.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 

Trước đèn đọc sách:

Vịt Cà Mau

Olivier Todd - Nxb: J'ai lu (Tháng Hai 1975)

Olivier Todd (OT), người Pháp, gốc Hồng Mao (mẹ người Anh, cha người Ba Lan) là nhà văn kiêm nhà báo thiên cộng theo truyền thống gia đình - mẹ thân cộng và cha kế là thành viên đảng cộng sản Pháp (PCF). Trong bối cảnh tinh thần và chánh trị như vậy, OT chịu ảnh hưởng văn hóa xã hội của gia đình nên thế giới quan của ông chủ trương rằng những gì "đỏ và hồng là tốt", còn những gì "trắng và quân phiệt là khủng khiếp".

Là nhà báo, OT chuyên viết phóng sự về chiến cuộc Việt Nam (VN) trong tinh thần của một chiến sĩ công khai thân Việt Minh (VM). OT là nhà báo Pháp hiếm có, được Hà Nội hai lần (năm 1967 và năm 1972) cấp chiếu khán cho vào miền Bắc làm phóng sự. Thậm chí, OT còn muốn đăng những lời lẽ của tù binh Mỹ nguyền rủa Hoa Thạnh Đốn và ca ngợi cộng sản VN. Nhưng, những người chủ biên của tờ báo không đồng ý.

Tháng Chín năm 1973, sau khi đi thăm một vùng do Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam (CPLT) kiểm soát về, OT nhận thấy rõ ràng CPLT là con đẻ của chánh phủ cộng sản Hà Nội (HN). Từ đó, OT có một bài viết nói lên rõ ràng nỗi lo sợ của mình là rồi đây sẽ có một khuynh hướng "thống nhứt" và sẽ có một phong trào "học tập cải tạo" và từ đó dân thường sẽ phải hứng chịu những "bạo lực". OT đề nghị báo nói lên điều đó, nhưng nên che đậy phần khó chấp nhận mà chỉ đưa ra đường lối chung chung.

Nhưng, những người trong ban biên tập không đồng ý, cho rằng "còn quá sớm để nói lên điều đó" vì độc giả chưa đủ trình độ chánh trị để tiếp nhận. Bất bình với thái độ của ban biên tập, OT bày tỏ lập trường của mình qua một bài đối thoại với tạp chí "Réalités". OT vẫn kiên định giữ vững lập trường, bảo vệ quan điểm của mình. Vì vậy, những tờ báo mà OT cộng tác đều ngán ngẩm cái tánh cương trực bất di bất dịch của OT và mời ông "đi chỗ khác chơi", và từ đó OT bị loại khỏi lãnh vực chiến cuộc VN.

Hai năm sau (1975), OT vẫn nhứt định bài tỏ quan điểm của mình về chiến trường VN dưới một dạng khác. OT đưa những nhận xét của mình về tình hình VN vào thể loại tiểu thuyết, có vẻ như giả tưởng, nhưng từ những dữ kiện thật. OT viết ra một quyển chuyện, tựa đề "Les Canards de Ca Mao" (Vịt Cà Mau), mà Phù Sa xin tóm lược để giới thiệu cùng độc giả.

 

* * *

 

Ba nhà báo, hai trai một gái - Antoine (Pháp), Morgan (Mỹ) và Charlotte (Anh, phóng viên ảnh) - thỏa thuận nhau cùng đi Cà Mau để thừa dịp tiến vào mật khu giải phóng, hy vọng tận mắt quan sát được thực tế. Cả ba ngồi xe đò đi Cà Mau, tiếng là đi thăm Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát (UHQT), rồi sau đó mướn xuồng đuôi tôm đi vào bưng. [Trên phương diện sanh hoạt nghề nghiệp thì năm 1973 OT đã rủ Chantal Charpentier, phóng viên ảnh và Ron Moreau, ký giả tuần báo Newsweek, nói được tiếng Việt, cùng đi vào vùng đất do CPLT kiểm soát]

Ba nhà báo biến khỏi cảnh quang Việt Nam Cộng Hòa làm chánh quyền tỉnh bấn loạn lên, phải mở hành quân đi tìm họ lôi về. Không những bên phía VN vừa lo ngại cho sự an toàn của họ, vừa sợ mất uy tín, mà cả bên phía Hoa Kỳ, do mật báo của đường dây tin tức riêng, cũng băn khoăn với sự biến mất của ký giả HK, Morgan T. Berstin. Ngoài ra chánh quyền tỉnh còn có nhiệm vụ giải thích với thượng cấp là tại sao sơ sót trong sự kiểm soát lãnh thổ.

Cả ba ngồi xuồng máy đi dọc con kinh Bà Bèo, tìm đường tiến vào bưng, nhưng đến một cái đồn ven biên Cà Mau thì gặp trở ngại. Qua tài điều đình của họ, trưởng đồn cho biết rằng phải có thỏa hiệp với phía CPLT. Như vậy, chuẩn úy đồn trưởng nói phải chờ bên kia trả lời. Trong khi chờ đợi, ba nhà báo nghĩ rằng nếu trở về Cà Mau đợi thì chắc khó đi trở lại được.

Họ muốn ngủ nhờ ở nhà dân một đêm nhưng ai dám cho họ làm như vậy, vì nếu bên phía VNCH biết được thì chủ nhà cho ngủ nhờ sẽ bị chánh quyền làm tình làm tội. Bí nước, cùng đường cả ba lững thững, chán chường lội ngược về Cà Mau. Thối chí và mệt nhoài, ba người dừng chân ở một nhà lá rách bươm xin nước uống. Bất ngờ và vô tình, họ chạm trán với một tiểu đội VC.

Chừng năm sáu người gì đó. Không có đồng phục gì ráo, ai có gì mặc nấy, bà ba đen, sơ mi xanh, quần tây nâu,... chỉ có nón tai bèo là như nhau. Võ khí thì tạp nhạp, kẻ súng dài, người lựu đạn,... Chỉ một người mang súng ngắn. VC chăng? Người mang súng ngắn – tên Trần Đình Đạo - nói chuyện với ba nhà báo thì mấy người kia bao bọc quanh nhà, mặt nhìn ra ngoài, trong thế canh phòng.
- Được biết mấy người muốn đi tham quan vùng giải phóng. Cứ trở vô thành phố chờ "Trên" trả lời.

Ba nhà báo lại ngán ngẫm trở về thành phố Cà Mau nhưng đi mà chẳng muốn tới. Đang đi thì người dẫn đường gặp một kẻ đưa tin nói gì nho nhỏ, rồi người dẫn đường trở lại cho ba nhà báo biết:
- Cà Mau loạn lên vì mấy ông bà mất tích. Họ đang hành quân tìm bắt về. Họ cho quân càn quét hai bên bờ kinh.

Tình hình có vẻ nguy kịch cho ba nhà báo vì trên trời trực thăng bay quần tìm kiếm. Đại tá tỉnh trưởng Cà Mau quyết tâm tìm bắt cho bằng được ba nhà báo. Người dẫn đường chỉ bảo cho họ kỷ thuật di chuyển tránh tầm quan sát của trực thăng, theo lối du kích. Người cán bộ cộng sản súng ngắn lúc nảy xuất hiện trở lại và cho biết:
- Tình hình của ba người có vẻ căng. Tôi được "Trên" đề nghị với ba người hai giải pháp. Một là trở lại thị trấn Cà Mau ngay. Hai là theo tôi vào khu giải phóng.

Giải pháp thứ hai đúng ý ba người Tây phương lạc giữa đồng quê, vậy là một chuyến "vạn lý trường chinh" bắt đầu. Ba người da trắng di chuyển hàng dọc cùng với nhóm du kích quân, lúc ẩn khi lộ dưới tàn cây, giống như dẫn độ tù binh. Họ cứ liên miên đi, xuyên qua những xóm nhà xiêu vẹo, hoang phế, cháy dở không ai dọn dẹp, những bãi chiến trường xưa cũ bị bỏ bê,... Đoàn người lúc đi, lúc dừng chân nghỉ, lang thang, quanh qua quẹo lại, như không có điểm tới. Hình như người của CPLT muốn đánh lạc hướng các nhà báo. Thỉnh thoảng họ dừng chân dưới lùm cây, bụi cỏ, chân đi tránh những bải mìn, mà chỉ có du kích mới biết.

Đoàn lữ hành đi tổng cộng cũng phải năm tiếng đồng hồ, trung bình khoảng năm cây số giờ. Trừ thời gian nghỉ chân ăn uống, như vậy họ đi lối hai mươi cây số. Nhưng họ đâu có đi thẳng đường chim bay, mà vòng vo tam quốc, chẳng biết đâu mà rờ. Bây giờ muốn tìm lại lối ra cũng đâu phải dễ. Ba nhà báo như lọt vào mê hồn trận, trao phận mình cho toán du kích.

Đêm chụp xuống nhanh chóng, toán du kích như cá gặp nước, không còn sợ máy bay quan sát nữa. Vũ trụ bây giờ là của họ, của đoàn quân ma. Mỗi nhà báo có một du kích cầm đèn bấm hướng dẫn. Họ lần bước đi theo người du kích dẫn đường, không dám rời nửa bước. Trong bóng đêm hàng trăm hàng ngàn ánh lửa nổi lên, di chuyển đây đó như những ánh lửa ma trơi. Đường ánh sáng mặt trời còn lại ở chân trời phía Tây rồi cũng biến mất, xa xa tiếng trời gầm hoà lẫn với tiếng trọng pháo 75.

Toán du kích phụ trách ba nhà báo nằm tại một ấp nhỏ chờ lịnh "Trên" cả tuần rồi mà không thấy gì hết. Lịnh lạc trong mật khu di chuyển bằng giao liên nên phải lâu lắc. Hơn nữa chuyện báo chí đi tham quan thì có gì khẩn cấp. Nói là nằm nhưng đâu phải họ cố định một nơi, mà mỗi đêm di chuyển một nhà, ban ngày thì không ở lâu một chỗ quá hai tiếng đồng hồ. Ông Đạo không tiết lộ địa điểm với ba nhà báo, nhưng họ nghĩ là chẳng đi đâu xa. Chỉ quanh quẩn ven biên Cà Mau để thừa hưởng vùng phi chiến giáp ranh quốc cộng.

Một buổi chiều, sau bữa cơm tối, bình tỉnh uống trà, đàm đạo bâng quơ, bỗng dưng ông Đạo nói với ba nhà báo:
- Đã có quyết định của "Trên", chúng ta sẽ hành quân trong vòng một tiếng nữa. Ba người chuẩn bị nghỉ ngơi, chuyến đi hơi xa.

Mỗi ký giả một chiếc xuồng tam bản, không có gắn máy mà di chuyển bắng mái dầm hoặc bằng sào. Họ di chuyển ban đêm, không đèn đuốc gì hết, trong khi những chiếc xuồng qua lại trên sông đều có đèn chong hoặc đuốc. Một vài bến đậu có nhiều ánh sáng, có vẻ như xuồng buôn tụ tập lại. Sinh hoạt ban đêm rất thịnh hành ở những vùng giải phóng.

Bình minh đã ló dạng, màn đêm mỏng lần, trời đã bớt sao. Mấy chiếc xuồng cập bến vào một cái cầu gỗ, trên đó có nhiều tiếng người. Tiếng kêu của gà vịt xôn xao. Tiếng chó sủa rân. Ông Đạo cho biết đã tới nơi. Thoắt cái, ông Đạo và những người du kích áp tải biến đâu mất, không cần từ giả. Một nhơn vật khác, khá bảnh trai, đầu chải tém, xuất hiện chào hỏi ba nhà báo và cho biết từ lúc này ông là người chịu trách nhiệm về họ. Coi như thay thế ông Đạo.

Mấy ký giả nối gót đi theo ông ta trên con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, dưới tàn cây rậm rạp. Cứ trăm thước có một người lính canh, với súng trường AK-46 lẫn M-16. Ba nhà báo được đưa vô một căn nhà ngói khá to, nằm giữa nhiều nhà lá nhỏ. Những chị phụ nữ dọn cơm và bày nước cho nhà báo. Là người duy nhứt nói được tiếng Việt, Antoine định mở miệng nói chuyện thì bị ngăn cấm liền.

Mới giao tiếp đã bị khiển trách, ba nhà báo ăn trong yên lặng. Thậm chí giữa họ với nhau cũng không ai nói năng gì. Họ có cảm tưởng như là tù, không phải là khách, mặc dầu họ tình nguyện đi "tham quan". Cảm tưởng đầu tiên không mấy đẹp. Họ như bị giam lỏng trên một cù lao ba mặt có kinh đào, bị nước bao vây, đi đâu cũng gặp lính canh, gọi là để bảo đảm an ninh.

Gian nhà họ tạm trú bày biện như nhà bình thường. Cũng ba gian hai chái, giữa là bàn thờ tổ tiên, bàn dài tiếp khách với bộ ấm chén và hai bên bốn cái giường. Morgan và Charlotte một phía và Antoine, phía bên kia.

Hai ngày đầu, ba nhà báo được để yên, chẳng ai nói rằng gì tới, tùy nghi sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Ngày thứ tư, con người bảnh trai phụ trách ba nhà báo, đưa tới một nhơn vật khác hỏi han sơ yếu lý lịch, họ, tên, tuổi tác, đến VN từ bao giờ, làm việc cho báo nào,... Như điền vào tờ khai nhập cảnh mà khỏi phải viết.

Tại sao đến Cà Mau? Có gặp chánh quyền Sài Gòn ở Cà Mau không? Có gặp nhơn viên UHQT không? Có gặp Lãnh Sự Quán HK không? Như chừng ba nhà báo là những tên gián điệp. Tự thấy chuyện điều tra lý lịch của mình đi hơi xa, người điều tra đổi ngay thái độ, nhoẻn miệng cười cởi mở, mời nhà báo uống trà. Sau đó, ông nói chuyện hàn huyên giả lả.

Mấy ngày sau, ông ta trở lại, cũng hỏi bao nhiêu yếu tố đó, thêm bớt đôi chút cho có lệ. Nhưng phen nầy thì có thêm câu mở đầu "Cấp Trên muốn biết..." Sau hai giờ hạch hỏi, người điều tra để rơi mặt nạ nghiêm túc khó chịu và mang lấy nét dịu dàng hiếu khách để lại mời uống nước.

Sau đó mọi chuyện cứ im lặng như không, quyết định của "Trên" sao mà lâu quá. Ba nhà báo phải ngụy trang lòng nôn nóng của họ qua những sinh hoạt bình thường không giống ai hết. Trong khi chờ đợi quyết định của "Trên", mỗi phóng viên tự xét mình qua những bài viết của chính mình trong quá khứ. Không biết có bài nào xâm phạm đến tự ái của những con nguời kháng chiến không, làm cho họ phải đắn đo, nên chưa quyết định.

Khoảng ba tuần sau, vào lúc xế chiều, một toán người xuất hiện, đi đầu là một ông nhỏ con, mặc toàn màu đen, đi dép râu, đầu đội nón tai bèo, bên hông kè kè cây súng ngắn. Những người chiến sĩ súng dài đi bao quanh, bảo vệ. Một người của "Trên" chăng? Người "bảnh trai" giới thiệu:
- Đồng chí Trần Văn Chu sẽ đại diện "Trên" trả lời quý vị.

Người không cao, ốm xanh như qua cơn rét rừng, đôi mắt ngời sáng. Ông xin lỗi đã để cho ba người phải chờ hơi lâu, vì họ xuất phát từ rừng U Minh. Bao nhiêu cây số lội bộ và đi xuồng nên phải mất hai ngày, ba đêm. Đúng nghi thức xã giao cách mạng, ông Chu hỏi thăm sức khỏe nhà báo, nguyện vọng của họ, rồi cho biết là phải có một chương trình tham quan. Y chang những gì Morgan đã nghe và thấy ở Hà Nội.

Antoine cho biết mục đích yêu cầu của chuyến tham quan:
- Chánh quyền SG nói rằng các ông không hiện hữu, không có thật. Các ông chỉ kiểm soát những vùng đất chết không sản sinh được gì hết và chỉ nắm được mấy ngàn dân chúng. Có đúng không?
Ông Chu ghi ghi chép chép, gục gặc đầu rồi mĩm cười.

Charlotte tiếp lời Antoine:
- Nhiều năm qua, chúng tôi chỉ nhìn thấy cảnh tàn phá của chiến tranh. Bây giờ, chúng tôi muốn biết trong tương lai các ông sẽ làm gì cho quần chúng.
- Tôi nghĩ thắc mắc của cô là điều hay.
Morgan cho biết:
- Chúng tôi chắc khó gặp quý vị bộ trưởng chánh phủ lâm thời. Xin cho gặp ủy ban hành chánh tỉnh cũng được, để thảo luận về tình hình chánh trị.
Không trả lời dứt khoát, ông Chu chỉ nói rằng sẽ trình lên "Trên".

Nguyện vọng cuối cùng và cấp thiết nhứt là các ký giả muốn được tự do đi lại. Như gián tiếp ra lịnh, ông Chu tuyên bố là họ được hoàn toàn tự do. Quân lính đi theo là để bảo vệ mà thôi. Tin hay không tin, tùy ý mỗi người.

Chu được lịnh của "Trên" phụ trách đám nhà báo tham quan vùng giải phóng với nhiệm vụ làm cho họ thấy thực tế của tình hình, chỉ rõ những vi phạm của SG, làm nổi bật tội ác của SG và chứng minh cho họ thấy thực chất của chánh phủ lâm thời. Đây là một cơ hội để tuyên truyền cho tổ chức. Mỗi ngày Chu phải báo cáo cho tỉnh ủy hoạt động của toán và hằng tuần một phúc trình chi tiết hơn. Toán gồm có hậu cần, thầy thuốc và một số chiến sĩ.

Qua máy thâu thanh, Antoine nghe được Đài Giải Phóng đưa tin về ba nhà báo. Bản tin cho biết là ba nhà báo ca ngợi vùng mật khu, khác biệt với SG như "ban đêm với ban ngày", theo cách nói của người đọc tin. "Họ được dân chúng nhiệt liệt chào mừng". Cứ theo luận điệu tuyên truyền vô căn cứ như vậy, ba nhà báo sợ rằng khi trở về SG họ sẽ gặp khó khăn.

E ngại và đắn đo, ba nhà báo tìm cách khéo léo nêu vấn đề với ông Chu. Ông nầy ghi ghi chép chép vào sổ tay, cam kết sẽ nêu vấn đề với "Trên". Nhưng trong vùng giải phóng tất nhiên công văn công điện gì cũng phải có thời gian di chuyển của nó. Ông Chu khôn khéo cất máy thâu thanh đi, không nghe đài trước mặt nhà báo nữa.

Chương trình đã thiết lập bắt đầu áp dụng. Sinh hoạt bắt đầu khi đêm vừa xuống. Ngày nào cũng có một giấc ngủ trưa. Không khi nào cố định một chỗ quá hai đêm. Thường xuyên di chuyển. Đi đến đâu, nông dân cũng kể lại những hành động xấu xa của "ngụy quân" SG, nào cướp bốc, hảm hiếp, những hành vi man ri mọi rợ, vi phạm hiệp định,... Đâu đâu, ba nhà báo cũng nghe nói hai chữ hòa bình.

Đàm đạo với ông Chu rất là khó. Thay vì trao đổi hiểu biết, trao đổi tình hình thì họ chỉ gặp những luận điệu rập khuôn như bài học cộng sản chủ nghĩa. Cái gì cũng dựa trên Đảng nói hay căn cứ theo những gì "Bác dạy". Với sự nhồi nhét của cán bộ, người nông dân nào cũng nói như trả bài, cùng một luận điệu. Nhơn viên UHKS đều là những tên đóng kịch ăn lương Mỹ vì toàn ở doanh trại của Mỹ, sử dụng tàu bay Mỹ.

Ba nhà báo tiếc rằng chánh phủ lâm thời không có loại tiền giấy hay tiền đồng riêng, không có tem thơ riêng, là những thứ họ có thể đem về làm kỷ niệm. Cứ hô hào là vùng giải phóng mà mãi mãi sử dụng tiền bạc, tem thơ SG. Thậm chí trà, cà phê, đường, nước mắm cũng mua của SG. Chỉ có gạo, gà, vịt, thịt heo và rau cải là sản phẩm địa phương thôi.

Một buổi nọ, ông Chu trịnh trọng tuyên bố:
- "Trên" thuận cho ba ông bà gặp những chức việc của ủy ban hành chánh tỉnh và có thể là viên chức cấp cao hơn. Để xem. Quý vị nghỉ cho khỏe để chuẩn bị chuyến đi. Cũng phải hai ngày đường.

Antoine bị trặc chưn không đi được, còn cô Charlotte thì cũng viện cớ này nọ ở lại luôn. Chỉ có mình ký giả Mỹ, Morgan đi cùng với năm người của CPLT. Sau ba tiếng đồng hồ di chuyển, họ tới điểm hẹn, một vùng rừng trống, cây cối xung quanh rậm rạp, ở giữa là một gian nhà lá, không vách. Giữa nhà là một bàn dài, hai bên hai băng, đàng xa có một lô băng song song như trong một lớp học.

Ở bàn họp, đã ngồi sẵn hai ông, một bà. Ông Chu giới thiệu chức vụ mà không nói tên, người mang súng lục là ủy viên hành chánh tỉnh Cà Mau. Người đàn bà kia, ăn mặc chải chuốt, vòng vàng son phấn, được biết là "tư sản sáng suốt và tiến bộ của thành phố Cà Mau". Còn ông sư cao tuổi, với áo cà sa ủi thẳng tấp, là Thượng Tọa Trí Vạng, cũng là nhà tu "sáng suốt và tiến bộ".

Sau phần nghi lễ trà bánh để tiếp khách Mỹ "tiến bộ" là hai ngày dài "đối thoại". Cũng những nghi thức mà Morgan đã từng thấy ở miền Bắc, trong chuyến đi Bắc Việt trước kia. Biết bao nhiêu là thắc mắc Morgan muốn được giải đáp. Nhưng ông gọi là nhơn viên cấp cao kia toàn nói và chỉ trả bài mà không trả lời gì hết. Còn ông sư cứ lim dim hai mắt và bà "tư sản sáng suốt và tiến bộ" của Cà Mau cứ tiếp tục gật gù, không phát biểu gì ráo trọi.

Biết bao nhiêu vấn đề Morgan muốn được sáng tỏ về ngừng bắn, về tổng tuyển cử, về thống nhứt, nói chung là về hòa bình,... nhưng viên chức "cấp cao" kia chỉ vòng vo tam quốc, kiếm cớ thối thoát, không khi nào trực tiếp vấn đề. Lúc nào cũng bắt đầu bằng "thực chất của vấn đề là..", "thực tế là..." hay đổ lỗi cho Sài Gòn vi phạm.

Một hôm nọ, "Trên" lịnh cho địa phương tổ chức đêm liên hoan cho phái đoàn nhà báo tham quan. Quận ủy địa phương có nhiệm vụ tổ chức. Trời nhá nhem tối, quần chúng, không biết từ đâu tới mà tập họp cở ba bốn ngàn người. Ban tổ chức chắc phải vận dụng ghe xuồng chở dân từ khắp nơi đến, chớ tại địa phương thì làm gì có số dân đó.

"Ngàn năm, một thuở" được dịp tụ tập lại, đám đông tha hồ trò chuyện, nói nói cười cười như hội chợ. Hàng quán tha hồ buôn bán thức ăn, nước uống. Riêng đoàn khách ngoại quốc được ông Chu lo cho thật chu đáo, với phí tổn do huyện ủy đài thọ. Cứ nước trà và kẹo bánh hậu hỷ, tiếp tục chào mời.

Mở đầu bằng lời khai mạc của ban tổ chức, dài vòng văn tự, những lời nói của lãnh tụ được lập đi lập lại, kết thúc bằng những tiếng vỗ tay ỏm tỏi. Kế tiếp là bài nói dài gấp đôi của Bí Thư Huyện, cũng lang thang những câu nói sẵn có của lãnh tụ và nhứt định không bao giờ thiếu câu nói để đời của "Bác" là :"Không có gì quý hơn độc lập tự do". Ông Bí Thư dứt lời là một đợt vỗ tay rầm rộ nổi lên vang vậy cả cánh đồng.

Sau đó là một đợt đơn ca, tốp ca, mấy màn vũ, một lớp cải lương và sau cùng là một cái kịch yêu nước chủ chốt, nói lên cái chết hào hùng của một người trẻ hy sinh cho lý tưởng. Ngần ấy sinh hoạt mà cũng mất gấn năm tiếng đồng hồ. Phái đoàn khách ngồi mỏi cả bàn tọa, phải đứng lên, ngồi xuống luôn.

Chuyện đương nhiên là thế nào cũng phải có nhận xét của các nhà báo. Những nhận xét thật tình, nhưng chạm tự ái cách mạng không ít. Cái vui thật thà chất phác của cách mạng nhà quê làm sao người Tây phương thưởng thức được. Từ nhận thức kỷ thuật cấp cao của Tây phương đem áp dụng cho kỷ thuật nhà quê thì biết nói sao bây giờ? Ông Chu đành kết luận:
- Chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn. Đúng như ông Morgan đã nói với tôi hôm nọ là nên "nghệ thuật hóa" chánh trị hơn là "chánh trị hóa" nghệ thuật.

Nhóm VC đang thuyết trình cho ba nhà báo chương trình nông nghiệp của CPLT thì đạn pháo bay vèo vèo gần căn nhà. Báo động đỏ, ông Chu cho ba nhà báo di tản xuống hầm và cấm cửa không ai được di chuyển ra ngoài. Tiếng súng lớn nghe thật gần, có cả tiếng súng phòng không. Một hồi sau, ông Chu giải tỏa báo động, nét mặt đầy kiêu hảnh cho biết:
- Ta hạ được một máy bay lên thẳng!

Dĩ nhiên là ba nhà báo được hướng dẫn tới quan sát chiếc trực thăng bị hạ. Trời ơi, quân CPLT bắn hạ trực thăng sơn trắng của UBKS. Những người chết trong trực thăng không ai khác hơn những sĩ quan Gia Nã Đại, Balan quen thuộc với họ. Nhưng ông Chu cho rằng đó là những nhơn viên giả do Mỹ ngụy tạo, vì VC tuyên truyền rằng UHKS Cà Mau là do Hoa Kỳ dựng lên để binh vực chánh phủ SG.

Tuyên truyền CS đã ăn sâu vào đầu óc cán bộ của họ rồi không sao tẩy rửa được. "Trên" đã cho là như vậy rồi thì nó là vậy thôi, không còn chân lý nào khác. Và chân lý đó không bao giờ thay đổi. Cán bộ đã tin như thế rồi thử hỏi dân quê làm sao nghĩ khác hơn được. Với kinh nghiệm của mình trong chuyến tham quan miền Bắc, ký giả Mỹ Morgan thấy rõ người chiến binh CPLT cũng ít cỡi mở, nặng tánh bè phái và đầu óc cùn mằn, chẳng khác gì anh dân quân Bắc Việt.

Sau biến cố, ông Chu nghĩ rằng chánh quyền Tỉnh Cà Mau để ý đến làng đó nên di chuyển ba khách tham quan đến địa điểm khác, xa tỉnh lỵ hơn về phía Nam, cho an toàn. Đi bằng xuồng cũng gần hết đêm. Ba nhà báo cứ thao thức, bàn tán, nghĩ rằng những người hữu trách – Toà Lãnh Sự Mỹ và UBKS – đang rộn rã đi tìm họ.

Toà tỉnh cũng rộn ràng không ít về an ninh của ba ký giả, bây giờ câu chuyện đã đến tai của SG, qua hệ thống của Hoa Kỳ. Theo tình báo tiểu khu thì CPLT đã đưa ba nhà báo đi ngang đi dọc, khi giáp Cà Mau, lúc xa ra xuống miệt rừng tràm Năm Căn, cứ di chuyển lung tung,...

Thi hành lịnh "Trên", ông Chu tổ chức nhiều tiệc tiễn đưa, sau thời gian dài đón tiếp ba ký giả Tây phương. Liên hoan với cán bộ của những xã đã đi qua, liên hoan với chiến sĩ đã có công trong việc bảo vệ an ninh, liên hoan với thầy cô của trường trung học đã ghé thăm,... Phần chánh của liên hoan được nhà báo hoan nghinh hơn hết là thức ăn được "cải thiện" thấy rõ, mà phần lớn là món thịt vịt, chế biến đủ kiểu: vịt luộc chấm nước mắm gừng, vịt nướng, vịt nấu cháo,... Thế nhưng, ngày lên đường là điều mong chờ nhứt thì không thấy ông Chu nói đến.

Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường, ông Chu tiết lộ rằng "Trên" quyết định "hành quân từ mật khu ra vùng tề qua hai toán". Antoine, nhà báo Pháp, hành quân đường bộ, cùng với toán giao liên độ mươi người, "tập kết" phía Bắc Cà Mau. Cô nhiếp ảnh, Charlotte và ký giả Mỹ Morgan thì sử dụng đường thủy, ra phía Đông Cà Mau, giữa Bạc Liêu và Cà Mau.

Toán của Antoine cứ lầm lũi đi, người này cách xa người kia, không ai nói với ai. Đêm đi ngày nghỉ. Cũng phải đi được hai mươi cây số. Một sáng nọ, sau giấc ngủ yên lành, Antoine thức giấc thì toán giao liên giải thích hành trình sắp tới cho ông, với những gì ông phải làm. Sau đó, Antoine tự do và độc lập hành động vì đã được trả về môi trường sinh sống của ông.

Khi đoàn người vừa qua khỏi bìa rừng thì một loạt súng nổ trước mặt. Đoàn người hộ tống Antoine bị phục kích, bắn trả để tháo lui. Mạnh ai nấy lo thân, Antoine không quen với súng đạn, chưa kịp trở bước thì một trái lựu đạn nổ tung, làm ông banh xác.

Chiếc ghe máy chở toán hộ tống Charlotte và Morgan ngừng tại cầu tàu của một nhà có treo cờ Mặt Trận. Người ta giao hai nhà báo cho hai người phụ nữ, có nhiệm vụ đưa hai ký giả ra vùng "tề". Từ đây trở đi, ghe xuồng nào cũng có cắm cờ vàng, ba sọc đỏ.

Chiếc ghe qua ngang đồn, bên phía bờ sông đối diện, người lính canh kêu lại vì thấy có người da trắng trên ghe. Người ta giải thích là xuồng của mấy người Tây bị nạn nên hai bà người Việt ra tay tế độ. Trung sĩ đồn trưởng hỏi:
- Còn người thứ ba đâu?
Thì ra, người ta đã từng theo dõi ba nhà báo từ lâu. Ông trưởng đồn liên lạc vô tuyến với chi khu và cho biết sẽ có người đến rước đi.

Người ta áp tải hai nhà báo về tiểu khu để trình với đại tá tỉnh trưởng. Qua can thiệp của đại diện Hoa Kỳ, tòa tỉnh đồng ý đưa cô phóng viên ảnh đến trụ sở Mỹ, đầy đủ tiện nghi hơn. Nhứt là Charlotte có vẻ không được khỏe lắm. Đại tá tỉnh trưởng tạm giữ Morgan lại để trao đổi ba điều, bốn chuyện.

Qua đối thoại, Morgan biết được cái chết của Antoine và sẵn đó, tiểu khu cũng khoe khoan là họ biết được ba nhà báo đã làm gì và đi những đâu trong mật khu, dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng trăm phần trăm. Sở dĩ Antoine bị chết là do "trục trặc chiến thuật" ngoài ý muốn của Tỉnh.

Sau đó, Charlotte và Morgan được đưa đi Cần Thơ và lên SG, qua một vài thủ tục tra hỏi lấy lệ. Vì họ, thứ nhứt là nhà báo và thứ hai là Mỹ và Anh, nên dù từ vùng VC ra nên quan chức VN cũng phiên phiến lấy lệ, nghe được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vì bị mệt nên cô phóng viên ảnh được đưa ngay đến nhà thương Đồn Đất, còn nhà báo Mỹ thì sau khi hỏi chuyện qua loa, được đưa về trụ sở cơ quan thông tấn liên hệ ở khách sạn Continental.

Vì tế nhị ngoại giao nên Charlotte và Morgan không bị tống xuất khỏi VN. Thế nhưng cả hai bắt đầu thấy chán chường với chiến cuộc VN, nên lần hồi cũng tìm cách hồi hương và thay đổi nhiệm sở. Chặng đầu tiên, Charlotte bay về Luân Đôn còn Morgan thì ghé qua Tokyo trước khi đi Nữu Ước.

Sau thời gian tĩnh dưỡng, Charlotte nhận nhiệm sở mới ở Luân Đôn còn Morgan bị hậu quả của cơn rét rừng hành hạ phải nằm nhà thương. Trên giường bịnh, Morgan suy ngẫm câu chuyện đời mình, nhứt là giai đoạn vào mật khu CPLT vừa qua.

* * *

Có phải chăng trong số những người giao liên trong toán hộ tống ba nhà báo có người làm điềm chỉ viên cho Đại Tá Tỉnh Trưởng? Có phải họ đã bán đứng mạng sống của Antoine? Có quá nhiều ẩn số mà Morgan không tài nào giải thích được.

Trong vấn đề VN này, có quá nhiều người vô tội, nên không thể nào quả quyết được ai là kẻ có tội. Bọn chóp bu thì khác. Như ông Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, cứ cam kết là không phi công Mỹ nào bị tra khảo. Thực tế thì khác. Morgan cho là mình cứ ngây thơ, cứ tin tưởng rằng CPLT, chủ yếu là khác biệt với HN.

Xưa kia, đầu thế kỷ thứ XV, dưới đời Nhà Hồ, để lấy lòng Trung Hoa, vua chúa VN, trên thực chất chịu cảnh chư hầu Tàu, để có độc lập thực sự. Cón bây giờ giữa HN và CPLT, tương quan cũng giống vậy nhưng lại đảo ngược, nghĩa là chư hầu thật mà độc lập trá hình. Rồi đây nước đỏ sông ngòi HN sẽ hòa lẫn với nước đen của sông rạch Cà Mau.

Cộng sản chủ nghĩa đâu phải là tuổi thanh xuân của thế giới. Nó là một trong những căn bịnh trầm trọng nhứt của hoàn vũ. Người ta đã phát hiện ra những trại tập trung ở Liên Xô, rồi ở Trung Cộng. Chừng nào tới VN đây? (Lúc bấy giờ - 1973 - chưa có). Trước cổng nhà tù Đức Quốc Xã có khẩu hiệu:"Lao động là giải phóng". Trại tập trung Liên Xô thì hô hào:"Lao động là vinh quang, là dũng cảm và anh hùng". Chẳng khác tí nào hết. Khi thần thánh tự cho mình linh thiêng rồi thì họ trở thành những quan tòa hắc ám nhứt.

* * *

Từ Cambridge, Charlotte gởi tặng Morgan một bức ảnh to bằng thật, trong đó có ba con vịt, một nâu đốm đen còn hai con kia trắng, mõ và chân màu vàng cam – ba con vịt trên bờ kinh Cà Mau.

Phan Quân


 

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.