.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

Vết chém cuối cùng

(Viết khi nhận được tin CSVN ký nghị định 72 cấm tổng hợp tin qua mạng xã hội đã ký hôm 15/7, chính thức công bố hôm 31/7 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2013)
Phong Thu.

Lếu vừa từ trường Cao Đẳng Kinh Tế trở về nhà mặt anh buồn so. Anh quăng cái cặp da vào góc bàn rồi lũi vào phòng đóng cửa lại. Đã hơn một tuần nay thái độ lầm lì của Lếu khiến cho bà Bí rất lo lắng. Nhưng bà không muốn hỏi anh vì Lếu vốn không muốn lắm lời. Tuần nầy, Lếu đã thi tốt nghiệp Cao Đẳng xong, bà muốn bàn với chồng cho Lếu đi sang Mỹ du học. Nhưng mỗi lần hỏi ý kiến thì Lếu nín thinh không trả lời gì cả. Hôm nay, bà Bí thấy con trai đi nhận bằng tốt nghiệp hạng ưu về, mà mặt mày bí xị nên cũng chạy lại gỏ cửa phòng hỏi han, lo lắng:

“Lếu à! Có chuyện gì cho mẹ biết nào? “

Không có tiếng trả lời. Bà Bí tiếp tục nài nỉ:

“Con ra ăn cơm đi. Bố đang chờ con đấy.”

Giọng nói của Lếu gay gắt:

“Mẹ và bố ăn đi. Con không ăn đâu.”

“Tại sao thế? Nói cho mẹ nghe có chuyện gì vậy?”

“Không có gì cả. Mẹ đừng lo cho con?”

Bà Bí dậm chân than thở:

“Giời ơi! Bố mầy bận suốt ngày không bao giờ về nhà. Còn mầy thì luôn giận dỗi. Thật là khổ cho mẹ.”

“Mẹ đừng có làm phiền con? Con không muốn gặp bố, con không muốn ở trong căn nhà nầy nữa. Con muốn dọn ra ngoài sống một mình thôi.”

“Sao lại thế hở con. Bố mẹ chỉ có một mình con. Nhà cao, cửa rộng, giàu sang thế nầy mà không ở, lại muốn ra ngoài sống một mình. Con có điên không?”

“Con không thèm sống trong căn nhà nầy. Con không muốn làm con của một ông Chủ Tịch, con chỉ muốn làm dân thường thôi cho được yên thân mà không bị người đời dè bĩu, khinh khi. Con không thể sống mãi như thế nầy.”

Bà Bí gào lên:

“Giời cao đất dầy ơi! Con nói gì thế. Cả một đời bố mẹ đi theo cách mạng, chiến đấu vào sinh ra tử mới có ngày hôm nay. Bây giờ, những gì bố mẹ mơ ước đã trở thành sự thật. Bố làm quan lớn, nhà cửa khang trang, xe ô tô đắc giá nhất Việt Nam. Con xem, có khối người nằm mơ cả đời chưa chắc được. Vậy mà con chê sao?”

Lếu hét lớn:

“Tôi không muốn nghe. Các người suốt ngày lải nhải chuyện quyền chức, lợi lộc, tiền đô la, vàng, nhà cửa, xe cộ… Các người có cái gì tốt hơn để bàn, để nghĩ hay sao? Tôi chán lắm! Tôi nghe đầy lổ tai đến phát điên lên. Bà để tôi yên.”

Bà Bí đập cửa rầm rầm tru néo lên:

“Ông ơi! Ông vào đây xem thằng Lếu nó đang lên án mình.”

Nghe tiếng vợ quát tháo, khóc lóc nên ông Láo rời bàn ăn và đến hỏi vợ:

“Chuyện gì thế? Nó lại nhịn ăn nữa phải không? Bà đừng có lo. Nó không chết đâu. Bà đi ăn cơm đi. Tôi còn bận đi họp chiều nay.”

Nói xong ông nắm tay bà kéo đi về phòng ăn. Cô Sen, người giúp việc trông nom quét dọn nấu nướng trong nhà. Cô thấy ông Láo không vui nên hỏi:

“Ông à! Có chuyện gì thế? Cậu lại không ăn cơm nữa à! Vậy thì ông bà cứ ăn đi. Cháu sẽ năn nỉ cậu sau.”

Ông Láo nhìn Sen bằng đôi mắt thật đầm ấm:

“Cô đừng có lo cho thằng đó. Nó lớn rồi. Nó tự lo cho nó. Nó không ăn vài hôm nó không chết đâu. Thằng con trời đánh.”

“Tại cậu còn trẻ mà. Tôi…tôi..”

“Thôi! Cô lo cho vợ chồng tôi cũng đã mệt rồi. Đừng bận lòng. Đi lấy cho tôi chay rượu Tây đi nhanh lên.’

“Dạ, thưa ông.”

“Đừng có vâng dạ khách sáo lắm!”

Cô Sen trao cho ông một chai rượu. Ông rót rượu ra chiếc ly thuỷ tinh và trao cho vợ:

“Bà uống một tí cho ấm bụng, tiêu cơm.”

Bà Bí cầm ly lên nhấp vài ngụm rồi hỏi:

“Thứ rượu ngoại nầy đắc giá lắm đây. Ai cho ông vậy?”

“Người quen đó mà. Họ mang ơn vợ chồng mình nên đi đâu về cũng mua biếu tặng lung tung. Thôi mình ăn đi.”

Cô Sen đứng gần bên xới cơm cho hai ông bà. Mùi thịt bò xào đậu, cá biển chiên xù ướp cà chua, canh chua cá bông lau và thơm. Toàn là những món ăn mà cô Sen biết ông rất ưa thích. Ông vừa ăn vừa khen:

“Hôm nay cô nấu mấy món nầy ngon lắm. Cô càng ngày nấu càng ngon.”

Cô Sen mặt đỏ ửng. Cô vui vẻ đáp:

“Miễn là ông bà vừa long là tôi vui rồi.”

“Nè! Tôi sẽ thưởng cho cô một xấp vải lụa của Pháp để may quần áo để thưởng công cô lo cho vợ con tôi.”

“Dạ, cảm ơn ông. Đó là trách nhiệm của con mà.”

“Cô đi ăn đi. Vợ chồng tôi có chuyện cần bàn riêng.”

“Dạ.” – Sen nói xong thì lui xuống bếp.

Còn lại hai vợ chồng. Ông Láo vừa ăn vừa nói:

“Mấy hôm nay tôi có cuộc họp quan trọng là đòi hỏi các Bộ quản lý báo chí truyền thông, internet phải có nghị định mới để siết chặt mọi thông tin trên net không có lợi cho chế độ.”

Bà Bí nghe chồng nói đã buông đủa xuống nhìn chồng. Miệng bà há ra để lộ những chiếc răng hô lởm chởm, vàng khè:

“Thế à! Chuyện nhà nước đã bị phê phán trên net từ lâu rồi. Tôi nghe đầy tai về chuyện các nhóm viết blog, nhóm nhạc sĩ, trí thức văn nghệ sĩ, nhà báo lung tung cả lên. Nhà nước cứ bắt, họ cứ viết… hình như càng ngày càng nhiều không thể ngăn chặn được.”

Ông Láo nhai một miếng cơm, nuốt nhanh vào bụng rồi trả lời:

“Nó là phong trào đó bà. Chính vì net mà các nước Trung Đông có loạn. Dân chúng đã giết những người cầm đầu chính quyền, giết Tổng Thống, tàn phá đất nước. Bà có muốn thấy Việt Nam rơi vào cảnh hổn loạn như vậy không?”

“Nếu có loạn thì dân sẽ giết hết chúng ta. Lâu nay, tôi không biết về máy móc, nhưng nghe rằng càng ngày người ta càng viết bài trên mạng lên án chế độ cộng sản, lên án cán bộ ngày càng gay gắt. Họ đòi tự do, dân chủ. Hứ! bọn phản động nầy phải thanh toán chúng mới được.”

Ông Láo nghe vợ nói cũng hậm hực trong lòng. Ông trả lời:

“Hừ! Chúng công khai lên án chế độ, phê phán Đảng và nhà nước, chửi bới chúng ta là lũ tham nhũng, bán nước, lũ cướp cạn, mafia đỏ. Nếu không trừ được bọn nầy thì danh dự, quyền bính, tài sản mà chúng ta cả đời dành dụm mới tạo nên sẽ tan thành mây khói.”

Bà Bí gật đầu:

“Bây giờ ông cán bộ nào nhà cửa cũng bạc triệu. Con cháu sống ở nước ngoài với tài sản kếch sù. Chúng ta cũng có nhiều đất đai, nhà cửa, vàng bạc… ăn tới đời chắc chưa hết. Tội gì để cho ai chiếm đoạt.”

Ông Láo nói cho vợ biết tin tức của chính phủ:

“Ban Chấp Hành Trung Ương hiện đang họp và có biện pháp. Sau đó, các ban ngành liên quan phải ra một nghị quyết cấm sử dụng net, viết blog và viết trên Facebook. Hiện nay các đồng chí Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Cục Trưởng Cục Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử đã trình lên Quốc Hội và Thủ Tướng phê chuẩn thành nghị quyết.”

“Nhưng thằng Lếu nó mê net lắm! Ông mà ra lệnh cấm là nó sẽ cự ông liền.”

“Thằng nầy ngu lắm! Nó đi theo bọn trẻ blogger. Mấy hôm nay, nó lên tiếng viết bài công kích nghị quyết tôi đề ra. Bởi vậy nó mới kiếm cớ trách gặp mặt tôi.”

“Thế à! Trời đất ơi! Sao nó dại thế.”

“Bà phải xem chừng nó. Nó vào web đọc những tin tức của bọn phản động nước ngoài và bọn không có đạo đức, chống đảng và nhà nước. Nó đang chống bố của nó. Thằng con trời đánh.”

“Khổ thế! Tôi sẽ cố gắng khuyên bảo nó. Ông ăn đi.”

Nằm trong phòng nhưng Lếu đã lắng nghe bố mẹ nói chuyện. Anh mở cửa, bước đến bàn ăn và đột ngột lên tiếng:

“Vâng. Bố mẹ hả hê với những gì mình có. Bố mẹ chỉ biết lên án người ta mà không nhìn lại những gì mình đã làm tổn thương đến người khác. Mình đang sống trên sự đau khổ của hàng triệu người. Của cải nầy con đâu có cần. Bố mẹ có biết trọng danh dự không? Còn lương tâm bố mẹ bỏ đi đâu? Ngày nào con đi học, con cũng bị chúng bạn khinh khi, nói bóng gió về ba mẹ, họ hàng nhà mình. Còn đây. Đây là những câu chuyện rất hay, rất tuyệt về đạo đức của gia đình ta. Bố mẹ đọc đi.”

Lếu quăng chồng giấy lên bàn ăn và bỏ đi. Bà Bí gọi với theo:

“Con đi đâu thế. Ăn cơm rồi hẳng đi.”

Lếu không buồn quay lại. Anh mở cổng dẫn xe mô tô ra và rồ ga đi mất. Bà Bí nhìn sấp giấy trên bàn và mở ra xem hàng tựa đầu tiên: “Gia Đình Mafia số 1 tại Việt Nam - Chủ Tịch Nguyễn văn Láo”. Bà đọc xong thì té xuống sàn nhà ngất xĩu…

***

Lếu dìu mẹ ra khu vườn hoa lớn phiá sau nhà. Hòn non bộ có hình tượng Phật Bà Quan Âm đang cầm chiếc bình hoa đưa lên trời. Nước từ nhành liễu trên bình hoa chảy thành dòng xuống bờ đá xanh, xám. Những con cá kiểng đủ màu to lớn bơi lượn lờ qua lại dưới đám lá sen. Vài cánh sen nở màu hồng nhạt nhô lên đón ánh mặt trời. Thường ngày, bà Bí ra đây đốt nhang, cầu khẩn. Bà rất tin dị đoan nên mời thầy về khấn vái và chọn ngày lành tháng tốt đắp bức tượng nầy để bà ngày đêm cầu nguyện cho gia đình làm ăn phát tài, hanh thông, giàu sang, quyền thế vững bền. Nhưng nay, những gì bà nguyện cầu đã không còn trở thành sự thật. Những vật chất, sa hoa mà bà khao khát cả một đời nay đã không còn mang lại cho bà hạnh phúc như mong muốn. Hạnh phúc đã đội nón ra đi. Nỗi đau bị chồng phản bội đã đánh gục bà. Bà tự trách mình quá ham tiền tài, danh vọng, ham bon chen và xem tiền là cứu cánh của đời sống. Bà ham muốn chồng mình sẽ là ông Chủ Tịch nọ, Bí Thư kia. Cho nên bà chỉ biết đem tiền đút lót, chạy chọt hết nơi nầy đến nơi khác để tạo dựng sự nghiệp cho chồng. Bà quên rằng bà đã già nua, cằn cỗi. Còn chồng bà quen thói rượu thịt, trăng hoa với bạn bè nên đã dần dần quên mất bà. Bà nghĩ rằng ông ăn bánh, trả tiền rồi trở về với bà. Nào ngờ, ngay cả con ở trong nhà, nó đáng con cháu, ông cũng xơi tuốt luốt. Thế mới nhục nhả với họ hàng. Chuyện đó lại được những kẻ là đàn em làm ăn với gia đình bà nhưng ngày nay vì tranh chấp chức vụ, tài sản, họ lại đem tin tức phơi bày hết trên liên mạng thì còn gì là danh giá. Bà đã gục ngã vì đau đớn, tủi nhục. Đôi mắt bà trở nên vô hồn khi nhìn mọi vật xung quanh. Lếu dìu mẹ ngồi xuống chiếc ghế xích đu đặt trong vườn. Khu vườn rộng mênh mông trồng đủ loại hoa và kiểng đắc tiền mua từ Nhật chỡ bằng tàu về trồng nơi đây. Vợ chồng bà Bí thường có tiệc tùng, mời bạn bè có chức vụ quan trọng, thân hữu và họ hàng đến đây để khoe khu vườn sang trọng nầy. Bây giờ, khu vườn đã vắng lặng. Lếu nhẹ nhàng nói với bà:

“Mẹ ngồi xuống đây đi. Mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.”

Bà Bí không nói gì. Nét mặt héo hon, buồn bả của bà giống như một tàu lá chuối rách tã tơi sau cơn bão dữ. Làn da xanh mét xếp chồng, chéo, ngang dọc những nếp nhăn. Đôi mắt nhỏ ti hí kéo dài như híp hẳn lại sau cơn bệnh. Bà nắm tay Lếu nói bằng giọng yếu ớt:

“Con đừng bỏ mẹ đi. Mẹ cô đơn lắm!”

Lếu ứa nước mắt:

“Con không bỏ mẹ đâu. Con sẽ ở đây với mẹ.”

Thường ngày anh hay cãi lại mẹ, hay giận dỗi và không bao giờ muốn tâm sự với bà. Mấy tuần nay, thấy mẹ ngất xĩu đến nỗi phải vào bệnh viện. Mẹ biếng ăn, chỉ uống sữa và khóc liên tục làm cho anh hết sức đau xót. Bố thì tránh mặt mẹ và không còn trở về nhà. Cô Sen đã biến mất từ hôm mẹ ngất xĩu. Có ai ngờ bố lại tặng tịu với cô Sen, người làm công trong nhà sinh ra một cháu trai năm nay đã ba tuổi. Bố lại nói rằng cô Sen có chồng, có con ở quê nhà. Cô rất hiền hậu và chăm sóc gia đình từ hơn năm năm nay. Lếu cũng mến tình nết và sự chịu khó, cần cù siêng năng của cô. Đôi lúc, Lếu thấy bố có những cử chỉ dịu dàng với cô nhưng Lếu nghĩ rằng bố tốt bụng, thương người. Ai ngờ đâu, bố lại lấy cô Sen đến mang bầu và tuổi cô chỉ lớn hơn Lếu vài tuổi. Bố là Đảng viên, là một người nằm trong Bộ Chính Trị, người có nhiều quyền lực nhất Việt Nam mà đạo đức như thế thì còn gì nhục nhả hơn. Nếu Lếu không đọc được những bản tin trên net thì Lếu không biết được chính xác bố và các cô cậu, chú bác, dòng họ mình đang làm cái gì. Tại sao bố làm một tháng khoảng hai trăm đô la, mẹ cũng khoảng đó mà bây giờ gia đình có một căn nhà triệu đô la tại Hà Nội. Căn nhà xây dựng trang trí toàn đồ đắc giá. Ngoài ra, bố mẹ còn có những phần hùn hạp trong mấy chục công ty, ngân hàng lớn. Bây giờ, người ta khui ra những vụ làm ăn bất chính nầy thì còn gì là danh dự. Lếu thở dài nhìn khu vườn đắc điạ, nhìn tài sản mà bố mẹ nói rằng cả đời mới tạo dựng nên mà anh chua xót, đớn đau. Anh biết tài sản mà gia đình anh có, những gì anh được thừa hưởng là máu và nước mắt của dân lành. Đó là tài sản của quốc gia mà bố mẹ anh, dòng họ anh đã cướp đoạt bằng quyền lực và mọi mánh khoé gian manh. Nước mắt anh ứa ra. Anh khóc khi nhớ lại lúc anh đọc những bài viết đó. Họ bịa đặt chăng? Không? Họ có đủ hình ảnh, tư liệu và sự kiện thì đó không phải là biạ đặt. Mà bịa đặt sao được vì căn nhà nầy, tài sản nầy không phải là một bóng ma. Nó như một nhân chứng sống đứng trơ trơ giữa thủ đô Hà Nội trước mắt mọi người. Nó là nhân chứng sống của tội ác mà người dân mất đất, mất ruộng oằn oại trong khổ nhục đã nguyền rủa và lên án. Lếu có thể nào bênh vực cho bố mẹ, cho dòng họ và cho những đảng viên ăn nhậu, gái gú mà bố thường mang về nhà dự tiệc tùng liên miên. Lếu có thể chấp nhận sống no đủ đến mức phè phởn trên khổ hạnh của bao người chăng? Trời ơi! Sao người lại cho con sinh ra trong một gia đình như thế. Con không muốn bố con là Đảng viên, là Chủ Tịch, là một người quyền thế… nhưng tâm hồn lại u tối, yếu đuối, ma mị đến mức sa đoạ. Ngược lại, tại sao người ban cho con sự thông minh, lòng tin, sự trong sáng, thanh tịnh đến mức sợ hãi những cạm bẫy tội lỗi? Tại sao con không thể là con của một công nhân bình thường lương thiện. Con của một trí thức tử tế thì con đâu có khổ sở, xấu hổ, nhục nhả trên đống tài sản cướp bóc của người khác. Con đâu có cần nó. Tiếng mẹ anh thều thào bên tai:

“Lếu à! Bố con có về nhà chưa?”

Lếu vội vàng lau vội nước mắt đáp:

“Thưa mẹ chưa. Mẹ đã thấy khoẻ chút nào không?”

“Mẹ thấy đau quá! Đau bên ngực trái. Đầu mẹ nặng nề và mẹ chỉ muốn đi ngủ thôi.” - Mặt bà nhăn nhúm. Bà nắm tay Lếu tiếp - Lếu à! Mẹ thương con lắm! Chỉ còn có con bên cạnh mẹ thôi. Bố mầy đi theo con Sen rồi. Ông ấy không về đây nữa đâu.”

Lếu rưng rưng nước mắt nói:

“Mẹ! Con xin lỗi mẹ. Nếu con đừng cho mẹ đọc bản tin đó thì mẹ đâu có ra nông nỗi nầy. Tại con bất hiếu. Con luôn không biết nghe lời mẹ. Con cãi với mẹ, làm cho mẹ buồn.”

“Con không có lỗi gì cả. Mẹ không bao giờ biết sử dụng máy móc nên mẹ không biết gì cả. Nhờ có con cho mẹ xem, mẹ mới biết những việc người ta phê phán, chửi bới gia đình mình. Mẹ cũng không ngờ người ta biết bố con ngoại tình với đứa ở có con đã ba năm nay.”

Lếu vuốt lưng cho bà và an ủi:

“Chuyện lỡ rồi. Có buồn, khổ cũng đâu có giải quyết được gì. Mẹ phải bình tỉnh trở lại. Nếu mẹ còn nghĩ đến bố, còn thương ông ấy thì mẹ nên tha thứ cho ông ấy. Con sẽ khuyên bố trở về.”

Bà trừng mắt gào lên:

“Tao không muốn thấy ông ta. Thằng khốn nạn, phản phúc, bẩn thỉu. Ai nó cũng chơi. Chỉ còn có chó là nó không chơi thôi. Con đó nó có cái gì mà nó mê đến mức quên cả danh dự gia đình.”

Bà nói xong khóc nức nở. Cả thân hình của bà rũ liệt xuống khiến Lếu lo lắng phải đưa bà vào nhà. Anh bế mẹ đặt bà nằm yên trên giường và đắp mền cho bà. Lếu nắm tay mẹ thật lâu. Chờ cho cơn xúc động của bà dịu xuống rồi bước ra ngoài.

Lếu gọi điện thoại cho ông Láo:

“Bố đang ở đâu? Mẹ bệnh mà bố không hề gọi điện thoại thăm. Sao bố bạc thế?”

Đầu dây bên kia ngập ngừng giây lát rồi giọng nói đầy uy lực của ông Láo vang lên mồm một:

“Mầy đừng có lên án tao. Tại mẹ mầy tất cả. Bà ta chỉ ham mê tiền bạc, quyền lực mà không hề biết tao sống cô đơn, tẻ nhạt như thế nào. Giờ thì tao cho bà ta tất cả những gì bà ta muốn. Bà ta cứ ôm tiền mà sống.”

“Bố chán ghét mẹ. Nhưng bố phải giữ danh dự cho gia đình. Bố có thể lấy ai cũng được nhưng tại sao bố lại đi lấy một đứa ở đáng tuổi con, cháu của bố. Bố không thấy xấu hổ sao?”

“Mầy là thằng ranh. Mầy là con tao chớ không phải bố tao. Tao cấm mầy lên giọng dạy đời. Mầy đã lớn khôn. Tao tạo dựng cơ ngơi đó cho mầy. Mầy hưởng đi. Xem như tao không còn có trách nhiệm gì cả. Hừ! Đồ ngu.”

Cuộc điện đàm đã cắt ngang. Lếu ngồi bệt xuống nền nhà, chiếc điện thoại di động rơi xuống nền gạch vỡ tan.

***

“ Nhào vô, nhào vô …xin mời! Xin mời …chơi 100 phần trăm đi…”

“Uống đi …uống đi.”

“Chơi liền.”

“Uống đi các anh. Uống rồi xem em ca múa.”

“Nè! Sờ chỗ nầy mới đúng. Cao lên tí nữa… vậy mới là dân chơi thứ thiệt.”

Quán Karaoke “Thiên Thai” đêm nay thật đông. Tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng nói cười, tiếng cụng ly mời mọc chan chát vang lên đến nhức óc. Các cô gái phục vụ bia cho khách ăn mặc thật mỏng manh, áo hai dây lơ lững chỉ che một phần của ngực. Chiếc váy ngắn bó sát không hề mặc nội y. Mặt mũi các cô trang điểm thật đậm. Các cô phục vụ từ A đến Z miễn có tiền boa thật ngon lành.

Ông Láo đến đây nhiều lần nên các cô đều biết mặt. Trong nhóm gái nhảy có một vũ nữ thật quyến rũ tên là Nhu. Cô có đôi mắt đen láy, chiếc môi thật đầy và mỗi khi cô cười để lộ hàm răng trắng đều rất duyên dáng. Đôi chân cô uốn éo như loài rắn đã được tinh luyện mỗi khi cô lên sân khấu hát và nhảy thoát y. Cô hấp dẫn và đẹp mê hồn khiến cho nhiều người đàn ông đắm say. Bên cạnh cô là một gã anh chị khét tiếng giang hồ cũng là chủ nhân của quán. Hắn vào tù, ra khám như chơi. Nhưng hắn cũng biết điệu và biết nịnh hót, chia chát lợi nhuận từ quán Karaoke nầy. Dù nơi nầy có bán dâm, hay làm những điều phi pháp vẫn được bao che rất cẩn thận. Đặc biệt chỉ có Việt kiều, khách hạng sang, ngoại quốc, đại gia và quan chức mới dám đến đây chơi.

Đêm nay, Nhu thấy ông Láo ngồi xa xa nhìn và không dồn vả với cô như mọi khi. Cô đến rót rượu cho ông và bá vai hỏi han:

“Anh à! Sao hôm nay anh buồn vậy? Anh nhảy với em một bản đi rồi mình phê như mọi khi.”

Ông Láo cười buồn đáp:

“Hôm nay anh mệt nên chỉ ngồi xem em ca, em nhảy rồi anh về ngủ.”

Nhu tựa đầu vào vai ông thì thầm:

“Anh không muốn em làm cho anh sung sướng sao?”

Ông Láo ậm ừ một lát rồi gật:

“Được rồi. Em chuẩn bị đi. Anh sẽ lên.”

Nhu cười tình tứ:

“Anh quên rồi sao. Căn phòng đặc biệt ông chủ luôn dành cho những người khách quý như anh. Mình lên đi.”

Nhu nắm tay ông dẫn lên lầu. Khoảng nửa tiếng sau ông đi xuống. Mặt ông tươi tỉnh. Mắt ông sáng lên đầy thoả mãn. Ông bắt tay nhiều người quen rồi đi ra khỏi quán.

Trời càng khuya gió càng trở lạnh. Những con đường ở Hà Nội đông đúc xe cộ, người qua kẻ lại đã thưa vắng. Đèn điện các dãy phố sáng trưng không thua gì Sài Gòn. Ông đi qua nhiều căn phố tồi tàn, nghèo nàn của dân lao động rồi ông cũng đi ngang qua những biệt thự triệu đô tráng lệ, xinh đẹp nhưng không có ai ở. Chúng tối om như những bóng ma đang thè lưỡi dè bĩu những chủ nhân đã sản sinh ra nó. Nó trở nên hoang tàn, lạnh lẽo và kỳ quái giữa lòng thủ đô. Ông đút tay vào túi quần cho đỡ lạnh. Thường thì có tài xế lái xe đưa ông đi và đưa ông về cho dù ông đi chơi bời, nhậu nhẹt, hay đến các khách sạn, quán bia ôm hay đi kiếm gái. Đêm nay, ông muốn đi một mình vì ông quá buồn. Gia đình tan nát, vợ mắng nhiếc, con khinh khi. Đồng nghiệp từ từ xa lánh. Họ chẳng còn xem ông là một trong Tứ Trụ Triều Đình, quyền uy tột đỉnh. Họ đã quay lưng lại với ông. Tại sao vậy? Tại sao họ phản ông?

Ông rẽ sang một khúc quẹo để vào nhà trọ. Nơi ông tạm thời cư trú để tránh phải trở về nhà và để tránh những người hàng xóm tò mò nhìn ông bằng đôi mắt lạnh lùng, dững dưng đầy khinh thị. Từ trong bóng tối, một người đàn ông tóc rối bù lù lù xuất hiện. Hắn chận đường ông lại. Giọng hắn sắc nhọn và đầy đe doạ:

“Có tiền bao nhiêu đưa cho tao nhanh lên.”

Ông nhìn hắn và quát lớn:

“Tránh đường cho tao đi. Mầy không biết tao là ai hả?”

Hắn ngửa mặt lên trời cười man dại:

“Mầy là thằng chó đẻ nào tao không cần biết. Tao ra lệnh cho mầy đưa tiền cho tao.”

“Mầy ăn cướp công khai không sợ tao còng đầu sao. Tao là Chủ Tịch đây.”

“A! Mầy tính khoe khoang chức vụ hả. Tao đói quá nên mới đi làm ăn cướp. Còn tụi quan lớn như mầy ăn cướp ngày, ăn cướp đêm, ăn cướp công khai có giấy tờ nên được luật pháp bao che. Những thằng thực ra vô tù và có tội nặng nhất là bọn quan lại như mầy. Mầy nói mầy là Chủ tịch là tao sợ hả?”

Ông Láo gầm lên:

“Mầy muốn gì?”

“Muốn giết mầy …giết bọn sâu bọ như mầy là làm phước cho thiên hạ. Nầy chết đi.. chết đi..ch…ết.. đi đồ khốn kiếp, đồ lưu manh, đồ vô luân.”

Đường dao của hắn vung lên. Ông Láo chỉ thấy một tia chớp sáng lóe và ông ngã xuống. Hắn thản nhiên lục túi áo ông lấy hết tất cả tiền bạc và thản nhiên huýt sáo một bản nhạc vui tươi rồi biến vào bóng đêm.

***

Hôm sau, báo chí trong nước đăng hàng loạt tin nói về cái chết của một quan chức cao cấp bị chém bay đầu thật là rùng rợn.

Đám tang của ông Láo đã được cử hành trọng thể. Tất cả các quan chức trong chính phủ, ban ngành, quân đội, công an, quan khách… đều đến thắp nhang. Bên quan tài, bà Bí mặc bộ quần áo trắng, đầu đội khăn tang trắng, phủ phục trên sàn nhà nước mắt chảy như mưa. Lếu thì qùy bên cạnh, lạy trả quả cho những người đến phúng điếu. Ông Bí Thư đang đọc diễn văn ca ngợi công đức lớn lao của ông Láo đối với sự nghiệp cách mạng mà ông Láo đã từng có công đóng góp. Đám tang của ông thật to lớn và vinh dự hơn cả những gì ông đã làm cho chính quyền Việt Nam.

Ba tháng sau khi ông Láo chết, bà Bí và Lếu đã nhận được lệnh phải rời khỏi căn nhà trong vòng ba mươi ngày. Tài sản không được mang theo gì. Trong bức thư Trung Ương gởi đến cho biết, chính phủ niêm phong căn biệt thự vì ông Láo có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và buôn bán gái mại dâm xuyên biên giới. Cảnh sát quốc tế yêu cầu điều tra.

Buổi chiều cuối cùng trước khi rời khỏi căn biệt thự sang trọng, bà Bí và Lếu đi ra vườn hoa lần cuối cùng. Bà đốt nhang dưới chân Phật Bà Quan Âm khóc lóc thảm thiết vì tiếc của. Nhưng Lếu thì bình thản nói:

“Mẹ! Mẹ đừng tiếc rẻ. Cái gì không phải của mình làm ra thì hãy trả lại cho mọi người. Con chỉ buồn khi bố mất đi. Nhưng con vui vì mình đã thoát khỏi tai kiếp của quả báo nhản tiền. Con sẽ đi làm nuôi mẹ. Với bàn tay và nghị lực nầy, con rất tự hào khi được sống và làm người lương thiện.”

Bà Bí ôm ghì Lếu vào lòng khóc mếu:

“Làm người lương thiện trong xã hội nầy không phải dễ đâu con.”

Lếu vuốt lại mái tóc muối tiêu, sửa lại nếp áo cho mẹ và đáp:

“Con biết. Nhưng con nghĩ nếu mỗi đêm về nhà ngủ một giấc yên bình, không mộng mị, không sợ hãi là hạnh phúc nhất đó mẹ. Mẹ tin con nhé.”

Bà Bí gật đầu. Hai mẹ con ôm nhau thật lâu. Họ cảm thấy thật hạnh phúc và thanh thản để đón nhận tất cả những gì đang diễn ra.

Nắng đã tắt từ lâu. Vầng trăng tròn đang lên soi rõ ánh nước từ bàn tay Phật Bà Quan Âm tuôn xuống. Những giọt nước trắng xoá lấp lánh phản chiếu trong ánh hoàng hôn thoi thóp và nó lại rơi xuống nơi nó bắt đầu. Bà Bí chợt nhận ra giá trị của dòng nước từ bàn tay của Phật. Bà qùy rạp xuống đất. Mắt ngắm nghiền và lâm râm khấn nguyện: “Mẹ hãy cứu vớt linh hồn con. Tại sao con lại đau khổ đến thế. Tại sao con lại mất hết tất cả vậy? Tạo sao? Con đã cầu xin Mẹ trong suốt một đời nhưng giờ đây con chẳng còn gì cả… Mẹ cứu con với…”

Bà Bí lại tiếp tục khóc lóc như một đứa trẻ. Lếu ôm vai bà, xoa nhè nhẹ như an ủi, vỗ về. Mắt bà đã nhoè đi. Bà nhắm mắt lại và bên tai bà chỉ có tiếng gió thở dài trên những hàng cây đen thẩm./.

Maryland ngày 1 tháng 8 năm 2013.
Phong Thu


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.