Nghĩ về chúng ta
Hiện đại và Dân tộc tính

Gs. Trần Hữu
Dũng, Department of Economics Wright State University
Dayton, OH 45435
USA |
Phát triển kinh tế và uy tín quốc tế trong những năm qua của nước
ta, cộng với tiện nghi trong đời sống do công nghệ tiên tiến đem
lại, đã gây ra những biến chuyển chóng mặt trong sinh hoạt và nhận
thức của hầu hết mọi người Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng bị bao
phủ bởi bao nhiêu chuyện hàng ngày: từ những vụ tham nhũng khủng
khiếp, những vấn đề bức xúc trong giáo dục, y tế, giao thông, những
tệ nạn xã hội, cho đến những sự cố trọng đại về chủ quyền, về lãnh
thổ... làm tâm thức chúng ta khó thể không chao đảo.
Phải nghĩ sao? Bắt đầu từ đâu? Nhìn từ một góc cạnh căn bản thì
dường như có sự căng thẳng giữa “cái bây giờ” – tạm gọi là tính hiện
đại – và “cái của ta”, nói gọn là dân tộc tính. Phải nghĩ về liên
hệ giữa hai phạm trù này như thế nào? Có thể chăng một sự hòa hợp
giữa hai phạm trù ấy?
I. Hiện đại và thời thượng
Khi nói về hiện đại, có lẽ điều trước hết là phải tách nó ra khỏi
những khẩu hiệu thời thượng. Cần cưỡng lại phản xạ dùng những cụm
từ “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”, “hội nhập”...
Tất nhiên, những cụm từ này không là vô ích, nếu ta thực sự ý thức
tính phức tạp của chúng và vâng, hành trang ý thức hệ của chúng
nữa. Trong mọi trường hợp, chúng chỉ nên là khởi điểm cho những suy
nghĩ sâu sắc hơn, nhất là nhìn từ nước ta. Nguy hiểm là, quá nhiều
khi, chúng được dùng như những khẩu hiệu thế chỗ cho phân tích, một
cách che lấp sự lười biếng trí thức. Thực vậy, nên nhớ rằng những
cụm từ này xuất phát từ phương Tây, và tuy những người đặt ra chúng
(như nhà báo Thomas Friedman với ý niệm “thế giới phẳng”) là nhiều
thiện chí, chúng không thoát khỏi một phạm trù căn bản: đó là những
ý niệm nhìn qua lăng kính văn hóa (và quyền lợi kinh tế!) tây
phương. Chẳng hạn, thử nghĩ xem: “Hội nhập” là gì? Phần nào là tích
cực, phần nào là một tiến trình không cưỡng được? Hội nhập, theo
nhiều người, không những có nghĩa là mở cửa rộng rãi để buôn bán với
nước ngoài, đón nhận đầu tư, nhưng còn là chấp nhận những “giá trị
của thế giới”. Nên nhớ rằng quốc tế là một cộng đồng với nhiều hệ
thống giá trị. Hội nhập là mở cửa với thế giới, nhưng đó là cái cửa
hai chiều: vào và ra. Hội nhập đúng nghĩa phải gồm một sự chọn lọc
những giá trị tốt từ bên ngoài (không nhất thiết phải từ phương
Tây), đồng thời là một cố gắng đầy tự tin để quảng bá giá trị của ta
(những giá trị tiềm ẩn trong dân tộc tính) với thế giới. Thiếu cảnh
giác, những mỹ từ đó sẽ ru ta vào một giấc hoang mơ...
Tương tự, nhiều người nghĩ đến “hiện đại” như một cuộc đua giữa các
quốc gia, hoặc là thứ hạng của Việt Nam trên thế giới. Tất nhiên,
ai cũng mừng khi thấy chỉ số cạnh tranh của ta năm nay cao hơn năm
ngoái, cũng buồn khi tham nhũng ngày càng bị quốc tế cho là nhiều.
Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, điều quan trọng không phải là những con số
thống kê, hay kết quả của vài cuộc thăm dò doanh nhân nước ngoài,
nhưng là hiện trạng mà mỗi người trong chúng ta nhận thấy ràng ràng
trong đời sống hàng ngày của bản thân. Về tham nhũng chẳng hạn, mọi
người dân Việt Nam đều biết nó là đến bực nào, đã lên hay xuống
trong thời gian qua. Ta không cần dư luận nước ngoài mới biết (dù
rằng những cuộc thăm dò ấy có ích trong chừng mực chúng ảnh hưởng
đến quyết định làm ăn của người nước ngoài ở nước ta).
Chúng ta nhìn quốc tế để biết khả năng một xã hội, nhất là những
quốc gia có nhiều tương đồng với ta, để học hỏi, để biết cái gì mà
một nước như ta có thể làm được. Chúng ta nên nhìn nước khác để nhận
ra những hụt hẫng của mình, nhưng đó là những bài học vi mô, và ta
phải nhìn chúng để tìm giải pháp cho các vấn đề cụ thể chứ
không chỉ để buồn bã so bì (hay tự mãn!). Khi có những tiến bộ vi
mô như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì sự tiến bộ vĩ
mô của mình. Tất nhiên giữa các quốc gia chẳng bao giờ là không có
những cạnh tranh, thậm chí tranh chấp ... song mục tiêu căn bản của
chúng ta phải là tạo cho dân ta một đời sống ấm no, hạnh phúc... Ta
không thể để mình bị “choáng mắt” “hoảng lọan” vì những con số tuy
giật gân nhưng ít ý nghĩa, và nhất là khi chúng không giúp ta tìm
giải pháp nào cho một vấn đề cụ thể.
II. Cái hiện đại của ta
Nên nhớ rằng, nếu không để ý, ta sẽ định nghĩa “hiện đại” theo cái
nhìn của một nền văn hóa khác. (Gần đây, triết gia Pháp
Bernard-Henri Lévy đã phải nhắc lại điều này để phản bác một bài
trên tuần báo Time của Mỹ cho rằng “văn hóa Pháp đã chết”!).
Không khéo, chúng ta sẽ lẫn lộn hiện đại hóa và tây phương hóa.
Thực vậy, hiện đại hóa mà thiếu dân tộc tính sẽ là tha hóa. Hiện
đại không có nghĩa là xóa bỏ tính cá biệt của nhân thân, hay rộng
hơn là của dân tộc. Dù sẽ trở thành công dân của thế giới, chúng ta
đến từ lịch sử, quê hương ta, cũng như người quốc gia khác đến từ
lịch sử, quê hương họ. Sự phong phú của đời sống hiện tại không phải
có được bằng cách đồng nhất hóa mọi người (một thế giới như thế sẽ
nhạt nhẽo biết bao!), nhưng bằng sự mỗi người đóng góp cái cá biệt
của mình vào cái chung của nhân loại, và nhìn nhận (thậm chí tôn
vinh) cái cá biệt của người khác. Hiện đại hóa dân tộc tính (nếu có
thể nói như vậy) là một hành trình gay go, cần nhiều suy nghĩ thấu
đáo, khách quan. Ta không sô vanh cuồng tín nhưng cũng không chấp
nhận vô điều kiện những lề lối ngoại lai như tấm vé để “hội nhập”.
Có quả là chúng ta (như thế giới “hiện đại”) đang chạy theo vật chất
quá đáng mà quên đi những giá trị nhân văn (không nhất thiết cá biệt
của Việt Nam) – những giá trị thiết yếu cho “chất lượng đời sống”?
Chúng ta có thói quen nói những điều đó như là nghĩa vụ, như trách
nhiệm của chúng ta (đối với thế hệ trẻ, chẳng hạn), nhưng thật ra nó
còn hơn thế nữa. Nó là nghĩa vụ của chính chúng ta đối với chúng
ta, của con người đối với con người. Lịch sử, cần khẳng định, là
một cấu tố của chính đời sống hôm nay, không phải là “cái khác”, mà
là “cái này”, của cá nhân ta, hôm nay.
Hiện đại cũng không phải là một đặc tính của thế hệ, của tuổi trẻ.
Ấn tượng thiển cận này, nếu có, hẳn là xuất phát từ sự đánh đồng
phong cách hiện đại với sự quen thuộc với văn hóa giải trí, với sự
thông thạo sử dụng những máy móc, trò chơi điện tử. Bất cứ xã hội
hiện đại nào, bất cứ lúc nào cũng là sự chung sống của nhiều
thế hệ “gối đầu” lên nhau, Hiện đại, ở thế hệ đi sau, nằm ở cách họ
đối xử với thế hệ đi trước (mà chính họ sẽ trở thành!), và cũng là ở
thế hệ đi trước đối với thế hệ sau. Tùy theo độ tuổi, tính hiện đại
có thể khác nhau chút ít về bản chất, nhưng không nhất thiết ở cường
độ, và chắc chắn là không xung khắc. “Lớp già” cũng đóng một vai
trò thiết yếu trong ký ức của dân tộc, họ là tích tụ của những kinh
nghiệm sống, lịch sử hình thành của nước ta... Tính hiện đại của
một xã hội là gom nhập tính hiện đại của mọi thế hệ, mọi thành phần
trong xã hội ấy. Nói cụ thể hơn, một xã hội mà thế hệ này xem thế
hệ kia là không quan trọng, thành phần này coi rẻ thành phần khác,
là một xã hội ... không hiện đại, trong cái nghĩa tốt đẹp của danh
từ này.
Tính hiện đại của dân tộc cũng không dừng lại ở biên giới địa lý bởi
vì nó bao gồm cả người Việt trong nước lẫn ở nước ngoài. Người Việt
ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hóa của quê hương,
không chỉ ở “chất xám”, hoặc “kiều hối”, nhưng còn trong vai trò
viễn thám văn hóa. Mặt khác, họ cũng đặt nhiều vấn đề (mà lắm lúc
họ cũng không ý thức) về dân tộc tính, cần suy nghĩ.
III. Văn hóa và trí thức
Rõ ràng, xã hội hiện đại đặt ra nhiều vần đề bức xúc, cần suy nghĩ,
và chính nhu cầu này làm nổi bật một sự hụt hẫng trầm trọng hiện nay
của chúng ta, đó là sự nghèo nàn sinh hoạt văn hóa mà giới trí thức
phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm. Đặt bên cạnh những sinh hoạt
kinh tế sôi nổi, những phồn vinh về vật chất, những thắng lợi trên
chính trường quốc tế, thì đời sống văn hóa của chúng ta hầu như
thiếu tiến bộ tương xứng, thậm chí nghèo nàn, ít nhất cũng là quá
tĩnh lặng. Đó là một tĩnh lặng đáng lo, bởi vì, khi mà tiến trình
“hiện đại hóa” đang vùn vụt như vũ bão, và khi mà đầu máy của tiến
trình ấy là thương mại, thì trách nhiệm của người trí thức để chấn
chỉnh, tạo một đối trọng cho văn hóa tiêu dùng bằng một nền văn hóa
khác, “hướng thượng” hơn, là không gì cần thiết bằng. Chính sự
thiếu vắng một kháng thể mạnh mẽ cho thứ văn hóa tiêu dùng, hưởng
thụ, là một trong những nguyên nhân của sự rệu rã xã hội hiện nay.
Văn hóa dân tộc không chỉ là di sản mà còn là những sinh họat đương
thời. Và tuy nó là thành quả chung của cộng đồng, những người được
coi là “trí thức” có một trách nhiệm đặc biệt trong sinh hoạt này.
Trọng trách ấy người trí thức phải nhận lãnh, nhưng nó cũng đòi hỏi
nhà nước mở rộng, và xã hội khuyến khích, “không gian” sáng tạo,
phát biểu, tranh luận. Những sinh hoạt ấy phải được xem như là cốt
yếu để huy động nội lực cho phát triển, và thành quả của chúng chính
là nhằm bảo tồn dân tộc tính, xương sống của thế đứng quốc gia trong
bang giao quốc tế.
Trách nhiệm trí thức là đặc biệt quan trọng đối với tuổi trẻ. Ở bất
cứ xã hội nào thì tuổi trẻ bao giờ cũng bị cuốn hút vào luồng văn
hóa đại chúng, thời thượng. Nhưng đừng trách họ (như thói quen của
mọi thế hệ già), và cũng đừng giảng luân lý. Tuổi trẻ phải được
hướng dẫn không qua những bài giảng luân lý khô khan (và chiếu lệ!)
nhưng mà do sự truyền lại kinh nghiệm của người đi trước, cụ thể là
những tấm gương trong tác phong, trong sinh hoạt trí thức, trong cảm
quan nghệ thuật. Muốn thế, người trí thức ở thế hệ đi trước phải tự
vấn, chính họ phải luôn luôn trau giồi, cập nhật hóa kiến thức, theo
dõi biến chuyển thời sự, sinh hoạt tư tưởng.
IV. Độc lập, phồn vinh và bền vững
Hiện đại là một tiến trình, một cách sinh hoạt, hơn là một trạng
thái. Đó là một tư duy chấp nhận thay đổi, tôn trọng cái cá biệt
của người khác, nhưng phóng đi từ ý thức rất rõ về mình, về cộng
đồng và lịch sử của mình. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện đại không có
nghĩa là những tranh chấp quốc tế không còn nữa (như những mỹ từ
“thế giới phẳng”, “hội nhập”... thường làm ta quên). Chủ nghĩa dân
tộc vẫn còn là động cơ đằng sau thương mại, bang giao quốc tế. Bất
cứ nước nào cũng bảo vệ quyền lợi, sự tự do, độc lập và toàn vẹn
lãnh thổ của mình. Chúng ta hiếu hoà nhưng qua những năm hi sinh
xương máu để giành độc lập, thống nhất đất nước, ta không bao giờ
quên được điều ấy.
Hiện đại phải đi trong tinh thần dân tộc. Dân tộc tính, cụ thể là
sự đoàn kết quốc gia, không chỉ là một nội lực cốt yếu để bảo vệ độc
lập và chủ quyền của đất nước (và không có độc lập và chủ quyền thì
mọi thứ khác đều vô nghĩa) nhưng, thực tiển hơn, còn là một yếu tố
để phát triển kinh tế, để giao lại cho những thế hệ tương lai một
nước Việt Nam mà chúng ta không hổ thẹn.
Nguồn Viet-studies.info
Trần Hữu Dũng
18-12-2007
|