.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC


Mẹ - người phụ nữ con yêu!

“…Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc...
Mẹ ru con yêu thương con tha thiết...
Mong cho con luôn luôn ngoan hiền, giấc no say…”

 

Mẹ à, có lẽ mẹ sẽ ngạc nhiên lắm khi nhận được lá thư này. Và con cũng vậy, con không nghĩ là lại có lúc con cầm cây bút và viết thư để tâm tình với mẹ. 22 tuổi, suốt 6 năm liền là học sinh giỏi văn của lớp, của trường phổ thông và giờ đây là một sinh viên chuyên ngành Văn mà chưa có một lần con viết về mẹ dù chỉ là một dòng. Con đã từng đọc rất nhiều bài văn về cha mẹ. Con cũng đã từng nghe rất nhiều câu chuyện hay về tình mẫu tử. Và con cũng đã nhiều lần chứng kiến sự hy sinh cao cả mà những người làm cha, làm mẹ dành cho những đứa con của mình cảm động đến rơi nước mắt. Viết về các nhân vật văn học thì rất nhiều nhưng viết cho người mẹ - người phụ nữ con yêu thương nhất trong cuộc đời mình thì lại là điều con chưa từng làm. Vậy con có phải là một đứa con vô ơn và bất hiếu không mẹ?
 

Trong đại gia đình mình có rất nhiều phụ nữ. Mỗi người đều để lại trong con những ấn tượng khác nhau. Nào là bác Hoàn dịu dàng, hiền thục. Nào là gì Nhung “la sát” xinh xắn hay chị Lương “cá mập” lúc nào cũng thật nghiêm khắc. … Nhưng với con, mẹ thật đặc biệt.
 

Mẹ - người sinh ra con, nuôi nấng, dạy dỗ con lên người. Mẹ luôn là người đưa nôi mỗi khi con ngủ, dỗ dành khi con khóc, an ủi khi con buồn, động viên khi con nản chí, nghiêm khắc khi con phạm lỗi, thứ tha khi con biết sửa sai, ...Mẹ là thế, luôn "cứng mềm" đúng lúc.
 

Năm con vào lớp 1, vì bố đi làm xa nhà nên mẹ là người chuẩn bị cho con mọi thứ đồ dùng học tập. Sáng hôm khai giảng, mẹ đưa con đến trường. Vì là buổi học đầu tiên nên con xa lạ và bỡ ngỡ. Mẹ dắt con vào lớp, bàn tay con nhỏ xíu nằm gọn trong bàn tay mẹ. Ấm áp vô cùng! Sau khi cô giáo vào lớp, vì sợ con khóc nhè nên mẹ đứng ngoài cửa sổ một hồi lâu nhìn con rồi mới ra về. Trưa, mẹ đợi giờ tan lớp để đón con ở ngoài cổng trường. Trời nắng chang chang, mẹ đèo con trên chiếc xe đạp phượng hoàng đã cũ. Bóng mẹ cao lớn luôn đi bên cạnh con, che chở cho con. Sáng, mẹ đưa con đến lớp. Tối, mẹ dạy con học bài. Những chữ cái o, a đầu tiên, con luôn được mẹ bắt tay hướng dẫn viết nắn nót. Những phép toán cộng, trừ, nhân, chia con luôn được mẹ rèn luyện cho thuần thục. Ngày qua ngày, thời gian cứ thế trôi qua. Với sự quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ của mẹ, con luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Lớp 1, lớp 2,…và con đã hết cấp tiểu học. Mẹ - người luôn bên cạnh con.

“Cuộc sống tươi đẹp!”. Đó là câu con vẫn thường nói với mẹ. Nhưng rồi, ngày hôm ấy, ngày mẹ đưa con đi nhập trường trung học ....Chắc mẹ vẫn còn nhớ .... Con tin là mẹ vẫn còn nhớ…
 

Khi con và mẹ đang đứng ở cổng trường đợi đến giờ nộp hồ sơ, một nhóm học sinh đi qua, chỉ trỏ và nói: “Ê. Chúng mày ơi. Đứa dị tật kìa!”. Cả lũ nhôn nhao, nhìn ngó. Con ngẩng mặt lên, thì ra các bạn ấy đang chỉ mình. Nước mắt dưng dưng, con khóc. Mẹ, ánh mắt trùng xuống một lúc rồi gọi nhóm học sinh ấy lại. “Bác hy vọng, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, các cháu có hành động như vậy. Các cháu cần phải biết tôn trọng và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình trong cuộc sống. Thấy bạn như vậy thì các cháu cần thương yêu và chia sẻ với bạn hơn chứ”. Thế rồi, mấy bạn ấy xin lỗi mẹ và con vì hành động đó. Con biết, lúc ấy mẹ buồn và đau lắm. Con tin chắc là như vậy. Vì con là đứa đầu nên bố mẹ đặt nhiều hy vọng vào con lắm. Nhưng không may, con lại bị...dị...tật…!


Suốt 22 năm vừa qua, chưa một lần con hỏi và cũng chưa một lần con thấy mẹ nhắc đến chuyện ấy. Con cũng tò mò lắm nhưng mẹ à, con sẽ không bao giờ hỏi nguyên nhân: “Vì sao con lại bị như thế này đâu”? Vì mẹ vẫn luôn nhắc nhở, động viên con rằng: “Con người không ai là hoàn hảo, ai cũng có số có phận cả con ạ. Mẹ tin, ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy hết của ai bao giờ”. Và vì con biết, con buồn nhưng bố mẹ thì đau trăm nghìn lần. Chuyện này con không muốn nhắc lại vì nó sẽ khiến mẹ buồn. Nhưng mẹ ơi! Tận đáy lòng mình, con muốn nói với mẹ rằng: “Con chưa bao giờ trách bố mẹ một lần vì điều đó.” Có mẹ luôn là chỗ dựa, là động lực con sẽ vượt qua tất cả. Con sẽ cố gắng để mọi người nhìn con với ánh mắt khác. Cuộc đời con đã nhiều nước mắt vì thế con sẽ cố gắng để có nụ cười. Cám ơn bố mẹ đã cho con cuộc đời này. Mỗi bước con đi, mỗi việc con làm đều có ánh mắt của mẹ dõi theo. Mẹ - người luôn che chở cho con.


Bài học đầu tiên mẹ dạy con chính là bài ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


Từng tiếng mẹ đọc, từ chữ mẹ viết, từng lời mẹ dặn con sẽ mãi khắc ghi. Vừa nắm tay con mẹ vừa nói: “Trong bài thơ, công lao của người cha được so sánh với núi Thái Sơn, đó là ngọn núi cao nhất, sừng sững trước nắng mưa, trường tồn, bất biến mãi giữa không gian và thời gian nhằm tỏ ý công lao của cha là rất lớn. Còn ví nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, nguồn nước không bao giờ cạn kiệt nhằm chỉ tình mẫu tử hết sức bền chặt, lâu dài giữa mẹ và con. Cả hai vế của câu ca dao trên đều có ý nhấn mạnh và nhắc nhở những kẻ làm con phải biết đến công lao vô cùng to lớn và dài lâu của cha mẹ và gián tiếp khuyên kẻ làm con phải biết làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Để hiếu thảo với cha mẹ không những ta phải biết ơn, kính trọng, vâng lời, giúp đỡ, phục dưỡng, làm cha mẹ không phải buồn lòng mà còn phải học thật giỏi để trở thành người có ích cho xã hội, làm rạng danh dòng họ.” Lý thuyết gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành. Mẹ hy vọng, qua bài ca dao mẹ dạy, con sẽ yêu thương cha mẹ nhiều hơn và hãy cố gắng hơn nữa để làm vui lòng mẹ cha khi còn có thể. Một bài ca dao hay và ý nghĩa được chuyển tải đến con bằng một giọng đọc trầm ấm, với đôi mắt hiền từ và những cử chỉ thân thiết ấy con sẽ không bao giờ quên. Và cũng chính từ bài ca dao đầu tiên ấy của mẹ mà con đem lòng say mê văn học và có lẽ cũng là một lý do để con theo học ngành Văn. Không ai hết, chính mẹ đã truyền cảm hứng cho con.
 

Dòng đời lặng lẽ qua đi và êm đềm trôi mãi mãi. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mười hai năm học trôi qua. Kì thi đại học đang đến gần, con băn khoăn không biết thi vào ngành gì. Mẹ hướng con đến với sư phạm. Con trả lời kiên quyết: “Mẹ muốn con theo ngành gì cũng được nhưng sư phạm thì con nhất quyết không là không. Con ghét làm giáo viên lắm. Gò bó, nhàm chán!”. Thế rồi, mẹ từ từ khuyên giải: “Mỗi ngành, mỗi nghề đều có cái hay, cái dở của nó con ạ. Nghề giáo viên cũng vậy. Có lẽ con không thích nó vì có những bài giảng khô khan, vì đồng lương ít ỏi, vì học sinh nghịch ngợm, … nhưng ngược lại, con sẽ được chia sẻ, được tiếp xúc với nhiều học sinh thân thương, được đem kiến thức của mình đến cho nhiều người và nó sẽ được truyền đi nhiều hướng khác nhau. Nghề trồng người! Cái lợi về vật chất thì rất ít mà cái được về tinh thần thì nhiều vô cùng. Vì thế, người ta gọi nghề giáo là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Hay đơn giản thôi, con gái theo nghề này sẽ ổn định công việc và cũng đỡ vất vả hơn”. Nghe mẹ kể về cái nghề mà con “ghét nhất trên đời” với sự đam mê và đầy nhiệt huyết, bỗng dưng, lòng con lại muốn được làm một giáo viên ngay lập tức. Và hồ sơ dư thi đại học của con đã nhắm thẳng vào trường DTS, ngành 601- Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ngành Ngữ Văn. Đúng là “ghét của nào trời cho của ấy”, mẹ nhỉ? Giờ đây, con đang là sinh viên của ngành mà con “ghét nhất”, những điều mẹ nói về nghề này quả là rất đúng. Con thấy yêu nghề mẹ ạ. Mẹ - người định hướng cho con.

Mẹ vẫn thường nói với con, đối với người phụ nữ, hạnh phúc gia đình là điều quan trọng nhất. Nhưng con biết, niềm hạnh phúc ấy của mẹ chưa bao giờ trọn vẹn vì bố và vì chúng con. Hình tượng người đàn bà làng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu con cứ ngỡ nó chỉ có trong văn học. Nhưng không ngờ, con lại bắt gặp nó trong cuộc sống thực tế. Và trớ trêu thay, nó lại hiện diện ngay trong ngôi nhà của chúng ta. Hình ảnh người mẹ vì những đứa con, vì cuộc sống mà nhẫn nhịn chịu những cú đấm, cú đá và những cái tát liên tiếp từ ta người đàn ông của mình. …Không một lời than trách! Mỗi lần nhớ lại giây phút ấy đều làm con quặn lòng mẹ ạ. Nhưng mẹ ơi, “sông có khúc, người có lúc”. Mẹ hãy thứ tha cho bố và cố gắng lên mẹ nhé. Chúng con luôn hướng về bố mẹ. Gia đình mãi giữ vị trí số một trong lòng chúng con!


Vì là người phụ nữ duy nhất trong nhà nên mọi công việc mẹ đều đảm nhiệm hết. Cũng con trâu đi trước cái cày theo sau, cũng công việc đồng áng “chân lấm tay bùn”, cũng bộ quần áo lao động đã sờn màu, mẹ làm việc như bao người dân ở quê mình. Mồ hôi thấm ướt áo mẹ, thấy vậy, con thương mẹ lắm. Thương mẹ bao nhiêu, con tự hứa mình sẽ phải cố gắng bấy nhiêu. Mẹ ơi! Cám ơn mẹ đã vì con, vì gia đình mà làm tất cả.

Ngày hôm nay đây, con đang là một sinh viên năm cuối. Tuy sống xa nhà, con không được nhìn thấy mẹ mỗi ngày, không được thường xuyên nghe tiếng mẹ mỗi hôm. Nhưng con biết, mẹ vẫn luôn dõi theo trong mỗi bước con đi, mỗi việc con làm. Ở một vùng quê xa xôi, nghèo khó, con biết để kiếm được đồng tiền là rất khó. Nhưng tháng tháng, mẹ vẫn luôn gửi tiền lên cho con ăn học. Mẹ có thể thôi không mua một cái áo cho mình, nhịn ăn những thứ mẹ thích, … nhưng không bao giờ để con thiếu thốn bất cứ một thứ gì. Mẹ lo cho cuộc sống xa nhà của con, lo “sợ nó ăn uống thiếu thốn, sợ nó không được bằng bạn bằng bè”. Ngày ngày, khi con vẫn chưa tỉnh giấc sau đêm dài, bố đã lên lên lớp và mẹ đã ra đồng làm việc; khi con đã lên giường để yên giấc ngủ ngon thì thầy vẫn đang cặm cụi bên trang giáo án và mẹ đang bên bếp với nồi cám cho lợn. Con nhớ thầy! Con nhớ mẹ! Con nhớ nhà!


Ngày… tháng …năm …nối tiếp trôi đi. Con đã trải qua biết bao lớp học, con đã gặp biết bao người phụ nữ. Cuộc sống nơi đô thị tấp nập, kinh tế phát triển, vòng xoáy cuộc đời có thể làm thay đổi mọi giá trị nhưng hình ảnh người mẹ với giọng nói trầm ấm, dáng người cao cao, đôi mắt hiền từ và mái tóc đã điểm bạc vì mưa nắng của thời gian con sẽ không bao giờ quên. Tình cảm kính mến, yêu thương chân thành xuất phát từ tận đáy lòng mình con xin dành mãi cho mẹ. Mẹ - người mãi mãi bên cuộc đời con.

Những ngày 08.03 trước, con có thể đem những bó hoa tươi thắm đi đến nhà tặng các chị các cô khác nhưng lại quên mất trong gia đình mình có một người phụ nữ là mẹ. Mẹ ơi! Con xin lỗi vì sự vô ơn đó. Con xin lỗi vì đã có những lúc làm mẹ buồn phiền và lo lắng. Chưa bao giờ con tặng cho mẹ một món quà và cũng chưa một lần con nói với mẹ: “Cảm ơn mẹ”.


“Khúc hát ru con trong giấc mơ là mẹ yêu...
Mẹ là cánh chim cho con bay thật xa...
Mẹ sưởi ấm cho tâm hồn con mẹ yêu....
Dắt con đi qua bao nỗi đau là mẹ yêu...
Tiếng con yêu gọi tới suốt đời là …mẹ yêu...”

 

Con gái yêu của mẹ.
 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.