Những ngộ nhận về học vị tiến sĩ
-
26.09.2009 |
Dr Nguyễn
Văn Tuấn
Hôm
nọ, đọc một tin rất lạ mà thoạt đầu tôi mỉm cười một mình vì nghĩ
rằng phóng viên có trí tưởng tượng phong phú quá: đó là bản tin cho
biết “Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy ‘quản’ là tiến sĩ”.
Nhưng tôi nghĩ sai: phóng viên tường thật hoàn toàn chính xác về chủ
trương của chính quyền và đảng ủy Hà Nội, vì hôm sau có một quan
chức của Sở nội vụ Hà Nội lí giải rằng cần phải “Có bằng tiến sĩ
mới đột phá tư duy”. Vị quan chức này, với danh xưng tiến sĩ,
chính là tác giả của “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính
quyền thành phố”.
Nếu xem chủ trương nâng cấp 100% cán bộ diện thành ủy có bằng tiến sĩ
thì quả thật ông tiến sĩ này có tư duy đột phá. Nhưng chữ “đột phá” ở
đây phải hiểu là phá hoại cái ý nghĩa của học vị tiến sĩ một cách đột
ngột. Để hiểu cách diễn giải đó, thiết tưởng tôi có nhiệm vụ giải
thích mục tiêu và ý nghĩa của học vị tiến sĩ.
Học
tiến sĩ để làm gì?
Học vị tiến sĩ thường dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp
nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa
học, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” quốc tế, cũng giống như
muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số
người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ,
nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ. Do đó, trong quá trình đào tạo
tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải làm quen với những kĩ năng cơ bản như
phát hiện vấn đề, cách đặt giả thuyết, thiết kế nghiên cứu, thu thập
dữ liệu (kể cả đo lường), phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu,
v.v… Đây là những kĩ năng mà bất cứ một nghiên cứu sinh tiến sĩ nào
cũng phải có sau khi xong chương trình đào tạo.
Do đó, để có được học vị tiến sĩ, thí sinh phải làm nghiên cứu khoa
học một cách nghiêm chỉnh. Hai chữ “nghiêm chỉnh” ở đây rất quan trọng
trong trường hợp Việt Nam, bởi vì rất rất nhiều nghiên cứu khoa học ở
trong nước chẳng những không nghiêm chỉnh mà còn phạm quá nhiều sai
sót. Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị
kinh doanh, quản trị hành chính, thì học vị tiến sĩ không cần thiết,
và thí sinh không nên tốn thì giờ để đạt được học vị này.
Học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa
bảng. Học vị tiến sĩ là một “chứng từ” để theo đuổi sự nghiệp khoa
bảng (academic career). “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại
học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn
có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ
hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân
như thế không mấy cao. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi
các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến
sĩ. Tại sao? Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên
gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này
phải làm nghiên cứu khoa học. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến
sĩ, nhưng không phải ai có bằng tiến sĩ đều có thể trở thành giáo sư.
Do đó, nếu thí sinh muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ
nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ
sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính
quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học
chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị
kinh doanh hay quản trị hành chính (MBA – Master of Business
Administration). Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn
luyện Tiến sĩ quản trị hành chính (Doctor of Business Administration),
nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư. Xin nhắc lại:
cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học
vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không
phải quản trị.
Những ngộ nhận về tiến sĩ
Do đó, chủ trương hướng tiến sĩ hóa cán bộ hành chính thể hiện một sự
hiểu lầm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Chủ trương này sẽ dẫn đến tình
trạng có nhiều người tìm cách theo học để lấy được một học vị tiến sĩ,
nhưng động cơ của việc theo học thì lại quá sai lầm. Những sai lầm về
động cơ theo học tiến sĩ, theo tôi, có thể tóm lược trong những ngộ
nhận phổ biến sau đây:
Ngộ nhận 1: nhiều người hiểu lầm rằng học vị tiến sĩ sẽ tự động đem
lại uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng
tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu
trong học hành nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi
tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học
khác cũng có bằng tiến sĩ. Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào
nghiên cứu khoa học, là một minh chứng rằng người có bằng đó “trưởng
thành” trong khoa học, chứ nó (văn bằng tiến sĩ) chẳng đem lại uy danh
cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có
giá trị.
Ngộ nhận 2: ý kiến của một cá nhân được nâng cao chỉ vì cá nhân đó
có văn bằng tiến sĩ. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng
tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ.
Nhưng niềm tin này chỉ là hoang tưởng. Người có học vị tiến sĩ có thể
am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không
phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác. Sự kính trọng phải được chứng
minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động
mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.
Ngộ nhận 3: học vị tiến sĩ là mục tiêu sau cùng trong học hành,
nghiên cứu. Học vị tiến sĩ chuẩn bị thí sinh vào sự nghiệp nghiên
cứu. Nếu thí sinh chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không
nên theo đuổi học vị tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có
cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác. Thí
sinh sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay
học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính thí sinh tiến hành
và hoàn tất.
Ngộ nhận 4: học tiến sĩ để gây ấn tượng trong gia đình và bạn bè.
Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự
hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh
sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai. Nhưng văn
bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để
lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội. Không phải lúc nào cũng
đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”.
Ngộ nhận 5: học vị tiến sĩ là cái cớ để thử trí thông minh.
Nhiều người nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi
trò thách thức xem tri thức của mình cỡ nào. Rất tiếc, quan điểm này
sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân
não hay để thử khả năng tri thức. Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ
và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được
văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”. Như nói trên, thí sinh phải
làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí
nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải
chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.
Ngộ nhận 6: học tiến sĩ để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp
tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử
nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Xin nhắc lại:
học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan
tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về
tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một
nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải
là mục tiêu để theo học tiến sĩ.
Ngộ nhận 7: học tiến sĩ là một lựa chọn tốt nhất. Cống hiến cho
xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ
chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn đó. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc
nhiên khi đọc phát biểu này, nhưng đó là một thực tế. Thật vậy, đối
với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một lựa chọn sai lầm! Thí
sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn
bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường. Thí sinh phải
biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình
nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.
Đột
phá tư duy?
Quay lại câu nói bất hủ (“Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”) tôi
muốn trích lại lời thuật của Gs Đặng Phong (trong trang blog của Huy
Đức) như sau: “Một lần, ông Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Liên
Xô đến thăm xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo, một điển hình đổi mới
lúc đó. Xí nghiệp này khi sắp bị phá sản đành phải mời một ông chăn
vịt vốn là người thạo nghề đánh cá hồi trước 1975 làm giám đốc. Ông
đòi được toàn quyền ‘khoán’ cho xã viên và xí nghiệp trở nên làm ăn
rất hiệu quả.” Gs Đặng Phong kể tiếp: “Sau khi thăm và hỏi
chuyện ở Xí nghiệp, ông Viện trưởng Viện Hàn Lâm Liên Xô hỏi các cán
bộ ở trường Quản Lý Trung Ương: ‘Các anh có biết bí quyết thành công
của ông giám đốc là gì không?’ Và, ông Viện trưởng đáp: ‘Đồng chí ấy
thành công vì đồng chí ấy chưa được học qua lý luận’. Đổi mới trong
giai đoạn ấy chủ yếu đều bắt đầu từ những nhà lãnh đạo địa phương chưa
qua các trường lớp chính quy lý luận.”
Câu chuyện đơn giản trên cho thấy không phải có bằng tiến sĩ mới có tư
duy đột phá. Thật ra, những gì gọi là “đột phá” đều phần lớn xuất phát
từ những người không bị ràng buộc bởi những lí thuyết, không có bằng
cấp đại học (chứ chưa nói đến học vị tiến sĩ). Cứ nhìn lại lịch sử
phát triển kinh tế ở các nước phương Tây thì rõ: có bao nhiêu nhà lãnh
đạo chính trị có bằng tiến sĩ đâu. Ở nước Úc tôi đang định cư, cựu thủ
tướng Paul Keating được xem là một thủ tướng tài ba, một người có tầm
nhìn xa và đột phá trong chính sách ngoại giao cũng như kinh tế. Ông
Keating được xem là một thủ tướng giỏi, không phải vì ông có bằng cấp
cao, mà vì ông biết dùng người có tài. Thật vậy, ông Keating thậm chí
chưa tốt nghiệp trung học, nhưng người cố vấn và viết diễn văn cho ông
là một chuyên gia có bằng tiến sĩ. Dưới “trướng” của Keating cũng là
những cố vấn giỏi, nhưng chỉ có một số rất ít trong nhóm cố vấn này có
bằng tiến sĩ.
Do đó, xin đừng sùng bái văn bằng tiến sĩ như là một chứng từ cho sự
đột phá tư duy. Thật ra, ngược lại thì đúng hơn: phần lớn tiến sĩ
không có tư duy đột phá. Điều này đúng, bởi vì phần lớn (có thể 99%)
các nhà khoa học với học vị tiến sĩ chỉ làm việc trong những mô thức
(paradigm) thông thường, và mô thức này thường được định hướng bởi
những nhà khoa học tiền phong khác.
Đào
tạo tiến sĩ ở Việt Nam
Các trường đại học Âu châu đã từng đào tạo và cấp học vị tiến sĩ về
thần học, luật học, y học trong nhiều thế kỉ qua. Nhưng học vị tiến sĩ
trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm chỉ mới xuất
hiện từ đầu thế kỉ 19. Đến giữa thế kỉ 19, học vị tiến sĩ được du nhập
vào Mĩ. Năm 1861, Đại học Yale trở thành trường đại học Mĩ đầu tiên
cấp học vị tiến sĩ cho sinh viên. Các đại học Anh cũng theo trào lưu
và bắt đầu cấp học vị tiến sĩ từ năm 1919. Từ đó, học vị tiến sĩ trở
nên phổ biến trong hầu hết các đại học trên thế giới. Ở Mĩ, chỉ tính
riêng các bộ môn y sinh học, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm đã
tăng từ 5400 năm 1987 đến 7700 năm 1995. Ở Việt Nam, có 144 trung tâm
đào tạo và trường đại học cấp học vị tiến sĩ, và mỗi năm các trung tâm
này thu nhận vào khoảng 1000 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Theo thống kê thì hiện nay VN có khoảng 6600 giáo sư và phó giáo sư.
Vẫn theo thống kê, trong số 48000 giảng viên đại học, có 13% hay 6250
người có học vị tiến sĩ. Như vậy, có lẽ cả nước có khoảng 12000 tiến
sĩ (kể cả những “phó tiến sĩ” sau một đêm thành “tiến sĩ”).
Nhưng trình độ của các tiến sĩ này ra sao? Trong bài Cả nước có bao
nhiêu tiến sĩ thật, tác giả phản ảnh nhiều khiếm khuyết trong việc đào
tạo tiến sĩ ở trong nước. Những lem nhem về đạo văn, đánh tráo luận
văn, mua luận văn, nhầm lẫn giữa nghiên cứu khoa học và dịch vụ, giải
pháp, v.v… Thật vậy, theo bài báo này, trong số 97 đề tài nghiên cứu
tiến sĩ ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thì có đến 57 đề tài về giải pháp,
không xứng tầm luận án tiến sĩ. Chỉ cần đọc qua vài luận án đã được
cấp bằng tiến sĩ, có lẽ chúng ta không khỏi mỉm cười:
"Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp lại bộ máy của
cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố”.
''Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng cuộc sống gia
đình hiện nay''.
“Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”
“Phát huy vai trò của tri thức ngành y tế Việt Nam trong công cuộc
đổi mới”.
“Lịch sử phát triển giáo dục – đào tạo ở An giang (1975 – 2000)
Đó là chưa nói đến sự lợi dụng chức quyền để có bằng tiến sĩ, mua bán
bằng cấp, nghiên cứu ma (giả tạo hay thay đổi số liệu), nghiên cứu
không đạt tiêu chuẩn khoa học hay sai phương pháp, v.v… được đề cập
đến với nhiều bức xúc. Trong thực tế, rất nhiều người có học vị này
chưa chứng tỏ mình là một nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học
vị tiến sĩ, vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành
chính và quản lí hơn là những cống hiến mang tính khoa học và hàn lâm
mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Do đó có người mang bằng tiến sĩ từ
nước ta sang Thái Lan để học nhưng chỉ được công nhận tương đương bằng
y tá! Đã có người khẳng định rằng có nhiều luận án tiến sĩ ở trong
nước không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của một luận án tiến sĩ. Những
vấn đề về đào tạo tiến sĩ đã được nêu lên nhiều lần, nhưng hình như
vẫn chưa có ai đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ là
gì.
Trong bối cảnh như thế mà có quan chức nói đến chuyện có bằng tiến sĩ
để có tư duy đột phá!
Như nói trên, học vị tiến sĩ là “giấy thông hành” để làm nghiên cứu
khoa học. Sản phẩm quan trọng của nghiên cứu khoa học là bài báo khoa
học được công bố trên các tập san quốc tế. Nhưng với 6600 giáo sư và
phó giáo sư, cộng với 6250 tiến sĩ, đáng lẽ Việt Nam phải công bố
khoảng (ít nhất là) 6000 bài báo khoa học. Nhưng hiện nay, mỗi năm,
Việt Nam công bố được chỉ khoảng 1000 bài báo khoa học. Con số này
thấp nhất so với các nước khác trong vùng Đông Nam Á, và chỉ bằng 1/5
Thái Lan và 1/10 Singapore.
Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ
sư” như thế? Hiện nay, trong số GS/PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3
(chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các
quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên
cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã
và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn.
Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở
Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học
vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các
bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế,
vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành
chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những
con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách
làm đẹp con số thống kê.
Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến
sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để
tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Chẳng hiểu từ đâu mà có
qui định lạ lùng như phải là tiến sĩ mới được làm trưởng khoa trong
một đại học, hay được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống
quản trị hành chính. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp,
người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó,
rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ!
Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học
vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.
NVT
Nguồn:
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/09/nhung-ngo-nhan-ve-hoc-vi-tien-si.html