Trồng người

Gs. Bùi Trọng
Liễu
Sinh năm 1934, du học ở Pháp (1950), rồi định cư ở Pháp.
Tiến sĩ nhà nước về khoa học, ngành Toán. (Docteur d’Etat ès
sciences mathématiques), Paris 1962.
Nghiên cứu viên tại Direction des Etudes et Recherches de l'EDF
(1959-1963).
Giáo
sư đại học (Lille 1963-1969, Paris 1969-2003).
Nghỉ
hưu 2003.
Bùi Trọng Liễu là tác giả của 4 cuốn sách đã xuât bản ở Việt
Nam:
"Tự sự của người xa quê hương” (tên cũ là “Chuyện gia đình và
ngoài đời”) , nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004.
"Chung quanh việc Học", nxb Thanh niên 2004.
“Học gần, Học xa” , nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005.
Hai
cuốn sách sau do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Tổng hợp
tp HCM tái bản dưới đầu đề “Học gần, Học xa” 2006.
"Học Một Sàng Khôn", nxb Tri thức Hà Nội 2007.
Một cuốn sách thứ 5, chưa xuất bản, là một "tạp ký bỏ ngỏ:
"Hướng về quê cũ lúc chiều tà" gồm các bài báo gần đây của
tác giả đã đăng trên báo. |
Tết năm Canh Tý (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào
« trồng cây » (kéo dài một tháng từ 6/1/1960 đến 6/2/1960, cám ơn
anh ĐT nhắc tôi chi tiết này). Hồ Chủ tịch lại có câu nổi tiếng,
được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: « Vì lợi ích mười năm thì phải
trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người ».
(Cụ là người thâm hiểu Hán học, chắc Cụ lấy từ điển tích Quản Trọng
thời Xuân Thu. Quản Trọng sinh năm 725 trước Công nguyên, mất năm
645 trước Công nguyên, là nhà chính trị và nhà tư tưởng lớn của
Trung quốc, tướng quốc nước Tề, giúp vua Hoàn Công, làm nên nghiệp
bá. Kế sách của Quản Trọng là : « Kế sách cho một năm, lấy việc
trồng lúa làm đầu. Kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu.
Kế sách cho trọn đời, lấy việc trồng người làm đầu . Lúa, thì trồng
một gặt một. Cây, thì trồng một hái mười. Người, thì trồng một gặt
trăm ». Nguyên văn trong sách Quản tử của ông, phiên âm là : « Nhất
niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.Chung
thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã. Nhất
thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã »).
Lợi ích của việc trồng cây, và nhất là việc « trồng người », thật đã
quá rõ. Nhưng vấn đề chính cho hiện nay là « trồng người » như thế
nào đây, vì hô khẩu hiệu không thì không đủ.
Tháng 1 năm 1946, Hồ Chủ tịch có nói câu : « Tôi chỉ có một sự ham
muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc
lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc,
ai cũng được học hành ». Tôi nghĩ rằng chữ « được » trong câu « ai
cũng được học hành » này không chỉ mang ý nghĩa tinh thần « không bị
cấm », mà còn mang ý nghĩa được nâng đỡ về mọi mặt, kể cả vật chất.
Bước đầu « trồng người », phải là từ đó. Thoạt mới nghe tưởng như là
dễ, là hiển nhiên. Thế nhưng ngày nay, 63 năm sau, sao lại vẫn còn
có người mù chữ, sao vẫn có học sinh phải bỏ học vì gia cảnh, ngay ở
bậc phổ cập ? Chiều ngày chủ nhật 30/9/2007, nhân chuyến công du tại
Pháp, có buổi gặp gỡ của ông Thủ tướng với Việt kiều tại Sứ quán
Việt Nam tại Paris. Trả lời một câu hỏi về học phí, ông Thủ tướng
nói : « Tiểu học và Trung học Cơ sở không phải đóng học phí ». Tôi
không phải là người duy nhất nghe thấy lời này. Nhưng tôi lại thấy
có người giải thích : phải biết phân biệt « học phí » với các
« phí » khác như chi phí học tập, chi phí cho việc tu sửa trường
học, bàn ghế, dụng cụ, sinh hoạt này nọ mà các gia đình « phải tự
nguyện » đóng góp, ngay cả trong hệ công lập. (Hệ tư lập thì tôi
không bàn, ai có tiền cứ việc trả ; tôi chỉ nói hệ công lập, vì nó
hoàn toàn thuộc Nhà nước). Và trong cả các cấp học cao hơn nữa, cũng
thấy đang có đề án tăng học phí từ phía Bộ, thậm chí còn nghe có
người dùng một cụm từ « tiền nào của nấy » làm như trí tuệ có thể là
một thứ hàng hóa thuận mua vừa bán, cứ có tiền là mua được. Lại có
người nêu vấn đề cổ phần hóa trường công, trong đó có các đại học
công lập. Có lẽ đấy là một số người chủ trương nhân dân « trồng
tiền » để họ gặt lãi, chứ đâu có phải là « trồng người ». Nếu gia
đình người dân phải tự mình lo « trồng người » cho con cháu mình,
trong khi còn tồn tại một bộ máy quản lý Giáo dục Đào tạo lớn và một
ngân quỹ công đồ sộ từ thuế của dân, thì « Quốc sách hàng đầu » của
nhà nước có ý nghĩa gì ?
Lại có một giai đoạn, hình như chưa chấm dứt được, người ta trọng số
lượng thay vì trọng chất lượng, cho nên mới đẻ ra những các loại
nhầm chưa sửa được xong : « học sinh ngồi nhầm lớp », « nhà giáo
đứng nhầm lớp », « nhà quản lý giữ nhầm ghế ». Đấy là « trồng thành
tích », không phải là « trồng người ».
Lại có khía cạnh này nữa. Sao lại có việc đạo văn, có luận án tiến
sĩ không hợp trình độ, có mạo nhận, có tiếm xưng, có « học giả bằng
thật » – nếu sự mạo bằng cấp, tiếm xưng, còn có thể giải thích là sự
gian lận cá nhân, thì việc « học giả bằng thật » không thể do
đương sự tự tạo ra ; nó phải có một sự phối hợp, hoặc đồng lõa, hoặc
chủ trương nào đó mới có thể xảy ra (do « lợi nhuận trên hết » ?) –
sao lại có quan chức do bằng cấp dỏm mà được bổ nhiệm và vẫn nhởn
nhơ với địa vị ? Trí tuệ không phải là cứ có thế mạnh là có thể
giành chiếm đoạt được. Nếu để tồn tại mấy sự việc này, thì là
« trồng quan chức » chứ đâu có phải là « trồng người » !
Có câu chuyện cũ . Cũng năm 1960, cụ Hồ về thăm quê. Theo
http://www.hanoimoi.com.vn/vn/66/153843/ kể : Về đến nhà khách Tỉnh
ủy Nghệ An, vừa trò chuyện, cụ vừa nhìn ra con đường dẫn vào nhà
khách, thấy có nhiều bông hoa rực rỡ, nở đều, ngay ngắn hai bên. Bất
chợt, cụ đi ra, dùng tay nhổ nhẹ một cành lay-ơn. Cành hoa nhẹ bẫng,
không có chút rễ nào (cành hoa cắm xuống đất, giả như cây trồng).
Gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tới, cụ nghiêm giọng nói: “Đây là một
việc làm thiếu chân thực và lãng phí. Tưởng các chú trồng hoa thì
hay, có lợi cho môi trường. Nào ngờ, vì Bác vào thăm nên các chú
phải mua bông này về « trồng ». « Trồng » hình thức nó sẽ chết. Đây
là một căn bệnh phô trương hình thức. Đón Bác như thế này Bác không
vừa lòng !”. Tôi cũng mang máng nhớ ai đó kể trong một bài viết nào
đó, thời ông Diệm còn là tổng thống, ông đi kinh lý, địa phương cũng
« cắm cây » để chứng tỏ họ quan tâm trồng cây. Thấy kể là Ngô tổng
thống đi qua không phát hiện ra. « Trồng người » ngày nay có khác
« trồng cây, trồng hoa » kiểu ấy không nhỉ ?
Ta có câu chuyện cổ tích dân dã : Hổ hỏi trâu đang cày cho người ở
ruộng : « Mày to lớn vậy mà sao bị người sỏ mũi bắt đi cày ? ». Trâu
trả lời : « Tại người nó có trí khôn ». Hổ hỏi người : « Trí khôn
mày đâu, phải đưa nộp tao, nếu không thì tao ăn thịt mày ». Người
đáp : « Trí khôn tôi để ở nhà, để tôi chạy về lấy ra mang nộp ông.
Nhưng nếu tôi chạy về nhà, thì ông ăn thịt mất trâu của tôi. Vậy để
tôi trói ông vào gốc cây đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn ra nộp
ông ». Hổ đồng ý. Người trói hổ vào gốc cây, rồi lấy bắp cày vừa
phang vào hổ vừa bảo : « Trí khôn của tao đây », vv.
Thời nào cũng có « hổ », mà lại là hổ dữ. Vấn đề là « người » hiện
nay có biết « trí khôn » của mình để đâu không, để mà trị hổ ? Cho
nên, « trồng người », thời này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhưng không hiểu một số người nghĩ gì về « trồng người » khi người
ta hô hào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh ?
Yêu
độn thời nay
18 năm trước đây, tôi có viết bài báo mang tên “Yêu độn” (đăng trên
Đoàn Kết số tháng 5/1990). Tôi trích đoạn mở đầu bài đó:
« Một anh bạn sống trong nước tâm sự: Trong những năm tháng gian
khổ, người Việt Nam đã phải “ăn độn”, cơm lẫn ngô, khoai, mì. Ngô,
khoai, mì mà ngon, thì cũng nhiều người thích ăn tự nguyện; chữ
“độn” chỉ dùng trong trường hợp không ngon mà buộc phải ăn lẫn vào.
Nhưng khó sống hơn nữa, là phải “yêu độn”, nghĩa là yêu nước phải
ghép với yêu xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội nhân ái, thì nhiều
người yêu tự nguyện; nhưng đừng buộc người khác phải “yêu độn’”,
nghĩa là phải giả yêu một thứ chủ nghĩa xã hội nào đó để được yêu
nước ».
Tất nhiên, ngày nay chuyện nói trên không còn là thời thượng nữa.
Nhưng lại có những chuyện khác; tôi tạm dẫn thí dụ của ngành giáo
dục đào tạo.
Tôi vốn là một nhà giáo. Tôi mơ nghề này từ thuở còn thơ ấu, và đã
chịu mọi khổ ải để đạt được mức độ hành nghề và đã thực sự hành nghề
trong 40 năm. Vì thế tôi mà tôi nghĩ là tôi đồng cảm với đa số nhà
giáo trong nước, những thày cô đã chọn nghề này vì sứ mạng của nó.
Nhưng khi một nền giáo dục đào tạo – thay vì “bình thường” như ở các
nước đã phát triển hay ở một số nước đang phát triển – đang bị một
khuynh hướng “ưu tiên lợi nhuận” áp đảo, thì sự yêu nghề giáo phải
chăng cũng là một thứ “yêu độn” ? Các thứ “độn” đây – buộc lòng phải
“nuốt” để có thể hành nghề – là những tình trạng bất cập, thí dụ như
: sự bất bình đẳng giàu nghèo trong việc học ; công tư lẫn lộn, học
phí và các khoản “phí” khác nặng nề ; bạo lực trong trường học ; vệ
sinh trong trường học ; bệnh thành tích ; sự buộc lòng nhà giáo phải
tìm cách kiếm thêm để có thể nuôi mình và gia đình mình vì lương
không đủ trong khi ngân quĩ của bộ giáo dục chưa được giải thích chi
tiêu rõ ràng ; sự chịu đựng những ngôn từ và “triết lý” mà một số
nhân vật chế biến ra để che đậy ý đồ của mình – như “xã hội hóa”
giáo dục , kỳ thật ra để đẩy gánh nặng lên vai người dân ; “cổ phần
hóa ” trường học ; giáo dục là hàng hóa (thuận mua vừa bán) ; có
“cầu” (kỳ thật ra là muốn có bằng cấp mà không cần trình độ tương
xứng) thì phải có “cung ” ; sự tồn tại của sự “học tại chức ” (và
nếu “bận” thì gửi người học thay) cũng được phát bằng như hệ chính
qui ; học giả bằng thật ; trường đại học mở tràn lan mặc dù chưa có
đội ngũ nhà giáo tương xứng ; sự nhà giáo lương thiện đành chung
sống trong đội ngũ của mình với những kẻ đạo văn, kẻ giả mạo bằng
cấp, kẻ tiếm xưng, vv… (Tôi có phát biểu và viện dẫn chi tiết qua
sách báo : nếu cần, xin mời mở xem trang mạng :
http://www.buitronglieu.net).
Tôi không rõ đối với nhà giáo, về mặt cá nhân, “yêu độn” ngày nay có
dễ hơn “ăn độn” thuở kinh tế khó khăn không ? Nhưng về mặt lợi ích
của tập thể, của đất nước, của dân tộc nói chung, thì sự “yêu độn”
này là nỗi đau xót cho nhà giáo lắm, nhất là khi đa số các gia đình
học sinh – « muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu
lấy thầy » – và dư luận nói chung, cũng chia sẻ sự đau xót này.
Trích trong Hướng về quê cũ lúc chiều tà của Giáo sư
Bùi Trọng Liễu
http://giaosubui.net/index.php?option=com_frontpage&Itemid=1
|