.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 TÁC GIẢ KHÁC

"Chị cả Bóng" ra đời
Phó tổng biên tập "Người Hà Nội" đời... ra...

  • PSN - 12.06.2009 | Ngọc Thiên Hoa

Truyện ngắn ''Chị Cả Bống'' của Phạm Lưu Vũ được báo ''Người Hà Nội'' tải đăng ngày 8/6/05 với sự mất chức của phó tổng biên tập?! Ðọc truyện, ta có cảm giác rợn da gà, rởn tóc gáy! Tác giả quả đã ''ăn mật gấu'', mới dám ''vuốt râu hùm'' khi dám đem một bức tranh hiện thực xã hội ghê gớm ấy lên mặt giấy!

 

Bằng giọng văn khi miêu tả gián tiếp (qua các nhân vật), khi trực tiếp miêu tả, tác giả quả thật đã làm người đọc như... nghẹt thở với những hiện thực xã hội từng mảng, từng mảng được dựng lên. Ðầu đề là ''Chị Cả Bống'' nhưng cốt truyện xây dựng nhân vật trí thức là kỹ sư Hoàng. Nhân vật này đã có những bất hạnh trong gia đình (con hư hỏng); lại vấp phải những luật lệ xã hội kỳ quái (luật đóng tiền nuôi tù, xây nhà cho tù ở, luật sửa chữa nhà cửa, luật hối lộ khi gặp cảnh sát giao thông chặn hỏi giấy tờ, luật thẩm phán ăn nhậu, mình phải trả tiền, luật nhận xác, luật chôn cất, kiện tụng... ) cuối cùng dừng lại ở thảm kịch bi thảm, ghê người: Bọn ''blu'' (Medical coat) bệnh viện ''Chúng sinh'' dưới sự ''bật đèn xanh'' của công an và ''chú Sáu bên uỷ ban'', được luật pháp che chắn đã ngang nhiên... mổ bụng xác chết của con chị Cả Bống để lấy ''mật '' bán chát ăn chia. Chị đã điên vì mơ thấy con hiện về kêu cứu nhưng luật lệ khắt nghiệt vô tâm đã đánh đổ mơ ước gặp con lần cuối của chị.

 

Giá trị một tác phẩm được đánh giá từ hai mặt:  Nội dung và nghệ thuật. Phạm Lưu Vũ đã khá thành công trên phương diện này. Tác giả đã xây dựng hình tượng nhân vật (đại diện cho một tầng lớp) gồm 3 tuyến nhân vật.

 

Tuyến một: Kỹ sư Hoàng (trí thức tiểu tư sản thấp cổ bé họng, bất lực là nạn nhân của một xã hội coi trọng tiền bạc, ''văn minh'' mà thật suy đồi!). Lão Tiến ''cụt giò'' (người hùng thời chiến anh em tương tàn) nhìn nhận hiện thực mà mình đánh đổi đôi chân cụt quá chua cay, bi đát! Người chủ quan tài ''Nhân nghĩa đường'' (tầng lớp buôn bán nhỏ) cũng không được tự do bán… hòm cho khách, đã phát biểu một câu độc đáo làm ta nhớ lại thời độc quyền thuốc phiện của Pháp:  ''Có thế họ mới có ăn chớ, độc quyền mà''. Chị Cả Bống (đại diện tầng lớp bần cố nông có gia đình tan nát vì thói hư, tật xấu của xã hội) đã điên loạn vì luật lệ dã man mà bọn ''quản lý thị trường" triệt để chấp hành một cách ngu xuẩn, tàn ác: Tịch thu bơ, lạc mà chị mót bán lấy tiền thăm con bị nạn.

 

Tuyến hai: Ðại diện cho chính quyền thời đại trong tác phẩm: Cảnh sát giao thông, thẩm phán, trưởng khu phố... hống hách, ăn hối lộ trắng trợn, công khai!

 

Tuyến ba: Ðại diện cho bọn người vô lương tâm, vô lại sống phè phởn trên sự đau thương của người khác như: Mụ tú bà, bọn ''blu'' (từ ả hộ lý đến bác sĩ và cấp trên các ''bác''), viên quản lý nhà xác, bọn khâm liệm, chôn xác...

 

Như vậy, toàn bộ gần hai mươi nhân vật đại diện đầy đủ mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội đã được tác giả dầy công dựng lên qua ngòi bút hiện thực nhằm phơi bày một thực trạng xã hội trong tác phẩm: Ðó là xã hội với một lớp trẻ bại hoại, hư hỏng (hai đứa con của kỹ sư Hoàng đại diện) "Ðứa con trai lớn 19 tuổi đang ở trung tâm cai nghiện. Ðứa con gái 17... bỏ học đi vũ trường thâu đêm suốt sáng... ". Con của tầng lớp trí thức đã như vậy nên con chị cả Bống cơ hèn còn tồi tệ hơn: ''Hai thằng lớn theo bố làm nghề xin đểu kiêm trấn lột ở bến đò Ðuôi cáo''. Kết qủa cho cuộc đời hư hỏng, lưu manh trên ''bị đâm lòi ruột chết cả ba bố con từ năm kia''. Hiện thực suy thoái đạo đức con người bắt đầu bằng những người ''đầy tớ của nhân dân'' trong tác phẩm là những tên cảnh sát giao thông hống hách "tuýt còi, chỉ thẳng cái dùi cui vằn vện vào mặt anh, một cảnh sát khác ngồi vắt vẻo trên yên xe máy phân khối lớn màu trắng''. Thật là một sự mâu thuẩn hài hước: Giữa một bên cảnh sát đứng đầy đường mà vẫn nhan nhản động tú bà với ''lãi 40% mỗi ngày'' và ban ngày ban mặt, bọn cướp đã cướp xe gây cái chết tức tưởi cho cháu Phúc con chị Cả Bống!

 

Một xã hội đầy tham nhũng, ăn hối lộ từ trong ra ngoài qua những hình ảnh kỹ sư Hoàng ''móc bóp rút ra một tờ đẹp đẽ vuông vắn có in hình lãnh tụ, bước tới chỗ anh ta...''. Còn có thêm một gã thẩm phán nhắc khéo với một giọng ''hết sức lễ phép'' rằng ''vụ kiện của cơ quan anh có thể bị đình chỉ vì phía anh chưa nộp chi phí cho việc thẩm tra''. Hắn còn muối mặt hơn nhắn rằng ''bữa nhậu chiều qua vì điện thoại cho anh không được mà anh ta và đám chiến hữu bên viện kiểm soát phải ký nợ nhà hàng một khoản kha khá, lúc nào anh ghé qua thanh toán dùm...''. Ta có cảm giác bọn ''Người nách thước kẻ tay đao. Ðầu trâu mặt ngựa ào ào như xôi'' của Nguyễn Du cũng phải ''chào thua'' trước cử chỉ ''lịch thiệp'', ăn giật ''cao cấp'' này trong truyện ngắn "Chị Cả Bống" này của Phạm Lưu Vũ!

 

Ngòi bút của tác giả tưởng chừng như ''lạnh tanh'' khi điểm qua từng nhân vật trên đến ông ''trưởng khu phố'' về việc thi hành mệnh lệnh nhà nước như ''đóng góp xây dựng nhà tù '', ''sửa nhà không xin phép''. ''Can phạm bây giờ nhiều quá... trong nhà gặp lưu manh, ra đường đụng kẻ cướp; rồi còn lũ ăn trộm, lừa đảo cho vay nặng lãi, nhà tù nào cũng chật ních". Lời nhận xét, phê phán này, tác giả thật khôn khéo vì không để cho kỹ sư Hoàng, chị Cả Bống là nạn nhân trực tiếp nói mà lại để chính người của chúng tự phê với nhau. Chính lão Tiến ''cụt giò'' đã trở thành ''phế thải'', chỉ ''la cà hết nhà này đến nhà khác kiếm câu chuyện làm qùa''. Lão càm ràm vụ họ đòi tiền đóng góp xây nhà tù  ''Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá, phải đóng góp tiền xây nhà tù cho bọn bất lương ở, lại còn phải nai lưng nuôi chúng nữa, trong khi bọn lưu manh ngày càng chiếm đa số, người lương thiện ngày càng giảm đi. Biết đâu đến một lúc nào đó, những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình...''. Câu nói này buông ra từ trong miệng một lớp người thuộc diện đãi ngộ của chế độ (thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng) khiến cho người đọc không khỏi giật mình suy nghĩ về ''cái nhà tù dành cho những người lương thiện''?

 

Còn công lý? Công lý nằm ở đâu? Chỉ một cái xác chết mà bệnh viện ''Chúng sinh'' (chúng... "xin đểu" lục phủ ngũ tạng người chết thì đúng hơn!) là nơi ''Phép vua thua lệ làng'', chẳng phép tắc gì cả! Hãy xem những ''lương y như từ mẫu'' này: Chúng còn tệ lậu hơn bọn bán thịt, buôn người! Cái chết oan ức, tức tưởi của cháu Phúc con chị Cả Bống đã không làm cho bọn chúng động lòng, trái lại, chúng còn động tâm tham lam lạnh máu coi đó là món hàng béo bở! Cuộc đối thoại của họ với những cú điện thoại tanh mùi ''đồng'' làm tăng thêm tội ác ''phi tính người'' của một nhóm người ''blu'' này.

 

Bản chất tàn nhẫn tham thố bật ra khi chúng định giá những cái ''mật'' của người chết ''Cái mật hôm trước bán vội quá. Ngay hôm sau có người trả cao hơn cả chục triệu, tiếc đứt ruột''. Chúng là một lũ bất nhân khi mổ bụng người lấy ''mật'' bán. ''Các ông xuống làm ngay đi, thằng này căn cước ghi rõ ràng:19. Ðã kiểm tra, đảm bảo còn nguyên dương... Cái mật này mới tuyệt hảo, để quá hai tiếng có mà hỏng mẹ nó cả chì lẫn chài''. Bọn chúng còn là những kẻ nói láo, ngụy biện khi được gia đình hỏi thăm về nạn nhân ''Trong sổ này không thấy có tên Phúc '', ''Cháu quên không đọc trang cuối, đúng là có ...''. Chúng là một lũ vô trách nhiệm qua ả hộ lý gắt gỏng: ''Biết ai là phúc với họa gì ở đây. Ði mà hỏi trực ban". Chúng là một lũ trâng tráo:  ''anh bác sĩ hé cửa ngó theo, hơi lắc đầu, mỉm cười một nụ cười ý nhị rồi đóng cửa, ung dung quay vào''.

 

Trong "Tai ngược", Phạm Lưu Vũ cũng miêu tả bọn y bác sĩ thiếu chuyên môn trong việc chuẩn đoán hai đứa bé song sinh là Tiện và Kiền: "Các bệnh viện tuyến dưới (huyện, tỉnh...) không xem xét kỹ, vừa thoạt nhìn thấy hai thằng bé đeo vào nhau như thế, đã tưởng chúng thuộc trường hợp song sinh dính liền, bệnh viện mình không đủ khả năng mổ tách, cứ nhất tề giới thiệu ngay lên bệnh viện tuyến trên".

 

Bọn ''blu'' như thế thì làm sao có một khu cấp cứu sạch sẽ? Tác giả mô tả cảnh phòng cấp cứu như bãi rác của bông băng, máu me còn con người ''ngồi vạ vật rất chi là bệ rạc''. Ta không hiểu ở đó họ có trưng bày khẩu hiệu ''Xanh như công viên. Sạch như bệnh viện'' không? Cảnh nào cũng manh những điều nghịch lý ''những điều trông thấy'' đó có đau lòng trong ai? Tại sao, những kẻ ''blu'' lại dám ngang nhiên mổ gan, bán mật như vậy? Bởi đằng sau chúng là cả quyền lực chống lưng. Bọn công an điều tra ''bật đèn xanh'': "mổ đi" có gì ''đừng quên '' họ là được. Rồi cả bọn có chức quyền cũng xúm vào chia chát, tranh phần ''cái mật'' cuả thằng bé 19 tuổi xấu số đáng thương: ''Cái mật này tuyệt đối không được bán nghe chưa! Chú Sáu bên uỷ ban đăng ký rồi''. Pháp luật đã đứng sau lưng họ bởi vậy mà khi kỹ sư Hoàng đòi kiện, gã quản lý nhà xác vênh váo, thách thức: ''Tha hồ cho ông kiện, tất cả những cái chết bất đắc kỳ tử thế này đều phải mổ hết, luật pháp quy định như vậy. Hừ có mà điên mới đi kiện luật pháp". Thì ra, ''kiện luật pháp'' cũng giống như ''cái kiến mày kiện củ khoai''! Từ xưa đến nay, câu nói ấy đã thành "bia miệng".

 

Trong truyện ngắn "Chính danh", nhân vật ông chủ tịch xã Lê Viết Dân là nhóm tham quan, lợi dụng xây cầu treo để cùng các quan lớn "ăn theo". Nhân vật trưởng thôn Đồng Văn Cảnh thuộc nhóm "thấp cổ bé họng" chẳng làm chi được như anh Hoàng. Nhân vật gã quản lý nhà xác trịch thượng, xấc xược giống như nhân vật thằng Hội trong "Chuyện làng Kinh" mà cụ Cả mắng là "thằng mất dạy, thằng hỗn láo". Đủ thấy con người đã không còn tính người thì trí thức hay bần cùng cũng "phi văn hóa" như nhau!

 

Kỹ sư Hoàng từ phản ứng mạnh mẽ (đòi kiện) nhưng khi ''dập đầu'' với những thủ tục phiền phức, bất nhân này vì thương cháu nên anh một lần nữa chịu phép: ''Tôi xin ông, ấy là tôi chót nhỡ mồm... chỉ mong sao mang cháu về nhà...". Vậy mà anh phải qua mấy lần thủ tục ''đầu tiên'' nữa để nhận xác cháu ra. Một phản kháng bị đốt thành tro bụi vì chạm vào bức tường lửa. Vượt qua bức tường này chỉ có những kẻ chuyên nghiệp sử dụng "vi tính" mà thôi! Trong truyện ngắn "Chính danh", nhân vật ông chủ tịch xã Lê Viết Dân là nhóm tham quan, lợi dụng xây cầu treo để cùng các quan lớn "ăn theo". Nhân vật trưởng thôn Đồng Văn Cảnh thuộc nhóm "thấp cổ bé họng" chẳng làm chi được như anh Hoàng.

 

Độc giả thật sự chóng mặt khi phải đọc những dòng cuối trong truyện ngắn này với sự ngã giá ''băng giá chuyên nghiệp'' của bọn chôn cất: ''chôn mặt lối đi là 12 triệu, phía trong 8 triệu... Chôn đứng rẻ hơn một nửa... thành ra đầy những ma đứng, linh hồn đứng, đứng vĩnh hằng". Giá trị hiện thực của sự ''vĩnh hằng'' này là oan hồn kêu cứu của bé Phúc con chị Cả Bống: ''Mẹ ơi,con chết rồi. Họ đang mổ bụng con. Mẹ ơi...''. Tất cả những mơ hồ, bàng hoàng, kinh khiếp ấy đã giết luôn linh hồn người mẹ cuối cùng. Một gia đình với ba kẻ chết vì bị ''đâm lòi ruột'', một chết vì nạn cướp lột dã man và bị mổ bụng lấy mật bán, một chết cả linh hồn dẫu là truyện nhưng ta cảm thấy cõi lòng xót xa cho kiếp con người. Người đọc đã, đang và sẽ thấy rõ hình ảnh Chí Phèo xách dao tới nhà Bá Kiến đòi quyền sống với một chị Dậu đơn độc giãy giụa trong bần hàn song song với những người cùng khổ sống dậy thì một lũ ''đầu trâu mặt ngựa'', những kẻ ''bán linh hồn cho quỷ dữ" cũng đã không bị xiềng gông nhoi lên, cắn xé cho rách nát chút tâm hồn tốt đẹp còn sót lại của con người !

 

Tác phẩm khép lại trong ''hoàng hôn bắt đầu buông... cả không gian như chìm trong biển máu''. Tác phẩm làm người đọc thoi thóp theo câu nói của lão Tiến ''cụt giò'': ''Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá''. Hình ảnh chị Cả Bống điên loạn, lê la, liếm láp ở bến đò ''Ðuôi cáo'' như hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở quẩn quanh bên cạnh cái lò gạch, không lối thoát là một bức tranh phơi bày trần trụi cuộc sống bề ngoài tô son trét phấn mà thôi còn ''sự thật vẫn cứ mãi là sự thật'' với những linh hồn ''đứng vĩnh hằng'' đáng sợ!

 

Hình ảnh một người đàn ông chọn kiếp sống trong tù để mong được ''làm người lương thiện” sao quá bất nhẫn. Nếu đây là một cuộc sống có thật, chúng ta cũng đành đăng ký một xuất trong tù để mong làm người lương thiện! Trước khi làm người lương thiện, chúng ta cũng phải ''nện'' cho cái bọn quản lý thị trường ngu xuẩn kia tơi tả vì chúng đã nhân danh công lý dỏm mà tịch thu mồ hôi nước mắt của chị Cả Bống (những bao bơ lạc, bơ gạo nếp không có... nhãn !!!). Chúng ta có thể cho hết ruột gan để cứu người vô tư và hữu ích nhưng sẽ hiện hồn ma nhát cho những kẻ lương y mất tính người kia mau xuống địa ngục mà sám hối tội lỗi. Những luật pháp kia nếu là sức mạnh của kẻ xấu sao ta không thể dùng đạo luật của ''108 anh hùng Lương Sơn bạc'' mà hành hiệp trượng nghĩa? Bạn sẽ làm gì để những xấu xa trong tác phẩm này cần được giải quyết hỡi những ai đang ôm mộng ''phục quốc''? Thanh gươm Từ Hải vung lên! Thuý Kiều được báo ân, báo oán. Truyện ngắn này cần có những trang tiếp theo để người đọc … 'hạ hỏa'' thay vì cứ phải sống trong cảnh... được "cỡi lên cổ" như ông Tiện trong "Tai ngược" vì thoát khỏi cảnh ông Kiền cỡi cổ này, ông Tiện chẳng thấy gì là vui sướng. Tức là hai người song sinh được phẩu thuật tách đôi thì chẳng còn gì là "tương thân tương trợ"! Nghĩa đen và nghĩa bóng nằm hết trong ngữ cảnh này!

 

Tiếc thay! ''Chị Cả Bống'' ra đời chưa bao lâu thì cái ''gan'' của Phó tổng biên tập ''Người Hà Nội'' bị... kẻ khác mổ bụng! Chuyện các Tổng, phó biên tập báo từ ''Thanh niên '', ''Người lao động'', ''Báo nhân dân''  bị mất chức đến những ký giả bị truy tố, nhà văn, nhà thơ bị đe dọa… đâu còn là chuyện lạ.

 

Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa thể loại ''phóng sự'' và thể loại ''truyện ngắn'' mới có thể đánh giá đúng một tác phẩm. Văn học phản ánh hiện thực nhưng nhiều khi sự ''hư cấu'' của một tác phẩm vượt ra hiện thực cho phép thì cũng có giá trị như ''ước mơ'' cái gọi là ''chân thiện mỹ'' đến cho con người. Tính giáo dục của một tác phẩm là ở chỗ nó dám nêu lên hiện thực cả ở mức phóng đại nhất định có hiện thực chân xác làm nền. Hiện thực xã hội đúng như trong tác phẩm cũng chỉ mới là một phần ngàn. Xã hội ta đang ngỗn ngang bao tệ nạn tham quan, móc ngoặc mà báo đài, nghị quyết, văn bản mỗi khi nối ngôi, vua nào cũng xin thanh trừng tham nhũng, tệ lậu xã hội. Văn học phải phản ánh hiện thực xã hội mới gọi là "văn học". Tác phẩm miêu tả hiện thực xã hội với những vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình thì nhân vật đó mới có tác dụng xây dựng nhân cách con người. Nhìn vào nhân vật đó, ta có thể thấy rõ những điều tốt đẹp mình cần theo và nên tránh xa những gì nên xa lánh. ''Chị Cả Bống'' nói riêng hay những tác phẩm tương tự nói chung chẳng có gì mà cấm đoán. Con người hay tò mò và chuyện ''thừa nước đục thả câu'' vì văn học và luật pháp thường có ''kẽ hở''. Xem ra, nếu bắt phó tổng biên tập vì dám đăng một tác phẩm tố các hiện thực thì các chủ trương chống tham ô, móc ngoặc của chính phủ hẳn là không có thực?

 

Giá trị ''thẩm mỹ, hiện thực'' của một tác phẩm bị xâm phạm đến mức báo động vì nếu cứ đi sâu vào tác phẩm moi gan, xé ruột tác phẩm để xem cái gì ''nó đang chửi xéo mình'', ''nó lôi mình lên giấy''... E rằng những nhà xuất bản sách cho những nhà văn vĩ đại thế giới như Honoré de Balzac với ''Tấn trò đời'' (La Comédie humaine), Victor - Marie Hugo với ''Những người khốn khổ'' (Les Misérales)... bị ''thọp'' cổ hết. Ngay ở Việt Nam, những ngòi bút hiện thực như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... có ngày cũng bị ''quy án'' : ''Nói xấu chế độ''. Tương lai sau này, văn học Việt Nam sẽ không có tác phẩm nào mang giá trị hiện thực dám phơi bày cái xấu để hướng thiện mà ''sống sót''. Đó chính là nỗi đau của nền văn học hiện thực sau chiến tranh của Việt Nam nói riêng và nền Văn học Việt Nam nói chung.

 

Không có thời đại nào, xã hội nào, chế độ nào mà ''tốt vĩnh hằng'' nên văn học không thể chỉ có những tác phẩm toàn ca ngợi. Ðường vinh quang sao lại phải ''xây xác quân thù''? Bài ''Tiến quân ca'' của Văn Cao ấy vi phạm một chữ ''Nhân'' của cha ông mà vẫn chưa ai dám sửa đổi nên cứ là ''Quốc ca'' thì ''Chị Cả Bống'' chỉ là ''râu ria, tép riêu'' mà người ta đã ''hoảng hốt'' tịch thu, cấm đoán. Tâm không vững nên dễ động. Kẻ thiếu bản lĩnh thường “thổi rau nguội” vì “kiền canh nóng”. Người không ác thì sợ gì thiên hạ cho mình ác! Ngẫm nghĩ người xưa nói chí lý lắm thay!./.

 

Tháng 7/ 25/ 2005

Ngọc Thiên Hoa

---------------------------

- "Chị Cả Bống" (Phạm Lưu Vũ, dactrung.net).

- "Chính danh", "Tai ngược", "Chuyện làng Kinh" (Phạm Lưu Vũ, vannghesongcuulong.org).

Theo: http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=24817

 


 

 

Chị cả Bóng

 

"…Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá…
biết đâu đến một lúc nào đó những nhà tù kia mới chính
là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình"

  • Phạm Lưu Vũ

Chiều tà, một người đàn ông phóng như ngựa phi nước đại về phía tây thành phố, nơi ấy có nhà tù với cái tên rất đẹp là 'Hoà khí'. Tới cổng gác, ông ta trình thẻ căn cước cho lính canh. Sau khi xem chứng minh thư, lính canh dẫn ông vào văn phòng nộp hồ sơ. Một người đứng tuổi đeo kính trắng nhận hồ sơ rồi bảo:

- Dẫn tới khu nhà chờ, đợi thẩm tra hồ sơ, ba tuần sau có kết quả.

Lính canh lại dẫn ông ta đi, khu nhà chờ gồm vài dãy nhà cấp 4 sập xệ và rêu mốc, rất đông người ở kín các gian phòng, đàn ông, đàn bà, lớn bé, già trẻ, đủ cả… Điều kiện sinh hoạt rất tồi tệ song không ai ta thán, đơn giản họ chỉ ở lại đây có vài tuần. Từ khi lập ra khu nhà chờ này không lúc nào vơi người. Ngày nào cũng có người đi lại, ngày nào cũng có người đến. Giống như người đàn ông kia, mọi người chờ thẩm tra hồ sơ, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được vào tù. Tiêu chuẩn đơn giản nhưng không phải không kỹ càng, chỉ những người lương thiện không dính tý lưu manh nào mới được vào tù. Tất nhiên lũ bất lương đừng hòng bén mảng tới.

Chẳng ai lấy làm ngạc nhiên, ở xứ xở này, không có chuyện gì là không xảy ra kể cả những chuyện ngược đời, đơn giản mọi người không những thích đùa mà còn đùa rất dai. 5 giờ rưỡi sáng, kỹ sư Hoàng thức dậy, vợ và đứa con trai mười tuổi của anh đang ngủ say. Đứa con gái 17 tuổi của anh đêm qua không về, chị giúp việc cũng đã dậy từ lúc nào, đèn dưới bếp hắt lên mấy vệt sáng le lói qua khe cửa. Mười phút cho việc vệ sinh cá nhân, 25 phút cho việc mở các loại cửa. Như mọi nhà trong thành phố, từ lâu anh đã biến căn hộ của mình thành một pháo đài. Các cửa sổ ngoài việc lắp chấn song bằng thép dày, còn được giằng ngang ba ống thép to bằng cổ tay, chia đều từ trên xuống dưới. Cửa đi cũng bằng thép đúc, bên ngoài dán một lớp gỗ mỏng. Tính từ trong ra đến cửa, còn năm lớp cửa như thế, tất cả đều có khoá đặc biệt, mỗi cửa gồm ba chiếc khác loại nhau. Mở đến lần cửa cuối cùng thì vợ con anh cũng vừa trở dậy. Những việc chuẩn bị cho một ngày mới diễn ra đã thành nếp. Sau khi dặn dò kỹ lưỡng chị giúp việc hai vợ chồng dắt xe đi làm. Chị kiêm thêm nhiệm vụ đưa con tới trường, chiều về ghé qua chợ mua thức ăn cho ngày hôm sau. Trước khi ra cổng, anh một lần nữa kiểm tra trên người vợ con xem có đeo bất cứ loại trang sức nào không, nhắc vợ cẩn thận kẻo bị cướp… Anh lại lần lượt khoá tất cả các cửa từ trong ra ngoài, trong lúc vợ đứng giữ xe. Đứng bên ngoài thò tay qua các lỗ cửa thực hiện những thao tác của người mù, mười phút nữa cho công việc ấy, xong xuôi vợ chồng con cái chia thành hai ngả phóng xe đi.

Kỹ sư Hoàng làm việc tại một cơ quan thiết kế gần trung tâm thành phố. Mới ngoài 40 mà tóc anh đã gần như bạc trắng, thằng con trai lớn 19 tuổi đang ở trung tâm cai nghiện, đứa con gái thứ hai 17 tuổi đua đòi chúng bạn bỏ cả học đi vũ trường thâu đêm, suốt sáng. Không phải vợ chồng anh không biết dạy con mà là bất lực. Con đường đời biết bao nhiêu cạm bẫy, nó gài khắp mọi nơi, mọi chốn, gài trên mỗi bước chân. Già đời chững chạc như vợ chồng anh, ngày nào cũng phải nhắc nhau từng tí một mà vẫn ngay ngáy lo rằng không biết lúc nào, cái bẫy nào sẽ ụp xuống mình đây?

Kỹ sư Hoàng chợt lạnh người. Có tiếng còi nghe rợn tai, một cảnh sát giao thông bước quả quyết từ trên vỉa hè xuống đường vừa tuýt còi, vừa chỉ thẳng cái dùi cui vằn vện vào mặt anh, một cảnh sát khác ngồi vắt vẻo trên yên xe máy phân khối lớn sơn màu trắng. Chưa kịp hiểu mình có sai luật hay không anh vội đạp phanh, chiếc xe dừng tắp lại.

- Kiểm tra giấy tờ! Người cảnh sát vừa rút chiếc còi ra khỏi miệng vừa giơ tay lên mũ chào như một cái máy, vừa ra lệnh cho anh. Cầm giấy tờ của anh đưa cho anh cảnh sát ngồi trên chiếc xe phân khối lớn, anh cảnh sát ấy lại tiếp tục đút còi vào miệng cầm gậy trỏ xuống đường chọn bắt xe khác. Anh cảnh sát ngồi trên chiếc xe phân khối lớn, lướt qua đống giấy tờ của một anh khác. Không nói năng anh ta đưa mắt ngó lơ đi chỗ khác như thể chờ ai đến đọc giùm. Cũng như một cái máy, kỹ sư Hoàng dựng xe, móc bóp, rút ra một tờ đẹp đẽ vuông vắn có in hình lãnh tụ, bước tới chỗ anh ta.

Đến cơ quan, vừa kịp giờ làm việc, chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là một thẩm phán toà án, người đang xử lý vụ kiện đòi nợ của cơ quan anh. Bằng một giọng rất lễ phép anh thẩm phán nhắc khéo anh rằng vụ kiện của cơ quan anh sẽ có thể bị đình chỉ vì phía anh chưa nộp chi phí cho việc thẩm tra. Nhân tiện anh ta nhắn rằng bữa nhậu chiều qua vì điện thoại cho anh không được mà anh ta và đám chiến hữu bên viện kiểm soát phải ký nợ nhà hàng một khoản kha khá, lúc nào anh ghé qua thanh toán giùm…

Chiều hôm đó về nhà, kỹ sư Hoàng chưa kịp mừng vì tin cô con gái đã trở về đang nằm bẹp trên gác thì đã nghe vợ mếu máo báo tin chiếc xe máy của chị bị cướp, mẹ con phải đi bộ về. Thực ra chị đã dối anh, chiếc xe máy đó chị đã buộc phải thế chấp để chuộc cô con gái từ cái động của một mụ tú bà, vì cô còn nợ mụ một khoản tiền vay mua son phấn với mức lãi 40 % một ngày. Thế coi như của đi thay người. Kỹ sư Hoàng chưa kịp phát điên lên vì giận dữ thì may quá nhà có khách. Ông trưởng khu phố và mấy cán bộ của Uỷ ban lừng lững bước vào:

- Chúng tôi đến nhắc anh về khoản đóng góp xây nhà tù – Ông trưởng khu vào đề ngay, nhân tiện báo để anh biết tháng trước có xe chở vật liệu đến đây, anh đã thuê thợ sửa nhà mà không xin phép. Uỷ ban đã nắm được việc này, nếu anh không thu xếp ngay thì sẽ bị lập biên bản thu giữ giấy tờ nhà, giấy tờ đất.

Kỹ sư Hoàng ngớ ra, quả thật tháng trước anh có thuê thợ lắp thêm một lần cổng nữa, phải xây mấy mét vuông tường, tưởng việc nhỏ, không phải xin phép, ai ngờ… Thôi đành 'thu xếp' cho mấy vị trong Uỷ ban, nhưng còn khoản đóng góp xây nhà tù?

- Can phạm bây giờ nhiều quá ông trưởng khu phố giải thích. Đấy anh xem, trong nhà gặp lưu manh, ra đường đụng kẻ cướp, đủ các kiểu ăn cướp; rồi còn lũ ăn trộm, lừa đảo cho vay nặng lãi, nhà tù nào cũng chật ních, phải xây thêm. Ngân sách không kham nổi phải áp dụng phương pháp 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'. Phố ta được giao chỉ tiêu góp vốn xây 500 mét vuông nhà tù, thế mà ngẫm lại vẫn chưa đủ cho số tội phạm của chính phố ta đang nằm trong đó, chưa kể số sắp phải vào tù nay mai…

Đoàn cán bộ khu phố về được một lúc thì lão Tiến cụt giò đến, đó là một lão già vô tích sự nhà kế bên. Lão bị cụt một bên giò từ hồi chiến tranh, giờ sống bằng số tiền thương tật, thỉnh thoảng con cháu dấm dúi gặp chăng hay chớ cho thêm. Suốt ngày chẳng làm trò gì, chỉ hay la cà hết nhà này đến nhà khác kiếm câu chuyện làm quà. Nhà kỹ sư Hoàng là một trong những nơi lão hay mò đến. Lão dở hơi ấy liến thoắng như thể đã tỏ tường mọi chuyện:

- Họ đến đòi tiền đóng góp xây nhà tù phải không? Anh kỹ sư này tôi nói anh xem có đúng không nhé: – Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá, phải góp tiền xây nhà tù cho bọn bất lương ở, lại còn phải nai lưng nuôi chúng nữa, trong khi bọn lưu manh ngày càng chiếm đa số, người lương thiện ngày càng giảm đi. Biết đâu đến một lúc nào đó, những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình. Khi ấy tất nhiên bọn lưu manh tha hồ ở ngoài, vì lương thiện bây giờ đâu có nhiều nhặn gì, vừa bắt chính bọn chúng phải nai lưng ra làm đề nuôi người lương thiện, như thế có phải là công bằng không ?

Kỹ sư Hoàng phì cười vì cái lý sự ấy của lão Tiến cụt, vừa lúc ấy, chuông điện thoại trong nhà đổ dồn, vợ anh nghe xong, mặt tái mét ra báo tin dữ:

- Anh tới ngay bệnh viện Chúng Sinh. Thằng Phúc con chị cả bị cướp giật té xe, chấn thương sọ não đang nằm cấp cứu trong ấy.

Chị Cả Bống là chị gái kỹ sư Hoàng ở dưới quê, anh chị có ba thằng con trai thì hai thằng lớn theo bố làm nghề xin đểu kiêm trấn lột ở bến đò Đuôi Cáo bị đâm lòi ruột, chết cả ba bố con từ năm kia. Cũng là cái số thôi. Làng khối người làm nghề ấy hoặc hao hao nghề ấy mà có sao đâu, chỉ thỉnh thoảng lại thấy đi ở tù, vài năm về còn lưu manh hơn trước. May còn lại một mình thằng út tên Phúc ngoan, hiền, học giỏi. Năm ngoái đỗ đại học lên ở ký túc xá. Nó thương cậu mợ Hoàng nghèo nên không muốn nhờ vả. Chị Cả bán hết mảnh vườn còn lại sắm cho nó cái xe máy cũ làm phương tiện đi lại. Hôm ấy đang làm cỏ ngoài đồng có người gọi về cái trạm điện thoại công cộng ở đầu làng báo tin nó bị nạn. Chị nghe nhắn lại mà muốn quỵ luôn xuống ruộng. Vội vã chạy về nhà, chị vét vội mấy bơ lạc, bơ gạo nếp cho vào mấy cái bao ruột tượng tất tả chạy ra bến đò Đuôi Cáo. Vừa mới mon men gạ bán ở các hàng quán quanh đó, bất ngờ gặp mấy anh quản lý thị trường, chị bị bắt vào trụ sở. Lạy van thế nào họ cũng không nghe, còn dẫn hết 'nghị định 01' đến 'thông tư 04' gì đó ra đọc sang sảng vào hai cái tai đã chỉ còn nghe thấy tiếng lùng bùng của chị. Kết quả mấy bơ lạc ấy bị tịch thu vì lý do bao bì không có nhãn hiệu hàng hoá!

Thật khốn khổ cho chị, chỉ do cuống lên vì đứa con cuối cùng còn sót lại đang gặp nạn, muốn bán tống bán tháo mấy món tài sản ít ỏi ấy cho thật nhanh để lấy tiền đi xe lên thành phố. Chứ có phải chị buôn gian bán lận gì đâu? Còn tiền thuốc thang, nói dại, nếu nó bị nặng chị chưa biết sẽ trông vào đâu, một viên thuốc cảm bằng cái cúc áo bây giờ giá bằng ba bốn cân thóc. Giờ thì ngay đến việc lên nhìn mặt con cũng bị chặn đứng lại rồi. Không có tiền ai người ta cho chị đi xe hàng trăm cây số? Càng nghĩ chị càng quýnh quáng chân tay, cuống cuồng, đứng chôn chân một chỗ, đầu óc mụ đi, mắt ráo hoảnh, vô hồn nhìn phía trước như một bức màn sương… bỗng từ trong cái màn đục lờ ấy, một bóng trắng hiện ra quằn quại, máu bê bết hiện ra chập chờn lúc xa xa, lúc ập ngay trước mặt, gió lạnh quất gai người. Phảng phất màu tanh của máu tươi. Tai chị nghe rõ ràng tiếng kêu cứu của đứa con trai. Chị bàng hoàng nhận ra đó là tiếng rên từ địa ngục, tiếng của một âm hồn không còn ở cõi nhân gian này nữa:

- Mẹ ơi, con chết rồi. Họ đang mổ bụng con. Mẹ ơi…

Chị cả Bống hốt hoảng lao tới, giơ hai tay túm lấy bóng con, chợt cái bóng như có người giằng lấy, chập chờn quăng qua quăng lại trước mặt chị rồi mờ dần mờ dần, vẫn còn ri rỉ tiếng kêu cứu của oan hồn, rồi tất cả lịm đi. Cả tiếng kêu cứu lẫn cái bóng máu me chợt tắt ngấm bởi một tràng cười ré lên sằng sặc như của lũ ma quỷ nhưng không phải vọng lên từ địa ngục, tiếng cười ấy rõ ràng đang ở cõi nhân gian hiện hữu này…

Chị cả Bống sau này phát điên không về làng nữa, cứ lê la liếm láp ở quanh cái bến đò có cái tên rất ấn tượng là bến đò Đuôi Cáo ấy. Nhưng chị không điên ngay lúc đó, có người chứng minh là sau khi ra khỏi trụ sở ban quản lý thị trường chị vẫn còn tỉnh táo nhớ ra trong người còn sót mấy đồng tiền lẻ. Chị lần vào trạm điện thoại công cộng gọi điện báo cho cậu em trai. Đó là tất cả những gì chị làm được cho đứa con. Sau đó chị mới phát điên.

Kỹ sư Hoàng đến bệnh viện Chúng Sinh thì trời đã tối. Tìm tới phòng cấp cứu, anh hỏi thăm nạn nhân tên Phúc, cô hộ lý mặc blu trắng bảo:

- Biết ai là phúc với hoạ gì ở đây. Đi mà hỏi trực ban.

Phòng cấp cứu rộng mênh mông, đầy những giường là giường, giường nào cũng ít nhất hai người nằm trở đầu đuôi. Đủ các kiểu tai nạn, vỡ đầu, gãy chân, lòi ruột, lòi xương. Ánh đèn nê ông trắng bệch soi loang lổ những máu me bông gạc. Nồng nặc một thứ mùi vừa tanh tanh máu, vừa ngầy ngậy thuốc tây. Bóng những blu trắng đi qua lại giữa các giường như ma trơi. Làm sao nhận ra đứa cháu bây giờ?

Kỹ sư Hoàng vội vã đến phòng trực ban. Phòng trực ban cấp cứu nằm cuối dãy hành lang đầy những kẻ nằm người ngồi vạ vật rất chi là bệ rạc. Trong phòng có mấy người cũng mặc blu trắng đang chụm đầu bàn bạc nhỏ to:

- Cái mật hôm trước bán vội quá. Ngay hôm sau có người tới trả cao hơn cả chục triệu, tiếc đứt ruột – một người nói

- Cái này đếch bán nữa, đem ngâm rượu. Hũ rượu trước hết con mẹ nó rồi. Mấy lão hen suyễn kinh niên uống vào là khỏi, để giành bán cho các lão ấy. Gớm họ vừa chi tiền vừa cám ơn rối rít ấy chứ – một người khác nói

- Thôi được rồi! Người thứ ba nói – các ông xuống làm ngay đi, thằng này căn cước ghi rõ ràng: – 19 tuổi. Đã kiểm tra, đảm bảo còn nguyên dương (đàn ông chưa xuất tinh lần nào) chết do chấn thương sọ não vừa được mấy phút. Cái mật này mới tuyệt hảo, để quá hai tiếng có mà hỏng mẹ nó cả chì lẫn chài. Đã điện thoại cho bên công an rồi, họ bảo cứ mổ đi, có gì đừng 'quên' họ là được.

Hai người kia vội vã đứng dậy lao nhanh ra khỏi phòng, vừa lúc ấy kỹ sư Hoàng bước vào:

- Bác sĩ làm ơn cho hỏi thăm nạn nhân tên Phúc, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai, nghe nói bị chấn thương sọ não có cấp cứu ở đây không, nằm giường số mấy? Tôi là cậu ruột cháu – kỹ sư Hoàng vừa hỏi vừa tự giới thiệu

Anh bác sĩ còn lại trong phòng thoáng một chút giật mình. Anh ta làm như nghĩ ngợi điều gì rồi ngập ngừng:

- Tên Phúc, sinh viên, 19 tuổi.. A… anh… à bác ngồi chờ cháu một lát.

Linh cảm thấy có gì nghiêm trọng xảy đến với đứa cháu, lại cứ tưởng anh bác sĩ kia vì thông cảm với nỗi đau của mình mà chưa nỡ nói ngay. Kỹ sư Hoàng vừa lo sợ vừa cảm động nhìn anh bác sĩ đang cúi gằm mặt, tay lần giở một cuốn sổ to tướng chậm rãi lần một hồi. Mồ hôi đã toát ra lấm tấm trên khuôn mặt đỏ như gà chọi, anh bác sĩ chợt ngẩng lên bảo:

- Trong sổ này không thấy có tên Phúc. Bác ngồi đây chờ cháu đi lấy sổ khác. Nhớ là đừng đi đâu đấy.

Nói xong anh ta gập sổ rồi vội vã ra khỏi phòng, không quên đóng sập cửa lại, còn một mình trong phòng, kỹ sư Hoàng lòng như lửa đốt. Bỗng chuông điện thoại reo vang, một hồi, hai hồi… chừng như người đầu dây bên kia có việc cần gọi cho bằng được. Kỹ sư Hoàng do dự giây lát rồi nhoài người với lấy cái ống nghe, định nói cho bên kia chờ lát nữa gọi lại. Vừa áp ống nghe lên tai, kỹ sư Hoàng chợt nghe ngay một giọng nói dằn từng tiếng:

- Trực ban cấp cứu phải không? Bảo với pháp y rằng cái mật lần này tuyệt đối không được bán nghe chưa! Chú Sáu bên Uỷ ban đăng ký rồi đấy.

Kỹ sư Hoàng chưa kịp hiểu mô tê ra sao thì người đầu dây bên kia đã dập máy. Sau khi định thần suy nghĩ kết hợp với mấy câu cuối nghe được loáng thoáng lúc mới bước vào phòng, kỹ sư Hoàng chợt lạnh người với một nỗi nghi ngờ. Anh với cuốn sổ lúc nãy mở ra. Ngay giữa trang cuối cùng, rõ ràng có tên nạn nhân Nguyễn Hồng Phúc, 19 tuổi, sinh viên, té xe, nhập viện lúc… giờ… ngày – người đưa đến: Phạm văn A – bạn cùng lớp. Bỗng cánh cửa sịch mở, anh bác sĩ khi nãy ùa vào. Nhìn thấy cuốn sổ trên tay kỹ sư Hoàng, anh ta thoáng một giây bối rối rồi lập tức liến thoắng:

- Cháu quên không đọc trang cuối, đúng là có…

Anh ta chưa kịp nói hết câu kỹ sư Hoàng đã ngắt lời:

- Tôi biết hết rồi, anh không phải giải thích

Rồi chẳng muốn nói gì thêm, nữa kỹ sư Hoàng ném trả cuốn sổ, hấp tấp lao nhanh ra khỏi phòng, anh bác sĩ hé cửa ngó theo, hơi lắc đầu, mỉm một nụ cười ý nhị rồi đóng cửa lại, ung dung quay vào. Chuông điện thoại lại reo, anh ta cầm lấy ống nghe:

- Dạ… dạ… à thế ạ… Báo cáo, xong xuôi cả rồi ạ. Thế thì chú nói chú Sáu chuẩn bị rượu tốt để ngâm, cháu sẽ bảo anh em mang sang ngay bây giờ ạ.

Kỹ sư Hoàng xuống đến nhà xác thì Phúc đã nằm trong ngăn lạnh. Một không khí thê lương sặc mùi tử khí. Nền nhà vương đầy những bó nhang cụt, những cục nến gãy, những mẩu giấy tiền vàng mã… làm quang cảnh nơi đây giống như vừa xảy ra một vụ cướp. Viên quản lý nhà xác nghe trình bày, quan sát anh từ đầu đến chân bằng cặp mắt âm u như cặp mắt quỷ rồi chẳng nói chẳng rằng, ông ta lừ lừ tiến đến kéo một ngăn tủ ra. Kỹ sư Hoàng lạnh toát người nhìn trân trân cái xác… "Đúng thằng Phúc rồi, chị Cả ơi, khổ thân chị quá"… Không giữ nổi bình tĩnh, anh khuỵu xuống gục đầu vào ngăn tủ. Mùi máu tanh tưởi ập vào giác quan. Anh chợt tỉnh, ngẩng phắt lên, lấy tay lật manh áo trước bụng đứa cháu… một vết mổ cẩu thả còn chưa khít miệng với mấy mũi khâu vội vàng, dúm dó:

- Các người đã mổ cháu tôi… các người đã… Tôi sẽ kiện, kỹ sư Hoàng gào lên trong nước mắt

- Híc… viên quản lý nhà xác cất tiếng, giọng cũng âm u như phát ra từ bụng gã – Tha hồ cho ông kiện, tất cả những cái chết bất đắc kỳ tử thế này đều phải mổ hết, luật pháp quy định như vậy. Hừ có mà điên mới đi kiện luật pháp. À mà tôi đã vi phạm nội quy khi cho ông xem xác, lấy gì chứng minh ông là người nhà bây giờ? Mời ông đi khỏi đây. Nói xong gã đưa tay đóng sập ngăn tủ lại.

- Nhưng tôi… kỹ sư Hoàng chưng hửng… vậy còn cháu tôi?

- Trước hết phải có giấy tờ chứng minh ông là người nhà của nạn nhân đã, rồi sau đó phải làm đầy đủ thủ tục mới mang được lấy xác ra khỏi đây. Mà ông định cõng xác trên lưng mang về hay sao? Viên quản lý lạnh lùng phán.

Kỹ sư Hoàng có vẻ hiểu ra những việc cần làm, anh thất thểu bước ra khỏi nhà xác gọi điện về nhà bảo vợ chuẩn bị căn cước, sổ hộ khẩu lên phường xin giấy chứng nhận rồi tìm đến một tiệm bán quan tài. Ông chủ tiệm quan tài có tên 'Nhân nghiã đường' hăng hái đón khách. Chỉ vào đống quan tài đủ các kiểu loè loẹt đang bày la liệt, bảo kỹ sư Hoàng:

- Tuỳ bác chọn cái nào thì chọn. Bác cho biết địa chỉ, số nhà, giờ khâm liệm… chúng tôi sẽ cho người đến lo liệu.

- Không phải liệm ở nhà mà là ở nhà xác bệnh viện chúng sinh. Kỹ sư Hoàng ngắt lời

- Thế thì không được rồi. Ông chủ Nhân nghiã đường lắc đầu – tôi không bán được cho bác đâu, cũng không làm gì được hết.

- Tại sao lại như thế ? Kỹ sư Hoàng kinh ngạc thốt lên?

- Chắc đây là lần đầu tiên nhà bác có người chết ở bệnh viện – ông chủ Nhân nghiã đường giải thích – bệnh viện có luật của họ, muốn lấy được xác ra phải có cửa. Quan tài mua tiệm nào do họ chỉ, khâm liệm, ma chay… tất tần tật do người của họ làm hết. Có thế họ mới ăn chứ, độc quyền mà.

- Té ra phải như vậy. Kỹ sư Hoàng cay đắng nghĩ rồi rời khỏi tiệm 'Nhân nghiã đường'. Quay lại chỗ nhà xác chờ một lúc lâu thì vợ anh mang giấy tờ tới. Mấy đứa bạn học của Phúc biết tin cũng đã tìm đến, mang theo nhang hoa và trái cây. Lúc này đêm đã gần khuya, mắt đỏ hoe vợ anh mếu máo:

- Ối anh ơi, vẫn chưa thấy tăm hơi chị cả đâu, em đến nhà ông chủ tịch nói mãi ông ấy mới ký cho cái giấy chứng nhận, lại vừa đóng lệ phí, vừa bồi dưỡng hết mấy trăm. Cháu nó nằm đâu để em vào thắp nén nhang cho cháu.

Kỹ sư Hoàng dẫn vợ và đám bạn của Phúc vào, trình mớ giấy tờ cho viên quản lý.

Gã này săm soi một lát rồi lắc đầu:

- Không được, trường hợp này công an còn phải điều tra, vả lại khi nãy ông còn định kiện tụng gì nữa cơ mà? Sáng mai đến giải quyết

- Chẳng lẽ để đứa cháu lạnh lẽo qua đêm không một chút khói nhang an ủi linh hồn? kỹ sư Hoàng lúc này đã mụ mẫm hết tinh thần, cụt què cả ý chí, anh chỉ còn biết vớt vát như một cái máy:

- Tôi xin ông, ấy là tôi chót nhỡ mồm. Tôi không kiện tụng gì đâu. Mọi việc giao cho các ông 'lo' hết. Chỉ mong sao mang cháu về nhà…

- Vậy thì về viết cam đoan đi, viên quản lý hạ giọng – nhưng cứ phải sáng mai mới giải quyết. Không có giấy của công an thì bố tôi cũng không dám giao xác cho các người.

Sáng sớm hôm sau. vừa thò mặt đến cổng nhà xác bệnh viện Chúng Sinh đã có mấy kẻ mặt mũi rất chi là khả nghi túm lấy kỹ sư Hoàng.

- Xác của bác là xác tai nạn giao thông phải không? Giá chót tám triệu, chúng em lo mọi thủ tục chiều lấy xác ra… quan tài khâm niệm 12 triệu nữa bao trọn gói – một người trong bọn bảo.

- Tại sao lại phải đến chiều? Làm ngay trong sáng nay không được sao? kỹ sư Hoàng hỏi lại.

- Hì các bác này đúng là chưa 'chết' lần nào. Phải đợi công an người ta hoàn tất hồ sơ chứ… một người khác giải thích – mà chúng em phải đưa bác đến làm tờ khai, chiều lấy được là còn nhanh, với điều kiện phải có bồi dưỡng… không thì cứ đợi đấy.

Đám người ấy quả là thạo việc, rốt cục chiều hôm ấy kỹ sư Hoàng cũng đưa được xác đứa cháu về nhà sau khi đã được khâm liệm cẩn thận. Vẫn không thấy bóng dáng chị cả đâu, linh tính xảy ra chuyện chẳng lành, kỹ sư Hoàng bàn với vợ cùng mấy đứa bạn của Phúc trông nom nhang khói, để anh về làng đón chị Cả lên:

- Có mấy kẻ lạ mặt lảng vảng ngoài cổng nghiêng ngó hỏi thăm, mấy đứa bạn của Phúc chạy ra nghe ngóng rồi vào bảo:

- Mấy thằng cò nghiã địa bác ạ. Nó bảo đất chôn mặt tiền lối đi là 12 triệu, phía trong tám triệu, chưa kể tiền lo giấy phép chôn và công đào huyệt lấp đất xây mộ, tuỳ theo to nhỏ tính riêng. Nếu túng tiền thì chôn đứng. Chôn đứng rẻ hơn một nửa, tất nhiên đất rộng chỉ bằng 1/3. Nghiã địa bây giờ khối người phải chôn như thế, thành ra đầy những ma đứng, linh hồn đứng, đứng vĩnh hằng.

Vội vã phóng về quê, kỹ sư Hoàng hoảng hốt lạnh người khi hàng xóm bảo chị Cả Bống đã lên thành phố từ chiều hôm qua, mấy nhà khác thấy anh về đổ đến hỏi thăm. Có người chợt nhớ ra bảo:

- Sáng nay đi chợ thấy ở bến đò Đuôi Cáo có ai nhang nhác bác Cả Bống ấy. Hay là bác sang tìm thử xem.

Không kịp suy tính, kỹ sư Hoàng vội vã lao sang bến đò, tìm khắp các hàng quán hỏi thăm, ai cũng lắc đầu. Chợt anh nhìn thấy dưới bờ sông sát mép nước, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi đang ngồi ném những nắm cát xuống dòng sông… kỹ sư Hoàng vừa nghi hoặc, vừa thận trọng tiến lại gần… Ai như chị Cả ? Anh cất tiếng gọi… một tiếng, hai tiếng… Người đàn bà chợt quay phắt lại… Đúng là chị, chị nhìn anh với đôi mắt thất thần, khuôn mặt răn reo, lem luốc cát. Bỗng chị lảo đảo lao đến, ôm chầm lấy anh, gào lên nức nở:

- Ối! Con ơi, con về với mẹ đây rồi, người ta cướp cái gì của con, con chết có đau không? Con về đây báo oán mẹ… mẹ không đến được với con… con ơi

Cứ thế chị gào mãi, gào mãi, tiếng gào rợn cả một khúc sông. Kỹ sư Hoàng hai tay nâng khuôn mặt chị, miệng hoảng hốt nhắc đi nhắc lại: – Em đây mà, Hoàng đây mà!

Song chị đâu có nghe, đâu có thấy, chỉ một mực gào tên con… dần dần tiếng chị khản đặc chỉ còn như tiếng thở lào phào… Người chị bỗng lả đi, từ từ khuỵ xuống. Kỹ sư Hoàng quỳ xuống theo, hai chị em ôm nhau quỳ trên bãi cát, hoàng hôn bắt đầu buông, trăng chiều rực lên đỏ thẫm. Qua màn nước mắt, anh cảm thấy tất cả không gian như chìm trong biển máu, bên tai anh chợt vọng lên văng vẳng giọng nói của lão Tiến cụt hôm trước:

- Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá… biết đâu đến một lúc nào đó những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình.

Phạm Lưu Vũ

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.