.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC

 

Trường ca:

Đất nước hình tia chớp

  • PSN - 5.7.2011 | Trần Mạnh Hảo

Lời tác giả : Sau ngày thống nhất đất nước, giặc phương Bắc đã gián tiếp tấn công cướp nước ta thông qua bọn tay sai ở phương Nam là bè lũ Pôn pốt-Iêng xa ri, dự cảm bọn giặc Tầu Cộng sẽ đánh ta trên dọc tuyến biên giới phương Bắc, hoặc sẽ đánh thẳng từ biển Đông vào, hòng xé đôi nước Việt ta, thực hiện mộng đồng hóa dân tộc ta mà cha ông chúng suốt ngàn năm với hàng chục lần xuất binh không làm nổi. Tác giả đã viết bản trường ca ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP (gồm mười chương) này tham gia đánh giặc Tầu Cộng trước khi giặc tới. Năm 1978, Đài Tiếng Nói Việt Nam (một - Hà Nội) phát đi liên tục chương “Mẹ sinh nhiều con trai” không chỉ trong chương trình tiếng thơ mà còn ở các chương trình phát thanh khác. Đài Tiếng Nói Việt Nam (hai-Sài Gòn) đã dành một chương trình thơ ba mươi phút giới thiệu “Đất nước hình tia chớp”. Cũng năm 1978, Đài Truyền hình Sài Gòn đã dựng một vở múa-thơ “Đất nước hình tia chớp” do nghệ sĩ Việt Cường đạo diễn, hừng hực khí thế giết giặc Trung Quốc xâm lăng. Các chương trong sáu chương dưới đây : “Trong nhà có mẹ, Mẹ cho con trái thị, Khúc đàn bầu, Thương nhau cởi áo cho nhau, Những lời mẹ ru” của bản trường ca (cùng với chương 10 : “Mẹ sinh nhiều con trai”) cũng được các đài phát thanh trong nước phát liên tục lúc giặc Tầu Cộng xâm lược nước ta dọc tuyến biên giới phía Bắc. Nay, tác giả xin phép gửi tới các website Yêu Nước (Có nhiều website lớn – lề phải- nhưng không dám tỏ ra yêu nước, vì yêu nước thời nay rất nguy hiểm, chống giặc Tầu có thể bị nhà nước bắt…) sáu chương trong bản trường ca ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP, hầu góp phần nhỏ khêu lên ngọn gió của tình ái quốc đang muốn thổi thành bão tố trong tâm hồn người Việt Nam, quyết tâm gìn giữ biển trời Tổ Quốc, chặn đứng ý đồ cướp BIỂN ĐÔNG của ta của bọn giặc Tầu Cộng vừa ăn cướp vừa la làng, xứng đáng với cha ông anh hùng : Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…)

 

T.M.H.

 

 

Chương 1:
Trong nhà có mẹ

 

Chưa đầy chín tháng mười ngày

Khi còn nằm trong bụng mẹ

Sao con đã vội tò mò

Muốn đòi ra xem trời xem đất

Xem trời có giống bánh dày

Đất có giống bánh chưng?

Xem nước sông có thực lỏng không

Và xem đá có thực là rắn chắc?

*

Mẹ đau hộ nỗi đau toàn trái đất

Để sinh ra ba tiếng khóc đầy nhà

Ai dạy con mà con biết khóc?

Tiếng cười lần thứ nhất oa oa...

*

Cái con biết đầu tiên là ngọn lửa

Đêm ấy trăng sao trốn tránh con người

Khi hạnh phúc mẹ tìm dòng lệ nhỏ

Mẹ đừng khóc nhé mẹ ơi

Nếu mẹ khóc ngọn lửa trong nhà ta lúc đó

Sẽ đông thành đá mất thôi

*

Trong hai bàn tay mẹ khô héo

Con đã nằm trên đó suốt đời con

Mẹ cắt rốn cho con bằng dao têm trầu cũ kỹ

Chiếc nôi con là chiếc thúng tròn

*

Chưa đầy hai tuần lễ

Mẹ phải gánh con đi chạy càn

Một bên thúng con nằm chung bếp núc

Giặc đuổi đằng sau sao con khóc thét

Tiếng khóc đè gánh mẹ xuống nghìn cân?

*

Trời trên đầu con cong như bông lúa

Những vì sao làm hạt thóc con ăn

Đất dưới chân con phẳng như dải lụa

Mà sao đời mẹ tảo tần?

*

Dòng sông trước nhà ta là dòng sữa mật

Chân trời cũng một sắc phù sa

Mẹ vẫn nuôi con bát cơm pha nước mắt

Hạt mồ hôi mẹ nuôi mặt trăng, mặt trời, mặt đất

*

Mẹ nuôi con lặng lẽ như cây

Mẹ nuôi con lặng lẽ tháng ngày

Mẹ nuôi con như mặt trời nuôi cỏ

Mẹ nuôi con như rừng nuôi gió

*

Mẹ đi mò con ốc

Con ốc nằm ở đâu

Con ốc đi bằng đầu

Trú đời trong vỏ đá

Con ốc trốn vào rêu vào lá

Con ốc lẫn vào bùn ao

Mẹ biết nơi nào

Mà đi tìm con ốc?

*

Mẹ đi mò cua

Con cua giương cặp mắt

Cặp mắt nằm trên lưng

Suốt đời bò ngoài ruộng, ngoài bưng

Mẹ làm sao mà bắt

Hai gọng sắc kìm vào nhau

Con cua chạy bỏ lại càng trên tay mẹ

Rứt ra rồi mới đau!

*

Con cua mày trốn đi đâu

Mẹ đeo giỏ lội đồng sâu đi tìm

Bên trời bóng mẹ còn in

Tấm lưng mẹ đỡ muôn nghìn nắng mưa

*

Mẹ đi mò con tép

Con tép nhỏ lọt tay

Con tép chui vào quả bưởi

Có phải là con tép mẹ tìm đây?

*

Mẹ đi mò con cá ngoài sông ngoài đồng

Con cá bống mun như làm bằng trứng

Con cá bống mun ăn cùng gạo tám

*

Mẹ đi mò con cá trê

Con cá trê mới đẻ đã mọc râu

Ngạnh gai mang sẵn trên đầu

“Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về

Bắt được con cá rô trê

Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn”

*

Này con chim gáy, con chim sẻ

Sao mày thích mặc áo nâu

Sao mày thích đậu trên mái nhà của mẹ

Áo mẹ mang màu đất

Áo mẹ mang màu sứ màu sành

Áo mẹ mang màu mía mật

Áo mẹ chưa bao giờ lành

Nên áo con chưa bao giờ rách

Này củ nâu trên rừng

Mẹ Âu Cơ tìm được

Mẹ nhuộm vỏ cây thành màu bền chặt

Rồi mẹ mặc áo màu nâu

Đất buổi hồng hoang còn son rỗi

Còn trắng như phèn đen như bóng tối

Đất đã học mẹ rồi mang chiếc áo màu nâu

*

Khi mẹ ru con đất nước hình guốc võng

Khi mẹ ru con đất nước hình mũi sóng

Khi mẹ ru con đất nước mang hình chim Lạc đang bay

Khi mẹ ru con đất nước cong hình cái cày

Đất nước mãi là hình chữ S

Đất nước kẽo cà kẽo kẹt

Đất nước là mẹ đây.

*

Con ơi con ngủ cho say

Mặt trăng khuyết sẽ lại đầy mặt con

Bao nhiêu núi hoá chồi non

Mặt trời xuống để cho tròn mặt nôi

Con ơi mang lấy mặt người

Vịn vào vũ trụ tập ngồi tập đi

Nhưng giờ con phải ngủ đi

Có trời, có đất cũng vì có con

*

Con lớn lên như mùa hạ mùa thu

Con lớn như dây trầu leo vào tay mẹ

Con có lớn bằng cây cau cũng vẫn là đứa bé

Vẫn là đứa bé, vẫn là con

*

Cả bầu trời thu vào chum nước

Con cầm lấy làm gương soi

Mẹ ra đồng cấy lúa

Con làm đóm mạ chạy ra coi

Chân trời xanh, chần trời tím quá

Lưng mẹ là chân trời mẹ ơi

*

Khi mẹ đi cày đi cấy

Đất nước mang hình lưỡi liềm lưỡi hái

Đất nước mang hình chiếc ách trên cổ con trâu

Đất nước nhọc nhằn từ lâu

Đất nước không hề mệt mỏi

Sữa mẹ chắt ra từ đá sỏi

Những quả đồi như vú mẹ nghìn năm

Nuôi chúng con nhẫn nại

*

Con sẽ hát về mẹ mãi

Khi có mẹ trong nhà

Con không hề sợ hãi

Ngọn gió dắt con đi xa

Mẹ ơi mẹ vẫn ở nhà

Với mặt trăng nằm ngoài ngõ

Với chú Cuội ngồi gốc đa

Với tiếng gáy con gà như chiếc cầu vồng lửa

Với tiếng con trâu gặm cỏ rung đê

Khi mẹ nuôi con đất nước mang hình dòng sữa

Khi mẹ nuôi con đất nước mang hình bông lúa

Đất nước là bông lúa mẹ cho con

 

 

Chương 2:
Khúc đàn bầu

 

Biển sinh ra đã bạc đầu

Mẹ ru một khúc đàn bầu cho con

Một dây một trái đất tròn

Mỗi hòn núi ngỡ một hòn Vọng phu

*

Nước mình sao lắm kẻ thù?

Hết phương Bắc lại giặc từ phương Tây

Một dây thôi chỉ một dây

Mẹ ru cả trái đất này cho con

*

Chín mươi chín đỉnh chon von

Sông Hồng - chỉ một dây còn chảy qua

Đàn bầu vốn của mẹ cha

Dẫy Trường Sơn cũng thành ra dây đàn

*

Biển chiều dọc, núi chiều ngang

Gánh hai châu thổ mẹ băng chân trời

Lời ru nào chín rụng rơi

Mọc lên cây lúa cả đời uốn câu

*

Sợ gì những nỗi thương đau

Chỉ e một tiếng đàn bầu mẹ ru

Nào ai có sợ kẻ thù

Chỉ e khúc hát mùa thu quên về

*

Nằm trong bụng mẹ đã nghe

Chín mươi chín đỉnh chở che sông Hồng

Một trăm trứng của Tiên Rồng

Lên rừng xuống biển vẫn dòng Rồng Tiên

*

Tiếng đàn bầu mẹ cất lên

Núi đang chạy cũng tìm bên biển nằm

Tiếng đàn chợt bốn nghìn năm

Mà con ngỡ tưởng như lần đầu nghe

*

Thạch Sanh đàn đuổi giặc về

Mới sinh ra đã nhổ tre Là Ngà

Vó câu ngựa sắt bay qua

Bao nhiêu giặc giã tan ra thành đầm

*

Qua nghìn biển động thăng trầm

Những Chi Lăng, những Bạch Đằng, Đống Đa

Giặc gần rồi đến giặc xa

Giặc xa lại giặc gần nhà dòm sang

*

Mẹ không một chút bàng hoàng

Sông Hồng vẫn hiện ra nàng Tiên Dong

Giữa cơn bão, giữa cơn dông

Mới hay tiếng đục tiếng trong cây đàn

*

Ba vạc cơm một bữa ăn

Trẻ vụt lớn bởi giặc Ân tràn vào

Vậy mà trong khúc đồng dao

Ít khi có lửa binh đao chiến trường

*

Ra đi mang sức sông Hồng

Khi về một dáng sông Hương dịu dàng

Một dây dọc, một tay ngang

Bắc cầu cho mọi người sang với tình

*

Đàn bầu của mẹ cha mình

Gảy lên cho trái đất thành trái tim

Thái dương nào ngủ im lìm

Nghe đàn của mẹ thì tìm đến nhau

*

Con đi đâu, con về đâu

Không qua khỏi khúc đàn bầu mẹ trao

Qua cầu gió cũng chiêm bao

Mà bay mất áo mẹ nào có hay

*

Một dây căng mấy ngón tay

Đủ cho cả thế giới này đi qua

Tiếng đàn sống dưới gốc đa

Trái bầu nghèo ấy sinh ra lòng người

*

Có bao dòng suối trên đời

Về đây mà chảy qua dây đàn bầu

Mẹ ru đất nước nghìn câu

Những người đi lạc từ lâu đã về

*

Nối tầm dây tới sao Khuê

Tiếng đàn nào cũng trở về lòng nôi

Con người thì sống có đôi

Mà đàn bầu cứ suốt đời một dây

 

 

Chương 3 :
Mẹ cho con trái thị

 

Trái thị vàng mặt trăng con ăn

Cô Tấm đó hay là mẹ đó?

Trái đất này hay trái thị ngày xưa?

 

*

Tấm lòng qua mấy nắng mưa

Hóa bao nhiêu kiếp mới vừa gặp nhau

Để mình cô Tấm chịu đau

Để mình mẹ gánh cơ cầu trên vai

 

*

Chết rồi hoài thai

Thành chim?

Thành măng mai?

Thôi hoá thành trái thị

Nhờ chiếc bị bà Tiên

Đất nước lại dịu hiền

Hiện hình thành côTấm

Cô Tấm ơi cô Tấm đừng đi

Cô Tấm ở nhà với mẹ

Cô Tấm hoá thân thành nàng Kiều

Hoá thân thành Nguyệt Nga, Tô Thị?

 

*

Cô Tấm hoá thành Mỵ Châu

Nước Âu Lạc đến mai sau vững bền

Nỏ thần bắn được nghìn tên

Cố Loa thành ấy đừng quên Triệu Đà

Một chàng Trọng Thủy hiện ra

Mỵ Châu ơi có phải là tình yêu

 

*
Áo kia lông ngỗng dẫu nhiều

Đường lui chẳng rắc nổi điều dặn nhau

Mẹ không trách Mỵ Châu đâu

Nào ai trách mối tình đầu của em

Một dân tộc sống hồn nhiên

Ở bên một kẻ đảo điên dối lừa

Nỏ thần lấy lại được chưa

Mà Mỵ Châu đến bây giờ còn oan?

 

*

Dân tộc nhiều gian nan

Dân tộc nhiều lưu lạc

Cây cầu bằng nước mắt

Bắc ngang sông Tiền Đường

Nếu mẹ không dìu dắt

Nàng Kiều làm sao qua?

 

*

Từ trong giọt lệ đi ra

Mà đau thương tưởng chẳng là đau thương

Gánh trên vai mọi tai ương

Mười lăm năm biết đoạn đường phải qua

 

*

Cô Tấm ơi cô Tấm ở nhà

Mùa thu nào thị nước mình cũng chín

Mùa thu nào cũng có bà Tiên

Gót giặc phương Bắc đè nghìn năm

Gót giặc phương Tây xéo trăm năm

Dòng sông nào cũng pha màu máu

Ngọn núi nào như cũng trộn xương

Mái nhà nào như cũng bén lửa

Thiếu phụ nào như cũng một lần goá bụa

Con cuốc nào cũng kêu

Con cuốc kêu đất nước

 

*

Mặt trời cũng chít khăn tang

Vầng trăng như chiếc đầu người tráng sĩ giặc treo trước làng

Không có vì sao nào không khóc

Mây trên trời tan hoang

Ôi dáng hình đất nước

Sao giống như hình con giun bị xéo quằn?

 

*

Lịch sử căm giận nghìn năm, căm giận trăm năm

Đất nước mang hình con rồng con phượng con lân

Con rồng đã quẫy

Con rồng đã bay

Con ngựa sắt thét ra lửa

Trẻ con lập tức ăn ba vạc cơm

Ngựa sắt hí lên đòi ăn cỏ

Con rùa tìm thanh kiếm dưới hồ sâu

Rừng lau thành rừng đuốc

Cho trẻ con tập trận trên mình trâu

Tất cả ao hồ hoá thành trống trận

 

*

Mọi dòng sông

Đều uốn theo hình đất nước

Uốn theo hình mũi bát xà mâu

Bao ngon núi lửa Tây Nguyên

Đều biến thành lò rèn, rèn kiếm

Mặt trăng thành đá mài

Cho Lê Lợi mài đại đao

Chừng như muôn vạn vì sao

Xuống mọc trên áo long bào Bà Trưng

 

*

Có bao nhiêu ngọn núi

Đều uốn theo hình mũi giáo

Uốn theo hình đất nước lao lên

Mặt trời mọc trên yên ngựa

Tất cả sừng trên đầu hươu nai

Đều chuốt theo hình đất nước

 

*

Lá lúa vừa nhú lên

Đã uốn thành câu liêm

Cho người đi giết giặc

Gỗ trên rừng tìm lòng sông mà mọc

Cọc gỗ nào cũng giống mũi Cà Mau

Voi trên rừng rủ nhau ra trận mạc

Đất nước hình vòi voi

Theo bà Triệu Thị Trinh đuổi giặc

Áo long bào Quang Trung

Cháy một chân trời hoả hổ

 

*

Đất nước mang hình cơn bão cơn giông

Đất nước manh hình cây cung

Giương lên phương Bắc, giương ra biển Đông

Mẹ ơi lịch sử thời nào cũng sẵn ống đồng

Cho giặc chạy khi nào bại trận

Núi vút về phương Nam

Giục mũi Cà Mau xé sóng

 

*

Lịch sử trong trái thị

Lịch sử chín mỗi ngày

Trái thị con cầm trên tay

Có giống trái đất này dài rộng?

 

*

Mẹ ơi qua nghìn biến động

Mẹ lại về trồng lúa trồng dâu

Đất nước của con mang hình dây bí dây bầu

 

 

Chương 5:
Thương nhau cởi cáo cho nhau

 

“Thương nhau cởi áo cho nhau”

Vì em dối mẹ một câu trong đời

Con xin phép mẹ mẹ ơi

Giặc tan con phải tìm người con thương

*

Biết em từ thuở Hùng Vương

Lưng ong thắt đáy như lưng nước mình

Dẫu từng đi suốt chiến chinh

Mà sao đất nước vẫn hình dáng em

*

Chiếc khăn hoa lý bay lên

Theo hình đất nước nằm bên biển đầy

Mẹ sinh cho em bàn tay

Để anh cầm lúc gió bay qua cầu

*

Chắc là không có ai đâu

Thương nhau thì cởi cho nhau áo mình

Cái duyên là cái vô tình

Ai mà cố ý chẳng thành được duyên

*

Như là buổi mới gặp em

Hay đâu sự thể làm nên chuyện đời

Cái điều muốn nói bằng lời

Trách đôi mắt nói hết rồi còn chi

*

Trách bàn tay quá lầm lì

Không đưa câu nói anh đi lẹ làng

Cái điều muốn nói gọn gàng

Bao nhiêu rạo rực chỉ bằng một câu

*

Phải vì nhớ trước quên sau

Cái điều muốn nói cùng nhau qua rồi

Ai từng qua tuổi hai mươi

Mới hay đất nước mình thời đang yêu

*

Đất nước cong hình cánh diều

Khi ta ngỏ với nhau điều ta mong

Nàng Tiên Dong tắm trên sông

Anh vùi trong cát mắt không chịu vùi

*

Chử Đồng Tử hoá anh rồi

Cái nghèo mà đổi được người mình thương

Tỏ tình, tình lại về không

Nên Trương Chi giấu mặt trong tiếng đàn

*

Qua rồi mới biết người oan

Hoá thân thành gỗ bạch đàn cho ai

Những người con gái con trai

Yêu nhau thì nhớ chuyện này mai sau

*

Trong cơi trầu quả địa cầu

Đất nước mình giống miếng cau dịu mềm

Là khi anh biết yêu em

Là khi Kim Trọng đến bên Thuý Kiều

*

Là khi muốn nói mình yêu

Mà sao chỉ nói toàn điều vu vơ

Là khi chàng Tú Uyên mơ

Giáng Kiều người đẹp bao giờ hiện ra

*

Là khi Từ Thức đi qua

Suốt hang động biết có là yêu thương

Là em con gái Hùng Vương

Sơn Tinh lường trước đoạn đường phải qua

*

Thuỷ Tinh cậy lắm phong ba

Chậm chân nên đến nay mà còn ghen

Núi và sông, anh và em

Nào ai dám cất người lên qua đầu

*

Ví bằng không lấy được nhau

Làm chi còn có kiếp sau mà chờ

Chuyện chàng Ngâu dạy anh xưa

Rằng người đừng có bao giờ lấy Tiên

*

Đất nước mang hình vành khuyên

Khi em mười tám cái duyên đậm đà

Khi anh vừa thấy em qua

Vội ra đầu ngõ để ta đi cùng

*

Đường xa anh lại đi vòng

Thẳng đường mãi có tới lòng nhau chăng

Đất nước mang hình mặt trăng

Là khi anh dám nói rằng mình yêu

*

Là khi ngồi suốt buổi chiều

Mà anh mới thử đánh liều nói ra

Đất nước mang hình mẹ cha

Trong vòng tay của em và của anh

*

Nghe hơi thở ấy ngọt lành

Cái hôn của mẹ cha dành cho ta

Tận cùng hương vị thịt da

Thương yêu làm đất trời hoà vào nhau

*

Biển nào biển chẳng muốn sâu

Núi nào núi chẳng muốn cao bằng trời

Con người muốn sống có đôi

Chẳng như chú Cuội ngồi chơi một mình

*

Hiếm hoi ngày tháng thanh bình

Em làm cây trúc sân đình dân ca

Đất nước mang hình cây đa

Những người trai trẻ đều là Thạch Sanh

*

Em làm cây quýt, cây chanh

Làm con chim chích đậu nhành ca dao

Thương cây lúa biết nhường nào

Chỉ chờ tiếng sấm để vào tháng ba

*

Vua Hùng tìm lúa đâu ra

Từ trong cỏ nhặt về nhà nâng niu

Nước mình lớn bởi chắt chiu

Bàn tay cầy cấy em dìu lúa qua

*

Úng rồi hạn, bão rồi mưa

Cộng thêm giặc giã cầy bừa làm sao

Con trâu lặn lội thuở nào

Nghìn năm kéo đất nước vào mùa chiêm

*

Thương bàn chân mẹ, chân em

Sánh phù sa có in lên chân trời

Chỉ nhìn vào móng chân thôi

Biết em đã lội qua thời trẻ trung

*

Biết em từ thuở vua Hùng

Tấm lưng đã gập xuống cùng đất sâu

Tay ôm đóm mạ từ lâu

Như là ôm đứa con đầu của em

*

Chồng cầy vợ cấy đôi bên

Con trâu đi giữa làm nên nước mình

Bánh dầy trắng, bánh chưng xanh

Đất trời kia cũng sinh thành bởi ta

*

Bởi em trời hoá mái nhà

Cho đôi ta trú chân qua tháng ngày

Thương làm sao hết bàn tay

Bàn tay của đất nước này của em

*

Dẫu làm cô Tấm, cô Tiên

Vẫn coi bếp núc dành riêng phần mình

Dẫu làm bà Triệu Thị Trinh

Khi ru nôi vẫn một hình dáng em

*

Thương nhau thì nhớ đừng quên

Về xin phép mẹ mà lên qua cầu

Nước mình cởi áo cho nhau

Thương nhau thì đến bạc đầu còn thương.

 

 

Chương 7:
Những lời mẹ ru

 

KHÚC I

Nếu không có mẹ ru con

Chắc là trái đất chẳng tròn được đâu

Lời ru từ lúc chôn rau

Theo con đi suốt hai đầu thời gian

*

Mặt trời vừa hoá trái cam

Để khi con lớn con cầm trong tay

Con ơi con ngủ cho say

Mẹ trao cả vũ trụ này cho con

*

Chân con như ánh trăng non

Mà sau khôn lớn đi mòn Trường Sơn

Tay con như búp hoa thơm

Mà sau chai sạn bền hơn đá bền

*

Con cười như mảnh trăng liềm

Mắt con cong một dáng thuyền sang sông

Võng chao mà giống biển Đông

Con ơi đừng sợ cơn giông trong nhà

*

Mai rồi con sẽ đi xa

Hãy làm quen với tiếng gà ngoài sân

Lá rơi giống tiếng bàn chân

Kéo trời thấp xuống cho gần lòng nôi

*

Mẹ nghe rõ tiếng con rồi

Nghe con cười cả gầm trời lặng im

Cả vòm tinh tú lim dim

Cũng theo cái ngủ đi tìm giấc mơ

*

Mẹ ru một tiếng ầu ơ

Mà nghìn năm đến bây giờ còn ngân

Trở mình trên võng con lăn

Nghe như trái đất nghiêng dần một bên

*

Mẹ ngồi mẹ thức thâu đêm

Lời ru của mẹ làm nên canh dài

Ru con từ thuở bào thai

Con là hạt lúa củ khoai mẹ trồng

*

Ngủ đi con giấc say nồng

Trong vòng tay mẹ, trong vòng tay cha

Phải con nhờ tiếng oa oa

Báo cho mặt đất biết là có con

*

Ngủ đi cho trái bưởi tròn

Con đừng sợ gấu ăn mòn mặt trăng

Núi đồi như trẻ dung dăng

Chân con rồi sẽ san bằng biển khơi

*

Lời ru mẹ hoá vòm trời

Chở che suốt cả cuộc đời con đi
*

 

KHÚC 2

Từ trong nôi mẹ ru con

Đến khi con lớn mẹ còn hát ru

Khi con ngã dưới đạn thù

Lời ru có giống như từ trong nôi?

*

Chiến trường mấy chục triệu người

Đã nằm xuống đất từ thời Hùng Vương

Mẹ nào có sợ đau thương

Vực sâu để núi biết đường vút cao

*

Ngủ đi giấc ngủ ngọt ngào

Những người ngã xuống từ bao nhiêu đời

Đầu trên máy chém vừa rơi

Người nằm xuống đất chết rồi còn đau

*

Ngủ đi lòng đất có sâu

Chẳng bằng lòng mẹ buổi đầu sinh ra

Ngủ đi người đã đi xa

Muôn năm màu đất vẫn pha máu hồng

*

Mẹ ơi biết mẹ bế bồng

Trái tim con đập trong lòng mộ sâu

Mẹ ơi con chẳng chết đâu

Con nằm con ngủ qua đau thương này

*

Mẹ ơi sao mắt con đây

Mà không ngắm được lúa đầy bông sai

Tay con nào phải tay ai

Mà không hái nổi một vài bông hoa

*

Mẹ ơi chân của con mà

Sao con nhấc mãi không ra khỏi mồ?

Chỉ duy một giấc con mơ

Là còn đi thấu cõi bờ thế gian

*

Mẹ ru con ngủ cho an

Ngủ say thì hái được làm sao hoa

Ngủ làm sao bước chân ra

Sợ đi lạc biết đâu mà tìm con

*

Mẹ ơi trên bãi cỏ non

Con nghe trâu gặm tiếng ngon nhịp đều

Con nhờ mẹ nhắn người yêu

Đừng chờ con kẻo buổi chiều đã sang

*

Con ru bằng cả mùa màng

Mẹ ru con giữa hai hàng trời xanh

Bao nhiêu hạnh phúc con dành

Cho người yêu dấu nên thành lứa đôi

*

Mẹ đừng buồn nhé mẹ ơi

Con mơ cho mẹ ngày mai thật nhiều

Cái phần sướng khổ thương yêu

Của con mẹ hãy chia đều nhân gian

*

Con ơi thương mến vô vàn

Trái tim con đập ngút ngàn lúa reo

Con đi hết mọi núi đèo

Khi nằm xuống đất vẫn nhiều lo toan

*

Mẹ ơi đừng có khóc than

Con nằm xuống để hoà tan vào đời

Trong lòng đất mẹ lòng nôi

Con nghe sự sống đang hồi sinh ra

*

Người hi sinh tự ngàn xưa

Khi nằm xuống đất vẫn mơ chuyện đời

Mẹ ru người đã khuất rồi

Ngủ say trong đất những lời tái sinh.

 

 

Chương 10:

Mẹ sinh nhiều con trai

 

Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất

Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng

Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp

Chọn vùng tâm bão để sinh con

*

Cái dải đất sông hoá rồng chín khúc

Hai đầu xoè những mũi đất - mũi lao

Núi mang dáng ngựa phi voi phục

Bảo ngủ rừng sâu đợi giặc vào

*

Cái dải đất giống như nàng Tiên múa

Lại có hình ngọn lửa lúc cuồng phong

Lịch sử thành văn trên mình ngựa

Con trẻ mà mang áo giáp đồng

*

Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu

Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra

Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo

Tráng sĩ mà sao phải giữ nhà?

*

Không mẹ ơi những người trai khí phách

Giặc giết rồi mẹ chưa kịp sinh đâu

Mẹ chưa kịp dựng đền đài thành quách

Chưa đủ bình yên ăn hết miếng trầu

*

Mẹ ơi suốt chiều dài lịch sử

Mẹ vẫn sinh nhiều những đứa con trai

Mỗi bận chiến trường tin báo tử

Mẹ lại hoài thai bằng nỗi đau dài

*

Mẹ thương con mẹ thương đất nước

Áo vá vai như ruộng vá chân đồi

Mẹ mất ngủ suốt thời trận mạc

Đất nước là trán mẹ đẫm mồ hôi

*

Con thương mẹ con thương nhánh lúa

Mảnh vô cùng không đỡ nổi chân chim

Rễ lúa nhỏ đau ngầm trong rễ cỏ

Cây lúa vì con mẹ phải đi tìm

*

Con thương mẹ con thương bếp lửa

Tro trấu mà nướng chín củ khoai

Con chim khách sao mày kêu trước cửa

Có ai vào mang tin đứa con trai

*

Con thương mẹ con thương lưỡi cuốc

Suốt cả đời chưa được ngó đầu lên

Những nhát cuốc như mỏ gà bới đất

Cánh đồng sâu chân mẹ quánh phèn

*

Con thương mẹ con thương phên cửa liếp

Hở then cài đêm lọt gió mùa đông

Có chiếc ổ rơm con trâu vừa ăn hết

Những đêm dài mẹ thiếu tấm chăn bông

*

Con thương mẹ con thương chiếc guốc

Truyền bao đời chiếc guốc gộc tre

Tiếng guốc mẹ giống tiếng kêu con cuốc

Suốt năm canh kêu xác cả mùa hè

*

Con thương mẹ, con thương bàn tay mẹ

Cả đời con không đi hết hoa tay

Chắc mẹ rửa tay con bằng mồ hôi từ bé

Mà bàn tay khoẻ tựa lưỡi cày

*

Con thương mẹ thương cả đời đưa tiễn

Hết giặc này lại đến giặc kia

Mẹ cưu mang hết mọi thời kháng chiến

Những đứa con đi dầu biết không về

*

Con thương mẹ con thương đất nước

Từ ngàn xưa cho đến hôm nay

Những tên giặc phương xa vừa phải cút

Khói Cam Tuyền ải Bắc đã vờn mây

*

Chưa bao giờ mẹ sinh nhiều con trai đến thế

Chúng con đi mạnh khoẻ vô cùng

Những binh đoàn ào lên bão bể

Toả nhánh về biên giới vòng cung

*

Tất cả núi đều đổ ra biên giới

Tất cả rừng đều cuộn tới chở che

Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới

Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè

*

Cau nhà ta không đủ mo để gói

Những nắm cơm của mẹ chật ba lô

Những chân trời cháy lên tiếng gọi

Biển cả reo một tiếng rung bờ

*

Con thương mẹ chưa nghỉ gồng nghỉ gánh

Dãy Trường Sơn vẫn trĩu đôi vai

Chúng con chẳng sợ gì bao trận đánh

Rặng tre ngà đã phủ suốt vành đai

*

Con thương mẹ còng lưng cấy lúa

Cây lúa vừa cắm xuống như chông

Những ngọn núi sẵn sàng phun lửa

Những dòng sông trữ thác ở trong lòng

*

Con thương mẹ con thương biển cả

Giấu tâm hồn nhân hậu dưới phong ba

Nếu giặc đến biển sẽ thành chảo lửa

Sao biển vẫn ngoan như chiếc ao nhà

*

Thế hệ chúng con chưa kịp tròn mười tám

Như đất nước nghìn năm chưa một kỷ nguyên già

Những quả đồi nằm theo dáng đấm

Sông Thương buồn có giặc cũng lao ra

*

Thế hệ chúng con đi như gió thổi

Quân phục xanh đồng sắc với chân trời

Chưa kịp yêu một người con gái

Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai

*

Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn

Sống thì đi mà chết thì nằm

Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn

Đất nước là một cuộc hành quân

*

Mẹ ơi, có mẹ rồi chúng con vững bước

Chúng con lam làm, chúng con sống chúng con yêu

Chọn tâm bão mẹ sinh thành dân tộc

Sóng có nghiêng đê con vẫn bắc cầu Kiều

*

Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất

Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai

Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp

Rạch chân trời một lối đến tương lai.

 *

 

TRẦN MẠNH HẢO

(Trường ca này tác giả viết tại Sài gòn năm 1976-1977,
năm 1978 được giới thiệu năm chương trên Văn Nghệ Quân Đội, sau NXB QĐND mới in thành sách)

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.