.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


 

Người bán hòm

(Alexandre Sergueievitch Pouchkine)

  • PSN - 22.5.2010 | Phan Quân

Adrien Prokhorov vừa chất xong đống quần áo cũ lên chiếc xe nhà vàng, dành để đưa đám, thì hai con ngựa gầy nhom bắt đầu kéo đi từ Basmannaïa đến Nikitskaïa, nơi có căn nhà mới mà ông bán hòm đang đưa cả gia đình đến ở. Ðây là chuyến thứ tư cũng là chuyến cuối cùng.

Ông ta đóng cửa tiệm lại, treo tấm bảng niêm yết "nhà bán hoặc cho thuê", rồi đi bộ đến nhà mới. Ðến gần căn nhà nhỏ sơn màu vàng, mà ông mong muốn đã từ lâu, và phải bỏ ra một số tiền khá to để mua, thì ngạc nhiên thay, lão già bán hòm thấy lòng mình không được vui.

Khi bước qua ngưỡng cửa còn lạ hoắc và nhìn thấy cảnh hỗn độn quá mức, ông thở ra và nhớ tiếc căn nhà lá cũ kỹ và thiếu tiện nghi trước kia, nơi mà mười tám năm qua ông đã giữ gìn hết sức trật tự và ngăn nắp. Sau khi quở mắng bà giúp việc và hai cô con gái, mà ông cho là quá chậm chạp, ông đích thân bắt tay ngay vào việc. Không mấy chốc mà đâu đã ra đó, tủ thờ, tủ đựng chén dĩa, bàn ăn, ghế trường kỷ và cái giường đã nằm đúng chỗ quy định ở phòng trong cùng.

Ở nhà bếp và phòng khách, đầy dẫy những vật dụng của ông chủ nhà, như là những cỗ áo quan đủ màu, đủ cỡ, mấy cái rương chứa mũ nón, áo choàng và cờ xí đưa đám ma. Bên trên cửa cái là tấm bảng hiệu mang hình vẽ của Thần Tình Yêu mũm mĩm, tay cầm bó đuốc đổ ra dòng chữ : « Bán các loại hòm đánh vẹc-ni hoặc sơn màu với đầy đủ trang thiết bị. Cho mướn và tân trang hòm cũ. » Hai cô gái rút vào phòng riêng, trong khi ông Adrien đi vòng quanh căn nhà rồi đến ngồi bên cửa sổ, kêu bà giúp việc nấu cho bình trà.

Chắc quý vị độc giả không quên là Shakes­peare và Walter Scott hay mô tả phường nhà đòn như là những con người vui tính và tiếu lâm, cốt mượn nghịch cảnh để kích thích óc tưởng tượng của người đọc. Vì tôn trọng thực tế, chúng tôi không thể theo gương của hai văn hào nói trên và phải thú thật là bản chất của người bán hòm này hoàn toàn trung thực với nghề nghiệp hắc ám của hắn. Thường thường Adrien Prokhorov mặt ủ mày châu và ít thưa kém thốt. Ông ta mở miệng chỉ để rầy la hai cô con gái, khi thấy hai cô ăn không ngồi rồi hoặc liếc mắt đưa tình với khách ngoài đường qua ngang cửa sổ. Hay để móc túi chẳng nương tay những ai vô phước cần đến dịch vụ của ông.

Ngồi bên cửa sổ nốc bảy tách trà đến loãng cả nước và suy nghĩ miên man, Adrien bỗng thấy buồn thấm buồn thía, buồn chặt không đứt, bức chẳng rời. Ông nhớ lại trận mưa như trút, như giội cách đó tám ngày khi đám tang thầy cảnh sát hồi hưu đi đến cổng thành phố. Mưa làm cho bao nhiêu là áo choàng co rút, bao nhiêu là nón bị méo mó ! Trước mắt là phải xuất hồ bao vì những áo quần đưa đám cũ đã quá bệ rạc.

Cho nên ông ta hy vọng sẽ kiếm chác chút đỉnh để bù đắp lại, nhơn dịp đám tang của Trioukhina, một bà thương gia nằm ngất ngư chờ chết gần một năm nay. Nhưng khổ nỗi con mẹ Trioukhina có lẽ sẽ nhắm mắt ở Razgouliaï, thế nên Prokhorov sợ rằng các người thừa kế của bà ta, ngại đường sá xa xôi, lười biếng không chịu cho người đến thương lượng với ông - dẫu cho đã có lời hứa - mà lại đi mướn dịch vụ mai táng gần nhà.

Ðang suy nghĩ lang thang thì ba tiếng gõ cửa làm ông giựt mình, lên tiếng hỏi :

- Ai đó, mời vô ?

Cửa mở, một người bước vào thoáng nhìn là biết ngay đó là một thợ thủ công người Ðức. Người khách lạ đến gần chủ nhà, mặt mày hớn hở và nói bằng một giọng nửa Nga nửa Ðức, nghe đến buồn cười :

- Xin lỗi, xin ông anh cảm phiền... tôi muốn làm quen với ông anh càng sớm càng tốt. Tôi là Gott­lieb Schultz, thợ đóng giày. Tôi ở căn nhà nhỏ nằm ngay trước cửa sổ của ông anh. Ngày mai, chúng tôi ăn mừng hai mươi lăm năm ngày cưới nên xin mời ông anh và hai cô con gái của ông anh sang dùng cơm tối với chúng tôi, trong chỗ bạn bè. 

Lời mời được chấp nhận dễ dàng. Người bán hòm mời ông thợ giày ngồi xuống uống tách trà. Nhờ bản tánh cởi mở của Gottlieb Schultz mà câu chuyện trở nên thân thiết không mấy hồi. Adrien bắt đầu hỏi thăm :

- Công việc làm ăn của ông anh ra sao, có khá không ?

- À ! cũng cầm chừng thôi ông anh à. Tôi chẳng có gì để than phiền hết, dẫu cho hàng hóa của tôi không bằng hàng hóa của ông anh vì một người còn sống có thể chẳng cần đến giày, trong khi đó một người chết thì phải có hòm.

- Ông anh nói chí phải. Có điều là một người sống không có tiền thì đi chưn không, còn một người nghèo mạt, nói xin lỗi, chết cũng được một cái hòm miễn phí !

Câu chuyện kéo dài một hồi lâu rồi ông thợ giày đứng dậy cáo biệt ra về và không quên nhắc lại lời mời.

Mười hai giờ ngày hôm sau, người bán hòm và hai cô con gái đi ra khỏi cổng rào căn nhà mới mua để đến nhà ông láng giềng. Ở đây, khác với những tiểu thuyết gia hiện đại, tôi xin miễn mô tả cái áo choàng kiểu Nga của Adrien cũng như không nói đến cách trang điểm theo lối Âu của Akoulina và Daria. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là dư thừa khi lưu ý rằng hai cô nàng đội nón vàng và đi giày đỏ, những thứ trang sức mà hai cô chỉ sử dụng trong những cơ hội quan trọng.

Căn nhà nhỏ của bác thợ giày chật ních khách mời, phần đông là công nhân người Ðức cùng với những bà vợ và đệ tử của họ. Về phía công chức người Nga thì chỉ có bác tuần phu Finnois Yourko, mặc dầu địa vị kém cõi nhưng rất được lòng chủ nhà. Ðã làm việc gần một phần tư thế kỷ mà lúc nào Yourko cũng vẫn tận tâm tận lực với chức vụ. Trận hỏa hoạn năm 1812 (quân Nga đốt để ngăn Nã Phá Luân đánh chiếm Mạc Tư Khoa) thiêu hủy thủ đô đồng thời cũng hủy hoại luôn chòi canh màu vàng của Yourko.

Nhưng, ngay sau khi địch quân bị đánh đuổi thì một chòi canh khác đã được dựng lên thay thế chòi canh trước, một chòi canh màu xám có những cây cột nhỏ màu trắng, vậy là Yourko có thể canh gác trở lại « với cây kích và chiến bào bằng nỉ xám ». Yourko biết hầu hết những người Ðức ở quanh quẩn cửa ô Nikitski. Ðôi khi có bạn của Yourko đến ngủ trong chòi canh từ tối chủ nhựt đến sáng thứ hai. Adrien bèn làm quen ngay với lão tuần phu, vì sớm muộn gì ông ta cũng sẽ nhờ đến lão, và khi nhập tiệc thì hai người tìm cách ngồi gần nhau.

Ông bà Schultz, cũng như cô Lottchen, con gái mười bảy tuổi của ông bà, vừa ăn uống và khoản đãi thực khách, vừa tiếp tay với bà bếp. Bia tuôn như suối chảy, Yourko ăn bằng bốn người, Adrien cũng không chịu thua, còn hai cô gái của Adrien thì lên mặt tự cao tự đại. Các câu chuyện, trao đổi nhau bằng Ðức ngữ, càng lúc càng mạnh hơi, to tiếng. 

Bỗng dưng chủ nhà, miệng yêu cầu giữ yên lặng, tay khui chai rượu mới cắt chỉ rồi tuyên bố lý do bằng tiếng Nga :

- Xin mời nâng ly chúc mừng bà Louise, nhà tôi !

Bọt rượu trào dâng. Lão Schultz đặt nụ hôn trìu mến lên gương mặt xinh xắn dễ thương và tươi mát của mụ vợ, khoảng tứ tuần, và khách mời nốc cạn ly để chúc sức khỏe mụ Louise ngoan hiền.

Chủ nhà khui chai rượu thứ nhì rồi tuyên bố :

- Xin chúc sức khỏe các vị khách thân thương của gia đình chúng tôi !

Thế là các thực khách đồng loạt cạn ly một lần nữa để tỏ lòng tri ân chủ nhà. Rồi thì rượu mừng tiếp nối rượu mừng, thiên hạ cụng ly chúc sức khỏe từng cá nhơn một, chúc mừng Mạc Tư Khoa, chúc mừng một lô thị xã Ðức, chúc mừng các nghiệp đoàn, nói chung cũng như nói riêng, và chúc mừng các chủ xưởng và công nhơn.

Adrien nhậu thiệt tình và rượu hơi ngà ngà ông bắt đầu nâng ly cất chén rượu mừng một cách khôi hài cho vui cửa vui nhà. Thình lình, một ông chủ lò bánh mì mập béo đứng lên nâng ly và nói to : "Chúc mừng tất cả những người được cá nhơn chúng ta phục vụ, unserer Kundleute (chúc mừng khách hàng)."

Rượu đã vào thì đề nghị nào cũng tốt, nên đề nghị của lão thợ bánh mì được toàn thể vui vẻ tán thành. Rồi thì thực khách cúi đầu chào mừng nhau, thợ may chào mừng thợ giày, thợ giày đáp lễ thợ may, thợ bánh mì chào mừng hai công nhơn, tất cả chào mừng thợ bánh mì, vân vân và vân vân. Sau khi mọi người đã chào mừng nhau xong, Yourko vay qua người ngồi cạnh và nói to : "Vậy thì ông bạn nên nâng ly chúc mừng những thây ma của ông bạn đi !"

Cả bàn ăn cười vang còn ông bán hòm thì cảm thấy bị chạm tự ái nên nhăn nhó. Nhưng, không ai trông thấy, thực khách tiếp tục nhậu đến khi có tiếng chuông lễ đêm thì mọi người đứng lên.

Khách mời chia tay ra về khá muộn và phần đông đã ngà ngà say. Chủ lò bánh mì béo bự và lão thợ đóng sách, mặt mày đỏ gay, như màu da bìa sách, kèm cập Yourko, đưa hắn ta đến chòi canh, miệng lẩm bẩm câu tục ngữ Nga : « Con nợ đàng hoàng thì trả tiền lại người cho vay ! »

Ông bán hòm trở về nhà say mèm, giận dữ và càu nhàu luôn miệng : « Như vậy là cái quái gì ? Bộ ngành nghề này kém lương thiện hơn những ngành nghề khác hay sao ? Bộ bán hòm là đồng lõa với đao phủ à ? Mấy cái thằng trời đánh, thánh đâm đó cười cái nỗi gì chớ ? Người bán hòm chẳng lẽ là một tên hề ở lễ hội hóa trang hay sao ? Vậy mà mình định mời cả bọn chúng nó đến ăn tân gia và làm một bữa tiệc hậu hỹ chớ... Còn lâu ! Thà mời những người mình phục vụ, những xác chết còn hơn !

Bà giúp việc đang cởi giày cho hắn ta, nghe được câu nói đó bèn càu nhàu :

- Ậy, ậy, ông chủ lẩm bẩm cái gì vậy ? Làm dấu thánh giá mau lên ông ơi ! Mời người chết đến ăn tân gia là nghĩa lý gì ? Dễ sợ thật, cái ông này !

- Nói thật đó, tao mời họ thật mà ! Mời ngay ngày mai... Xin mời các ân nhân của tôi, xin thỉnh quý vị đến dự tiệc tại tệ xá, chí tình không khách sáo, có gì ăn nấy !... »

Dứt lời, ông chủ vào giường và chẳng mấy chốc đã nghe có tiếng ngáy.

Trời còn tối mà người nhà đã đánh thức ông dậy. Mụ thương gia Trioukhina vừa tắt thở và người thơ ký của bà đã cho người phóng ngựa đến báo Adrien. Ðể ngợi khen nhiệt tình khá cao đẹp này, ông bán hòm thưởng người chạy tin mười cô-pếch, rồi vội vàng thay đổi y trang, kêu một chiếc xe ngựa đi đến Razgouliaï.

Trước cửa nhà người chết đã có cảnh sát canh gác, có con buôn đảo qua đảo lại như những con quạ đánh được mùi xác chết. Người chết, vàng như sáp, được để nằm trên một cái bàn, sắc diện chưa biến đổi. Thân nhân, chòm xóm và người nhà đang rối rít chung quanh. Cửa sổ đều mở toang, người ta đã đốt đèn cầy lên và linh mục đã đến đọc kinh. Adrien đến gần người cháu của bà Trioukhina, một con buôn loại công tử bột, ăn diện như tranh vẽ thời trang, và cho cậu này biết rằng quan tài, đèn cầy, vải tẩn liệm và những thứ linh tinh khác cần cho lễ tang sẽ được giao tức khắc và trong tình trạng hoàn hảo. Người thừa kế cám ơn một cách lơ là và cho biết là cậu không trả giá và hoàn toàn tin tưởng ở tính đứng đắn của ông. Như thông lệ, người bán hòm đoan chắc là không lấy lố một đồng cô-pếch nào hết, vừa nói vừa nheo mắt ra hiệu với người thơ ký rồi đi làm những chuyện cần thiết.

Cả ngày, Adrien đi lại giữa Razgouliaï và cửa ô Nikitski, đến chiều thì mọi việc đều sẵn sàng, vậy là ông có thể trả xe ngựa và thả bộ về nhà. Trời sáng trăng nên người bán hòm về cửa ô Nikitski chẳng chút khó khăn nào hết. Gần đến Ascension, ông được Yourko nhận diện ra nên kêu hỏi và chúc ông một đêm yên lành. Cũng đã khá khuya. Người bán hòm về gần đến nhà thì dường như ông trông thấy một người mở cổng nhà ông, rồi biến vào trong.

« Chuyện gì vậy kìa ? Ai lại cần đến mình nữa đây ?... Một tên trộm chăng ?... Hay là mấy gã si tình đến viếng hai cô gái ngây thơ của mình đây ?... Có thể lắm chớ ! »

Người bán hòm đã nghĩ đến chuyện kêu ông bạn Yourko tiếp tay, nhưng trong lúc đó một bóng người khác đến gần hàng rào và định đẩy cửa bước vào bỗng nhiên đứng lại dở nón ra, khi trông thấy Adrien ba chưn bốn cẳng chạy đến.

Hình như Adrien biết mặt, nhưng vì quá vội nên ông không có thì giờ nhìn kỹ và hổn hển hỏi :

- Ông đến tìm tôi hả ? Xin mời vào.

Bóng đen kia đáp lại bằng một giọng trầm trầm :

- Cần gì phải kiểu cách, ông bạn... Vào trước dẫn đường đi.

Cổng mở, ông bước lên bực thang, người kia bước theo sau. Adrien có cảm tưởng là vô số người lăng xăng lộn xộn trong nhà ông. Ông nghĩ : « Lại trò ma mãnh gì đây !... »

Ông hối hả bước vào, rồi thì... hai chưn ông bủn rủn, đứng không vững. Gian phòng dẫy đầy xác chết. Qua khung cửa sổ, ánh trăng rọi sáng các gương mặt màu vàng và xanh của họ, mồm miệng méo xẹo, mắt hi hí màu lục sẫm, mũi nhọn hoắc... Adrien phát rung sợ khi nhận ra khách hàng cũ mà chính ông đã chôn cất trước kia và thấy chính ông cũng vào cùng lúc với ông cò về hưu đã được mai táng dưới cơn mưa tầm tã hôm nọ.

Tất cả những khách mời, đàn ông lẫn đàn bà, đứng bao quanh ông hết lời khen ngợi và cung kính, chỉ có mỗi một người nghèo mạt vừa mới được chôn cất miễn phí, đứng riêng ngoài xa, hổ thẹn vì áo quần rách rưới. Những người khác ăn mặc đứng đắn hơn, các bà thì chưng diện nón niết và áo quần kết tua kết tụi, chức sắc thì diện đồng phục, nhưng bộ râu thì như mấy ngày chưa cạo, còn bọn con buôn thì áo gấm, áo hoa đại lễ.

Nhơn danh toàn bộ tập thể khả kính, ông cò lên tiếng :

- Thưa ông Prokhorov, như ông thấy, chúng tôi đã đến đây để đáp lại lời mời của ông. Chỉ có những người suy yếu quá mức mới ở lại nhà, như những người đã biến thành tro bụi, những ai chỉ còn có bộ xương, không da bọc ngoài... Thế nhưng, có một người muốn được gặp ông bằng mọi giá...

Lúc đó, một bộ xương nhỏ thó chen qua đám đông để đến gần Adrien. Xương sọ của hắn nhe đôi hàm chẳng còn răng mỉm cười âu yếm với người bán hòm. Những mảnh nỉ xanh đỏ, những tàn dư của tấm bố tòn ten bên này, bên nọ như trên một cây sào, những xương ống chưn trong những chiếc ủng rộng thênh thang đong đưa như cái dùi trong cối đá.

- Ông không nhận ra tôi sao ông Prokhorov ? Ông còn nhớ Piotr Pétrovitch Kourilkine, trung sĩ vệ binh hồi hưu, mà năm 1799 ông đã bán cho chiếc hòm đầu tiên chớ... Gỗ thông mà ông cho là gỗ sồi đó, chắc ông không quên.

Vứt lời, bộ xương định bóp cổ người bán hòm, nhưng cố lấy hết sức bình sinh, Adrien thét lên một tiếng và đẩy nó ra. Piotr Pétrovitch lảo đảo, ngã quỵ và rã rời thành nhiều mảnh vụn. Những hồn ma xầm xì tức giận. Ai cũng muốn bảo tồn danh dự cho người bạn nên tất cả đồng lòng đã kích Adrien bằng cách mắng nhiếc thậm tệ và đe dọa dữ tợn. Bị choáng váng vì tiếng la và gần như nghẹt thở, người chủ nhà đau khổ kia lính quýnh rồi té nhào lên đống xương của người trung sĩ về hưu xong ngất xỉu.

Mặt trời soi sáng chiếc giường ngủ của người bán hòm đã khá lâu. Thế là ông mở mắt ra và nhìn thấy bà giúp việc đang đun bếp nấu trà. Adrien nhớ lại giấc mơ mà kinh hoàng khiếp sợ. Bà Trioukhina, ông cò và chú trung sĩ Kourilkine xuất hiện lẫn lộn trong trí tưởng tượng của ông. Ông không dám hó hé một lời nào, nằm chờ cho bà giúp việc lên tiếng trước rồi ông mới thuật lại câu chuyện trong giấc mơ đêm qua.

Trao cho ông chiếc áo choàng, bà giúp việc nói :

- Dạ thưa, ông chủ đã đánh một giấc ngon lành. Bác thợ may bên cạnh rồi bác tuần phu có đến gặp ông để báo cho ông biết hôm nay là lễ mừng ông công an trưởng trong phường, nhưng thấy ông ngủ ngon quá nên không dám đánh thức...

- Có người nào của bà Trioukhina vừa qua đời đến tìm tôi không ?

- Bà Trioukhina mất rồi sao ?

- Bộ bà khùng rồi hả ? Hôm qua chính bà đã giúp tôi lo việc đám tang cho bà ấy kia mà !

- Trời ! Ông chủ nói gì vậy ? Ông chủ nói vớ vẩn gì đâu không hà, hay là chất rượu hôm qua còn làm ông chủ ngất ngư ? Ðám tang nào đâu ? Hầu như suốt ngày hôm qua ông chủ ăn nhậu bên nhà ông người Ðức, khi về ông chủ đã say mèm rồi lăn đùng ra giường ngủ liền, quên cả giờ đọc kinh tối.

- Thật vậy sao ?

- Ðúng vậy còn gì nữa !

- Vậy thì cho tôi bình trà mau lên và gọi hai cô bé giùm tôi ! 
 

Phan Quân
Phỏng dịch theo bản tiếng Pháp của Brislav Hofmann


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.