Đầu năm
Mậu Tý,
đôi dòng về dân chủ
1/
Kosovo vừa tuyên bố Độc lập :
Một dân tộc nhỏ, một đất nước nhỏ, vậy mà đã anh hùng tự lấy quyền
tự quyết tuyên bố độc lập và tách khỏi ách nô lệ của anh láng giềng
khổng lồ Serbia. Anh này dù có la làng nhứt định đòi Liên Hiệp Quốc
can thiệp, cũng vậy thôi. Nhiều người có thể nghĩ rằng như vậy
Kosovo sẽ chỉ là chư hầu của quốc gia Albania, bởi vì dân
chúng Kosovo thuộc sắc dân Albanais, với ngôn ngữ albanais và cũng
là hồi giáo, và lá cờ đỏ với con Ó đen hai đầu, biểu tượng của
Albania, đã được trương lên do vài phần tử quá khích.
Chuyện ấy không thể xãy ra được.
Kosovo là một phần đất có tánh cách pháp lý và có không gian địa lý.
Dưới thời kỳ Liên bang Nam tư (Yougoslavia) Kosovo là một đơn vị
hành chánh của Liên bang Nam tư. Kosovo có khoảng 2 triệu dân, gồm
95 % người Kosovars hồi giáo, và khoảng 125 000 người serbes chánh
thống giáo. Người Kosovars tuy được xem là gốc Albanais nói ngôn ngữ
albanais, cùng đạo hồi nhưng thật sự là cùng sắc dân với người serbo
–croate, cũng như những người serbes, người croates. Người serbes
đạo Thiên chúa giáo chánh thống viết chữ theo mẫu tự cyrillique (hy
lạp, nga) người croates đạo Thiên chúa giáo La mã, viết theo mẫu tự
la mã, nhưng cùng ngôn ngữ. Hai dân tộc nầy đã từng thù hận và giết
nhau không nương tay. Liên bang Nam tư đã giúp cho các dân tộc này
sống chung với nhau trên nửa thế kỷ. Ngày hệ thống Cộng sản sụp đổ,
những cuộc sống chung giả tạo, trong những biên giới giả tạo cũng
đều sụp đổ : bắt đầu là slovania, rồi Croatie, rồi còn nữa…,. Serbia
lấy lại tên Liên bang Serbia, và những cuộc giết chóc thù hận bắt
đầu, giữa các chủng tộc, giữa các sắc tộc, giữa các tôn giáo. : tất
cả dưới chiêu bài : Tẩy sạch chủng tộc.
Liên hiệp Quốc can thiệp, Âu châu can thiệp. Bắt đầu một cuộc nội
chiến giữa những người mang hai chữ “ ic” ở cuối tên. Những người
lãnh đạo cuộc nội chiến này đều tự nhận là yêu nước, yêu dân tộc
nhưng cũng là những đồ tể khủng khiếp, giết người không gớm tay,
nhân danh dân tộc, nhân danh lá cờ, họ đã đào những hố để chôn tập
thể hàng ngàn người, cả một làng, một xã của những người láng giềng
cũ đã từng chung sống với nhau từ nhiều thế hệ.
Balkan từ đầu thế kỷ XX là một vùng trái độn của nhiếu triều đại cũ
các đế quốc bá quyền khác nhau bành trướng dành đất đai và ảnh hưởng
tôn giáo : nào là Đế quốc Áo – Hung, nào là Đế quốc Nga, và cuối
cùng Đế quốc Ottoman thuộc Thổ nhỉ Kỳ. Sau Thế giới Chiến thứ hai,
Balkan mối lo của Âu châu, bị chia cắt giữa các cường quốc thắng
trận ; và bức màn sắt cộng sản đã đè bẹp mọi tư tưởng độc lập tự
quyết của các dân tộc trong vùng. Càng bị đè nén, cái nồi nước càng
dễ bùng nổ to sau khi bức tường Bá linh và hệ thống Cộng sản sụp đổ.
Kosovo nay đã độc lập, người Kosovars nay đã lấy lại quyền tự quyết.
Hãy noi gương một quốc gia nhỏ xíu ấy dám dành quyền quyết định vận
mạng của mình. Cái cơ may để giải quyết Balkan sẽ là Liên Hiệp Âu
châu.
Liên Hiệp Châu Âu hãy nhanh chóng tiếp nhận Serbia, Croatie,
Kosovo .. vào chung sống, chung sanh hoạt ngoại giao, ngồi chung
quanh một bàn tròn để cùng nhau xây dựng Âu châu .
Một biểu tượng đẹp : ngày hôm nay, người chủ trì đương nhiệm của
Liên Hiệp Âu Châu là Slovénia, quốc gia đầu tiên đã tách khỏi Liên
bang Nam tư tuyên bố độc lập năm xưa, đưa tay đón nhân người em
Kosovo vừa theo gương mình tách khỏi Liên bang Serbia !
Sẽ có những người khó tánh e rằng Kosovo là một thí dụ để các dân
tộc thiểu số trong các quốc gia trên thế giới đòi độc lập hay quyền
tự quyết. Cái ấy cũng tùy cách ăn ở với nhau, ăn ở phải đạo thì sống
chung hòa bình, còn ăn ở không phải đạo thì người ta sẽ ra riêng,
Nếu lý luận như trên, thì vô tình, ta chấp nhận sự chiếm đóng Tây
tạng bởi Trung hoa, hay sao ? Hay chấp nhận Trung Hoa ăn hiếp Việt
nam mãi mãi, hay sao ?
2/ Những cuộc biểu tình của sư sãi Miến Điện năm vừa
qua :
Những gì đã xảy ra ở Miến Điện năm qua cũng chỉ là một sự lập lại,
một cách rất Á đông, của những diễn biến ở Đông Âu những năm 80 hay
ở Nam Mỹ những năm 90 : đó là sự khởi đầu của dân chủ hóa và sự
sụp đổ của các chế độ độc tài.
Lịch sử không bao giờ diễn lại, lịch sử sẽ đào sâu thêm. Bài học
Balan dạy cho chúng ta biết rằng một nền kinh tế thị trường không
thể sống chung với độc tài, độc đảng Bài học Pérou dạy cho chúng ta
biết rằng không thể đóng kịch mãi mãi làm một nền dân chủ giả hiệu,
nó sẽ biến thành một nền dân chủ thật sự.
Kinh tế thị trường cần phải được hoạt động và phát triển trong một
môi trường tự do,
tự do trong sanh hoạt, tự do trong tư tưởng, mà muốn có tự do là
cần phải có chế độ dân chủ. Và chỉ có chế độ dân chủ mới tạo
được những cơ hội để phát triển.
Ngày hôm nay, châu Phi, Trung đông và châu Á vẫn chưa biết thế nào
là Dân chủ. Ở châu Phi các thử thách xây dựng một nền Dân Chủ làm
vỡ tung các quốc gia thành những mảnh vụn. Ở Trung Đông, Huê kỳ
quyết đặt một nền Dân chủ bằng mọi giá, chỉ làm chậm lại sự ra đời
của nó. Ở châu Á, các chế độ độc tài đang tung hoành ở mọi nơi, ở
Miến Điện, ở lân bang, chung quanh Miến Điện : nào là Việt nam, nào
là Thái lan, Malyasia, Lào, và dỉ nhiên Trung Hoa Công sản. Tuy
rằng, trong các quốc gia ấy, hiện nay, có những con rồng, con hổ,
hiện tượng kinh tế đang lên, của những nền kinh tế thị trường. Nhưng
sớm muộn gì các quốc gia ấy cũng phải bước vào chế độ Dân chủ.
Chỉ chờ thời gian thôi.
Với nhiều đau khổ, với nhiều khó khăn, nước mắt và có thể đổ máu.
Ở Miến Điện quân phiệt, các tướng cầm quyền vì lòng tham sẽ chống
lại Dân chủ hóa. Các quốc gia độc tài lân bang Miến Điện vì sợ lây
bệnh Dân chủ cũng bằng mọi giá tránh né. Nhưng việc gì phải đến, sẽ
đến.
Cơn gió dân chủ đã bắt đầu nổi dậy.
Đừng đem chuyện Thiên An Môn ra mà hù dọa : từ những ngày khốn nạn
của tháng sáu năm 1989, Trung Hoa chẳng đặng đừng, đang mạnh bước
vào nền Dân chủ. Môt nền Dân chủ không dám nói tên không dám quảng
cáo : nhưng đã thực sự bắt đầu ở những giai cấp hành chánh địa
phương. Các nhà trách nhiệm địa phương ở các xã nay đã không do Đảng
Cộng sản Trung Hoa sắp đặt nữa, họ là những người được nhân dân bầu
lên do thành tích và khả năng của họ. Hướng phát triển của nền Dân
chủ ấy sẽ có những ảnh hưởng không lường trước đựợc.
Ngày mai, những quốc gia với những biên giới giả tạo, gượng ép sẽ bể
tung ra như Liên Bang Xô Viết hay Liên bang Nam tư. Trung Hoa hay Ấn
độ rồi cũng sẽ có một ngày như vậy. Sẽ có nhiều dân tộc đi tìm tự
quyết để quyết định vận mạng của mình. Nhiều quốc gia mới sẽ ra đời.
Sẽ có những cuộc di dân khổng lồ, đi tìm văn minh, đi tìm tổ chức,
đi tìm Văn hóa, đi tìm sự sống.
Nhà cầm quyền hiện nay của Việt nam có nhìn thấy cơn lốc Dân chủ
hóa không ?
Hoàn cầu hóa, kinh tế thị trường đang phát triển mạnh ở Việt nam,
nhà cầm quyền đương thời có biết sửa soạn cho những diễn biến khổng
lồ đang xảy ra cho đất nước không ?
Chế độ giáo dục, chế độ Y tế, Giao thông, vận tải ?
Tình hình chất xám, làm sao để phát triển công nghệ hiện đại?
Ngày hôm nay, Nhà cầm quyền Việt nam đáng lý phải đặt lên hàng đầu
những câu hỏi như trên để phát triển và vượt qua những khó khăn.
Trái lại bao nhiêu công sức chỉ biết đặt vào đàn áp các nhà đấu
tranh. Đã chấp nhận nền kinh tế tự do mở cửa, kinh tế thị trường với
những luật lệ tư bản tự do, với những sáng kiến tự do thì chẳng mấy
chốc Dân chủ sẽ đến.
Tại sao nhà cầm quyền không tạo ra những Câu lạc bộ Dân chủ để người
dân đến bàn cãi mọi vấn đề từ quản lý nhà phố, an ninh sanh hoạt đến
hoạt động xã hội. Tại sao không cho người dân tổ chức những hội đoàn
giúp nhà nước quản lý tình hình an ninh và sanh hoạt xóm phường ?
Vì nếu nhà nước ngày hôm nay không tổ chức được, thì ngày mai, nhân
dân sẽ tổ chức dùm cho nhà nước và có thể, thay thế cả nhà cầm
quyền.
Cơn gió Dân chủ sẽ thổi tan những đám mây mù độc tài đang che lấp
nổi tương lai của dân tộc Việt nam.
Nhân dân và dân tộc Việt nam sẽ vươn lên làm chủ đất nước thực sự để
thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa, để đòi lại chủ quyền trên
những lãnh hải và các hải đảo của Việt nam
Cám ơn nhân dân Kosovo, Cám ơn Nhân dân Miến Điện.
Phan Văn Song |