Nhật ký Dharamsala
Phần 2: Cuộc hành trình về Dharamsala
4. Ngày 15 tháng 2, 2008
Hai ngày đã qua đi tại tu viện Sera Mey. Sáng nay tôi tọa thiền và
hành trì trong sự an bình nhẹ nhàng. Niềm an vui trong đời sống tu
viện và nếp sống xa mọi thị phi trong hai ngày vừa qua đã mang lại
cho tôi một sự an ổn rất tĩnh lặng của tâm. Thực là một điều kỳ diệu
khi tâm cảm thấy an ổn và được che chở, khi trong lòng thấy rõ những
pháp môn và sự hộ trì không đứt đoạn mà chư tổ và chư bổn sư trong
truyền thừa ban cho mình, liên tục từ thời Phật Thích ca đản sanh
cho đến bây giờ. Vì mình nằm trong dòng liên tục đó, nên tâm rất an
bình và sung sướng trong sự hành trì mỗi ngày. Sự quán tưởng sùng
kính không thể thiếu sót vào bốn lễ quán đảnh của đức Bổn Sư Kim
Cang Trì, đức Phật bổn sơ của dòng Kim Cang thừa làm cho buổi thiền
quán trở thành niềm thích thú say mê vì thấy rõ ràng là ngài ban cho
mình một sự hộ trì không gián đoạn…
Hôm nay, tôi tham dự với phái đoàn đi thăm tu viện Zongkar Choede,
là một tu viện nhỏ gần Sera Mey, và cũng nhân cơ hội đi thăm Hạ Mật
Viện (Gyumed). Năm 2002, tôi đã có dịp đi thăm Zongkar Choede và
tham quan những pháp khí cổ của chùa như là tượng Phật Thiên thủ
thiên nhãn, tượng Phật Tara nói, tượng Phật Tara đứng, các dấu chân
của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm... Những pháp khí này đều được
giữ gìn kỹ lưỡng và chỉ mở ra cho các phái đoàn hành hương đến tham
bái.

Hình 3: Tượng thiên thủ thiên nhãn tại tu viện Dzongkar Choede (hình
2002).

Hình 4: Triển lãm các pháp khí cổ xưa, rất quý của tu viện Dzongkar
Choede (hình 2002).
Chuyến đi cũng khá dài. Trên đường đi, tôi nhắm mắt thiền quán. Các
vị phụ nữ trong phái đoàn trêu ghẹo tôi, hỏi là sao anh ngủ hoài
thế. Tôi cười nói rằng tôi không ngủ, và có nghe biết quý vị, nhưng
tôi thường đi vào trong một tình trạng định trong sự chú tâm, lúc đó
tâm rất là an bình sung sướng, trong lòng thấy rất là an lạc.
Những lúc nhắm mắt như thế, tôi như đi vào một vùng sâu thẳm của của
tiềm thức và rất an bình sung sướng. Tôi có thể ở trong trạng thái
an lạc của thiền định đó rất lâu. Tuy không chú tâm vào chuyện quý
vị nói hay vào những chuyện xung quanh mình nhưng tôi vẫn nghe và
biết mọi sự.
Các vị đó lại càng trêu tôi, nói là thiền ngủ hả anh. Tôi
cười nói: ấy, quý vị cũng biết là một trong Sáu pháp tu của tổ
Naropa là pháp môn Thùy Miên Du Già, bất cứ ai đã từng thọ lễ quán
đảnh Tối thượng Du Già đều phải hành trì. Và để tôi kể lại hầu
chuyện quý vị về chuyện của Tổ Tịch Thiên (Shantideva) như sau.
Lúc còn ở trong tu viện Nalanda, Tổ thường bị tăng chúng chê cười là
suốt ngày chỉ ngủ, ăn và đi nhà cầu. Một hôm tăng chúng muốn mang Tổ
ra làm trò cười và mong là sau đó, Tổ vì bị chê cười mà phải tự bỏ
ra đi khỏi tu viện. Tăng chúng viện cớ mời Tổ lên tòa thuyết pháp.
Tổ nhận lời, và không hề biết là họ đã xây một pháp tòa cao khổng
lồ, nhưng không có bực thang nào để cho Tổ bước lên. Hôm đó, họ mời
một tăng đoàn đông đảo đến dự và định bụng sẽ làm một trận cười lớn.
Khi Tổ đến nơi hội trường và thấy tình cảnh như vậy, Tổ đột nhiên
vươn cánh tay, biến thành dài cho đến khi chạm vào tòa ngồi và biến
tòa trở thành kích thước nhỏ lại bình thường. Tổ lên ngồi trên đó
thuyết giảng và hỏi: quý vị muốn nghe một bài giảng bình thường,
trước đó đã có từng nghe qua, hay là muốn nghe một bài giảng phi
thường, trước đó chưa từng nghe bao giờ? Tăng chúng trả lời là muốn
bài giảng phi thường, mong rằng Tổ sẽ bị thất bại và phải xấu nhổ mà
bỏ tu viện ra đi.
Tổ bèn bắt đầu giảng về "Nhập Bồ Tát Hạnh" và khi tăng chúng nghe,
họ đều ngạc nhiên cảm thấy bài giảng thật là kỳ diệu. Khi Tổ giảng
đến chương Trí tuệ và đọc đến câu: "…những gì hiện hữu và không hiện
hữu…" thì thân của Tổ bay lên lơ lửng trong không gian, trụ giữa đám
mây, không còn thấy được. Tổ tiếp tục giảng chương 10 và chương cuối
của "Nhập Bồ Tát Hạnh". Trong trạng thái vô hình mà người thường
không thể thấy được đó, chỉ có những vị có trình độ chứng ngộ cao
mới có thể nghe được hai chương cuối và thấy được Tổ trong đám mây…
Tôi nói tiếp, quý vị cẩn thận nhé, nhiều khi thấy vậy mà không
phải vậy, cho nên "thấy vậy mà không thấy vậy mới là thấy vậy" đó…Và
mọi người đều cười vang.
Sau khi thăm tu viện Dzongkar Choede, được thày viện trưởng của tu
viện cho xem những pháp khí cổ xưa quý báu của chùa, mọi người ai
cũng hoan hỷ và cúng dường thật nhiều. Chưa kể là còn được tu viện
hậu đãi một bữa ăn trưa rất ngon.
Trên đường đi trở về tu viện Sera Mey, trong khi tôi đang nhắm mắt
trì chú thì các chị đằng sau lại kêu réo và nói anh kể chuyện nghe
nữa đi. Tôi nói kể chuyện gì bây giờ, thì một chị hỏi là tại sao anh
không chịu đi hành hương với phái đoàn, anh có tướng khuôn mặt rất
lạ, hai lông mày phượng thật dài và cong vút, ai nhìn anh cũng phải
sợ tướng mặt Quan Công của anh, nếu chịu đi với phái đoàn thì đỡ lắm
vì kẻ gian trông thấy là sợ mà không dám đụng vào.
Tôi cười nói là, tôi cũng đã từng nghiên cứu về tướng học trước khi
bỏ theo đạo Phật, bây giờ quý vị muốn nói về tướng mạo, thì cho phép
tôi hỏi là quý vị có bao giờ nghe tướng "thập trọc nhất thanh" và
"thập thanh nhất trọc" chưa? Một chị trả lời, hình như là cái tướng
trước tốt hơn cái tướng sau.
Tôi cười nói, đúng rồi "thập trọc nhất thanh" là quý tướng, còn
"thập thanh nhất trọc" là phá tướng. Mọi người hỏi tại sao vậy và
tôi giải thích là vì "thập trọc nhất thanh" nghĩa là mười phần tướng
xấu mà ở trong lại ẩn một quý tướng thì như đá ẩn ngọc quý, còn
"thập thanh nhất trọc" là mười phần tướng tốt đẹp, lại phô bên trong
một cái tướng rất xấu, cho nên gọi là phá tướng vì chỉ một tướng xấu
mà phá đi mất tất cả cái tướng đẹp.
Và tôi kể chuyện là ngày xưa vua Càn Long thường hay trốn ra khỏi
cung đình, cải trang để đi xem dân tình. Một hôm nhà vua cải trang
thành dân thường đi ra ngoài thành, thấy một ông thày bói ngồi xem
tướng, mọi người bu lại đông đảo xin xem và khen hay. Vua cũng chen
vào và chờ khi thày bói rảnh một chút để hỏi là ông xem tướng tôi ra
sao? Thày tướng nhìn kỹ nhà vua xong nói rằng, tướng ông là tướng ăn
mày. Nhà vua nghe xong phá lên cười ha hả và quay đi. Ông thày tướng
gọi giật lại và bảo, thưa ngài, tôi đã lầm, vì ban đầu xem tướng
ngài thấy không có gì xuất sắc, nhưng khi ngài cười ha hả và quay đi
thì tôi mới nhận ra, ngài có bộ hàm răng của rồng, long nha, cho nên
đó là tướng "thập trọc nhất thanh" và tướng của ngài là tướng làm
vua.
Mọi người nghe xong thích thú lắm, nói anh kể nữa nghe đi và hãy coi
tướng cho chị em chúng tôi. Tôi cười, nói là đó là ngày xưa, tôi
nghiên cứu tướng số, còn bây giờ, theo đạo Phật, đâu còn coi tướng
làm gì? Đức Phật đã dạy: muốn biết đời trước ra sao thì hãy nhìn đời
nay mình chịu quả gì, còn muốn biết đời sau ra sao, hãy nhìn mình
đang tạo nhân gì đời nay. Vậy quý vị còn đòi coi làm chi? Thấy mọi
người ỉu xìu, tôi tội nghiệp bèn nói thêm, thôi vậy tôi đố quý vị:
tướng đàn bà kỵ nhất cái gì? Mọi người nhìn nhau, không ai trả lời
được. Tôi mới thủng thẳng nói, nữ nhân kỵ nhất là tướng "tỵ tước,
quyền cao, thanh thích nhĩ...". Thấy mọi người ngơ ngáo, tôi cười
nói, tỵ tước nghĩa là mũi mỏng như sống dao, quyền cao nghĩa là
lưỡng quyền nhô cao quá khổ, và thanh thích nhĩ nghĩa là tiếng nói
cao the thé đâm vào lỗ tai. Đó là tướng đàn bà khắc chồng khắc
con…Đàn ông nào đụng vào thì tiêu cuộc đời. Mọi người nhao nhao hỏi,
vậy chứ đi sửa mũi cho cao lên thì sao? Tôi trả lời là, mắt mũi gò
má miệng và các đường rãnh trên mặt như là sông núi, nguồn mạch, tất
cả phải hoà hợp và thông suốt, nếu sửa và cắt đi thì chưa kể hình
dạng bị thay đổi, phá các hòa hợp tự nhiên mà còn làm cho các nguồn
mạch đó bị tắc nghẽn, và theo tướng số thì như vậy là phá tướng,
ngay cả các sẹo khi bị thương tích cũng phá tướng của mình. Nói đến
đây, tôi cũng phải nhắc nhở là thôi, các thày thắc mắc mình làm gì
mà ồn ào quá kìa.
(Trên xe buýt, vị trí của tôi là ngồi ở hàng ghế thứ hai, bên trong,
cạnh cửa sổ. Còn Geshe Norbu thì ngồi ghế ngoài để dễ điều khiển
phái đoàn. Do đó, mà khi các vị phụ nữ ngồi sau hỏi gì, tôi phải hơi
nhổm lên để trả lời. Các thày thấy chúng tôi ồn ào, nên cũng nhìn
chúng tôi như là hỏi, chuyện gì mà vui vẻ thế kia).
Lúc đó, xe buýt đã gần về đến chùa và sau đó thì chúng tôi thủng
thẳng chia tay nhau, đi về phòng. Hai vị geshe dặn dò mọi người là
người trong phái đoàn là phải tập họp lúc 9 giờ đêm để lên đường đi
hành hương theo chương trình. Ngay đêm đó, phái đoàn sẽ đi về
Bangalore để hôm sau đi Kalkutta. Còn tôi thì không còn đi chung với
phái đoàn nữa, và sáng sớm hôm sau, ngày 16 tháng 2 cũng sẽ rời Sera
Mey để theo thày viện trưởng đi Bangalore, và từ đó lấy xe lửa để đi
về New Delhi và sau đó đi về Dharamsala.
Tôi về phòng nghỉ ngơi sau một ngày thăm viếng, đi bộ mệt mỏi và sau
đó thiền quán như thường lệ trước khi vào giấc ngủ êm đềm trong bầu
không khí an lành của tự viện.
5. Ngày 16 tháng 2, 2008
Sáng sớm, 5 giờ, tôi đã thức dậy tắm rửa sạch sẽ và ngồi túc trực
chờ thày viện trưởng để khởi hành đi Bangalore. Sau khi làm vệ sinh
cá nhân xong, trời vẫn còn tờ mờ sáng. Tôi đóng hết cả hành lý lại
gọn gàng và ra ngồi trước bàn ăn lớn bên ngoài. Trong khi chờ đợi,
tôi định pha ly cà phê uống, nhưng xem lại thì trong bình thủy chẳng
còn tí nước nóng nào. Tôi đành lấy chút nước trái cây hộp ngồi nhâm
nhi. Khoảng mười phút sau, một số các vị sư nhỏ tuổi, đệ tử của thày
viện trưởng đã tề tựu đến để tiễn đưa thày đi. Tôi cũng nhân tiện
hỏi chương trình đi về Dharamsala và những ai sẽ đi. Một vị thày trẻ
nói được chút đỉnh anh ngữ bảo tôi là chuyến xe lửa sẽ vào lúc 8 giờ
tối mai 17 tháng 2, và sẽ đến New Delhi vào lúc 9 giờ sáng ngày 19
tháng 2. Như thế có nghĩa là cuộc hành trình trên xe lửa sẽ kéo dài
2 đêm, một ngày, tổng cộng khoảng 32 giờ ngồi trên xe lửa.
Tôi cần phải sửa soạn tinh thần, bởi vì chuyến đi về Dharamsala này
có vẻ không dễ dàng lắm. Dù sao, tôi cũng đã quen với các điều kiện
sinh sống và tiêu chuẩn của vùng Bắc Mỹ. Còn xe lửa ở Ấn độ này thì
khác hẳn, bao gồm nhiều toa xe kéo với nhau. Mỗi toa chia làm nhiều
phòng, thông với nhau qua một hành lang hẹp dùng để di chuyển. Tuy
có máy lạnh, nhưng mỗi phòng có tổng cộng tới 8 giường ngủ, chia làm
6 giường xếp chồng thành 3 tầng và 2 giường ngủ còn lại xếp chồng
thành hai tầng dọc theo hành lang. Dù là trên xe lửa tôi sẽ có
giường ngủ, nhưng tôi sẽ phải chia chung một phòng với 7 người xa lạ
khác, không biết họ là ai. Tôi chặc lưỡi tự bảo, cũng chẳng có gì
đáng giá trong các hành lý của mình, bao gồm một cái va-li và một
cái va-li xách tay (carry-on). Chỉ có thuốc cá nhân và tiền thì cần
phải cẩn trọng, và tôi đã chuyển các thức tối cần thiết đó sang một
cái túi ruột tượng đeo quanh lưng, vậy là yên chí để đi du hành.
Sáu giờ sáng, thày viện trưởng đi ra ngoài và sửa soạn lên xe khởi
hành. Vị phó viện trưởng từ hòa đã đến để chúc lên đường vui vẻ và
tặng khăn trắng cho thày cũng như cho tôi. Cũng như mọi lần, thày
phó viện trưởng ôm đầu tôi, vuốt má và đọc kinh ban sự an lành. Bao
giờ bên thày phó viện, tôi cũng cảm động rưng rưng trong lòng… Nhất
là trong không khí của buổi từ giã này, mặc dù thày phó viện cũng sẽ
đi đến Dharamsala sau đó.
Chiếc xe đã chuyển bánh, buổi sáng gió thổi lạnh lạnh vào xe, tôi
kéo cổ áo lên và thầm nguyện, xin giã từ Sera Mey lần thứ hai, xin
nguyện cầu cho tương lai, con sẽ có dịp quay về và nhất là có đủ
duyên để thành tăng sĩ, mau đạt giác ngộ để cứu độ mọi chúng sinh
thoát khỏi khổ đau.
Thày viện trưởng bắt đầu trì tụng, ngài vẫn có thói quen trì tụng
khoảng nửa tiếng sau khi xe bắt đầu lăn bánh. Có lẽ là ngài gia hộ
cho chuyến đi được an bình. Còn tôi, tôi cũng yên lặng hành trì,
sáng nay dậy quá sớm, tôi không có đủ giờ để hành trì phần công phu
sáng.
Khoảng một tiếng sau, thày viện trưởng gọi tôi, con có thấy Ấn độ
không? Tôi thưa vâng, nghèo quá thưa thày. Xe chạy qua thị trấn lớn
Mysore, mà nguyên cả khu phố chính trông thật tồi tàn khổ sở. Hai
bên đường dân chúng đang xăn quần lên để đào mương. Cuộc sống nghèo
khổ làm tôi mủi lòng và cầu nguyện cho họ. (Tôi nhớ đến hồi cách đây
10 năm, hãng của tôi gửi tôi về Việt nam công tác, khảo sát đường
dây điện cao thế, tôi cố tình lấy chuyến xe lửa tốc hành từ Hà nội
vào Sài gòn, cũng tương tự như chuyến xe lửa tôi sẽ phải lấy hôm
nay, để tìm hiểu đời sống của dân chúng. Ngồi trên xe lửa rời Hà
nội, tôi không ngăn được nước mắt vì nhớ lại cảnh khổ của người dân,
nhất là khi nhớ lại tình cảnh của một em gái đi làm trong quán cà
phê ca hát karaoke. Trông em cỡ khoảng 17, 18 tuổi, vừa bưng cà phê,
vừa ôm con búp bê trong tay, mặt còn rất ngây thơ. Tôi hỏi, em thích
búp bê lắm sao, quê ở đâu, sao không ở nhà đi học. Em nói thích búp
bê lắm, quê ở Hà đông (cùng quê với mẹ tôi) và phải đi bưng cà phê
vì cha mẹ buôn bán thua lỗ phá sản, không có tiền sinh sống ở quê,
nên phải lên Hà nội bưng cà phê. Tôi hỏi thế em muốn đi học không.
Em nói chỉ mơ ước có đủ tiền đi học ra nghề thợ may. Và còn bao
nhiêu người và bao nhiêu chuyện như thế. Trên chuyến xe lửa về Sài
gòn, tôi cứ ứa nước mắt thương cho những cảnh đời thật buồn bã vô
vọng, và tôi ngồi trì chú sám hối 100 chủng tự Phật Kim Cang Tát Đỏa
(Vajrasattva), hồi hướng cho em cũng như tất cả những cảnh đời khốn
khó ấy để họ được tiêu trừ nghiệp dĩ, mà có thể thoát ra để vươn
lên…)
Còn ở đây, những cảnh làm tôi mủi lòng nhất không phải là những
người ăn mày. Dĩ nhiên là cũng có những người ăn mày trông rất tội.
Nhưng cảnh mủi lòng nhất là khi tôi nhìn thấy những phụ nữ Ấn độ,
gầy như que củi, có lẽ là họ rất thiếu ăn và suy dinh dưỡng. Vậy mà
họ phải làm quần quật trong các công trường xây cất, đầu đội những
thúng đá hay những thúng cát thật to, mang đổ vào những chỗ trộn hồ
hay vào các móng làm nền nhà. Với tôi, những người đó đáng thương và
đáng quý, Họ không hề đi ăn xin, làm việc cực nhọc và nhẫn nhịn các
khó khăn trong đời sống, không than van. Mà đặc biệt là họ vẫn mặc
bộ quần áo quốc phục tha thướt Saree của Ấn độ, màu sắc sặc sỡ,
trong khi làm việc ở một môi trường xây cất nặng nhọc và bụi bậm bẩn
thỉu như thế. "Có cái gì tương phản mà thương xót". Đôi khi
tôi lặng nhìn họ làm việc cực khổ như vậy rất lâu. Mà lạ một điều,
phụ nữ làm khuân vác như vậy rất nhiều trong các công trường, thế mà
công việc loại đó lại thấy hiếm đàn ông đụng vào. Nhiều khi tôi
không hiểu cái văn hóa của họ như thế nào và họ nghĩ gì. Một lần,
tôi đánh bạo đến gần một người phụ nữ khuân vác đó, và cho họ ít
tiền rupee, nhưng họ chỉ nhìn tôi trân trối và không chịu lấy…
Phải nói thực tình là đi nhiều cũng học được rất nhiều điều, nhất là
mở mắt to ra để thấy những mảnh đời xót xa…Tôi quý hình ảnh những
người đó, làm việc rất cực nhọc, nhưng không đi ăn xin, viết đến đây
nước mắt tôi vẫn còn chực muốn trào ra… Tôi làm gì được cho họ? Có
chăng chỉ còn những lời cầu nguyện chân thành hồi hướng đến họ.
Mà nói đến ăn xin, tôi nhận xét thấy một điều thật tương phản giữa
người Ấn độ và người Tây tạng. Đó là, người Ấn độ đi ăn xin rất
nhiều. Nhan nhản trên đường phố Ấn độ. Người Ấn độ ăn mày còn
vào cả trong các tu viện đi ăn xin các du khách và chư tăng, nhất là
trong những dịp lễ lạc lớn khi có nhiều người ngoại quốc về tham dự.
Và họ níu kéo cả tay áo của du khách, làm phiền cho đến khi xin được
tiền mới thôi. Ngược lại, trong suốt những lần đi về các tu viện và
các trại tỵ nạn của người Tây tạng, cũng như trong suốt thời gian ở
tại Dharamsala, tôi chưa hề thấy một người Tây tạng nào đi ăn xin.
Có những người Tây tạng rất nghèo khó, làm việc cực nhọc kinh khủng
để kiếm sống, nhưng họ không đi ăn xin, không ăn cắp, và họ rất vui
vẻ, hiếu khách và dễ dàng chia sớt vật dụng thức ăn cho người khác.
Điều này cũng làm cho tôi phải sinh lòng kính trọng nền văn hóa đặc
biệt ấy. Đến đây, tôi lại bồi hồi nhớ đến lần công tác ở Việt nam,
khi đó tôi vào thăm Huế, chợ Đông Ba, dân chúng cũng có cái giống
như người Tây tạng, rất giữ nề nếp, đi bán chè cũng mặc áo dài,
nhưng chân đi đất vì nghèo, và cũng giữ cái liêm chính không ăn cắp
vặt. Tôi nghĩ, người Huế giữ được cái truyền thống của mình, làm cho
du khách đến thăm phải sinh lòng kính trọng…
Sau năm tiếng đi xe, chúng tôi tới Bangalore, thày viện trưởng đưa
tôi vào khách sạn quen, trong đó đã có thấy nhiều vị tăng quen biết
đang ở. Tôi còn được hơn một ngày để đi dạo chơi thành phố
Bangalore. Khác với lần thày viện trưởng dẫn tôi đi Bangalore năm
2002, hồi đó, ngài dẫn tôi đi thăm thú nhiều nơi. Bây giờ, ngài đã
già hơn, và chỉ dặn tôi là thích đi chơi đâu thì cứ đi, còn thày chỉ
ở trong phòng của khách sạn thôi.
Tôi cũng đâu có thích thú đi chơi gì lắm. Đầu tiên là về phòng tắm
rửa sau chuyến đi dài 5 tiếng mệt mỏi. Sau đó, tôi cần một thời
thiền định để an tâm, rồi mới đi đâu thì hãy tính sau. Tôi kính chào
thày và đi về phòng mình.
Trong thời thiền quán, không biết tại sao lòng tôi cứ xúc động liên
miên và trào nước mắt. Phải chăng là vì những ưu tư lo lắng của thày
viện trưởng khi ngài kể lại cho tôi nghe những khó khăn hiện giờ tu
viện phải đương đầu, mà chính yếu là vấn đề chủ nghĩa đồng hóa và
đàn áp cũng như xâm phạm chủ quyền của Trung quốc đối với người Tây
tạng... Những lo lắng đương đầu với các vấn đề chính trị và ảnh
hưởng của Trung quốc đối với chính phủ Ấn độ, làm cho chính phủ lưu
vong của Tây tạng càng ngày càng gặp khó khăn trong chính sách đối
ngoại cũng như đối với đồng bào tỵ nạn. Hay là vì tôi thấy thày đã
già đi, không còn như năm 2002, khỏe mạnh và dẫn tôi đi thăm mọi
nơi… Những kỷ niệm quá khứ trở về, mà ngày hôm nay, tất cả như là
giấc mộng.
Sau thời thiền quán, tôi ngủ một giấc chưa kịp thức dậy, thì có
tiếng gõ cửa. Hai vị tăng thị giả của thày viện trưởng rủ tôi đi ăn
cơm trưa trễ và nhân tiện mua chút gì về cho thày. Chúng tôi ăn
nhanh nhanh để mang thức ăn về phòng cho thày, và tôi ngồi bên thày
suốt buổi ăn trưa thật trễ đó. Nghe thày kể chuyện điều hành của tu
viện, những khó khăn hiện tại của thày cũng như của đức Đạt Lai Lạt
Ma đối với tình hình Tây tạng và với nhóm tu tập pháp môn Shugden
Dorje…Khi thày ăn xong và nằm nghỉ, tôi xin phép thày ra ngoài đi
dạo một vòng, nhân tiện gửi vài lá điện thư thăm hỏi và kể chuyện
cho bạn bè về chuyến đi của mình.
Trên đường về phòng, tôi ghé qua một tiệm trái cây bên lề đường, mua
một ký quýt lớn, tôi biết thứ quýt lớn, tươi và ngọt này, thày viện
trưởng rất thích, định bụng để cúng dường ngài sau thời nghỉ ngơi.
Lần trước năm 2002, tôi cũng rất thường mua quýt này cúng dường thày
dùng sau thời gian nghỉ trưa.
6. Ngày 17 tháng 2, 2008
Sáng sớm thiền tọa hành trì khá yên ổn và an bình. Thành phố
Bangalore bắt đầu hoạt động náo nhiệt kể từ 7 giờ sáng. Một ngày
trong thành phố lớn bắt đầu bằng lễ cúng dường của đền thờ Ấn độ
giáo không xa nơi khách sạn của chúng tôi lắm. Người Ấn độ hành lễ
cúng dường vào mỗi sáng rất sớm, và họ cũng gọi những buổi lễ ấy là
lễ cúng dường, Ấn ngữ gọi là "puja", sau đó thì họ đi làm, và thành
phố bắt đầu tấp nập, ồn ào. (Nếu vào giờ sáng sớm đi làm ấy, bạn ra
đường thì thấy nơi hai chân mày giao nhau, giữa trán mỗi người đều
có một chấm bằng phấn màu đỏ. Đó là vệt phấn ban phép lành hộ trì
(blessings). Chấm ban phép lành này khác với chấm son màu đỏ của các
bà Ấn độ, tượng trưng cho một đóa hoa đã có chủ, nghĩa là phụ nữ đã
có chồng).
Đền thờ Ấn độ giáo cầu nguyện rất ầm ỹ, vì họ bắc loa phát những lời
cầu nguyện đó ra các góc đường sáng sớm, làm buổi thiền tọa của tôi
phải chấm dứt để chuyển sang tụng chú.
Buổi sáng hôm nay, thày viện trưởng dẫn chúng tôi đi ăn sáng rất
trễ. Thày có ý muốn dẫn tôi vào một tiệm ăn Ấn khá ngon, chuyên làm
ăn sáng với các món thuần tuý của Ấn độ như là món bánh kẹp "dosa",
giống như món bánh kếp "pancake" thật mỏng, bên trong bỏ nhân bằng
khoai tây nghiền và chứa rất nhiều gia vị Ấn độ. Tuy bánh khá ngon
mà tôi không dám ăn nhiều vì bánh quá nhiều dầu và bụng không quen
với các món gia vị Ấn độ. Thày dùng món điểm tâm "itry", giống như
món bánh bò, chấm vào các dĩa sốt cà chua, hoặc dừa giã nhuyễn, tất
cả các sốt ấy lại cũng đầy gia vị. Lần đầu tiên, nghe thày dạy là
món "idly", mà với giọng đọc Ấn độ quá nhanh, tôi cứ ngỡ món ấy tên
là "italy", và cứ gọi tên như thế làm thày cười quá.
Vì ăn sáng quá trễ, nên sau khi về phòng, chúng tôi đi ăn trưa cũng
rất trễ và mua thức ăn mang về phòng cho thày. Thày bảo là tối nay
chúng ta sẽ đi ra trạm xe lửa lúc 7 giờ để lấy chuyến tàu đi New
Delhi lúc 8 giờ 15.
Tối hôm đó, khi lên được xe lửa tôi mới biết là vì mua vé khó khăn
nên giường của của tôi và của thày viện trưởng ở hai toa xe khác
nhau, như vậy là tôi sẽ phải ngồi riêng một mình trên một toa xe
khác, cạnh toa xe của thày. Khi vác được va-li để dưới gầm giường và
ngồi trên giường, tôi nhìn lại toa xe để định vị trí của xe lửa Ấn
độ, mà đây là lần đầu tiên tôi bước lên. Cũng chẳng khác gì xe lửa
Việt nam lắm. Giường của tôi ở tầng giữa cho nên muốn ngồi thì phải
khom lưng. Nhưng thường thì giường từng giữa chỉ được hạ xuống khi
đi ngủ, còn những lúc ban ngày thì treo lên để tất cả các hành khách
có thể ngồi thẳng lưng cho thoái mái. Vì chuyến xe này là chuyến tốc
hành cho nên thời gian đi từ Bangalore đến New Delhi chỉ mất 32
tiếng, các chuyến xe bình thường phải mất 40 tiếng mới đến nơi.
Lên xe lửa ngồi một lúc thì các hành khách chia chung phòng với tôi
bắt đầu lên xe. Hai tầng giường trên cùng là hai cô thiếu nữ Ấn nằm.
Hai tầng dưới cùng là hai vợ chồng Ấn trung niên. Đối diện với tầng
của tôi là một thanh niên Ấn cỏ vẻ là sinh viên, mang bài sách vở ra
học trên xe lửa. Còn hai giường kia dọc hành lang thì có một thanh
niên Ấn nằm, giường trên cùng thì bỏ trống. Tôi bỡ ngỡ khi nhìn thấy
hai vợ chồng trung niên Ấn lấy ổ khóa ra và khoá các hành lý của họ
vào giây xích của xe lửa đã có sẵn để dùng vào việc bảo vệ an toàn
chống mất cắp. Tất cả đều thật lạ lùng mới mẻ với tôi, và tôi mở to
mắt ra quan sát mọi sự chung quanh mình.
Xe lửa chuyển bánh không được bao lâu thì nhân viên cho ăn tối.
Chuyến tốc hành này cũng khá tốt vì bao gồm cả các bữa ăn. Tuy các
phần ăn mỗi bữa không nhiều, nhưng đủ để cho no lòng cho người ăn
quen đồ ăn Ấn. Các món ăn hoàn toàn thuần túy Ấn độ, nghĩa là ăn
chay, và thật nhiều gia vị. Do đó, tôi chỉ dám ăn khoảng một phần ba
của phần ăn, còn lại thì đành phải bỏ thôi, vì không muốn đau bụng
và rắc rối nếu lỡ mang bệnh.
Sau bữa ăn tối, mọi người chia chung phòng chuyện trò trao đổi thoải
mái, không khí vui như trong một gia đình. Còn tôi thì không nói gì
cả, vì không biết tiếng Ấn, và ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Đang nhắm
mắt thiền định thì thày viện trưởng ghé qua xem tình hình của tôi ra
sao, ngài hơi quan tâm đến tôi vì biết đây là lần đầu tiên tôi đi xe
lửa Ấn độ. Tôi chắp tay kính lễ thày và thưa là mọi chuyện tốt đẹp,
và đưa thày về chỗ của ngài để nghỉ ngơi.
Sau đó, hai vợ chồng Ấn đi ngủ, và tôi cũng đi làm vệ sinh, rồi hành
trì trong tư thế nằm trước khi vào giấc ngủ qua hôm sau.
7. Ngày 18 tháng 2, 2008
Sáng sớm tinh mơ tôi đã thức giậy đánh răng rửa mặt sạch sẽ và hành
trì. Dù sao, tôi cũng không thể ngủ được vì đêm qua, anh chàng thanh
niên đối diện tầng giường của tôi ngáy to quá, cộng thêm hai vợ
chồng Ấn ở từng dưới và anh chàng ở giường bên hành lang cũng ngáy
làm thành bản hòa tấu suốt đêm dài. Tôi cố gắng cả đêm trì chú nên
khi mệt quá cũng thiếp đi vài tiếng. Hình như là tôi có nghiệp thu
hút tiếng ngáy. (Lần tôi về chùa Trúc Lâm của thày Thanh Từ tu tập
năm 1998 (khi đi công tác tại Việt nam), tôi cũng bị tình trạng như
thế, bên cạnh giường của tôi là phái đoàn nha sĩ từ Sài gòn về chữa
răng cho chư tăng, có một vị nam nha sĩ mập mạp to lớn và ngáy rất
là to, làm tôi phải xin đổi phòng xuống nhà bếp ngủ mới được yên).
Nguyên ngày hôm nay trên xe lửa có biết làm gì đâu! Trừ những lúc
nhân viên phát phần ăn cho các bữa ăn, tôi thường hay ngồi khoanh
chân thiền định, cho nên trong ngày mấy lần thày viện trưởng ghé qua
chỉ thấy tôi nhắm mắt xếp bằng. Còn các vị hành khách Ấn độ kia thì
chuyện trò vui vẻ (sau này thày kể lại với tôi là ghé qua thăm, thì
chỉ thấy như thế). Người Ấn độ di chuyển rất nhiều bằng xe lửa, và
họ có một thói quen khá hay, là khi chia chung phòng, họ làm thân
với nhau và coi nhau như người trong một gia đình, truyện trò đùa
giỡn cho qua hai ngày dài trên xe lửa.
Sau này, khi không khí quen thuộc với nhau, vào những bữa cơm, các
vị Ấn độ chung phòng đó hỏi tôi đi về Ấn làm gì, tại sao không chịu
ăn gì cả, và họ cũng bắt đầu dạy tôi vài ba chữ tiếng Ấn, vâng dạ,
không, có v.v… Họ còn hỏi tôi theo đạo gì mà cả ngày ngồi nhắm mắt
hoặc tụng lẩm bẩm trong miệng. Tối hôm sau đó, tôi ngủ được yên ổn
vì anh chàng thanh niên ở giường đối diện ôm cả chồng sách qua học
với bạn và ngủ luôn ở bên kia. Tôi ngủ được và thấy khoẻ khoắn hơn
nhiều.
(Xem tiếp Phần 3: Tu học tại
Dharamsala)
|