.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC

 

Vì sao “nhạc sến” vẫn còn?

  • PSN - 29.1.2011 |  Dr. Nikonian

Cái tin ca sĩ hải ngoại Tuấn Vũ, một biểu trưng của dòng nhạc “sến” Sài Gòn cũ, làm một hơi 7 đêm diễn chật cứng người ở Hà Nội thật đáng ngẫm nghĩ. Bảy đêm đó không ở một phòng trà tồi tàn, mà công diễn tại Nhà Hát lớn Hà nội, nơi được xem là Carnergie Hall, một thánh đường âm nhạc của Việt Nam.

 

Không phải chuyện đùa!

 

Xin khoan trách tôi có ý miệt thị vì đã dùng chữ “sến” ở đây. Với tôi, “sến” hay “sang” chỉ là khái niệm rất chủ quan. Hay nói theo ngôn ngữ marketing hiện đại, để chỉ các phân khúc âm nhạc khác nhau dành cho những đối tượng công chúng khác nhau. Hồi đó ở Sài Gòn, các osin (tiếng Nhật (おしん) người giúp việc nội trợ, con ở, ở đợ...) nhà nghèo, đi gánh nước mướn thường tụ tập ở vòi nước công cộng (phông ten nước) để buôn chuyện, nên mới có danh từ “Ma ri đờ la Phông ten” để trêu chọc họ. Lại có cô đào Marie Schell mới nổi, nên người Sài Gòn gọi tắt họ là Mari Sến cho vui cửa vui nhà. Chính các osin hay giới bình dân thời đó là thính giả trung thành của một công thức âm nhạc: bolero hay rumba, diễn đạt bằng âm hưởng dân ca luyến láy, giọng mũi thì càng tốt.

 

Âm nhạc ấy, nhiều người gọi là “nhạc sến” theo nghĩa miệt thị chê bai. Nhưng nó vẫn sống, sống dai dẳng hơn nửa thế kỷ. Nó vượt qua những cách biệt về văn hóa, địa dư để làm một hơi 7 đêm diễn kỷ lục ở “Opera House” Hà Nội. Kỷ lục này, các maestro âm nhạc bác học ắt phải thèm muốn ganh tị.

 

Dù “sến” hay “sang”, muốn sống được, âm nhạc đó phải đi vào lòng người. Không ai có thể bắt một cô sen, anh xích lô máy… phải thổn thức, trầm ngâm với những cung bậc theo kiểu: “mộng về một đêm trăng thanh, anh thì thầm ngày đó yêu em” hay “đêm mờ trăng úa làm vỡ hồn ta” được.

 

Nó cực kỳ ngượng nghịu và khiên cưỡng như ép Beethoven phổ nhạc thơ Tú Mỡ (?). Nhạc “sến” sống lâu vì nó là nỗi buồn, mong nhớ, thổn thức của giới bình dân Nam bộ theo kiểu: “ước gì nhà mình chung vách, ước gì mình đừng ngăn cách, hai đứa mình thức trắng đêm nay”…

 

Hay có vần có điệu như thế này: “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn nghe tái tê. Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi”…

 

Cứ vậy mà yêu đương, mà nhung nhớ, mà nghêu ngao câu vọng cổ nối tiếp bằng điệu bolero mùi mẫn… Người trí thức có thể không thích nó, nhưng cũng không đến mức ghét bỏ nó thậm tệ.

 

Vì nó thật, dù không “sang”!

 

Những tình cảm rất thật thà và bình dân đó, dễ dàng bị các bậc “nhạc phiệt” chụp cho cái mũ hạ lưu. Hay tệ hơn, việc “anh khoét bức tường, anh qua thăm em” là quan hệ nam nữ bất chính, thiếu rèn luyện tu dưỡng… gì gì đó.

 

Nhưng nói gì thì nói, âm nhạc đó vẫn sống với quần chúng. Nó làm được điều mà cái gọi là “âm nhạc hàn lâm” thúc thủ, là sự yêu mến và tồn tại trong tâm thức người nghe nhạc. Nó không bị bó khuôn bởi những công thức tình yêu kiểu anh bộ đội thì phải yêu chị công nhân, cậu thanh niên xung phong phải yêu cô dân công tải đạn. Và hễ yêu nhau thì phải nắm tay tăng gia sản xuất, xây dựng đất nước đẹp giàu.

 

Những công thức ấy tốt, mẫu mực! Nhưng tình yêu thì từ chối mọi khuôn dạng. Tình yêu không cần đo ni đóng giày cho mực thước. Âm nhạc cũng thế, nhất là nhạc tình.

 

Cái gọi là “âm nhạc cổ điển đương đại Việt” cũng thất bại với điều mà “Tôi yêu tiếng nước tôi”, “Màu tím hoa sim”… và vô vàn ca khúc khác đã làm được là đẩy dân tộc tính lên tầm nhân loại. Thật vậy, hãy nghe lại các kiệt tác Mazurka, Polonaise, Berceuse… của Chopin để thấy âm hưởng dân ca Ba Lan đầy ắp trong đó, một cách hoa mỹ và sang trọng. Rất nhiều ví dụ như thế để thấy: đúng như người ta nói, “âm nhạc cổ điển bắt nguồn từ nhân dân”, từ “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”, để cùng “khóc cười theo vận nước nổi trôi”. Bằng cách đó, nhân loại có một nền âm nhạc cổ điển bất tử, vượt ra khỏi ranh giới không gian, địa lý, thời gian. Nói dân tộc tính mang tầm nhân loại là vậy!

 

Tính dân tộc cao vòi vọi đó, người ta không thấy trong những bản concerto nhạt nhẽo như “Quê ta vào mùa”, bản hợp xướng “Cánh đồng năm tấn”, giao hưởng dành cho đàn tranh… mà người ta rổn rảng gọi đó là cổ điển đương đại Việt.

 

Thời chiến, người ta cần những âm nhạc ấy, để “xốc” lại tinh thần. Thời bình đã hơn 30 năm, những cảm xúc ấy trở nên thừa thãi, thậm chí vô duyên. Người ta quay về với những tình tự rất giản dị theo kiểu “nhà nàng ở cạnh nhà tôi”, đục tường khoét vách để tình tự cùng nhau (cho nó nhanh và giản tiện)… Anh xích lô thì thích mời chị osin đi ăn bún ốc chiều cuối tuần, thay vì diện tuxedo đi nghe hoà nhạc cổ điển. Công chúng bình dân có khẩu vị giản dị của mình, họ ghét sự pha trộn lung tung. Thêm một lý do để “nhạc sến” lên ngôi, lấp đầy khoảng trống vô vị và giả tạo mà các “dự án âm nhạc” ầm ĩ không làm được.

 

Âm nhạc đích thực thời nào cũng thế, phải mang hơi thở của đời sống. Âm nhạc đích thực không túm cổ, điểm mặt quần chúng để mắng mỏ: “anh không nghe tôi là tai anh hỏng”. Nhạc “sến” đã đồng hành với người dân, hít thở cùng họ qua nhiều thập niên. Nó vẫn sống, mặc dù chưa bao giờ vươn đến tầm nhân loại.

 

Thật thì sống, đẹp mà giả tạo thì chết yểu! Đó là câu trả lời rất rõ ràng của công chúng phía Bắc qua bảy đêm diễn cháy vé vừa qua.

 

nguồn: http://www.drnikonian.com/2011/01/01/vi-sao-%E2%80%9Cnh%E1%BA%A1c-s%E1%BA%BFn%E2%80%9D-v%E1%BA%ABn-con/

 

Dr. Nguyễn Văn Tuấn: Bàn về nhạc sến

  • Chủ nhật, 16 Tháng 5 2010 22:55 

Tôi không phải là fan của nhạc sến, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe nhạc sến. Thật ra, tôi thấy rất khó phân biệt đâu là nhạc sến, và đâu là nhạc sang, bởi vì lằn ranh quá mong manh, nhất là trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam. Hôm nay thấy trên báo Sức khỏe và Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, có bài “Nhạc sến biến dị” của Vương Tâm bàn về nhạc sến thời trước 1975 ở trong Nam. Chúng ta phải ngạc nhiên một tờ báo y tế của Bộ Y tế lại quan tâm đến … nhạc sến! Cũng là một bài báo lạ.

 

Nhưng trước hết, chúng ta cần phải biết “sến” là gì và nhạc sến là loại nhạc nào? Trong bài viết, tác giả không trả lời hai câu hỏi đó. Thay vào đó, tôi để ý đến đoạn như “Riêng dòng nhạc Sến, những điệu thức Bolero, Ballade... gắn với nội dung lời ca bi lụy, thất tình, đau khổ về số phận trớ trêu của kiếp nghèo, tập trung vào những chia ly và mất mát trong tình yêu. Lời hát não nề, than vãn cầu mong được bù đắp. Nhạc thì được phát triển giàu chất tự sự lê thê, buồn bã khai thác âm hưởng cổ nhạc theo hướng yếm thế, ru ngủ lòng người tạo nên cảm giác chán chường bế tắc.”

 

Tôi thấy một đoạn văn ngắn này có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Trước hết, tôi không hiểu “điệu thức” là gì. Còn nhạc thì làm sao giàu chất tự sự được? Có lẽ tác giả muốn nói đến ca từ giàu chất tự sự chăng?

 

Điều làm tôi ngạc nhiên là tác giả cho rằng nhạc sến khai thác cổ nhạc! Nên nhớ rằng cổ nhạc như vọng cổ viết theo điệu ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống -- tương đương với ngũ hành là kim, mộc, thủy, thổ, hỏa), không phải như loại “tân nhạc” với thể điệu boléro có 7 nốt (do, re, mi, fa, sol, la, si). Mấy năm sau này tôi thấy có nhạc sĩ (như Minh Vy chẳng hạn) có công soạn tân nhạc nhưng mang âm điệu ngũ cung (như ca khúc Vọng cổ buồn chẳng hạn), và theo tôi đó là một nỗ lực rất đáng khen và khuyến khích.

 

Còn tác giả viết nhạc sến là những bài có điệu boléro, ballade, … chính là lấy từ chữ của một bài viết trên Thanh niên vào năm 2005. Trong bài báo trên tờ Thanh niên, tác giả Hà Đình Nguyên viết: “Chưa có một quy định "chuẩn" nào để phân biệt bản nhạc này thuộc loại "sến", bản kia không "sến" nhưng không biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 - nhất là những bản có điệu boléro, rumba, ballade... đều bị quy là nhạc sến (tiếng "sến" được hiểu theo nghĩa dè bỉu, mỉa mai, khinh thị...).”

 

Nếu những cho rằng chia li và mất mát trong tình yêu là “sến”, thì tôi không biết tác giả có xem nhật kí của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là sến không? Tôi e rằng định nghĩa “sến” của tác giả chưa ổn mấy. Thật vậy, nếu định nghĩa theo nội dung (như đau khổ về số phận, trớ trêu của kiếp nghèo, những chia ly và mất mát trong tình yêu) thì tôi nghĩ một số bài “nhạc đỏ” cũng có thể xem là … sến, vì cũng có những chia li, nhưng trắc trở trong tình yêu, thân phận trong những bài “nhạc cách mạng”.

 

Điều làm tôi cực kì ngạc nhiên là tác giả liệt kê ca khúc Giết người trong mộng của nhạc sĩ Phạm Duy vào hàng nhạc sến! Không hiểu tác giả bài viết có biết qua hay có nghe qua ca khúc này chưa mà nói đó là một bài nhạc sến. Xin nói cho tác giả biết rằng ca khúc này thật ra là Phạm Duy phổ từ thơ của Hàn Mặc Tử đấy. Trong bài Hành khất, thi sĩ Hàn Mặc Tử viết:

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phụ phàng ?

và nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy lấy hai câu này để viết thành một ca khúc rất hay theo nhịp 4/4. Bài đó rất thịnh hành thời trước 1975. Tôi chưa nghe ai nhận xét rằng đó là một bài nhạc sến cả.

 

Tưởng cần nhắc lại rằng trước đây cũng có một ông nhạc sĩ trong nước (là con của cụ Nguyễn Xiển) viết rằng ca khúc Mùa thu chết của Phạm Duy là xuyên tạc cách mạng tháng 8! Chưa hết, ông nhạc sĩ này còn viết rằng Phạm Duy từng là bộ trưởng văn hóa thời Nguyễn Văn Thiệu! Đúng là “hết ý”. Hình như mấy ông viết mà không chịu tìm hiểu hay làm nghiên cứu về chủ đề mình viết.

 

Đến đây thì chúng ta cần phải đặt câu hỏi “sến” là gì? Giáo sư Cao Xuân Hạo giải thích nguồn gốc chữ sến như sau: "Theo tôi, gốc của từ ‘sến’ phải bắt đầu từ chữ ‘sen’ trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở. [...] Từ ‘sen’ đọc trại thành ‘sến’ bởi sự khinh bỉ, là tầng lớp thấp, văn hóa kém. Còn nếu ứng dụng vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị. Bàn riêng về chữ ‘sến’ trong ‘nhạc sến’, tôi nghĩ nghĩa gốc cũng vậy, không thay đổi nhiều lắm". Có thể xem thêm bài của Hoàng Phủ Ngọc Phan để biết thêm “câu chuyện”.

 

Báo Thanh Niên viết tiếp: "[…] Thôi thì, hễ loại nhạc nào mà các chị gánh nước mướn, các anh đạp xích lô, thợ thuyền (gọi chung là giới bình dân) khoái hát thì... đó là “nhạc sến”! Thật vậy, chúng ta chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh nào để phân định rạch ròi giữa nhạc sến và nhạc sang. Trước năm 1975, người ta ngầm hiểu với nhau rằng “nhạc sến” chỉ những ca khúc “bình dân”, với điệu nhạc như vừa nói trên (boléro, rhumba, ballade, có khi cả slow), lời nhạc đơn giản đi thẳng vào những câu chuyện tình cảm éo le, tình nhân xa nhau (em thì ở “hậu phương”, còn anh ra “tiền tuyến”), hay chuyện cha mẹ không đồng ý cho cưới vì anh nghèo mà em thì giàu sang, v.v…

 

Theo tôi, nhạc sến có 3 đặc điểm chính như sau: nhạc điệu đơn giản, cách hát thì sướt mướt, và lời giản dị. Đặc điểm thứ nhất thì quá rõ ràng, vì phần lớn những bài ca mà người ta cho là sến thường dễ chơi. Chỉ cần một cây guitar là đủ. Còn âm điệu thì chỉ cần một hợp âm cũng đủ, hay nhiều lắm là 3 hợp âm. Thử so sánh bài Người yêu cô đơn với bài Áo anh sứt chỉ đường tà thì thấy bài nào dễ chơi hơn!

 

Đặc điểm thứ 2 là cách hát thường ngọt ngào, sướt mướt, và đau khổ. Không có cách diễn này thì không phải là nhạc sến. Nghe Chế Linh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, v.v… thì sẽ thấy đặc tính này. Riêng Thanh Thúy mà ca nhạc của Trúc Phương thì ôi thôi nói mùi mẩn làm sao (và sến nữa)!

 

Đặc điểm thứ 3 có lẽ là “lợi hại” nhất là lời ca đơn giản, đi đẳng vào vấn đề. Nhạc sến không có những câu triết lí cao siêu, mà toàn là những câu chữ ngay cả anh tài xế xích lô và chị bán hàng cá có thể hiểu được:

Tại anh đó nên duyên mình dở dang

em nào mộng mơ quyền quý cao sang

hay

Một hôm tôi đên tìm em

để từ giã lên đường

Gửi lại phố phường

chuyện đôi mình thương mai xa cách ngàn phương

Cuộc đời sương gió,

chiến chinh nơi miền xa qua những vùng xa lạ quá

Quê hương bao la,

những chiều đóng quân ven rừng,

gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa

(bài Người em xóm đạo)

Làm sao bảo anh xích lô và chị bán bún mắm hiểu được nhưng câu như sau:

Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi

hay

Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về

nhớ chân giang hồ

Ôi phù du

từng tuổi xuân đã già

một ngày kia đến bờ

đời người như gió qua

hay

Từ giã hoàng hôn trong mắt em

tôi đi tìm những phố không đèn

 

Thật ra, có mấy người gọi là (hay tự xưng là) “trí thức” hiểu được những câu trên? Tôi nghĩ không nhiều đâu. Có thể họ nghĩ rằng họ hiểu, nhưng trong thực tế thì họ không hiểu. Có phải viết ra những câu chữ làm người ta phải vò đầu bức tóc để suy nghĩ nó có nghĩa là gì là sang chăng? Tôi nghi ngờ lắm.

 

Người ta tưởng rằng phải dùng từ ngữ của Tây, của Tàu thì mới sang, còn nói thẳng như người Nam bộ là … sến. Đã có quá nhiều người nói những danh từ sang, những thuật ngữ khoa học, nhưng nếu hỏi thật thì có bao nhiêu người nói những thuật ngữ đó hiểu họ nói cái gì hay hiểu thuật ngữ đó có nghĩa là gì. Kinh nghiệm của tôi cho thấy con số hiểu không nhiều đâu. Nói đến đây tôi nhớ đến ngày xưa khi học toán, thầy cứ giảng “tuyến tính” và chúng tôi cứ cấm đầu cấm cổ nói “tuyến tính” mà chẳng hiểu nguồn gốc của thuật ngữ này. Đến khi sang đây, sách tiếng Anh viết rõ ràng là straightline (đường thẳng). Ôi, dễ hiểu làm sao! Đường thẳng thì nói huỵch tẹt ra là đường thẳng, mắc mớ gì mà nói tuyến tính để làm đau đầu học trò? Đọc sách Kinh Dịch của người Việt dịch tôi chẳng hiểu gì, nhưng đọc sách dịch của người Tây phương dịch thì rất dễ hiểu. Nhạc sến có ca từ đơn giản đi thẳng vào vấn đề, và theo tôi xu hướng đó không có gì là có hại cả. Vậy thì xin đừng trách sến nhé!

 

Trong bài báo trên Sức khỏe và Đời sống, tác giả nói đến ảnh hưởng tiêu cực của nhạc sến như sau: “Những nỗi đau yếm thế, cô đơn và than vãn trong nghèo túng là màu sắc điển hình cho dòng nhạc Sến đã làm ảnh hưởng tới tâm lý người nghe và làm thui chột những khát vọng lớn lao và hướng tới tương lai.” Nhưng rất tiếc tôi không thấy tác giả trưng bày bằng chứng cho câu phát biểu này. Theo tôi thì nhạc sến cũng có công làm giàu ngôn ngữ Việt đó chứ. Xin dẫn chứng một vài bài:

 

Con đường xưa em đi

vàng lên mái tóc thề

ngõ hồn dâng tái tê

anh làm thơ vu qui

khách qua đường lắng nghe

chuyện tình ta đã ghi

(bài Con đường xưa em đi)

 

hay

 

chiều nào nâng li bôi

tình vừa mới chấp nối

chia li mà không nói nhau một lời

để rồi bao năm sau

phong sương mòn vai áo

nhớ cố nhân muốn tìm tạ lòng nhau

(bài Chuyện đêm mưa)

 

cũng có những ca từ trữ tình ra phết đó chứ.

 

Đọan này của tác giả làm tôi sợ nhất: “Các nhà quản lý văn hóa của ta rất cân nhắc trong việc cấp phép cho các ca khúc này được phổ biến ở Việt Nam. Nhưng đây là chỉ cấm đối với các ca sĩ trong nước chứ các chương trình lậu ở hải ngoại hàng ngày vẫn được đưa về.” Nghe cứ như là thời bao cấp. Câu phát biểu còn hàm ý kiểm soát và quản lí tư tưởng văn nghệ của người dân. Nếu tư tưởng là tự do hoạt động cao quí nhất của con người thì khống chế và kiểm soát tư tưởng là một hành động bỉ ổi nhất, bởi vì hành động đó làm cho người ta trở thành nô lệ (do nô lệ là người mất tự do tư tưởng). Có lẽ tác giả nghĩ rằng phải kiểm soát định hướng sáng tác, cơ quan tuyên truyền bảo phải thích hoặc ghét cuốn sách nào, khúc nhạc nào, phim nào, thì người dân sẽ thích hoặc ghét những sách đó, khúc nhạc đó, phim đó. Tôi nghĩ rằng đây là một suy nghĩ sai. Trong thực tế, chúng ta thấy sau 1975, nhiều ca khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam bị cấm lưu hành, nhưng trong xã hội thì những ca khúc này vẫn sống và sống mạnh, thậm chí còn lan tràn ra tận ngoài Bắc. Thử vào các quán karaoke thì biết ngay. Theo tôi, không nên tìm cách pha trộn văn chương với tuyên truyền, hay biến nghệ thuật thành chính trị được. Ngày xưa, Mạnh Tử từng nói “quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù” (Vua mà coi bề tôi như cỏ rác thì bề tôi coi vua như khấu thù). Bây giờ mình không có vua với thần dân, nhưng có mấy “ông văn hóa” và người dân, và tôi nghĩ câu nói vẫn còn tính thời sự của nó.

 

NVT

 

nguồn: http://nguyenvantuan.net/culture/5-culture/64-ban-ve-nhac-sen

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.