.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC

 

Tạ lỗi Trường sơn

  • PSN - 24.12.2010 | Đỗ Trung Quân*

Mỗi lần nhắc tới Đỗ Trung Quân là không ai không nhớ đến hai câu thơ để đời Quê hương là chùm khế nghọt, quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người trong bài thơ "Bài học đầu cho con" được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài "Quê Hương". Nó nỗi tiếng đến mức làm cho một số người chống cộng phải sợ phải nghi ngờ lên án tác phẩm lẫn tác giả "ru ngủ", tuyên truyền nghị quyết 36 cho cộng sản, v.v... Thế nhưng ít ai biết hết tình yêu chân thành của tác giả đối với quê hương, đất nước, con người. Bài "Tạ lỗi Trường sơn" dưới đây chứng minh cho tấm lòng trung trinh ấy của nhà thơ. Được biết Đỗ Trung Quân viết bài này khi còn là một Thanh niên xung phong (1982) lúc đó anh mới có 27 tuổi, và phải chờ đến 27 năm sau  mới được phổ biến công khai. Tuổi đợi bằng ngang tuổi của tác giả lúc khai sinh tác phẩm. (LN).

 

Tạ lỗi Trường sơn

 

1.

Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm

Các anh từ Bắc vào Nam

Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc

Các anh đến

Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác

Của xì ke, gái điếm, cao bồi

Của tình dục,ăn chơi

“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”

Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy

Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ

Các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”

Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc

Ngòi bút các anh thay súng

Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi

Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ

Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản

Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn

Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn

Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương

Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

 

2.

Tội nghiệp Sài Gòn quá thể

Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý

Có anh thợ điện ra đi không về

Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ

Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me

Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa

Đi từ tuổi hai mươi

Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc

Có ai hỏi những hàng dương xanh

Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước

Tội nghiệp những đêm Sài Gòn đốt đuốc

Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không

Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng

Áo chùng đen đẫm máu

Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo

Những vị giáo sư trên bục giảng đường

Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc

Sài Gòn của tôi – của chúng ta.

Có tiếng cười

Và tiếng khóc.

 

3.

Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót

Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi

Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện

Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển

Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình

Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hi sinh…

 

4.

Và khi ấy

Thì chính “các anh”

Những người nhân danh Hà Nội

Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới

Chửi đã đời

Chửi hả hê

Chửi vào tên những làng quê ghi trong lí lịch của chính mình

Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh

Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!

Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc

Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt

Những bà mẹ làm ra hạt lúa

Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin

Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm

Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch

Bây giờ

Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”

Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân

Các anh

Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân

Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu

Cũng phanh ngực áo,cũng xỏ dép sa bô

Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio…

Bia ôm và gái

Các anh ngông nghênh tuyên ngôn ”khôn và dại”

Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”

Các anh cũng chạy đứt hơi

Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

Sài Gòn 1982 lẽ nào…

Lại bắt đầu ghẻ lở?

 

5.

Tội nghiệp em

Tội nghiệp anh

Tội nghiệp chúng ta những người thành phố

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình

Những ai đang cố tẩy rửa “lí lịch đen”

Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

 

6.

Xin ngả nón chào các ngài

“Quan toà trong sạch”

Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi

Bình thản đổi thay lốt cũ

Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn

Hồn nhiên xanh muôn thưở

Để yên cho xương rồng, gai góc

Chân thật nở hoa.

Này đây!

Xin đổi chỗ không kì kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa

Nơi một góc (chỉ một góc thôi)

Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở

Bây giờ…

Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào ”thượng đế”

Khi sống hả hê giữa một thiên đường

Ai bây giờ

Sẽ

Tạ lỗi

Với Trường Sơn?

 

Đỗ Trung Quân (1982)

 

 

Bài học đầu cho con

 

Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy hãy yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

 

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

 

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè

 

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Tiếng ếch râm ran bờ ruộng

Con nằm nghe giữa mưa đêm

 

Quê hương là bàn tay mẹ

Dịu dàng hái lá mồng tơi

Bát canh ngọt ngào tỏa khói

Sau chiều tan học mưa rơi

 

Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi

 

Quê hương mỗi người đều có

Vừa khi mở mắt chào đời

Quê hương là dòng sữa mẹ

Thơm thơm giọt xuống bên nôi

 

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

 

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành nhạc phẩm Quê hương sacsophone Trần Mạnh Tuấn

Đỗ Trung Quân sinh ngày 19 tháng 1 năm 1955 tại Sài Gòn. Theo bài phỏng vấn trên báo Vietnam News giữa năm 2005 thì trong khai sinh của ông không có tên cha. Ông được mẹ là bà Đỗ Thị Hảo nuôi lớn đến năm 15 tuổi thì mẹ mất. Ông tiếp tục mưu sinh và sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông vào học tại Đại học Vạn Hạnh. Năm 1976, ông tham gia phong trào Thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Một số bài thơ do ông sáng tác trở thành nổi tiếng như Hương tràm (1978). Một số bài thơ phổ nhạc được nhiều người biết đến như: Hương tràm (1978), Vũ Hoàng phổ nhạc Bài học đầu cho con (1986), Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương” Chút tình đầu (1984), Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài “Phượng hồng” (1988) Khúc mưa, Phú Quang phổ nhạc Hiện ông đang công tác tại báo Sài Gòn tiếp thị. Những tập thơ đã xuất bản: Cỏ hoa cần gặp (1991) Chân mây cuối trời (in chung cùng Hoàng Ngọc Biên, 2003).

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.