.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC


Hành trình 1.700 km
và trải nghiệm về hạnh phúc

Tôi, từng là một kẻ cô độc và khép lòng mình hầu như với mọi người, nay đã trở thành một con người biết mở lòng mình, trân quý tình bạn hơn nhờ một cuộc hành trình xuyên Nam-Bắc trên chiếc xe đạp mỏng manh.
 

Hạnh phúc khi bước ra thế giới rộng lớn
 

phuotdeoca500.jpg
Sơn trên đỉnh đèo Cả, vừa mệt vừa rất “phê”
 

Năm 2006, một lần tình cờ vào nhà sách cùng Sơn, hai đứa cắm mặt vào tấm bản đồ rồi sau đó quay ra nhìn nhau. Một ý nghĩ ngông cuồng hiện ra trong đầu hai đứa: làm một hành trình xuyên Nam Bắc để biết đất nước dài rộng ra sao, thủ đô ngang dọc thế nào. Nói là làm, tôi góp hết tiền đi dạy thêm lại được 1,4 triệu. Sơn có 1,2 triệu. Tôi về nhà ở Biên Hòa đóng gói đồ đạc, nói dối bố mẹ và bắt đầu chuyến hành trình bằng xe đạp.


Đó là một giấc mộng đẹp kì lạ, một hành trình tuyệt vời mà sau này dù có những chuyến đi lớn hơn, xa hơn, nhưng niềm vui không gì sánh được với chuyến khám phá đầu tiên ấy. Trước đó, tôi chưa từng bao giờ đi lên phía bắc của Biên Hòa, cũng chưa bao giờ được thấy biển. Thế giới như mở ra trước mắt chúng tôi mênh mông, đầy mới mẻ. Có những ngày hai đứa sung sướng đến phát khóc. Còn nhớ khi đạp xe đến Phan Thiết, nhìn thấy biển, nằm trên cát ở Đồi Dương (biển – lần đầu tiên tôi thấy!), hai đứa hăng quá, huyên thuyên đủ thứ đề tài. Hồi đó Đồi Dương có nhiều quán cà phê. Hai đứa vào ngồi cà phê, ngủ trưa, ăn mì gói, đánh một giấc, rồi lại cà phê.


Rồi kỷ niệm chúng tôi dắt xe lên đèo Cả. Suốt 10 km nhé! Trời bỗng đổ mưa tầm tã. Hai đứa mặc áo mưa đứng nhìn cả một cảng biển dưới chân đèo xếp tăm tắp những chiếc thuyền cạnh nhau. Biển xanh ngắt. Tôi run rẩy vì lạnh. Nhưng tôi chẳng thấy chút sợ hãi nào, dù đèo Cả cách nhà đã xa lắm rồi, và túi lạp xưởng mẹ làm cho tôi đã có dấu hiệu bị hỏng. Xuống chân đèo Cả, Sơn say sưa chụp ảnh cho một đứa bé có gương mặt thiên thần. Con đường ngoằn ngoèo tạo tác như một vệt điêu khắc trên khối đá khổng lồ là trái đất dưới chân chúng tôi.


Những kỷ niệm khó quên về tình bạn
Hành trình dọc đất nước không phải lúc nào cũng đầy vui vẻ như thế. Có một lần, sự giận dỗi len vào trong tim tôi sau một cuộc tranh cãi về cái nghèo, sự cùng cực của nông dân. Tôi nổi cáu với Sơn. Đó là lúc phải vượt một con dốc ở Quảng Trị, ngày bọn tôi hứa sẽ đến nhà người bạn cùng lớp. Đêm khuya, chúng tôi còn gần 40 km. Tôi tức giận không đạp xe cùng Sơn nữa, đi thụt lùi lại.


Tôi lặng lẽ đi trong bóng tối khi những chiếc xe tải ào ào vượt qua. Tôi không màng đến việc cần một chiếc đèn pin để xe tải biết mà tránh mình. Sơn gò lưng đạp xe lên con dốc dựng đứng. Và bỗng nhiên, tôi thấy Sơn vứt xe đổ giữa dốc, chạy bộ lại phía tôi. Khi tôi đến gần. Sơn huơ đèn pin loạn xạ, hét gọi tên tôi. Tôi thấy gương mặt Sơn đẫm mồ hôi, đầy lo lắng: “Cậu ơi, cậu đâu rồi?” Tôi thấy cổ họng nghẹn lại, muốn khóc. Tôi không thể giận được nữa. Gương mặt cậu ấy làm sự ích kỉ trong tôi vỡ vụn.


1 giờ sáng, chúng tôi đến con đường dẫn vào ngõ nhà bạn cùng lớp. Bạn đến đón bằng xe máy. Tôi bảo Sơn hãy về trước. Tôi đứng một mình trên quốc lộ. Cái vạt cỏ trước mặt tôi thẫm đen lại, không một ánh đèn. Một chiếc xe tải chạy qua, tôi thấy mình mệt muốn gục xuống, và yên tâm vì Sơn ở bên mình.


Có ngày hai đứa chúng tôi leo trên một lưng đồi, bày bếp núc ra ngồi nấu ăn. Sơn chỉ tôi cách nấu canh rau muống. Tôi nấu cơm. Cả hai đã trổ tài ăn nói để xin người dân vài vọng rau muống và muối, nước mắm… (Để đi hết hành trình, chúng tôi đã thực hiện hàng trăm lần xin xỏ.) Cơm vừa nấu xong thì trời đổ mưa. Chúng tôi vội căng áo mưa ra hai chiếc xe, nồi cơm vừa nấu xong nằm ở giữa. Chúng tôi phá lên cười trong cơn mưa vì nhớ lại Sơn từng buột miệng bảo: “Giờ đang nấu cơm mà mưa thì không biết làm sao nhỉ…”


Các tình huống kỳ quái có vẻ thường xảy ra vào mỗi ngày thứ hai, nên chúng tôi cá cược xem mỗi ngày thứ hai sẽ có chuyện gì không hay xảy ra với mình. Có một đêm chúng tôi từ Tuy Hòa về Sông Cầu, Phú Yên – đó là lần duy nhất suốt chuyến đi, chúng tôi không được bất cứ một ai cho phép ngủ nhờ, ngay cả trong nhà thờ, nhà chùa, và những nhà dân có sân vườn rất rộng. Thậm chí chúng tôi xin ngủ trên cái quán bán hàng mà cũng bị từ chối. Thế là hai đứa phải chạy khỏi Sông Cầu. Đạp xe đến 2 giờ sáng, mệt lử, tuyệt vọng khi trước mặt là một cái đèo cao dựng lên. Cả hai quyết định sẽ ngủ qua đêm ngay ở chân đèo, với hai chiếc võng được quấn vào túi ngủ. Sơn canh cho tôi ngủ trước. Khi tôi tỉnh dậy lúc 5h30 sáng, cậu lăn ra ngủ. Tiếng xe tải gào rú trở nên càng lúc càng rõ nét hơn khi trời sáng. Tôi ngồi với chiếc võng quấn quanh người, nhìn Sơn ngủ, cảm thấy sợ hãi khi những bóng người bắt đầu xuất hiện ở mấy mảnh rẫy khô cằn quanh chân đèo. Một ông già lái chiếc xe citi màu đỏ dừng lại gần đó, gườm gườm nhìn mình. Tôi ngồi bất động, và thực sự bắt đầu cảm thấy việc canh cho Sơn ngủ là một nhiệm vụ quan trọng.


Trải nghiệm về hạnh phúc của tôi
 

phuotdeoca450.jpg
Trên xe đạp là gia tài của cả hai đứa cho chuyến đi
 

Cùng với hành trình, các ý nghĩ trong tôi cũng thay đổi. Khi tới đèo Hải Vân, tôi chả thấy vui sướng gì ngoại trừ lúc gặp được cái quán bán nước trên đỉnh đèo, uống nước no nê rồi gần như ngủ thiếp đi giữa đỉnh đèo lộng gió. Hóa ra nơi có thể là đỉnh cao của mọi cuộc chinh phục mà người ta thường nói đến lại xuất hiện trong tôi một cách nhàm chán đến thế. Tôi thích cảm giác ở đèo Cả hơn, thích nhớ lại hình ảnh mình gào lên vì sung sướng khi ngắm mặt trời lặn ở đèo Cả, mê lịm đi giữa một dòng nước biển chói rực màu thủy tinh và cát nhuyễn như bột mịn.


Đó là khi tôi vỡ lẽ ra rằng đôi khi mục tiêu mà cả thế giới đổ xô chạy theo lại không phải là thứ thực sự làm mình hạnh phúc. Tôi thích những thứ nhỏ nhỏ, đơn giản, chẳng hạn như khi nằm ngủ gật trên bãi biển, chẳng thấy ai choán mất tầm nhìn của mình. Thế giới của mình, phải là của riêng mình, thật tuyệt!


Hành trình ấy, chúng tôi đã vượt qua 1.700 km, đến Hà Nội để… xem thủ đô là cái gì. Về cuối hành trình, chân tôi đau nhừ, nhưng tôi không bỏ cuộc. Có những khi Sơn phải xuống dắt xe đi bộ cùng tôi, phải chờ tôi từng quãng một, phải nấu cho tôi ăn. Tôi không biết điều gì đã khiến cậu chịu đựng tôi nhiều như thế, ngoài một tình bạn hết sức đơn giản giữa hai chúng tôi. Sau này, khi cùng làm việc chung và cả khi chơi chung, Sơn vẫn lùi lại nhường tôi một bước. Và tình bạn của chúng tôi có cơ hội được tốt đẹp hơn mỗi ngày. Sự lạc quan, hạnh phúc của Sơn chính là điểm tựa cho cả hai đứa tôi. Thật may mắn khi tôi có một người bạn như thế. Một tình bạn được chưng cất trong hạnh phúc và những giờ phút gian khó là thứ vàng ròng.


Và chuyến đi đã giúp tôi thay đổi rất nhiều, không chỉ về cảm nhận hạnh phúc, mà là cơ hội để trải nghiệm về hạnh phúc.


Khải Đơn

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.