.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 

Hận đời

  • PSN - 19.12.2010 | Phan Quân

Gần đúng Ngọ là người dân xóm Sơn Quy bắt đầu nghe tiếng chửi đổng nổi lên xa xa đằng phía cầu sắt, lối vào xóm từ hướng chợ Gò Công. Mà ngày nào cũng vậy, bảy ngày trong tuần, vì con người bất mãn hận đời đó đâu cần biết ngày của Chúa, phải nghỉ ngơi. Ông Bảy là một hiện tượng hấp dẫn đối với tôi trong những dịp nghỉ hè, từ thời lớp nhì tiểu học.

 

Trong năm học, tôi ở trên Sài Gòn, cứ tới lúc nghỉ hè là ba má tôi cho về quê ngoại ở Tân Niên Trung nghỉ xả hơi. Nên chi, sinh hoạt kỳ lạ của Ông Bảy cũng là một đoạn phim thời sự trong ngày của tôi, trong kỳ nghỉ tháng bảy, tháng tám. Ngày nào không nghe tiếng Ông Bảy chửi đổng dậy xóm, kể như cuộn phim ngày đó của tôi thiếu mất một đoạn.

 

Tôi không rõ lý lịch của Ông Bảy vì ông có mặt trong xóm đã lâu, chừng như từ khi tôi chưa ra đời. Lần đầu tiên tôi chạm trán với sự hiện hữu của ông là khi tôi qua ngang nhà ông, trên bờ ruộng nối liền nhà ngoại với nhà Dì Tám của tôi. Nhà ông là một căn chòi nhỏ, cất trên một khu mã, nằm kế đường đi. Ông có nuôi một con chó vện rất hung hăng, sủa to tiếng với bộ vó vô cùng áp đảo. Kỳ đó nếu không có người lớn cùng đi thì chắc là nước tiểu đã thấm ướt quần tôi! Vậy đó, Ông Bảy xuất hiện trong đầu tôi bằng một cung cách lạ đời.

 

Năm đó, ông cũng phải vào lứa tuổi bốn mươi ngoài, nước da ngâm đen vì bắt nắng, dáng người ôm ốm không cao, chẳng thấp, đầu cạo trọc. Trên mép, ông để mọc bộ ria và dưới càm là một chòm râu, lún phún, tiêu nhiều hơn muối, cho nên trông ông già hơn tuổi. Tướng đi của ông thấy cũng bình thường không lộ vẻ bịnh hoạn. Trẻ con trong xóm thường rủ nhau chạy theo ông vì hiếu kỳ, không mấy sợ sệt. Quanh năm suốt tháng, nắng mưa gì ông cũng có chiếc áo cụt hai tay và cái quần ngắn cũn cỡn. Đầu ông lúc nào cũng hai cái nón, một bằng vải kaki bên trong, chồng thêm cái nón lá tả tơi bên ngoài.

 

Theo người lớn kể lại thì nguồn gốc của ông gắn liền với xóm làng từ xửa từ xưa. Như một hiện tượng tự nhiên nên người dân quê chẳng ai thắc mắc làm gì, thấy vậy thì hay vậy. Hằng ngày, nếu sức khỏe cho phép thì từ tờ mờ sáng, khi đầu nậu thổi tù và tập trung nhơn công nông nghiệp đi cấy hay đi gặt, Ông Bảy cũng chỏi gậy đi vô chợ Gò. Mang kè kè bên hông là cái bị cói để đựng "chiến lợi phẩm" khi tan chợ.

 

Rất tiếc là thời đó tôi còn nhỏ nên đâu được đi chợ một mình để tìm hiểu xem ông vô chợ để làm gì. Từ nhà ngoại tôi đến chợ Gò cũng phải trên ba cây số nên má tôi đâu có để cho tôi đi. Người ta xì xầm là Ông Bảy vô chợ ngửa tay xin bà con cô bác làm ơn làm phước bố thí đồng tiền bát gạo nuôi thân. Ngoài ra, ông còn lượm lặt những thứ gì còn ăn được đem về nấu nướng. Và thỉnh thoảng ông có nhâm nhi chút ít để đốt nóng bộ máy chửi đổng.

 

Suốt lộ trình từ chợ tới cầu sắt Sơn Quy, Ông Bảy cứ câm miệng hến, chẳng nói lấy lời nào. Vậy mà qua cầu rồi là ông bắt đầu mở máy nói, với âm thanh tối đa. Không hiểu ông ấm ức gì với dân cư xóm Sơn Quy mà  ông cứ chửi không đối tượng. Trên con đường liên tỉnh chạy ngang qua xóm, người ta chỉ đếm được lối mươi căn nhà lá, trong số đó có một ngôi nhà gạch khá đồ sộ, mà dân xóm kêu là "nhà thờ". Sở dĩ như vậy là vì ở đó người ta lo thờ tự tam tứ đại dòng dõi họ Lê, mà người đại diện cuối cùng là Đốc Phủ Sứ Lê Quang Liêm, được gọi một cách cung kính đưới danh hiệu phổ biến "Ông Phủ Bảy".

 

Có thể Ông Bảy đố kỵ "nhà thờ" mà chửi bông lông chăng, nhưng cũng lạ là những khi có mặt quan phủ ở nhà thì những lời chửi mây mắng gió chẳng có nội dung gì đích thực. Chỉ khơi khơi căm ghét bọn có của ăn của để, mà không đoái thương phường khố rách áo ôm. Nói chung thì những gia đình có nhà cao cửa rộng trong xóm đều là kẻ thù của Ông Bảy.

 

Cả xóm ghi nhận hiện tượng "Ông Bảy" như là cái lẽ đương nhiên, không ai than phiền, mà cũng chẳng ai bực mình, cứ coi như chuyện qua đường, nghe qua, thấy đó rồi bỏ. Nhưng hôm nào vắng tiếng chửi của ông, thiên hạ đâm ra thắc mắc, không biết đương sự có mệnh hệ gì không. Như vậy bà con chòm xóm cũng gián tiếp quan tâm đến sức khỏe của ông.

 

*  *  *

 

Có hôm, con vện nhà Ông Bảy sút dây rượt theo một em bé táp rách quần. May mà Ông Bảy kịp phản ứng, nếu không thì có thể con vện đã đớp phải bấp chuối em bé rồi. Buồn thay em bé kia là con của Dượng Tám tôi. Em bé sợ điếng hồn, khóc la inh ỏi, chạy về nhà mét ba má. Dượng Tám, cựu tài xế của quan chánh tham biện tỉnh, một con người nóng tánh, sòng sộc dắt đứa con tới nhà Ông Bảy mắng vốn. Yêu cầu Ông Bảy buộc con chó lại đừng để nó bắt nạt người qua kẻ lại trước nhà ông.

 

Nóng mũi vì con mình phải một phen kinh hồn khiếp vía, Dượng Tám hơi lớn tiếng, trách cứ Ông Bảy. Vốn là con người xưa nay thường hay lớn tiếng chửi đổng trên trời dưới đất, coi thiên hạ như pha, giờ lại có người dám lớn tiếng với mình, Ông Bảy thấy hơi lạ, bắt đầu nộ khí xung thiên. Ông bắt đầu cự lại, vậy là hai người lời qua tiếng lại, con nít trong xóm tủa ra xem. Lời nói không chưa đủ, Ông Bảy bắt đầu xô đẩy, rủi cho ông trợt chưn té trên đường vào nhà ông. Thế là sẵn đà, ông nằm vạ la lớn lên:

- Bà con, làng nước ơi, nó đánh tui!

Nhưng chức việc trong xóm còn lạ gì Ông Bảy nên chẳng ai thèm can thiệp. Rồi biến cố cũng êm đi cùng với màn đêm đang từ từ kéo xuống.

 

Từ đó trở đi cái chòi Ông Bảy là cái gai cho lủ trẻ con, phải tránh né. Con nít di chuyển một mình đều phải tránh mặt đi vòng bờ con, hơi xa một chút nhưng chắc ăn hơn, khỏi phải lôi thôi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào! Thành thử ra Ông Bảy là một hiện tượng nghịch lý mà người dân Sơn Quy cứ phải chấp nhận như một lẽ sống trên đời.

 

*  *  *

 

Rồi một ngày mùa thu nọ, cả một dân tộc xôn xao, người cho là dậy giặc, kẻ gọi là cộng sản nổi lên, dư luận bảo là cách mạng về... không biết đâu mà rờ. Thôi thì dân xóm Sơn Quy trai, gái, lớn, nhỏ rộn ràng. Chỉ có những bực trưởng thượng cứ bình chưn như vại, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Kẻ thì đem tầm vông vạc nhọn, người thì tới lò rèn, gom sắt vụn đúc ba-nha (poignard). Trai tráng trong xóm đều trang bị hẳn hòi, tầm vông vạc nhọn cầm tay, ba-nha vắt lưng, cuộn dây treo tòn ten ở thắt lưng. Bộ mã đó tạo ra cho họ một hình ảnh hào hùng của người chiến sĩ can trường hết mình bảo vệ đất nước.

 

Hàng hàng lớp lớp thiếu nữ, trẻ con, cũng phải bắt chước những người trai tráng đứng vào hàng ngũ đội đoàn mà tập đi đều bước, đếm rõ một hai, nhịp nhàng ca hát vang trời. Công chuyện đồng áng phó mặc, học hành cũng lơ là. Không biết để làm gì cái ngữ ấy, có chống được gã ngoại xâm nào không, có làm rách da trầy trán được tên việt gian nào hay không.

 

Người ta họp hành, toan tính, vẽ mưu bày kế, cắt cử toán canh phòng đầu xóm cuối làng, đốn cây chận đường, xẻ hương lộ hảm xe, đấp ụ đất cản trở lưu thông... Công tác nào cũng quan trọng được thực thi hăm hở với nét mặt căm thù. Nhìn họ thao tác người ta có cảm tưởng phen này giặc có mà tiêu tan. Phải thử lửa mới biết giá vàng.

 

Một sáng tinh sương, đội canh phòng báo động vì có tin "tình báo" là Tây đổ bộ Cầu Nổi, một bến đò ngang trên sông Vàm Cỏ - Bắc Mỹ Lợi - cách xa tỉnh lỵ khoảng hai mươi cây số và cách Sơn Quy mười bảy cây. Như vậy là đội ngũ dân quân sẵn sàng, trong tư thế chiến đấu. Dân trong xóm gồng gánh nhau di tản vào trong sâu nương rẫy, cách lộ liên tỉnh hằng mấy cây số.

 

Ban đầu gia đình tôi, vì không kịp tính trước, ba tôi quyết định tạm lánh tại nhà Cô Ba tôi, cách xa lộ cái mấy cây số và khuất sau đám rừng lá dừa nước của con sông Sơn Quy. Nhưng sau khi suy đi tính lại, ngày hôm sau, ba tôi cho là không được ổn vì ở phía Bắc con lộ thiếu chiều sâu chạy loạn. Ba tôi đổi ý, đem trọn gia đình băng qua con đường liên tỉnh, chạy về phía Nam con đường, như vậy rộng đường đất để, nếu cần, thì di tản về phía bên nội tôi ở Láng Chim.

 

Trong giờ phút đó mà di chuyển băng qua con lộ là cả một vấn đề. Toàn thể gia đình, gồm có ba má và ba anh em tôi phải bò trường trên ruộng lúa đã trổ đồng đồng để cho Tây khỏi thấy. Sau một buổi sáng, cả nhà tôi băng qua được con lộ, chạy xuống nhà người bà con ở Xóm Ngã Ba trú đỡ qua đêm. Trong khi đó, đạn trọng pháo, từ tàu Tây ở bến bắc Cầu Nổi, cứ liên tục bay vun vút qua đầu chúng tôi mà hướng vào tỉnh lỵ.

 

Sau gần một ngày tiền pháo, quân Tây bắt đầu đổ bộ, với những loạt súng "cắc bùm" và loạt tiểu liên, thỉnh thoảng pha những tràng đại liên. Chiến sĩ nhơn dân hào hùng mấy hôm trước, với tầm vong vạt nhọn, ba-nha và cuộn dây đã tan biến đâu mất. Thiết giáp Tây dọn cây ngả bẹp trên đường và lấp mương rãnh, tiến tới như vào chỗ không người. Hai ngày sau, tỉnh lỵ chào thua, kháng chiến quân rút vô bí mật, cái gì của Tây trả lại cho Tây.

 

Rồi thì bố ráp ngày một, ngày hai. Cây cầu Sơn Quy bị dân quân gỡ ván để gây khó khăn cho đà tiến của quân Pháp, nay đã được lót trở lại bằng thứ gỗ quý hơn, là những tấm ván gõ bóng láng của nhà dân trong xóm. Trong mạng lưới bình định, quân Tây mở rộng diện tích an ninh, đem quân đóng đồn tại ngôi "nhà thờ" của ông Đốc Phủ họ Lê, một gian nhà gạch duy nhứt trong xóm. Như vậy là nếp sống của Sơn Quy lần hồi trở lại bình thường, dẫu cho vết thương vẫn còn rướm máu.

 

Ông Bảy vẫn ngày ngày vào chợ kiếm sống, nhưng phước đức cho dân trong xóm là không còn nghe ông chửi đổng nữa. Qua chiến dịch tâm lý chiến, ông trưởng đồn, một thượng sĩ Tây lai, thỉnh thoảng kêu Ông Bảy ghé lại để tặng chút thức ăn quân tiếp vụ, gọi là để lấy lòng dân chúng. Vậy là nếp sống Sơn Quy cứ êm trôi, gần như những ngày xưa thân ái. Nếu không có hoạt động âm thầm của Ủy Ban Nhơn Dân (UBND).

 

Một ngày đẹp trời nhưng chẳng phải ngày lành cho Ông Bảy. Đêm hôm trước, ban trinh sát đã ghé thăm căn chòi của Ông Bảy và bắt ông đem đi vô khu rừng lá ở Xóm Ngã Ba. Xét vì Ông Bảy thường liên hệ với tên đồn trưởng nên UBND cho rằng ông đã cung cấp những chi tiết mật kín của phong trào cho Tây. Do đó mà những hoạt động mật kín đều hư hỏng nát bét. Từ đó trở đi người ta không còn thấy Ông Bảy đâu nữa!

 

Một kẻ hận đời lại bị đời hại lảng nhách!!!

 

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.