.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Nguyễn Thị Thanh Dương | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 TÁC GIẢ KHÁC

Biển trong thơ Trần Hồng Châu

  • PSN - 19.09.2009 | Chánh Minh

Nói đến thi sĩ Trần Hồng Châu, có lẽ chỉ một số ít người đã từng đọc thơ ông mới biết ông là ai, nhưng khi nói đến Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên Khoa trưởng trường Đại học Văn khoa Sàigòn (1965-1969), chắc chắn không ít người biết đến ông, nhất là những sinh viên ở các Đại học Sàigòn, Huế, Đà Lạt và Học viện Quốc gia Hành chánh trước năm 1975. Nhà thơ Trần Hồng Châu chính là Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đã từng giảng dạy các môn Văn chương Pháp, Văn chương Việt Nam và Luật Quốc tế tại các Đại học trên. Ngoài ra ông còn là Giáo sư thỉnh giảng về Văn chương, Văn hóa Việt Nam và Văn chương Pháp tại Southern Illinois University (Illinois, Hoa Kỳ) từ 1970 đến 1974.

Tôi tình cờ đọc được thơ ông trong Tuyển tập Trần Hồng Châu gồm thơ, tùy bút và tiểu luận về Văn học Nghệ thuật do Viện Việt-Học ấn hành năm 2004 tại Hoa Kỳ và đây cũng là lần đầu tôi đọc thơ của Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch hay thi sĩ Trần Hồng Châu. Thơ ông đủ các đề tài từ tình yêu thăng hoa, quê hương, đến triết lý về vũ trụ và cuộc đời rất sâu sắc, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thơ ông đã nói đến biển khá nhiều. Trong 116 bài thơ đăng trên Tuyển tập, có đến 16 bài nói về biển hay liên quan đến biển, tôi có cảm tưởng như ông là một người đi biển nhiều và yêu biển, bởi chính tôi đã từng chọn nghiệp biển và cũng yêu biển. Cho nên khi đọc được những bài thơ có dính dáng đến biển, tôi như bị cuốn hút bởi những lời thơ thật đẹp, lãng mạng và đầy tình người của ông. Từ sự đam mê đó tôi muốn tìm hiểu biển trong thơ Trần Hồng Châu, ngoài ra tôi không có ý phê bình thơ ông bởi vì đã có một số quý vị viết rồi như Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Viện trưởng Viện Việt Học và nhà phê bình thơ văn Nguyễn Mạnh Trinh.

Trước hết chúng ta hãy nghe ông tự giới thiệu mình là con người yêu biển một cách khéo léo:

Lúc này đây anh biết em vẫn nhìn anh

xem có đúng con người trong tác phẩm hay không

con người yêu biển lớn

biển đa tình

……………..

(Biển Yêu Mê - Trần Hồng Châu)

 

Và rồi nhớ lại những vùng biển ông đã từng đến:

 

Copenhagen chìm trong mờ sương Bắc Hải

Copenhagen thủy nữ tuyệt vọng trong chờ mong

Tôi đi lang thang

Mắt hoàng tử hiên ngang

Đăm chiêu đời đen bạc

……………………….

Chiều hôm nay tôi lại bâng khuâng

Trở về hiện sinh Địa Trung Hải

Mùi cá biển bủa vây những khuôn mặt thuyền trưởng phiêu lãng

Và áo sương gió khoác lên mình bướm đêm

…………………………

Lòng Phi Châu nóng bỏng

Bến Hồng Hải biển xanh

Aden, đen trong nắng xế

Suez, mấy thuở ê chề!

……………………...

 

Tôi nương theo hướng mặt trời mọc

Về thăm Hương Cảng một chiều xưa

……………………………………..

Tôi nhớ

Nhớ ơi là nhớ

Núi đồi mông lung

Núi đồi chập chùng

Ôm ấp lòng bến cảng

Như một lẵng hoa bẩy màu ân ái

………………………………………

(Ở Biển Về Ngòi - Trần Hồng Châu)

 

Tôi đã ghé bến Hương Cảng một lần lâu lắm rồi, những câu thơ trên đã gợi nhớ trong tôi hình ảnh Hương Cảng thật rõ ràng như mới ngày nào. Nếu ông không thăm biển nhiều lần và yêu biển, thì làm sao có những lời thơ say đắm như:

 

…………………………….

Tôi ghì ôm biển vào lòng

Quên cả huyền diệu đêm trăng

Quên cả vàng úa thủy triều âm

Chào tái ngộ Phi Châu kỳ bí!

……………………………..

(Ở Biển Về Ngòi - Trần Hồng Châu)

 

…………………….

Tôi mở rộng vòng tay

Ghì ôm biển vào lòng

Ngủ ngon đi nhé biển tuyệt vời!

Ngủ say giữa lòng vũ trụ

Trăng sao vằng vặc mịt mùng trăng sao

………………………………………………

(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời - Trần Hồng Châu)

 

Theo bà quả phụ Nguyễn Khắc Hoạch, nhà thơ đã viếng thăm nhiều nơi thời còn là sinh viên du học tại Pháp (Đại học Sorbonne, Paris, Đại học Nancy, Nancy) và các nơi mà ông bà đã từng sánh vai đi qua đã để lại trong ông biết bao kỷ niệm:

 

…………………………

Ta nhặt từng sợi rong biển

Tóc thề trong chất lỏng xanh

Ta nhặt từng sợi kỷ niệm

Bềnh bồng trong tiềm thức biển sâu

…………………………………….

(Xuân Và Biển Thiếu Quê Hương - Trần Hồng Châu)

 

Dưới mắt nhà thơ Trần Hồng Châu, biển và sóng là một, không thể tách rời ra được. Do vậy nhà thơ đã nói đến sóng rất nhiều cũng như biển với cát trắng luôn luôn gắn bó mặn mà. Phải chăng đó cũng là tâm sự tác giả, cho nên mới “Ngàn năm xin vẹn giữ lời thề”?

 

Từ muôn kiếp sóng vẫn dạt dào tâm sự

Từ muôn kiếp sóng vẫn bạc đầu nhấp nhô

Cánh hải âu chập chờn có phân vân

Vầng trăng xưa có gọi hải triều âm?

Biển vẫn đêm đêm hò hẹn mình cát trắng

Nước tràn trề vào lòng cát đê mê

Mặn mà tình đôi lứa

Ngàn năm xin vẹn giữ lời thề!

……………………………..

(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời - Trần Hồng Châu)

 

Khi nhà thơ một mình cô đơn nhớ đến người yêu ở cách xa gần nửa vòng trái đất đã có ý tưởng thật ngộ nghĩnh, lãng mạng là làm một cuộc hải hành xuyên qua các đại dương như một nhà hàng hải để cùng người thương hưởng những phút yêu đương nồng cháy:

 

Anh vươn mình băng qua lớp lớp đại dương bạc đầu để cuối đường hải hành cánh tay mở rộng ôm quanh vòng lưng trái đất , dìu thân em màu bạch ngọc vào lòng nồng cháy yêu đương

……………………………

(Một Mình . Một Mình - Trần Hồng Châu)

 

Có ai như thi sĩ Trần Hồng Châu nhớ con tàu đến nỗi phải đi xe qua cảng Nhà Rồng ở Khánh Hội để nhìn những con tàu, để nhớ thương những đại dương và bờ bến mà ông đã trải qua những phút giây hạnh phúc như ở chốn thiên đường:

 

Mùa mưa về nước dâng trên kênh Khánh Hội

Xe dẫn tôi qua cảng Nhà Rồng

Để nhìn những con tàu trôi lênh đênh

Để nhớ thương mãi

Những đại dương và thiên đường ngọt lịm

……………………………………………

(Xe Đi Ngang Dọc Mấy Mùa - Trần Hồng Châu)

 

Thật đúng và cũng thật thi vị khi nhà thơ xem mình là con tầu lênh đênh nay đây mai đó “về những chân trờ lộng gió…” hay con tầu cũng chính là hình ảnh cuộc đời mình “nhấp nhô, nổi trôi theo định mệnh…”:

 

Tôi là con tầu lênh đênh sóng vỗ

Lắc lư say theo nhịp hải hành

Về những thương cảng buồm thuyền như bướm lượn

Về những chân trời lộng gió biển mù khơi

Hay con tầu là tôi ngoài biển đời nhấp nhô

Nổi trôi theo định mệnh sợi chỉ bàn tay

………………………………………..

(Ở Biển Về Ngòi - Trần Hồng Châu)

 

Cái định mệnh nghiệt ngã đã đưa nhà thơ phải bị tù đày ở chính quê hương mình, chẳng khác chi “thân tầu chết đứng trong vũng nước tù…”:

 

Đêm nay chợt tỉnh giấc

Thế giới nào đây?

Thân tầu chết đứng

Trong vũng nước tù

Xiềng xích

Cửa đóng kín!

Mệt lả

Mình lở lói

Rêu xanh

…………

(Ở Biển Về Ngòi - Trần Hồng Châu)

 

Sau khi đọc thơ Trần Hồng Châu, tôi mới biết thêm ông đã bị đày đọa bởi cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, “đỉnh cao trí tuệ của loài người” (?) sau năm 1975, mặc dầu tiểu sử ông trong Tuyển Tập không hề ghi lại thời kỳ này (không biết đây là vô tình hay cố ý của Viện Việt Học khi cho in Tuyển Tập năm 2004, sau khi nhà thơ đã qua đời?). Chính lúc này ông càng khát khao yêu biển, yêu Tự do và hối hận đã “về ngòi” hay về lại Việt Nam sau những năm giảng dạy tại Southern Illinois University, Hoa Kỳ từ 1970 đến 1974:

 

Biển là mây gió

Biển là Tự do không bờ bến

Ôi đau xót từ biển về ngòi

Ôi ta có tội gì kiếp trước

Để hôm nay đánh mất cả thiên đường!

………………………………………

Ta ghì ôm biển vào lòng

Biển người tình bé bỏng

Ôi đau xót từ biển về ngòi

Ôi đau xót những thiên đường lỡ hẹn!

………………………………………

(Ở Biển Về Ngòi - Trần Hồng Châu)

 

Làm sao không đau xót được khi nhà thơ đã từng giang hồ khắp bốn biển, biển là tượng trưng của Tự do, là thiên đường, nhưng lại đi vào cõi chết chỉ vì thuơng bố và yêu quê hương. Ông nghèo đến nỗi không có tiền mua cho bố mình một chén rượu nhạt khi bố còn sống, bây giờ thì bố đã ra người thiên cổ. Thế nhưng ông vẫn tự an ủi mình một cách mỉa mai chua xót “…hậu vận bố con mình chẳng ra gì!”:

 

Bố nằm xuống đất rồi, càng thương bố

đời loạn lạc

hậu vận bố con mình chẳng ra gì!

Bố thèm chén rượu nhạt

(một đôi khi thôi, đâu có nghiện ngập gì)

con cũng chẳng có tiền mua

túi sạch sành sanh

sau mấy chuyến đi chui chẳng thành công

…………………………………………..

Trông bố ăn

rất ngon lành

củ khoai lang buổi sáng

con muốn khóc quá trời!

Đời loạn lạc

chó nhảy bàn độc

hậu vận bố con mình chẳng ra gì!

………………………………….

(Bố Nằm Xuống - Trần Hồng Châu)

 

Tình yêu quê hương của ông không bao giờ phai nhạt, càng nhìn biển ông càng nhớ thương quê hương.

…………

Nơi xa đó

Diện đối diện nửa vòng xích đạo

Có phải quê hương ta?

Bãi trước Bãi sau

Ngôi nhà tranh xiêu vẹo

Em bé thiếu dinh dưỡng

Người mỏng như sợi chỉ bàn tay

       

Vẫn biển một khối liền

Vẫn một gầm trời chung

Vẫn một em mây hồng lãng đãng

Mây cho ta nhắn gửi

Lời về thăm cố lý

…………………

(Xuân Và Biển Thiếu Quê Hương - Trần Hồng Châu)

 

Dù ở đâu, biển vẫn là một, vẫn là biển quê hương, bởi vì biển chỉ là “nối dài muôn trùng sóng”. Lòng đất mẹ luôn luôn là “ngọn lửa tiếp sức” cho kẻ xa quê hương mỗi khi ông nghĩ đến:

 

Biển vẫn biển quê hương

nối dài muôn trùng sóng

hò khoan vẫn bắc cầu vồng nhớ nhung

lửa tiếp sức vẫn từ lòng đất mẹ…

…………………………………….

(Biển Oan Khiên - Trần Hồng Châu)

 

Như khi nhớ đến biển Đông, làm sao quên được hàng vạn thuyền nhân đã bị chôn vùi dưới lòng biển sâu khi vượt biên bằng thuyền, ông đành khóc cho biển, cho vạn linh hồn oan khiên :

 

nhưng dưới sâu

sâu nữa

vạn hồn thuyền nhân

sớm đi tối về

vẫn oan khiên

ngập tràn biển Đông!

……………………….

dưới sâu vẫn vô vàn cánh tay

dằn dặc

dây xích oan khiên

về lòng đất

ai đây tiếp dẫn

chúng sinh hồn trầm lạc?

……………………..

(Biển Oan Khiên - Trần Hồng Châu)

 

Ông dùng những từ ngữ thật tài tình để cho ta có thể hình dung một con sóng lớn kinh khủng, khi dâng lên cao như đỉnh Hy Mã Lạp Sơn và khi đập xuống sâu đến chín tầng địa ngục A Tỳ so với chiếc thuyền nhỏ bé mong manh của những người vượt biên chẳng khác gì một hạt cát trong sa mạc hay một giọt nước trong đại dương. Có lẽ những người đã từng đi biển mới cảm nhận được hết hình ảnh so sánh này:

 

…………..

sóng vật vờ

sóng thành đỉnh Hy Mã

sóng thành vực A Tỳ

thuyền lá tre vút lên lời nguyện cầu

đỏ thương đau

một hạt cát trong vô cùng sa mạc

một giọt nước trong vô cùng đại dương

……………………………………….

(Biển Oan Khiên - Trần Hồng Châu)

 

Có ai nghĩ đến người thiếu nữ sống sót ngồi một mình với biển đêm trên đảo san hô, với bao nỗi sợ hãi nhưng vẫn phấn đấu để sống? Ông cho rằng người thiếu nữ đó thật can đảm và đáng được ông dựng tượng giữa muôn trùng sóng. Nhà thơ cảm thấy chúng ta có bổn phận phải “nói lên niềm đau dân tộc” và cho thế giới thấy quê hương chúng ta vẫn ngạo nghễ dầu dưới sự cai trị của một chủ nghĩa tàn bạo và phi nhân:

 

………………………………

người thiếu nữ trên đảo san hô

ta sẽ dựng tượng em

giữa muôn trùng sóng

hãy nói lên niềm đau dân tộc

hãy vẽ lên dáng đứng quê hương!

…………………………………

(Biển Oan Khiên - Trần Hồng Châu)

 

Ông cầu mong sóng biển sẽ vỗ về và đưa oan hồn những người chết trên đường vượt biên, và cả những ván thuyền bị sóng đánh vỡ tan trôi giạt về cố hương:

 

Sóng hãy vỗ về

Mấy hồn người lạc lõng

Mấy ván thuyền đau buốt

Trôi giạt về bến xưa

……………………

(Xuân Và Biển Thiếu Quê Hương - Trần Hồng Châu)

 

Biển oan khiên, nhưng biển cũng tình tứ và thơ mộng. Em là biển và biển là em, anh với em như “hai cánh hoa thần thoại” bất diệt giữa lòng biển và giữa lòng người:

 

Em là biển trải rộng hiến dâng

Và cũng âm u mịt mùng với quá nhiều tuyến phòng ngự đa đoan

Biển là em, vui đấy rồi buồn đấy

Dịu dàng óng ả rồi phút chốc nổi cuồng phong

Sóng phập phòng như bé nhỏ trái tim em

Mắt em mộng mơ ngàn trùng biếc

Như chất biển lỏng đi về mù khơi

………………………………….

Đâu đây ánh thủy cung

Lung linh cành rong biển

Chúng ta vươn mình say

Hai cánh hoa thần thoại

Giữa lòng biển

Giữa lòng người mãi không già…

…………………………………….

(Buổi Chiều Đi Vào Lòng Biển - Trần Hồng Châu)

 

Màu xanh của biển là màu mắt em, hay màu xanh từ bầu trời cao phản chiếu vào mắt em?

 

Biển là mắt em xanh

Mắt em từ đỉnh trời cao xuống

Hay từ lòng biển dấy lên?

…………………………….

Làm sao có thể nhìn đáy mắt em

Trong võng mạc biển sâu màu trừu tượng

……………………………………………

(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời – Trần Hồng Châu)

 

Nhưng rốt cuộc, trời và biển gom lại không đầy mắt em, có phải vì mắt em là cả vũ trụ trong đó?

………………………….

Tỉnh say anh lại thêm say

lênh đênh trời biển không đầy mắt em

………………………………………

(Sầu Đông Lá Úa - Trần Hồng Châu)

 

Chúng ta hãy nghe thi sĩ Trần Hồng Châu định nghĩa biển như thế nào?

 

Từ muôn kiếp sóng vẫn dạt dào tâm sự

Từ muôn kiếp sóng vẫn bạc đầu nhấp nhô

Biển là huynh đệ lòng người

Biển cũng có những bát ngát tư duy

Những ớn lạnh bắc cực và sôi nổi cuồng phong

Những vực thẳm tiềm thức

Những băng sơn và trầm thạch quanh co

Những lửng lơ hờn giận

Những lắng dịu ân cần

Như sớm chiều mưa nắng của tình yêu

Biển vươn lên mãi thủy triều dâng

Biển dâng cao nữa những sóng thần Hy Mã

Biển là hủy diệt và thể hiện triền miên

Biển nhập vũ hội trần gian

Nghiêng nghiêng chuyển mạch nước tràn gió mây

................................................................................

(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời – Trần Hồng Châu)

 

Nói tóm lại, dưới cái nhìn thoải mái đầy lãng mạng nhưng thật sâu sắc của nhà thơ Trần Hồng Châu, không bị ràng buộc bởi những điều kiện nội tại hay ngoại tại, biển là tất cả: biển là tình huynh đệ, là bát ngát tư duy, là sôi nổi cuồng phong, biển là em vui đấy rồi buồn đấy, khi hờn giận khi ân cần v.v…, biển là sự hiện hữu vô cùng nhưng cũng thể hiện sự hủy diệt triền miên như nước và sóng vậy. Phải chăng đó là những cái làm cho nhà thơ yêu biển hơn cả những người đã một thời đi biển?

 

Tôi mở rộng vòng tay

Ghì ôm biển vào lòng

Ngủ ngon đi nhé biển tuyệt vời!

(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời – Trần Hồng Châu)

 


CHÁNH MINH

Orange, CA 18-09-2009

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.