.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC


Cội nguồn

Bát ngát đồi cây cổ thụ. Vạt nắng nghiêng vàng vọt của buổi chiều bị xé nhỏ ra dưới những tán cây vạm vỡ. Lãng đãng gió, lãng đãng hương, lãng đãng nỗi buồn sinh ly tử biệt. Nấm mộ mới màu đất đỏ quạch, rực lên dưới nắng chiều như còn bị dằn vặt bởi những lỗi lầm.

Nhớ ngày nào Thu còn bé tẹo, lẫm đẫm chạy theo cha ra đồng, nũng nịu đòi ông hái cho quả bứa chua lòm dọc mé sông. Quả bứa to đến nỗi bây giờ Thu còn cảm được; không thể nào bê lên, Thu đẩy nó lăn cù cù trên đường. Cha Thu cười sảng khoái khi thấy con mình đã khôn ra. Nhưng ông chẳng làm gì khác được, vì vỏ bứa rất dày và rất cứng. Đứa con gái cưng có đòi ăn thì ông cũng chẳng thể nào bổ quả bứa ra cho nó; chưa kể bứa rất chua, rất chát, lại có nhiều mủ. Đến khi đứa con khóc vì không được cha nuông chiều thì ông phải dỗ dành. Dỗ dành mãi không được, ông cũng đành phải sử dụng ngọn roi. Cái roi có sức răn đe khủng khiếp. Thấy nó, Thu thin thít nín khóc.

Thu là đứa con duy nhất còn nhớ đến người cha của mình, chứ hai đứa em của cô thì không. Ông bỏ mẹ con Thu rồi đi biền biệt, khi một người em của Thu mới lên ba còn một người em nữa vẫn còn trong bụng mẹ. Người ta bảo nghèo thì dễ sinh tật, dễ bạc lòng. Với ai thì không biết, nhưng với cha của Thu thì quá đúng. Cha Thu nghe theo tiếng gọi tình yêu của người đàn bà chung xóm vừa chết chồng. Xấu hổ với miệng đời, người đàn bà góa bụa nhưng trẻ trung và giàu có ấy đã gấp rút bán nhà lên phố, ra đi cùng với cha Thu.

Bốn mươi năm rồi chứ chẳng ngắn ngủi gì. Mẹ Thu qua đời cũng đã lâu sau một cơn bạo bệnh. Cũng có cả một thời gian dài Thu phải nuôi hai em bằng đồng lương ít ỏi của người bác sĩ mới ra trường để rồi nay thì các em Thu cũng đã có sự nghiệp, ăn nên làm ra. Các cháu, con của họ, cũng được học hành tới nơi tới chốn, bước đầu có cuộc sống ổn định. Căn nhà của mẹ ngày nào, Thu giao cho người em út trông nom, hương khói. Dù sao thì cũng là con gái, lấy chồng rồi, Thu theo chồng.

Theo thường lệ, sau hai mươi bốn giờ túc trực ở phòng điều trị, bác sĩ ra ca, về nghỉ trọn một ngày; khoa hồi sức cấp cứu của Thu cũng thế. Nhưng hôm ấy dứt ca, Thu không về nhà nghỉ ngơi mà vẫn ở lại. Cô ở lại để chăm sóc người đàn ông đã đối xử tệ bạc với mẹ con cô ngày trước; người mà Thu gọi bằng cha trong nỗi uất ức nghẹn ngào. Từ hôm ông vào nằm ở đây, Thu chẳng thấy người vợ kế của ông đâu cả; con cái của họ cũng không. Trong tâm tưởng Thu, người đàn bà ấy không thể nào hình dung nổi là một trong những người con riêng của chồng mình đang làm việc nơi khoa hồi sức cấp cứu này; một nơi có những đòi hỏi rất cao về năng lực và y đức của những người phục vụ: đội ngũ bác sĩ và y sĩ của mọi khoa hồi sức cấp cứu đều là những người thật sự giỏi về nghề và trong sáng về tâm; đó là khoa cuối cùng mà hầu như mọi người bệnh trước khi sang thế giới bên kia đều phải bước vào. Đường vào khoa này rộng thênh thang, còn đường ra thì hẹp hòi lắm; một ngả rất nhỏ và cũng rất đìu hiu để đưa bệnh nhân trở lại nhà, còn ngả kia tuy nhộn nhịp hơn nhưng lại là đường ra nghĩa địa. Trách nhiệm của Thu và những đồng nghiệp của mình ở đây là phải giành giật sự sống của những người bệnh từ tay thần chết; một công việc quá sức của họ nên thường thất bại; bởi đã vào đến khoa này là những người bị bệnh rất nặng, thập tử nhất sinh, đường sống của họ mỏng như tơ, thần chết đã báo mộng năm lần bảy lượt rồi. Họ đến đây trong trạng thái bệnh nhẹ nhất cũng là phải súc ruột vì uống nhầm thuốc trừ sâu; mà thuốc trừ sâu bây giờ thì khủng khiếp lắm, nhất là loại diệt cỏ, nhỡ uống phải là cả người xanh lét như lá cây, thần đơn biệt dược cũng đầu hàng; khoa cố gắng lắm cũng chỉ giữ chân họ ở lại trần gian khoảng chín mười ngày là cùng. Nặng hơn thì có tai biến mạch máu não, đột quỵ, khối u ác tính đã có di căn… toàn là những trường hợp mà đường về bên kia không xa mấy.

Cha Thu đến đây trong trạng thái thoi thóp thở, mắt nhắm nghiền, hôn mê sâu; nghĩa là mọi chuyện buồn vui hờn giận trên cõi đời này ông đều gác bỏ ngoài tai. Lý lịch bệnh án ngắn ngủn, không địa chỉ thường trú, không bảo hiểm y tế, không điện thoại liên lạc gia đình. Đem ông đến đây là tài xế taxi, người đã có lòng nhân đức nhặt được ông bên vệ đường khi phát hiện ra ông bị đột quỵ. Từ khi phát hiện ra ông chính là cha ruột của mình, Thu đã báo cho hai đứa em biết.

“Em phải chờ ngày các cháu nghỉ học rồi lên với chị luôn thể”. Người em trai kế Thu phân trần, gương mặt tuyệt nhiên không lộ một nét xúc động hay lo toan. Gương mặt của cậu ấy đã quá nhiều bụi bặm nắng mưa gian khó. In hằn trên đó là hình ảnh chị em Thu một thời tơi tả trên đồng mót lúa mót khoai, hình ảnh bà mẹ khóc ngất khi biết mình không thể sống bên các con còn thơ dại. Bao nhiêu đau đớn ưu phiền, họ đã trút cả lên người cha tệ bạc. Tại ông, tại ông hết. Tại ông nên mẹ mới buồn, sinh bệnh rồi mất sớm. Tại ông nên ba chị em đã lăn lóc xó chợ đầu đường để van nài người ta cho chút tuổi thơ. Nếu không có Thu, chững chạc, nghị lực, thì giờ đây không biết hai người em trai là thứ gì trên cõi đời này. Trong lòng hai người em trai, Thu không chỉ là chị mà còn là người mẹ tần tảo, lo lắng cho các em có đủ lông đủ cánh mới nghĩ đến hạnh phúc riêng mình.

Thấy các em lơ là việc thăm cha, Thu thúc giục, “Tất cả vào thăm cha và ông nội đi, lần lượt hai người một. Gấp gấp lên, không còn bao nhiêu nữa đâu…”.

Khi hai người em trai vào phòng bệnh, Thu níu tay hai cô em dâu dắt ra ngồi ở băng đá, bảo ban: “Dù cha không nuôi nấng chị em tôi, nhưng cha là đấng sinh thành. Các em bây giờ có thể vào đời mà không phải học những câu dạy về luân thường đạo lý như ‘Sơn cao mạc trạng sinh thành đức, Hải khoát nan thù cúc dục ân’; nhưng không phải vì không học mà không biết đến đạo làm con. Chị trông cậy vào cậu mợ út, vì hiện nay hai em đang hương khói tông đường. Thăm cha xong, các em về lo hậu sự cho ông ấy là vừa. Chị nghĩ không còn bao hôm nữa đâu. Những loại thuốc tốt nhất chị đã dùng cho cha cả rồi. Táng cha bên cạnh mộ mẹ. Mấy bữa rày chị không thấy mẹ kế, nghĩa là người ta đã cắt đứt ân tình với cha rồi. Còn cắt đứt từ bao lâu thì chị không biết. Nếu chị em mình cũng bỏ cha thì hương hồn cha sẽ vật vờ đấy, các em ạ. Đói khát, không nơi nương tựa, biết đâu ông chẳng giận dữ, phá phách con cháu đến không cho ngóc đầu lên được! Chị là gái theo chồng rồi nên không lo. Còn các em, là con cháu trực hệ, quan trọng lắm đấy, không được sơ suất. Người ta bảo nghĩa tử là nghĩa tận chứ không tận đâu các em ạ”.

“Thế chị không chờ chồng em ra rồi bàn bạc thêm à”. “Không phải bàn bạc chi cả. Cậu ấy cũng phải tôn trọng luân thường đạo lý. Trách nhiệm của cậu ấy chỉ bấy nhiêu mà không lo xong thì còn nói gì nữa. Các em không được bàn ra, mà phải nói vào”.

Im lặng trùm kín ba chị em cho đến khi người em út từ phòng hồi sức cấp cứu bước ra thẳng chỗ băng đá; anh nói, “Gương mặt cha khắc khổ lắm, chân tay khẳng khiu. Đói khát là chắc”. Quay sang Thu, cậu ta thì thầm, “Chị bơm thức ăn cho cha bằng cao lương mỹ vị gì thế?”. Thu sững người ra, trả lời, “Thì nước xương hầm, vài lát sâm, vài lát nấm linh chi, và rau củ, thế thôi”. Cậu em út nói, giọng thủng thẳng, “Nghĩa là cũng chỉ đạm bạc”. Biết là cậu em có ý bỡn mình, Thu cười, “Thôi đi ông tướng. Ông ráng mà lo cho cha quả trứng luộc với hai bát cơm trắng úp lại cho đàng hoàng, tôi xem. Đạm bạc hơn nhiều đấy, ông mà làm không xong đừng trách tôi. Tôi cũng xin góp phần lo hậu sự cho cha”. Cậu em út thẳng thắn, “Khỏi, chị. Dẫu sao thì vợ chồng con cái em vẫn chui ra chui vào cái tổ ấm mà cha mẹ để lại. Hoa lợi từ cây trái trong vườn cũng kha khá. Em lo chuyện này được. Chị yên tâm”. Ngay lúc đó, người em trai lớn cũng bước ra, mắt anh đỏ hoe. Bệnh viện đã giao lại cho anh những vật dụng của cha anh mà họ đã cất giữ khi tiếp nhận người bệnh, và anh đã tìm thấy trong cái bóp của cha mình để lại một tấm ảnh cũ nát, nước ảnh đã mờ, nhưng cũng đủ cho mọi người nhận ra đó là ảnh cha mẹ anh chụp chung với hai chị em anh lúc họ còn nhỏ. Thì ra cha anh cũng có những nỗi niềm riêng, và không phải ông đã hoàn toàn quên mất vợ con!

Ngày về của cha họ thê thiết quá. Họ đã chờ đợi từ lâu cái ngày trở về của cha, nhưng chờ đợi sự sum vầy hạnh phúc chớ đâu phải tang tóc. Trong ký ức của hai người em không hề có hình bóng cha, người mà lẽ ra họ được nương nhờ suốt thời họ còn thơ ấu để khi người ấy già yếu thì họ hết lòng phụng dưỡng. Chỉ có Thu là người duy nhất hân hạnh có hình bóng cha mình trong tâm tưởng, trong ký ức tuổi thơ. Hẳn là hai người em của Thu sẽ khóc. Nước mắt của họ sẽ hàng hàng, nhưng không thể nào thống thiết như bao người con được cha mẹ yêu thương nuôi nấng. Chỉ có đám cháu chắt là vô tư; chúng hạnh phúc vì có ông nội, ông ngoại. Chúng khóc ông bằng sự thương cảm tinh khiết nhất của tuổi thơ. Đỉnh núi Thái sơn không còn mây mù, sừng sững vươn lên trời cao lồng lộng soi bóng xuống đời, soi bóng xuống cương thường, đạo lý. Chết là hết. Người chết dù là ai, tội tình to tát tới đâu thì cũng đáng được tha thứ; càng đáng được tha thứ hơn khi người ấy là cha mình.

Thu quỳ xuống dưới chân hai nấm mộ. Chị van vái mẹ hãy tha thứ cho cha. Hàng cây cổ thụ lao xao sau lời nguyện cầu của chị. Nắng sụp xuống, nhường chỗ cho hoàng hôn thêm mênh mông. Khói nhang thơm rủ nhau bay về phía vô cùng, phía ấy có song thân chị. Thu thành tâm đặt bó hoa ly thật đẹp lên mộ cha mẹ, mắt rưng rưng. Hôm nay là ngày giỗ của ông.

 

Nguồn: VHPG

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.