.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 TÁC GIẢ KHÁC

 

Chuyện nhà họ Phạm
 

2.

Chuyến xe lửa Thống nhất mang François - Xavier và Hương xa dần Sài gòn ngột ngạt nóng bức. Từ Cà Ná đổ ra, nó chạy cặp quốc lộ 1, men theo bờ biển cho khách ngắm phong cảnh hữu tình. Dù đã ở Việt nam khá lâu, đây là lần đầu tiên François xử dụng đường xe lửa thống nhất xuyên Việt. Ông ta xúyt xoa khen phong cảnh đẹp vì những bãi biển Việt nam còn tương đối giữ được vẻ thiên nhiên. Những Đại Lảnh,  Vũng Rô cho đến Sông Cầu, Sa Huỳnh, rồi  Liên Chiểu, Lăng Cô ở hai đầu đèo Hải Vân là những bãi biển thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ mới được khai thác du lịch không lâu. Chỉ cần một thời gian nữa, khi đất nước này thay da đổi thịt thì những bãi biển tuyệt vời này cũng sẽ được bàn tay con người chăm chút tô bồi. Những con mắt du lịch chuyên nghiệp sẽ chuyển biến chúng thành những trung tâm nghỉ mát - du lịch với những resorts, cụm khách sạn - giải trí thu hút không kém những Phú Khét, Phi Phi của miền Nam Thái lan.

Tàu đổ đèo Hải Vân, chui hầm Phước Tường rồi đi men theo phá Tam Giang vào địa phận Huế.

Cả François - Xavier và Hương đều có chung cảm giác trở về một miền quê hương tìm lại từ một ký ức xa xưa. Hai vợ chồng về khách sạn Hương Giang lấy phòng nghỉ ngơi, thăm bà con và những bạn bè quen biết cũ.

Phía ngoại Hương chỉ cậu út còn ở lại. Một ngạc nhiên thích thú dành cho Hương là cậu của nàng quen biết François - Xavier vì cả hai cùng học Pellerin, quen thân nhau những năm cuối thập niên năm mươi !

Hương sắm sửa chút lễ vật viếng mộ cha đã được cải táng về nằm gần Bác của nàng là Phạm Bá Nhân chôn chung với vợ và con trai trong mộ phần gia đình ở làng Triều Tây.

Lần này trở lại quê nhà, Hương đã tìm được quê nội, mong manh qua hình bóng người cô ruột, em gái cha nàng là người duy nhất của dòng họ còn sống ở Huế. Nhưng lịch sử bi thương của dòng họ này qua câu chuyện kể của Bernard đã làm nàng trăn trở, bùi ngùi không ít. Quê hương chỉ còn đọng lại những kỷ niệm đau lòng. Vì thế Hương không còn thấy Huế đẹp trữ tình như một giải lụa óng chuốt vương vất trong tâm khảm nàng ngày xưa.

Giải lụa vàng vọt ấy đã ngã màu trong tâm khảm nàng, biến thành một mảnh khăn tang Miền đất nơi Hương cất tiếng khóc chào đời đã không cưu mang trọn vẹn tuổi thơ của nàng. Vì chính nó cũng chìm đắm theo định mệnh khốc liệt của cha và gia đình bác ruột của nàng trong những cơn lốc xoáy thời cuộc. Những biến cố bên ngoài và những đau đớn cày sâu vào lòng những con người theo hoàn cảnh phải dấn thân vào cuộc, đã làm nghiêng lệch, biến dạng, hủy hoại những định hướng đời họ.

François - Xavier không giấu được những giọt nước mắt tủi hổ khi nghĩ đến bàn tay thủ phạm, bất nhân, vô cảm của một người Pháp thực dân quá khích như Daniel. Anh nghiêng mình trước mộ phần hai người đàn ông Việt nam bây giờ là cha và bác vợ đã ngả xuống giữa tuổi thanh xuân vì nền độc lập của tổ quốc của họ,  nhằm cởi bỏ ách thực dân tròng lên đầu cổ dân tộc Việt nam.

Những giọt nước mắt ấy cũng thương cảm nhỏ xuống cho cái chết oan khiên của một người đàn bà hiền lành, yên phận sau lũy tre làng và đứa con trai 7 tuổi vô tội của bà.

François - Xavier lầm rầm khấn nguyện cho những linh hồn đau khổ được yên nghỉ, trong sự hoà giải với chính mình và với nghịch cảnh của những tình huống phức tạp, khuất khúc đầy rẫy trong cuộc chiến tranh dành độc lập đã qua.

Giờ phút này mọi sự đã đổi thay vì những người nằm đây đang được yêu thương, từ những thân tình cật ruột tìm thấy lại bởi những cơ duyên kỳ lạ như Hương, và tấm lòng yêu người, yêu hoà bình của một người con rễ ngoại quốc là Francois - Xavier .

Mẹ Hương thì được chôn trong khuôn viên chùa, như ước nguyện của bà lúc sinh thời. Dù không một ngày lớn lên trong hơi ấm của mẹ, Hương vẫn có cảm giác như nàng luôn gần gũi khuôn mặt một người đàn bà tội nghiệp mất chồng, xa con, phải tạm mượn chiếc áo nâu sồng làm lẽ sống cho những ngày thừa thải cuối đời. Nàng hiểu tâm tư của mẹ, sẵn sàng tha thứ cho một tâm hồn bị dằn ép bởi nghịch cảnh đầy rẫy, yếu mọn, bất lực và đau khổ…

Phần thì giờ ít ỏi còn lại của hai vợ chồng ở Huế dành cho phần ngoạn cảnh cố đô dưới sự hướng dẫn của một vài người bạn cũ của François Xavier ngày xưa. Thấy chồng vui vì những kỹ niệm thân ái và tình bạn bè tìm lại được nhau qua bao nhiêu cảnh đời đổi dời, Hương cũng gượng nói cười để François - Xavier được vui trọn vẹn.

*

Hai người lấy tiếp chuyến xe lửa Thống nhất ra Thanh Hoá.

Tàu đến thị trấn giữa trưa, hai vợ chồng đi tìm phòng khách sạn nghỉ ngơi. Sau buổi ăn trưa họ ra sở công an xin phép cải táng mộ Nghị chôn ở vùng đồi ven trại Thanh Lam. Thời kỳ này chính quyền Cộng sản đang đổi mới kinh tế, cần sự giúp đỡ của các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp, nên phần giấy tờ chạy rất nhanh. Chỉ hơn tiếng đồng hồ là giấy phép xong xuôi. Người sĩ quan công an trưởng bộ phận quản lý trại giam còn vui vẻ sốt sắng chỉ đường cho vợ chồng nàng và cho địa chỉ một nhân sĩ ở địa phương Thanh Lam có thể giúp đỡ về mọi mặt cho thủ tục và việc cải táng một cựu phạm nhân. Vợ chồng Hương bao thuê một chiếc xe du lịch nhỏ để sáng sớm hôm sau khởi hành đi Thanh Lam.

Đến xã lỵ khoảng hơn 11 giờ trưa. Đoạn đường từ huyện lỵ Yên Cát, qua Xuân Qùi đi Thanh Lam rất xấu. Vùng này đất đai khô cằn sỏi đá không phát triển được, dân chúng nghèo xơ xác. Đường lại phải băng qua nhiều đồi dốc, với nhiều đoạn hư hỏng loang lổ từ thời chiến tranh chưa được sửa chữa lại nên cuộc hành trình chỉ mấy chục cây số xe phải ì ạch bò leo gần suốt buổi sáng mới đến nơi. Vợ chồng Hương mời người tài xế dùng cơm trưa trong một quán nhỏ ở xã lỵ.

Thanh Hoá dù là đất qúi hương, nơi phát xuất hai triều đại Lê, Nguyễn ; nhưng vì địa lý không thuận lợi, mưa gió không thuận hoà, cho đến bây giờ sau bao nhiêu năm dài hoà bình lập lại vẫn còn là một trong những vùng nghèo khó nhất nước Việt nam. Người dân lại thật thà, chất phát, yên phận nên vẫn giữ nét xưa, khá bảo thủ, bám mồ mả, bám quê cha  đất tổ không chịu di dân tìm đất sống khác thoải mái trù phú hơn.

Dù đồng bằng Thanh Hoá lớn hàng thứ nhì ở miền Bắc, chỉ đứng sau đồng bằng sông Hồng nhưng nền kinh tế nông nghiệp ở đây cũng không mấy phát triển sau khi đất nước thống nhất. Dân số đông, nhưng những dân tộc ít người như Mường, Thái, Thổ, Khơ Mú…chiếm đa số ở các huyện miền núi khô cằn làm cho Thanh Hoá vẫn nghèo, dân chúng « chém to kho mặn » sống qua ngày.

Người tài xế rất sốt sắng, bảo vợ chồng Hương ngồi nghỉ mệt trong quán để anh ta đi tìm « Ông Thượng tá »  theo lời giới thiệu của người sĩ quan phụ trách các trại giam ở Sở công an Thanh Hoá.

Chỉ nửa giờ sau người tài xế trở về với một người đàn ông tuy đã về già, nhưng dáng đi còn chửng chạc, trên một thân thể tầm thước khá tráng kiện :

- Giới thiệu với anh chị đây là ông cựu thượng tá Hoàn, vị nhân sĩ có uy tín nhất của vùng Thanh Lam. Ngày xưa ông đã phụ trách trại cải tạo này. Sau khi giải ngũ ông trụ lại đây, lập nương rẫy kiếm thêm thu nhập và vui tuổi gìa.

Ông Thượng tá  nở một nụ cười chơn chất, tiến lại bắt tay François - Xavier nói « bonjour » rồi quay sang cúi đầu chào Hương. Trong cung cách ông, dù có hơi thô cứng nhưng vẫn toát ra được cái vẻ chững chạc, kẻ cả của một người chỉ huy cũ :

- Anh chị có cần bất cứ việc gì ở địa phương này tôi cũng có thể giúp đỡ được. Tôi sống và làm việc ở đây đã lâu nên có nhiều liên hệ với chính quyền địa phương. Ban chỉ huy trại cải tạo Thanh Lam đa số là những đồng chí cũ đã làm việc lâu năm với tôi.

- Thật tốt ! François-Xavier mở lời giúp vợ, xong vào thẳng vấn đề :

- Thưa ông, vợ tôi đây là bà Phạm Bá Hương nhân chuyến về thăm quê hương có ý định cải táng cho người chồng cũ là cải tạo viên trại Thanh Lam đã chết vì bạo bệnh. Ông có thể giúp gì được cho chúng tôi để người qúa cố có được một chỗ yên nghỉ tử tế và thoải mái ?

- Dạ được thưa ông ! Tuy là một sĩ quan chỉ huy cũ, về nghỉ hưu chúng tôi cũng phải bắt buộc tìm thêm việc làm kiếm chút ít thu nhập nuôi gia đình và giúp đỡ con cháu. Một hai đồng chí cũ đã giải ngũ cùng chúng tôi gộp thành tổ hợp phá rừng khai nương rẫy, chung sống với nhau như anh em trong một nhà. Chúng tôi cũng nhận thêm các công việc đột xuất khác, kể cả việc bốc mộ, cải táng…Nhiều bà con trong Nam ra, lạ nước lạ cái cũng đã phải nhờ chúng tôi lo liệu thủ tục, bốc mộ để cải táng lại cho thân nhân của họ.

Hương lặng lẽ quan sát người đối diện. Ông Thượng tá  ở vào khoảng tuổi thất tuần, nhưng từ vẻ mặt, thân thể, đến cách đi đứng nói năng không có gì chứng tỏ một người gìa lão, liệt nhược. Ngoại trừ những nếp nhăn ở đuôi hai con mắt, cái nhìn của ông còn sắc sảo, tinh anh. Hai chiếc răng cửa đã rụng mất, nhưng sự mất mát tương đối ít ỏi này của tuổi già không làm cho cái cười của ông mỏi mệt. Hương nghĩ có thể cái không khí trong lành miền núi, cọng thêm việc cần cù lao động và khả năng tranh đấu vì cái sống của gia đình con cháu đã giúp ông chống chỏi hữu hiệu với những dấu hiệu suy kiệt, mệt mỏi của tuổi già nhàn rỗi.

Nàng mỉm cười nhìn người đối diện :

- Cám ơn Bác đã nhận lời giúp vợ chồng cháu. Có điều thắc mắc là chúng tôi không có nhiều thì giờ. Chẳng hay bác có thể giúp liên lạc với trại sớm để có thể bốc mộ và cải táng ngay ngày hôm nay được không ạ ? Vợ chồng cháu phải trở về Thanh Hoá vào khoảng xế chiều.

- Dạ được chị ! Tôi có thể liên lạc với trại tức thì, để sau khi cơm nước xong trong ấy sẽ biệt phái một hai tù hình sự giúp chúng ta việc bốc mộ. Phần cải táng thì anh chị định sao, sẽ chôn cất lại trong vùng này hay đem về quê ?

- Chúng tôi định nhờ Bác giúp kiếm một cuộc đất tốt ở đây cho người chồng cũ của tôi được yên nghỉ tạm thời, chờ một dịp thuận lợi hơn có thể đem về táng ở quê quán.

Nhưng chợt nghĩ Nghị đâu còn ai thân thuộc nữa ở Sài gòn để chăm sóc mộ phần. Tốt hơn nên để anh yên ngỉ nơi đây.

Nàng dấu nét bùi ngùi xúc động, nói tiếp :

- Tôi nghĩ hoà bình đã lập lại trên đất nước thì ở đâu cũng là quê hương. Anh Nghị nhà tôi chắc hẳn hài lòng với « chỗ ở mới » của mình, không có gì phiền hà đâu ! Tính anh ấy vẫn giản dị lúc sinh thời.

Hương mở ví định lấy một ít tiền đưa trước cho ông gìa cựu thượng tá làm lộ phí thủ tục. Nhưng ông ấy gạt đi :

- Mình chỉ cần lòng tín nhiệm và kính trọng nhau là đủ. Chiều nay khi xong việc ta sẽ nói chuyện sau.

Ông nhận tờ giấy phép, vội vàng ra khỏi quán nói với lại :

- Khoảng một giờ nữa tôi sẽ trở lại dẫn anh chị ra chỗ bốc mộ.

*

Mới hơn 8 năm mà hài cốt Nghị đã rửa hết. Ván hòm bằng gỗ tạp ghép vội vã không đủ sức chống chỏi với lòng đất tương đối ẩm dưới chân một ngọn đồi trồng bạch đàn, khoảng 300 mét cách xa hàng rào trại.

Hai người tù hình sự còn trẻ măng thoăn thuắt cuốc, bới nắm đất đã sụp xuống gần bằng phẳng vì mưa gió xói mòn và ván thiên đã sụm xuống dưới lòng đất.

Chỉ chốc lát những cục đất đen sì của nhục thân người quá cố hiện ra. Họ thận trọng dùng tay không cào đất, rồi dùng chiếc bay nhỏ gạt ra bên ngoài. Chiếc đầu lâu hiện ra trước tiên, tiếp đó là những xương cánh tay, xương sườn, cẳng chân được ủ dưới những mảnh áo quần rằn ri phần lớn đã rã mục lỗ chỗ với thời gian.

Hương không dấu được những giọt nước mắt thương cảm số phần cô quạnh của người chồng cũ vắn số. François - Xavier ôm lấy hai bờ vai rung động thổn thức của nàng, như cố che chở cho nổi khổ đau của người vợ bé nhỏ tội nghiệp. Anh dịu dàng nói đôi lời an ủi rồi dìu Hương ra xa, để ngồi nghỉ ngơi dưới bóng mát một cây bạch đàn mọc lẻ loi gần đó. Hương cúi đầu ôm chặt mảnh ván nhỏ nguệch ngoạc ghi vài hàng tên họ, nguyên quán, ngày mất làm mộ bia ; như chính mình trong một phút trở về, đang ôm lại kỹ niệm những ngày xưa qua và chia sẻ với người chồng cũ những thương yêu đôi lứa đã bị cuộc đổi đời tước đoạt một cách tàn nhẫn, thô bạo.

Hương không khóc, nhưng cảm nhận hết những thiết thân của phần đời đã sống, để bây giờ chia ly. Nàng ra đi làm lại một cuộc đời khác, bỏ lại Nghị với nổi cô độc của anh giữa cảnh núi đồi hoang dã, xa lạ này.

Chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau là mọi xương cốt đã được đem lên mặt đất, rửa bằng rượu cồn và xếp lại ngay ngắn trên một tấm nylon để người cựu đại úy đàn em ông thượng tá xem xét lại. Xong xuôi ông mời François - Xavier và Hương đến kiểm nhận, cho vào chiếc quách nhỏ. Ông cựu đại úy buộc nó lên yên sau của chiếc xe đạp Phụng Hoàng củ kỹ.

Hai người tù hình sự được tặng những lể vật cúng kiến như xôi, chuối, con gà luộc, rượu và một ít tiền.

Họ mừng cám ơn rối rít vì những thức ăn này qúa sang, qúa béo bổ so với khẩu phần dưa muối mặn chát hàng ngày của họ. Về khoản tiền biếu họ không dám nhận vì nội qui nghiêm cấm. Hương mở xách lấy một phần thuốc lá mang theo cho François - Xavier hút đem chia cho họ.

Ông cựu thượng tá đã sắm sửa sẵn một ít lễ vật, nhang đèn dành cho việc cải táng. Hai người dẫn vợ chồng Hương ra một ngọn đồi nằm chếch bên rẫy khoai mì đang lên xanh tốt. Nơi đây đã có sẵn bốn ngôi mộ đã cải táng, nằm thoai thoải cao trên chân đồi. Ông cựu thượng tá cho biết vùng này thường mưa bão bất chợt. Nước lũ từ nguồn rừng thường đổ xuống ào ạt trên đường thông thủy, do đó phải táng trên sườn đồi.

Cảnh trí nơi đây thoáng đạt. Những dãy đồi liền lạc, chạy liên hoàn mút mắt về phía tây. Hương nghe những tiếng hát lao xao trong gió. Hình như là những làn điệu dân ca của người sắc tộc thiểu số.

Ông thượng tá chỉ tay về phía dãy đồi xa xa :

- Nương rẫy của chúng tôi tiếp giáp với lâm trường bạch đàn của xã sở tại. Tiếng hát là của những nữ hợp tác xã viên người Thái Trắng, thuộc toán trồng rừng bạch đàn.

Dù nơi nơi kinh tế đã đổi mới, ở xó rừng Thanh hoá này, « Hợp tác xã bạch đàn » vẫn còn duy trì, duy chỉ có một vài thay đổi không đáng kể trong cung cách quản lý mà thôi. Ngày xưa, người ta tính công điểm cho các hợp tác xã viên dùng đổi lấy lương thực thực phẩm trong các cửa hàng quốc doanh. Nay với đổi mới « kinh tế thi trường xã hội chủ nghĩa » hợp tác xã viên được trả lương những ngày làm việc. Người sắc tộc không có công ăn việc làm nhất định vẫn bằng lòng với khoảng lương chết đói để đắp đổi thêm cho thu nhập èo uột của gia đình, lây lất sống qua ngày.

Rồi ông thượng tá gìa trở về với thực tại, nhìn vợ chồng Hương :

- Nghĩa địa này thuộc phần đất chúng tôi khai phá được. Thiếu tá Nghị, chồng cũ của chị sẽ nằm tạm ở đây, bên cạnh những đồng đội cũ.

Việc chôn cất xúc tiến ngay sau phần nghi lễ đơn giản. Hương đốt nhang khấn vái vong linh chồng yên nghỉ. Chợt nhớ đến  đứa con trai yêu dấu của hai người còn nằm ở xa cha, nàng thành tâm xin lỗi Nghị vì những lỡ lầm của mình trong những tình huống khó khăn mà đôi tay yếu mềm của một người đàn bà cô độc không thể nào chống chỏi được.

Nàng nghẹn ngào, khóc sướt mướt trong vòng tay che chở của François - Xavier. Trong lúc hai anh em ông cựu thượng tá đảm trách lấy việc đào huyệt, cải táng. Người cựu trung sĩ trẻ nhất trong nhóm ba anh em hôm nay đi vắng về quê thăm nhà nên ông thượng tá phải thay chỗ vì công việc gấp.

Xem tiếp...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.