.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 TÁC GIẢ KHÁC

Nghĩ về một số từ tiếng Việt

  • PSN - 5.12.2009 |  Nguyễn Thùy

Dân tộc Việt Nam, từ thời lập quốc đến nay, đã có một Tiếng Nói tức Ngôn Ngữ Nói mạch lạc, phổ cập khắp mọi miền đất nước và qua lịch sử càng lúc càng thêm giàu đẹp. Điều nầy chắc không mấy ai không đồng ý cũng như không có gì để bàn thêm. Có bàn chăng là tìm ra những đặc tính của Tiếng Việt vì ảnh hưởng đến việc cấu tạo bản chất dân tộc ta, cấu tạo nên cái Tinh thần dân tộc qua quá trình lịch sử. Nhưng Chữ Viết tức Ngôn Ngữ Viết hay Văn Tự, thì dến nay, hầu như chưa ai quả quyết rằng dân tộc ta đã có một Chữ Viết của riêng mình và do mình. Điều nầy đã trở thành thắc mắc của bao thức giả đã đưa ra nhiều nghi vấn như Hoàng Đạo Thành, Lương Đức Thiệp, Vương Duy Trinh, Nguyễn Đổng Chi,.. Lối chữ Nòng Nọc hay Khoa Đẩu đã được Linh Mục Lương Kim Định (đã qua đời) và Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang (hiện ở Hoa Kỳ) nhắc đến nhưng hình như đấy là lối chữ của người Mường ; người viết không rõ có tài liệu nào viết bằng lối chữ Nòng Nọc nầy không. Chữ Nôm xuất hiện dưới thời nhà Trần nhung cũng dựa theo chữ Hán và không được thông dụng nơi quảng đại nhân dân. Cho mãi đến lúc tiếp xúc với phương Tây (từ thế kỷ 17) mới hình thành chữ Quốc Ngữ nhưng không do dân tộc ta mà do công trình của người ngoại quốc. Tại sao ? Và điều đó có ý nghĩa gì không ?  Bài nầy không nhằm trả lời thắc mắc đó mà chỉ nhằm cùng bạn đọc suy nghĩ thêm về ngôn ngữ VN qua một số từ thuần Việt thường dùng.

Trong ngôn ngữ Việt Nam, ngoài nhữnǵ từ thuần Việt (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, quê nhà, chim chóc, cỏ cây, đất nước, trời đất, phất phơ, bảng lảng, lập loè, chắc chắn, xa gần, tốt đẹp,…) và vô số từ Hán Việt (từ Hán đọc theo giọng Việt) như : đạo đứ́c, tổ tiên, tiền nhân, gia tộc, quốc gia, sơn hà, diễm phúc, triết lý, cương thường,…, còn rất nhiều từ do ghép một từ thuần Việt với một từ Hán như : đất tổ, quê hương, nhà văn, nhà giáo, bạn hữu, gối mộng, bờ giác, bến mê, tư riêng, thiện lành, bình lặng, đình đám, hội hè,…cùng mọt số từ phiên âm từ tiếng ngoại quốc: cà-phê, cao-su, xì-tốp, xì-líp, xúp (soupe), xốt (sauce), ô-tô, a-xit, bin-ding, nô-ên,..

Nơi đây, chỉ xin nêu ra một số từ thuần Việt (hay thuần Nôm) tiêu biểu tính cách thân thiết, thơ mộng, thể hiện nếp sống tốt đẹp của dân tộc trong lối nói hàng ngày cũng như trong thơ văn. Xin bạn đọc xem đây là bài ‘phiếm luận’ không mang tính cách biên khảo.

 

I. Từ ‘EM’ 

Không rõ từ  ‘EM’ xuất hiện từ thời nào trong ngôn ngữ VN, có thể từ lâu lắm trong dân gian nhưng chỉ để nói lên quan hệ thân thuộc cùng cha cùng mẹ trong gia đình giữa người sinh ra sau đối với người sinh ra trước. Do đó, từ EM thường đi chung với các từ ‘Anh, Chị’. Các từ ‘Em, Anh, Chị’ lại ra khỏi phạm vi gia đình, đi vào tương giao xã hội, được dùng trong xưng hô của người nhỏ tuổi hay lớn tuổi hơn trong khi tiếp xúc. Rồi từ EM đi vào thơ văn không rõ vào lúc nào.

Trong các truyện cổ (Trầu Cau, Thiếu phụ Nam Xương, Trương Chi-Mỵ Nương,…) và một số áng văn Nôm (Nhị Độ Mai, Bích Câu kỳ ngộ, Phạm Công Cúc Hoa, …) không rõ từ Em có được dùng không, người viết không còn nhớ. Trong số thơ nôm theo Hàn luật, từ Em cũng không được dùng (thơ của Lê Thánh, Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tự Đức, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh,…). Trong Cung Oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm (bản dịch), Lục Vân Tiên,  trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, ta cũng không thấy từ Em.

Riêng Tú Xương, trong bài ‘Mất ô’, đã dùng từ Em để nói về người gái ả-đầu, nhưng có thể vào thời Tú Xương, chữ Quốc ngữ đã được dùng, nếu chưa nơi trường ốc thì cũng trong một số người bắt đầu tiếp xúc với lối chữ mới nầy :

Đêm qua anh đến chơi đây  

Giày dôn (jaune) anh diện, ô tây anh cầm

Sáng ngày sang trống canh năm

Anh dậy, em vẫn còn nằm trơ trơ

Hỏi ô, ô mất bao giờ

Hỏi em, em những ậm ờ không thưa

Sợ khi rày gió mai mưa

Lấy chi đi sớm về trưa với tình.

Trong ‘Đoạn Trường Tân Thanh’, Nguyễn Du dùng từ EM nhưng chỉ để nói lên quan hệ gia đình giữa Thúy Kiều và Thúy Vân chứ không với Kim Trọng, Thúc Sinh hay Từ Hải (Với những người tình nầy, Kiều không xưng Em mà xưng Thiếp) :

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa…

Thì đem duyên chị kết vào duyên em

Thì còn em đó, lọ cầu chị đây…

Từ sau ngày chữ Quốc Ngữ được phổ cập và có lẽ do ảnh hưởng của thơ văn lãng mạn, từ EM được sử dụng nhiều trong thơ ca, không chỉ để nói lên thứ bậc trong gia đình hay tuổi tác trong những lần tiếp xúc ngoài xã hội mà trở thành những gởi trao tâm tình thắm thiết, những tình tự ái ân cùng những gắn bó hầu như ruột rà máu mủ.

Nhìn chung, xét về mặt ý nghĩa, từ EM cống hiến nhiều phương diện đẹp trong cuộc sống.

a. Trước tiên về mặt gia đình và xã hội : Từ EM vừa chỉ sự thống thuộc thân tình về huyết thống, về trật tự tuổi tác vừa diễn tả sự tôn trọng, kính nể, nhường nhịn giữa các lớp tuổi đưa đến sự tương nhượng, lễ độ, lịch s trong đối đãi giữa nhau. Khi còn xưng hô ‘anh em, chị em’ với nhau thì mối liên hệ còn trong vòng nể nang, tình nghĩa chứ không gây cấn, hỗn hào, vô lễ. Lúc về già, hai người còn xưng hô nhau ‘anh em, chị em  thì sợi dây tình cảm gia đình và xã hội vẫn còn bền vững, ngọt ngào như thưở nào.

b. Từ EM trong quan hệ vợ chồng và tình cảm nam nữ. (người vợ hay người yêu nữ luôn xưng hô là Em với chồng hay với người yêu trai dù có lớn tuổi hơn). Từ EM diễn tả mọi yêu thương trong ràng buộc tự nguyện, trong ân tình trao gởi nối kết hai người trong cùng một cuộc sống chung, hòa đồng, dâng hiến cho nhau. Cặp vợ chồng mỗi khi bất hòa hay lúc đã cao niên mà còn gọi nhau là ‘anh em’ thì mối bất hòa kia sớm qua đi và tình cảm lúc về già vẫn tươi mát, ngọt ngào như thời son trẻ.  Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt, thông giao để bày tỏ ý nghĩ, tình cảm, tâm trạng. Trong đối thoại, ngôn ngữ thường tùy thuộc vào thái độ (attitude) và giọng điệu (intonation) cho thấy cuộc đối thoại dịu dàng, thân mật hay gây cấn, hỗn hào, vô lễ có thể dẫn đến dùng bạo lực. Chẳng hạn, hai nguời hay hai vợ chồng bất hòa với nhau có thể dùng những từ ‘ông, bà, mầy, tao,..’ nhưng nếu còn dùng cać từ ‘anh, chị, em’ thì mối bất hòa không đến nỗi gây cấn quá đáng vì các từ nầy, tự thân, đã mang sẵn tính nhường nhịn, thân mật và nể trọng nhau. 

c. Trong yêu đương, trong đối xử ân tình nam nữ. Từ EM  dùng chỉ người nhỏ tuổi, người tình, người con gái mà ta lưu luyến, muốn trao gởi tâm tình, cảm mến, thương yêu. Ta thử tượng tượng hai người trai và gái chưa hề quen nhau, tình cờ gặp nhau giữa đường hay nơi chợ, …hỏi han nhau việc gì đấy mà xưng hô ‘anh, em’ với nhau thì hầu như mối thân tình đã được thể hiện ngay để rồi tiến đến quen thân và sau đó…Nhất là chàng trai được cô gái chưa quen mà xưng với mình là EM thì bỗng nhiên cảm thấy ‘phơi phới’ trong lòng ra sao. Từ EM, do đó, có thể nói là bước khởi đầu cho yêu thương, cho nhung nhớ, cho tơ duyên vợ chồng. Và bao cuộc tình thơ mộng, đẹp tươi trọn đời hay phải gảy đổ đớn đau hầu như đều do cái từ EM  ban đầu đó. Xin nghe cô nàng Dư Thị Diễm Buồn thuật lại cái ‘nết hư’ của nàng hay của cô nữ sinh do từ cái ‘nụ̣ cười trong mắt’ chàng trai lính chiến lúc nàng choàng vòng hoa cho chàng vào ngày Quốc Khánh VNCH:

Từ dạo đó dễ buồn và dễ khóc

Dễ dỗi hờn và cũng lắm âu lo

Hay dối mẹ, Em bắt đầu trốn học

Cô bé thơ ngây đã biết hẹn hò….

…….

Gặp bất chợt, vui mừng không thể tả

Em tưởng chừng mật ngọt rót vào lòng

Nâng tà áo, tay xoay xoay nón lá

Trước cổng trường Anh đợi có lâu không ? 

                               DTDB : ‘Nụ cười trong mắt anh’ (Những Ngày Xưa Thân Ái)

« Hư quá » mà cũng ‘đẹp đẽ’ làm sao ! Có lẽ, không một cô gái hay chàng trai nào không trải qua những lần như thế. Chỉ hai tiếng ‘Em, Anh’ ban đầu gặp gỡ, thế là ‘mặt hồ tâm tư bắt đầu lăn tăn sóng gợn’ rồi tình ca, tình sử ‘rủ rê’ đến để rồi, nào đâu biết  ‘Ái tình triết lý màu bi đát, Mà mực tàn canh vẫn chảy hoài’. 

d. Từ EM trong Văn chương và thơ ca.

*Trong văn chương bình dân, từ EM thường được dùng không rõ vào thời kỳ nào. Trước tiên, chỉ để nói về liên hệ trong gia đình hay để nói riêng về thân phận nữ nhi rồi dần dần đi vào thơ ca qua ca dao, dân ca, nói lên tâm tì̀nh, tâm trạng giữa gái và trai, giữa vợ và chồng :

Em như con hạc đầu đình

Muốn bay không nhắc nổi mình mà bay

Từ ngày em về làm dâu

Thì anh dặn bảo trước sau một lời

Mẹ già dữ lắm, em ơi !

Ngày ngày em đứng em trông

Trông non non ngắt, trông sông sông dài…

Ở đây đất đỏ mây vàng

Em đi làm mướn gặp chàng làm thuê

Yêu nhau ta đưa nhau về

Làm mướn là vợ, làm thuê là chồng.

Em về anh mượn khăn tay

Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên

Em về để áo lại đây

Để khuya anh đắp gió tây lạnh lùng.

e. Từ EM dùng ‘nhân cách hóa’.mọi thứ.

Trong Văn chương, nhất là trong Thơ, từ EM, ngoài việc xưng hô trong tình yêu nam nữ, còn được dùng để ‘nhân cách hóa’ mọi thứ, diễn tả nỗi niềm trìu mến thân thương hoặc buồn đau, trách móc, lẫy hờn, nhưng bao giờ cũng chan chứa tình tự ngọt ngào, yêu đương, thương xót, quyến luyến, xót xa hay tủi buồn, trách móc. Tất cả đều được gọi bằng EM, trở thành EM một cách thơ mộng, thân thương. Trăng, mây, sương, gió, núi sông, cây cỏ, hoa lá, cả địa cầu, trời đất, tinh tú, quê hương, ngôi nhà, thôn xóm, cả dân tộc, quốc gia, lịch sử, ngôi chùa, đình làng, quyển sách, chiếc bàn, cây bút, nói chung là vạn vật, cả sự kiện không gian, thời gian, kể cả Nghệ thuật, Khoa học, Triết lý,…Tất cả, dù là sự vật vô tri, vô tình  cũng được ‘nhân cách hóa’ qua từ EM hiền hòa, dễ thương, dễ mến dù lắm khi bi thiết, não nề.  Đối với nhà thơ, tất cả đều trở thành những ‘người yêu, người tình’ để được gọi bằng EM thi vị, ngọt ngào ân ái cho dù đấy là những gì đã gây cho mình nhức nhói, buồn đau. Nhân cách hóa mọi sự vật, đấy là đặc quyền dành cho nhà thơ nhà văn, đặc quyền của thơ ca mà không một b môn nghệ thuật nào có được.

Xuân Diệu đã gọi Thơ là EM :

Thơ ta hơ hớ chưa chồng

Anh yêu muốn cưới mà không tì giờ

Mùa thi sắp tới, Em Thơ

Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau.

Đỗ Bình đã gọi cây súng M.16 là EM :

Em bay

vào lẩn trong tinh đẩu

hay rủ hồn đau

dưới vực sâu…

Phương Hà đã gọi bức tường Bá Linh bằng Em :

Em gục xuống là điều phải lẽ

Vì dối gian có tồn tại bao giờ…

Dưới chân Em bao lớp người ngã gục

Sau lưng Em những vùng đất kinh hoàng….

Hình tượng siêu hình, ẩn nhiệm đã đưa nhà thơ long đong trên đường luân lạc giữa cõi thế phù trầm, trở về lại với chính mình, sống với nguồn cội ban sơ nơi mình và nơi tất cả, đã được Nguyên Sa mượn qua từ EM để diễn tả:

Có phải Em về đêm nay

Trên con đường chạy dài hoa cỏ

Cho lòng anh trở lại với lòng anh….

Đinh Hùng trong bài thơ ‘Kỳ Nữ’ đã mượn từ  EM để nói đến một hình tượng nghệ thuật hay một hình tượng huyền nhiệm nào đó hầu giao phó cả định mệnh mình cho  EM định đoạt :

Ta đặt Em lên ngai thờ nữ sắc

Để cho Em biện hộ kiếp ngày sau

Vì người Em có bao phép nhiệm màu

Một sợi tóc đủ làm nên kinh ngạc…

Lời thơ Phương Hà  trong bài thơ ‘Nguyệt Ánh’ :

Mười năm không ánh trăng

Đêm nay Em về đó….

 

Em trong bài thơ là nữ ca sĩ Nguyệt Ánh giúp vui buổi Văn Nghệ của Cộng Đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Bruxelles, thủ đô Bỉ Quốc năm 1985. Hiện thực là thế nhưng âm hưởng lời thơ đưa dẫn chúng ta đến những gì xa xôi, trầm mặc, ra ngoài tầm hiện thực.. Từ Em nơi đây  là hình ảnh Quê hương đang nghìn trùng xa cách. Quê Hương về lại đó, sáng tươi, kiều diễm sau mười năm tăm tối, âm u vì Em, Em đã về. Lời thơ giản dị, quá giản dị nhưng sao phảng phất những nét màu lung linh, huyền nhiệm vừa như sáng rỡ huy hoàng vừa như mộng mị, liêu trai : ‘Đêm nay Em về đó’, ‘Có phải Em về đêm nay’ (Nguyên Sa) , có phải :

 

Có phải nghìn thu bờ mộng cũ

Nẻo về trăng trắng gái liêu trai

Trần gian tình lạnh lòng thi tử

Em đến bên hồn, anh ngỡ ai !

                                    (không nhớ tên tác giả)

Người viết cũng đã gọì ‘Việt Nam, Lịch sử, Tự do, Lẽ Đạo’bằng từ EM :

Mai đây nước lại về nguồn

Đầu non Em (VN) tắm sạch buồn thế gian. 

 

Tôi gặp tình Em (Tự do) nơi đảo hoang

Cuối mùa thế kỷ chít khăn tang

Nơi đây bao kiếp sầu hoang dại

Cười vỡ nhân gian vũ trụ tàn…

                                              (Pulau Bidong, ngày buồn)

Em (Lẽ Đạo) bắt đời phải khổ đau

Tôi yêu nên cảnh thế gian sầu

Đất trời, vũ trụ cong cùng phẵng

Tôi cánh thuyền đêm, Em hải âu….

                                                      (Nhớ)

Trong thơ ca, từ EM còn dùng theo tính cách ‘phiếm chỉ đại danh từ’ thay cho từ AI hay từ Người hầu thêm âu yếm, thân thương trong mọi nhắc nhở, nhắn nhủ, gởi trao. Từ EM do đó nhiều khi không chỉ một đối tượng rõ mặt mà mượn qua hình ảnh đối tượng đó để ám chỉ một hình ảnh, một sự kiện nào còn xa xôi, ẩn nhiệm :

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không ?!

                                                     Bùi Giáng

Em đây là ai ? Là cô em gái, là người tình ? Không phải. Em nơi đây là bất kể người nào, người của thế gian, người đang trong cuộc đời đa đoan, nhiễu loạn…

Em về giủ áo phù sa

Trút quần phong nhụy cho tà huy bay…

                                                          Bùi Giáng

Em trong câu thơ nầy không là người yêu, không là người em gái, cũng không bất cứ người nào mà là Tổ Quốc, Quê Hương, Lịch Sử và có thể là Thượng Đế hay nói theo Triết học, Đạo học là Đạo Thể,  là Être.

Có lẽ, chỉ riêng ngôn ngữ Việt Nam ta mới có từ EM độc đáo đó vừa nhẹ nhàng, hiền dịu vừa nồng ấm tình tự đậm đà, gắn bó thiết tha, nhất là được dùng để ‘nhân cách hóa’ tất cả mọi thứ dù trang trọng, thiêng liêng hay đơn sơ, bình dị, dù cao quí hay tầm thường, dù là tâm linh hay thực tiễn, dù là Thượng Đế hay quỷ ma.  Nghe từ EM, ta cảm thấy ngay một gần gũi, cảm thông, thân ái, thân tình.

Hầu như người Việt Nam, nhất là nhà thơ, luôn xem mọi thứ, mọi điều đều là những người EM  thân thương, duyên dáng, dễ mến để mình được đóng vai người ANH, người CH sẵn sàng yêu thương, mến chuộng, sẵn sàng đùm bọc, chở che, san sẻ nỗi lòng, trao cho nhau nỗi ước, niềm mơ, sẵn sàng chịu đựng bao buồn đau, khổ lụy, niềm vui, nỗi nhớ, tiếng khóc, giọng hờn dù trong hân hoan phấn khởi hay trắc trở bi thương, ngay cả trong lúc bông đùa, diễu cợt cùng dẫn về thông cảm, thông giao, gắn xóa đi những oán hờn, buồn tủi, những chia lìa ngăn cách giữa người và người, giữa người với thiên nhiên, vạn vật. Từ EM do đó mang tính cách Văn hóa rộng lớn, không chỉ biểu hiện lòng yêu thương mà còn nói lên tính cách hòa đồng, hảo hợp giữa con người với môi trường sinh hoạt, giữa con người với lịch sử, giữa Tiểu ngã và Đại ngã trong dòng sinh hóa chung nơi cõi hiện hữu để cuộc sống, cuộc đời thêm đẹp, thêm xinh, thêm hòa ái, mặn nồng tình nghĩa.

Tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, hay một thứ tiếng nào khác chắc khó có từ nào ‘đẹp’ như từ EM của ngôn ngữ Việt. Những từ ‘Muội, Tiểu Muội’ trong tiếng Hán, ‘chérie, chouchou, mon cœur, mon amour,…’ tiếng Pháp, ‘dear, darling,….’ tiếng Anh thường dùng để chỉ đối tượng xưng hô hơn là nói về chính mình vì thường dùng ở ngôi thứ hai (ngoài trừ từ Muội trong tiếng Hán) và nhất là ‘không thể nhân cách hóa được tất cả’ từ vật vô tri đến vật hữu tri, từ thần thánh đến cả ma quỷ, ngay cả ‘nhân cách hóa’ Lẽ Đạo, Đạo Thể hoặc đôi khi dùng chỉ cả Thượng Đế, chỉ ‘Être’ trong đạo học Tây phương như từ EM của Việt Nam. Bỏ từ EM, ngôn ngữ VN sẽ trở nên nghèo nàn và thơ ca VN sẽ mất đi hàng hàng số lượng.

Nguyễn Thùy

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.