.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Học, học khắp mọi nơi, học mọi lứa tuổi, học hoài, học mãi! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sách mới : Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

  Giáo Dục

 Thương cho ông Nguyễn Thiện Nhân

  • Ngô Nhân Dụng
    Nguồn :
    Người Việt Online

Mấy năm trước ở Việt Nam có người nêu vấn đề tại sao cứ phải chọn người trong đảng Cộng Sản vào làm chính phủ, tại sao không chọn theo tiêu chuẩn khả năng, cho những người ngoài Ðảng vào cũng được vào? Nhưng lại có nhiều người sợ nhân tài của nước Việt Nam đã thành đảng viên cộng sản hết cả rồi, bên ngoài lấy đâu ra người giỏi nữa? Lúc đó là trước cái Ðại Hội X, họ cho dân được nói linh tinh cho vui cửa vui nhà. Một người Việt quốc tịch Mỹ đang ở Sài Gòn hồi đó, ngồi uống cà phê nói chuyện với một nhà báo, anh nói đùa rằng nếu được mời làm bộ trưởng giáo dục, một người như anh cũng làm được! Không ngờ ông ký giả đem câu nói đó lên báo, khiến cho kinh tế gia Phạm Ðỗ Chí bị nhiều đảng viên cộng sản nhìn bằng con mắt nghi ngờ, như lo có người đang tranh mất “giốp” của họ. Ở bên ngoài thì Phạm Ðỗ Chí còn bị bạn bè mắng là “thân Cộng” nữa!

Phạm Ðỗ Chí may mắn vì chỉ nói đùa chơi. Vì làm bộ trưởng giáo dục trong chế độ cộng sản ở nước ta bây giờ chỉ mang tội. Bài này mang tựa đề là “Thương ông Nguyễn Thiện Nhân”, là thương hại một người đang chịu búa rìu dư luận do tội lỗi của cả một chế độ gây ra.

Ông Nguyễn Thiện Nhân là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục ở Việt Nam. Ông mới bị rất nhiều người đả kích, rất tội nghiệp. Chẳng qua chỉ vì ông nói sự thật. Trong một cuộc chuyện trò với mạng lưới VNExpress, ông nói như vầy: “Học kỳ một năm học này (tức trong niên khóa 2007-2008) có trên 100,000 học sinh bỏ học, thì chúng ta chưa đủ thông tin đánh giá là tình trạng này xấu đi hay tốt hơn. Tôi (Nguyễn Thiện Nhân) cho rằng về tổng thể thì tốt hơn.”

Một ông bộ trưởng giáo dục mà nhìn thấy cảnh 100 ngàn học sinh bỏ học rồi nhận xét rằng về tổng thể là tốt hơn trước! Ðọc lời tuyên bố đó, nếu không nổi giận thì cũng phải bật cười! Một trăm ngàn học sinh phải bỏ học mà nói rằng tốt hơn, vậy cái gì mới là xấu hơn? Nhiều người nổi nóng lên tiếng chỉ trích ông Nguyễn Thiện Nhân, họ có lý do chính đáng.

Nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ nói lên một sự thật. Nếu giỏi nói dối, ông đã chối phăng rằng không có học sinh nào bỏ học cả - giống như ngài thủ tướng (gọi như vậy chắc không có vẻ hằn học) Nguyễn Tấn Dũng chối rằng ở Việt Nam không có ai bị bắt giam vì bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản. Nói xong, chùi mép một cái, nhìn mọi người chung quanh coi chúng là ngu dốt hết, thế cũng xong!

Sự thật mà ông Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên là tình trạng năm học 2007 chỉ có 114,000 học sinh bỏ học là “tốt hơn trước.” Vì báo chí trong nước cho biết niên khóa 2003-2004 trên toàn quốc đã có tới 580,000 học sinh bỏ học. Trong niên khóa 2005-2006 con số trò bỏ học đã lên tới hơn 600,000 em. Số học trò bỏ học đang thừa thắng xông lên như vậy, đến năm ngoái nó tụt xuống chỉ còn 100 ngàn, ông Nguyễn Thiện Nhân nói như vậy là tốt hơn; đó là một sự thật! Giống như một nhà thương năm trước làm chết 200 bệnh nhân vì cho uống nhầm thuốc, năm nay chỉ gây tai nạn cho 180 người, theo lối ông Nguyễn Thiện Nhân cũng phải nói là “về tổng thể là tốt hơn!” Ai dám bảo là nó xấu hơn những năm trước nào? Cứ tình trạng hàng trăm ngàn học sinh bỏ học mỗi năm như vầy, nếu còn tiếp tục sẽ tới lúc không còn trẻ em nào đi học nữa. Cuối năm, có thể kết toán là số học sinh bỏ học đã xuống số không, zero! Lúc đó, về tổng thể, có thể coi là tình trạng tốt nhất!

Ðể tránh không cho tình trạng “tốt nhất” đó xảy ra, chúng ta phải tìm tới căn nguyên sâu xa để trừ tận gốc, chứ không thể chỉ đổ tội cho một ông bộ trưởng giáo dục. Tất nhiên, trong quốc gia nào cũng vậy, chỉ cần MỘT học sinh bỏ học người ta cũng phải tự hỏi đâu là nguyên nhân, và làm sao để sửa chữa. Không thể nào chấp nhận việc có những học sinh muốn học, có khả năng học, mà phải bỏ học. Nhưng trong nước Việt Nam của chúng ta, những lý do gây ra cảnh học sinh bỏ học hàng trăm ngàn một năm không phải chỉ do Bộ Giáo Dục gây ra; chắc chắn một đời bộ trưởng giáo dục không thể gây ra cảnh đó. Cho nên vẫn phải thương ông Nguyễn Thiện Nhân là người phải đưa đầu ra nhận những búa rìu dư luận.

Tuần trước, đài phát thanh BBC đã phỏng vấn Giáo Sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Ðại Học An Giang về vấn đề này; theo thống kê chính thức tỉnh An Giang có 17,000 học sinh bỏ học. Giáo Sư Võ Tòng Xuân nêu lên mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất là lạm phát. Thứ hai là việc tăng học phí ở các trường công lập. Và thứ ba là hậu quả của chính sách “đề cao thành tích” trước đây, cứ cho các em học sinh lên lớp dù không đủ sức.

Có thể tin những phân tích của Giáo Sư Võ Tòng Xuân, vậy xét ba nguyên nhân trên, ta thấy ông bộ trưởng giáo dục chịu trách nhiệm về những khoản nào? Ông Nguyễn Thiện Nhân không có khả năng gây ra nạn lạm phát. Việc tăng học phí là do đảng Cộng Sản không cung cấp đủ tiền cho ngân sách giáo dục, ai là bộ trưởng cũng chịu thua, không tìm đâu ra tiền. Còn cái thói đề cao thành tích, đó không phải là do các nhà giáo đặt ra. Từ thời ông Hồ Chí Minh vẫn có những phong trào “thi đua đạt thành tích,” rồi “thi đua vượt chỉ tiêu,” khắp mọi ngành chứ không riêng ngành giáo dục. Thi sĩ Hồ Chí Minh rất hãnh diện về những câu “thơ” như “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” mà thi sĩ Tố Hữu ca ngợi là nghe ròn như tiếng súng liên thanh!

Bất cứ một chế độ độc tài nào cấm không cho ai được nói trái ý mình, mà lại bắt con người phải thi đua, thi đua, thi đua mãi, thì hậu quả tất nhiên là sinh ra bệnh “làm láo báo cáo hay!”. Không cần phải thông minh xuất chúng cũng biết như vậy. Tại sao Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản khác cũng biết vậy mà vẫn cứ bắt người ta phải đề cao thành tích? Vì họ không quan tâm đến kết quả thật. Nếu số thóc báo cáo là 10 tấn mà thực tế chỉ có 3 tấn, thì thằng dân đói chứ lãnh tụ đâu có đói? Nếu học sinh học hết trung học không làm được con tính hai ẩn số thì học sinh dốt chứ thầy giáo hề hấn chi? Nhưng hệ thống thi đua đó buộc mọi người phải sống trong căng thẳng, lúc nào cũng thấy mình bị kiểm soát và sợ hãi không biết mình báo cáo thành tích ra sao cho vừa lòng cấp trên. Khi đó, các cán bộ sẽ kiểm soát được tất cả mọi người. Kiểm soát chính trị bằng hộ khẩu, kiểm soát kinh tế bằng tem phiếu, kiểm soát thất tình lục dục của người ta bằng thi đua, đêm nằm mơ cũng thấy thi đua thành tích! Dân thì sợ cán bộ, cán bộ nhỏ sợ cán bộ lớn, tất cả sợ mấy anh lãnh tụ ngồi trên đầu mọi người. Ðó là một hệ thống kiểm soát tinh vi do các ông Stalin, Mao Trạch Ðông sáng chế ra và đã áp dụng thấy có lợi. Các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn chỉ sao chép lại áp dụng ở nước ta mà thôi.

Hậu quả là cả nước học cái thói quen nói dối, thằng dưới gạt thằng trên, thằng trên giả bộ tin. Lâu ngày nó thành tập quán của cả xã hội! Trong trường học thầy nói dối trò, biết nó dốt vẫn cho lên lớp. Từ lớp dưới đùn lên lớp trên, năm sau lại đùn lên lớp trên nữa, càng ngày càng ứ ra, càng ngày trình độ học sinh càng dốt. Một cán bộ giáo dục ở quê tôi là tỉnh Bắc Ninh đã nói thật rằng bây giờ mà học sinh lớp 12 biết làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia đã là một điều may mắn rồi. Tất cả những thói quen gian dối đó tích lũy từ thời ông Hồ để lại, đổ tội cho ông Nguyễn Thiện Nhân là oan!

Ông Nguyễn Thiện Nhân có ý muốn chấm dứt tình trạng học sinh dốt, cho nên ông ta mới gây tai họa cho chính mình. Bắt học sinh lớp 10 phải học đúng trình độ lớp 10 thì hầu hết các em sẽ không đủ sức, vì trình độ chỉ ở lớp 7, lớp 8. Ðó là một lý do nhiều học sinh bỏ học. Nguyên nhân gây ra nạn bỏ học có từ ngày đảng Cộng Sản củng cố chế độ độc tài của họ, muốn thay đổi phải làm lại tất cả, một đời bộ trưởng giáo dục không thể làm nổi.

Giáo Sư Võ Tòng Xuân nhận xét rằng các thầy các cô giáo đứng lớp bây giờ “cũng chỉ là sản phẩm của một hệ thống ‘học vẹt’ và họ lại dạy học sinh theo lối học vẹt như cũ.”

Nhưng ai bầy ra cái thói học vẹt như vậy? Những con vẹt lên lớp hăng hái nhất là các anh quản giáo. Nhưng tất cả hệ thống giáo dục đều bị các quản giáo chỉ huy. Một sinh viên Việt Nam ở Ðà Nẵng than rằng trong đại học anh phải học 6 tới 7 môn về chính trị, không còn thời giờ học về chuyên môn nữa. Học thứ chính trị gì? Tất nhiên là phải học chủ nghĩa Mác-Lênin, trong khi ở nước Nga người ta cũng bỏ nó rồi, đến cái xác ông Lê Nin cũng sắp được đem chôn. Chính các ông lãnh tụ cộng sản ở Việt Nam bây giờ cũng chỉ theo chủ nghĩa đô la, không còn ai tin chủ nghĩa cộng sản nữa. Sinh viên Việt Nam đã nói đùa rằng ông Karl Marx tiên đoán chủ nghĩa tư bản đang trên đường giẫy chết, trong khi chủ nghĩa cộng sản nhất quyết qua mặt chủ nghĩa tư bản. Tức là chủ nghĩa cộng sản phải chết trước!

Cho nên ông Nguyễn Thiện Nhân là một người đáng thương. Chỉ khi nào các ông lãnh tụ cộng sản dám thú nhận rằng họ đã lầm, Hồ Chí Minh đã lầm khi đi theo chủ nghĩa cộng sản, bây giờ người Việt Nam phải làm lại nước Việt Nam, thành thật với nhau, tử tế với nhau, phục hồi những đạo lý của cha ông, khi đó mới có thể nói tới chuyện cải thiện nền giáo dục. Khi đó mới chấm dứt được nạn học sinh bỏ học.

 


THÔNG TIN - XÂY DỰNG

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.