo, Tây chỉ cho một số ít người bịnh hoạn được hồi hương. Đến năm 1948, phương thức tốt nhứt để được Tây cho về nước là làm sao cho bị bắt về tội phá rối trị an của Pháp.

Đầu năm 1948, ở Pháp còn 12.000 lính thợ. Trong khi chờ đợi lâu mà không thấy có đợt hồi hương, nhiều người tìm được công ăn việc làm. Nhưng, sau đó có nhiều đợt trả về Việt Nam. Bộ Thuộc Địa quyết định đến cuối năm 1952, mọi lính thợ phải về nước hết. Ai về sau ngày đó thì phải tự túc. Vì có kỳ hạn đó nên những người không thấy có tương lai hứa hẹn khả quan đều trở về Việt Nam.

Vắng mặt ở đất nuớc từ tám năm cho đến mười ba năm biệt xứ, những người lính thợ làm sao khỏi bị thiên hạ chín nghi mười ngờ khi trở về nước. Nhứt là vì quan điểm chánh trị thân Tây, thân cộng nữa. Bà con chòm xóm lớp thì dè bỉu là người của Tây, lớp cho rằng bị cộng sản bắt hồn.

Có một số người ở lại Pháp luôn, nhưng không đông lắm. Trên con số 20.000 người thì chỉ có khoảng một ngàn người. Những người này phần lớn vì họ trót kết hôn với phụ nữ Pháp. Có vợ đầm thì làm sao mà sống được ở Việt Nam. Một số ít lính thợ thành công lớn, tên tuổi vang lừng trên thế giới, như trường hợp nghệ sĩ tạo hình Lê Bá Đảng và nhà làm phim Phạm Văn Nhân.

Bị cưỡng bức lưu đày như vậy, người lính thợ Việt Nam còn bị bốc lột đến xương tủy về mặt tài chánh. Họ được trả lương rẻ mạt chỉ vì họ là người công nhơn "bổn xứ", đồng nghĩa với "người không có quyền lợi như người Pháp". Qua bài toán chi ly lương bổng của lính thợ Việt Nam, người ta thấy rõ ý đồ bốc lột dân thuộc địa của Tây thực dân.

Đồng lương tháng của lính thợ là tổng hợp của nhiều tính toán linh tinh nhiêu khê, mà con số tổng hợp lại cũng không bằng một phần mười lương của người thợ Pháp lúc bấy giờ. Người ta chẻ làm tư sợi tóc lương bổng của lính thợ như vậy cốt để che đậy tình trạng lao động khổ sai gần như miễn phí của nước Pháp trong những năm 1940.

Sau 1945, tình hình bên nhà cũng bắt đầu có ảnh hưởng đến tập thể lính thợ, từ bấy đến giờ không quan tâm đến chánh trị. Phong trào ý thức như vậy bắt nguồn từ tin tức quê nhà làm cho họ nuôi hy vọng độc lập tự do cho xứ sở và từ chủ trương đấu tranh của nhóm cán bộ cộng sản, chủ yếu là những người Trostkyst.

Nhơn Hội Nghị Fontainebleau (6.7.1946), trên đường đi Toulon để lấy tàu trở lại Việt Nam, ngày 17.9, Hồ Chí Minh có tạt ngang trại lính thợ Mazargues (gần Marseille) để tâm lý chiến với họ. Ông khuyên lính thợ nên "thỏa hiệp với Pháp. Chúng ta là một nước nghèo, liên kết với Pháp là một nước giàu thì chúng ta sẽ giàu." Nói xong, ông hỏi: "Anh em có hiểu tôi không?" Im lặng một lúc lâu mới có người đáp với giọng mỉa mai:
- Thưa có ạ, chúng tôi hiểu rõ.

Hồ Chí Minh lên tiếng quở trách cử tọa: "Mấy người hãy để chánh trị cho chúng tôi lo. Chúng tôi là những người chuyên viên. Là công nhơn lao động, mấy người chỉ có bổn phận lo làm giàu đất nước." Điều đó làm phật lòng những thành phần cấp tiến vì họ cho là Hồ Chí Minh coi lính thợ như trẻ con.

Lính thợ phần lớn gồm những người phe Trotskyste nên ủng hộ Hồ Chí Minh có điều kiện. Họ ủng hộ Hồ Chí Minh trên lập trường chống Tây ngoại xâm nhưng vẫn còn phê phán chánh sách của Hồ Chí Minh. Cho nên, về sau trong nội bộ lính thợ hai phe cộng sản và Trotskyste choảng nhau chí cốt. Nổi cộm nhứt là trận thảm sát ở trại Mazargues giữa hai phe trong đêm 15.5.1948, mà báo chí Pháp thời đó gọi là "Saint-Barthélemy Indochinoise".

Về đến Việt Nam đâu phải được tự do, muốn làm gì thì làm đâu, mà còn phải bị tù tội hay bị cưỡng chế lao động nữa! Ở Việt Nam, lính thợ đổ bộ xuống Base de Débarquement des Travailleurs Indochinois (BDTI, Căn cứ hồi hương lính thợ Đông Dương). Căn cứ này được canh gác cẩn thận như nhà tù, có hàng rào kẽm gai.

Ở đây, nhà cầm quyền Tây có hai thắc mắc. Một là, tiếp tục coi họ như lính thợ bên chánh quốc, đưa họ đi làm nhơn công rẻ mạt cho những nơi nào cần ở Đông Dương. Hai là, để cho họ tự do trở về nơi sanh quán. Giải pháp thứ hai này hơi khó vì làm sao đưa họ về làng mạc của họ với tình hình an ninh lúc bấy giờ? Về sau bắt đầu có những phong trào chánh trị trong căn cứ, mà chủ chốt là cộng sản nên xảy ra những chuyện rắc rối.

 

* * *

Rốt cuộc lại, thời kỳ từ năm 1939 đến những tháng trước khi Tây thua Đức hồi năm 1940, trong đó có trên 20.000 người lính thợ Việt Nam, tự nguyện thì ít mà bị bức bách qua Tây làm việc thì nhiều hơn, đã bị người ta cố tình quên đi. Khi đình chiến, một số ít, bịnh hoạn được trả về, nhưng còn 14.000 bị giữ lại suốt thời kỳ chiến tranh, bị ép buộc làm việc cho nhà nước Vichy của Ngài Thống Chế Tây, cho Quốc Xã Đức và cho những xí nghiệp tư nhơn Tây.

Bị kiểm soát gắt gao như lính tráng, bị tập trung trong những căn trại như tù, nuôi ăn kém và thiếu thốn, bị bốc lột thẳng tay, bị hành hạ, vệ sinh thuốc men chẳng có gì, phần đông những lính thợ mắc bịnh lao phổi, lao xương, cả trăm người chết trước khi nước Pháp được giải phóng. Dựa trên chủ nghĩa thực dân đế quốc, chánh quốc tự coi như đương nhiên có quyền hưởng theo nhu cầu những tài sản của thuộc địa, như cao su, khoáng sản và kể cả con người!

Cuộc giải phóng nước Pháp khỏi sự lệ thuộc Đức đã gián tiếp mở mắt người dân thuộc địa Đông Dương và kích thích tinh thần yêu nước. Cho nên, bắt đầu có những cuộc phản kháng, sơ khởi là đòi hỏi công lý cho những sai quấy của người cai quản các trại trước đây. Rồi lần hồi bước sang lãnh vực chống thực dân và biểu lộ lòng yêu nước. Thấy có mầm móng nổi loạn, Tây khởi sự cưỡng bách hồi hương lính thợ. Nhưng về tới Việt Nam cũng vẫn còn bị nhốt lại trong những trại tập trung lao động không lương, vì sợ họ gia nhập hàng ngũ Việt Minh.

Nghĩ thương cho dân mình! Là nông dân bị Tây bắt ép gom góp lại đem liệng qua chánh quốc để lao động trong công nghiệp quốc phòng (làm thuốc súng và đạn dược). Đã vậy còn thiếu sót và tàn nhẫn trong chuyện nuôi ăn, nuôi mặc, lại thêm chuyện ăn xén ăn bớt lương thực thực phẩm thuốc men. Chỉ có một số người có ăn học, biết chút ít tiếng Tây, mới tình nguyện làm lính thợ cao cấp và thấy được đường đi nước bước của riêng mình. Đa số những người "nhà quê" còn lại chịu số phận hẩm hiu và cảnh đời bơ vơ đến khi tóc bạc răng long! Sau mười hai năm lưu lạc trên đất "Mẫu Quốc", những người lính thợ kia hồi cố quận với hai bàn tay trắng, vì trót bị "một nước cộng hòa Đại Pháp, một quốc gia của Ngài Thống Chế và một nước Pháp Giải Phóng" bốc lột tận xương tủy.

Ngày 10.12.2009, lần đầu tiên, Tòa Thị Chánh Arles tổ chức một buổi lễ long trọng để gắn huy chương tưởng nhớ công lao của mười lão ông lính thợ còn lại. Trễ còn hơn không, mười cụ già đó, đại diện cho gần 20.000 lính thợ, rất hân hạnh thấy niềm đau nỗi nhục, thấy công trình và cuộc đời nổi trôi bơ vơ của họ cuối cùng cũng được công nhận.
 

Phan Quân
 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.