.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cậu Út đi Tây

  • PSN - 3.5.2010 | Phan Quân

Xóm Sơn Qui, một buổi chiều trời chạng vạng tối. Gà mẹ xù cánh cục cục gom con lại lên chuồng và dân trong xóm cũng sửa soạn lên giường. Tối đến, sau ngày làm lụng mệt nhọc, dân quê thường ngủ sớm để lấy sức lại cho ngày hôm sau. Chỉ còn một vài lão già khó ngủ, chong đèn với cháu nhỏ để nghe đọc một vài hồi truyện Tàu mà dỗ giấc.

Trong bầu không khí im lặng tĩnh mịch đó, một hồi mõ vang vội nghe rõ mồn một, khiến ai cũng chồm dậy và tự hỏi xóm mình có chuyện gì đây. Dân tình trong xóm lần lượt đổ về ngã ba ao làng, điểm hẹn truyền thống của xóm, để nghe ngóng tin tức. Dân chúng tề tựu đông đủ, thầy Phó Hương Quản Thái đọc trát của Ban Hội Tề, loan báo rằng nhà nước cần tuyển người đi Tây làm thợ. Nhà nào có ít lắm hai trai phải nộp một cho nhà nước, gia đình nào trái lịnh, gia trưởng sẽ bị phạt tù. Thời hạn chót là mùng một tháng tư, bữa nay là ba mươi tháng giêng, nghĩa là còn hai tháng nữa.

Mọi người giải tán ra về, râm ran bàn luận, không nghe nói có giặc giã gì tại sao lại có lịnh trưng thu trai tráng vậy cà? Mà lại đưa đi tận bên Tây, bên Tàu lận? Chắc là bên đó cần người, đâu phải bên xứ mình. Vậy là mình chưa phải lo sợ. Chừng nào tới sẽ hay.

Vừa lột áo ra, định phủi chưn lên giường thì người con đã được ông Hai lên tiếng hỏi ngay:
- Chuyện gì vậy bây?
- Thưa tía, nhà nước cần trai tráng để đưa đi làm thợ bên Tây. Chắc là nhà mình phải đưa thằng Út đi quá.
- Làm thợ gì mà phải đi xa vậy? Mà thằng Út có nghề ngỗng gì đâu? Chỉ biết làm ruộng thôi mà.
Nghe vậy thì biết vậy, hai cha con chẳng cần bàn rộng tán dài làm gì. Cứ ngủ qua đêm rồi sẽ tính.

Y như rằng, Cậu Út nhà ông cựu Bang Biện Hai có sức khỏe tốt, vai u thịt bắp, đủ điều kiện để đi Tây. Út là đứa con trai thứ hai trong gia đình, mới mười bảy tuổi đầu, chưa vợ con, thôi học đã từ lâu, ở nhà phụ việc ruộng nương với người anh. Nhà ông Bang Biện tốt phước, sanh được hai trai một gái, cả thảy đều mạnh khỏe, cùng nhau góp sức canh tác ruộng lúa cò bay thẳng cánh của ông cha để lại. Anh chị của Cậu Út đều có gia thất, con cháu đầy đàn, chỉ còn Cậu Út là chưa, mới ngắm nghé một vài nơi, chưa dứt khoát.

Con cái như lòng với dạ, lìa xa cũng bằng đứt ruột, nên chuyện đi Tây của Cậu Út là nỗi buồn to lớn của gia đình. Cứ theo truyền thống tam tứ đại đồng đường của đồng quê, một đứa con lìa xa mái ấm là một mất mát lớn lao, một nỗi buồn thấm thía, mấy lòng dạ cứ ngẫn ngơ. Trong hai tháng chuẩn bị và toan tính, ông Hai cố chạy chọt với viên chức của Nhà Việc, với quan Chánh Tham Biện của Tòa Tỉnh, tiền ra cũng có, của đi cũng bộn, nhưng chẳng ăn thua gì. Đây là lịnh cấp trên từ xa của quan Tây thì dân đen thấp cổ, bé miệng lo sao thấu.

Buổi chia ly sao mà não nuột, chòm xóm láng giềng tiễn đưa buồn buồn tủi tủi, không một ai được theo ra tới tỉnh lỵ. Xe nhà nước đưa tới tỉnh, rồi từ tỉnh lên Sài Gòn, không ai được phép đi theo, vì nhà nước giữ kín địa điểm và giờ giấc, không muốn xáo trộn quấy rầy. Đi khỏi xóm làng như vậy là ngàn trùng xa cách, biền biệt phương trời, đông tây đôi ngã cách xa. Đi Tây mà như đi vào cõi chết!

Một chuyện quan trọng như vậy mà người ta không thèm cho biết là trưng dụng bao nhiêu lâu, chẳng cho biết là qua Tây sanh sống thế nào, lãnh lương ra sao,... Điều quan trọng đối với nhà nước là bắt cho đủ số người mà trên muốn. Nhưng dưới chế độ thực dân thì chuyện đó đâu có khó khăn gì, cứ ra lịnh là răm rắp, quan dưới cứ thi hành, còn quá tích cực là khác.

Cậu Út bị tập trung lại một trại ở Sài Gòn cùng với nhiều người khác và phân chia ra thành đội ngũ. Họ cho cậu một số thứ tự, Cậu Út là người Nam Kỳ thì với con số đứng đầu bằng hai chữ ZC (Zône Cochinchine, khu Nam Kỳ). Mỗi toán chia ra làm hai mươi lăm người, do một trưởng toán chịu trách nhiệm. Trưởng toán thường là người biết tiếng Tây chút ít, ngoài ra còn có thông ngôn để dịch ra tiếng Việt những gì quan Tây nói. Chuyến nầy cả Nam Kỳ không đủ nhơn số để làm một toán.

Cậu Út nằm chờ như cá rộng dưới nước, ở một kho hàng gần Nhà Bè, đâu cũng cả tháng trời. Cậu chờ đợi cùng với hai mươi người khác cũng trong tình cảnh tương tự. Từ nhỏ tới lớn quen tự do thoải mái, ăn uống tuy chẳng sang trọng gì lắm, nhưng cũng đủ no, đứng nằm dẫu không khoảng khoát, nhưng cũng phải chăng. Nay, sửa soạn đi Tây đi u sao lại như cảnh người tu hành, ăn chay nằm đất. Thì ra người ta chờ có chuyến tàu nên phòng ốc, giường chiếu đâu phải là điều quan trọng.

Ngày xuống tàu, người ta lùa nhóm người đi Tây như lùa súc vật, bắt đi hàng hai, trước có lính cầm súng đi đầu, sau có lính cầm súng hộ tống, chẳng khác nào áp giải tội phạm. Cả nhóm hai mươi người bị lùa xuống tận đáy tàu cùng với nhiều người Việt Nam nữa, lên tàu từ các nơi cập bến trước đó. Trên tàu chẳng có người Việt nào khác, một ít người nước lạ và nhiều hàng hóa. Khoang tàu dành cho người Việt dường như vừa mới được cải sửa, với những chiếc giường nhiều từng bằng cây, bằng tre trải chiếu.

Khoang tàu chở lính thợ Việt Nam, được biến chế từ khoang chất hàng hóa nên không có cửa sổ. Hành khách ở khoang hạng bét đó không được phép lên sân tàu để hít thở không khí biển, nên ngộp muốn chết luôn. Tắm rửa thì toàn là nước biển mặn. Ăn uống chẳng có gì, chỉ cơm trắng với chút nước canh để đưa cơm. Vậy mà đố ai dám kêu ca khiếu nại, vì sẽ bị đánh đập thẳng tay. Ai có đắn đo về hoàn cảnh của lính thợ trong chuyến đi thì quan Tây phản ứng ngay:
- Mấy thằng "nhaq" đó, sao mà chẳng được. Cần quái gì thắc mắc.

Chuyến đi lê thê kéo dài cả tháng. Hôm nào biển êm sóng lặng thì còn đỡ, những khi trời đất nổi cơn phong ba thì ói tới mật xanh, mật vàng. Tinh thần lính thợ cứ như vậy nên ngày một ngày hai xuống dốc, nhưng không ai dám nghĩ đến việc quyên sanh vì không ai muốn bỏ xác trên biển. Sàn tàu đầy dẫy sản phẩm ói mửa tanh hôi. Còn tệ hơn tàu chở trâu bò. Lính canh phòng đâu dám xuống tới từng dưới.

Tàu cặp bến Mạc-Xây Mạc-Xiếc gì đó, lính thợ được ưu tiên xuống trước. Mừng hết lớn, vừa lên đến đầu cầu thang, Cậu Út hít đầy lồng ngực cái không khí thoáng mát và thơm tho. Nhưng, bỗng Cậu giựt mình vì không khí lạnh quá chớ không phải như ở quê nhà. Đất Tây tháng Bảy, giữa mùa hè sao mà trời lạnh? Bởi những cơn gió Mistral cứ ù ù thổi.

Đợt đi đó cũng phải vào khoảng cả ngàn người, tổng cộng cho cả Đông Dương. Tất cả được tống lên xe nhà binh, chạy quanh co qua đường núi đồi, rừng rú, tới một ngôi nhà lớn vừa mới xây cất xong. Người ta đồn rằng nhà đó cất để làm nhà tù, tên gọi Baumettes, chưa sử dụng. Ở đó, trước khi Cậu Út tới đã có nhiều lính thợ ở sẵn từ hồi nào. Bữa ăn đầu tiên không phải là cơm mà bánh mì cứng như đá với lại cà-phê. Cậu Út đâu có quen những thứ đó mà cũng phải ráng nuốt, chớ không thì đói sao.

Những ngày ăn chực nằm chờ, Cậu Út cùng mấy người nữa có cơ hội ra Marseille chơi. Ôi phố phường sao mà thênh thang, nhà cửa, xe cộ, đèn đuốc thiệt hết biết! Chưa từng thấy bao giờ, Sài Gòn thì thấm tháp gì. Cậu Út nghĩ rằng Tây thực dân giàu có cao sang quá, đô hộ mình là phải. Hồi đi học, thầy cô và sách vở có nói bóng nói gió về chuyện bên Tây, đâu dè thực tế quá chừng vầy nè!

Nhưng cái ngạc nhiên thú vị đó chưa kịp thưởng thức thì lại phải nếm nỗi buồn với việc cán bộ coi trại quá hống hách vì họ đều là những chức sắc thực dân cũ ở Đông Dương. Có những ông Tây nói được tiếng Việt nữa thì đủ biết. Người đứng đầu trại là một ông tướng, hách dịch đến đỗi cấm lính thợ gọi ông bằng cấp bực "Mon général" mà phải kêu là "Cụ Lớn".

Cậu Út đã chứng kiến một giai thoại làm cho cậu lên ruột, nhưng cũng khoái chí vì "Cụ Lớn" bị mất mặt. Có một người lính thợ tuổi đã ngoài năm mươi, tóc để búi tó làm ngứa mắt "Cụ Lớn" nên ngài ra lịnh cắt bỏ. Bực mình vì chạm điều mà nông dân coi như "cái răng cái tóc là góc con người", người lính thợ kia xách dao ra cắm phập trên bàn giấy "Cụ Lớn" rồi thách thức:"Cụ Lớn cắt đầu tôi đi, chớ tôi không cắt búi tóc!" "Cụ lớn" đành chịu thua.

Sau nơi tạm trú Baumettes, Cậu Út được đưa đi làm thuốc súng ở Bordeaux bằng toa xe lửa chở bò, suốt ba ngày đêm, nằm ngủ trên lớp rơm. Lao động theo ba ca tám tiếng một. Thuốc súng dính vô tóc, bay vô mắt, bám vào răng, vào môi, bay vào lỗ mũi... Như vậy là về không ăn uống gì được, miệng lưỡi cứ đắng nghét. Không bị nôn mửa nhưng thức ăn đưa vào miệng chẳng còn mùi vị gì hết.

Bạn bè thân quen với Cậu Út, biết được quá trình của Cậu, có lời khuyến khích:
- Út nè, có trình độ như mầy tại sao cứ chịu cảnh lính quèn hoài vậy? Được như mầy, tụi tao xin lên làm thầy cai hay làm thông ngôn cho sướng cái đời, còn giúp đỡ được anh em.

Số là Cậu Út cũng có học chút đỉnh, hết cấp tiểu học ở trường tỉnh, cũng bập bẹ được ba tiếng Tây. Cũng biết "Nos ancêtres sont des Gaulois". Nhưng vì con nhà khá giả trong xóm, ham chơi, biếng học, gia đình lại cần tay làm lúa nên nghỉ học sớm. Tánh Cậu lè phè, không muốn làm gì hết cho phiền phức tấm thân, tới đâu hay tới đó. Bây giờ, gặp mấy thằng Tây thực dân cũ, mấy tên lính khố đỏ phách lối làm tàn và cả một vài lính thợ chức sắc lên mặt nữa, cộng thêm chuyện thuốc súng hoành hành nên Cậu Út đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ thấy lời khuyên của bạn bè cũng hợp lý.

Kịp tới mùa hè năm 1940, phần lớn lính thợ bị xua xuống phía Nam nước Pháp vì Tây bị quân Đức đánh bại phải tháo chạy. Qua suy nghĩ Cậu Út thấy kỳ kỳ, ở bên nhà Tây là nhứt hạng tại sao bên nây họ lại bỏ chạy mau quá, vậy thì Đức phải ghê gớm lắm. Gì thì gì không cần biết, chớ chuyện làm thuốc súng đạn đã chấm dứt là tốt rồi. Giặc hết rồi ai làm súng đạn để làm gì.

Với đà tháo chạy đó của Tây, hàng ngũ lính thợ cũng bị xáo trộn. Cứ nuôi mấy ngàn người ăn không ngồi rồi cũng đủ mệt, không biết cách nào làm cho họ bận rộn. Có nơi bắt lính thợ đào hầm hố chôn thuốc súng, không để lọt vô tay quân Đức. Nơi khác thì lính thợ phải khiêng đạn, đào đấp công sự phòng thủ cho quân Đức. Thiệt buồn cười, bị trưng dụng lao động cho Tây mà lại thành ra tiếp tay cho quân Đức.

Trong cơn hỗn loạn đó, Cậu Út được đưa lên làm trưởng toán lính thợ, dìu dắt một toán di tản xuống phía Nam. Chiều hôm trước có lịnh quan Tây cho hay sáng sớm hôm sau phải kéo chạy về miệt Arles. Nhưng sáng ngày ra, các quan Tây bỏ chạy trốn đâu mất, cuỗm luôn chiếc xe tải duy nhứt của đơn vị, mang theo hết lương thực, thực phẩm! Mới lên chức đã gặp nạn, Cậu Út chỉ còn biết kêu lên:
- Trời, bây giờ phải làm sao đây?

Là những "Nhà Quê" của đồng ruộng Việt Nam, họ có biết gì đường đất Tây đâu mà bỏ rơi như vậy thì làm sao? Nhưng dẫu hèn cũng thể, Cậu Út còn biết được hướng Nam. Vậy là Cậu đưa toán lính thợ chạy theo đoàn Tây Đầm chạy giặc về miền Nam. Chạy tới nơi nào có trường học, phòng hội tòa thị chánh bỏ trống là cứ nhào vô. Thiếu đói thì hái trái cây, rau cỏ của những vườn tược bỏ hoang mà trám bao tử.

Đi được vài ba ngày bị đoàn quân của Đức, có xe máy dầu cặp đôi (side-car) rượt theo. Họ hỏi đoàn lính thợ, ai cũng ngơ ngơ ngáo ngáo, vậy là quân Đức lôi cả toán về nhốt trong doanh trại. Quân Đức chẳng biết những người này thuộc quốc tịch nào, ăn mặc chẳng giống ai, lính không phải lính mà cái bang chẳng ra cái bang. Cho ăn uống đầy đủ, còn tử tế hơn Tây. Sau đó cho lên xe tải chở hết về Nîmes, tại đây đã có một số lính thợ bị tóm trước đó.

Thoả hiệp với Quốc Gia Pháp của Thống Chế Pétain, quân chiếm đóng Đức tập trung hết lính thợ về những địa phương phía Nam quanh Mazargues, Marseille... Sau một thời gian không làm gì hết, nhà nước Vichy đưa họ đi làm trong lâm nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp, giúp các công trường. Lính thợ làm nhưng nhà nước lãnh lương, chỉ cấp cho họ ít tiền lẻ dằn túi mà thôi. Lính thợ không có quyền làm việc riêng tư. Họ cũng không có quyền tiếp xúc với người dân Pháp.

Bị giam giữ dưới thời chiếm đóng của quân Đức, lính thợ bị những lính Tây canh gác đối xử rất tàn tệ. Cảnh sát nội bộ trại rất hiểm độc, kiểm soát lính thợ bằng bàn tay sắt. Cầm đầu là tên Thượng Sĩ Tây rất thực dân, hành hạ lính thợ vì những hành động nhỏ nhặt, bị đặt tên là "Hitler", vì hàm râu mép ngắn ngủn của hắn ta và vì quá ác nghiệt. Lính thợ là dân thuộc địa nên bị coi như chẳng phải là con người.

 

Cậu Út vô cùng căm giận "Hitler", tìm cơ hội để dạy cho hắn một bài học. Nguời Việt Nam có tật hay đánh bạc, chớ nhậu nhẹt thì chẳng có bao nhiêu. Nên chi "Hitler" cứ rình bắt cờ bạc để có người bỏ vô nhà giam. Một hôm nọ, nhơn ngày cuối tuần, Cậu Út tụ họp lính thợ lại trong một phòng để sinh hoạt, bàn bạc chuyện trong toán. Dân chỉ điểm báo cáo "Hitler", tên này gom góp "chó săn" lại định làm một mẻ đáng đồng tiền bát gạo. Một tiếng tu huýt nổi lên, cả bọn ụp vào, té ra không phải sòng bạc, mà là một buổi mạn đàm về công việc. Tức mình vì đã đánh hụt, "Hitler" phạt cảnh cáo Cậu Út về tội tụ họp không xin phép!

Bị hàng rào ngôn ngữ cản trở nên lính thợ ít có liên lạc với dân chúng địa phương. Có lúc toán của Cậu Út cùng mấy toán nữa làm việc trong một phòng thí nghiệm, cùng hoạt động chung với mấy bà đầm luống tuổi. Bà nào cũng con cái đầy đàn đầy đống. Không biết mấy bà bị mấy ông lính thuộc địa ở Đông Dương về thuốc nước làm sao mà mấy bà bảo rằng mấy cô gái Bắc Kỳ rất đẹp mà chỗ kín nhẵn thín, không chút lông nào hết! Rồi bà đố với hai bạn trai khác là Cậu Út chắc cũng vậy thôi. Tức mình, Cậu Út kéo họ vô góc kín vạch quần cho họ xem thì họ ồ lên rồi bảo rằng:
- Tại vì mầy không phải là người Bắc Kỳ.

Ở những trại khác, có nghe lính thợ kêu ca là phải quét đường, dọn rãnh cống ngoài phố chợ, trời lạnh căm vậy mà họ cứ mang guốc không vớ, tai, mũi bầm tím, bàn chưn nứt nẻ, rướm máu. Ở trại khác, dân chúng ngoài làng than phiền mất chó, mất mèo, mất hoa màu trong vườn. Họ quả quyết rằng thủ phạm, không ai vô đó. Lỗi ở chỗ người ta không phát đủ quần áo chống lạnh, không nuôi ăn đúng mức những người lính thợ.

Thiên hạ thuật lại phiên tòa xử một lính thợ ăn cắp đôi giày Bata ở tiệm. Vô tiệm giày thử đôi giày bố, thừa dịp cô bán hàng lơ đỉnh lính thợ chạy đi. Rượt theo, anh ta bị té nên bắt lại được. Ra tòa, anh cho biết là giày trơn quá trợt té. Nhưng nhờ thông ngôn trình bày thêm lý do vì lạnh quá, mà nhà nước không phát giày nên phải ăn cắp. Tòa tha bổng, lính thợ tâm sự với thông ngôn:
- Bậy quá thầy, phải chi em cầm giày chạy chưn không thì chắc ăn hơn.

Còn một nhu cầu khác nữa, không kém quan trọng với Cậu Út cũng như với bao nhiêu lính thợ còn lại, đó là nhu cầu sinh lý. Thời đó họ là những trai tơ phơi phới thì chạy đâu cho khỏi. Nhưng dân thuộc địa làm sao mà dám đèo bồng rớ tới mấy cô đầm. Gái nhà thổ thì tiền đâu? Cũng may là ở Marseille gần biển, tấm biển lạnh cũng hạ bớt những cơn hứng tình.

Tuy vậy, cũng có những vụ kết hôn giữa lính thợ với gái Pháp. Ngưòi Việt Nam nhỏ con, tuy nhiều tuổi nhưng mấy cô đầm không đoán được tuổi thật của họ. Cứ thấy họ mũm mĩm dễ thương, lời qua tiếng lại đùa giỡn rồi có ngày cũng nên đôi vợ chồng. Có vợ đầm rồi thì chuyện đem vợ về Việt Nam là cả một vấn đề. Nội tiền tàu không cũng điêu đứng, vì nhà nước đâu chịu trả tiền di chuyển cho gia đình. Hơn nữa về Việt Nam, vợ Đầm chồng Mít thì làm sao mà sống?

Trong tinh thần đó, vào thời kỳ giải phóng của nước Pháp những năm 44-45, lính thợ cũng mượn đà hân hoan cởi mở, bỏ hàng ngũ lính thợ nhập vào phong trào. Lần lần, họ cũng tìm chỗ làm công riêng kiếm được tiền khá hơn và ít bị gò bó hơn. Trên đà đó Cậu Út cùng mấy người bạn bỏ đi Camargue vì Cậu nghe đồn rằng miệt đó người ta trồng lúa nổi tiếng. Làm ruộng là nghề của Cậu rồi, thế nào cũng ăn nên làm ra được. Xuống đó Cậu Út lọt vào nông trại của gia đình Jacques Lebon, thấy Cậu và các bạn lao động siêng năng, tích cực có hiệu quả tốt, gia đình này giữ họ lại làm việc cho nông trại.

Qua mấy mùa lúa, năng xuất vọt lên thấy rõ nên tình cảm cũng thân thiện thêm lên, nhứt là đối với Cậu Út. Thấy Cậu chăm chỉ làm lụng, không bê tha lêu lổng, hai ông bà Lebon rất để ý Cậu, ngắm nghé để dành cho đứa con gái rượu Annette. Hai ông bà nghĩ rằng, với Cậu Út, ruộng rẫy của giòng họ Lebon sẽ tăng thêm, chớ không sợ hao mòn giảm đi. Đó là chưa nói đến chuyện chất lượng và phẩm chất lúa thu hoạch hàng năm cứ gia tăng đều đều.

Đến năm 1952, có tin nhà nước báo rằng lính thợ nào không chịu về nước thì sau năm nầy phải hồi hương tự túc. Bạn bè của Cậu Út bàn tán xôn xao, kẻ về người ở. Cậu Út cũng bâng khuâng chưa biết tính sao thì ông bà Lebon kêu Cậu hỏi ý kiến. Còn hỏi gì nữa, đúng ý muốn của Cậu rồi, hỏi han chi mất công. Hai anh chị đã yêu thương nhau từ lâu, dẫu cho ngôn ngữ gò bó tâm tình, không dám thố lộ với người lớn. Nay cha mẹ cho đẹp đôi thì còn gì hơn. Đúng là ngôn ngữ đâu phải là trở ngại trong yêu đương.

Năm năm sau, tại Arles người ta ghi nhận một công ty lúa gạo ăn nên làm ra với phẩm chất gạo thượng thặng và giá bán phải chăng. Truy nguyên ra, người ta hiểu rằng giòng họ "Lebon-Tran" đã lấy công làm lời nên mấy năm qua công chuyện kinh doanh của gia đình cứ phất lên. Không như giới tư bản khác, thường hay bị dân chúng gièm pha chỉ trích, công ty "Lebon-Tran" được người mua kẻ bán yêu thương và kính trọng. Từ đó, một đồn mười, mười đồn trăm, uy tín và thanh thế của chành gạo nầy cứ bay xa. Không những bên trong đất nước hình lục giác mà con lan rộng ra những nước kế cận.

Căn bản vững chắc, hậu cứ yên bề, hai vợ chồng trẻ, Cậu Út Trần và Annette, toan tính đi chơi xa, thay đổi không khí, vì ở nhà đã có cha mẹ lo. Hai anh chị định làm một chuyến về thăm quê hương bên chồng, sau khi Cậu Út đã từ giả cửa nhà ra đi và từ đó biệt tin. Cũng mười bảy mười tám năm trời rồi chớ ít ỏi gì sao. Suốt thời gian làm lính thợ, quan Tây không muốn tình cảm quấy rầy bọn "nhà quê" bị trưng thu nên cấm tuyệt liên lạc thơ từ. Và bên quê nhà cũng không biết đâu mà hỏi thăm hỏi lom. Như vậy là cắt đứt tình cảm lôi thôi.

Sau mười mấy năm xa xứ, Sài Gòn xem ra quá xa lạ với Cậu Út. Hơn nữa, ngày trước có khi nào Cậu lên Sài Thành bao giờ đâu, cứ ở miết xóm Sơn Qui. Chỉ được xe cam-nhông chở chạy qua thành phố đó trước khi đi lính thợ. Thành thử ra cũng chẳng biết gì, và nay cũng như mới khám phá ra Sài Gòn thôi. Mang tiếng là thủ đô của Miền Nam mà không bằng một góc của Marseille.

Ổn định nơi tạm trú ở khách sạn xong, Cậu Út để Annette ở lại thành phố thủ đô, Cậu lấy xe đò đi Gò Công tìm về Sơn Qui xem coi thân nhân nay đã ra thế nào. Sơn Qui nằm ngay trên tuyến đường xe đò Sài Gòn-Gò Công, cách tỉnh lỵ chừng ba bốn cây số. Xe đò ngừng lại trước cây cầu sắt, cầu Sơn Qui, Cậu Út bước xuống xe mà ngỡ ngàng xa lạ. Nhà cửa bây giờ lạ hoắc, ngôi nhà ngói đỏ to lớn của gia đình Cậu nay biến đâu mất, thay vào đó là mấy căn nhà lá bé nhỏ lèo tèo. Hõi thăm chòm xóm, toàn những người trẻ xa lạ, không ai biết giòng họ Ban Biện Hai. Đúng là Lưu Nguyễn lạc thiên thai xuống cõi trần!

May ra còn cơ hội cuối cùng, Cậu tìm đến nhà Phó Hương Quản Thái ngày trước. Giáp mặt với Cậu là một lão già râu bạc phơ, còng lưng trên chiếc gậy tre.
- Té ra cháu là Út, con ông Biện Hai đây hả? Mèn ơi, bây đi đâu mà đi biệt mấy mươi năm nay? Tía bây hả, hồi năm bốn lăm mấy ổng về, mấy ông cách mạng cách miệng gì đó, nổi lên bắt ông Biện đem đi đâu mất, biệt tích luôn. Cả nhà tan hoang hết, anh chị bây đi đâu tao củng hổng biết! Nghe bà con đồn rần là mấy chả cho đi mò tôm ráo trọi. Thôi vô nhà uống miếng nước đi cháu.

Nghe thầy Phó Hương Quản nói, Cậu Út rụng rời cả tay chưn. Bây giờ còn ai trong xóm nầy mà hỏi thăm. Thời buổi thay đổi hết rồi! Cậu Út buồn tủi cho cha già cùng anh chị. Ác độc gì mà dữ vậy tiêu diệt hết cả tông chi họ hàng. Cậu Út cám ơn thầy Phó Hương Quản, rồi lửng thửng một mình một bóng trên bờ con ruộng mẫu, nơi đó xưa kia gia đình Cậu đã đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm.

Trở về Sài Gòn với một nỗi buồn không tên vĩ đại, Cậu cho Annette biết là đã bị một cú choáng váng đớn đau, mất mát tất cả. Ngày hôm sau, Cậu ra chi nhánh hãng hàng không Air France ghi chỗ máy bay trở về Pháp ngay. Mười mấy năm trời đi làm lính thợ tủi thân tủi phận, ngày trở lại quê nhà, gia đình tan biến chẳng còn gì. Ôi hận thù giai cấp, thủ tiêu người không ghê rợn mà cũng chẳng gớm tay! Đúng là lũ quỷ lên làm người!

Phan Quân


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.