.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Trước đèn đọc sách:


Điện Biên Phủ
tâm sự chú bộ đội

Trước khi vào chuyện: Quyển sách nầy không thuật lại toàn bộ trận đánh từ đầu chí đuôi, mà chỉ đưa ra những tâm sự lẻ tẻ của bộ đội. Như vậy, xin người đọc hãy chấp nhận những giai thoại tản mạn của những người lính đã tham dự cuộc chiến và phán xét thực hư, vì không sao tránh khỏi những trường hợp cường điệu, không nhiều thì ít, thái độ cố hữu của con người.

 

* * *

 

Khỏi nói ai cũng biết tiếng tăm của Điện Biên Phủ. Từ phía Pháp, người ta đã đọc nhiều bản phân tách, rất đa diện và đa dạng, về lý do tại sao "thua", trong khi bên phía Việt Nam thì chỉ có một số bài báo và bài viết trong sách vở học trò, nặng tính tuyên truyền tâm lý chiến để ca ngợi tại sao "thắng". Hơn nửa thế kỷ đã qua rồi, giờ đây nhiều nhà báo trẻ đầy bức xúc của Việt Nam, bỏ ra mấy năm để tự ý đi lùng sục khắp nước, ghi lấy tâm sự của chính những người, đã tự tay mình, làm nên lịch sử. Chớ không chịu tin theo "những bài có viết có tánh cách sử-thi-anh-hùng-ca-hoành-tráng theo kiểu quốc doanh".

Năm 2004, anh Đào Thanh Huyền - người chủ biên trong nhóm sáu nhà báo làm thành quyển sách "Điện Biên Phủ vu d'en face - Paroles de bộ đội", nxb Nouveau Monde, 2010, 271 trang – bay bên trên Điện Biên lần đầu tiên với nhiều nỗi ngạc nhiên. Anh thấy nhiều người chạy mô tô rượt đuổi bầy trâu để giải tỏa phi đạo cho máy bay. Một sân bay mới, vắng lạnh, một thành phố bé tẹo với ba trục lộ chánh, không một bóng người và đầy bụi bậm, với những ngôi nhà mới khỏa lấp những ngọn đồi nổi tiếng một thời.

Trên bức tường rộng lớn của nghĩa địa, dưới chưn đồi A1 (Éliane-2), thấy ghi tên những bộ đội hy sinh, xếp theo sinh quán. Trong hai nghĩa trang gần ổ kháng chiến cũ Béatrice và Gabrielle thì không có danh sách ghi trên tường, chỉ có những dãy mã ngang dọc. Tổng cộng 3976 mộ bia, chỉ có bốn là có tên, "bốn anh hùng quân đội và nhơn dân" mà thành tích đuợc nhắc đến từ lâu trong sách vở học trò.

Nhiều tốp thanh niên nam nữ dửng dưng dạo chơi đón mừng ngày kỷ niệm năm mươi năm thành phố mình làm nên chiến thắng lịch sử. Điện Biên Phủ dự trù đón chào hàng trăm ngàn khách Việt Nam và ngoại quốc. Tất cả các nơi chiến tích đều thành công trường, vì kế hoạch chỉnh trang của nhà nước. Trên địa điểm A1, người ta đào hầm trở lại và giăng kẽm gai.

Một cựu binh đang đốt nhang van vái trước tượng đài kỷ niệm trên đồi than phiền:
- Chuyện thật là nhục nhã!
Không ai còn nhận ra Điện Biên của thuở oai hùng nữa. Nhà báo kêu ca: "Tôi đến để tìm một địa điểm mở lớp học báo chí về trận đánh lịch sử, nhưng chẳng thấy Điện Biên Phủ đâu hết. Trong sách, trong phim, qua các trang sách ở trường học thì đâu đó rõ ràng. Có quân xâm lược hung ác, có người yêu nước dũng cảm, có những chuyện hy sanh và có chiến thắng vẻ vang, có cây cờ trên nóc hầm của Tướng De Castries, chỉ huy trưởng lực lượng Liên Hiệp Pháp trong lòng chảo, có những đoàn tù binh..."

Đành rằng trí nhớ con người có thiếu sót, nhưng không thể chấp nhận được những sai biệt quá đáng. Những con số thiệt hại chánh thức không khớp với những tình hình khủng khiếp của trận đánh mà người ta kể lại, với những chứng cớ do những người còn sống sót thuật lại. Đồng thời, một nửa thế kỷ sau Điện Biên, truyền hình nhà nước chiếu lại cuộn phim thời sự Điện Biên Phủ của Roman Karmen, còn phải báo trước với khán giả là: "Phần lớn hình ảnh mà quý vị sẽ xem là được thể hiện trở lại."

Quả vậy, theo lời những kẻ mục kích cảnh quay phim thuật lại, người dựng phim Liên Xô đến hiện trường mấy hôm sau ngày 7 tháng 5 1954. Thậm chí, một vài cảnh trong phim đã được quay cách xa hiện trường. Người xem đâu có quan tâm chuyện đó. Cái bậy nhứt là những sự kiện lịch sử đã được ngụy tạo. Như vậy, chuyện cây cờ Việt Minh trên nóc hầm chiến đấu của Tướng De Castries có thật hay không? Cây quốc kỳ đó tiêu biểu cho chiến thắng của một nước Việt Nam thuộc địa nhỏ bé chống lại thế lực thực dân kết xù và lâu đời.

Vậy thì, làm sao hậu thế phân biệt được hư thật giữa chuyện đã xảy ra và điều dàn dựng đã được kiểm duyệt. Làm sao người dân tìm hiểu lịch sử lựa lọc được giữa những gì có thiệt và cái mô phỏng, dẫu mang tính chánh trị nghiêm túc hay được trét phấn thoa son cho đúng với ý thức hệ? Từ đó, những nhà nghiên cứu sau này phải thắc mắc còn có bao nhiêu ấn bản Điện Biên Phủ nữa đây?

Nên chi, tập đoàn nhà báo này quyết tâm tìm ra sự thật Điện Biên qua những nhơn chúng còn sống, trước khi họ vĩnh viễn ra đi. Từ tháng Mười Hai năm 2007 cho đến tháng Hai năm 2009, họ đã phỏng vấn 250 cựu binh Điện Biên từ Bắc chí Nam, để thâu lượm những sự thật của chính các đương sự.

Vì vậy cho nên, trong quyển sách này không có những hành động anh hùng tuyệt vời và siêu phàm, những sự hy sanh cao cả và hành động dũng cảm phi thường. Mà chỉ có những chuyện vui cỏn con, những giây phút sợ hãi, những mối hận thù vặt, những nỗi chán chường, những cơn giận, những tình yêu và tình chiến hữu... những tình cảm thông thường của con người.

Lãnh đạo cộng sản hay sử dụng khẩu hiệu để kích động quần chúng thi đua làm những chuyện mà nhà nước mong muốn. Do đó, để khuyến khích nhơn dân góp công vào chiến dịch Điện Biên, họ đưa ra khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng". Mười năm sau trận đánh, chính Tướng Giáp cũng có viết: "Chưa từng thấy hàng hàng lớp lớp người Việt Nam hướng ra tiền tuyến như vậy bao giờ."

Cuối 1953, hậu phương tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến. Hầu hết những dự trữ của tám măm kháng chiến (từ 1946) đều dành cho chiến dịch Tây-Bắc của đất nước. Hai mươi bảy ngàn tấn dụng cụ và lương thực, thực phẩm được chuyển ra phía trước. Trên 260.000 dân công, trên 22.000 thanh niên xung phong, phối hợp với lực lượng chánh quy của Quân Đội Nhơn Dân để làm mặt trận hậu cần, phụ trách việc xây cất và bảo vệ hệ thống đường sá, bảo vệ tuyến giao thông, lo việc chuyên chở vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm và thương bịnh binh...

Dân công là những nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang,... Đông đảo người xuất phát từ miệt đồng bằng và châu thổ sông Hồng, những người khác xuất phát từ vùng núi Tây-Bắc. Với đòn gánh, gùi hay chỉ với đôi vai và đôi khi dùng ngựa và 20.900 xe đạp, đạo quân dân công nầy đã làm đảo lộn những tính toán của lực lượng Pháp, liên quan đến khả năng tiếp tế của Việt Minh. Thanh niên xung phong lo đảm bảo hệ thống đường liên lạc giữa hậu phương với tiền tuyến trước và trong chiến dịch. Nhiều người đã vĩnh viễn yên nghỉ trong thung lũng và núi đồi Tây-Bắc. Du kích và quân dân địa phương phần lớn là người dân tộc thiểu số vùng Tây-Bắc. Họ bảo vệ vòng ngoài của mặt trận. Khi trọng pháo êm tiếng thì họ trở về buôn làng canh tác. Rất nhiều người đâu biết rằng họ cũng có phần trong chiến thắng Điện Biên.

Nhà báo và văn nghệ sĩ cũng có chưn trong trận đánh, với danh xưng là chiến sĩ, những người lính trên mặt trận thông tin tuyên truyền và cổ võ tinh thần lính chiến. Thầy thuốc và y tá áo trắng làm việc ngày đêm, săn sóc và chăm lo thương bịnh binh với phương tiện hết sức thô sơ. Nhờ "đôi tay vàng và lòng tận tâm" của họ mà năm ngàn thương bịnh binh Việt Nam có thể trở về hàng ngũ chiến đấu của họ.

Xuyên suốt chiến dịch "Trần Đình" (ký tín ám hiệu của Điện Biên Phủ) vô vàn giai thoại buồn vui của những người tham dự, chớ không phải chỉ riêng những "thành tích anh hùng quốc doanh" do nhà nước dựng nên xưa nay. Chị dân công Đào Thị Vinh kể chuyện gồng gánh đồ tiếp tế bận đi và thương bịnh binh bận về. Ngày nghỉ, đêm đi để tránh quan sát trên không của giặc Tây. Gồng gánh đồ tiếp tế thì đi đứng thoải mái, trái lại chuyển vận thương bịnh binh thì phải vô cùng thận trọng.

Gần tới Tết, gia đình gởi cho chị nào là bánh chưng, nào là dồi heo. Nhưng hệ thống liên lạc bưu cục bộ đội chạy chậm hơn rùa nên khi quà cáp đến tay chị đã hư thúi. Bánh chưng thì vứt đi, dồi lợn thì luộc lại với nước muối thật mặn, chớ của đâu của bỏ. Rau xanh thì lấy đâu, hái tạm "rau tàu bay" trong rừng mà trám bụng.

Anh Lò Văn Tun, đem con ngựa gia đình để thồ tiếp tế cho tiền tuyến. Những khi buồn ngủ, mắt nhắm mắt mở, anh phải nắm lấy đuôi ngựa mà đi. Còn cô Trần Thị Ngà tự thú là cô vào chiến dịch không phải vì lý tưởng cao cả gì, mà chỉ với ý nghĩ phù phiếm là được đi đây đi đó với thiên hạ.

Cô sống xa gia đình, mẹ mất sớm, đông anh chị em. Mười lăm tuổi đã đăng lính, vào đoàn văn công. Không có chuyên môn gì, múa, hát, đóng kịch đủ hết. Tưởng đâu xướng ca là ngành sinh hoạt được nuông chiều, nào ngờ cũng cực khổ không kém. Sau những ngày lặn lội lên đèo xuống suối, đêm đến cô phải ôm chưn mà khóc thầm trong bóng đêm. Hơn nữa vì khá tròn trịa đẫy đà nên đi rừng cô cứ té hoài.

Đêm đến, phòng ngủ chia hai, trai nằm xung quanh, gái nằm ở giữa, nhờ vậy nên khỏi sợ ma! Cũng đêm di hành, ngày ngủ lấy sức hay tập kịch, đúng theo quy luật của đoàn quân ma. Có khi diễn kịch bất cứ nơi đâu để cho thương bịnh binh tiêu khiển và với hy vọng làm cho họ bớt đau.

Áo quần đóng kịch thì có gì mặc nấy. Khi chiếm được Him Lam (Béatrice), mới có y phục đàn bà Thái, tịch thu trong đồn địch, tăng thêm màu mè. Trang điểm thì lấy màu đỏ bao nhang thay son môi, lọ nồi đánh bóng mắt.

Có lần đang diễn giúp vui một đơn vị công binh thì trên không máy bay địch bay lượn. Bộ đội tản mác theo phản ứng tự nhiên, trong khi kịch sĩ chẳng biết làm gì. Quýnh quáng, thủ trưởng đơn vị hô to: "Nghệ sĩ, nghiêm!" Vậy là toán trên sàn diễn đứng im như tượng đá. Máy bay qua rồi, có khẩu lịnh: "Nghệ sĩ, nghỉ!" Nhờ mọi người đứng im nên máy bay chẳng thấy động tĩnh gì.

Đối với những chiến sĩ Quân Đội Nhơn Dân Việt Nam, cuộc chiến Điện Biên kéo dài một trăm bảy mươi ngày đêm trong miền núi Tây-Bắc hẻo lánh. Chiến dịch của họ từ ngày 20 tháng Mười Một 1953, khi quân Pháp thả quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, và chấm dứt ngày 7 tháng Năm 1954, khi quân trú phòng đầu hàng.

Có những bộ đội đã kinh qua nhiều chiến dịch quân sự, còn những người khác thì mới vừa tập kỹ thuật nhà binh hoặc tập liệng lựu đạn. Bốn mươi ngàn người ở tuyến đầu, mười lăm ngàn ở tuyến sau. Binh sĩ hay sĩ quan cán bộ ai đi ra trận đều nằm lòng khẩu hiệu "Xanh cỏ, đỏ ngực". Ý nói nếu không chết trận thì sẽ được quay về trong chiến thắng với huy chương đầy ngực.

Năm 1953, chiến tranh Đông Dương đã kéo dài tám năm. Sau chiến dịch Tây-Bắc hồi 1952 và trận đánh cứ điểm Nà Sản mà quân cộng sản bị thua, bộ chỉ huy Việt Minh nhứt quyết phải chiếm lại để phục thù. Họ coi việc quân Viễn Chinh muốn củng cố Nà Sản như là một hành động đánh trả cuối cùng trong miền rừng núi. Nếu bộ đội Việt Minh triệt hạ được các đồn bót kiên cố do những tiểu đoàn thiện chiến trấn giữ thì chắc chắn quân cộng sản sẽ nắm được ưu thế.

Một trong những mục tiêu trong chiến dịch thu-đông 1953 là phải làm sao hủy diệt được cứ điểm Nà Sản. Chiến lược gia cộng sản cho rằng chiến thắng sẽ tùy thuộc ba yếu tố: quân sĩ thuần thục, tấn công đúng đắn và tăng cường pháo mặt đất và pháo phòng không. Ba tháng đầu năm 1953, trung đoàn pháo nặng 105ly đã trở về nước sau một thời gian thụ huấn bên Tàu. Trung đoàn pháo phòng không 37ly, thành lập ngày 1 tháng Tư 1953 cũng sẵn sàng chiến đấu. Trận đánh Nà Sản chỉ còn chờ đợi mùa khô.

Ngày 8 tháng Năm 1953, Tướng Henri Navarre được bổ nhiệm Tổng Tư Lịnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông. Ngày 19 tháng Năm, ông đã có mặt ở Đông Dương, với nhiệm vụ tìm "một lối thoát danh dự" cho cuộc chiến. Kế hoạch Navarre dự trù giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, bình định ở miền Nam để giao lại cho quân đội Bảo Đại, đưa quân Pháp ra Bắc mở thế tiến công chiến lược để tìm ưu thế trên bàn hội nghị.

Ngày 12 tháng Tám 1953, Pháp thình lình rút khỏi Nà Sản, cộng sản bị bất ngờ. Bộ Tư Lịnh họp lại duyệt xét tình hình và chuẩn bị chiến lược mới cho Đông-Xuân 1953-1954. Chủ trương của Pháp nhằm tập trung lực lượng cơ động. Theo khuyến cáo của Vi Quốc Thanh, trưởng ban cố vấn Tàu, cộng sản chủ trương phân tán lực lượng Pháp để đánh bại họ.

Pháp đã chiếm cứ Điện Biên Phủ từ năm 1888. Năm 1945, Nhựt hất cẳng Tây và kiểm soát vùng này. Sau khi Nhựt đầu hàng, Điện Biên rơi vào tay Trung Hoa. Tháng Sáu 1953, Navarre dự định thiết lập căn cứ quân sự tại Điện Biên vì ông cho rằng địa điểm đó có một vị thế chiến lược huyết mạch ở Đông Dương, vì nằm trên đường đi qua Lào, Thái Lan và Miến Điện. Cân nhắc lợi hại cho hai bên trong việc chiếm cứ vị trí chiến lược này, Navarre vẫn thấy cần phải nắm lấy Điện Biên để giải quyết chiến cuộc.

Ngày 20 tháng Mười Một, Pháp mở hành quân "Castor", cho quân nhảy dù xuống Điện Biên. Tướng Giáp nhận định rằng dẫu thế nào đi nữa hành động này của Pháp cũng có lợi cho phía cộng sản, vì đúng theo ước tính của họ. Như vậy, vùng Tây-Bắc là mấu chốt chủ yếu của cuộc chiến, như chiến dịch Đông-Xuân 53-54 của Bắc Việt đã dự liệu.

Sáng ngày 20 tháng Mười Một, vùng trời Điện Biên Phủ đầy ngập vô vàn cánh dù đủ màu trắng, hoa ngụy trang và đỏ. Hành quân "Castor" đã mở màn. Trong ba ngày, lối 4.500 quân Liên Hiệp Pháp đã tập trung xuống vùng thung lũng. Lúc bấy giờ ở Điện Biên chỉ có một bộ phận của Tiểu Đoàn 910 đang di chuyển về Mường Pồn, bất chợt phải chiến đấu. Dù đỏ là của cấp chỉ huy vì rất ít, do đó quân Việt Minh được lịnh phải tiêu diệt ưu tiên dù đỏ. Từ mười giờ sáng đến mười sáu giờ, hai bên đánh nhau cật lực, quân cộng sản hết đạn và thiệt mất sáu mươi người. Cộng quân được lịnh rút vào rừng Hồng Cúm và Sam Mứn để bảo tồn lực lượng, cài lại sáu người giả dạng thường dân để dọ thám.

Không gạo, chẳng có tiền túi, toán thám báo này đi tìm dân chúng đã bị Tây bố ráp gom đi. Mất dân như cá thiếu nước, họ phải ngủ trong hang động, thâu lượm lúa để giã ra gạo và hái cải và bí rợ của dân mà ăn. Sau đó họ gặp được dân chúng chạy trốn Tây giúp đỡ.

Đêm 20 tháng Mười Một, Tướng Giáp được báo cáo Tây đổ bộ Điện Biên bèn triệu tập phiên họp tại Đồng Đau (Thái Nguyên) để điều chỉnh kế hoạch Đông-Xuân 53-54. Trung Ương Quân Ủy quyết định chuyển hướng trọng tâm chiến lược đến thung lũng Điện Biên.

Theo tiết lộ của Lê Trọng Nghĩa, Trưởng luới tình báo, thì sau chiến dịch Tây-Bắc năm 1952, chánh sách của Việt Minh là tiếp tục thế công ở đồng bằng. Nhưng cố vấn Tàu gợi ý là nên mở hành quân ở Tây-Bắc và Thượng Lào. Tình hình lúc bấy giờ là Tây đánh lẻ tẻ để thử VM còn VM thì bố trí quân chánh quy quanh đồng bằng, chỉ phái một vài cánh quân lên Tây-Bắc. Nghĩa là hai bên còn đang thăm dò nhau.

Quân Ủy Trung Ương, cũng như tình báo VM đều bị bất ngờ với việc quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên. Họ chỉ dự đoán Tây tấn công liên khu VI (Nghệ An, Thanh Hóa) và liên khu V (Quảng Nam) hay Việt Bắc (Tây-Bắc nhưng không tới Điện Biên). Việt Minh chưa nghĩ tới Điện Biên Phủ. Trong hồi ký của mình, Tướng Giáp có viết: "Sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, vùng Tây-Bắc thực sự đã trở thành trục chánh, như đã dự trù trong kế hoạch hành quân của ta. Tôi thảo luận với những cục trong Bộ Tổng Tham Mưu để điều chỉnh kế hoạch."

Ngày 12 tháng Mười Hai 1953, Tướng Cogny ra lịnh quân trú phòng Lai Châu di tản khỏi thị trấn này, rút về tăng cường Điện Biên Phủ. Phạm Quang Vinh, Phó Chánh Ủy Trung Đoàn 98, Sư Đoàn 316, được lịnh đưa Tiểu Đoàn tiếp quản Lai Châu khi vừa tới Tuần Giáo. Từ Tuần Giáo đến Lai Châu TĐ phải di chuyển trên bốn xe tải. Đi được bốn mươi cây số, bộ đội, vốn là nông dân, không quen đi xe hơi nên ói mửa tùm lum nên phải xuống xe hành quân bộ đến Lai Châu.

Cán bộ quân báo Nguyễn Việt, Bộ Tổng Tham Mưu tâm sự là Việt Minh không có bản đồ quân sự của vùng Điện Biên, mà chỉ có bản đồ hành chánh, trên đó địa danh Điện Biên Phủ chẳng thấy đâu hết. Qua điều tra tù binh Tây, cộng sản thâu lượm được một số chi tiết để vẽ nên bản đồ địa hình Điện Biên.

Ngoài ra, họ còn phái quân đi tìm dữ kiện và tin tức liên hệ đến cứ điểm Điện Biên. Trong đêm Giáng Sinh 1953, họ đi săn nhặt những chiếc dù mà Tây nhảy xuống rồi bỏ lại trên ruộng, bên ngoài vòng rào kẽm gai. Họ lượm được hai chiếc dù màu đỏ và trắng, có cái hộp thiếc còn dính trong dù. Mở ra thì "buồn ngủ lại gặp chiếu manh", họ tóm được hai mươi lăm bản đồ tỷ lệ 1/25.000 và ba mươi hai không ảnh Điện Biên Phủ.

Các đơn vị chánh quy Quân Đội Nhơn Dân được điều động đi Điện Biên đều mù tịt không được biết nơi đến. Chỉ khi nào gần đến nơi mới được cho biết. Phần đông đều nói rằng "hồ hởi phấn khởi" khi được lịnh ra tiền tuyến. Dọc theo các tuyến đường ra tiền tuyến, nhà nước tổ chức một bầu không khí lễ hội để tác động tâm lý. Những cánh quân đang di chuyển thường sinh hoạt trong đêm để tránh máy bay Pháp quan sát, kể cả việc nấu ăn.

Trong hàng ngũ quân đội nhơn dân cũng có trường hợp "lính cậu" như anh bộ đội Lê Hải, TĐ 536 thuộc SĐ 316. Anh ta là sinh viên bị bắt lính nên đồng đội coi như là thứ "tiểu tư sản". Mặt còn cấu ra sữa, yếu đuối, tay chưn vụng về, không như những người nông dân. Cái gì bạn bè đồng ngũ cũng phải làm cho anh. Để đền bù lại, anh kể chuyện đời sống đô thị, kể chuyện phim cao bồi, thuật chuyện "Les misérables" của Victor Hugo cho họ nghe.

Đoạn đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên bị bỏ hoang từ lâu, nên phải dọn dẹp gấp, bằng dụng cụ thô sơ, cho nhu cầu hành quân. Trong vòng một tháng, với sự trợ lực của tiểu đoàn dân công và thanh niên xung phong, đơn vị công binh của Ung Răng cũng hoàn thành được sáu mươi cây số đường. Ngụy trang công tác tùng tu con đường cũng gay go không kém. Phải vào rừng sâu hái lá tươi để che phủ những đoạn đường mới làm và vài ba ngày phải thay lá mới.

Việc nuôi quân trong bước đầu vào chiến dịch khá phức tạp. Vùng Sơn La, Lai Châu, Yên Bái thưa dân, nông nghiệp lạc hậu nên nguồn lương thực thực phẩm tại chỗ là cả một vấn đề. Lúa thì có đó, tuy ít ỏi, nhưng biến thành gạo thì không có nhà máy xay xát. Bộ đội và dân công biến thành lực lượng xay xát với cối chày thủ công.

Công tác chuẩn bị để bắt đầu trận đánh gặp nhiều trễ nải vì nhiều lý do. Trọng pháo chưa tới kịp vị trí vì đường đi khó khăn, lương thực thực phẩm hao hớt vì bộ đội và dân công phải ăn trong thời gian chuẩn bị. Vậy mà, giữa Tướng Giáp cùng bộ tham mưu và cố vấn Tàu của ông có mâu thuẫn với nhau về cung cách hành quân. Tướng Giáp chủ trương "Đánh Chắc, Thắng Chắc" trong khi bộ tham mưu và cố vấn Tàu lại chủ trương "Đánh Nhanh, Thắng Nhanh".

Bởi những trục trặc ở cấp chỉ huy, lịnh tấn công của Việt Minh được dự trù vào ngày 25 tháng Giêng bị nghi ngờ là đã bị tiết lộ vì một bộ đội bị bắt đã khai ra. Thật ra kế hoạch mở màn tấn công bị tiết lộ vì Tây đã giải mã được một công điện của Tổng Cục Hầu Cần tiền tuyến gởi cho hậu phương. Năm nghi, mười ngờ, không cấp chỉ huy nào dám bảo đảm sẽ chiến thắng trăm phần trăm, nên mọi người đều gợi lại lời dặn của Hồ Chí Minh: "Trận đánh nầy là tối quan trọng. Nhất định ta phải thắng. Chỉ tấn công khi nào ta chắc được. Bằng không, thì thôi!"

Như vậy là lịnh tấn công quân trú phòng Điện Biên được dời đi, dẫu đã tới gần thời điểm. Cố vấn Trung Quốc cũng phải chịu thôi. Tướng Giáp ra lịnh: "Tôn trọng tinh thần và quyết định của Bác, tôi tuyên bố dời cuộc tấn công đêm nay đến một thời hạn sau. Kéo pháo trở về, rút lui chiến sĩ, ta chuẩn bị tiến công theo khẩu hiệu "Đánh chắc, tiến chắc"

Quân Việt Minh bỏ ý định tấn công ngày 26 tháng Giêng 1954 mà chẳng có giải thích gì hết, chỉ có lịnh "Rút lui". Mệt mỏi, xao xuyến vì hao hụt đồng chí quá nhiều trong thời kỳ chuẩn bị, bộ đội phải rút vô rừng, tinh thần xuống dốc vì chưa đánh đấm gì đã rút. Lịnh thu quân để thay đổi chiến thuật tấn công làm cho bộ đội nghi ngờ là Việt gian đưa tin vịt phá hoại. Sau này, nghĩ lại nhiều người công nhận dời ngày tấn công và thay đổi chiến thuật là đúng.

Đình chỉ tấn công xong, cộng sản làm một hành động nghi binh, phái Sư Đoàn 308 di chuyển qua Luang Prabang ngay. Để dánh lạc hướng quân Pháp và để cho quân cộng sản rút khỏi lòng chảo Điện Biên dễ dàng. Sư Trưởng Vương Thừa Vũ nhận lịnh trực tiếp của Tướng Giáp lúc 14g30 và 16g00 phải lên đường ngay. Trong khi đó một đài phát tin, cứ ba lần trong ngày loan tin mật mã cho biết SĐ 308 đã đến đâu đó, giả như SĐ đã rút về vùng châu thổ.

Tháng Hai 1954, chiến thuật "Đánh chắc, tiến chắc" đã được phổ biến cho toàn quân. Từ hậu phương đến tiền tuyến ai cũng chờ đợi giờ G, giờ tấn công. Trong khi chờ đợi không phải nằm yên bất động mà cũng có nhiều hoạt động quân sự như đụng độ lẻ tẻ của những bộ phận thám sát, như củng cố vị trí pháo binh, như sửa đường,...

Cái gì phải đến đã đến, đợt tấn công thật sự đầu tiên vào cứ điểm Điện Biên bắt đầu lúc 17g ngày 13 tháng Ba 1954. Mấy ngày trước đó quân Việt Minh đã chuẩn bị. Phạm Văn Nhâm, tổ đặt chất nổ SĐ 312, cho biết là từng tổ "tam chế" được lịnh lấy tre làm những lồng cao 1m, dài 2m chứa thân chuối rừng để làm khiên chống đạn. Đêm đến, họ xếp hàng một, lấy tay, không được xài cuốc xuổng, đào giao thông hào đừng để cho địch phát hiện. Vậy mà địch cũng bắn nhiều loạt súng làm thiệt hại khá nhiều. Công tác tiến triển chậm chạp, suốt đêm mà chỉ đào được 20cm, 30cm chiều sâu.

Sự xuất hiện lần đầu tiên của pháo 105mm và pháo cao xạ làm cho quân Pháp phải ngạc nhiên. Tuy vậy trong ngày đầu giao chiến, pháo cao xạ không hạ được chiếc nào. Nhâm cho biết: "Suốt hai giờ đánh nhau không chọc thủng được tuyến của địch mà chất nổ gần cạn kiệt. Tình hình rất căng vì thiệt hại nặng, đạn pháo rơi tới tấp. Bỗng sau lưng chúng tôi có tiếng la to khẩu hiệu để động viên tinh thần 'Đảng viên, trung kiên của Đảng hãy tiến lên!'" Bấy giờ, con đường duy nhứt đúng là lao lên phía trước, không còn cách nào khác vì nằm lại cũng chết.

Ngày 15 tháng Ba, sau khi giải quyết xong chiến điểm yểm trợ Gabrielle ở phía Bắc, quân cộng sản định dòm ngó đến các chiến điểm yểm trợ trung tâm (Mường Thanh) và phía Nam (Isabelle). Suốt đợt tấn công, phần lớn quân Việt Minh chiến đấu dưới giao thông hào.

Đặng Hùng Mạnh tâm sự rằng, quân cộng sản sinh sống thường trực dưới giao thông hào. Hệ thống này rất nhiều đến đổi phải có bảng chỉ đường nếu không thì chẳng biết lối nào mà đi. Mưa xuống là hầm hố đầy bùn nhão nhoẹt đặc quánh như cháo nếp. Bọc cơm sấy dính đầy bùn, phải lấy lưỡi lê vạc bỏ mà ăn. Đói lòng, bộ đội phải lượm thóc dân bỏ ngoài ruộng mà giã thành gạo để nấu ăn. Muốn có chất thịt thì bắt trâu, heo của dân chạy lạt mà giết.

Trâu khôn lắm, gặp nguy là túm tụm lại thành đàn, những con lớn bao vây vòng ngoài, day mặt ra ngoài, che chở những con nhỏ. Thấy nguy, một con bỏ chạy là cả bầy phóng theo. Như vậy, chúng làm ồn lên báo động Tây nả súng tới tấp.

Trần Quốc Chân, Trung Đội Trưởng một Tiểu Đoàn Cao Xạ kể rằng đơn vị anh đóng dưới chưn đồi Gabrielle. Sáng sớm ngày 15 tháng Ba, máy bay Tây bắn phá và ném bom ồ ạt xuống mấy ổ pháo cao xạ. Đại Đội Trưởng, Đại Đội Phó, một số cán bộ và binh sĩ tử thương. Cụm pháo chỉ còn lại hai cây súng, trong đó một cây bị kẹt nòng, Trung Đội Trưởng được trên chỉ định nhiệm chức chỉ huy ổ pháo. Sau hai ngày 17 và 18, bắn hạ được sáu máy bay địch, trong đó có một B26.

Ngày 28 tháng Ba, Pháp mở cuộc phản công về phía Tây, nhằm tiêu diệt những ổ pháo cao xạ. Lối 400 bộ đội hy sinh và Quân Đội Nhơn Dân mất nhiều súng đại liên và trọng pháo. Bộ đội Bùi Minh Đức thuộc Đại Đội 229, Tiểu Đoàn 322, Trung Đoàn 88, Sư Đoàn 308 kể rằng:

"Sáng ngày 28 tháng Ba, từ phía sau, tôi mang khẩu phần gạo đến đơn vị. Khi đến ngã rẽ giao thông hào dẫn tới vị trí Đại Đội, tôi nghe một tiếng súng nổ chát chúa. Đem giấu phần ăn, súng cầm tay tôi lao tới vị trí đơn vị."

"Trong tổ "tam chế" của tôi, Lẫm là trưởng tổ, người thứ ba tên Thanh, lính mới, trẻ nhứt, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Khi thấy quân dù cách xa chúng tôi chừng ba mươi thước, Lẫm ra lịnh nổ súng. Vài tên lính dù ngã xuống, những tên khác mọp xuống và bắn tiếp tục. Bỗng nhiên, không nghe tiếng súng phía Lẫm nữa, tôi chạy tới thì Lẫm đã ngã xuống, người đầy máu."

"Uất hận, tôi lấy khẩu tiểu liên của Lẫm, nhả đạn ra phía trước, về hướng mấy nón sắt. Rồi Thanh cũng bị một viên đạn vào ngực chết tốt. Đơn vị tôi mười hai người có nhiều người chết và bị thương. Tuy vậy, chúng tôi cứ tiếp tục chiến đấu. Những người bị thương nạp đạn, mở chốt lựu đạn cho những người lành mạnh. Xung quanh tôi súng nổ, khói đen và bụi bay tùm lum. Hai tay hai súng, tôi bắn trả hai hướng khác nhau, chạy tới chạy lui trong giao thông hào."

"Đợt tấn công đầu tiên rồi cũng lắng dịu. Trong đoạn giao thông hào của Trung Đội 2 chỉ còn lại hai người có khả năng chiến đấu là y tá Phương và tôi. Phương bảo tôi ở lại để Phương cỏng một thương binh ra phía sau. Phương trở lại thì địch lại bắt đầu tấn công. Phương và tôi chạy tới chạy lui để cố đẩy lùi cuộc tấn công."

"Rồi đợt thứ ba lại tiếp nối. Quân dù nả súng làm Phương bị thương. Một lát sau, tôi nghe tiếng súng nổ rồi tất cả tối sầm, máu chảy xuống gò má tôi. Hai mắt tôi trúng đạn. Tôi bảo Phương: "Tớ còn hai tay, cậu còn đôi mắt. Cậu hướng dẫn, tớ nổ súng." Đúng lúc đó, Tiểu Đoàn kéo tới tiếp viện."

Năm giờ chiều ngày 28 tháng Ba, Lê Văn Huỳnh một Tiểu Đội Phó của SĐ 308 được lịnh chánh ủy đem ba mươi người đến làng Pe Luông để phụ chôn xác chết. Chúng tôi đến nơi trời bắt đầu tối. Một cảnh tượng hết súc não lòng. Cả Đại Đội tiêu điều, công sự tang hoang, xác chết mất tay, cụt chưn, mặt mày biến mất vì bị chiến xa địch nghiền nát.

Trời tối đen, chúng tôi chôn cất đồng đội đồng chí trong bóng tối, nuốt nước mắt hận thù, quyết tâm phải chiến thắng để rửa hận. Mỗi xác được quấn trong vải dù của Tây, thâu lượm trên chiến trường, tất cả cho vào hố chôn tập thể. Đến một giờ sáng mới xong. Mỗi người trong chúng tôi giữ một phút yên lặng để tưởng niệm những bạn bè đã tức tưởi ra đi.

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Quân cộng sản nhứt định phải chiếm cho được các cao điểm phía Đông và những điểm yểm trợ phía Tây sân bay Mường Thanh. Đó là những vị trí then chốt của cứ điểm Điện Biên. Vì vậy nên những trận đánh qua lại tới lui cứ cù cưa kéo dài từ 30 tháng Ba đến 4 tháng Tư, làm cho thương vong hai bên đều nặng nề. Bên Việt Minh, bên Tây, bên nào cũng cho đồi Eliane là quan trọng, là "mắt thần", phải chế ngự nó mới làm chủ được chiến trận.

Nguyễn Dũng Chí, TĐ 251 của SĐ316 tiết lộ một kinh nghiệm sống chiến trường là bỗng nhiên tất cả đều hoàn toàn yên lặng, một sự im lặng dễ sợ, sau bao nhiêu tiếng ồn, súng nổ, đạn bay, tiếng phi cơ nhào lộn, tiếng người la hét,... Đêm tối đen, quân tôi thiệt hại bộn bàng, tôi bàng hoàng lo sợ, tay chưn bủn rủn. Tôi có cảm tưởng như đồng bạn đồng chí đã tiêu tan hết, chỉ còn lại có mỗi mình tôi. Tôi không biết địch quân có đang rình mò tôi không. Tôi kêu lên đại "có ai không?" May quá có tiếng người quen trả lời. Giây phút đó một tiếng nói của con người quý hóa vô cùng!

Trận đánh đồi Eliane thật gay go. Trong đêm 30, quân Việt Minh không tài nào dứt điểm được với mục tiêu. Quân Pháp đánh trả quyết liệt. Bình minh, TĐ 249 SĐ 316 chỉ còn lại chừng mươi người. Tiểu đoàn khác cũng cho biết là chẳng còn mạng nào hết. "Chiến hữu chúng ta chiến đấu dũng cảm và hy sinh oai hùng!"

Chúng tôi vào trận trên đồi Eliane mà không biết địa thế gì hết. Súng đạn bọn Tây quét như điên. Nhiều cánh quân tấn công chẳng giao thông hào gì hết, phải tiến lên trên bãi trống trơn nên thiệt hại quá nặng nề. Tiếp tế không đến kịp, quân còn sống phải tước lấy gạo xấy của người chết mà ăn. Hột gạo đẫm máu cứng đờ cũng phải nuốt, chớ làm sao bây giờ. Sáng ngày 2 tháng Tư, trên cho lịnh rút, TĐ 174 vào thay thế. Trước khi vào trận TĐ gồm có ba Đại Đội lối ba trăm quân. Kiểm điểm lại chỉ còn mười bảy người nguyên vẹn.

Đơn vị rút về phía sau để bổ xung. Chúng tôi phải thâu nhận những cậu bé mười sáu tuổi đầu làm tân binh, chưa biết gì về cây súng. Đơn vị tổ chức khẩn trương dạy cho họ tháo ráp súng, nhắm bắn. Đào tạo, huấn luyện họ mà trong đầu nghĩ rằng các cậu này rồi sẽ chết trận ngay ngày xuất quân đầu tiên. Những người đó dấn thân vào cuộc chiến mà không ai có thì giờ đâu ghi nhận lý lịch và ghi nhận chiến tích của họ.

Thương bịnh binh nằm la liệt chờ dân công di tản, còn xác chết thì, ôi thôi nói sao cho xiết. Thây người cứ nằm chờ, làm bia cho súng đạn pháo cứ đua nhau dập. Đánh nhau đã thô bạo và tàn nhẫn, thân người thương và bịnh binh bị súng đạn dày vò trông còn dã man và độc ác hơn nhiều. Có những xác phải nằm chờ mấy ngày liền, thịt xương còn lại gì. Có ngất ngư rồi cũng chết thôi. Còn ai lo nhận diện, còn ai ghi họ, tên, quê quán, thân nhơn để báo tin. Những chiến sĩ hy sinh không cần để lại tên tuổi.

Ngày 30 tháng Ba, Sư Đoàn 312 chiếm được đồi Dominique, biến nó thành cứ điểm phòng ngự của mình. Nguyễn Hữu Chấp, trưởng một toán súng cối của Sư Đoàn 312 kể rằng họ ở trên đồi Dominique được một tháng bốn ngày, tinh thần hết sức căng thẳng. Chỉ cần một quả đạn súng cối bắn đi là hàng chục quả pháo của Tây bắn trả, có cả pháo 105mm. Máy bay vần vũ trên đầu và đua nhau ném bom.

Căng thẳng thần kinh, mệt nhọc, thiếu ngủ đủ hết. Chúng tôi luân phiên nhau nhắm mắt và ngủ như chết đến đổi súng đạn nổ ì ầm cũng cứ ngủ. Các "anh nuôi" từ phía sau tiếp tế cho chúng tôi, cơm vắt ăn với cá khô, nước mắm đặt hay muối rang mè và nước uống bằng ống tre. Có hôm tổ "anh nuôi" bị pháo chết, vậy là chúng tôi phải nhịn đói.

Từ đầu tháng Tư, mùa mưa đã bắt đầu, hai SĐ 308 và 316 phải hội tụ về hướng Tây của lòng chảo và hướng sân bay Mường Thanh. Đất đai nhão nhoét, họ phải đào công sự và giao thông hào nhằm cắt ngang đường băng sân bay và để chiếm đóng cứ điểm yểm trợ Huguette. Đây là cứ điểm then chốt của địch vì nó bảo vệ đường băng và bãi nhảy dù. Chuyện đào hầm hố rất khó khăn vì trong tầm quan sát của địch nên phải nằm mà đào. Một ngày và một đêm đào được chừng 50m. Cuối cùng hai SĐ cũng gặp được nhau và cắt được đường băng Mường Thanh.

Bây giờ đến phiên điểm tựa Isabelle, ở phía Nam của cụm cứ điểm, có một sân bay nữa, sân bay Hồng Cúm. Đây là mặt trận thứ hai, quan trọng không thua gì Huguette. Mục đích là phải làm sao cô lập Isabelle với tập đoàn cứ điểm phía Bắc.

Đến tháng Tư, quân Bắc Việt mở đợt tấn công thứ ba, với những chỉ thị hành quân mới và có thêm võ khí mới. Phải tiếp tục quậy phá địch không ngừng, phải làm cho chúng mất tinh thần và phải cho chúng thường xuyên bị căng thẳng, chẳng lúc nào được yên thân. Quân cộng sản đưa vào hai chiến cụ mới, một là dàn phóng hỏa tiễn Katyusha tục gọi là "dàn pháo Staline" (orgue de Staline) và đường hầm chứa chất nổ.

Vũ Đình Sáo, cán bộ Đại Đội Thám Báo 98 thuộc SĐ 316, cho biết rằng trên yêu cầu làm sao lấy tin tức về đồi Eliane. Điểm tựa này được chín vòng kẽm gai bao quanh. Việt Minh chủ trương bắt cóc một lính canh Pháp để tìm hiểu hệ thống phòng ngự. Vào lúc sáng sớm, lính canh mỏi mệt thường hay chểnh mảng nên thời điểm đó rất thuận tiện. Phải mất ba đêm mới tìm được lối vào qua chín vòng rào kẽm gai. Ba người bộ đội bò vào, một cặp cổ, một bịt miệng và một cướp súng. Điều tra ngay tại chỗ, chúng tôi vẽ lại được sơ đồ cứ điểm yểm trợ, nhưng không biết sao đơn vị không tấn công.

Đỗ Ca Sơn, cán bộ quân báo thuộc SĐ 316, tâm sự rằng nghe người ta nói "Giẫm lên xác quân thù mà đi" có vẻ cải lương quá, nhưng sự thật ở cứ điểm Điện Biên là như vậy, dẫu biết rằng làm như vậy là vô nhơn đạo. Thậm chí còn phải đi lên xác quân bạn nữa. Mưa, nắng, chiến trận rất nhẫn tâm với xác chết. Chúng tôi ngại ngùng bước đi trong giao thông hào vì bùn nhão nhoét bám chặt vào chưn và trong bùn đó có cả máu thịt quân bạn lẫn quân thù. Tôi có trình độ, tôi biết chút ít tiếng Pháp. Đôi khi tôi nghe quân lính đối phương la to trước khi buôn súng ngã ra chết. Họ kêu "Mẹ ơi!" Còn sống họ muốn giết đối phương cũng như mình muốn giết họ. Nhưng chết đi thì thực dân hay lính đánh thuê đều như chúng tôi, cũng còn trẻ chưa vợ, kêu mẹ trước khi nhắm mắt.

Trước đợt tấn công thứ ba, Quân Đội Nhơn Dân được tăng cường một tiểu đoàn phóng hỏa tiển sáu ống, tên gọi H6. Vì võ khí mới nên phải có huấn luyện trong bảy ngày ở hậu tuyến Tuần Giáo. Tiểu đoàn gồm có mười hai giàn phóng. Cố vấn Tàu phụ trách việc huấn luyện.

Từ ngày 01 đến 06 tháng Năm, đợt tấn công thứ ba của quân Việt Minh đã biến thành đợt tấn công dứt điểm. Tất cả nỗ lực hành quân đều tập trung vào cứ điểm Eliane và những điểm yểm trợ phía Bắc và phía Tây sông Nam Youn. Thời điểm nổi bật là tiếng nổ của một tấn thuốc nổ mà quân cộng sản đã cày dưới Eliane qua những đường hầm.

Trước khi một tấn thuốc súng nổ tung, phần lớn bộ đội ai cũng có cảm tưởng là mình sẽ hy sinh, nên đòi mặc quân phục mới và ăn hai phần ăn để có chết khỏi tiếc rẻ. Trần Quý, trưởng một đội chất nổ của SĐ 316 tâm sự:" Đêm 6 tháng Năm, khi hầm chất nổ sắp hoạt động, tôi chỉ cách nơi đó không đầy 50 thước. Tôi không còn đầu óc đâu để nghĩ đến cái chết. Tôi nghĩ đến gia đình. Bố tôi là quan lại đã hy sinh cho Cách Mạng. Lâu rồi tôi chẳng có tin tức gì của mẹ tôi. Tôi thầm nghĩ, tôi mà chết đi trong trận này, gia đình tôi chẳng còn ai nối dõi. Tôi là con một. Cuộc tấn công bắt đầu, tất cả suy nghĩ đó bay đi đâu mất."

Ngày 7 tháng Năm 1954, là ngày cuối cùng của Điện Biên Phủ. Tạ Quốc Luật chỉ huy một toán tiến đến Bộ Chỉ Huy Hành Quân (PC) của địch để bắt sống Tướng De Castries. Luật, Bùi Văn Nhỏ và Hoàng Đăng Vinh, ba người tiến vào PC, chừng hai mươi sĩ quan Pháp đứng lên. Đồng chí Luật hô to: "Rendez-vous!" Chỉ một mình Tướng De Castries cứ ngồi yên. Vinh đi thẳng đến De Castries, trừng mắt. Ông Tướng đứng lên, đưa tay mặt ra bắt. Giựt mình, Vinh chĩa súng vào ngực ông ta và hô to: "Haut les mains!", câu tiếng Tây duy nhứt của Vinh. De Castries đưa tay lên và nói một câu được Luật dịch lại "Ne tirez pas, je me rends."

Vũ Lăng, Trung Đoàn Trưởng của SĐ 316 bảo Phạm Minh, Tham Mưu Phó: "Dây điện thoại của Trung Quốc viện trợ nặng quá, của Tây thì mảnh khảnh và nhẹ hơn nhiều. Nói tù binh Tây cho biết sơ đồ hệ thống dây của bọn chúng để mình thu hoạch."

Bộ đội Trần Hữu Đức kể lại có một tù binh Tây bị bịnh không thể đi theo được đoàn, bộ đội cho anh ta nằm lên mình trâu đi theo. Bị một bộ đội làm té xuống rãnh. Lính Tây giận quá trừng mắt và chửi thề. Anh bộ đội có hiểu gì đâu cho đến khi một cán bộ giải thích đó là câu chửi thề nặng, thì anh bộ đội nổi sùng. Hôm sau, anh chận đường một sĩ quan Tây cho tên này một trận đòn, nhưng rủi thay không phải người chửi thề hôm qua!

Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt Tướng De Castries tại bộ chỉ huy cứ điểm Điện Biên tâm sự:

"Tôi gặp lại De Castries lần thứ hai, ngày 20 tháng Năm, nhơn dịp nhà làm phim Xô Viết Karmen quay đoạn phim tài liệu, trong một khu rừng già. Tôi lại đối diện với tên tướng địch. Một cán bộ chỉ tôi và hỏi ông tướng:
- Ông có biết ai không?
- Nếu tôi không lầm thì dường như tôi đã có lần gặp ông ấy.

"Người cán bộ khen ông tướng có trí nhớ tốt. De Castries quay sang tôi nói:
- Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như các ông.
Tôi phản ứng ngay:
- Xấc láo! Làm sao ông có thể chỉ huy tôi? Chính tôi đã bắt ông mà.
Về sau, tôi cảm thấy xấu hổ đã nói thế...

"Mấy hôm sau ngày 7 tháng Năm, nhà làm phim Xô Viết Roman Karmen và nhiều chuyên viên Việt Nam "lưu lại hậu thế" một cuộc dàn cảnh được thể hiện lại trên phim, hàng đoàn tù binh nối đuôi nhau đi. Hai tay đưa cao, vải dù làm cờ trắng, dung nhan tiều tụy, chiến trường tràn ngập chiến sĩ của Quân Đội Nhơn Dân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với cờ xí tung bay... Người ta đã thắng Điện Biên Phủ như thế đó."

Ngày hôm sau 8 tháng Năm 1954, Hội Nghị Genève về Đông Dương được triệu tập ở Thụy Sĩ. Kết quả đương nhiên là Hiệp Định ký kết ngày 21 tháng Bảy, kết thúc chiến tranh Đông Dương đợt một, cắt đôi đất nước ở vỹ tuyến 17, và chứa đựng mầm móng của cuộc chiến Việt Nam tiếp theo sau đó.


Phan Quân
 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.