Thiền sư Thích Nhất Hạnh,
An lạc từng bước chân.
Phần Ba
AN LẠC
TỪNG BƯỚC CHÂN
TƯƠNG TỨC
Nếu bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một
đám mây bay trong ấy. Không có mây thì không có mưa, không có mưa
thì cây cối không mọc được, và nếu không có cây thì làm sao có tờ
giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có mặt là vì đám mây có mặt,
không có mây thì không có tờ giấy.
Đám mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi là
tương tức.
Chữ này tiếng Anh tôi dịch là inter-being, chưa có trong tự điển.
Nếu nhìn tờ giấy kỹ hơn, sâu hơn, ta cũng sẽ thấy ánh nắng mặt trời
lấp lánh trong đó. Bởi vì nếu không có ánh mặt trời, làm sao rừng
cây mọc được. Dĩ nhiên không có gì mọc được nếu không có mặt trời.
Cho nên trong tờ giấy cũng có ánh mặt trời. Tờ giấy và ánh mặt trời
phải nương vào nhau mà có. Nếu ta tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy
bác tiều phu đang cưa cây và đem cây đến nhà máy để cây được chế
biến làm ra bột giấy. Ta cũng sẽ thấy đồng lúa vì nếu không có lúa
bác tiều phu đâu có cơm để ăn mỗi ngày. Rồi ta thấy cả hai người đã
sinh ra bác tiều phu. Do đó ta thấy nếu không có tất cả các điều
kiện kể trên, tờ giấy không thể nào có mặt được. Nhìn sâu hơn nữa ta
cũng sẽ thấy ta có mặt trong tờ giấy. Cái này không có gì khó hiểu,
vì khi ta nhìn tờ giấy, tờ giấy là một phần của trí giác ta. Cho nên
bạn và tôi đều có mặt trong tờ giấy. Có thể nói rằng tờ giấy chứa
đựng tất cả, không có gì mà không có mặt trong tờ giấy; không gian ,
thời gian, đất nước, khóang chất, ánh mặt trời, đám mây, dòng sông,
hơi nóng.... Mọi thứ nương nhau mà có trong tờ giấy này. Mọi thứ có
mặt trong nhau, vì vậy tôi mới dịch tương tức là "inter- be". Giả sử
ta gửi trả ánh nắng lại cho mặt trời thì tờ giấy này còn hiện hữu
được không? Không có ánh mặt trời, không còn gì có thể tồn tại. Cũng
vậy, nếu ta gửi trả bác tiều phu lại cho bố mẹ bác thì tờ giấy này
cũng không thể có mặt. Vì vậy tờ giấy này được làm ra bởi những yếu
tố " không phải giấy ", như là tâm thức của ta, bác tiều phu, ánh
nắng mặt trời...., tờ giấy không thể nào được tạo tác ra. Do đó, tờ
giấy tuy rất mỏng nhưng chứa đựng cả vũ trụ trong lòng nó.
HOA VÀ RÁC
Nhơ và sạch, thơm và hôi, đó là ý niệm của tâm thức ta. Một bông
hồng mới được cắt vào chưng trong bình, còn xinh tươi và thơm ngát.
Trái lại thùng rác thì đầy vật xú uế và hôi hám. Nhìn như vậy là
nhìn bề ngoài. Nhìn sâu hơn ta sẽ thấy rằng chỉ trong vòng năm ngày
đóa hoa thơm sẽ biến thành rác. Ta chẳng cần phải đợi đến năm ngày
mới thấy rõ điều đó. Ngay bây giờ nếu ta biết nhìn đóa hoa cho kỹ và
sâu là ta có thể thấy được sự có mặt của rác. Khi ta nhìn thùng rác
cũng vậy, ta biết chỉ trong vòng vài tháng những vật hôi hám kia sẽ
biến thành rau cải tươi ngon hay thành những đoá hồng xinh đẹp. Nếu
bạn là một người làm vườn giỏi, bạn sẽ thấy hoa trong rác và rác
trong hoa không có gì khó khăn. Rác và hoa nương nhau mà có. Trong
hoa có rác, trong rác có hoa, không thể có cái này mà không có cái
kia. Không có cái nào quý hơn cái nào, cái nào cũng quý như nhau.
Hiểu được lý tương tức của vạn sự, vạn vật, ta không còn bị dính mắc
bởi tâm phân biệt, không còn dơ và sạch, đẹp và xấu.
Tại nhiều thành phố lớn ở Phi, Thái Lan, Việt Nam...có nhiều em bé
mới mười bốn, mười lăm tuổi đã phải làm nghề mãi dâm. Các em rất đau
khổ. Các em đâu muốn làm nghề này nhưng vì gia đình nghèo , các em
bỏ quê lên thành phố để tìm việc và bị người ta gạt gẫm, dụ dỗ.
Người ta nói làm nghề này các em kiếm được nhiều tiền hơn là bán
hàng rong. Một khi sập bẫy, các em khó thoát ra được và từ đó các em
mang mặc cảm tội lỗi, thấy mình không còn được trong sạnh như bao cô
gái nhà lành khác. Và các em thấy cuộc đời là địa ngục.
Nếu các em đó biết nhìn sâu vào con người mình, nhìn sâu vào hoàn
cảnh xã hội, các em sẽ thấy rằng sở dĩ các em như thế này là vì
người khác như thế kia, không thể nào khác hơn. Tại sao cô con gái
nhà lành phải hãnh diện vì tư cách "con gái nhà lành " của mình? Cô
được gọi là nhà lành vì nếp sống của gia đình cô như vậy, cô được
nuôi nấng ,dạy dỗ, bảo bọc, có đủ điều kiện để làm cô gái nhà lành.
Còn người làm mãi dâm đã không có những điều kiện trên, nên họ trở
thành như vậy. Có gì phải ngạc nhiên hay mang mặc cảm? Chúng ta
không ai thật sự có bàn tay sạch hết. Cũng không ai có quyền nói
rằng " tôi không chịu trách nhiệm". Em bé mãi dâm ở thành phố
Manila, Sài Gòn hay New-York, sở dĩ như vậy là tại vì chúng ta đã
quá bận rộn, quá ích kỷ, không có thì giờ ngó ngàng tới em. Nhìn sâu
vào đời sống của em ta thấy rõ đời sống của những người không phải
là mãi dâm, những người được gọi là "lương thiện". Và nhìn sâu vào
đời sống của những người không phải là mãi dâm , vào cách chúng ta
sống hằng ngày, ta thấy được em bé mãi dâm. Cái này làm ra cái kia,
không thể có cái này mà không có cái kia.
Nhìn vào cái giàu, cái nghèo cũng vậy. Nước này sung túc thì nước
kia đói khổ. Cái này có vì cái kia có. Cái sung túc được làm bởi
những cái không sung túc. Cái nghèo khổ được làm bởi những cái không
nghèo khổ. Đó là sự thật về bất công xã hội. Giống y như khi ta nhìn
vào tờ giấy vậy. Cho nên ta phải cẩn thận, đừng để mình bị giam hãm
trong ý niệm. Ta phải thấu triệt lý tương tức, mọi thứ có mặt trong
nhau. Ta có mặt trong mọt thứ. Cho nên ta chịu trách nhiệm về mọi
việc xảy ra quanh ta. Nếu em bé mãi dâm hiểu được lý tương tức , em
sẽ trút được gánh nặng của mặc cảm trong em. Em mang nổi đau nhức
của cả thế gian chứ không phải chỉ của riêng em. Và muốn giúp em
thật sự, ta phải thấy được chính ta trong em và em trong ta, lúc đó
ta mới có thể chia sớt với em tất cả gian truân của cuộc đời này.
VỮNG CHÃI THẢNH THƠI
Nếu ta thấy được trái đất là thân thể ta thì ta sẽ cảm nhận được
biết bao nổi đớn đau của trái đất. Chiến tranh, đói khổ, sự ô nhiễm,
cộng thêm những mưu đồ kinh tế và chính trị đã gây tàn phá khắp nơi.
Hàng ngày có biết bao trẻ em bị mù vì bị thiếu dinh dưỡng, bàn tay
của những em bé khác sờ soạng trong những đóng rác cao ngất để mong
tìm được chút thức ăn thừa. Người lớn thì chết mòn mỏi trong ngục tù
vì tranh đấu chống áp bức. Những dòng sông thì cạn khô và không khí
càng lúc càng ngột ngạt khó thở. Mặc dù Nga và Mỹ đã bắt tay thân
thiện nhưng mỗi bên vẫn còn đủ bom nguyên tử để làm nổ tung quả đất
này. Có nhiều người hiểu được hoàn cảnh bi thương của thế giới và
lòng họ rất đau xót.
Họ biết cần phải làm gì và họ xông pha trong mọi địa hạt hầu mong
đem lại một chút nào thay đổi. Nhưng sau một thời gian nổ lực làm
việc, họ có thể thấm mệt và chán nản nếu họ không đủ niềm tin và sức
mạnh bên trong. Sức mạnh thật sự không nằm ở chổ ta có nhiều quyền
hành, tiền bạc hay khí giới, sức mạnh thật sự nằm sâu trong lòng ta
khi ta có đủ trầm tĩnh và vững chãi. Nếu hằng ngày biết sống đời
sống có chánh niệm, ta sẽ nuôi dưỡng được sự vững chãi đó. Thực tập
thiền trong mọi sinh hoạt của đời sống giúp ta có đủ sáng suốt , ý
chí và kiên nhẫn để đối diện với mọi thăng trầm. Ta trở nên những
khí cụ trung kiên cho việc xây dựng hòa bình an lạc. Tôi đã thấy
được nhiều người rất dũng cảm trong nhiều đoàn thể nhân bản và tôn
giáo, suốt đời phụng sự tận tụy để bảo vệ những người cô thế nghèo
khổ. Họ cực lực chống chiến tranh leo thang và nạn kỳ thị chủng tộc.
Đi tới đâu họ cũng gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống hiểu biết
và thương yêu.
TINH THẦN BẤT NHỊ
Khi muốn hiểu một điều gì, ta không thể đứng ngoài và quan sát nó.
Ta phải đi sâu và hòa nhập làm một với nó, ta mới có thể hiểu được.
Khi muốn hiểu một người, ta phải ở trong da thịt họ, đau nỗi đau của
họ, và vui niềm vui của họ. Động từ " hiểu " tiếng Pháp gọi là
"comprendre"; "com" có nghĩa cùng với và "prendre" có nghĩa là nắm
lấy. "Comprendre" là nắm lấy vật đó và nhập làm một với nó. Không có
cách nào khác hơn. Nhà Phật gọi đó là không hai, bất nhị.
Cách đây mười lăm năm, tôi giúp một số bạn lo phụ trách các trẻ em
mồ côi ở Việt nam. Các tác viên xã hội ở Việt nam gửi hình của các
em qua, ghi rõ tên tuổi, năm sinh và hoàn cảnh của mỗi em. Công việc
của tôi là dịch những tờ đơn nầy ra tiếng Pháp để tìm người bảo trợ
cho các em. Người bảo trợ sẽ gửi cho gia đình các em một số tiền để
các em có tiền ăn và đi học. Chúng tôi có hằng chục người tình
nguyện dịch những cái đơn đó ra tiếng nước ngoài. Mỗi ngày tôi dịch
khoảng ba mươi tờ đơn. Tôi không đọc tờ đơn mà để thời gian ngắm
hình của em bé. Chỉ trong chừng ba mươi giây là tôi trở thành em bé.
Rồi tôi cầm bút lên và dịch tờ đơn qua một tờ giấy khác. Sau đó tôi
mới nhận thấy là không phải tôi dịch tờ đơn mà chính em bé và tôi
cùng làm công việc đó. Nhìn hình của em bé, lòng tôi tràn đầy cảm
thương và tôi trở thành em bé đó lúc nào không hay và cả hai chúng
tôi cùng nhau dịch tờ đơn. Điều đó rất tự nhiên. Ta không cần phải
thiền tập lâu năm mới có thể làm việc đó. Ta chỉ cần nhìn cho kỹ,
làm cho con người của mình có mặt đích thị, thì em bé liền có mặt
trong ta và ta có mặt trong em bé.
CHỮA TRỊ NHỮNG VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH
Trong chiến tranh Việt Nam, giả dụ người Mỹ thấu hiểu được nguyên
tắc bất nhị thì cả hai nước đã không mang nhiều vết thương trầm
trọng, những vết thương khó chữa lành dù chiến tranh đã chấm dứt.
Đây là một bài học cho mọi người.
Năm ngoái chúng tôi có tổ chức một khóa tu cho cựu chiến binh ở Mỹ.
Không khí khóa tu khá ngột ngạt vì nhiều người vẫn còn bị thương
tích chiến tranh làm đau nhức không nguôi. Một người thố lộ là chỉ
trong một trận đánh mà đơn vị anh ta đã mất bốn trăm mười bảy người
và trong suốt mười lăm năm trời anh ta vẫn mang xác chết của bốn
trăm mười bảy người lính này trên vai. Một người khác tâm sự là vì
quá căm hận khi thấy chiến hữu mình bị giết chết nên anh ta đã gài
bẫy giết năm trẻ em trong một làng nọ.
Từ đó anh sống trong một cơn ác mộng dài , không bao giờ còn đủ cam
đảm để ngồi gần bất cứ một em bé nào. Bao nhiêu đau thương đã được
kể ra và chính niềm đau đã không cho anh ta tiếp xúc được với những
mầu nhiệm của cuộc sống.
Vì vậy mà chúng ta cần giúp nhau để học tiếp xúc. Trong khóa tu, một
cựu chiến binh nói đây là lần đầu tiên trong mười lăm năm qua, anh
cảm thấy an toàn giữa một đám đông. Trong suốt mười lăm năm, anh
không nuốt được một thức ăn nào cứng. Anh chỉ ăn trái cây và uống
nước trái cây. Anh hoàn toàn sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Nhưng chỉ sau ba ngày dự khóa tu, anh đã có thể bắt đầu liên lạc và
nói chuyện với người khác. Những người như anh rất cần sự thương yêu
giúp đở của ta để có thể tiếp xúc lại với cuộc sống. Trong khóa tu,
chúng tôi cùng tập thở và tập cười, nhắc nhở nhau trở về với đóa hoa
trong tâm ta, trở về với trời xanh, với cây lá để che chở nuôi nấng
ta.
Chúng tôi cùng ăn cơm, cùng uống trà trong im lặng, thưởng thức từng
ly trà, từng món ăn như thưởng thức cái bánh in thời thơ ấu. Chúng
tôi bước từng bước chậm rãi thong thả, ý thức được sự tiếp xúc của
bàn chân với mặt đất, của buồng phổi với không khí trong lành. Chúng
tôi cùng ngồi với nhau, thở với nhau, đi với nhau và cùng chia sẽ
học tập về những kinh nghiệm đau thương trong chiến tranh Việt Nam.
Bài học ở Việt Nam phải giúp chúng ta sáng mắt.
Chúng ta phải thấy được rằng chúng ta là của nhau, không ai có thể
chia cắt thực tại thành những mảnh rời rạc. Sự an lạc của cái này là
sự an lạc của cái kia, chúng ta không thể làm việc một cách riêng
rẽ, chúng ta phải ngồi lại với nhau và cùng chung xây dựng lại. Phe
nào cũng là phe của ta, không có phe nào ta cần phải loại bỏ. Các
cựu chiến binh đã lấy kinh nghiệm đau thương của mình làm áng sáng
chiếu sâu vào cội rễ của chiến tranh và soi đường dẫn tới hòa bình.
TRÁI TIM MẶT TRỜI
Ta biết rằng trái tim ta ngừng đập, dòng sinh mạng của ta sẽ ngừng,
cho nên ta rất trân quí trái tim ta. Ngoài trái tim nầy còn có một
trái tim khác cũng rất cần cho sự sống của ta mà lại thường ít để ý
đến. Đó là mặt trời, trái tim thứ hai của ta, trái tim đem lại sự
sống cho muôn loài. Không có mặt trời thì không có gì có thể tồn
tại, kể cả cây cỏ. Nếu cây cỏ không sống được thì làm sao lòai người
và cầm thú có thể sống được. Mọi loài đều phải tiêu thụ ánh mặt trời
để sống.
Thân thể ta sống được không phải chỉ nhờ có trái tim, nó cũng cần
được nuôi dưỡng bởi không khí. Nếu bầu khí quyển biến mất thì còn
đâu mạng sống của ta. Cho nên không có một cái gì trong vũ trụ mà
không liên hệ đến ta, dù là một hạt sỏi bé tí nằm sâu dưới lòng biển
hay là sự di chuyển của ánh sáng dù đã một triệu năm qua. Nhà thơ
Walt Whitman đã nói :" Chiếc lá mỏng manh kia là gì nếu không là sự
vận chuyển đã hằng triệu năm của các vì sao...".
Đây không phải là triết lý suông mà là một cái nhìn thấu triệt và
sâu thẳm.
Thật vậy, ông đã nói rằng :" Tôi rộng lớn, tôi vĩ đại lắm. Tôi chứa
đựng cả toàn thể vũ trụ".
NHÌN SÂU
Muốn thấy rõ mọi việc, ta cần phải nhìn sâu vào lòng sự vật. Khi ta
bơi lội trong dòng sông trong mát, ta phải có khả năng thấy mình là
dòng sông.
Một ngày nọ, tôi ngồi ăn cơm với một vài người bạn tại đại học
Boston ở Mỹ.
Trước mắt tôi là dòng sông Charles thơ mộng. Dòng sông thơ mộng vì
có thể vì tôi xa quê hương quá lâu và tôi vốn rất thích sông. Tôi
rời các bạn và tìm lối xuống sông rửa mặt và ngâm chân như tôi vẫn
thường làm ở quê nhà. Khi tôi trở lại chỗ ngồi, một người bạn giáo
sư nói:" Thầy làm vậy nguy hiểm lắm đó. Thầy có súc miệng dưới sông
không? " Tôi nói có và vị giáo sư khuyên tôi nên đi chích thuốc ngừa
ngay. Tôi hơi bàng hoàng. Tôi không ngờ các dòng sông bên này bị ô
nhiễm nặng nề đến như vậy. Những dòng sông như vậy gọi là những dòng
sông chết. Ở Việt Nam, đôi khi sông có nhiều bùn và rác nhưng không
đến nỗi không uống được. Tôi nghe nói ở Đức, sông Rhine có nhiều hóa
chất đến nỗi đem rửa phim cũng được. Nếu ta còn muốn tắm gội trong
dòng sông, uống nước dòng sông hay đi dạo chơi ven sông thì ta phải
biết nhìn dòng sông như là nhìn chính ta để cảm được những vui buồn,
thất vọng của nó. Nếu ta không cảm được những gì sông núi cảm, những
gì cỏ cây hay chim muông cầm thú dần dần sẽ chết và lúc đó ta sẽ mất
hết an lạc.
Nếu ta là một người thích leo núi, thích cảnh đồng quê, thích rừng
cây xanh mát, ta phải biết rằng rừng cây là buồng phổi thứ hai của
ta, cũng như mặt trời là trái tim thứ hai của ta vậy. Nếu không hiểu
vậy, ta sẽ tàn phá hàng triệu mẫu cây mà không thương tiếc với mưa
át xích, đồng thời ta hủy họai khí ozone khiến ánh mặt trời không
được lọc bớt khi tới với chúng ta. Ta tự chôn mình trong cái vỏ chật
hẹp của mình mà không biết ; chỉ vì ta mãi lo trau chuốt cái bản ngã
nhỏ bé đó mà ta vô tình hủy hoại cả cái ta rộng lớn mênh mông. Đã
đến lúc ta phải trở về con người thật của ta, con người hòa đồng
trong đại thể, vừa là sông núi, rừng cây, ánh mặt trời, bầu khí
quyển... Ta phải hành động gấp rút để còn có hy vọng cho ngày mai.
NGHỆ THUẬT SỐNG TỈNH THỨC
Thiên nhiên là bà mẹ của ta. Chỉ vì sống xa thiên nhiên nên ta sinh
bệnh. Một số chúng ta sống trong những cái nhà hộp gọi là
appartement làm bằng xi măng và thép cứng, cao vút khỏi mặt đất, nên
không còn cơ hội tiếp xúc với trời đất. Điều này rất quan trọng. Có
nhiều thành phố không có một bóng cây. Màu xanh hoàn toàn thiếu
vắng. Có lần tôi tưởng tượng hình ảnh một thành phố chỉ còn trơ trọi
một cội cây. Cội cây vẫn còn đẹp nhưng trông rất cô đơn, đứng lẽ loi
buồn bã giữa những tòa cao ốc đồ sộ. Nhiều người đã lâm bệnh nặng và
các bác sĩ không tìm được nguyên do. May mắn có một ông bác sĩ giỏi
thấy rõ được nguyên do, nên người bệnh nào đến ông cũng cho toa
thuốc như sau: " Mỗi ngày lấy xe buýt đến trung tâm thành phố để
nhìn ngắm cội cây. Khi đến gần cây, hãy thực tập thở vào, thở ra ba
hơi trước khi ôm cây vào lòng trong mười lăm phút , vừa ôm vừa theo
dõi hơi thở. Phải thấy rõ màu xanh của lá và hít thở hương thơm của
vỏ cây. Thực tập như vậy vài tuần lễ, bạn sẽ khỏi bệnh ". Bệnh nhân
làm theo và thấy khỏe ra thật, nhưng số người đến ôm cây càng lúc
càng đông; họ phải đứng sắp hàng dài cả cây số. Ta cũng biết con
người của thời đại văn minh này khó có đủ kiên nhẩn, do đó, việc chờ
chực ba bốn tiếng đồng hồ để được ôm cội cây vượt quá sức chịu đựng
của họ nên họ liền biểu tình phản kháng. Họ ra một cái luật mới là
mỗi người chỉ được phép ôm cây năm phút thôi, sau đó lại trụt xuống
còn một phút, thành ra cơ hội được lành bệnh lại càng bị giảm thiểu.
Chẳng bao lâu chúng ta cũng sẽ lâm vào tình huống bi thảm đó nếu ta
sống không có tỉnh thức. Ta phải thấy rõ từng hành động ta làm để
bảo vệ trái đất, bà Mẹ của ta. Ta bảo vệ Mẹ tức là ta bảo vệ chính
ta và con cái của ta.
Khi nhìn vào thùng rác , ta phải thấy được hoa, xà lách, cà chua,
dưa chuột sẽ mọc lên từ đó. Khi vứt một cái cỏ chuối vào thùng rác,
ta biết là vỏ chuối ấy sẽ được biến thành hoa và rau cải. Còn khi ta
vứt một cái bao ny-lông vào thùng rác, ta biết rằng rất khó hoặc là
phải lâu lắm, mấy trăm năm, nó mới có thể biến thành hoa. Cái đó
chính là sự thực tập thiền quán. " Vứt một cái bao ny lông trong
thùng rác , tôi biết là tôi đang vứt một cái bao ny lông vào thùng
rác". Chỉ bằng sự thực tập chánh niệm ta mới có thể giữ gìn và bảo
vệ bà Mẹ của ta, tức là trái đất này. Có chánh niệm trong từng hành
động, trong từng giây phút là xây dựng hòa bình hạnh phúc cho hiện
tại và tương lai. Có chánh niệm soi sáng, ta trở nên dè dặt hơn
trong việc dùng những sản phẩm phá hoại sinh môi, và đó là bước cơ
bản đưa đến an lạc và hạnh phúc thật sự.
Một trong những ung nhọt của thế giới ngày nay là những đồ phế thải
nguyên tử. Nó tạo nên một đống rác khổng lồ phải mất 250 ngàn năm
mới có thể biến thành hoa. 40 tiểu bang trong số 50 tiểu bang Hoa Kỳ
đã bị ô nhiễm bởi những đồ phế thải nguyên tử. Chúng ta đang biến
trái đất thành một nơi không thể sống được nữa, và tương lai con
cháu ta sẽ ra sao? Ta phải mau mau dừng lại và tập sống cho có tỉnh
thức thì mới mong cứu vãn được tình thế nguy ngập hiện tại.
NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM
Khi ngồi xuống bàn ăn, nhìn bát cơm đầy và những thức ăn thơm ngon,
ta nên nhớ rằng có biết bao người đang chết vì đói. Mỗi ngày có ít
nhất 40.000 trẻ em chết vì đói hay thiếu dinh dưỡng. Nghe qua con số
đó ai mà không thảng thốt. Cho nên khi nhìn kỹ vào các dĩa thức ăn,
ta thấy có Mẹ, trái đất của ta, thấy những người nông dân cần cù,
thấy cả mấy chục ngàn em bé đang chết đói.
Ở Mỹ Châu và Âu Châu, ta quen ăn thóc gạo và những thực phẩm khác
nhập cảng từ các nước nghèo khổ: cà phê từ Columbia, sô cô la từ
Ghana, gạo thơm từ Thái Lan. Chúng ta nên nhớ rằng trẻ em các nước
đó chưa bao giờ nếm những thứ bổ béo đó trừ các em con nhà giàu. Các
em chỉ được ăn những thứ hạng bét, còn đồ tốt được dành để xuất cảng
để nhà nước thu ngoại lệ. Có nhiều gia đình phải bán con em mình làm
đầy tớ cho những nhà giàu để chúng được ăn uống đầy đủ.
Nghĩ đến các em thiếu may mắn đó, ta chắp tay lại trước mỗi bữa ăn.
Ta ý thức được sự may mắn của mình, và một ngày kia có thể ta sẽ tìm
được giải pháp để xóa bỏ nạn bất công đang xảy ra khắp nơi. Trong
nhiều gia đình tị nạn Việt nam, trước mỗi bữa ăn, một cháu bé cầm
chén cơm lên và nói:" Hôm nay trên bàn có nhiều món ăn rất ngon. Con
rất biết ơn mọi người mọi loài đã cho con và gia đình con những món
ngon này. Con biết rằng có rất nhiều người đang chết đói".
Là một người tị nạn, em biết rằng em đang ăn những hạt gạo thơm mọc
từ đất Thái, nhưng nhiều em bé Thái chưa bao giờ được ăn thứ gạo
này. Thật khó mà nói cho các em ở những nước giàu có hiểu rằng có
nhiều em bé trên thế giới chưa bao giờ được ăn những món ăn ngan và
bổ như các em. Thấy được điều này, ta sẽ vượt qua rất dễ dàng những
khó khăn nhỏ nhoi của ta, và ta sẽ tìm cách giúp đỡ những người đang
cần tình thương và sự hiểu biết.
BỨC THƯ TÌNH CHO VỊ DÂN BIỂU
Những tổ chức tranh đấu cho hòa bình vẫn còn vướng chất căm thù, bạo
động và hiểu lầm. Những tổ chức ấy có thể viết những bức thư phản
kháng rất hùng hồn nhưng có thể không đủ khả năng để viết những bức
thư dịu dàng. Chúng ta cần học cách viết những bức thư mà Quốc Hội,
Tổng thống hay Chủ Tịch Nhà Nước thích đọc chứ không vứt vào sọt
rác. Chúng ta phải học dùng thứ ngôn ngữ không làm người khác tránh
xa ta. Tổng Thống cũng là một người mang chất người như chúng ta
thôi. Những nhà vận động cho hòa bình có thể dùng ái ngữ hay không,
cái đó còn tùy ở mức độ an lạc trong họ. Bởi nếu chính họ không có
an lạc, làm sao họ có thể làm cho người khác được an lạc? Nếu chính
ta không biết mỉm cười thì ta không thể nào làm cho người khác mỉm
cười được. Nếu trong ta không có sự bình an, ta không đóng góp được
gì hết cho công cuộc hòa bình.
Một phong trào hòa bình còn mang tính căm thù và bạo động sẽ không
hoàn thành được nhiệm vụ ta trông chờ nơi nó. Ta phải giúp họ thay
đổi phương cách hành động, sao cho dịu dàng và tươi mát hơn. Vì vậy
ta phải thực tập chánh niệm, để có khả năng nhìn rõ, thấy rõ và hiểu
rõ. Nếu có được cái nhìn bất nhị, ta mới giải trừ được bạo động và
căm thù. Làm hòa bình trước tiên là làm cho trong ta có hòa bình.
Bởi chúng ta phải nương vào nhau, cũng như giới trẻ nương vào chúng
ta để có được một ngày mai tươi sáng .
BỔN PHẬN NGƯỜI CÔNG DÂN
Là công dân, ta có trách nhiệm rất lớn. Trong đời sống hằng ngày,
cách thức ta ăn uống và tiêu thụ có ảnh hưởng lớn đến tánh mạng
chính trị của thế giới. Hàng ngày ta làm cái gì thì ta là cái đó, và
điều này quan hệ mật thiết đến tình trạng an lạc của xã hội. Ý thức
được như vậy , ta sẽ có an lạc ngay trong giây phút ta đang sống. Ta
tưởng rằng các chánh quyền có quyền tự do đặt ra một chính thể theo
ý họ muốn, thực ra cái quyền tự do đó tùy thuộc vào cách chúng ta
sống đời sống hằng ngày. Nếu ta tạo điều kiện để họ thay đổi chính
thể là họ sẽ thay đổi được. Nhưng bây giờ thì điều đó chưa được thực
hiện. Ta cũng tưởng rằng nếu ta là nhà cầm quyền, ta sẽ có thể làm
bất cứ cái gì ta muốn. Điều đó chưa hẳn đúng. Nếu ta làm tổng thống,
ta có thể cũng sẽ hành xử giống như vị tổng thống đương thời, có thể
khá hơn một chút hoặc tệ hơn một chút.
Thiền quán giúp ta nhìn sâu vào sự vật, nhìn sâu vào chính con người
ta để ta thấy rõ ta cần phải chuyển hóa ta như thế nào và làm thế
nào để thay đổi tình trạng xã hội. Thay đổi cách nhìn của ta là ta
thay đổi hoàn cảnh bên ngoài vì hoàn cảnh bên ngoài là tâm thức ta
tạo ra, hoàn cảnh bên ngoài phản ảnh tâm thức của ta. Cho nên sống
có chánh niệm là điều thiết yếu. Ta sẽ thấy rằng bản chất của bom
nguyên tử và của bất công xã hội cũng không tách rời bản chất con
người của ta.
Khi ta bắt đầu thấy được trách nhiệm của mình, ta phải mời các nhà
lãnh đạo cùng đi với ta. Ta phải khuyến khích họ giữ gìn bảo vệ sinh
môi và giữ gìn bảo vệ tâm thức cộng đồng. Ta phải giúp họ tuyển chọn
những người cố vấn biết phụng sự cho hòa bình. Những người có đời
sống tâm linh vững chãi mà ta có thể tin cậy và nương tựa. Ta phải
sáng suốt khi bầu lên những nhà lãnh đạo chính trị. Ta bầu họ không
phải vì cái vẻ hào hoa phong nhã của họ mà vì họ cùng đi một đường
với ta. Chánh phủ Pháp đã có xu hướng này khi chọn những nhà nhân
bản và những người phụ trách sinh môi làm tổng trưởng một số các bộ.
Trường hợp điển hình là Bernard Kouchner, người đã từng ủng hộ
chương trình cứu trợ những thuyền nhân ở Vịnh Thái Lan. Đó là một
dấu hiệu tốt.
BẢO VỆ THÂN TÂM LÀ GIỮ GÌN SINH MÔI MỘT CÁCH RỘNG LỚN.
Chúng ta ai cũng cần hòa bình, cần an lạc. Hòa bình và an lạc đặt
nền tảng ở sự tôn trọng sự sống của mọi người và mọi loài. Đất đá
cũng biết đau, cũng cần sống. Trái đất cũng vậy. Khi ta làm ô nhiễm
không khí và nước, ta làm hại sức khoẻ của ta, làm hại các loài
khác. Cách ta trồng trọt, cách ta xử dụng phân rác, tất cả đều có
tác dụng hỗ tương. Bảo vệ thân tâm là giữ gìn sinh môi một cách sâu
sắc và rộng lớn. Một số chương trình truyền thanh, truyền hình, sách
báo, phim ảnh đầy tính bạo động và bi quan là những chất độc làm ô
nhiễm hư hại tâm hồn ta, tâm hồn các trẻ thơ. Ta phải biết bảo vệ và
giữ gìn thân tâm ta, không để cho những chất độc đó lan tràn khắp
nơi. Như vậy là ta bảo vệ và giữ gìn an lạc cho thế giới.
NGUỒN GỐC CHIẾN TRANH
Nguồn gốc của chiến tranh nằm ở cách ta sống đời sống hàng ngày,
cách ta xây dựng nhà máy, xây dựng xã hội và tiêu thụ các sản phẩm.
Nếu ta biết nhìn sâu vào hoàn cảnh xã hội, ta sẽ thấy được gốc rể
của chiến tranh.
Ta không thể đơn giản trách cứ bên này hay bên kia. Ta phải tìm hiểu
nỗi khổ đau và sợ hãi của cả hai phía, vượt lên trên tranh chấp phe
phái mà tìm cách hòa giải.
Trong mọi tranh chấp, ta cần phải hiểu nỗi khổ đau của cả hai bên. Ở
Nam Phi chẳng hạng, nếu có người hiểu được nỗi khổ đau của phía bên
này và qua phía bên kia để giải thích cho những người phía bên kia
thì tình trạng đâu đến nổi bi thảm. Ta cần những cây cầu liên lạc,
ta cần những cây cầu thông cảm.
Công trình thực tập bất bạo động bắt đầu từ nơi bản thân ta. Tâm ta
có hòa bình thì khi gặp khó khăn, ta mới biết phải làm gì để giải
quyết vấn đề cho êm đẹp. Dù là vấn đề trong gia đình hay ngoài xã
hội , thì cách giải quyết vẫn giống nhau .
CÂU CHUYỆN CHIẾC LÁ
Một ngày mùa thu, khi đi dạo chơi trong một công viên, tôi bắt gặp
một chiếc lá đỏ rất đẹp hình trái tim đang đong đưa trên cành. Tôi
đứng nhìn và nói chuyện với chiếc là rất lâu. Tôi chợt khám phá ra
rằng chiếc lá là mẹ của cây. Bình thường ta nghĩ rằng cây là mẹ của
lá, nhưng sau một hồi ngắm nhìn chiếc lá, tôi thấy rằng lá cũng là
mẹ của cây. Rễ cây hút nhựa từ nước và khóang chất nhưng thứ nhựa
nguyên nầy không đủ để nuôi sống cây nên cây phải phân phát nhựa nầy
cho các lá, và với sự hợp tác của ánh sáng mặt trời và không khí, lá
biến chế nhựa nguyên thành một thứ nhựa gọi là nhựa luyện có khả
năng nuôi sống cây. Vì vậy mà tôi thấy lá cũng là mẹ của cây. Chiếc
lá được gắn vào cây bởi một cái cuống, cho nên mình thấy được dễ
dàng sự liên lạc của hai bên.
Còn ta thì đã có cái cuống nhau ở bụng mẹ khi ta còn là một bào
thai. Chính nhờ cái cuống nhau đó mà thức ăn và dưỡng khí được đưa
vào bào thai. Khi ta sinh ra, người ta cắt mất cái cuống đó, và điều
này cho ta cái ảo tưởng là ta được độc lập tự do, không còn bị lệ
thuộc vào mẹ nữa. Thật ra ta vẫn là con của mẹ, và không những ta
chỉ có một người mẹ, mà ta có rất nhiều mẹ. Trái đất cũng là mẹ của
ta. Ta được gắn liền vào trái đất bởi rất nhiều cái cuống. Ta cũng
có một cái cuống gắn ta vào với mây. Bởi nếu không có mây, làm sao
có nước cho ta uống. Ta được tạo thành bởi bảy mươi phần trăm nước,
vì vậy ta và mây cũng được gắn vào nhau. Ta còn được gắn vào với rất
nhiều thứ khác, với dòng sông, với rừng xanh, với bác tiều phu, với
bác nông dân, đủ cả không thiếu gì hết. Cả vũ trụ dang tay nuôi nấng
ta, bảo bọc ta. Bạn có thấy tôi là bạn và bạn là tôi không? Nếu bạn
không có mặt thì tôi cũng không có mặt. Điều đó quá hiển nhiên. Nếu
bạn chưa thấy được như vậy, bạn cứ nhìn sâu thêm, bạn sẽ thấy.
Tôi hỏi chiếc lá:" Em có sợ mùa thu không, vì tới mùa thu, em sẽ
phải rời cây? " Chiếc lá đáp:"Dạ không. Suốt mùa Xuân và mùa hạ em
đã sống rất đầy đủ. Em đã giúp cây hết lòng để cây được sống. Em
thấy mình trong cây. Em thấy mình là cây, em không phải chỉ lá một
chiếc lá. Khi em trở về đất, em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cây. Em chẳng
có gì phải lo sợ cả. Khi em rời cành bay bổng trên không, em sẽ vẫy
tay chào cây: Ta sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần."
Chiếc lá vừa nói xong thì một ngọn gió thoáng qua. Chiếc lá bay lượn
nhẹ nhàng trước khi rơi xuống đất. Lá rất sung sướng khi thấy được
lá là cây. Tôi cúi đầu chào lá, cảm ơn lá đã cho tôi một bài học quý
giá.
CHÚNG TA CÙNG MỘT THÂN THỂ
Có hằng triệu người chơi thể thao trên thế giới. Khi ta xem một trận
đá bóng, ta thường theo phe này hoặc phe kia, có thế ta mới có thể
theo dõi trận đấu một cách hứng thú. Khi cầu thủ phe ta đá bóng thì
ta cũng muốn đưa chân ra để đá theo. Khi phe ta thắng thì ta cũng
nhảy nhót mừng rỡ, khi phe ta thua, ta cũng thất vọng não nề.
Trong chiến tranh cũng vậy, ta cũng ưa thích theo phe. Ta thường
bênh vực phe bị áp bức. Ta tranh đấu bằng cách la ó phẩn nộ, ít khi
ta chịu vượt lên trên những tranh chấp để nhìn cho rõ, như một bà mẹ
nhìn đàn con đang đánh nhau.
Việt Nam có câu tục ngữ "Gà một nhà bôi mặt đá nhau". Vì ta bôi mặt
nên ta mới không thấy rõ nhau, tưởng người kia là người lạ. Vì vậy
ta mới bắn vào người kia. Chỉ khi nào ta thấy được mọi người là anh
em một nhà, mỗi người là một phần của thân thể thì ta mới có thể
nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, mới có thể hòa giải.
Trong cuộc dời, ta phải tự nhủ là mình may mắn khi ta gặp được những
người biết yêu thương cả loài vật và cây cỏ. Có những người dù sống
trong an bình vẫn không quên hàng triệu người đang đói khổ, bệnh
tật. Những người đó đã thấy được sự liên hệ mật thiết của mọi loài
mọi sự với nhau. Họ hiểu rằng những nước giàu có không thể nào sống
sót nếu không có những nước kém mở mang và nghèo khổ. Sự nghèo khổ
thiếu thốn, sự áp bức bốc lột đưa đến chiến tranh.
Trong thời đại chúng ta, khi chiến tranh xảy ra, tất cả các nước đều
cảm thấy như đang lâm chiến. Số phận của nước này dính líu tới số
phận tới nước kia.
Đến khi nào thì gà nhà mới hết bôi mặt để đá nhau? Đến khi nào chúng
ta mới thấy rõ chúng ta là anh em, là một phần của thân thể. Có lẽ
mỗi ngày chúng ta phải nhìn nhau mà nói rằng:" Tôi là em của anh.
Tôi là chị của em. Chúng ta đều là con người. Chúng ta chỉ có một
cuộc sống".
HÒA GIẢI
Ta phải làm gì khi ta gây tổn thương cho người khác và khi họ trở
thành kẻ thù của ta? Người đó có thể là một người thân trong gia
đình hay là một người bạn.
Ta chẳng cần phải làm gì nhiều. Điều trước tiên là ta phải có thì
giờ để xin lỗi.
Ta nói:" Nhiều khi ta không cố tình làm cho người khác buồn và giận,
nhưng vì thiếu chánh niệm hoặc vì vụng về nên ta đã làm thế. Cho nên
chánh niệm rất cần thiết trong đời sống hằng ngày. Có chánh niệm ta
tránh được những lỡ lầm trong khi nói và làm.
Điếu thứ hai là ta biết khai triển phần hoa trong ta và chuyển hóa
phần rác. Khi ta trở nên nhẹ nhàng, tươi mát và dễ thương, người kia
từ từ rồi sẽ thấy và sẽ hiểu rằng ta đã thay đổi. Lúc đó ta chẳng
cần nói gì thêm. Người ấy đã thấy và đã tha thứ cho ta. Cho nên hãy
nói bằng chính cuộc sống của mình chứ không chỉ bằng lời nói.
Khi thấy được người kia đang đau khổ là ta đã bắt đầu có sáng suốt.
Và khi trong tâm ta nảy nở ý muốn làm vơi bớt nỗi khổ của người kia
là ta bắt đầu có tình thương chân thật. Nhưng hãy cẩn thận. Đôi khi
ta tưởng là ta đã vững vàng rồi. Muốn biết chắc, ta nên tìm đến
người kia, nghe người kia nói thì ta mới biết rõ là ta đã thật sự
thương người kia chưa. Nếu chỉ nghỉ rằng mình đã hiểu và thương
người kia thì đôi khi đó chỉ mới là sự tưởng tượng.
Hòa giải không có nghĩa là ký kết một hiệp ước với dã tâm và sự
thiếu lương thiện. Nếu còn có tham vọng, còn có chủ tâm chia phe
chia nhóm thì đó không phải là hòa giải. Phần lớn chúng ta vẫn còn
muốn theo phe này hay phe kia thì tất nhiên sẽ tranh chấp. Chúng ta
vẫn còn thiên lệch, phán đoán, đúng, sai, căn cứ trên những tin đồn
nhiều khi thất thiệt, vẫn còn muốn nuôi dưỡng căm thù để làm động
lực hành động. Lòng bất nhẫn tuy tốt nhưng vẫn không đủ. Xã hội này
không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động. Xã hội này
cần những người có từ tâm, không phe phái, thấy được sự thật một
cách toàn diện.
Khi nào ta thấy được một em bé Ouganda chỉ còn da và xương là chính
bản thân ta, khi nào ta thấy sự đói khổ đó là sự đói khổ của chính
ta, khi ấy ta mới hiểu được thế nào là tình thương vô phân biệt. Lúc
ấy ta mới thao thức tìm đủ mọi cách để làm vơi bớt nỗi khổ của muôn
loài.
HÃY GỌI ĐÚNG TÊN TÔI
Ở Làng Hồng, mỗi tuần chúng tôi nhận được hàng trăm bức thư từ các
trại tỵ nạn gửi về, những bức thư tràn ngập những đau buồn tủi nhục,
đọc mà rớt nước mắt. Chúng tôi thật sự không biết làm cách nào để
làm vơi bớt những đau thương dù chúng tôi cố gắng hết lòng.
Người ta kể rằng rất đông những người vượt biên đã bỏ thây trên biển
cả. Số còn lại lên được bờ thì sống lây lất qua ngày trong những
trại tỵ nạn.
Không những phụ nữ mà cả một số các em bé gái cũng bị hải tặc hãm
hiếp. Liên hiệp quốc và chính quyền Thái Lan đã cố gắng can thiệp
nhưng nạn hải tặc vẫn hoành hành trên biển. Có một bức thư kể chuyện
một em bé mười hai tuổi bị hải tặc hãm hiếp phải nhảy xuống biển tử
tự.
Khi nghe tin này, ai mà chẳng tức giận và chỉ muốn xách súng bắn
chết tên cướp biển. Nhưng nếu nhìn sâu hơn ta sẽ thấy nhiều điều cần
thấy. Ta thử đặt mình vào địa vị tên hải tặc. Sinh ra và lớn lên
trong một gia đình nghèo khổ ở ven biển Thái Lan, không được dạy dỗ,
không được đi học, cha đi biển về chỉ biết uống rượu say, suốt ngày
lêu lỏng theo bạn bè xấu, lớn lên trong hoàn cảnh đó chắc ta cũng sẽ
trở thành hải tặc mà thôi.
Hàng ngày ở vịnh Thái Lan có hàng trăm em bị sinh ra trong hoàn cảnh
tương tự và nếu chúng ta , những nhà chính trị , xã hội và giáo dục
không lo tìm cách để thay đổi hoàn cảnh các em thì hai mươi năm sau
, các em đó cũng sẽ trở thành hải tặc. Do đó, nếu ta xách súng bắn
những em đó tức là chúng ta bắn chính chúng ta vì ta là người có
trách nhiệm về tình trạng này.
Bài thơ Hãy Gọi Đúng Tên Tôi có ba nhân vật: em bé gái, tên hải tặc
và tôi.
Chúng tôi nhìn nhau mà chúng tôi có nhận ra nhau không? Hãy gọi đúng
tên tôi. Tôi có nhiều tên lắm. Chỉ cần gọi ra một tên là tất cả đều
lên tiếng một lần.
Hãy Gọi Đúng Tên Tôi
Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
Làm đọt lá trên cành cây
Làm con chim non cánh mềm
Chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá
Tôi còn tới để khóc để cười
Để ước mong để lo sợ
Sự xuất nhập của tôi là hơi thở
Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần
Của hằng triệu trái tim
Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
Và là con chim sơn ca mùa Xuân về trên sông đón
bắt phù du
Tôi là con ếch bơi trong hồ thu
Và cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi
thân bằng thân ếch nhái
Tôi là em bé Ouganda, bao nhiêu xương
sườn đều lộ ra, hai bàn chân bằng hai ống sậy
Tôi cũng là người chế tạo bom đạn
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi
Tôi là em bé mười hai, bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim
Chưa biết nhìn biết cảm
Tôi là người đảng viên cao cấp cầm quyền sinh sát
trong tay
Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang
chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo
Nổi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân, ấm áp
cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về
bốn đại dương sâu
Hãy gọi đúng tên tôi
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa xót thương.
KHỔ ĐAU LÀ CHẤT LIỆU NUÔI DƯỠNG TÌNH THƯƠNG
Ở Việt Nam, trong bốn mươi năm qua, đạo Phật đã đi vào cuộc đời.
Trong chiến tranh, chúng tôi không thể chỉ ngồi thực sự thực tập
thiền tọa và tụng kinh trong chùa.
Chúng tôi thực tập thiền ở khắp nơi, nhất là những nơi có khổ đau,
chết chóc.
Tiếp xúc với những khổ đau trong chiến tranh, ta có thể chữa lành
những khổ đau riêng mình, những khổ đau từ một đời sống hời hợt,
thiếu ý nghĩa. Khi phải đối diện với chết chóc, với thương tích, với
máu chảy, ta nhận ra rằng ta có thể là nguồn an ủi cho những kẻ đang
khổ đau , ta có thể giúp họ bằng tình thương , bằng niềm vui, ta
không phải là một kẻ vô ích. Cho nên ngay giữa những khổ đau tột
cùng, giữa những gian lao nguy hiểm , ta vẫn thấy có một niềm vui
lớn khi hiểu được rằng thế nào là thực tập tình thương.
Một mùa đông kia, tôi đã cùng một vài người bạn đi thăm một trại tỵ
nạn ở Hồng Kông. Ở đó chúng tôi chứng kiến rất nhiều điều thương
tâm. Có những em bé mới một hay hai tuổi đã phải theo cha mẹ vượt
biển ra đi, trong chuyến đi các em đều mất cả cha lẫn mẹ. Thế mà bây
giờ người ta sắp sửa trả các em về nước vì người ta cho là các em đã
ra đi một cách bất hợp pháp. Khi chính mình tai nghe mắt thấy những
cảnh tượng thương tâm này, ta thấy những đau khổ của bạn bè ta ở Âu
Châu hay Mỹ Châu thật chẳng đáng kể.
Sau mỗi chuyến cứu trợ về, tôi thấy thành phố Paris thật là xa lạ,
như ở trong mơ. Tôi thấy hai thế giới sao mà cách biệt nhau quá, một
bên khổ đau tràn ngập , một bên phù phiếm xa hoa. Tôi tự hỏi tại sao
ở đây người ta có thể sống được như vậy trong khi tình trạng bên kia
quá thê thảm?
Nếu bạn chỉ ở Paris suốt mười năm không tiếp xúc gì hết với thế giới
bên ngoài thì bạn sẽ thấy ở Paris người ta sống như vậy là điều tự
nhiên.
Thực tập thiền là để tiếp xúc. Đôi khi không cần phải đến tận nơi có
khổ đau mới tiếp xúc được. Ta chỉ cần ngồi yên một chỗ, theo dõi
tình hình đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là ta có thể hiểu và
thấy được tất cả. Ta để tâm đến mọi việc xảy ra chung quanh, nên ta
có thêm hiểu biết, thêm yêu thương và ta bắt tay hành động ngay tại
nơi ta ở mà chẳng cần phải đi đâu xa.
TÌNH THƯƠNG QUA HÀNH ĐỘNG
Chúng ta đã đi với nhau một đoạn đường khá dài, và tôi đã đưa ra một
số phương pháp để chúng ta cùng tu tập nuôi dưỡng chánh niệm, ý thức
được những gì đang xãy ra trong ta và ngoài ta. Bây giờ ta đã bước
vào một thế giới rộng lớn hơn nên ta cần thêm một số chỉ dẫn để bảo
trọng thân thể giúp bạn chọn một lối sống thích hợp trong thế giới
văn minh hiện tại.
MƯỜI BỐN GIỚI TIẾP HIỆN
- Giới thứ nhất: Không được thờ hay thần tượng bất cứ một chủ
nghĩa hay một lý thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật
Giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như
những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không là những chân lý tuyệt đối
để bảo vệ và thờ phụng.
- Giới thứ hai: Không được yên trí rằng những kiến thức mình
hiện có là những chân lý bất di bất dịch, như thế để tránh sự trở
thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học thái độ phá chấp và cởi mở để đón
nhận quan điểm của kẻ khác. Chân lý chỉ có thể thực chứng trong sự
sống mà không thể tìm kiếm trong kiến thức và khái niệm. Phải nguyện
suốt đời là một người đi tìm học và phải thường trực quán sát sự
sống nơi chính mình và nơi cuộc đời.
- Giới thứ ba: Không được ép buộc người khác, kể cả trẻ em,
theo quan điểm mình, bất cứ bằng cách nào : uy quyền, sự mua chuộc,
sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Phải tôn trọng sự
khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên nên
dùng những phương tiện đối thọai ái ngữ và bất bạo động để giúp
người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
- Giới thứ tư: Không được trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm
mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Phải
tìm tới với những kẻ khổ đau bằng các phương tiện tiếp xúc, tường
thuật, hình ảnh, âm thanh....Nên thường xuyên tự đánh thức mình và
những người xung quanh về sự có mặt của những đau khổ hiện thực khắp
nơi trên thế giới.
- Giới thứ năm: Không nên tích lũy tiền bạc và của cải trong
khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn. Không được đặt danh vọng và
quyền hành làm mục tiêu của đời mình. Phải sống giản dị, và phải
biết chia xẻ thì giờ , khả năng và tài vật mình có với những kẻ
thiếu thốn.
- Giới thứ sáu: Không được giữ tâm sân hận và oán thù. Hãy
học cách quán chiếu và chuyển hóa những hạt giống của sân hận và oán
thù khi những hạt giống này còn chưa phát khởi trên ý thức. Khi tâm
niệm sân hận và oán thù đã phát khởi, hãy nắm lấy hơi thở chánh niệm
và quán chiếu về bề sâu để thấy được bản chất của tâm niệm sân hận
và oán thù của mình và cũng để thấy được tự tánh và hoàn cảnh của
những người đã gây lên tâm niệm sâu hận và oán thù ấy. Nên lấy con
mắt từ bi để nhìn mọi người và mọi loài.
- Giới thứ bảy: Không được buông thả theo loạn tưởng và hoàn
cảnh để tự đánh mất mình. Phải biết thực tập hơi thở và nụ cười
chánh niệm để trở về tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giờ
phút hiện tại. Hãy tập tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và
lành mạnh trong ta và quanh ta để liên tục gieo trồng những hạt
giống an lành, hạnh phúc và hiểu biết làm động lực chuyển hóa chiều
sâu của tâm thức trên đường thành tựu đạo nghiệp.
-Giới thứ tám:Không được nói và làm những điều có thể tạo nên
sự bất hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Phải xử
dụng ái ngữ và hành động hòa giải để giúp giải quyết những vụ bất
hòa dù lớn, dù nhỏ.
-Giới thứ chín: Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự
kính phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù. Không được
loan truyền những tin mình không biết là có thực. Không được phê
bình và lên án những điều mình không biết chắc. Phải nói những lời
chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phải có
cam đảm nói ra sự thực về những tình trạng bất công, dù hành động
này có thể mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.
- Giới thứ mười: Không được lợi dụng đạo Phật và các đoàn thể
giáo hội vào mục tiêu quyền bính. Không được biến các giáo đoàn
thành những đảng hoạt động chính trị. Sống trung trực đời sống tâm
linh và tôn giáo mình, giáo đoàn trong đó mình sống phải có thái độ
rõ rệt, về những tình trạng áp bức và bất công xã hội, và xử dụng
ảnh hưởng mình để chuyển đổi các tình trạng ấy mà không nên dấn thân
vào những cuộc tranh chấp phe phái.
- Giới thứ mười một: Không được sống theo tà mệnh. Không được
sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và
thiên nhiên. Không được đầu tư vào nhữnh doanh nghiệp chuyên làm lợi
cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh
sống của những nhóm người khác. Nên chọn một nghề có thể giúp mình
thực hiện được lý tưởng từ bi cứu khổ của đạo Phật.
- Giới thứ mười hai: Không dược giết hại sinh mạng, không
được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh
mạng, ngăn chận chiến tranh, xây dựng hòa bình
- Giới thứ mười ba: Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc
và của cải không phải của mình tạo ra. Phải biết ngăn ngừa những kẻ
tích trữ và làm giàu bất lương không kể gì đến sự đau khổ của những
kẻ bị áp bức và thua thiệt.
- Giới thứ mười bốn: Không được đối xử với thân thể mình một
cách khinh xuất. Phải biết bảo trọng thân thể mình, xem thân thể
mình là đền thờ của tâm linh, là chiếc thuyền vượt biển. Phải học
bảo tồn tinh, khí và thần để có thể có đủ năng lực hành đạo.
Phần sau này dành cho quý vị cư sĩ:
Phải ý thức trọn vẹn trách nhiệm của mình về sự cho ra đời những
sinh mạng mới và phải thường xuyên nghĩ tới môi trường sinh hoạt
trong tương lai của những sinh mạng này.
CÂU CHUYỆN CỦA DÒNG SÔNG
Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng
sông ca hát nhảy nhót tung tăn từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống
đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc
ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả.
Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ
lúa.
Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong
lòng nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày
dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được
một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững từng cao khó mà bắt
được, nhất là mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô
thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì
vui nhưng sau đó thì dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.
Một ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu
trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề
tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa. " Không còn mây để chạy theo,
ta sống để làm gì? "
Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc
với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài
mà không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng
sông nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng
nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.
Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn
trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây
sinh ra từ nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự
bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.
Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một
điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh
thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây , không chú ý đến bầu
trời. Bây giờ sông mới hiểu rằng bầu trời là quê hương của các đám
mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu trời không bao giờ thay đổi.
Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở nào. Cái thấy này
đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.
Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc
của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.
Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không
còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.
Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào.
Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào
cũng là một dòng sông , chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài
hòa đã kết hợp mây và sông.
Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng
lòng đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực
rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt.
Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần
( Bồ tát Thanh Lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung)
Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây
nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả.
Chẳng có gì phải chạy đuổi theo.
Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi
mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai.
Còn nơi nào đẹp hơn nữa?
XÂY DỰNG THẾ KỶ THỨ HAI MƯƠi MỐT
Ngày nay người ta hay dùng danh từ "chính sách". Cái gì cũng chính
sách này, chính sách nọ. Tôi đã nghe phong phang rằng các nước tự
gọi là tiến bộ đang bàn tính về chính sách đưa qua các đồ phế thải
rác rến của nước họ bỏ bên các nước của thế giới thứ ba. Tôi nghĩ
rằng chúng ta cần có một chính sách để đối diện với những khổ đau
của chúng ta. Đau khổ không phải là không có ích. Cho nên ta phải
biết xử dụng khổ đau thế nào để có lợi cho ta và cho người khác.
Thế kỷ thứ hai mươi có quá nhiều khổ đau: hai cuộc đại chiến tàn
khốc, những trại tập trung thời Đức Quốc xã, những cuộc thảm sát ở
Cam bốt, những trận đói lớn, những cuộc di tản từ Việt Nam, Trung
Mỹ, và nhiều nơi khác dân chúng cũng bỏ nước chạy trốn không biết về
đâu. Cho nên chúng ta cũng cần có một chính sách cho những loại phân
rác này. Chúng ta phải dùng những khổ đau của thế kỷ hai mươi làm
phân bón những cây hoa được mọc lên trong thế kỷ hai mươi mốt. Khi
ta thấy những hình ảnh thảm khốc tại những trại tập trung của Đức
quốc xã, ta rùng mình sợ hãi. Ta nói: " Không bao giờ tôi nhúng tay
vào những công việc tương tợ. Chỉ có họ mới nhẫn tâm làm điều đó".
Nhưng nếu ta có mặt ở đó, có thể ta cũng sẻ bị lôi kéo làm y như
vậy, hoặc là ta sẽ hèn nhát đến nổi không dám lên tiếng ngăn cản
điều đó. Đó là điều đã xảy ra cho nhiều người. Cho nên ta phải dùng
tất cả những kinh nghiệm đau thương này làm phân bón cho đất đai
tương lai được màu mỡ, cho thế kỷ hai mươi mốt có được nhiều hoa
thơm.
Ở Đức hiện nay, giới trẻ có mặc cảm là dân tộc họ có trách nhiệm về
những cuộc tàn sát thời chiến tranh. Những người có trách nhiệm nên
cùng nhau sám hối để thế hệ tương lai tránh được những lỗi lầm cũ,
và biết chọn một đời sống tỉnh thức hơn. Một trong những đóa hoa cần
phải được vun trồng tưới tắm cho giới trẻ của thế kỷ hai mươi mốt là
biết chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Đoá hoa thứ hai là
khả năng nhận diện được sự có mặt của những khổ đau, có những khổ
đau quá vô ích trong xã hội hiện nay. Nếu chúng ta thực tâm muốn học
hỏi với nhau, chúng ta nên ngồi lại với nhau để kiểm điểm những lỗi
lầm cũ. Với hiểu biết và thương yêu, chúng ta có thể mở một con
đường sáng và hiến tặng một khu vườn đẹp cho thế kỷ hai mươi mốt.
Ta hãy cầm tay một em bé và mời em ra ngồi với ta ngoài bãi cỏ. Ta
và em hãy cùng ngắm cỏ xanh, ngắm những đoá hoa nhỏ mọc trên cỏ. Rồi
nhìn trời cao, thở và mỉm cười. Bằng cách đó, ta dạy cho em biết
sống an lạc, biết thương thức những vẻ đẹp xung quanh, và không cần
phải chạy đuổi theo một cái gì khác. Hạnh phúc ở trong tầm tay của
ta, trong từng phút giây, trong từng hơi thở, trong từng bước chân.
Tôi rất vui đã được cùng đi với bạn trên chặng đường khá dài. Tôi
mong là bạn cũng vui. Chúng ta sẽ còn gặp lại.
- HẾT -
|