Hình
bên: Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy đang đọc bài diễn văn của
ông tại một hội nghị quốc tế về sự thay đổi khí hậu ở Paris ,
hôm 18 Tháng Tư, 2008. Ông cảnh cáo rằng sự thay đổi khí hậu có
thể đưa tới chiến tranh và nạn đói. (Hình: Bertrand
Langlois/AFP/ Getty Images)
PARIS, Pháp (AFP) - Hôm Thứ Sáu 18 Tháng Tư, Tổng Thống Pháp
Nicolas Sarkozy nói với các nước gây ô nhiễm carbon lớn nhất
trên thế giới rằng tình trạng địa cầu ấm lên đang trở thành một
động cơ đưa tới nạn đói, bất ổn và xung đột, với cuộc chiến
tranh tại Darfur ở Sudan là một thí dụ cụ thể.
“Sự thay đổi khí hậu đang gây một ảnh hưởng đáng kể lên nền an
ninh,” ông Sarkozy nói trong một bài diễn văn với các bộ trưởng
của 16 nền kinh tế mà tổng cộng chiếm tới 80% lượng khí thải gây
hiệu ứng nhà kính.
Sự khan hiếm nước và sự tranh chấp để giành đất trồng trọt và
các nguồn lợi đánh cá đang nổi lên như “những thách đố lớn,”
nhất là ở Phi Châu, ông nói.
“Tại Darfur, chúng ta thấy hỗn hợp nổ này do ảnh hưởng của sự
thay đổi khí hậu, đã thúc đẩy những người ngày càng nghèo khổ
dời đi nơi khác để sinh sống, điều này sau đó đưa tới chiến
tranh,” ông Sarkozy nói.
“Nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo con đường này, sự thay đổi khí
hậu sẽ khuyến khích việc di dân của những người tay trắng tới
những vùng mà dân chúng có một cái gì đó, và cuộc khủng hoảng
Darfur sẽ chỉ là một trong số hàng chục vụ khủng hoảng khác.”
Ðã kéo dài từ năm năm nay, cuộc chiến tranh ở miền tây Sudan đã
lấy đi hơn 200,000 sinh mạng vì giao tranh, đói và bệnh và 2.2
triệu người khác đã trở thành không nhà. Vụ ra đi hàng loạt đã
có một hậu quả gián tiếp trên các nước láng giềng.
Ông Sarkozy loan báo Pháp sẽ tăng gấp đôi lượng viện trợ thực
phẩm khẩn cấp của Pháp cho năm nay, lên đến 60 triệu euro (100
triệu mỹ kim) và nói thế giới “không thể tiếp tục lãnh đạm với
sự bất ổn” tại những nước mà người dân bị đói.
Giá cả tăng vọt đối với các loại hạt - gạo, lúa mì, đậu nành và
bắp - đã gây ra những vụ phản đối và bạo động tại ít nhất 6 quốc
gia đang phát triển trong những tháng vừa qua.
Các chuyên viên nói cuộc khủng hoảng thực phẩm có nhiều nguyên
do, bao gồm nhu cầu gia tăng về thịt tại những nước Trung Quốc
và Ấn Ðộ đang phát triển nhanh chóng, kích thích việc giành đất
cho súc vật ăn cỏ và hạt được trồng để làm thực phẩm gia súc
thay vì thực phẩm cho người.
Tình trạng địa cầu ấm dần có thể làm trầm trọng thêm sự khan
hiếm nước, đặc biệt ở Úc, là một trong những vùng cung cấp ngũ
cốc cho thế giới. Sự chuyển hướng của Hoa Kỳ sang các nhiên liệu
sinh học để giảm mức phóng thải carbon cũng bị quy trách nhiệm.
Cuộc họp hai ngày tại Paris hôm Thứ Năm đã bị khó chịu vì những
lời chỉ trích nhắm vào kế hoạch mới của Tổng Thống George W.
Bush về khí hậu.
Trước đó, hôm Thứ Tư, ông Bush nói ông muốn lượng khí thải của
Hoa Kỳ lên tới đỉnh vào năm 2025, một biện pháp bị các nước Âu
Châu công kích là quá muộn và quá dè dặt, trong khi Nam Phi chỉ
trích một cách gay gắt đòi hỏi của ông rằng các nước đang phát
triển phải đưa ra những nhượng bộ. (n.n.)
Mực nước biển toàn cầu có thể tăng 1,5m
Theo một phân tích khoa học mới đây, đến cuối thế kỷ này, mực
nước biển toàn cầu có thể tăng lên 1,5m, cao hơn dự báo trước
đây của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên Hiệp
Quốc (IPCC).

80 - 90% diện tích Bangladesh sẽ ngập chìm dưới nước nếu mực
nước biển tăng 0,8 - 1,5m - Ảnh: Getty Images |
Theo báo cáo, được các nhà khoa học Anh và Phần Lan công bố tại
một hội nghị khoa học ở Vienna (Áo), điều này sẽ gây ra những
tác động to lớn đến các quốc gia ở những vùng thấp như
Bangladesh.
Kết luận trên được đưa ra trên cơ sở xem xét mối quan hệ giữa
nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển trong hai thiên niên kỷ qua.
“Trong 2.000 năm qua, mực nước biển trung bình toàn cầu rất ổn
định và thay đổi chỉ khoảng 20cm”, nhà nghiên cứu Svetlana
Jevrejeva thuộc Phòng thí nghiệm hải dương học Proudman (POL) có
trụ sở gần Liverpool (Anh) nói.
“Tuy nhiên đến cuối thế kỷ này, chúng tôi dự báo mực nước biển
sẽ tăng từ 0,8 đến 1,5m. Sự gia tăng này sẽ diễn ra nhanh chóng
trong vài năm tới khi kết hợp với quá trình tan chảy nhanh của
các khối băng”.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho rằng dự báo của IPCC
về mức tăng mực nước biển là “quá dè dặt” (theo IPCC, đến năm
2100, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng 28-43cm).
Năm ngoái, nhà nghiên cứu Đức Stefan Rahmstorf cũng đã đưa ra dự
báo tương tự nhóm của tiến sĩ Jevrejeva, cho rằng mực nước biển
sẽ tăng từ 0,5 đến 1,4 m vào năm 2100. |